Người Việt có dân tộc tính không? (phần 2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đám sương mù dường như đang che sự vật. Nhiều người đang ở Sài Gòn mà không hiểu Sài Gòn. Sài Gòn muôn mặt, người ta nói như thế. Muôn mặt là thế nào? Chỉ là muôn ngàn giai thoại dễ tin và khó tin chung quanh một sự việc hay nhiều sự việc. Người ngoại quốc nào xem qua quyển "Sài Gòn năm xưa" của ông Vương Hồng Sển ắt phải bực dọc vì quyển ấy không xây dựng theo phương pháp Tây phương. Ngoài phần khảo cứu, tác giả cho xen vào bao nhiêu là giai thoại, chính tác giả gọi đó là tập "biên khảo thường đàm". Đã là giai thoại thì phải truyền khẩu, đã truyền khẩu thì dễ thêm thắt, trong vòng hai tháng một đôi năm thì câu chuyện lý thú bi ai đã thay đổi từ chi tiết đến nội dung, sai lạc niên biểu (trong văn học ta, có nhiều tác phẩm như Công dư tiệp ký, Tang thương ngẫu lục, Kiến văn tiểu lục thuộc vào loại này, thấy thích là ghi chép).

Nhưng trong nhiều trường hợp, các giai thoại thường đàm lại chứa đựng sự thật, là sử liệu biến chất nhưng còn cái lỏi tốt. Nó che giấu, bảo tồn những điều mà nhà cầm quyền phong kiến hay thực dân giấu giếm, không dám cho phổ biến trên sách vở, báo chí. Một thứ bia miệng lắm khi bền chắc hơn bia đá. Dân ở nước nghèo nàn như nước ta thời vua quan, thời bị thực dân đô hộ thích dùng giai thoại để giải khuây, an ủi, hun đúc tinh thần lẫn nhau, nếu không là tranh đấu. Ra báo, in sách thì tốn tiền mua sắm phương tiện, lại cần tự do, người viết cũng như người đọc đều phải biết chữ. Đêm khuya rảnh việc, lúc ăn tiệc, lúc thăm viếng nhau thì còn gì hơn là, tặng cho nhau vài giai thoại ít ai biết. Người dốt dùng giai thoại để trao đổi với người dốt. Công chức, địa chủ thời Pháp thuộc, hoặc quan cai trị Pháp đều có những giai thoại riêng của từng lớp họ. Giới bình dân ở thành thị, ở thôn quê, từng xóm, từng tỉnh lại có giai thoại riêng. Và nhiều giai thoại được phổ biến qua mọi từng lớp. Lời nói là phương tiện ít tốn kém, ít nguy hiểm hơn văn tự. Đã nói lén, đã phổ biến một mẩu chuyện "bất hợp pháp" thì người ta sẽ tùy đối tượng mà trình bày, thêm hoặc bớt chi tiết, giữ gương mặt nghiêm trang hay cười xòa như kẻ vì kém học thức nên nói bậy "xin bà con miễn chấp, tha thứ cho". Đã đến lúc chúng ta sưu tầm những giai thoại để làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà. Nước ta chịu nhiều năm dưới ách Trung Hoa và thực dân Pháp nên giàu về giai thoại. Tha hồ mà tìm kim cương trong tảng đá cứng, nếu dám đập bể tảng đá. Tha hồ mà luyện vàng nếu ngọn lửa cháy nóng đúng độ. Cứ đọc "Sài Gòn năm xưa" để hiểu về nết ăn thói ở dưới thời đàng cựu:

Đông đảo thay phường Mỹ hội
Sum nghiêm bấy làng Tân khai
Ngói liễn đuôi lân, phố thương khách tòa ngang dãy dọc
Hiên sè cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài
Gái nha nhuốc tay vòng tay niểng
Trai xênh xang chơn hớn chơn hài...

Khung cảnh ấy thay đổi. Tây qua chiếm Sài Gòn, lại nảy sanh nhiều bọn hầu cận, dọn bàn, mấy thầy thông ngôn ký lục, bọn ba-nhe, ban-bù, xách giỏ cho bà đầm đi chợ. Một số nhân vật bổn xứ ra mắt và họ vào lịch sử với những "giai thoại" về nghệ thuật lập công với Tây của tổng đốc Lộc, phương pháp mị dân "hiền lành" của tổng đốc Phương và sự giữ gìn tiết tháo của Trương Vĩnh Ký, Paulus Của. Lại còn giai thoại về nhứt Sĩ, nhì Phương, của tam Xường, tứ Định, những nhân vật Hoa kiều làm giàu hồi Tây mới qua. Ngoài ra còn giai thoại về đại ca Tư Mắt, về hoàng đế Phan Xích Long, về vua cờ bạc Sáu Ngọ. Những nhà khảo cứu Pháp đã nghĩ gì về những giai thoại đó? Họ sẽ chê bai rằng người Việt Nam không biết tranh thương với Hoa kiều, nặng óc mê tín, đàng điềm cờ bạc và nếu không trừng trị gắt gao thì trở thành du côn Bồn Kèn? Đành rằng người Pháp đã đồng lõa với những "tệ đoan" ấy - tất cả đều là tệ đoan, từ sòng bạc đến cuộc phiến loạn - nhưng cuộc khai hóa nào mà không gây nên xáo trộn, xương máu? Đó là rác rến của dòng sông cuồn cuộn chảy, kẻ nào vạch lá tìm sâu thì không thấy sự thật khách quan hùng biện là công trình bảo vệ văn hóa mà người Pháp ra tay gánh vác giùm cho người bổn xứ, gánh vác với tinh thần bất lợi; nhiều khảo cứu Pháp đã làm việc như một tu sĩ, như nhà"hiền triết". Giai thoại là tài liệu lăng nhăng "bên lề đường" người đứng đắn không quan tâm đến thứ tài liệu cỏ rác đó. Mặc cho người Pháp đánh trống lảng đưa giới trí thực Việt Nam vào thời tiền sử với trống đồng, lưỡi tầm sét và tượng Phật gãy tay, người địa phương làm sao quên được những chuyện có thật mà nhân chứng hoặc nạn nhân còn sống đó, mà con cháu đang ôm hận thù. Cuộc nổi loạn của ông Quản Hớn ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu há chẳng biểu dương hào khí của người Miền Đông! Nhưng ai chép lại, ai bổ cứu những giai thoại đó? Người địa phương cứ bàn tán, nhắc nhở cho nhau từ hàng năm mươi năm. Đó chưa phải là bằng cớ chứng minh họ nói láo, nói xấu nhà nước thuộc địa hoặc họ mang nặng đầu óc vị chủng, bài ngoại mù quáng. Ông Nguyễn Trung Trực khởi nghĩa, bị hành quyết. Dân làng Vĩnh Thanh Vân (tỉnh lỵ Rạch Giá), dân ở ven rừng U Minh, thuộc làng Vĩnh Hòa thờ Ngài. Hỏi đâu là bằng cớ thì thật không tài nào trưng ra được. Người địa phương, từ một người dân vô tư đến ông hương quản đều xác nhận như thế, họ lấy làm hãnh diện, họ sợ oai linh ông Nguyễn vì Ngài là thần linh đủ oai quyền để thấy mọi hành động bất chánh của con dân, có những tội trạng mà pháp luật thực dân bỏ qua nhưng lại bất dung tha đối với Ngài. Thời Pháp thuộc, nếu quan trên hỏi thì ai nấy đều chối dài, cho rằng họ chẳng bao giờ dám thờ. Quan trên ắt hài lòng khi thấy đình làng chỉ có sắc thần (hoặc không có) với bốn chữ Thành hoàng bổn cảnh, quá tổng quát giống hệt sắc thần ở làng khác, không khác một chữ. 

Nào thấy ghi rõ tên Nguyễn Trung Trực!   

Văn hóa Việt Nam ở đâu? Chẳng lẽ ngồi mà mơ ước được về đồng quê, lên núi, tìm gặp cái sọ người, vài tượng Phật độc đáo. Tìm được là điều may nhưng cái sọ người ấy cũng chỉ là tài liệu khiêm tốn - đối với đồng bào - là góp một tài liệu để so sánh, giúp chúng ta hiểu thêm về lịch sử Đông Nam Á. Trong khi chờ đợi cái dịp thanh bình, chẳng lẽ chúng ta bó tay. Nếu không đặt bấn đề theo kiểu nầy được thì tại sao ta không can đảm đặt vấn đề theo kiểu khác để cùng tới mục đích là tìm hiểu dân tộc. Nên chọn những nẻo đường hợp lý, gay go, miễn là chúng ta dám bước vào, dẹp tự ái lẩm cẩm; sẵn sàng chịu nắng mưa bụi bặm, đổ mồ hôi và chuốc lấy sự hiểu lầm, sự "chê bai" của các quan thầy Tây (các quan thầy nầy đã về nước, muốn thấy trái bom nổ chậm của họ cháy ngòi).

Cuộc chiến tranh đã kéo dài trên hai mươi năm rồi, dài hơn một đời người. Nhiều gia đình đã ra trận, từ cha đến con. Dân tộc ta chịu đựng cuộc thử thách, và còn chịu đựng thêm nữa theo tốc độ gia tăng. Miền Nam là nơi chịu đựng nhiều nhứt. Nếu hiểu được văn hóa người Việt thì chúng ta sẽ tự hào nói lên "một cái gì" rất bình dị, đơn giản và mầu nhiệm. Các bộ môn khoa học nhân văn phải bổ túc cho nhau ở những điểm gặp gỡ chung nào đó. Cứ nhìn bằng mọi quan điểm qua mọi lăng kính của các môn phái sử học, xã hội học. Và nhìn với tình cảm, với nỗi xót xa, với niềm tin của người Việt Nam. Tin vào khả năng tự cường mà dân Việt đã chứng minh rằng có. 

  ° ° °  

Một luận điệu dễ dãi đã thành hình, luận điệu của số ít người cho rằng Việt Nam chẳng là cái gì đặc biệt cả, Việt Nam được nói tới vì vị trí, vì định mạng, tình cờ lịch sử mà thôi.

Thực tế đã chứng minh: người Việt biết phản ứng khéo léo, từ ngày xưa cũng như các dân tộc ở Á Châu, Phi Châu biết phản ứng khi gặp gỡ những văn hóa lạ, khác với văn hóa sở tại. Sự phản ứng này đã bộc lộ những điều hay, điều dở của người Việt. Về sự gặp gỡ của nền văn hóa bổn xứ với nền văn hóa từ bên ngoài, các nhà xã hội học Âu-Mỹ đã cố gắng nghiên cứu đặt ra một ngành đặc biệt là họ coi là Acculturation. Ngành nầy đặt ra quá trễ từ sau đệ nhị thế chiến. Khi gặp luồng văn hóa ngoại quốc xâm nhập thì nền văn hóa dân tộc phải phản ứng, sự phản ứng có thể là sáng tạo, nếu nền văn hóa địa phương đủ sức mạnh mẽ để tiêu hóa, tiếp nhận. Ngược lại thì xảy ra nhiều thảm kịch. Văn hóa dân tộc bị đập ra từng mảnh vụn vô nghĩa, từng miếng thịt rời rạc mất sức sống, đồng thời sanh ra một số người vong bản, sống vất vưởng không còn năng lực để bám vào "lòng đất mẹ" hầu tái tạo, khôi phục lại giá trị cũ làm căn bản cho nếp sống mới. Thế là văn hóa dân tộc bị tiêu diệt.

Người Việt đến vùng Đồng Nai, vùng đồng bằng sông Cửu Long thì gặp người Miên. Người Miên ở vùng đất gò, không thích vượt sông, ra biển, không thích phá rừng. Đất đai quá rộng, mỗi dân tộc theo nếp sống riêng. Người Việt vượt sông phá rừng, tìm đường ra biển và canh tác, cất nhà nơi đất thấp.

Hai nền văn hóa khác nhau, nhưng tạm gặp nhau ở nụ cười của Đức Phật. Tiếng đọc kinh ở chùa Miên tuy thiếu chuông mõ nhưng cũng nhắc nhở con người cố gắng làm điều thiện. Với nền kinh tế tự túc từng vùng nhỏ, với đất đai quá rộng, người ta không cần tranh chấp về địa bàn hoạt động. Việc thờ phượng thêm vài vị thần như thờ cái đầu con sấu ở mé sông, thờ vài cục đá - như người Miên đã từng làm - được người Việt vui vẻ chấp nhận, vì nó giống như thờ cọp, thờ bà Chúa xứ. Món ăn ngon của địa phương như cá lóc, rùa, lá nhàu, lá cách, lá lốt đã làm giàu cho bữa ăn. Cuộc gặp gỡ giữa hai nếp sống không phải là va chạm mãnh liệt, là cưỡng bách vì chẳng ai có nền kinh tế mạnh hơn ai. Chỉ là mua bán nhỏ, là đổi chác, là sự trao đổi, gặp gỡ hồn nhiên. Cái huyền thoại "cả cơm nhiều tiền" chỉ mới thành hình vào thế kỷ thứ 20. Đời chúa Nguyễn, vùng đồng bằng sông Cửu Long chẳng có gì để bán buôn vượt ngoài phạm vi một huyện; cá tôm thì đâu cũng có, củi than cũng vậy. Lúa gạo thì dư ăn trong gia đình nhưng nếu muốn sản xuất nhiều thì thiếu nhơn công, thiếu vốn. Người dân sống trong cảnh vừa dư giả, vừa túng thiếu: dư ăn trong gia đình về cơm cá nhưng thiếu về quần áo, thuốc men, thiếu phương tiện chuyên chở. Phải đợi những di thần "bài Mãn phục Minh" như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đặt chân vào thì sanh hoạt mới trở nên phấn khởi và xẩy ra sự va chạm về văn hóa, về kinh tế, về quân sự. Đã đến lúc sự nhận xét trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi được trắc nghiệm giữa người Việt và người Trung Hoa: có gì là khác nhau về phong tục? Và nền văn hiến cũ của người dân Việt có gì là khác với cường quốc phía Bắc? Trần Thắng Tài và Dương Ngạn Địch là hai nhà tướng. Bọn quân sĩ của Trần Thắng Tài đều giải giới tự nguyện (?), lo phát triển thương mại trong nước và ngoài nước, sống định cư, tạo lập chợ phố, tích trữ hàng hóa và vốn liếng. Từ Biên Hòa bọn nầy dời về địa điểm mà nay chúng ta gọi là Chợ Lớn.

Ưu thế kinh tế của họ vượt hẳn người Việt Nam, từ ngày ấy đến suốt thời Pháp đô hộ và đến nay, như còn thấy.

Ở vịnh Xiêm La, Mạc Cửu chỉ lo xuất nhập cảng. Chung quanh vùng Hà Tiên (chợ Hà Tiên) đất đai vẫn hoang vu. Ngoài ra, Mạc Cửu lại ôm ấp hoài bão xây dựng một tiểu quốc ở biên thùy, làm trung gian giữa Việt Nam, Cao Miên và Xiêm. Đời sau, con ông là Mạc Thiên Tứ phải chết vì mưu đồ nầy.

Như rắn mất đầu - mất liên lạc với nước Trung Hoa bấy giờ dưới quyền người Mãn Thanh - họ gây uy thế, làm áp lực về kinh tế. Để được sự che chở của triều đình Huế, để dễ chiêu binh (trường hợp Mạc Cửu) hoặc lập chợ phố (Trần Thắng Tài) họ tỏ ra hiếu khách, gây cảm tình nơi xứ lạ quê người để lập nghiệp. Người Việt Nam ta - nói cụ thể là người nông dân Trung phần - vẫn là hiếu khách. Trong việc giao thiệp qua lại, cất nhà cùng xóm, cưới vợ gả chồng, nền văn hóa Việt Nam đã biến đổi ra sao? Nếu trước kia văn hóa Việt Nam chỉ là cóp nhặt văn hóa Tàu thì ắt người Việt phải mất gốc luôn - trở thành Tàu - như giọt nước về nguồn, như hột muối bị tan hòa trở lại trong biển lớn, khi gặp bọn Mạc Cửu, Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch vì cuộc tiếp xúc này vốn là bất bình đẳng, người Việt miền Nam thuở ấy bị yếu kém hơn về kinh tế, cá lớn nuốt cá bé, nước trên cao chảy xuống thấp. Quá trình tiếp xúc ấy thật quanh co phức tạp với nhiều động lực chính trị, quân sự. Đi sâu vào việc tiếp xúc ấy là vấn đề nghiên cứu về lâu về dài, cần thêm nhiều tư liệu và tranh luận. Nhưng chúng ta biết chắc: người Tàu đi theo Mạc Cửu ở Hà Tiên, Dương Ngạn Địch ở Mỹ Tho và Trần Thắng Tài ở Biên Hòa đã trở thành Việt Nam, những người "lạc ông Bổn". Tuy chưa nắm được con số thống kê hoặc khó bề tra cứu về gia phổ, chúng ta vẫn nói được rằng họ chiếm một tỷ lệ rất cao trong dân Việt Nam, con cháu của họ sau nầy là hương chức làng, là nho sĩ, là nghĩa quân khi Pháp mới chiếm nước ta.

Ngày nay vì còn nhiều người gốc Hoa ở Chợ Lớn, ở các tỉnh lỵ Nam phần, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây Nam phần nên nhiều người lầm tưởng rằng đó là hậu duệ các di thần Trần Thắng Thài, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu! Sự thật không phải vậy, "Bạc Liêu là xứ quê mùa, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu" vẫn là ám chỉ những người Triều Châu qua di trú thời Pháp thuộc, đâu vào khoảng sau 1910. Số Huê kiều ở Chợ Lớn cũng thế, nếu chúng ta chịu khó tra cứu lịch sử làng Minh Hương tìm cho biết ai là con cháu bọn di thần nhà Minh, đời Trần Thắng Tài chúa Nguyễn, và ai là người mới qua làm ăn, khi người Pháp nới rộng qui chế di trú cho ngoại kiều Á Châu.

Người Pháp kể lể công trình bảo tồn văn hóa Việt Nam do họ đề xướng và nghiên cứu không biết mệt. Họ chê bai nông dân và cả giới sĩ phu bổn xứ vì không biết giá trị cổ tích nên phá hủy, tỏ thái độ hờ hững với di sản tiền nhân.

Thời kỳ hoàng kim của những nhà khảo cứu Pháp là khoảng sau năm 1900.

Họ khảo cứu và bảo tồn văn hóa Việt Nam một cách lạnh lùng, "khoa học", cố tình làm tai ngơ mắt điếc trước phong trào tranh đấu mở mang văn hóa, đòi tân học do các sĩ phu đề xướng.

Họ làm chuyện nầy trong khi sĩ phu và dân Việt đòi chuyện kia - hai chuyện đều là "văn hóa". Họ nghiên cứu văn hóa Việt để kềm hãm người Việt, để cho người Việt mang mặc cảm tự ti, ngỡ mình là dân tộc oai hùng, có nhiều nét đẹp thời xưa nhưng đã lỗi thời, nên an phận ôm giấc mộng vàng son thời xưa mà chờ vận hội mới do người Pháp chỉ dạy. Các sĩ phu Việt Nam thì muốn tự cường, hiểu văn hóa với nghĩa linh động, xem văn hóa là một tiềm lực.

Ông Phan Bội Châu muốn tiếp nhận sinh lực Tây phương qua phong trào Duy Tân của Nhựt. Ông Phan Châu Trinh khuyến cáo các sĩ phu đừng chìm đắm trong cái đẹp tiểu xảo của văn chương bát cổ. Ông Trần Quý Cáp cho rằng "chữ Quốc ngữ là hồn trong nước, phải đem ra tính trước dân ta... Á, Âu chung lại một lò, đúc nên tư cách mới cho rằng người". Lúc làm giáo thọ ở Thăng Bình, ông Trần rước thầy về dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp cho học sinh. Ông Huỳnh Thúc Kháng nhận định rằng "dân lấy sự học làm sinh mạng mà quan xem sự học như một sự thù nghịch". Việc canh tân, việc thu nhận văn hóa Á-Âu của các ông bị xem là phiến loạn vì với cái học ấy, dân Việt sẽ vùng dậy, càng học, dân càng chống thực dân. Thực dân Pháp thì muốn hiểu văn hóa Á-Âu theo quan niệm "chết", với những học giả đeo thẻ ngà "ấm ớ hộ tề" như Phạm Quỳnh, cũng Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu, cũng ca dao, cũng "Phật giáo đại quan". "Ấm ớ hộ tề" là mang cái vỏ mà khoe khoang, tách rời văn hóa ra khỏi vận mạng dân tộc, du nhập văn hóa nước ngoài với mục đích đề cao sức mạnh của nước ngoài, nói chớ không dám thực hành, trốn thực tế.

Đề cao Quốc ngữ, nói dân chủ tự do theo thuyết Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu nhưng một đằng thì bị chém, đày Côn đảo, mọt đằng thì cứ đeo thẻ bài ngà, giả vờ như không hiểu rằng người Pháp đến xứ ta với mục đích thực dân vì chúng vẫn duy trì nước An Nam với nhà vua, hoàng tộc, bộ lễ, bộ lại, bộ hình xôi thịt... Các ông Trần Quí Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh xuất thân nho học, hiểu rành những lạc thú hưởng nhàn của nhà nho thế mà mạnh dạn công kích bọn hủ nho để cảnh tỉnh đồng bào. Trong khi đó, các nhà khảo cổ Pháp lại làm một việc trái ngược, hủ nho hơn bọn hủ nho, toan bảo tồn những cái vỏ đẹp mà ông Trần Quí Cáp, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đòi đập bỏ. Các nhà khảo cổ nầy muốn đứng vào địa vị cao sang, sạch sẽ của nhà "khoa học thuần túy", với sự hợp tác với những "anh hùng thấm mệt" như Sở Cuồng Lê Dư, đặc tính của anh hùng thấm mệt là muốn trở thành hiền triết, tay chân không dính đất bụi, yêu nước một cách siêu hình, có danh và có tiền xài. Với niềm hy vọng là được lòng phe ta và phe Tây.

Dạo ấy, khoa học nhân văn với các bộ môn như dân tộc học, cổ tiền học... chưa được các nho sĩ yêu nước nhắc tới, đề cao hoặc đả kích. Nó là khoa học xuất phát từ Tây phương. Chắc chắn là các ông muốn thâu thái các ngành nầy vì đó là một trong những công việc để duy tân nước nhà. Nhưng các ông không muốn đặt cái cày trước con trâu. Sự đòi hỏi về văn hóa nhắm vào mục đích đòi độc lập, đòi quyền tự chủ. Trước khi người Pháp đến, dân ta có sẵn một cái vốn, một tiềm lực nào đó. Người Pháp phải giúp dân ta phát triển cái vốn ấy lên, làm tăng cường tiềm lực bằng cách "hiện đại hóa", tức là bài xích cử nghiệp, đề xướng tân học. Người Pháp thì muốn hiểu theo nghĩa khác. Họ quan niệm rằng trước khi họ đến việc học vấn là con số không ở nước ta. Nhờ họ mà mỗi quận có một trường, hai trường học, tức là họ đã làm được chuyện gì, với con số thống kê, đồ biểu cụ thể. Các trường ấy không đáp ứng - về nội dung - vào yêu sách các nho sĩ duy tân vì "trường Tây" vẫn đề cao khoa cử, thi đậu để làm công chức, và cái Tây học ấy chỉ là vỏ chớ không có ruột, thiếu tinh thần "Tây học" thật sự của Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu. Danh từ "văn hoá" giống nhau nhưng nội dung thì khác nhau, mỗi bên đều dồn đối phương vào chân tường. Ngay trong nội bộ của sĩ phu thời Đông Du vẫn có một số người vọng ngoại, tin vào sự trợ giúp vô tư của Nhựt hoàng, một số khác muốn nhắm vào quyền lực dân tộc; ông Trần Quý Cáp đã viết ra bản Sĩ Phu Tự Trị Luận, công kích xu hướng vọng ngoại.

"Văn chương bát cổ" bị công kích chỉ vì thiếu nội dung, vì nội dung xa thực tế đau thương của dân tộc. Các ông Phan Sào Nam, Trần Quý Cáp vẫn dùng hình thức liễn đối, thơ bát cú, văn tế, phú. Ông Trần Quí Cáp người hăng hái cổ xúy tân học, khi ra tới trường chém, "đao đã ghé cổ, còn thung dung xin với quan giám trảm cho đặt án đốt hương, áo mão nghiêm trang bái tạ quốc dân ngũ bái rồi khẳng khái tựu hình, sắc mặt in như khi nhóm trò giảng sách". Sĩ phu miền Trung đã kháng Pháp, tiên đoán thực tế, từ hồi đầu thế kỷ 20. Văn hóa, đối với các vị nầy là vận mạng dân tộc. Người thích văn chương thuần túy sẽ bực mình vì các vị nầy làm thơ nực mùi chánh trị. Các vị chống thực dân Pháp với một tư thế, một sự kiên nhẫn, gan lì khá độc đáo. Sưu tầm những tài liệu cuộc tranh đấu nầy, tổng kết lại là việc cần thiết. Chúng ta có phương tiện gần đầy đủ ở miền Nam, việc làm nầy rất hữu ích tuy không làm chấn động giới "khảo cổ quốc tế" như trường hợp tìm ra một ngôi mả xưa, một pho tượng hồi thế kỷ thứ III, một cái sọ người!

Gẫm lại sọ người, cái lưỡi tầm sét, ngôi mả xưa chỉ gây xúc động cho người Việt và nhân loại khi nào nó là một bộ phận tiêu biểu cho sự tiến bộ, cho niềm hy vọng, nỗi đau thương, khi từ cánh tay gãy bằng đá, từ cái sọ mục nát phát ra nhiều hào quang, tưởng chừng như trong cái sọ ấy có óc và cánh tay nọ có máu nóng đang chảy. Nó dính dáng đến đại thể, dính dáng mật thiết - nói nôm na là nó có duyên. Mỗi pho tượng chỉ gợi cảm khi nó có duyên, giải đáp một vấn đề. Người có duyên phải biết đòi hỏi, đặt vấn đề đúng lúc, vấn đề ấy không phải của riêng mình là của chung dân tộc. Ở lăng ông Thoại Ngọc Hầu bên chân núi Sam gần kinh Vĩnh Tế (Châu Đốc), còn có câu đối hai bên mộ bia: "Văn chương hoán tinh đẩu... " Thoại Ngọc Hầu chỉ ưa xem hát bội, không để lại cho hậu thế bài thơ nào. Ông lo trấn giữ bờ cõi, di dân lập ấp, tổ chức đào nhưng con kinh chiến lược đúng nơi đúng lúc. Ông làm chánh trị, làm quân sự, làm kinh tế. Vùng biên thùy Hậu Giang trở thành một nơi "sơn thủy hữu tình thiên lý ngoại", với bao nhiêu sinh lực. Ông Thoại Ngọc Hầu là tiêu biểu của văn chương. 

  ° ° °  

Mấy tiếng văn minh, văn hóa được người Âu châu định nghĩa từ hồi thế kỷ thứ 17, 18, nghĩa là mới đây, lúc các nhà tư bản tìm thị trường ở lục địa khác.

Văn minh được hiểu như là phản nghĩa của dã man, của thiên nhiên, chưa khai hóa. Như vậy có tình trạng chênh lệch đàn anh, đàn em giữa dân tộc văn minh và dã man thô sơ. Và dân văn minh lãnh nhiệm vụ khai hóa, lấy cái văn minh của mình làm khuôn vàng thước ngọc về nết ăn thói ở, về cách suy nghĩ để cho toàn thế giới tiến đến trình độ văn minh đồng đều - nghĩa là giống như văn minh Tây phương. Nước văn minh thì giàu sang, nước chưa văn minh thì nghèo hèn. Lại còn danh từ văn minh kỹ thuật, ngụ ý rằng nước nào ở trình độ kỹ thuật cao thì... . có trình độ văn minh cao hơn nước trình độ kỹ thuật thấp. (Xem J.Berque. Dépossession du monde, Ed. Du Seuil, 1964).

Nói đến văn minh là nói đến bất bình đẳng giữa tài nguyên, kỹ thuật.

Đâu hồi 1939 ở nước ta, các nhà văn, nhà chánh trị cãi vã nhau về quan niệm nghệ thuật, về "duy tâm, duy vật".

Cuộc tranh luận ấy không thể xảy ra lúc nầy, lúc mà những người hữu thần duy tâm lại sống thừa thãi: từ đôi vớ, cây viết đến bếp điện, nồi điện, vô tuyến truyền hình, bàn cạo râu điện. Tiểu thuyết tâm tình, áo đầm, đồ hộp... đi sâu vào xóm bình dân. Mỗi người đều có hy vọng trở thành hoa hậu hoặc trúng số độc đắc. Hoàn cảnh chung quanh xúi giục mọi người nên sống cho ra vẻ đứng đắn, đứng đắn là theo công thức mới, không lập dị. Công thức nầy bao gồm thói ăn nết ở, cách ăn mặc, cách giải trí theo thời trang do quảng cáo thương mãi giựt dây. Người ta dùng tiếng văn minh vì dường như danh từ văn minh bao gồm những thành quả về vật chất. Đó là nếp sống thành thị, lãnh đạo nếp sống thành thị là một lớp người đặc biệt mà chánh phủ ta đã nhiều phen lên tiếng đả kích: những người đầu cơ chiến tranh, làm giàu nhờ chiến tranh, không là ngoại bang nhưng chính là người Việt Nam. Họ mua bán, nhập cảng hàng hóa. Mua tiền và bán tiền. Hàng hóa chỉ là một cái cớ để họ đổi tiền đổi bạc. Nghề sanh nhai của họ không thể có truyền thống ở Việt Nam vì xưa kia chỉ riêng vua chúa mới có nhiều vốn, nắm trọn ngành ngoại thương. Họ xuất hiện, đóng vai trò chạy mối trong các hãng ngoại quốc. Xuất thân của họ gồm nhiều từng lớp khác nhau: hoặc là từ trong gia đình có truyền thống làm mại bản, hoặc là người cai thầu ở tỉnh nhỏ mới lên Sài Gòn lập nghiệp từ năm ba năm, hoặc là nông dân khéo giao thiệp, hoặc là điền chủ chạy giặc lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng nhưng nhờ đứa gái đẹp gả cho lính Pháp. Hoặc là dàn cựu kháng chiến, hồi cư. Thời buổi chiến tranh, mua bán trúng mối là dễ làm giàu nhưng muốn làm to thì phải có gan: bất chấp luật lệ, xuất quỷ nhập thần, gian thương đi đôi với tham nhũng, tìm những sơ hở của luật lệ hiện hành. Họ biết rằng các cường quốc Âu Mỹ đang trải qua thời kỳ "văn minh sung túc, thừa thãi" và dân nghèo ở nước nhược tiểu luôn luôn thèm khát những tiện nghi vật chất, sẵn sàng tiêu thụ từ cây kim, cái muỗng, đến chiếc xe gắn máy, phấn son...

Xa xỉ phẩm trở nên cần thiết, có thể cho người ta quen dùng để rồi thấy rằng cần thiết: nhịn ăn, ăn xôi, ăn khoai lang buổi sáng, ăn cá kho rau muốn luộc buổi trưa để dư chút ít tiền hòng chơi hụi mua sắm máy truyền hình, hàng vải ngoại hóa, dầu thơm. Nhà ở chật chội nhưng cái phòng khách choán hơn phân nửa diện tích; giường ngủ, nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh chiếm phần ba còn lại. Chỗ ngủ, chỗ ăn và nhà tắm kiêm cầu vệ sinh chỉ cách nhau vài tấc. Thời chiến tranh mà được ngủ yên, ngoài vòng bom đạn thì quả thật là tiên: thiên đường mà các nhà đạo đức hứa hẹn trong kiếp sau đường như mơ hồ, chi bằng ta tạo cho ta một thiên đường nhỏ bé, tại nhà, với gạch bông, với ảnh nữ minh tinh trên vách, với máy thâu thanh, thâu hình, với nệm cao su và hoa ni lông nở bốn mùa. Đời là khổ nhưng trong cái khổ vẫn chứa cái sung sướng, uống thuốc bổ gan lúc táo bón, ngậm kẹo ho lúc bắt đầu ho và ngậm loại kẹo chứa hàng chục thứ sinh tố khi buồn miệng. "Khen ai kiếp trước khéo tu, mà nay con cháu võng dù nghinh ngang". Thời chiến tranh mà người ta ganh tị nhau từ màu áo, son phấn, hiệu xe hơi. Thành công về tài chánh trên đường đời là dấu hiệu của tài năng, của phước đức. Các loại hàng hóa cứ đổi thay, dễ trở nên lỗi thời nên mọi người cần dạo phố để theo sát thời trang. "Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi", "Phây phây cũng có ăn". Sự nhàn rỗi được ca ngợi. Thời trước trong báo Phong Hóa, Ngày Nay, Lý Tóet và Xã Xệ là hai nhân vật tiêu biểu cho dân quê, số dân quê nầy bị ngăn cách với thành thị bằng bức tường kiên cố, không tài nào vượt qua được, càng cố gắng vượt qua thì càng té đau, càng bị ném trở về vị trí cũ. Ngày nay, tình thế khác hẳn. Với chút ít tiền là người ta đọc báo tâm tình, được mặc đầm, uốn tóc theo thời trang, đi giày cao gót. Và nếu chịu khó chú ý thì ai cũng được dịp nhại lời ăn tiếng nói, bộ điệu của con nhà lành trưởng giả qua tuồng cải lương, qua tiểu thuyết tâm tình - để đốt nhanh cái giai đoạn "cù lần" "thị Mẹt"... Tất cả đều là trưởng giả mới, những người trưởng giả mới luôn luôn thấy khó chịu như đứng không vững trên đất và để tạo thế quân bình tạm thời, họ mua những món không cần thiết nhưng "tiêu biểu", họ nhìn quanh để tìm ra những dấu vết "cù lần" "thị Mẹt" hoặc "Ma-ri Phông-tên" ở những người khác để tự an ủi rằng họ đã vượt giai đoạn ấu trĩ, đã đạt được nếp sống trưởng giả cổ điển "Ăng lê". Dầu là nhà cửa lầy lội, con cái ốm o, ghẻ chốc nhưng người ta phải giữ hình thức trưởng giả, khi ra đường. Hễ ra đường thì phải rửa cho sạch sẽ bộ chân đóng phèn để rồi loanh quanh với cái ăn cái mặc, để tìm và giữ vững sanh kế! Từng lớp đau xót nhứt ở thành thị không phải là cu li, bồi bếp nhưng là những tư chức, làm ngày hai buổi với đồng lương không đủ tiền cơm, tiền xe, nhịn ăn để lo quần áo son phấn và khi rảnh việc, buổi tối hoặc ngày chúa nhật thì giặt quần áo. Người đứng đắn không nên dạo phố với áo bi-ra-ma, dép Nhựt Bổn. Người nghèo nhứt cũng sắm ít nhứt ba bốn bộ quần áo để mặc ở nhà, thay qua đổi lại. Loại "quần áo bộ", "đồ bộ", quần sa-ten may túm ống kiểu quần jean và cái áo ngắn nhái theo phân nửa áo đầm. Áo dài "cổ truyền" được cải cách, Tây phương hóa cho sát eo, cho lồi ngực, bó sát thân hình. Và nếu cần định nghĩa cho cái áo bà ba, ta cứ gọi nó là phân nửa cái áo dài tân thời.

Thất bại trên đường đời, kiếm không ra tiền là phạm tội lớn với gia đình, với dòng họ, với người lân cận. Rốt cuộc trong xóm nghèo, người ta lại ganh tị nhau, người nầy dòm ngó khen chê người kia quá nghèo chưa biết ăn mặc. Chịu đựng sự chê bai của người giàu là dễ vì đó là sự chịu đựng gián tiếp. Gìn giữ cho người trong xóm, trong sở đừng chê bai là điều khó hơn. Cái nhìn của người láng giềng. Cái nhìn của cô bạn.

Người mại bản, bọn gian thương luôn luôn kiêu hãnh vì thấy cái lối sống ích kỷ của họ trước kia bị công kích nay được phổ biến. Những người ngoan cố, thủ cựu nhứt lúc đầu thì nguyền rủa họ (khi mới đến thành thị) nhưng lần hồi thì hàng phục, noi gương họ. Họ và bè lũ cứ ngồi uống rượu uýt-ky, chửi đổng một cách vô trách nhiệm, công kích mọi chánh phủ rằng chánh phủ nầy thất bại vì không làm theo ý kiến họ, chánh phủ kia chưa làm được gì đáng kế chỉ vì không đi sát quần chúng, không theo sát tình hình. Đối với người Mỹ thì họ khen một điều, chê hai điều. Đôi khi tâm hồn trống trải, thấy người chung quanh chẳng ai chơi thật tình với họ thì họ lại nghĩ đến tình dân tộc. Khi thì họ nói: "Dân tộc là cái gì? Đó là danh từ huyền hoặc, vô nghĩa trong thời đại liên lục địa, liên hành tinh, khi người Việt dùng đồng hồ Nhựt, gạo Mỹ, thuốc bổ Hòa Lan, thịt lạnh Úc Châu, máy in Đài Loan, ván ép Đại Hàn, mặc quần áo như đầm, chơi hoa kiểng theo Nhựt, tập Yoga theo Ấn Độ và thích học chương trình Pháp hoặc học Anh ngữ, nghe nhạc Mỹ". Nhưng bỗng dưng, họ trở giọng: "Tôi là thằng Việt Nam, ai đụng tới thằng Việt Nam thì tôi đập bây giờ. Thế giới đã ngán thằng Việt Nam rồi. Ai chưa ngán kẻ đó còn mê ngủ". Nhiều người đã lầm họ. Họ làm giàu nhờ chiến tranh thế mà họ lại than phiền hơn ai hết, cho mình là nạn nhân của chiến tranh. Họ làm giàu vì nhờ số mạng, nhờ tử vi! Khi tình hình chính trị sôi bỏng, họ muốn "làm một cái gì" nhưng khi chưa ra trận họ đã rút lui tự bao giờ, thấy rằng tình thế bao giờ cũng bất lợi, thôi hãy chờ dịp khác.

Họ đã yêu nước đâu hồi 1945, có tản cư vài tháng hoặc đôi ba năm. Họ xưng là chống thực dân, họ đã quen biết, đã nuôi nấng hoặc gặp một vài nhà cách mạng tiền bối nào đó. Kháng Pháp đối với họ chỉ là một mớ hồi ký, giai đoạn lụn vụn, vừa bi ai, vừa buồn cười. Chỉ là giai thoại vì không biết tổng kết thế nào cho ổn. Đối với cuộc chiến hiện tại, họ đóng vai trò một ông trời con để phê phán, chấm điểm cho cả đôi bên. Ai muốn họ phục tài thì phải làm "một cái gì" tức là một thành tích ngoài chiến trường, đóng vai những cá nhân cứu dân độ thế như những người hùng miền Viễn Tây. Họ không đủ thông minh để thông cảm với những chiến sĩ vô danh. Nhìn vào đại cuộc, họ phê phán các nhân vật ở Âu-Mỹ, ở Việt Nam cho rằng ai cũng hành động vì động cơ ích kỷ như họ. Và người làm cách mạng cũng là người ích kỷ. Rất may là họ ít chịu làm chính trị, họ chỉ thích làm áp-phe khi cần tranh thương hoặc đầu cơ, đuổi nhà đuổi đất thì cứ tiến hành một cách lạnh lùng - tiến tới rồi đính chánh sau.

Thỉnh thoảng họ bàn bạc về văn nghệ, gặp đám tiệc liên hoan họ nhảy nhót và uống rượu hết mình. Họ xem văn nghệ sĩ là bạn thân, họ phục tài các văn nghệ sĩ để chứng tỏ họ nào phải là kẻ phàm phu tục tử, những thứ văn nghệ mà họ ưa thích là vũ, thoát y vũ.

° ° °

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro