Những cái bẫy của quỹ đầu tư dưới hình thức bảo hiểm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi viết bài này nhằm cung cấp thêm thông tin cho các bạn về những cái bẫy của quỹ đầu tư dưới hình thức bảo hiểm, và giúp các bạn tránh khỏi hình thức đầu tư tài chính này.

Quỹ đầu tư dưới hình thức bảo hiểm là gì?

Đó là những quỹ đầu tư thường sử dụng bảo hiểm sức khoẻ như một sản phẩm bổ trợ để lôi kéo bạn tham gia. Những điều khoản của bảo hiểm sức khoẻ này ban đầu nghe rất hấp dẫn (thực chất không hơn gì những bảo hiểm sức khoẻ chính thống khác), như khi bị bệnh hiểm nghèo hay tử vong, bạn sẽ nhận được hàng trăm triệu đồng.

Sau đó những quỹ này sẽ yêu cầu bạn tham gia những gói đầu tư dài hạn, thường là 10-20 năm, với mức phí bảo hiểm mỗi năm lên tới hàng chục triệu đồng, đắt hơn rất nhiều so với bảo hiểm sức khoẻ thông thường, với lời mời chào khi đáo hạn bạn sẽ thu về cả gốc cộng thêm khoản tiền sinh lời sau 20 năm. Đương nhiên, để khiến bạn yên tâm hơn, phần bảo hiểm sức khoẻ sẽ được duy trì trong vòng 20 năm đó. Bạn nghĩ rằng vừa có bảo hiểm sức khoẻ lại vừa đầu tư sinh lời, thế thì thật là có lợi. Nhưng sự thật không phải như vậy, và bài viết này sẽ vạch trần những chiêu trò của những quỹ đầu tư dưới hình thức bảo hiểm này.

Những kiến thức tài chính bạn cần có

Trước khi giải thích tiếp thì bạn cần hiểu được 3 kiến thức tài chính cơ bản và có liên quan tới việc vận hành của những quỹ đầu tư này (sẽ nói sau mục này).

1. Cách ngân hàng cho vay

Khi bạn vay từ ngân hàng để mua nhà đất hay kinh doanh, và đồng ý trả góp mỗi tháng chẳng hạn, thì số tiền trả góp những tháng đầu tiên của bạn gần như sẽ toàn bộ đi vào phần lãi, chứ không đi vào phần gốc của khoản vay.

Ví dụ, bạn vay 100 triệu, trả góp trong vòng 30 tháng, mỗi tháng bạn phải trả 5 triệu (vì sau 30 tháng, tính cả gốc 100 triệu + lãi 50 triệu, bạn nợ tổng cộng 150 triệu). Trong những tháng đầu, trong 5 triệu đó mỗi tháng, 4 triệu sẽ dùng để trả lãi, và chỉ 1 triệu dùng để trả khoản vay gốc. Điều này xảy ra vì 2 lí do:

- Lí do thứ nhất, ngân hàng tính lãi dựa trên khoản nợ gốc. Trong những tháng đầu, khoản nợ gốc của bạn vẫn còn cao, nên phần lãi phát sinh sau mỗi tháng cũng cao, và đa số tiền trả góp mỗi tháng đầu của bạn đi vào trả lãi. Trong ví dụ trên, sau tháng đầu, tổng cả gốc và lãi bạn phải trả sẽ là 100 + 4 = 104 triệu, và sau khi bạn trả 5 triệu, bạn vẫn còn 104 - 5 = 99 triệu tiền nợ gốc, vì 4 triệu trong số 5 triệu đã đi vào trả lãi.

- Lí do thứ hai, do lãi là khoản rủi ro, nên ngân hàng muốn thu về lãi càng nhanh càng tốt. Lãi suất được ngân hàng đưa ra ban đầu dựa trên tình hình kinh tế, lạm phát, sức mua thị trường. Giá trị của đồng tiền tăng trong thực tế có thể không giống như lãi suất dự báo. Vì vậy nên phần tiền lãi 50 triệu trong ví dụ trên là khoản rủi ro (nếu giá trị đồng tiền giảm mạnh thì ngân hàng đúng ra phải ăn nhiều lãi hơn chẳng hạn), và ngân hàng sẽ muốn thu về phần lãi đó càng sớm càng tốt. Thế nên tiền bạn trả góp trong mỗi tháng ban đầu gần như đi hết vào trả lãi, và ngân hàng có thể an tâm dũng phần trả lãi đó để tái đầu tư (cho vay).

2. Vay đầu tư kinh doanh

Khi một doanh nghiệp vay đầu tư kinh doanh, rất ít khi họ vay ngân hàng. Họ thường vay những quỹ tín dụng nhỏ hơn với lãi suất cao hơn lãi suất của ngân hàng, có thể tạm gọi là "vay nặng lãi". Tại sao như vậy?

Nguyên nhân là vì vay ngân hàng thường mất nhiều thời gian, cần nhiều điều kiện hơn để ngân hàng xử lí hồ sơ xin vay. Đồng thời, do kinh doanh là hình thức vay rủi ro cao, ngân hàng cũng ít khi đồng ý cho vay. Ngược lại, những quỹ tín dụng thường linh hoạt và nhanh hơn khi cho doanh nghiệp vay, đổi lại họ đưa ra lãi suất cao hơn nhiều so với ngân hàng. Tuy vậy nhưng doanh nghiệp vẫn phải vay từ quỹ tín dụng vì nhu cầu nguồn tiền của họ đôi khi là rất cấp bách. Ví dụ, một cơ hội kinh doanh bất ngờ xuất hiện, bạn vay 100 triệu từ quỹ tín dụng, với lãi suất cao, và phải trả 150 triệu sau 1 năm. Bạn chấp nhận vì biết sau 1 năm đó bạn có thể thu về gấp đôi - 200 triệu từ cơ hội này, như vậy bạn lãi 50 triệu.

3. Phí bảo hiểm

Bất kì loại bảo hiểm nào từ sức khoẻ tới nhà, xe cộ đều yêu cầu người tham gia đóng phí bảo hiểm. Phí này thường thấp trong những năm đầu, khi bạn còn trẻ khoẻ, khi nhà cửa, xe cộ còn mới, và sẽ tăng dần trong những năm tiếp theo, khi sức khoẻ bạn yếu dần, nhà cửa, xe cộ hư hao và hỏng hóc dần.

Có liên quan gì tới quỹ đầu tư theo hình thức bảo hiểm

Như đã nói, 3 kiến thức cơ bản trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về hoạt động của những quỹ đầu tư theo hình thức bảo hiểm - chủ đề của chúng ta trong bài viết này.

1. Phí rất cao trong những năm đầu

Khi bạn tham gia những quỹ đầu tư theo hình thức bảo hiểm này, thì phí những năm đầu rất cao. Ví dụ mỗi năm bạn đóng 50 triệu thì phí năm đầu tiên sẽ lên tới 46 triệu, chỉ có 4 triệu là được đưa vào "khoản đầu tư". Năm thứ hai sẽ là 40 triệu, thứ ba sẽ là 35 triệu, v.v... Bạn sẽ không hiểu đây là phí gì, và vì sao lại phải cao như vậy. Trong hợp đồng cũng chỉ ghi rất mập mờ "phí quản lý".

Đó là vì 2 lí do rất liên quan tới những kiến thức tôi đã nói ở trên:

- Lí do thứ nhất, những quỹ đầu tư này muốn sử dụng tiền của bạn càng nhiều, càng sớm càng tốt. Họ muốn lấy tối đa phần tiền bạn đóng để kinh doanh, sinh lời càng sớm càng tốt. Nhớ lại rằng đối với doanh nghiệp kinh doanh, nguồn vốn là yếu tố sống còn. Bây giờ mỗi năm họ nhận được 50 triệu từ bạn thì tội gì họ không sử dụng phần lớn từ những năm đầu tiên.

- Lí do thứ hai, đây là chiêu bài để ép bạn đóng tiền đầy đủ trong những năm đầu, có thể lên tới 8-10 năm. Đương nhiên bạn không thể rút về trong những năm đầu vì có thể bạn đã đóng vào tới hàng trăm triệu, nhưng vì phí cao mà bạn không thể rút ra vì bây giờ có rút ra thì bạn lỗ có thể tới hơn một nửa (tuy nhiên bạn vẫn nên rút ra, lí do xin mời đọc tiếp). Thế nên bạn cố cắn răng đóng đủ hàng năm với hi vọng mỏng manh một ngày nào đó sẽ thu lời.

Một điều nữa liên quan tới phí đó là nhân vân tư vấn bảo hiểm có thể giải thích rằng vì bạn cao tuổi nên phí những năm đầu cao. Vậy thì bạn hãy đọc lại phần kiến thức tài chính ở trên: Phí những năm đầu nên thấp, về sau mới tăng. Thế nên đây hoàn toàn là những lời dụ dỗ không có căn cứ của nhân viên tư vấn.

2. "Nhưng tôi được nhận bảo hiểm sức khoẻ?"

Như đã nói ở trên, phần bảo hiểm sức khoẻ của những quỹ đầu tư này không hơn gì những bảo hiểm sức khoẻ đơn thuần chính thống khác. Tệ hơn rất nhiều, bạn phải đóng quỹ chỉ để duy trì bảo hiểm sức khoẻ.

Có thể sẽ có những điều khoản hấp dẫn như khi bạn gặp bệnh hiểm nghèo hoặc tử vong thì sẽ nhận tới hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thứ nhất, bảo hiểm sức khoẻ nào cũng vậy, những bảo hiểm sức khoẻ chính thống mà bạn đóng 3-5 triệu/năm chắc chắn cũng sẽ có điều khoản đó. Và thứ hai, khoản tiền đóng quỹ hàng chục triệu đồng mà quỹ đầu tư lấy ra làm "phí" kể trên, sau khi họ kinh doanh, có thể thu về gấp rưỡi gấp đôi, và sau 3-5 năm họ thừa sức mang khoản lời hàng trăm triệu đó ra để bảo hiểm cho bạn. Nói cách khác, thật tréo ngoe khi bạn đang đóng hàng trăm triệu tiền bảo hiểm, và quỹ đầu tư sử dụng chính tiền đó để bảo hiểm cho bạn khi bạn gặp bệnh hiểm nghèo hoặc tử vong. Đây hoàn toàn không phải là cách bất kì một dạng bảo hiểm nào hoạt động, mà chỉ là sự tinh vi của những quỹ đầu tư khiến cho bạn nghĩ rằng bạn đang hưởng lợi bảo hiểm.

3. "Nhưng khoản đầu tư sẽ sinh lời sau này?"

Đúng nó sẽ sinh lời, nhưng là sau hàng chục năm, thậm chí 20 năm. Giả sử bạn đóng 500 triệu, sau 20 năm bạn sẽ có 550 triệu (nếu bạn rút về) chẳng hạn. Đó là trong trường hợp lạc quan. Nhưng do quỹ đầu tư cũng chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh, họ có thể phá sản, bốc hơi bất cứ lúc nào. Bạn có dám chắc sau 20 năm quỹ sẽ vẫn còn tồn tại để bạn nhận lãi 50 triệu cỏn con?

Kể cả như vậy, khi đó nhìn lại, sau 20 năm bạn mới chỉ lãi 50 triệu, trong khi lúc này, tháng này tháng sau giá vàng đã tăng gấp đôi. Khoản 500 triệu bạn bỏ ra đóng quỹ suốt 20 năm qua, nếu được đầu tư đúng đắn ngay từ lúc đầu, có thể lúc này đã lên tới cả tỉ bạc.

4. Quỹ đầu tư vẫn giữ tiền của bạn suốt 20 năm

Một số quỹ đầu tư sẽ dụ dỗ bạn rằng "Bảo hiểm này kéo dài 20 năm, nhưng anh/chị chỉ cần đóng 10 năm đầu tiên, mỗi năm 50 triệu. 10 năm sau anh/chị không cần đóng gì nhưng vẫn nhận quyền lợi bảo hiểm sức khoẻ."

Bạn có thấy rằng không chỉ thu phí cao, sinh lời thấp, mà họ còn giữ tiền của bạn trong suốt 20 năm. Trong 20 năm đó, 500 triệu của bạn đã sinh lời cho họ gấp bao nhiêu lần, trong khi bạn vừa mất nguồn tiền, mà nếu sau 10 năm bạn rút về (chưa chắc đã rút về nổi đủ 500 triệu), bạn cũng mất luôn bảo hiểm. Lòng tham của những quỹ này có thể gọi là không đáy, và luôn sử dụng những lời có cánh để đánh vào tâm lý người mua.

Lời kết

Hi vọng với bài phân tích này, bạn nhìn ra được những thủ thuật, những góc khuất mà những quỹ đầu tư không bao giờ cho bạn biết, và hành động đúng đắn. Tôi thành thật khuyên những người đã tham gia nên rút tiền càng sớm càng tốt. Chắc chắn bạn sẽ mất nhưng mất sớm còn hơn đợi chờ mòn mỏi. Khoản tiền ít ỏi bạn thu về lúc này, nếu khéo léo đầu tư, sẽ sinh lời cao hơn nhiều lần bạn đóng cho quỹ và để quỹ đầu tư cho chính họ. Nếu bạn càng để lâu thì số tiền họ giữ được càng nhiều, sinh lời cho họ càng nhiều, và khiến những quỹ này mãi mãi đủ vốn vừa kinh doanh, vừa chèo kéo thêm nhiều người tham gia, để đến lúc chẳng may, doanh nghiệp bốc hơi (đa số các quỹ này đều xuất phát từ nước ngoài), thì tiền mất tật mang.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro