Người Việt có dân tộc tính không? (Phần 4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

David Riesman chia đại khái tánh chất con người ra làm ba loại:

1) Những người do khuôn khổ cổ truyền đào tạo, tự nhận chỉ là một bộ phận của xã hội, gia đình. Vua bảo chết là vui vẻ chết hoặc khi chồng chết thì vợ vui vẻ lên giàn hỏa để được thiêu xác (thời phong kiến ở Tàu, các bộ lạc đói kém);

2) Những người sống theo lý tưởng cá nhân, lập nghiệp kinh doanh, lo luyện chí để đạt mục tiêu riêng (thời kỳ tư bản);

3) Những người sống bằng dư luận bên ngoài, (thời kỳ tiện nghi vật chất với số hàng hóa thừa thãi) ăn ở đi đứng theo thời trang, theo công thức giao tế.

D. Riesman xác nhận rằng trong thực tế của xã hội tân tiến Mỹ và Âu còn nhiều lớp người phức tạp, không đứng hẳn vào một trong ba loại kể trên. (Xem bản dịch Pháp văn D. Riesman, La foule solitaire, nhà Arthaud, Paris, 1966)

Chúng tôi thử nhìn xã hội Việt Nam, dùng tiếng thông thường của văn nghệ để tạm so sánh:

1) Ở giai đoạn đầu với luân lý phong kiếm kềm hãm, con người dính liền với bóng xế tà, với cỏ cây, với tiếng quốc nhớ chúa, tiếng đa đa gợi nhà, với trời non nước. Sự tan hòa vào vũ trụ của Ta đứng một mình trên ải đèo Ngang.

2) Ở giai đoạn nhì, con người là Tôi, theo nghĩa lãng mạn Tây phương, tôi của Xuân Diệu "Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi", "Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng", "Tôi muốn buộc gió lại, cho hương đừng bay đi". Tôi là người hùng làm thầu khoán theo kiểu Lê Văn Trương.

3) Ở giai đoạn thứ ba, con người không là Ta, là Tôi nhưng là những "Khuôn Mặt". Đã là khuôn thì hơi nhàm, theo công thức từ căn bản nhưng giãy dụa để ra vẻ độc đáo và độc đáo có nghĩa là chạy theo công thức mới. Cá tính bị tiêu diệt mà không hay.

Cả ba giai đoạn "Ta, Tôi, Khuôn Mặt" đều là hiện tượng tất yếu do mức sanh sản trong nước, dân số lên cao hay xuống thấp. Theo D. Riesman thì khi dân số tăng quá mau (chết nhiều nhưng sanh đẻ thêm nhiều hơn), người ta có xu hướng hy sinh số người thừa thải trong xã hội, "chết đâu chết bớt cho thiên hạ nhờ". Đó là giai đoạn của "Ta", cái ta chìm trong tập thể như hột muối hóa trong nước.

Nhưng xã hội tiến dần, dân số trong nước không giảm, không tăng. Đó là giai đoạn kỹ nghệ xuất hiện và phát triển. Con người trong giai đoạn nầy là "Tôi", là cá nhân với lý tưởng riêng, sáng kiến riêng, tánh mạng riêng.

Khi dân số bắt đầu giảm sút với giai đoạn hàng hóa thừa thãi con người trở thành "Khuôn Mặt" sống theo dư luận bên ngoài, theo công thức, mất tất cả cá tính.

Ta, Tôi, Khuôn Mặt đều mang những ưu điểm và khuyết điểm.

Đa số người Việt Nam ngày nay đang ở giai đoạn nào? Ta, Tôi hay Khuôn Mặt?

Tình thế thật phức tạp, nhất là ở đô thị. Kinh tế thiếu kém nhưng được nhiều sản phẩm viện trợ. Đẻ con đông nhưng chết chóc nhiều vì chiến tranh. Muốn cắt bỏ những ràng buộc về văn hóa cổ truyền nhưng lại phải gìn giữ. Và ai ai cũng muốn bám vào "dân tộc". Chánh khách xôi thịt, những người làm "văn nghệ mới" vẫn thường nhắc hai tiếng dân tộc khi cần tìm chỗ đứng.

Việt Nam là chiến trường thí nghiệm của hai khối lớn trên thế giới, nhiều người nhận định như vậy. Có người than vãn rằng người Việt đang chịu đựng sự thí nghiệm như bệnh nhân bị đè trên bàn mổ, chịu đủ các thứ thuốc tê, thuốc bổ, thuốc hồi sinh. Thiết tưởng dầu dân số ít, tài nguyên ít, dầu không cao không mập hơn ai, người dân Việt đau khổ vì chiến tranh có đủ thẩm quyền để trả lời: Chúng tôi là một nước văn hiến. Chúng tôi đã và đang chủ động thí nghiệm mọi triết lý. Các triết lý Âu Á từ xưa đến nay đang bị chúng tôi thí nghiệm. Với cuộc thí nghiệm nầy, người Việt đang trưởng thành, trở thành con người mới. Và những kẻ đem chúng tôi ra thí nghiệm cũng bị hóa thân, trở thành con người khác. Người Việt Nam chịu đựng chiến tranh nầy để làm bài học sống cho nhân loại.

Nhiều nhà khảo cứu, ký giả, quan sát viên đến tận Việt Nam, ở Sài Gòn và đôi khi đến thôn quê hẻo lánh để tìm hiểu, trắc nghiệm. Họ đưa ra nhiều nhận xét đầy mâu thuẫn, đính chánh tới đính chánh lui. Về dân tộc tính, họ chỉ biết ghi chép vài nét vụn vặt.

Văn hóa dân tộc, dân tộc tính là vấn đề rất cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Nhiều điểm thực tế ghi chép bằng con số, bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp lại mơ hồ. Và lắm khi điểm mơ hồ mới là thực tế.

° ° °

Chúng tôi cầu mong rằng: người Việt đang và sẽ bao gồm những nét đẹp của ba giai đoạn Ta, Tôi và Khuôn Mặt.

1) Hòa mình với thiên nhiên nhưng không đói kém, không mê tín.

2) Sống với lý tưởng nhưng không ích kỷ, ám hại đồng loại không xem đồng loại là phương tiện.

3) Biết sử dụng những tiện nghi vật chất, xem vật dụng do kỹ nghệ sản xuất là phương tiện chớ không lặn hụp loi ngoi trong tiện nghi, trở thành một thứ đồ vật trong thế giới đầy đồ vật, để cho đồ vật điều khiển ngược lại con người.

Người Việt Nam không muốn mang bịnh rét rừng kinh niên thời trước và bệnh cô độc, bệnh suy yếu thần kinh thời nay.

Người Việt Nam vốn biết mình biết người, vì có tiềm lực nên khiêm tốn, không khoe khoang, vì đã quen đường dài nên bình thản không nôn nóng, vì tự tin nên biết cách ứng phó với mọi hoàn cảnh, gặp khó khăn thì giữ thái độ kín đáo, khôi hài cho qua buổi, gặp giông tố thì mở rộng cửa trước và luôn cả cửa sau cho nhà không bị sập.

Việt Nam là một đóa hoa trong những đóa hoa. Nụ hoa đang trải qua giông bão, đang mãn khai, đang kết trái.

Xem trái để hiểu gốc là một trong những phương pháp mà chúng ta nên chọn. Vì miền Nam là đất mới. Nên tìm hiểu những tác dụng qua lại giữa văn hóa Việt Nam và các luồng văn hóa khác (Tàu, Pháp, Mỹ, Miên... ) Đó là sự va chạm vừa âm thầm, vừa gay go.

Văn hóa, dân tộc tính là những danh từ mà mỗi người định nghĩa một cách nhưng ít ra người ta đã đồng ý ở điểm căn bản: đó là sự thích ứng với hoàn cảnh để sinh tồn, đó là khí thế bộc lộ khi va chạm với thiên nhiên, với người khác. (Làm thế nào để ăn no mặc ấm, giữ được giá trị của mình, phát triển năng khiếu).

Nghiên cứu sự va chạm, sự thích ứng ấy là việc làm thích thú. Nào là cách xây cất nhà cửa, cách chế biến thức ăn với nguyên liệu địa phương. Nào là lối phát biểu ý kiến trước một sự kiện hoặc thái độ trầm lặng khó hiểu. Ra đường ta nghe ngóng những lối khôi hài, những giai thoại. Hơi đâu mà đòi hỏi hoàn cảnh yên ổn để tìm pho sách quý, để đào vài ngôi mả hoang. Chúng ta làm việc cho chúng ta, vì chúng ta chớ không phải vì được các học giả Tây phương khen ngợi (lề lối học tập của Đại học Tây phương hiện đang bị sinh viên phản đối, đòi làm cách mạng Đại học).

Ta cứ lên đường, tìm những nét tiêu biểu cho sự va chạm văn hóa, ta lấy ta làm chủ, ta sẽ vui khi thấy rằng còn quá nhiều công việc để ghi chép nghiên cứu. Cao ly sâm là thuốc bổ. Chúng ta hoanh nghinh thái độ của vài bạn trẻ mua Cao ly sâm bỏ trong túi quần, lúc buồn buồn, lúc hơi mệt thì nhai chơi cho vui miệng như ăn kẹo. Dùng Cao ly sâm như vậy ắt sai phương pháp: Cao ly sâm là món dành riêng cho các cụ, trẻ mà uống sâm thì "hàn", uống sâm phải đúng cân lượng, nhờ sự chỉ dặn của y sĩ, củ sâm phải được chưng hoặc pha rượu. Nhưng các bạn trẻ ngỗ ngáo ấy muốn thí nghiệm gấp cho biết, nhai chơi là chuyện vui, không bổ bề ngang thì cũng bề dọc. Còn hơn là các cụ bất lực, muốn được hồi xuân nhưng hồi xuân không nổi, mua Cao ly sâm đem về ngâm rượu rồi ngắm nghía, chiêm ngưỡng từng cái tay, cái đầu của con sâm, uống lai rai với niềm thất vọng kín đáo, với thái độ siêu hình cho rằng củ sâm cũng linh thiêng nào khác người, phải tôn kính nó.

Tìm thế nào? Chọn lựa những gì? Quê hương đâu?

Đây không còn là lúc đùa giỡn với danh từ, chúi mũi vào sách vở báo chí xưa. Sách báo ra mắt vào những năm đầu thế kỷ thứ 20 là quý nhưng vẫn là thiếu sót. Cuộc sống hiện tại là quyển sách lớn. Cái hiện tại ở xứ ta dính vào dĩ vãng, cuộc chiến tranh hiện nay phải chăng có liên quan đến hậu quả của hiệp định Genève? Và cuộc khởi nghĩa 1945 vẫn khó tách rời khỏi cuộc chống Pháp năm 1940, khỏi cuộc vận động của Nguyễn An Ninh Đông Kinh Nghĩa Thục về trước nữa.

Sách báo là một trong những thứ tài liệu mà thôi. Lắm khi báo lại là sử liệu xấu, vô duyên của ngày tháng mà nó ra mắt.

Chúng ta nên thử xê dịch ra khỏi thành phố để hiểu thành phố. Trước tiên là ngoại ô. Mấy tiếng "chòi tranh vách đất" đã lỗi thời rồi. Ngoại ô bây giờ là vùng nước đọng, là ruộng rẫy của mấy năm về trước. Thành phố cổ điển "hòn ngọc Viễn Đông" đã nới rộng, nếu không nói là vỡ tung ra, không tài nào thiết kế nổi. Từ ngõ hẻm, gần giờ làm việc ta bắt gặp nhiều khuôn mặt. Họ mặc áo ka-ki để đi làm phu hoặc mặc áo dài với son phấn đi xe đạp hoặc xe gắn máy, ra đi với cái bụng hơi đói. Hoặc trước khi đi, cái bàn tay móng sơn đỏ đã chia sớt phân nửa củ khoai, một mẩu bánh mì với bầy con lao nhao lố nhố.

Vùng ngoại ô còn nhiều bến đò, nhiều bến xe ngựa, xe lam. Nên nghe những mẩu chuyện vì dân tộc tính thường bộc lộ ở cách nói khôi hài. Thí dụ như muốn trị bịnh đau bụng kinh niên thì nên dùng bột mà nắn hình 9 hoặc 7 con chó nhỏ rồi nuốt vào bụng, đàn ông nuốt 7, đàn bà nuốt 9. Mấy con chó bằng bột ấy sẽ chạy vào ruột mà xơi phẩn, chứng đau bụng tức khắc sẽ hết.

Còn gì dễ hiểu và khó hiểu bằng câu chuyện súng đạn, giặc giả xảy ra tại vùng nào đó, do anh tài xế kể lại. Vừa kể anh ta vừa nheo mắt, vừa cười để rồi hòa cả làng. Ai biết anh ta đứng về phe bên này hay phe bên kia? Lại còn những ông trưởng ấp, lãnh nhiệm vụ suốt tám chín năm mà vẫn sống nhăn, nhờ ăn nói khéo léo và biết uống rượu. Nhiều bà lão sống ở ngoại ô Sài Gòn từ đời ông nội ông cố, lớn lên cứ buôn bán quanh quẩn, trồng rau cải, chưa bao giờ đặt chân đến đường Tự Do. Bà kể lại việc khai hoang ở ngoại ô, sự thay đổi các bến sông, kinh xáng và nếu gợi ý, bà sẽ giúp nhiều tài liệu về bối Ba Cụm. Bối là một thứ trộm cắp giữa ban ngày trên sông rạch, với kỹ thuật tinh vi, đã xảy ra hồi thời ông Trịnh Hoài Đức mãi đến thời Pháp thuộc. Rời ngoại ô, chúng ta đến viếng những vùng hơi xưa. Mười tám thôn vườn trầu, chuyện ông Phan Công Hớn ở miền Đông. Ba Giồng, bên nầy Tiền Giang nơi kết tụ hào khí: Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương.

Tháp Mười là thứ kiến trúc như thế nào? Lại còn một vấn đề đáng suy gẫm: chúa Nguyễn Ánh phục quốc được là nhờ hậu thuẫn miền Nam, nhờ vựa lúa miền Nam, nói cụ thể là nhân lực, vật lực của Ba Giồng. Tại sao vào lúc ấy anh hùng áo vải Nguyễn Huệ lại bị cô lập ở miền Nam?

Trận thủy chiến mà Nguyễn Huệ đánh tan mấy vạn binh Xiêm thuộc phe chúa Nguyễn ở Tiền Giang dường như chẳng được ca ngợi cho lắm đối với người miền Nam, mặc dầu đó là chiến công của dân tộc. Phải chăng vì người miền Nam "ăn cơm Chúa" nên muốn giữ lòng trung hậu? Tân Hiệp, Thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim, Chợ Giữa, Cai Lậy, Cái Bè từ bao giờ đến bây giờ vẫn là nơi đào tạo những người dân tốt nhứt của đất nước. Ta đã gặp "miệt vườn". Về vườn là giấc mơ của mọi người. Miệt vườn là thiên đường, là tinh hoa của đồng bằng sông Cửu Long.

Ghe ai đỏ mũi xanh lườn,

Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em.

"Đỏ mũi, xanh lườn" là màu sắc do quan lại thời xưa qui định để kiểm soát việc đăng bộ ghe thuyền từng vùng. Gia Định là vùng tỉnh Gia Định với đám dân hai huyện theo chân Nguyễn Hữu Cảnh, từ miền Trung và Nam, tiêu biểu cho văn hóa chánh thống vùng Đồng Nai. Xuống vườn là đến vùng mà ngày nay các nhà quân sự, kinh tế gọi là đồng bằng sông Cửu Long. Đó là "miệt vườn" nơi đã khẩn hoang thành công, có xóm nhà san sát, nơi ruộng đất không còn một tấc bỏ hoang. Người khẩn hoang đã thực hiện được chí lớn, nên cửa nên nhà, tạo lập được miếng vườn để dưỡng già (một thứ lương hưu trí của nông dân). Miệt vườn là nơi có đình chùa. Đất hoang trở thành đất thuộc (thuần thục, nói trại là thành thuộc) không còn bưng biền. Ai cũng có ăn, không ai nghèo đáo để.

Miệt vườn là những giồng đất cát pha ở bờ sông rạch, có nước ngọt. Đó là vùng Cao Lãnh, Nha Mân, Cái Tàu, Cái Thia, Cái Bè, Chợ Lách, Cái Mơn ở Tiền Giang, hoặc là vùng Bình Thủy, Phong Điền ở Hậu Giang. Nơi đây mức sống khá cao, văn minh đồng quê phát triển tột độ với những cô gái trắng da dài tóc, biết nấu nướng, biết làm bánh khéo, nói năng lễ phép, biết hát biết hò, cấy lúa giỏi. Sau nhà là vườn cây ăn trái. Dưới sông có nhà mát, cầu tắm. Trước sân, vài chậu kiểng kiểu mẫu tử, xuy phong.

Mẹ mong gả thiếp về vườn...

Nơi không có đồi núi thì sông rạch làm tiêu chuẩn về phong thủy: Miệt vườn là nơi "sông sâu nước chảy" (thông lưu quán khái), hợp vệ sinh, nhiều phù sa, giao thông dễ dàng, vì vậy mà con người không có óc địa phương cực đoan. Phù sa ở lại, rác rến trôi. Nếu soạn địa phương chí, chúng ta có thể qui định ba khu vực văn hóa từ cao đến thấp:

1) Vùng Gia Định - Đây là vùng "dinh", văn minh chợ phố.

2) Miệt vườn, những thôn xóm mát mẻ ở bên bờ Tiền Giang, Hậu Giang. Nơi thơ Lục Vân Tiên, hò vè chiếm ưu thế.

3) Vùng chưa khẩn hoang xong vì thiếu nhân công, kỹ thuật: vùng Rạch Giá, Cà Mau với những xóm gọi khôi hài là Hốc Bà Tó, voi Bà Khẹt, Cù lao Heo (địa danh có thật). Nơi mà bản vọng cổ chiếm ưu thế.

Những người yêu nước chống đối việc giao ba tỉnh miền Đông cho Pháp sau năm 1862 đã di cư đến Hậu Giang, mang theo kiến thức, nghĩa khí. Trước đó Nguyễn Hữu Cảnh kéo binh theo Hậu Giang đến tận Cao Miên, Nguyễn Tri Phương và Nguyễn Công Trứ cũng đã đến vùng Hậu Giang. Vùng biên giới với ruộng sạ, Vàm Nao và Thất Sơn. Cây me nước (me keo), bụi tre, bụi đế, bụi nga ở bãi sông đóng vai trò cây đước ngoài biển. Cây me nước chịu ngập nước mà không chết, lá xanh nhánh mềm như liễu. Cây tre giữ đất bồi ở bờ sông. Vàm Nao chảy cuộn hung hăng, nơi bỏ mạng của bao nhiêu lương dân. Việc đào kinh Vĩnh Tế là công trình to, huy động nhân lực nhiều nhứt ở miền Nam, thời đàng cựu. Các nho sĩ đã xem những người chết vì đi đào con kinh biên thùy là những chiến sĩ chết ở trận địa:

Sam sơn chi thượng hề
Cốc phong xuy.
Sam sơn chi hạ hề
Cam lộ tư.
Nhữ chi u trạch hề
Tối tương nghi.
Hồn hề, hồn hề
Luyến luyến ư hà di...

Vùng biên giới phía Hậu Giang chính là vùng ba biên giới Việt Miên Xiêm, nơi các nho sĩ phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục dùng thi văn để gợi lòng yêu nước. Số này khá đông đã từng gặp ông Phan Bội Châu tại Châu Đốc. Những bài thơ bát cú "tàn mùa cổ điển" đã nở muộn ở Hậu Giang.

Miền Nam là nơi đón nhận những làn sóng Thiên Địa Hội, như trường hợp Mã Lai, Nam Dương. Tôn Dật Tiên đến Chợ Lớn phải chăng là muốn dọ dẫm thái độ của Hoa kiều hải ngoại trong Thiên Địa Hội? Đất Sài Gòn, năm 1913-1916 dư luận xôn xao về cuộc khởi nghĩa xưng vương của Phan Xích Long.

Thiên Địa Hội còn là Phát Tế Đường, Nghĩa Hòa Đường, Nghĩa Hưng Đường với lá cờ màu xanh, màu vàng, với những bài thơ ngắn mà mỗi câu hay đôi ba chữ trong câu là một mật hiệu.

Thiên Địa Hội được phổ biến ở Hậu Giang, đặc biệt là vùng biên giới Châu Đốc. Hồi đầu thế kỷ, người Tàu đến cư trú do chánh phủ thuộc địa cho phép. Họ trồng nhãn, làm rẫy, mua bán tận hang cùng ngõ hẻm. Thiên Địa Hội tạo ra những ông đạo ở vùng biên giới, ở dãy Thất Sơn, sống trong thế giới bưng bít vì những đồi núi nầy dư khả năng tự túc về kinh tế.

Chúng ta không quên cuộc dấy binh do ông đạo Tưởng ở Tân Châu chủ xướng. Thiên Địa Hội bên Trung Hoa nương vào triết lý Phật giáo và phép tu tiên "đạn bắn không lủng" để đánh đổ nhà Mãn Thanh và bọn "Tây dương". Ở miền biên giới, người nông dân Việt theo Thiên Địa Hội để kháng Pháp. Như trường hợp ông đạo Tưởng tu hành hiền lành, bất chấp thế sự nhưng số tay em được tổ chức thành đảng, theo kỷ luật đúng mức sắt thép, sẵn sàng thanh trừng đối phương hoặc kẻ phản đảng.

Đại ca Đơn Hùng Tín một thời đã làm mưa làm gió từ Biển Hồ (Cao Miên) đến Long Xuyên gây khó khăn cho nhà cầm quyền, một kiểu đảng cướp như ở miền Nam Ý Đại Lợi.

Ngoài vùng biên giới, nên kể đến vùng duyên hải từ Gò Công, chín cửa sông Tiền sông Hậu đến Cà Mau, Rạch Giá, Hà Tiên với cảnh đẹp, biển, hồ, đồi núi, gợi không khí chùa Hương, hồ Hoàn Kiếm, vịnh Hạ Long và đồi núi Lạng Sơn - đúng là một chậu cảnh, một hòn non bộ miền biên thùy. Từ 1945 về trước, tỉnh lỵ Hà Tiên là nơi hiền lành, dân chúng đều quen biết nhau, chiều đến là nghe chuông mõ, khi cần tuyển chọn lính mã tà, nhà cầm quyền phải kêu gọi bọn thanh niên từ tỉnh lỵ Rạch Giá qua. Hà Tiên gồm luôn những hải đảo Vịnh Xiêm La. Ngư phủ miền Nam Trung phần đến thám hiểm, rồi những chuyến tẩu quốc, những trận hải chiến Nguyễn Ánh - Tây Sơn. Quân sĩ Gia Long đến hải đảo xa nhứt: hòn Thổ Châu (Poulo Panjang). Ngư phủ Việt Nam đến tạm trú hoặc lập nghiệp chốn hoang vu. Nơi vàm sông bao la khi nước Cửu Long từ Tây Tạng đổ xuống ầm ầm, họ dám đóng đáy, bắt cá tôm. Đêm mưa gió đen tối, họ ra giữa vàm, vuột tay là chết mất xác. Trên sông rạch, kinh xáng và biển khơi, người Việt miền Nam đã dùng nhiều kiểu ghe xuồng khá độc đáo, mô phỏng hoặc sáng tạo theo kiểu Xiêm, Miên, Lào, Trung Hoa.

Chuyện cổ tích, giai thoại ở đồng bằng sông Cửu Long cũng khá nhiều. Người khó tánh sẽ cho rằng đó là chuyện cổ tích Miên, Tàu hoặc chuyện từ miền Trung phổ biến vào, chẳng độc đáo. Tuy nhiên nếu sưu tầm và nghiên cứu chúng ta gặp nhiều chi tiết khác, sửa đổi lại. Tại sao có sự sửa đổi ấy? Phải chăng vì người lưu dân đã quên, nhớ mang máng hoặc họ cố ý sửa đổi cho hợp với hoàn cảnh địa phương? Chuyện người đi câu nơi ao Trời, chuyện cái nồi đồng từ đáy sông nổi lên có lẽ được truyền tụng từ miền Quảng Trị nhưng khi đến Vĩnh Long thì chi tiết thay đổi và trở thành chuyện của con rạch địa phương. Hoặc là chuyện Hà Bá, chuyện Long Vương tại ngả ba sông lớn, nơi tình cờ anh thợ chài lặn xuống nước gặp nào là lâu đài, dinh thự.

"Mô phỏng chuyện cũ, chế biến chuyện cũ" là trình độ văn hóa thấp. Nhưng lắm khi mô phỏng lại đánh dấu một sự thành công, là sáng tác.

Vùng U Minh thật xứng đáng với nghĩa đen là cõi U Minh - chốn âm phủ - với cây cối rậm rạp mọc trên vùng đất sình lầy, rắn rít muỗi mòng. Loại sấu cá sanh nở lúc nhúc, bên cạnh loại cọp Gò Quao ăn đất sét, bắt cua, bị kẹt đuôi trong bụi dừa nước! Nơi phần đất khó khai phá nầy, bọn lưu dân đến bắt chim ở Sân chim, gặp nhiều di tích lạ từ những chiếc ghe xưa "bằng đồng" chôn vùi dưới đất (tục truyền là của ông Bổn Đầu Công để lại), đến những nền nhà xưa, những ngôi miếu cổ, những chiếc đầu lâu to lớn, những xác người chôn trong chiếc ghe!

Người đi khai hoang tỏ ra khiêm tốn, tin rằng trước khi họ đến thì "đất nước" U Minh đã là nơi ngự trị của người khuất mặt, của cọp sấu thành tinh khôn hơn người.

Giang sơn gấm vóc, địa linh nhân kiệt là danh từ tốt đẹp, gợi ý nghĩa phấn đấu và xây dựng nhọc nhằn. Thêu hoa dệt gấm, tạo vũng bùn lầy không chưn đứng trở thành một cái nền cứng rắn và vững như núi. Người thất học với kỹ thuật thô sơ, với máu huyết bị vi trùng sốt rét đục khoét đã giữ được nụ cười của người anh hùng chốn rừng xanh củi lục.

Người ta kể chuyện, bên đống lửa giữa rừng thiêng. Năm đó, cô gái hơn 18 tuổi theo cha đến vùng Kè Một, ải địa đầu của rừng U Minh, nơi bao người bỏ xác vì dám giành đất với bầy cọp thành tinh. Nàng tên là Thị Cư, đến phá rừng và hứa đem mạng sống của nàng để cúng cho bầy cọp, nếu bầy cọp để cho nàng được yên ổn đến khi gặt hái xong mùa lúa đầu tiên. Ngày hẹn, một mình nàng dùng võ lực thanh toán bầy cọp thứ nhứt. Nhưng cọp vi phạm luật rừng xanh, bầy cọp thứ nhì kéo tới. Trong lúc cứu cha, nàng bị cọp vồ mất xác. Người địa phương đến sào huyệt bầy cọp mà khiêu khích, chửi mắng về hành động hèn hạ nọ. Bầy cọp xấu hổ rút qua rừng khác, để lại cái đầu lâu của nàng. Người cha ôm cái đầu lâu ấy mà khóc, ngồi lì với câu hỏi: "Con chết ưng hay chết oan?" Cái đầu ấy được chôn sâu vào lòng đất, dằn xuống bằng những gốc cây to để cọp khỏi bươi móc, cướp trở lại. Cây cỏ mọc lên, lan rộng một vùng, chẳng ai biết đích xác cái đầu lâu chôn ở điểm nào. Lại còn chuyện "ma ăn ở ngay thẳng" mà người Miên gọi là chuyện NeakTrong (người lương thiện) những người bí mật ở giữa rừng. Vào mùa lúa chín, thỉnh thoảng vài bó rơm từ trên rừng trôi xuống. Đêm sáng trăng, đâu đó từ ngọn tràm xa xôi vang lên tiếng cười, tiếng chày giã gạo, gà gáy chó sủa. Ai đánh bạo dám vượt sình lầy thì đến nơi nào đó tình cờ gặp xóm nhà cao ráo, có chó chạy ngoài sân, trong nhà cơm dọn sẵn, món ăn vơi lần hồi, những cái hũ rượu nhấc lên hạ xuống, trong bếp thì lửa cháy, khúc củi từ từ đút vào lò. Dân trong vùng tin rằng đó là nơi cư ngụ của những người khuất mặt, chẳng bao giờ người phàm mắt thịt thấy được. Đên hôm nọ, một thằng bé giữ chim ở sát ven rừng bị mất tích. Ngày qua tháng lại chẳng ai tìm gặp xác nọ. Chuyện bị lãng quên. Đôi ba năm sau, thằng bé lại về xóm, thuật lại đầu đuôi tự sự: Hôm xưa ngồi tại chòi, nó gặp ông lão lạ mặt rủ đi chơi. Nó đến xóm giữa rừng, ông lão gả con gái cho, hai vợ chồng ăn ở sanh một con. Đời sống thảnh thơi đủ ăn đủ mặc, ban ngày vợ ra đồng cày cấy, chồng ở nhà giữ con, uống rượu. Thế rồi đất bằng sóng dậy. Một hôm con khóc, nó dỗ con rằng: "Đừng khóc, mẹ mày đi mua bánh, lát nữa đem về cho mày ăn". Khi người mẹ về, đứa con khóc đòi bánh, hỏi ra thì biết rằng nó đã nghe lời nói dối của cha. Chuyện ấy lại thấu tai ông lão, ông lão đến gặp chàng trai, cho biết rằng ở xứ này cấm nói dối, ai nói dối thì bị đuổi đi nơi khác. Nói xong, ông lão nắm tay chàng trai, đưa vào rừng. Một đỗi thấy đồng cỏ trước mặt, ông lão bèn nói: "Trước kia, quê quán mầy ở đó, chỗ có mấy ngọn cau. Mầy theo hướng đó mà về". Nói xong, ông lão quay mặt, mất dạng. Chàng cứ bước tới, thỉnh thoảng day lại để nhận ra vị trí của quê hương vợ. Nhưng hỡi ôi, hễ chàng đi tới thì rừng cây cứ mọc thêm, lấp phía sau lưng. Chàng về xóm, sống với người phàm mắt thịt mà tâm trí cứ bâng khuâng, vừa hờn giận, vừa hối tiếc. Trong xóm kẻ thì sợ sệt, kẻ thì chế giễu, xem giai thoại mà chàng kể như những ảo tưởng của người bị ma bắt, ma giấu, nghĩa là khật khùng. Không rõ từ đó người ta gặp những bó rơm trên rừng trôi về hoặc nghe tiếng giã gạo xa xôi nữa chăng? Chỉ biết là mươi năm sau, một đêm trăng tỏ ai nấy đều nghe tiếng khuấy nước ào ào dưới rạch, xen lẫn tiếng heo kêu, trẻ khóc. Hàng chục chiếc xuống từ phía rừng sâu bơi xuống. Biết rằng đó là những người khuất mặt, người trong xóm hỏi thử:

- Bà con đi đâu vậy?

Họ trả lời rằng bấy lâu họ ở giữa rừng, đêm nay phải dời qua xứ khác vì ở xứ này khó ở. Một bọn người sắp tới chiếm cứ, bọn đó gian xảo, giả dối, không thể nào sống gần được.

- Nhưng đi đâu?

- Đi về một nơi xa lắm, ở trên núi cao trên trời. Tụi tôi đi đây!

Và ai nấy ngạc nhiên khi thấy mấy chiếc xuồng ấy từ từ bay lên, hổng mặt nước rồi lơ lửng, rút lên mây bạc. Vài tháng sau, quả thật bọn thực dân Pháp đến ven rừng U Minh, hồi cuối thế kỷ 19, sau khi dẹp cuộc khởi nghĩa của ông Nguyễn Trung Trực.

Nói đến nông thôn, chúng ta mới hy vọng đạt được dân tộc tính. Đa số nông dân, một số đông thị dân miền Nam vẫn còn giữ được niềm hăng say vô điều kiện của tiền nhân hồi thuở nào.

Niềm hăng say ấy khó mà nói rõ: Lúc nào người dân cũng uể oải lười biếng nhưng nếu phải thức suốt đêm thì cũng dư sức mà thức. Lúc nào cũng nghèo, hoang phí đến mức rỗng túi nhưng nếu cần xài to thì cũng dám bán tài sản mà xài. Qua cơn gió lốc của chiến tranh, của thời đại kim tiền vật chất, một số ít người thành thị đã trở thành xa lạ với nông thôn, họ không hiểu thấu đáo được tâm lý. Vì làm sao hiểu được, nếu cứ chủ quan "suy bụng ta ra bụng người". Ta ham tiền, hễ thấy ai làm điều gì vô tư thì ta cứ cho rằng họ làm vì tiền, nhưng kín đáo. Ta ích kỷ, hễ thấy ai làm điều gì có tách cách vị tha thì cho rằng đó là một kiểu ích kỷ tinh vi. Trong trường hợp nước ta, người nghiên cứu văn hóa chỉ tìm được việc làm hữu ích khi thâu thập tài liệu, nghe nóng với tâm hồn yêu dân tộc, yêu nhân loại, tự tin. Để góp viên gạch nhỏ, góp hột cát vào lâu đài mà các thế hệ sau sẽ hoàn thành. Thí dụ như chuyện cô gái đánh cọp, chuyện những người khuất mặt. Chúng ta nên ghi chép, so sánh với những chuyện "nhập Thiên Thai", chuyện thú thành tinh của Trung Hoa, Cao Miên nhưng với thái độ là nhập thân vào tiền nhân để hiểu nguyện vọng sâu xa thầm kín của tiền nhân, để kêu gọi người khuất mặt đã về trời hoặc để cúi đầu mà hỏi "con chết ưng hay con chết oan" với cái đầu lâu, với hậu thế.

Văn hóa là mãnh lực tinh thần, đã là mãnh lực thì tuôn chảy thao thao, biến hóa huyền ảo. Ôm ấp khư khư một giai đoạn, một hình thức tức là mang tội u mê mà liệt sĩ Trần Quí Cáp đã nguyền rủa khi đề cập đến bọn quan lại Nam Triều ích kỷ, "độc lạc mỗi ngày ca võ mãi".

U mê có lẽ là đồng nghĩa với vong thân. Cái u mê của người giả vờ quên thế sự, của bọn Tống Nho khư khư ôm chồng sách vở cũ, ôm những biểu tượng mơ hồ để mà tạ mãn.

Cái u mê của người thêu dệt những thành tích của mình hồi mấy năm về trước, hồi kháng Pháp rồi cho rằng ta đây là vô địch về yêu nước. Cũng như cái u mê (đã qua rồi) của người chạy theo thời trang, chạy nợ để mua cho bằng được chiếc xe gắn máy Nhựt, ban đêm cứ lau chùi chiếc xe rồi vặn đèn lên cho sáng nhà, đem chiếc xe để trên cái đi-văng mà ngắm nghía.

Vấn đề chánh là sự can đảm và khởi điểm mới. Người Việt là một trong những nhóm Bách Việt từ bờ sông Dương Tử tiến về bờ biển để tìm đất mà sanh tồn. Chúng ta đã tiếp nhận, dung hòa và chống trả, đào thải những gì không thích hợp của những nhóm khác trong Bách Việt, của Trung Hoa, của Tây phương. Với những khởi điểm Việt Nam, ngành khoa học nhân văn sẽ dư tài liệu mà làm việc trong lúc nầy và thiếu thời giờ để làm việc. Đó đây tràn ngập tài liệu - nước ta là đất mới, nước ta đã và đang cố giành chủ động trong sự đón tiếp và thử thách các luồng văn hóa - tài liệu ở thôn quê, ở những khắc khoải của đầu bạc lẫn đầu xanh, ở người còn sống, người đang chết. Sử dụng các tài liệu ấy với thái độ chịu khó, khiêm tốn.

Khoa học nhân văn là một cục sắt nóng chảy khó nhìn rõ, khó điều khiển chớ nào phải là một cánh hoa khô ép sẵn trong sách.

Dám thách đố những khó khăn ấy, chúng ta mới có đủ tư cách để cầu nguyện cho mẹ Việt Nam, cho Tổ Quốc vì chúng ta đã gặp, đã tán thành cái định nghĩa về mẹ Việt Nam, về Tổ Quốc mà đồng bào đã bộc lộ, van vái trong dịp long trọng, lúc cần tìm lực lượng tinh thần để vượt gian nguy. Đó là "Đất đai viên trạch, Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ". Đó là "Ông Bà Đất Nước".

Tháng 11 năm 1967

Sơn Nam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro