Kỳ Hâm | Mình ơi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gửi em của anh thương mến!

Phút giây giọt nắng cuối cùng rơi xuống ngọn cỏ xanh rì nhường chỗ cho ngày tàn vụn vỡ, anh về thăm em sau ngần ấy năm bôn ba xứ lạ quê người rồi đây.

Gia Kỳ ơi...
Mùa của những tiếng ve chao đảo một khung trời, cánh ve mỏng manh như dáng hình em ngày trước.
Gia Kỳ của anh, năm tháng đày đọa em trên chiếc giường ám mùi thuốc bắc. Những trận ho đêm dày vò em từng cơn cho đến tận trời hửng sáng.
Gia Kỳ của anh kiệt quệ đến trơ xương, vậy mà ánh mắt không nhiễm chút u buồn.

Đôi mắt ấy chứa bầu trời sao, chứa mùa hạ, chứa ve sầu, chứa cả anh bằng một ánh sáng đơn thuần nhất.
Anh soi mình trong ánh mắt của em, đắm chìm vào thứ trong ngần đó đến mê ly, mê không có lối về.

Anh muốn bên em một đời, đưa cho em bàn tay để siết chặt khi em quằn mình chịu những cơn đau. Nếu Gia Kỳ không có anh thì phải làm sao bây giờ?

Mùa hạ của những năm trước, không nô nức tiếng người. Bóng những thanh niên đùa giỡn, kéo nhau đi giữa cung đường hai hàng hoa cúc nở. Người bày bán, kẻ tìm mua, xao động thoáng chốc mà mùa hạ rộn ràng hơn thuở ấy nhiều lắm.

Mùa hạ của chúng mình bị bom đạn quấy rầy.

Anh nhớ như inh cái hồi đạn nã đùng đoàng nhức nhối, nhớ cái hồi giặc tràn vào vùng quê nghèo phá nát cái yên ả thân thương. Chúng dồn dân ta vào núi rồi lùng bắt như một thú vui.

Anh dẫn Kỳ trốn vào một cái động, trong đó đã ngồi sẵn vài chục người già trẻ lớn bé. Người ta co rúm lại, nỗi tuyệt vọng hằn lên từng tấc trên khuôn mặt.
Anh thì không buồn hận, Kỳ của anh thở dốc nặng nề, anh sợ hãi.
Tiếng xào xạc ngoài động như tiếng giày tây dẫm lên lá, tiếng la hét thê lương thấu trời, tiếng súng lạnh căm đùng đoàng thấp thoáng.

Anh nhớ anh đã nói yêu em, trong cái giây phút sống chết chưa tỏ.
Kỳ bứt bừa cọng cỏ dại cột thành sợi dây rồi luồn vào ngón áp út của anh. Tiếng Kỳ khản đặc, yếu ớt khi có khi không.
"Nếu quê mình không còn vết tích bom đạn nữa, chúng ta cưới nhau nhé?"

Kỳ thủ thỉ cho anh nghe về cuộc đời lưu lạc, cậu ấm bề thế giờ chỉ còn tấm thân tàn tạ nốc thuốc sống qua ngày. Em nói về những ngày xưa như chẳng phải chuyện của mình, em kể xưởng thuốc nhà em bị người ta phóng hỏa đốt trụi.
Em nói em đã từng đơn độc trên cõi đời này cho đến khi gặp anh.

Nhưng so với em, Hâm mới là người cô đơn. Anh lớn lên bằng bàn tay nuôi dưỡng của cả thôn cả xóm, anh không biết mặt ba má ruột của mình mà họ cứ thế vứt lại anh giữa đường mà chẳng sợ bị xe ngựa dẫm chết.
Anh cứ sống như ngọn cỏ, nhỏ bé mà mạnh mẽ.

Và rồi Đinh Trình Hâm gặp Mã Gia Kỳ khi chỉ còn sót lại chút hơi tàn, bệnh tật vắt kiệt sức sống của thanh niên đương độ nhiệt huyết. Những ngày tháng đó cái lưới bắt cá, cái rìu đốn củi, cái liềm gặt lúa, anh và Kỳ nương tựa nhau sống qua ngày.

"Anh nuôi em nổi hông?" Mã Gia Kỳ đẩy chén thuốc đã được anh thổi âm ấm, dè dặt hỏi.
"Nuôi mười em còn được."
Anh vỗ ngực tự tin sau đó chẳng hiểu vì sao Gia Kỳ lại giận, dụ quài không chịu ăn cháo.
.
.

Trong cái khoảnh khắc mà lòng người sợ hãi khôn nguôi, Kỳ bình tĩnh ôm anh vào lòng, ủ bàn tay lạnh ngắt của anh bằng lòng bàn tay chẳng ấm hơn là bao nhiêu.
"Người ta nhìn mình kìa..."
Anh nói thế thôi, tay thì ôm eo Kỳ càng chặt.
Kỳ nhận ra cái nết trẻ con của anh, cười cười, cố ý lật bàn tay đeo nhẫn cỏ của anh phơi ra trước con mắt của mấy chục người trong động.

Và tất cả mọi người được cứu, thảm cảnh của cả làng sau trận đồ sát đó ớn lạnh phát hoảng. Nhà cửa tan hoang, ruộng đê tiêu điều. Những người dân bỏ mạng trong họng súng của địch nhiều vô số kể, nằm trơ trên đất, mắt hận không thèm nhắm.
Tiếng khóc than dậy trời hù bầy sẻ bay tán loạn, ánh mắt thuần phác của nông dân trào lên nỗi hận thù. Bọn trẻ ngây ra nhìn ba, nhìn má, nhìn ông bà, nhìn những người mới hôm qua còn ngồi chung mâm cơm chuyện trò ríu rít nay đã bỏ rơi chúng trong cái khốn cảnh loạn lạc này.

Chúng phải thế nào đây? Ai thương cho chúng đây?

Kỳ lặng lẽ nhìn tất cả, nhà của hai người cũng đã trở thành đống đổ nát. Nhưng Kỳ phải uống thuốc, ba ngày trong động có ăn uống cái chi đâu?
Môi Kỳ tái nhợt, anh còn thấy tay Kỳ run rẩy. Thế mà Kỳ vẫn đứng thẳng lưng như cây tùng vững trãi.

Hai người dựng tạm một cái chòi nhỏ để ở, phủ lá cây tạm bợ che nắng che gió chứ Kỳ đã yếu lắm rồi.
Ấy vậy mà ông trời không thương, ngay lúc này mà mưa đổ như thác dội sập cái chòi trơ trọi.
Hai người ngẩn ngơ nhìn đống hỗn loạn nọ, tự nhiên bật cười, cười chảy nước mắt.
Mà chẳng bao lâu sau, giặc lại tràn đến chiếm đất lập bốt, lần này chúng chẳng đánh phá mà bắt dân phải lao động khổ sai, đánh đập rồi hành hạ dã man khiến lòng người giận sôi gan sôi dạ.
Anh thì có thể làm được nhưng chúng bắt người bệnh tật triền miên không xa chén thuốc nổi ba ngày như Kỳ cởi trần đi vác gỗ, khúc nào khúc nấy đủ để đè bẹp thân hình gầy yếu.
Lưng Kỳ không chỗ nào lành lặn nữa, Hâm xót xa vô cùng. Anh hiểu được muốn thoát khỏi cái cảnh khốn nạn này thì phải vùng lên, chẳng cách nào khác cả.
Chết trong ngợi ca còn hơn sống mà tủi nhục.
Tối đó, anh cùng vài thanh niên nữa vác rìu vác cuốc đi chiếm bốt, vai anh  lủng một lỗ sâu hoắm đen xì vì trúng đạn, thế mà chiếm bốt thành công.
.
.
Sau đợt đó anh có tiếng nói lắm, Kỳ cũng được thơm lây. Người ta tới đưa thuốc quá trời, mấy cây thuốc nam dễ kiếm dễ nấu này đầy rẫy trong núi, nhưng đỡ cái vụ phơi nên anh cũng ậm ờ cảm ơn.
Uống thuốc cho thuốc biếu thế mà Kỳ mạnh hơn hồi anh phải cuốc bộ lên trấn trên mua, giờ đi bay bay cười sởi lởi là chuyện nhỏ. Người ta bấy giờ mới biết người ở chung nhà với anh dễ mến đến vậy, gặp ai cũng cười nói thân thiết, tánh thì hiền như bụt, con rể của người người nhà nhà là đây chớ ở đâu nữa.
Người ta tới cửa đánh tiếng, hỏi đầu đuôi nguồn gốc xuất xứ của Kỳ đến mức anh phát bực. Cái nhẫn cỏ cạ vào da tay ngưa ngứa, anh cong cớn cười như thằng Tý giành được củ ấu trong tay thằng Tèo.
"Mình ơi, cơm nước xong rồi, ăn thôi chứ không nó nguội mất ngon."

Tiếng "mình" ngọt như mía lùi phát ra từ cái giọng thách thức đầy chiếm hữu, Kỳ nhịn cười đi vào trong còn người đến làm mai ba chân bốn cẳng chạy đứt cả dép.
"Em nghe rồi! Ăn cơm thôi mình ơi!"
Thấy Kỳ ngồi xuống bàn mà anh chẳng dám nhìn, sợ Kỳ thấy đám mây hồng vắt vẻo nơi gò má anh. Bây chừ hối hận còn kịp không? Có ông trời mới biết tiếng "mình" thốt ra xong anh nổi gai óc rần rần, xưng gì mà nó sến rện sến quẹo, sao mà ba má thằng Tý gọi nhau cả ngày không ngán vậy ta?

"Mình ơi, ghen vừa vừa thôi."
"Ai mà thèm ghen? Mà đừng có xưng vậy nữa, kì chết à!"
Mã Gia Kỳ được dịp cười sặc cả cơm, hiếm có khi Đinh Trình Hâm thẹn đỏ mặt như gấc thế này lắm, toàn thấy anh trêu Kỳ thôi.
"Mình ơi."
Suốt ngày hôm đó, tiếng "mình" treo trên miệng Kỳ nghe riết mà anh quen cái lỗ tai, liếc tới liếc lui mấy cái rồi tự ngộ ra cái xưng hô này dễ cưng quá đỗi.

Sau đó khi sức khỏe của Kỳ đã ổn hơn, anh quyết định nhập ngũ, lên tiền tuyến để bảo vệ mảnh đất yên bình còm đang chôn lời hẹn thề về một cái đám cưới nho nhỏ với Kỳ.
Ngực anh sục sôi ý chí, cái đứa cù bất cù bơ hồi xưa giờ vác súng trên vai hành quân trên đồi núi hiểm trở bảo vệ thứ nó muốn bảo vệ.
Đinh Trình Hâm ở trong núi cả tháng, bị muỗi rừng hành cho phát sốt, trong cơn mê man tưởng chừng như sắp lịm đi gặp ông bà ông vải, anh như nghe được tiếng "mình" chờ trông của Mã Gia Kỳ.
Anh lại vực dậy. Anh là ngọn cỏ mãnh liệt sống sót trong cái cằn cỗi của thời cuộc. Gia Kỳ là dòng nước mát mang niềm tin và hi vọng đến cho cuộc đời anh.
Vết thương trên vai hồi đánh đồn bốt ở làng cứ trở lạnh là nhức nhối tê tái, anh thèm bàn tay Kỳ nhẹ nhàng thoa rượu thuốc rồi xoa bóp nhè nhẹ cho dịu cơn đau.
Bàn tay kia viết ra nét chữ tròn trịa nắn nót lắm, thư Kỳ gửi ở hậu phương đến anh ngắm nghía không sót đêm nào. Anh vừa đọc vừa chảy nước mắt, xưa giờ toàn trêu Kỳ nói nhớ ngoài miệng, giờ xa cách nhớ đến khắc khoải sầu vương, nhớ da diết thảm thương mà không có cách nào hết nhớ.

Có, có chứ. Ngày đại thắng trở về, ngày mà nỗi nhớ thôi thổn thức, ngày anh tổ chức một cái đám cưới nho nhỏ với Kỳ.
Đinh Trình Hâm như mơ thấy trầu cau mâm quả, mơ thấy Kỳ ôm anh trong lòng thì thầm "mình ơi", mơ cái ngày mà khát khao của hai người thành sự thật.

Đinh Trình Hâm vuốt ve bia đá lạnh ngắt, cay đắng cười khổ
"Mình ơi, anh đến thăm mình nè."

Cỏ dại mọc dài chọc vào mắt cá chân, nơi này không người lui tới nên Kỳ hiu quạnh cô đơn lắm. Kỳ thích cười thích nói, Kỳ dịu dàng thuần hậu.
Đối diện anh chỉ còn là chút ký ức ố vàng năm tháng thời gian, khi mà khuôn mặt tuấn tú của em dần mờ nhạt.
Anh bật khóc trong vô vọng đau thương, anh sợ hãi, anh bất lực.
Một ngày nào đó, trí nhớ già nua bỏ lỡ em thì sao?
Một ngày nào đó khi nhắc đến tên em chỉ còn những chuyện vụn vặt anh cố gắng gom góp lại, anh phải làm sao đây?
Phải làm sao sống tiếp đây Kỳ?

Ngày vui đại thắng, cả nước hân hoan đón chào thời khắc đổi mới, anh cũng về với vô vàn nhớ thương.
Cái thôn xóm nhỏ tạm trở về với những bình yên xưa cũ, mà yêu dấu của anh đã vùi chôn trong đất lạnh.
Một đợt tập kích bất ngờ của địch cướp đi người anh yêu nhất. Người ta nói lúc đi quanh làng kiểm tra thì thấy em không còn nguyên vẹn nữa.

Hạ sang rồi Kỳ ơi, anh nhớ em trong từng thời từng khắc!
Anh đặt bó hoa cúc trắng xuống, gục đầu kề trán vào tấm bia tìm kiếm chút hơi ấm may mắn còn sót lại.
Hai mươi năm rồi, sót lại cái chi đâu?

"Mình ơi..."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro