PHẦN 6: CHUYỆN NHỎ CHÍNH LÀ CHUYỆN LỚN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN 6: CHUYỆN NHỎ CHÍNH LÀ CHUYỆN LỚN - CHƯƠNG 37: "CHUYỆN RIÊNG TƯ" CỦA CON GÁI

Trái tim nhỏ bé vừa phải chứa đựng một sự thật thần kỳ, đồng thời buộc phải gánh vác trách nhiệm giữ điều bí mật liên quan đến tính mạng, đối với một đứa trẻ bảy tuổi, đây là một điều khó khăn và khổ sở biết bao.

Một hôm, cô con gái Viên Viên bảy tuổi của thôi thấy ti vi bàn đến chủ đề chuyện riêng tư, liền hỏi thế nào là "chuyện riêng tư". Tôi liền nói: "Tức là điều bí mật của riêng mình và không thể kể cho người khác". Cô bé hỏi tôi: "Mẹ có chuyện riêng tư không?". Tôi nói có chứ. Bé lại hỏi tiếp: "Bố con có không?". Tôi nói chắc là cũng có chứ. Viên Viên định nói gì đó xong lại thôi. Tôi cười thầm trong lòng, không gặng hỏi chuyên gia này đang nghĩ gì mà tiếp tục quay sang lau bàn. Một lát sau, nghe thấy cô bé khẽ nói một câu: "Con cũng có chuyện riêng tư...".

Tôi đứng thẳng người lên, chăm chú nhìn con, "Thế thì con phải cẩn thận đấy, đừng để bố mẹ biết". Viên Viên cũng nói rất nghiêm túc: "Suốt đời con sẽ không nói cho ai biết, con cũng không nói với mẹ đâu". Tôi cố gắng nhịn cười, "Ngay cả mẹ mà cũng không muốn kể, xem ra chuyện riêng tư của con không nhỏ đâu nhỉ". Nghe ra ý đùa trong câu nói của tôi, Viên Viên nói với vẻ không hài lòng: "Chuyện riêng tư của con không phải là chuyện nhỏ đâu, lớn lắm". Tôi hỏi lớn thế nào, cô bé dùng hai tay làm động tác to như một cái nhà hoặc to như bầu trời, cũng cảm thấy không so sánh được, liền nói với vẻ bực bội: "Thôi mẹ đừng hỏi nữa, con không muốn nói chuyện này nữa đâu".

Tôi cầm giẻ lau đi vào nhà vệ sinh, đang giặt thì Viên Viên bước vào theo. Cô bé hỏi tôi bằng giọng bí hiểm, thăm dò: "Mẹ, chuyện riêng tư của mẹ là gì?". Tôi nói: "Chuyện riêng tư của mẹ cũng không thể nói cho ai được, nếu nói ra thì không còn là chuyện riêng tư nữa". Cô bé càng tò mò hơn, bám riết lấy tôi bắt tôi kể. Tôi cũng không tìm ra được nội dung gì để đối phó cho qua chuyện, bèn nói: "Con kể chuyện riêng tư của con cho mẹ trước, rồi mẹ sẽ nói cho con". Viên Viên dẩu môi, "Không được, chuyện của con không nói được". Tôi nói: "Chuyện của mẹ cũng không nói được". Cô bé liền bắt đầu bầy nhầy, ôm ngang eo tôi mè nheo, "Nói cho con đi, nói cho con đi". Tôi muốn bịa ra một "chuyện riêng tư" để cô bé mau ra chỗ khác, bèn nói: "Mẹ sẽ nói cho con trước, sau đó con lại kể cho mẹ nghe nhé?". Với những gì mà tôi hiểu về Viên Viên, cô bé thường vui vẻ chấp nhận cuộc trao đổi này. Nhưng vừa nghe thấy vậy, cô bé vẫn không chịu, mà quay ra đọc sách. Điều này khiến tôi hơi bất ngờ, cô bé thà bỏ đi cơ hội nghe "chuyện riêng tư" của tôi, chứ không chịu kể cho mẹ nghe "chuyện riêng tư" của mình. Có chuyện gì mà lại có thể khiến một cô bé kín như bưng trước sự dụ dỗ này?

Tôi đang thắc mắc thì nghe thấy ông xã từ phòng khách bước ra, trêu con gái: "Con kể điều bí mật của con cho bố nghe, chỉ có hai ta nói thầm với nhau thôi, không cho mẹ nghe thấy". Đột nhiên Viên Viên nổi cáu, hai gót chân đập vào ghế sofa, "Haizz, con vừa mới quên bố lại nhắc lại, không nhắc đến chuyện này nữa, được không ạ!".

Tôi thấy Viên Viên có vẻ nổi cáu, bước đến, ôm cô bé, nhìn vào mắt con hỏi: "Chuyện riêng tư của con là chuyện khiến con vừa nghĩ đến là cảm thấy không vui ư?". Cô bé nghĩ một lát, khẽ lắc đầu. Tôi hỏi: "Vậy thì, là chuyện vui ư?". Cô bé cũng lắc đầu, trông có phần nặng nề. Tôi nói: "Nếu con cảm thấy không vui, nói ra sẽ thoải mái hơn". Cô bé nói: "Bình thường con cũng không sao cả. Những lúc con đi học, hoặc là trong lúc chơi, hoặc là lúc đọc sách sẽ không nhớ đến nó. Lúc nào nhớ đến thì con sẽ mau chóng làm việc khác".

Tôi và ông xã đưa mắt nhìn nhau.

Tôi cố gắng nói bằng giọng thoải mái nhất: "Cả ba chúng ta đều nói ra chuyện riêng tư của mình nhé. Một gia đình không nên giữ bí mật với nhau". Bố cô bé cũng hùa theo tôi. Nhìn thấy hai chúng tôi về một phe, Viên Viên liền giãy giụa thoát ra khỏi lòng tôi, chạy đến một góc cách chúng tôi xa nhất, vừa chạy vừa hét "Con không nói, bố mẹ đừng hỏi nữa", sau đó lại quay đầu nhìn chúng tôi như bị giật mình. Nét mặt, động tác của cô bé khiến tôi hơi giật mình, trí tò mò lại nổi lên.

Một tuần sau đó, chúng tôi vẫn băn khoăn không biết có nên làm rõ "chuyện riêng tư" của con gái hay không. Vừa sợ xét hỏi ráo riết quá làm tổn thương lòng tự trọng của con, nhưng rồi lại lo ngại nếu có chuyện gì đó cần sự giúp đỡ của bố mẹ thì sao. Tôi có linh cảm rằng, chuyện này không nói được với bố mẹ, nhưng lại khiến cô bé phải để tâm, đồng thời là "chuyện riêng tư" "rất lớn" khiến cô bé cảm thấy nặng nề, có sức ép về tâm lý đối với cô bé. Tôi lại thăm dò nhắc lại một lần nữa, vừa phát hiện ra tôi có ý định hỏi gì đó, Viên Viên liền chạy đi ngay. Điều này càng khiến chúng tôi coi trọng hơn. Tôi và ông xã bàn với nhau mấy lần, vẫn cảm thấy không yên tâm, liền nghĩ cách giăng bẫy hòng dụ con khai ra.

Một hôm, trong bữa ăn trưa, chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nói với Viên Viên rằng: "Mẹ và bố đã trao đổi "chuyện riêng tư" với nhau rồi". Cô bé trợn tròn mắt, "Thật ạ?" rồi nhìn sang bố, bố gật đầu. Viên Viên có vẻ ghen tị, "Chỉ có bố mẹ nói thầm với nhau, không cho con biết". Tôi nói: "Bố mẹ đang chuẩn bị nói với con". Mắt cô bé sáng lên, hào hứng, sốt sắng hỏi tôi: "Mẹ, chuyện riêng tư của mẹ là gì ạ?". Tôi liền kể "chuyện riêng tư" của mình ra một lượt. Trước yêu cầu của con gái, ông xã cũng nói ra "chuyện riêng tư" của mình. Nghe xong, Viên Viên tỏ ra khá hài lòng, nói với vẻ đầy ẩn ý: "Chuyện riêng tư của bố mẹ đều là chuyện tốt...". Chúng tôi liền tranh thủ cơ hội tấn công luôn, "Nhà mình không nên giữ bí mật gì cả, nếu cả nhà không có lòng tin với nhau, thì chúng ta còn tin tưởng được ai chứ, con bảo có đúng không? Ai có chuyện vui, nói ra mọi người đều vui; nếu có chuyện buồn, nói ra chia sẻ với nhau, cùng nhau giải quyết, con bảo thế có đúng không?". Viên Viên nghe ra được dụng ý của chúng tôi, lẩm bẩm: "Nếu như con nói với bố mẹ, cũng sẽ không tốt cho bố mẹ". Chúng tôi vội nói: "Bố mẹ không sợ, quan trọng là sợ con bị tổn thương". Cô bé nói: "Con không nói sẽ không bị tổn thương, nói ra mới bị tổn thương". Chúng tôi hỏi vì sao, cô bé ngần ngừ trong giây lát, đột nhiên lại nổi cáu, "Hai ngày hôm nay con đang không nghĩ về chuyện này, bố mẹ vừa nhắc, con lại phải nhớ đến...". Rồi cô bé không chịu ăn cơm nữa, để thừa lại nửa bát cơm rồi rời bàn. Điều này khiến tôi và ông xã cũng thấy mất cả ngon.

Ăn cơm xong, tôi không rửa bát ngay mà bế Viên Viên đang ngồi trên ghế sofa lên đùi mình, nói bằng giọng nghiêm túc với cô bé: "Mẹ cảm thấy, điều bí mật của con không phải là chuyện tốt, mẹ rất sợ nó sẽ làm tổn thương đến con, con nói ra có được không?". Cô bé lặng lẽ lắc đầu. Tôi nói: "Con chỉ nói với một mình mẹ thôi, không cho người khác biết nữa được không?". Ông xã vội giả vờ đi vào phòng lên giường ngủ. Viên Viên vẫn lắc đầu. Tôi nói: "Con còn quá nhỏ, rất nhiều chuyện chưa đủ khả năng xử lý, nếu như con có chuyện mà không nói ra cho mẹ nghe, chẳng may chuyện này làm tổn thương con thì con làm thế nào, mẹ không biết sẽ không có cách nào giúp con cả".

Viên Viên nói: "Nói ra mới là gây tổn thương mẹ ạ, không nói sẽ không sao cả". Tôi hỏi, tại sao? Cô bé trả lời với vẻ bất lực: "Dù thế nào cũng không thể nói ra". Vừa nói vừa đòi thoát khỏi lòng tôi, tôi liền ôm chặt con gái, dồn cô bé đến nước không kể không được, đồng thời vừa nhẹ nhàng, vừa nghiêm giọng nói: "Nói ra đi, nói cho mẹ nghe, có được không?".

Viên Viên cúi đầu im lặng, vân vê cục tẩy trong tay, có thể nhận ra cô bé đang đấu tranh tư tưởng rất quyết liệt. Tôi không dám lên tiếng, lặng lẽ chờ đợi. Bầu không khí vô cùng căng thẳng, tôi chỉ mong sự căng thẳng này có thể giúp con gái trút ra được bí mật của mình. Cô bé dùng cục tẩy để giảm bớt sức ép, kéo dài thời gian im lặng, đến khi cảm thấy bầu không khí đã dịu đi đôi chút, cô bé lại tìm cách giãy ra, tôi lại ôm chặt cô bé, lại giảng giải cho cô bé hiểu vấn đề. Trước sự kiên trì của tôi, mấy lần cô bé định nói gì xong lại thôi, nhìn như đã chuẩn bị nói ra rồi, lại ngập ngừng dừng lại. Tôi không hiểu cô bé đã gặp phải chuyện gì mà khó mở miệng như vậy. Sự ngoan cường của cô bé khiến tôi vô cùng kinh ngạc.

Chúng tôi cứ giằng co như vậy hết lần này đến lần khác, một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Cô bé hàng xóm đến gõ cửa, gọi Viên Viên đi học. Viên Viên nhảy ngay xuống đất, vừa nói "Mẹ ơi con đi học đây!" vừa chạy ra cửa. Một nỗi lo lắng trào dâng trong lòng tôi. Trong lúc quay đầu chào tôi, chắc chắn là có cái gì trong mắt tôi làm cô bé cảm động, khiến cô bé cảm thấy không nỡ lòng, trong tích tắc cuối cùng, đột nhiên cô bé lại thoả hiệp, nói: "Mẹ ơi, tối đi học về con sẽ nói cho mẹ biết được không?". Tôi gật gật đầu. Cô bé tung tăng chạy xuống dưới, ông xã từ phòng ngủ đi ra, thắc mắc, "Người bé bằng bàn tay, có chuyện gì mà bí hiểm như thế nhỉ?".

Buổi chiều tôi đến trường gặp cô chủ nhiệm tìm hiểu tình hình học hành thời gian gần đây của Viên Viên, biết mọi việc ở trường của cô bé đều rất tốt, không có chuyện gì cả. Nhưng tôi vẫn lo lắng, thậm chí lo buổi chiều hôm nay không biết có chuyện gì xảy ra hay không. Đợi mãi mới đến giờ Viên Viên tan học, tôi quan sát thấy tinh thần của con không có gì khác với ngày thường, mới yên tâm được phần nào. Nhưng dũng khí xét hỏi của tôi đã vơi đi rất nhiều. Vẻ nhượng bộ mà Viên Viên thể hiện ra lúc trưa khiến tôi cảm thấy xấu hổ, chính vì thế tôi không sốt sắng hỏi con, vẫn chào con như bình thường rồi vào bếp. Cô bé cũng bật ti vi lên xem phim hoạt hình như mọi bận.

Trước giờ ăn tối có chút thời gian trống, xem xong ti vi Viên Viên chơi đồ chơi. Tôi gọi cô bé vào phòng làm việc. Cô bé biết tôi đang định làm gì, dường như có vẻ ngượng nghịu, lại có vẻ bất đắc dĩ, dựa vào chân tôi, do dự trong giây lát, xem ra vẫn đang đấu tranh tư tưởng, cuối cùng nói: "Chuyện đó con viết trong cuốn nhật ký ấy, mẹ tự đọc đi". Trong cuốn nhật ký có bốn đoạn, mỗi đoạn đều có một số chữ viết bằng phiên âm, đó là những chữ Viên Viên chưa biết viết. Cô bé chỉ cho tôi đoạn ghi "chuyện riêng tư", toàn văn như sau:

Lý Văn Văn nói với tôi rằng nhà bạn ấy có một thanh kiếm Thanh Tỏa và một thanh kiếm Tử Ẩn. Bạn ấy nói, nếu cậu nói với người khác, kiếm Thanh Tỏa và kiếm Tử Ẩn sẽ đâm vào dạ dày cậu. Nhưng tôi vẫn muốn nói.

Tôi đọc đi đọc lại mấy lần, ngẩng đầu lên.

Viên Viên thấy tôi có vẻ không hiểu, liền nói: "Lý Văn Văn nói hai thanh kiếm này ba nghìn năm mới xuất hiện một lần". Tôi vẫn chưa hiểu, hỏi cô bé có nghĩa là gì. Viên Viên nói, tức là hai thanh kiếm này ba nghìn năm trước ở một nhà nào đó, sau ba nghìn năm lại xuất hiện trên thế giới, hiện giờ đang nằm ở nhà Lý Văn Văn. Nói xong, cô bé còn bổ sung thêm một câu, "Lý Văn Văn nói hai thanh kiếm này có phép thần! Ai biết rồi đều không được kể với người khác, nếu kể thì sẽ bị đâm thủng bụng".

Tôi hỏi: "Chỉ mỗi chuyện này thôi ư?".

Viên Viên gật đầu.

"Không còn chuyện gì nữa ư?".

"Không còn ạ". Ánh mắt cô bé ngây thơ và thành khẩn.

Bất giác tôi liền thở phào, bật cười.

Đoạn nhật ký này thực ra trước đây tôi đã vô tình đọc được, lúc đó chỉ cười vì sự ngây thơ của con gái, không hề nghĩ rằng trong đoạn văn ngắn này lại ẩn chứa một tâm trạng nặng nề biết bao. Tôi thơm lên má con gái, thương bé không biết phải nói gì.

Cô bé đã đã giấu kín chuyện này trong lòng hơn ba tháng. Trái tim nhỏ bé vừa phải chứa đựng một sự thật thần kỳ, đồng thời buộc phải gánh vác trách nhiệm giữ điều bí mật liên quan đến tính mạng, đối với một đứa trẻ bảy tuổi, đây là điều khó khăn và khổ sở biết bao. Tôi không có ý định giễu cợt sự ngây ngô của con trẻ bằng vốn kiến thức của người lớn, nhưng đã thực sự cảm nhận được nỗi dày vò mà cô bé phải chịu đựng, đặc biệt là sức ép mà những lời tra hỏi của chúng tôi và nỗi sợ hãi bị kiếm thần đâm thủng bụng gây ra cho cô bé.

Tôi hỏi Viên Viên: "Con có tin không?". Cô bé gật đầu, lại nói: "Có lúc tin cũng có lúc không tin, con chỉ thấy sợ...". Tôi chậm rãi nói: "Những điều mà Lý Văn Văn nói giống như truyện thần thoại, nhưng mọi truyện thần thoại đều là giả. Truyện thần thoại chỉ là một câu chuyện, không có thật, chính vì thế chúng ta không cần phải tin, cũng không cần phải lo lắng, con bảo có đúng không?". Viên Viên gật đầu, đôi mắt lấp lánh, nghĩ gì đó đột nhiên hưng phấn reo lên: "Đúng rồi, mẹ ơi, điều này chắc chắn là giả! Lý Văn Văn nói chỉ cần con nói ra, kiếm sẽ đâm thủng bụng con. Từ nãy đến giờ, không phải là không có chuyện gì xảy ra đó sao". Cô bé sờ vào bụng mình, tự an ủi nói: "Về sau chắc chắn càng không sao cả".

Tôi cảm thấy xấu hổ, do hồi còn nhỏ chúng tôi quá thiếu truyện cổ tích, nên luôn muốn tạo cho con một thế giới cổ tích, nhưng lại quên rằng cổ tích có thể gây ra hiệu ứng ngược, xem ra sau này phải lưu tâm hơn, bổ sung thêm cho con một số kiến thức về cuộc sống, để cô bé không bị lẫn lộn giữa thế giới cổ tích và thế giới đời thường. Nghĩ vậy, tôi liền tiếp lời con gái: "Nào, để mẹ xem có bị đâm thủng dạ dày không nào", rồi đưa tay cù bụng cô bé. Viên Viên cười ngặt nghẽo.

Lưu ý đặc biệt

Không phải trẻ em cả ngày vô lo vô nghĩ, chúng thường xuyên có tâm sự và những điều thắc mắc của mình, thậm chí khổ sở và buồn rầu. Bố mẹ nên chú ý quan sát con, phát hiện vấn đề qua những chi tiết, bằng phương pháp khéo léo chỉ dẫn từng bước, gợi ý để con nói ra vấn đề, đồng thời giúp trẻ giải quyết bằng biện pháp phù hợp.

Không nên lấy những kiến thức của người lớn để chế nhạo sự ngây thơ của trẻ, không nên lấy lối tư duy chín chắn của người lớn để phê bình sự ấu trĩ, nực cười trong suy nghĩ của con trẻ. Mỗi chi tiết khi sống chung với trẻ đều là một bài học giáo dục đạo đức, cũng là một tiết học phụ đạo về tâm lý.

CHƯƠNG 38: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON KHÔNG LƯỜI ĂN

Ăn là một bản tính của con người, làm sao phải mất nhiều công sức như vậy để bắt một đứa trẻ há miệng?

Mười năm trước có một câu quảng cáo rất nổi tiếng: "Uống vào Wahaha, ăn cơm sẽ thấy ngon", quảng cáo cho một loại thuốc siro nghe nói có thể kích thích trẻ ăn ngon miệng. Sản phẩm này đã giúp một công ty nhỏ không có tiếng tăm kiếm được xô vàng đầu tiên, và đó là một xô vàng rất lớn, công ty nhỏ nhanh chóng biến thành công ty lớn, cuối cùng cả công ty và người sáng lập ra công ty đều nổi tiếng khắp đất nước - điều này đã cho thấy một hiện tượng khiến người ta phải sửng sốt: Hiện tại, có quá nhiều trẻ em mắc chứng lười ăn.

Con trẻ lười ăn hiện đã trở thành một trong những vấn đề khiến bố mẹ đau đầu nhất, tôi đã từng gặp không ít phụ huynh khổ sở, rầu rĩ vì chuyện này, vì chuyện ăn uống của con mà họ thực sự đã mất bao công sức, nghĩ ra đủ mọi cách.

Tôi còn nhớ khi Viên Viên hai mươi tháng tuổi phải nằm viện vì viêm phổi, cùng phòng bệnh có một cậu bé ba tuổi rất lười ăn, một bát cơm mà ăn hết hơn một tiếng đồng hồ, gần như phải mất rất nhiều công sức mới ăn được một miếng. Mẹ cậu, bố cậu và bà nội mỗi ngày vì chuyện ăn cơm của con trẻ mà phải áp dụng rất nhiều chiêu, vừa dỗ vừa lừa, mềm có rắn có, lúc thì hứa sẽ mua cái gì đó cho cậu, lúc lại khen cậu ngoan như thế nào, lúc lại quát mắng bắt cậu phải há miệng, cả quá trình khiến người ngoài nhìn cũng cảm thấy khổ sở.

Trong quá trình ăn, cậu bé tìm đủ mọi cách để hành hạ người lớn, để kéo dài sự ép buộc của người lớn đối với cậu. Đầu tiên cậu đòi mẹ bón, để bố và bà nội đi ra đứng ở ngoài cửa; mẹ vừa bón được hai miếng, lại bắt mẹ đi ra, đòi bố vào bón. Một bữa cơm khiến ba người lớn cứ phải ra ra vào vào như đèn kéo quân. Bữa cơm nào cậu bé cũng đưa ra điều kiện, không ngừng đổi mới "thủ đoạn" hành hạ mọi người. Sau khi hành hạ người nhà xong xuôi, nhìn thấy các bạn nhỏ khác chơi món đồ chơi nào đó, liền yêu cầu phải mua ngay cho cậu món đồ chơi đó, nếu không sẽ không ăn cơm, ngày hôm sau mua cũng không được. Bố mẹ cậu liền mượn bạn nhỏ khác đồ chơi, mỗi món đồ chơi cầm trên tay một lát là chán, lại đòi cái mới, bố mẹ cậu không ngừng phải mượn đồ chơi của các bạn khác. Có bạn nhỏ không chịu cho cậu mượn, cậu bé liền lấy việc không ăn cơm để bắt chẹt bố mẹ, và thế là bố mẹ cậu phải dày mặt làm công tác tư tưởng cho các bạn nhỏ đó. Và đến khi cậu bé lấy được món đồ chơi mà bố mẹ mượn, buộc phải há miệng ra ăn cơm, dường như có mối thù với món đồ chơi trong tay, tranh thủ lúc người lớn không để ý, liền vứt ngay xuống đất, chính vì thế cậu bé này luôn khiến phòng bệnh ồn ào không được yên, khiến các bạn nhỏ khác phải khóc. Đợi đến khi cậu ta đã chơi hết số đồ chơi trong phòng bệnh của chúng tôi, bố mẹ cậu lại bắt đầu sang phòng bệnh bên cạnh tìm đồ chơi cho con, lại khiến các bạn trong phòng khác khóc nhè.

Cuối cùng tôi không nhịn được nữa liền nói với mẹ cậu bé, con trẻ đang ốm không muốn ăn cơm là chuyện bình thường, người lớn cũng thế mà. Bắt ép con ăn cơm sẽ không tốt cho con, cứ để tự nhiên sẽ tốt hơn. Người mẹ này không thích nghe tôi nói như vậy, chị nói, con trai chị bình thường đã lười ăn, chính vì lười ăn, không có sức đề kháng nên mới thường xuyên bị ốm. Hiện giờ ốm rồi, muốn bình phục thì phải ăn cơm, nếu không làm sao có sức đề kháng.

Đúng là nhìn cậu con trai của chị rất bủng beo. Tôi thầm nghĩ, họ cứ tiếp tục làm như vậy, không những con không chịu ăn, mà e ngay cả phẩm chất đạo đức cũng bị ảnh hưởng.

Ăn là một bản tính của con người, làm sao phải mất nhiều công sức như vậy để bắt một đứa trẻ há miệng?

Rất nhiều bậc phụ huynh rầu rĩ vì chuyện con lười ăn mà không suy nghĩ một vấn đề hết sức đơn giản: Ở Trung Quốc, những đứa trẻ sinh ra trong những năm 1950, 1960, thậm chí là cả thập niên 1970, làm gì nghe thấy đứa trẻ nào lười ăn? Thời đó gia đình nào cũng đông con, có đứa trẻ nào phải đuổi theo để bón cơm hay không? Từ thập niên 1980 trở lại đây, đặc biệt là sau những năm 1990, đời sống ngày càng được nâng cao, tại sao trẻ em lại đồng loạt mắc bệnh lười ăn?

Bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Spock đã trình bày rất rõ về vấn đề này, ông nói, "Tại sao có nhiều đứa trẻ không chịu ăn như vậy? Nguyên nhân chủ yếu là do cũng có không ít bố mẹ ép con ăn"(1) - Câu nói này đã giải thích sự việc rất rõ ràng, nguyên nhân chủ yếu khiến con trẻ lười ăn chính là vì phụ huynh để tâm quá nhiều đến việc ăn uống của con, quá miễn cưỡng trong vấn đề này. Cảm giác thèm ăn bình thường của trẻ đã bị lòng tốt của người lớn - những người khá dồi dào về vật chất và thời gian phá hoại.

Không phải bản tính của những đứa trẻ sinh ra trong thời hiện đại thay đổi, mà là bố mẹ có đủ thời gian và công sức đi làm những việc trái với bản tính.

Benjamin Spock cho rằng, "Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có một cơ chế sinh lý kỳ diệu tự điều tiết số lượng và chủng loại thực phẩm ăn vào, đáp ứng nhu cầu phát triển bình thường"(2). Cũng có nghĩa là bản thân trẻ biết rõ nhất mình muốn ăn gì, nên ăn bao nhiêu. Người lớn không quản trẻ, trẻ sẽ có thể phát triển bình thường chức năng ăn uống của mình; và nếu bố mẹ thường xuyên can thiệp, sự việc sẽ trở nên tồi tệ. "Trẻ em có một bản năng là bị bắt ép sẽ chống đối. Ăn cái gì cũng vậy, nếu như ăn không vui, lần sau nhìn thấy sẽ chán ghét... Thúc ép con trẻ ăn là vô ích, từ đó lại còn làm giảm cảm giác thèm ăn, khiến nó không hồi phục được trong một thời gian dài"(1).

__________________

(1) Makarenko, Tuyển tập giáo dục của Makarenko, Ngô Thức Dĩnh biên soạn, NXB Giáo dục nhân dân tái bản lần thứ nhất tháng 1-2005, tr.507

(2) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.429.

(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.427.

Tôi đã từng gặp một em học sinh lớp năm, bà nội em là chuyên gia nghiên cứu thực phẩm ở Viện khoa học nông nghiệp nọ, rất có tiếng tăm trong ngành. Sau đó một lần tôi và mẹ em nói chuyện, nghe chị nói mỗi buổi tối nhà chị đều nấu tám món thức ăn và một món canh, thực đơn của mỗi tuần đều do bà nội em dày công sắp xếp, chủ yếu là dựa vào nhu cầu phát triển của trẻ để đưa ra, và tay nghề nấu ăn của cô giúp việc cũng rất khá. Chúng ta có thể tưởng tượng, em bé được sống trong gia đình có điều kiện như vậy, sức khỏe em chắc chắn là sẽ rất khỏe mạnh, vượt trội so với các bạn.

Nhưng một điều lạ là, so với bạn bè cùng lớp, cậu bé này vừa gầy vừa nhỏ, giống như con em dân tị nạn đói ăn. Hơn nữa tính tình cậu rất kỳ cục, nóng nảy, thành tích học tập cũng không tốt lắm. Nhắc đến con, mẹ cậu tỏ ra rất phiền muộn.

Qua nói chuyện, sau khi tìm hiểu một số chi tiết trong cuộc sống của gia đình chị, cảm thấy đúng là "sự việc thành công hay thất bại đều do con người gây ra".

Họ đã tận tâm xây dựng thực đơn rất khoa học, cũng chăm sóc con trai rất chu đáo. Hàng ngày ngoài việc phải ăn cái gì, mỗi loại ăn cho đủ bao nhiêu cũng có quy định. Con trẻ ăn không đủ tiêu chuẩn, phụ huynh không chịu để yên, nhất định phải nghĩ cách ép con "hoàn thành nhiệm vụ". Nếu phương pháp của họ dùng để sản xuất một cỗ máy hoặc để trồng một cây ngô, chắc chắn sẽ thành công, chỉ tiếc rằng trước mặt họ là một đứa trẻ có ý thức độc lập.

Khi tôi có ý định khuyên người mẹ này không nên quá theo đuổi "những thao tác tiêu chuẩn hóa" trong vấn đề ăn uống của trẻ, không nên bắt ép con trẻ trong bàn ăn, người mẹ liền lập tức lắc đầu, nó có rất nhiều mánh khóe, có mấy ngày nói nếu không kêu ca, chỉ trích nó trong việc ăn uống, nó sẽ ăn tử tế; kết quả là mỗi lần gắp chỉ gắp một chút thức ăn, mỗi miếng đưa vào miệng nhai bao nhiêu lâu, một bữa cuối cùng tính ra chỉ ăn được rất ít. Đột nhiên người mẹ này hậm hực nói: "Hiện giờ chúng tôi đều mặc kệ nó rồi".

Nhưng qua những câu nói phía sau của chị tôi mới hiểu, thực ra cái gọi là "mặc kệ" chỉ là thay đổi phương pháp quản, mỗi bữa cơm đều xới cho con một bát to rồi cho thức ăn vào, bất luận con trẻ ăn trong bao lâu, đều buộc phải ăn hết - người mẹ cảm thấy cách làm của mình rất cao tay, không còn để xảy ra xung đột với con vì chuyện ăn cơm như trước nữa. Nhưng điều khiến chị vô cùng bực mình là, có hôm đến lúc đi ngủ, cậu con mới ăn hết bát cơm này.

Tôi vẫn muốn khuyên vị phụ huynh này, muốn chị đặt mình vào địa vị của trẻ để suy nghĩ, cảm nhận được cảm giác mình không muốn ăn mà vẫn bị người khác nhét vào miệng, khuyên chị không nên ngày ngày ép con như vậy nữa, cho phép con ăn ít đi một chút. Vị phụ huynh này liền lập tức phản bác, nó là con trai, không cao lớn thì làm thế nào, vì chuyện này mà cả nhà sốt ruột chết đi được, không ăn đủ làm sao mà lớn được!

Tôi hiểu được nỗi sốt ruột của chị, nên rất muốn chị hiểu rằng, tinh thần của trẻ và cảm giác thèm ăn có quan hệ rất lớn với nhau, trước hết phải giải quyết được vấn đề chán ăn của trẻ, sau đó mới giải quyết được vấn đề ăn nhiều hay ăn ít, và căn nguyên của chứng chán ăn chính là do bố mẹ quá so bì tị nạnh về chuyện ăn uống của con.

Người mẹ này không có hứng thú với những gì tôi nói, giọng chị tỏ ra là tôi không hiểu gì về dinh dưỡng thực phẩm, không biết một đứa trẻ đang ở trong tuổi ăn tuổi lớn mỗi ngày cần những loại dinh dưỡng nào, buộc phải đạt đến số lượng nào. Chị cho rằng trong vấn đề này mẹ chồng chị hiểu rõ hơn ai hết, cảm thấy không cần người khác phải chỉ bảo. Trước những bậc phụ huynh như thế này, tôi cũng bó tay.

Một hôm, tôi đã lưu ý quan sát cậu bé này trong giờ ăn trưa ở trường. Đĩa cơm của cậu chỉ lấy rất ít thức ăn, gần như không ăn miếng nào, suốt bữa ăn cậu chỉ ra vẻ như đang ăn mà thôi, khều khều vài miếng, nhưng không đưa vào miệng miếng nào. Đến khi các bạn đã ăn xong, cậu liền đổ tất cả cơm và thức ăn vào thùng rác rồi ra khỏi nhà ăn. Cô giáo chủ nhiệm nói cậu bé này gần như ngày nào cũng vậy, không bao giờ ăn cơm ở trường. Trước đây cô đã từng phản ánh với phụ huynh, phụ huynh liền yêu cầu cô giáo phải giám sát cậu ăn cơm, đồng thời tỏ ý trách móc cô giáo. Cô giáo phải quản lý cả lớp, làm sao có thể ngày nào cũng giám sát cậu được, chính vì thế bây giờ cũng không phản ánh với phụ huynh chuyện này nữa.

Nhìn thân hình gày gò, ánh mắt vô định và vẻ đối địch của cậu bé, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc. Bố mẹ kỳ vọng nhiều vào em, không những mong em có được thành tích học tập tốt, tương lai vào được trường đại học nổi tiếng; họ cũng mong em có được tâm lý lành mạnh, được sống hạnh phúc; đồng thời còn mong em có một sức khỏe tốt, khôi ngô tuấn tú. Nhưng chỉ riêng chuyện ăn uống làm không đúng sẽ có bao nhiêu tác động xấu đến các phương diện này. Từ chuyện ăn uống này có thể đoán được cách làm của bố mẹ em trong một số chuyện khác, e rằng cũng cứng nhắc và thiếu sự thấu hiểu con. Nếu đúng là như vậy thì bao niềm mong mỏi của họ, e rằng cũng sẽ chỉ là con số không.

Giống như trong vấn đề học tập, tôi nói với các bậc phụ huynh can thiệp quá nhiều rằng "không nên quản con trẻ", thường khiến một số phụ huynh tỏ ra phản cảm, trong vấn đề ăn uống nói với những bậc phụ huynh quan tâm từng tí một rằng "đừng quản", cũng sẽ bị người khác lườm nguýt. Trong mắt rất nhiều bậc phụ huynh, "không quản" là một việc rất khó thực hiện. Nguyên nhân là do họ không cho rằng sự "quản" của mình là thừa, cũng không tin đây được gọi là "can thiệp", họ tin rằng đây là quan tâm và chỉ bảo. Chính vì thế nếu có người bảo họ không nên "quản" con trẻ, họ sẽ thấy khó chịu như việc bắt họ từ bỏ quyền và trách nhiệm làm bố làm mẹ.

Nhưng thực tế là, giống như việc càng "quản" càng tồi tệ trong việc học, "Áp dụng biện pháp mạnh trong vấn đề ăn uống của con, không có người bố người mẹ nào là không thất bại"(1).

__________________

(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.429.

Làm thế nào để trẻ có được cảm giác thèm ăn bình thường? Thực ra rất đơn giản, chính là bốn chữ: Cứ để tự nhiên.

Trong vấn đề ăn uống của trẻ bố mẹ không nên ép buộc, không nên tỏ ra sốt ruột, tin rằng con trẻ tự biết mình cần ăn bao nhiêu. Một ngày nào đó con trẻ thấy ngon miệng, cái gì cũng muốn ăn, nhưng một hôm nào đó lại không muốn ăn gì cả, đây là điều bình thường. Ngay từ đầu bạn chỉ cần chú ý đến vấn đề kết hợp các món ăn sao cho đủ chất, đặt lên bàn ăn những món trẻ cần ăn, nhưng trẻ ăn món nào, ăn bao nhiêu chỉ là việc của trẻ, vậy thì sẽ không xuất hiện tình trạng chán ăn ở con trẻ nữa, trong việc này bạn vừa thực hiện đơn giản lại vừa thành công.

Nếu con bạn đã xuất hiện triệu chứng chán ăn, học giả Benjamin Spock đã có những lời gợi ý cụ thể rất hay trong vấn đề này như sau:

Thứ nhất, bố mẹ cần thay đổi thái độ. Trong chuyện ăn uống của con bố mẹ nên tỏ thái độ bình thản, ăn nhiều không khen ngợi, ăn ít không phê bình, luôn tỏ ra vui vẻ, thoải mái trong chuyện này, để con trẻ không cảm thấy áp lực trong vấn đề này. Khi bưng bát cơm lên, trẻ cảm thấy thoải mái về mặt tâm lý, mới có thể cảm thấy thèm ăn.

Thứ hai, nếu trẻ đã xuất hiện chứng chán ăn, thì không nên kỳ vọng nửa tháng, hai mươi ngày trẻ có thể phục hồi. Bố mẹ cần có lòng kiên trì, sự kiên trì này không phải là sự trấn tĩnh tạm thời do bạn cố gắng kìm chế nỗi lo lắng, sốt ruột của mình, mà là sự thản nhiên của bạn sau khi đã nhận thức được đầy đủ vấn đề. Sự phục hồi của trẻ đòi hỏi một quãng thời gian rất dài, vài tháng, thậm chí vài năm. Trong quá trình này, nếu bố mẹ chỉ từ chỗ cưỡng ép công khai chuyển sang nấp vào chỗ kín để theo dõi, đến một thời gian nhất định sẽ không chịu được nữa lại đi càu nhàu con trẻ, vậy thì mọi sự cố gắng đều sẽ trở thành con số không.

Thứ ba, không nên nói cái này nhiều chất nên ăn nhiều, cái kia ít chất nên ăn ít. Nếu không có chất thì bố mẹ phải điều chỉnh khi nấu cơm. Cần cho phép trẻ lựa chọn các món đã đặt lên bàn ăn. Đối với những món trẻ không thích ăn không được dùng điều kiện để ép trẻ, không nên nói với những đứa trẻ thích ăn thịt không thích ăn rau rằng "Nếu không chịu ăn rau thì mẹ sẽ không cho ăn thịt đâu". Những câu nói này chỉ có thể khiến trẻ càng ghét ăn rau hơn. Bố mẹ có thể nói ngược lại: "Ăn hết thịt mới cho con ăn rau", như thế có thể sẽ kích thích niềm hứng thú của trẻ đối với rau xanh.

Thứ tư, để trẻ tự ăn cơm, không nên bón. Tầm một tuổi rưỡi trở đi trẻ đã có thể tự mình ăn cơm, bố mẹ không nên khổ sở bón cơm cho con, chỉ cần thu dọn "chiến trường" mà con để lại sau khi ăn là đủ. Thường xuyên bón cơm sẽ ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của trẻ, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng tay của trẻ. Có đứa trẻ ba, bốn tuổi đã hình thành nên thói quen xấu, bố mẹ không bón không chịu ăn, bón thì ăn vài miếng. Tình hình này phải thay đổi ngay lập tức, nói với trẻ rằng từ nay trẻ cần phải tự mình xúc cơm. Nếu trẻ không chịu, cho đói vài bữa, chắc chắn thói xấu sẽ sửa được.

Thứ năm, không nên đưa ra điều kiện trong chuyện ăn uống của trẻ. Ví dụ có bậc phụ huynh thường xuyên nói nếu con chịu ăn, mẹ sẽ mua đồ chơi hoặc cho con đi chơi, những câu nói như thế này sẽ ảnh hưởng xấu đến trẻ, hơn nữa sẽ dạy cho trẻ cách dùng các yêu cầu vô lý để bắt chẹt bố mẹ.

Tháng 4 năm 2008, tôi có xem một chương trình nuôi dạy con của đài truyền hình địa phương ở Hồ Nam, nói đến vấn đề con trẻ lười ăn thì làm thế nào.

Cậu bé trong chương trình chỉ độ năm, sáu tuổi, bố mẹ rất mong con cao lớn, nhưng con trẻ rất lười ăn, ông bà nội, bố mẹ cậu đều rất phiền muộn vì điều đó.

Đài truyền hình mời một vị giáo sư ở trường đại học nọ đến hướng dẫn cách giải quyết, vị giáo sư đã đưa ra một "phương pháp trị liệu bằng bi ve". Tức là chuẩn bị một cái lọ và hai mươi hòn bi ve, trong lọ đặt trước mười viên bi ve, hôm nào con trẻ chịu ăn sẽ cho thêm một viên, lười ăn sẽ giảm đi một viên. Lúc đó con trẻ đang nóng lòng muốn mua một đĩa phim siêu nhân, nhưng trong bình buộc phải tích đủ được hai mươi viên bi mới được đi mua.

Đài truyền hình đã coi đây là phương pháp hay để giới thiệu cho khán giả - nhưng đây là một lời "gợi ý tồi" điển hình, là một cách dụ dỗ dị dạng - nó khiến cho con trẻ coi ăn cơm là một hành vi vụ lợi, dạy trẻ cách dùng chuyện ăn cơm để ngã giá với bố mẹ. Chương trình này không nêu ra hiệu quả của cách làm này thế nào, nhưng tôi có thể khẳng định, cùng lắm nó chỉ đạt được "hiệu quả" trong thời gian ngắn, tức kéo dài đến khi đĩa phim siêu nhân mua được về nhà. Tiếp theo đó đương nhiên là phụ huynh có thể tiếp tục lợi dụng nhu cầu mới của con trẻ, đặt ra yêu cầu ăn cơm đối với trẻ. Nhưng con trẻ sẽ không có được nghị lực lớn như vậy, chúng sẽ không kiên trì mà nhanh chóng thấy chán chơi "trò chơi" này.

Phương pháp này không những không giải quyết được vấn đề lười ăn một cách căn bản của trẻ, mà còn khiến trẻ luôn cảm thấy thất bại vì khó có thể tích đủ được số lượng bi ve, từ đó càng căm ghét chuyện ăn cơm hơn.

Có bậc phụ huynh không ép con, nhưng lại thường xuyên có những ngôn từ ám chỉ, cũng sẽ gây ra hiện tượng lười ăn hoặc kén ăn ở trẻ.

Tôi có một người bạn, khi con chị còn nhỏ, chị thường xuyên tỏ ra lo lắng, phàn nàn với người khác trước mặt con rằng con chị lười ăn. Tôi đã nhiều lần nhắc chị không nên nói như vậy, kể cả có muốn nói, cũng nên nói sau lưng trẻ, đừng để trẻ nghe thấy. Nhưng chị không chịu để ý, hoặc là đã thành thói quen, luôn đứng trước mặt con càu nhàu chuyện con không chịu ăn cơm. Hiện giờ con chị đã hơn mười tuổi, nhưngvẫn không thể tự giác trong chuyện ăn uống.

Tôi còn nghe có người bạn nói rằng, hồi nhỏ con trai chị vốn rất thích ăn thịt dê, nhưng chồng chị lại không thích ăn. Sau đó có hai lần nhà nấu thịt dê, con trẻ đang định ăn, vô tình người bố liền nhắc "Đó là thịt dê đấy", hàm ý muốn nói rằng "Con có dám chắc là mình ăn được không?". Qua lời của bố con trẻ biết được bố mình bài xích thịt dê, cảm nhận được ý của bố là "Cái đó khó ăn lắm", từ đó cậu bé không còn chịu ăn thịt dê nữa.

Chính vì vậy khi con trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hoặc không thích ăn thứ khác, bạn không nên nói ra chuyện này, càng không nên vì chuyện này mà trách mắng trẻ, cũng không nên vội vàng tìm món khác để thay thế. Coi như không biết gì, vẫn bưng ra bàn ăn như bình thường; thậm chí nên tìm cơ hội cố tình dùng lời nói ám chỉ rằng trẻ rất thích ăn cái này. Ví dụ trước mặt đứa trẻ không thích uống sữa khoe với người khác rằng, con trai tôi cái gì cũng ăn được, không kén ăn, uống một hơi là hết một cốc sữa to.

Khi Viên Viên năm, sáu tuổi, tôi đưa cô bé về nhà bà ngoại, bị ảnh hưởng từ con gái của anh trai tôi, Viên Viên không thích ăn thịt dê nữa. Sau khi về đến nhà, tôi nấu thịt dê cô bé không ăn. Tôi không tỏ ra quan tâm, cũng không nói gì, giả vờ không chú ý đến vấn đề này, hôm nào cần nấu thịt dê vẫn cứ nấu. Tôi làm hai lần sủi cảo nhân thịt dê, trước khi ăn cô bé luôn hỏi thịt gì, tôi bảo thịt dê, cô bé không ăn nữa. Tôi liền làm thứ khác cho cô bé ăn, không nói gì cả.

Tôi biết Viên Viên rất thích ăn món mì sốt thịt, tiếp theo đó tôi liền dùng thịt dê để làm món thịt băm sốt cà chua để trộn với mì. Trước đây nấu mì sốt thịt, nhà tôi chưa bao giờ dùng thịt dê, lần này Viên Viên cũng không hỏi là thịt gì, ăn rất ngon. Ăn xong, tôi mới giả vờ nói với ông xã, hôm nay nhà hết thịt lợn, em dùng thịt dê để làm thịt băm sốt cà chua, ngon thật. Nghe thấy tôi nói vậy Viên tỏ vẻ không chịu, nhưng đã ăn vào bụng rồi, không còn cách nào cả, đành phải chịu.

Tôi còn mua cả thịt dê xiên sẵn ở siêu thị về, về đến nhà nướng bằng lò vi sóng thơm nức nhà. Ông xã nói, ăn thịt dê nướng thơm như vậy, phải uống cốc bia mới đã; tôi cũng nói lâu lắm rồi không ăn thịt dê nướng, thơm thật. Không kìm được cơn thèm, cuối cùng Viên Viên đã cầm xiên thịt lên ăn ngon lành.

Cuối cùng cần nhắc phụ huynh phải chú ý rằng, cố gắng ít cho trẻ ăn quà vặt. Lượng ăn của trẻ vốn không nhiều, ăn chút quà vặt là no ngay, ngồi vào bàn ăn đương nhiên sẽ không còn thèm ăn nữa.

Ngoài ra còn các yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng khẩu vị của trẻ, như không khí trong gia đình có thoải mái không, quan hệ giữa bố mẹ có hòa thuận không... Ngoài ra, khi con trẻ đố kỵ với anh chị em hoặc những bạn bè xung quanh, cảm nhận được sự đối xử không công bằng, hoặc bị ảnh hưởng bởi các trạng thái tinh thần tiêu cực khác, cũng sẽ xuất hiện chứng chán ăn. Bố mẹ nên lưu tâm nhiều hơn trong các vấn đề này.

Một người bạn gọi điện cho tôi, nói đứa con đang trong độ tuổi mầm non của chị lười ăn cơm, chị gọi điện thoại cho mẹ chồng ở quê kể khổ, mẹ chồng bình thản nói, "Cho nó nhịn đói hai hôm là hết thôi". Câu nói này khiến cô con dâu không hài lòng, nói tại sao bà nội lại nói ra được những lời như thế. Tôi cười, nói, nếu như chị hỏi tôi, tôi cũng trả lời như thế: Không tin cho cậu bé đói hai ngày thử xem!

Đương nhiên, không nhất thiết phải cho con chịu đói hai ngày, nhưng câu nói này truyền đạt một phương châm thoải mái, là một bí quyết vàng, có thể khiến con trẻ "ăn cơm sẽ thấy ngon", hiệu quả chắc chắn sẽ vượt trên cả loại thuốc chữa biếng ăn đó. Chắc chắn là mẹ chồng chị đã dựa vào kinh nghiệm phong phú của mình để đưa ra tuyệt chiêu này.

Lưu ý đặc biệt

Nguyên nhân chủ yếu khiến con trẻ lười ăn chính là vì phụ huynh để tâm quá nhiều đến việc ăn uống của con, quá miễn cưỡng trong vấn đề này. Cảm giác thèm ăn bình thường của trẻ đã bị lòng tốt của người lớn - những người khá dồi dào về vật chất và thời gian phá hoại.

Áp dụng biện pháp mạnh trong vấn đề ăn uống của con, không có người bố người mẹ nào là không thất bại.

Khi con trẻ tỏ ra không thích ăn cơm hoặc không thích ăn thứ khác, bạn không nên nói ra chuyện này, càng không nên vì chuyện này mà trách mắng trẻ, cũng không nên vội vàng tìm món khác để thay thế. Coi như không biết gì, vẫn bưng ra bàn ăn như bình thường; thậm chí nên tìm cơ hội cố tình dùng lời nói ám chỉ rằng trẻ rất thích ăn cái này

CHƯƠNG 39: NGỦ KHÔNG SỢ ỒN ÀO, HỌC KHÔNG SỢ ỒN ÀO

Căn phòng vô khuẩn không thể tạo ra những con người mạnh mẽ, cường tráng, cách làm muốn loại bỏ tất cả các âm thanh bình thường xung quanh để giúp đỡ cho việc học của con cũng sẽ không khả thi. Một đứa trẻ bị ảnh hưởng trong môi trường bình thường, trong môi trường yên tĩnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, yếu tố ảnh hưởng đến trẻ không phải là âm thanh đó, mà là thói quen tìm kiếm âm thanh của trẻ.

Mấy năm qua tôi thường xuyên đến thăm họ hàng, bạn bè hoặc đồng nghiệp mới sinh em bé, phát hiện thấy không ít người chăm lo rất cẩn thận cho giấc ngủ của em bé. Nói chuyện giọng thầm thì, rút điện thoại ra, sợ có tiếng động gì đó làm con trẻ thức giấc. Sự quan tâm săn sóc của bố mẹ là điều có thể lý giải, nhưng làm như vậy là sai lầm, có thể sẽ gây rắc rối cho giấc ngủ sau này của trẻ.

Tôi rất may mắn khi được đọc một cuốn sách có tên là Bách khoa toàn thư nuôi con mới, cuốn sách này rất hay, do một bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học trẻ em nổi tiếng của Mỹ viết. Lúc đó tôi cũng đã mua mấy cuốn sách về nuôi dạy con do người Trung Quốc viết, sau khi đọc xong, mới thấy cuốn sách "nhập khẩu" này luôn theo đuổi cái gọi là "tự nhiên", nhưng lại khoa học khách quan, rất phù hợp với khẩu vị của tôi. Ví dụ trong vấn đề giấc ngủ của em bé, lúc đó tôi thấy mấy cuốn sách do người Trung Quốc viết đều nói rằng, sau khi em bé chào đời, cần cố gắng tạo cho bé một môi trường yên tĩnh, để bé có giấc ngủ ngon. Trong khi cuốn sách này lại viết như sau:

"Trong nhà có một vài tiếng động thường không ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Bố mẹ đi lại trong phòng không cần phải rón ra rón rén, nói chuyện không cần phải thì thầm, nếu không trẻ sẽ quen với môi trường yên tĩnh, đột nhiên nghe thấy một tiếng động gì đó sẽ rất dễ giật mình, tỉnh giấc. Cho dù là trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ, chỉ cần bình thường đã quen với một số tiếng động và tiếng nói chuyện trong nhà, kể cả có tiếng cười nói của khách đến thăm, hoặc radio, ti vi vẫn đang bật, thậm chí có người bước vào phòng ngủ của trẻ, trẻ vẫn có thể ngủ rất ngon lành"(1).

_______________

(1) Benjamin Spock, Bách khoa toàn thư nuôi con mới, Trác Hồng Bưu dịch, NXB Trung Quốc ngày nay, năm 1989, tr.177.

Một đoạn văn ngắn khiến tôi học hỏi được rất nhiều điều.

Đoạn văn này nhắc nhở tôi rằng, giấc ngủ của con trẻ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường của người lớn, một môi trường có một vài tiếng động còn có lợi cho việc giúp trẻ hình thành nên thói quen tốt đi ngủ không sợ ồn ào. Chính vì thế sau khi Viên Viên chào đời, chúng tôi phải làm gì vẫn làm như bình thường, tiếng nói chuyện, volume của ti vi bình thường để thế nào vẫn giữ nguyên như thế. Và dường như em bé sơ sinh trên giường này cũng tỏ ra không hề sợ tiếng động. Những biểu hiện của Viên Viên trong bức ảnh chụp cô bé đầy tháng càng để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Hồi đó nhà tôi vẫn chưa có máy ảnh, khi Viên Viên đầy tháng, tôi nhờ một thợ chụp ảnh đến chụp cho con. Thợ chụp ảnh đến rồi nhưng cô nàng vẫn đang ngủ. Vì sau đó anh thợ chụp ảnh vẫn còn phải đi chụp ảnh cho một nhà khác nên không chịu đợi, chúng tôi quyết định sẽ gọi con dậy.

Đầu tiên tôi sờ lên má bé, gọi bé bằng giọng như bình thường, kết quả không có phản ứng gì.

Và thế là tôi lật chăn ra, vừa nắn chân nắn tay cho bé vừa nói chuyện với bé bằng giọng to hơn, bé vẫn làm ngơ.

Ông xã đứng bên cạnh nói, bế lên chắc là sẽ tỉnh đấy. Tôi liền bế lên, vỗ vào mông và lưng bé, vỗ bên nọ vỗ bên kia, đầu bé tựa vào ngực tôi ngủ càng ngon hơn.

Mọi người vừa thấy lạ vừa buồn cười, ngay cả anh thợ chụp ảnh cũng nói lạ thật, sao gọi mà không chịu tỉnh nhỉ. Sau đó chúng tôi lại lấy tay cù vào cổ bé, đầu và cổ bé chỉ hơi nhúc nhích một chút, lại còn mỉm cười, nhịp thở vẫn đều đặn, vẫn tiếp tục giấc mơ đẹp của mình.

Cuối cùng, bà ngoại liền đưa ra tuyệt chiêu, lấy một chiếc khăn mặt rửa mặt cho bé, chiếc khăn mát lau trên làn da non nớt, nhưng cô nàng chỉ hơi chun mũi một cái, sau đó vẫn bình thản say sưa giấc nồng.

Vần đi vần lại nửa tiếng đồng hồ mà vẫn không gọi được cô bé, không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải để thợ chụp ảnh đến nhà khác chụp trước, quay về sẽ chụp cho chúng tôi. Nhưng anh thợ vừa đi chưa đầy mười phút, Viên Viên tỉnh giấc, đầu tiên cô bé hơi vặn người, mở mắt ra, sau đó ngoác miệng ra khóc, đòi ti. Chúng tôi vừa tức vừa buồn cười - quá đáng thật.

Chuyện này khiến chúng tôi phát hiện ra rằng, con trẻ đâu phải "không sợ ồn ào", mà là "thực sự không sợ ồn ào". Bởi vì bình thường người ta không cần thiết phải gọi một em bé sơ sinh đang ngủ say dậy, chính vì thế hiện tượng này cũng không dễ bị phát hiện. Từ đó trở đi, chúng tôi càng không lo ngại có tiếng động gì đó có thể làm ảnh hưởng đến con, và thực sự cô bé cũng có thể ngủ say trong bất cứ âm thanh nào.

Trên thực tế, sau khi lớn lên một chút Viên Viên rất dễ dàng bị đánh thức. Từ khi hơn một tuổi, mấy lần chúng tôi phải đi tàu lúc nửa đêm, chỉ cần chúng tôi khẽ gọi một tiếng, cô bé liền tỉnh dậy ngay, không khóc lóc gì, rất ngoan. Nhưng bình thường, cô bé luôn ngủ rất sâu giấc, chỉ cần âm thanh đó không phải gọi cô bé, thì sẽ không làm cô bé tỉnh giấc được. Dường như tai cô bé có một chức năng đặc biệt, có thể lọc hết những âm thanh không có liên quan.

Khi Viên Viên khoảng hai tuổi, một buổi tối tôi và ông xã lớn tiếng tranh luận với nhau một chuyện nào đó trước khi đi ngủ, lúc đó Viên Viên ở cùng phòng với chúng tôi, đã ngủ say rồi. Lúc đầu chúng tôi vẫn lo làm tỉnh cô bé, nhưng phát hiện thấy cô bé ngủ rất say, không hề có dấu hiệu gì cho thấy bị làm phiền, thế là giọng chúng tôi mỗi lúc một to hơn, cãi nhau một trận thoải mái. Bố mẹ lớn tiếng với nhau như vậy, thế mà từ đầu đến cuối, Viên Viên vẫn ngủ ngon lành như đang được nghe hát ru.

Có một số em bé, khi ngủ chúng dường như thực sự sợ tiếng ồn, tình huống này, ngoài những em bé đặc biệt nhạy cảm, thông thường là do thói quen xấu rèn trong thời gian sau khi sinh vài tháng. Còn có một số em bé trong ba tháng đầu thường dễ bị đau bụng, điều này cũng sẽ khiến chúng đột ngột tỉnh giấc và khóc thét lên, và người lớn thường lầm tưởng là chúng bị đánh thức. Cho dù là tình huống nào, bố mẹ cũng không nên để chúng có thói quen sợ tiếng động trong lúc ngủ, nên nghĩ cách để trẻ dần dần thích nghi với tiếng ồn của cuộc sống, học được cách đi ngủ không sợ tiếng ồn.

Một vấn đề sinh lý đơn giản nếu được giải quyết trong sự ngộ nhận, cuối cùng có thể sẽ biến thành một vấn đề tâm lý.

Tôi nghe một cô bạn đang học nghiên cứu sinh nói, phòng ký túc xá của cô có một người bạn, ngủ rất sợ tiếng ồn. Trong phòng có bốn người, mặc dù ba người kia rất giữ ý, nhưng người bạn này luôn phàn nàn rằng những tiếng động mà ba cô bạn cùng phòng gây ra khiến cô không thể ngủ ngon; khi ba người kia đều không ở trong phòng, cô lại kêu ca rằng tiếng nói chuyện của mọi người ngoài hành lang làm ảnh hưởng đến cô; đến lúc nửa đêm hành lang không còn người nữa, cô cũng vẫn không ngủ ngon được, bởi ngoài cửa sổ vẫn thỉnh thoảng có tiếng động gì đó. Vấn đề ngủ của cô dường như chỉ đến khi làm Robinson mới giải quyết được.

Có thể tưởng tượng được rằng cô bạn này đã gây ra rất nhiều rắc rối cho bạn bè cùng phòng, và người khổ sở nhất chính là cô. Nghe nói mẹ của cô bạn này cũng rất sợ tiếng ồn khi ngủ, từ nhỏ đã rất giữ gìn cho con gái trong vấn đề này. Nhưng sự giữ gìn này không đem lại điều tốt cho con, mà là đem lại những rắc rối có thể bám theo cô suốt cuộc đời.

Giống như trong môi trường ngủ thường có yêu cầu phải "yên tĩnh", mọi người cũng quen với việc phải yên tĩnh trong môi trường học. Nhưng cũng như việc những tạp âm phù hợp có lợi cho việc rèn rũa thói quen ngủ tốt, những tiếng động phù hợp cũng có thể bồi dưỡng cho trẻ khả năng chống chọi với sự ồn ào trong học tập. Chính vì thế trong vấn đề học tập của trẻ, cũng không nên coi trọng quá mức sự yên tĩnh, để tránh thái quá bất cập.

Hiện nay có một khuynh hướng khá phiền hà là, trong nhà trường hoặc gia đình, chúng ta luôn cố gắng tạo ra môi trường học "yên tĩnh", ngoài việc lớp học lấy "yên tĩnh" làm tiêu chuẩn thẩm mỹ, coi ồn ào là hiện tượng xấu, thậm chí ngay cả giờ sinh hoạt của học sinh tiểu học cũng yêu cầu học sinh không được lên tiếng. Trong vấn đề này thường làm hơi quá đà.

Tôi thấy tại một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh, thời gian hoạt động trước khi tan học là thời gian "tự quản", thời gian này vốn là thời gian để học sinh tự do hoạt động, nhưng thực tế nó lại biến thành giờ tự học. Mỗi lớp đều có một giáo viên quản học sinh, nếu có em nào nói chuyện, liền bị giáo viên phê bình một hồi. Có lớp kỷ luật không tốt, giáo viên phải liên tục quát nạt hoặc gõ bàn để duy trì "trật tự" - thực ra hiện tượng nhà trường yêu cầu phải giữ yên lặng từ sáng đến tối rất phổ biến, từ khi tôi học cấp một đã như vậy, hiện giờ dường như còn nghiêm ngặt hơn.

Kể từ khi lên lớp hai, Viên Viên bắt đầu có thói quen tự học vào buổi chiều, không phải cô giáo lúc nào cũng ở trong lớp, hầu hết thời gian là do cán bộ lớp duy trì trật tự. Hồi đó Viên Viên là lớp trưởng, cô giáo yêu cầu cô bé giữ tốt kỷ luật cho giờ tự học. Con trẻ đã bị quản một ngày, lúc này mới được cô giáo thả lỏng, làm sao chịu nghe lời lớp trưởng, giờ tự học lúc nào cũng như chợ vỡ. Viên Viên quản bạn này, bạn kia lại bắt đầu nói chuyện, đặc biệt là khi cô bé vừa cúi đầu xuống làm bài tập, lớp học lại như được tháo khoán, cô bé lại phải đứng dậy duy trì trật tự. Tiếng ồn ào trong lớp thường nuốt chửng tiếng của cô bé, Viên Viên lại phải hò hét, mới giữ yên lặng được một lát.

Cách làm này thực sự không phù hợp với bản tính của Viên Viên, trong khi cô giáo lại luôn yêu cầu cô bé phải có trách nhiệm đối với vấn đề "kỷ luật" trong giờ tự học, điều này khiến cô bé rất khó xử. Một thời gian sau, không ngờ cô bé lại viết "đơn xin từ chức", xin được thôi làm lớp trưởng, muốn làm quản ca. Tôi hỏi tại sao, Viên Viên nói làm quản ca không cần phải quản người khác trong giờ tự học. Sự việc ép con trẻ đến mức không muốn làm "quan" nữa!

Trường tiểu học là môi trường hoạt động của trẻ em, bản tính của con trẻ là hoạt bát, hiếu động. Ồn ào thì có sao, lẽ nào nó có thể ảnh hưởng đến việc học của ai ư? Không ít những người công tác trong ngành giáo dục đều hình thành nên "sở thích thích yên tĩnh", thậm chí sở thích này đã đến mức làm tổn thương con trẻ.

Tôi nghe một người bạn nói, trường tiểu học mà con chị học muốn phấn đấu trở thành "trường văn minh", để thực hiện mục tiêu này, trường đã phát động phong trào thi đua tạo "hành lang không có tiếng ồn". Tức là sau khi hết tiết học không cho phép học sinh gây ồn ào ở hành lang. Hàng ngày nhà trường cử các cán bộ lớp nhỏ tuổi tuần tra ở hành lang, tóm gọn kẻ gây chuyện. Các cán bộ lớp nhỏ tuổi không nắm rõ tiêu chuẩn, thường xuyên là bạn nhỏ nào không để ý nói hơi to liền bị ghi lại, sau đó sẽ trừ điểm thi đua của lớp. Kết quả là vì muốn tránh để lớp bị trừ điểm, sau khi hết tiết học, các cô giáo chủ nhiệm nhốt học sinh trong lớp, không cho học sinh ra ngoài hành lang, ai muốn đi vệ sinh trước hết phải xếp hàng trong lớp, người này đi xong quay về, người khác mới được đi. Nghe nói hàng lang của trường này thực sự rất yên tĩnh, kinh nghiệm còn được phổ biến sang các trường khác...

Những đứa trẻ lớn lên trong "hành lang không tiếng ồn", nhưng điều mà chúng cảm nhận được, thực chất là sự dã man của giáo dục nhà trường, hoạt động xây dựng "trường văn minh" như thế này, sẽ khiến trong lòng con trẻ phát triển thành một nền "văn minh" như thế nào?

Giáo dục cần bồi dưỡng cho học sinh làm việc theo thói quen, không nên theo đuổi sự chỉnh tề bề ngoài và hùa theo một sở thích tiêu cực nào đó. Trong môi trường học tập, vừa không cần thiết phải cố tình tạo ra sự ồn ào, cũng không nên quá đòi hỏi phải yên tĩnh, tự nhiên mới là tốt nhất. Nếu môi trường học tập phù hợp với bản tính của con trẻ, trẻ sẽ hình thành được một cách tự nhiên khả năng chống lại sự "quấy rối" trong học tập, trong vấn đề này chúng có sức sinh trưởng phi thường. "Học không sợ ồn ào" và "ngủ không sợ ồn ào" chính là một vấn đề, có thể có lối giải quyết giống nhau.

Xin hãy nhìn xem trường tiểu học này đã làm như thế nào.

Học sinh trong ngôi trường này tự do như vậy, hàng ngày muốn học giờ học nào đều là do học sinh tự quyết định. Ngôi trường này không bao giờ lấy nguyên tắc "không gây ồn ào cho người khác" để ngăn cấm học sinh làm những việc mà mình muốn làm, chính vì thế trong thư viện của trường, có người đọc sách, có người hát ca, có người đọc diễn cảm, có người vẽ tranh. Trong mắt người bình thường, ở đây vô cùng ồn ào, nhưng thực tế con trẻ lại không làm ảnh hưởng đến nhau, người nào làm việc đấy, tự tìm niềm vui cho mình. Nhà trường làm như vậy, mục đích là để bồi dưỡng khả năng chống lại sự "quấy rối" trong học tập, mục đích là để cho học sinh học được cách "cho dù xung quanh ồn ào như thế nào, đều có thể lập tức tập trung tinh thần!"(1).

__________________

(1) Kuroyanagi Tetsuko, Tottochan - cô bé bên cửa sổ, Triệu Ngọc Kiểu dịch, Công ty xuất bản Hải Nam, tháng 1-2003, tr.167 (Bản dịch tiếng Việt, Tottochan - cô bé bên cửa sổ, Iwasaki Chihiro minh họa, Trương Thùy Lan dịch, Nhã Nam, NXB Văn học, tháng 4-2011, 360 trang).

Ngôi trường này khiến học sinh cảm thấy vui vẻ, mỗi đứa trẻ sau khi tan học đều không muốn ra về, sáng hôm sau lại muốn đến trường thật sớm. Học sinh mà ngôi trường này tuyển đều rất bình thường, thậm chí có một số học sinh bị tàn tật hoặc bị các trường khác khai trừ, nhưng sau khi được hưởng chương trình giáo dục tiểu học ở đây, học sinh của trường gần như tất cả đều nên người - đây chính là ngôi trường rất có tiếng mà cuốn Tottochan - cô bé bên cửa sổ miêu tả - trường Tomoe, nó tồn tại ở Nhật Bản từ hơn bảy mươi năm về trước, người sáng lập là nhà giáo dục Nhật Bản Sosaku Kobayashi, ngày nay, tư tưởng giáo dục của ông được coi là vô cùng tiên tiến, đáng được phổ biến.

Trong gia đình, đương nhiên phụ huynh nên cố gắng tạo cho trẻ một môi trường học tập không ồn ào, nhưng trong vấn đề này chỉ cần bình thường là được, không nên quá nghiêm ngặt; nếu bố mẹ quá lưu tâm trong vấn đề này, thậm chí tỏ ra lo lắng, không những không đạt được hiệu quả tốt, mà còn có tác động xấu.

Tôi đã từng gặp một người hàng xóm, nhà chị nằm ở tầng dưới nhà tôi. Khi Viên Viên đang học cấp hai, con gái chị chuẩn bị thi đại học. Lúc đó Viên Viên chuẩn bị thi lấy chứng chỉ môn đàn nhị, do nội trú trong trường, chỉ cuối tuần về nhà mới luyện được đàn. Kết quả, chỉ cần tiếng đàn nhị của Viên Viên vang lên, tầng dưới liền gõ đường ống lò sưởi. Lúc đầu chúng tôi không nghĩ rằng âm thanh đó là nhằm vào chúng tôi, bởi tòa nhà đó mặc dù cách âm không tốt lắm, nhưng nhà nào có tiếng động gì, chỉ láng máng nghe thấy mà thôi, âm lượng đó không thể ảnh hưởng đến mình được. Sau đó lại mấy lần tiếp diễn như vậy, chúng tôi mới biết âm thanh đó là để ngăn không cho Viên Viên luyện đàn. Sau đó tôi có gặp một số người hàng xóm khác trong thang máy, qua lời chuyện trò của mọi người mới biết người mẹ này phàn nàn rằng tiếng động ở các nhà khác làm ảnh hưởng đến việc học của con gái chị, chính vì thế thường xuyên gõ đường ống lò sưởi, thậm chí còn "lên thăm nhà" một số người. Trong lòng mọi người có thể cũng cảm thấy chị làm hơi quá, nhưng vẫn ủng hộ việc thi đại học của con trẻ, đều tự giác giảm bớt các âm thanh trong nhà.

Viên Viên không thể luyện đàn vào buổi tối, mà chỉ được luyện vào chiều thứ bảy, tức là khi cô bé kia đến trường. Thời gian đó cũng không nghe thấy tiếng đàn piano của nhà hàng xóm nữa, chỉ thỉnh thoảng vẫn nghe thấy tiếng gõ đường ống lò sưởi, xem ra không thể dẹp hết được những âm thanh ảnh hưởng đến việc học của con gái chị. Lúc đó tôi thấy lo thay cho cô gái học lớp mười hai này, bố mẹ gõ đường ống lò sưởi, thực ra là không ngừng nhắc con rằng chỗ này có tiếng ồn, chỗ kia có tiếng động. Cả ngày dỏng tai lên tìm tiếng ồn, làm sao có thể tập trung vào việc học được?

Một điều đáng tiếc là cô bé đó không vào được đại học thật, kết quả mà tôi biết là cô bé lại phải ôn thi lại.

Đương nhiên cũng có thể là con trẻ không muốn học, tìm cớ nói người khác làm ảnh hưởng đến cô, trong tình huống này, bố mẹ càng không nên dung túng cho thói xấu của con.

Căn phòng vô khuẩn sẽ không thể tạo ra con người mạnh mẽ, cường tráng, cách làm muốn loại bỏ tất cả các âm thanh bình thường xung quanh để giúp đỡ cho việc học của con cũng không khả thi. Một đứa trẻ bị ảnh hưởng trong môi trường bình thường, trong môi trường yên tĩnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, yếu tố ảnh hưởng đến trẻ không phải là âm thanh đó, mà là thói quen tìm kiếm âm thanh của trẻ.

Trong quá trình trưởng thành con trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, phụ huynh không thể tạo cho trẻ mọi điều kiện phát triển lý tưởng. Bồi dưỡng cho con trẻ khả năng thích nghi với môi trường, đồng nghĩa với việc tạo cho trẻ môi trường tốt, có thể mang theo bên người mọi lúc, mọi nơi.

Khi Viên Viên học cấp ba, bà ngoại đến nhà chúng tôi, bà luôn sợ tiếng ti vi sẽ ảnh hưởng đến việc học của cháu. Chúng tôi liền nói nhiều lần với bà rằng không sao cả, lúc nào bà thích xem bà cứ xem thoải mái.

Những điều chúng tôi nói là thật lòng, chỉ cần không bê ti vi vào phòng Viên Viên, đóng cửa phòng của cô bé lại, cô bé sẽ không bị bất kỳ chuyện gì làm phiền nữa. Chúng tôi luôn bồi dưỡng cho cô bé khả năng chống lại sự ồn ào một cách vô tình hay hữu ý, hồi cô bé học cấp một thậm chí còn xúi cô bé vừa xem ti vi vừa làm bài tập.

Hai tháng trước khi Viên Viên thi đại học, cách nhà tôi chưa đầy một trăm mét, người ta động thổ xây dựng một tòa nhà mới. Vì các loại xe ô tô tải trọng lớn ban ngày không được vào thành phố, tối đến mới được hoạt động. Chính vì vậy cứ đến mười một, mười hai giờ đêm, bên ngoài lại bắt đầu vang lên tiếng xe chạy, tiếng dỡ bỏ bê tông sắt thép, tiếng kêu gọi của công nhân trong quá trình thao tác, kéo dài đến tận ba, bốn giờ sáng. Cùng khu nhà với chúng tôi còn có hai thí sinh khác, phụ huynh của các em đã đến gặp chủ công trường, nhưng không có kết quả gì. Dường như thành phố Bắc Kinh có quy định, trong thời gian chuẩn bị thi đại học, công trường ở gần khu dân cư không được phép thi công vào ban đêm, nhưng công trường đó không nghỉ làm việc ngày nào. Đơn vị thi công chỉ không ngừng dán thông báo xin lỗi về sự bất tiện này ở khu dân cư, mong mọi người thông cảm.

Tôi và bố Viên Viên cũng có phần sốt ruột, nhưng nghĩ đơn vị thi công cũng có cái khó của họ, cảm thấy đi tìm họ cũng chẳng giải quyết được gì. Điều mà chúng tôi làm ở nhà, là cố gắng tránh nhắc đến chuyện đó, chứ không phải là đi kêu ca, phàn nàn.

Trước mặt Viên Viên chúng tôi không nói một câu nào liên quan đến tiếng ồn của công trường. Quan sát biểu hiện của cô bé hàng ngày, đoán có lẽ cô bé không để ý gì đến vấn đề này, chúng tôi cũng giả vờ như không có chuyện gì, không hề tỏ ra sốt ruột trước tiếng ồn.

Giai đoạn đó Viên Viên ngủ cũng rất tốt, đây cũng có thể là do thói quen ngủ không sợ tiếng ồn mà cô bé rèn được từ khi còn nhỏ. Trước khi thi đại học Viên Viên nói tại sao mình lại không cảm thấy căng thẳng lắm. Sau khi kết thúc kỳ thi đại học, cô bé còn thắc mắc tại sao trôi qua nhanh thế nhỉ, cũng không mất ngủ ngày nào.

Mãi cho đến lúc này, chúng tôi mới dám hỏi cô bé có bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn của công trường hay không. Trước lời nhắc của chúng tôi Viên Viên mới phát hiện ra công trường đang thi công, cô bé nói thời gian qua có lúc cảm thấy bên ngoài rất ồn ào, nhưng cũng không có thời gian để ý, không phát hiện thấy nó lại ồn như vậy.

Bố mẹ nên tạo ảnh hưởng tích cực cho con, để trẻ học được cách sống hài hòa với môi trường xung quanh, chứ không phải cái gì cũng trách móc, cái gì cũng muốn cải tạo.

Đem theo suy nghĩ này để nhìn về "tiếng ồn", chúng sẽ không còn là tiếng ồn - tiếng ti vi, tiếng cãi nhau vọng ra từ nhà hàng xóm, tiếng xe cộ chạy qua chạy lại, tiếng còi, tiếng máy móc trên công trường - chúng là những âm thanh của thành phố, chúng ta thực sự không cần thiết phải để những âm thanh này ảnh hưởng đến chúng ta.

Trong rất nhiều vấn đề nhỏ tương tự như vậy, đều có thể có một thái độ thản nhiên như thế này, từ đó vấn đề được giải quyết có thể là vấn đề lớn.

Nói "đi ngủ không sợ tiếng ồn" là một vấn đề sinh lý, không chính xác bằng nói, ở một mức độ nào đó nó cũng và vấn đề giáo dục.

Lưu ý đặc biệt

Giấc ngủ của con trẻ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các hoạt động bình thường của người lớn, một môi trường có một vài tiếng động còn có lợi cho việc giúp trẻ hình thành nên thói quen tốt đi ngủ không sợ ồn ào.

Bố mẹ không nên chiều thói quen đi ngủ sợ tiếng ồn của trẻ, nên nghĩ cách để trẻ dần dần thích nghi với tiếng ồn của cuộc sống, học được cách đi ngủ không sợ tiếng ồn.

Một vấn đề sinh lý đơn giản nếu được giải quyết trong sự ngộ nhận, cuối cùng có thể sẽ biến thành một vấn đề tâm lý.

Giáo dục cần bồi dưỡng cho học sinh làm việc theo thói quen, không nên theo đuổi sự chỉnh tề bề ngoài và hùa theo một sở thích tiêu cực nào đó. Trong môi trường học tập, vừa không cần thiết phải cố tình tạo sự ồn ào, cũng không nên quá đòi hỏi phải yên tĩnh, tự nhiên mới là tốt nhất.

Trong quá trình trưởng thành con trẻ sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề, phụ huynh không thể tạo cho trẻ mọi điều kiện phát triển lý tưởng. Bồi dưỡng cho con trẻ khả năng thích nghi với môi trường, đồng nghĩa với việc tạo cho trẻ môi trường tốt có thể mang theo bên người mọi lúc, mọi nơi.

CHƯƠNG 40: KHÔNG SỢ ĐỘNG VẬT

Không nên để trẻ "sợ" cái gì đó. Không sợ động vật, không sợ "sói xám", cũng không sợ "cảnh sát", không sợ "ma" - lý do cũng đều giống nhau.

Rất nhiều người đều sợ một loài động vật gì đó, đó là một sự trải nghiệm khổ sở. Những người không sợ hoặc không quá sợ, sẽ không cảm nhận được nỗi giày vò này.

Tôi rất sợ một loài động vật, không những sợ ở ngoài đời, mà còn sợ cả hình ảnh, thậm chí sợ cả những đoạn văn miêu tả. Tôi vốn rất thích xem chương trình thế giới động vật trên ti vi, một lần tình cờ nhìn thấy loài động vật này trên đó, từ đó trở đi không dám xem chương trình này nữa. Chính vì thế bàn đến vấn đề này, không được viết ra tên của loài động vật đó, nếu không sẽ không thể viết hết được bài viết này.

Tôi biết như thế rất bệnh hoạn, nhưng không khắc phục được. Nó không phải là chuyện nghị lực, giống như việc người ta không thể dựa vào nghị lực để chữa khỏi bệnh.

Tôi đã từng chọn một môn học về tư vấn tâm lý ở trường đại học. Có một tiết học giảng về vấn đề làm thế nào để khắc phục chứng sợ động vật. Thầy giáo đã áp dụng "phương pháp trị liệu cảm thụ", bảo chúng tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng ra con vật mà mình sợ đó đang đứng ở một nơi rất xa, sau đó nó dần dần tiến gần về phía mình. Mỗi khi cảm thấy sợ, liền dừng lại một lát, để mình quen hơn, khi đã quen rồi lại để cho nó tiến lại gần.

Thông qua phương pháp này, một số người bạn dần dần cảm thấy con vật mà mình sợ không còn quá đáng sợ nữa, có thể chấp nhận được. Chỉ có mấy người không làm được điều đó, trong đó có tôi. Bởi vì tôi không thể chấp nhận được sự tồn tại của con vật đó, càng đừng nói đến chuyện cho nó lại gần, chỉ cần vừa tưởng tượng đến, liền sợ đến nỗi vội mở mắt ra ngay.

Dùng tâm lý học để chữa trị bệnh sợ của tôi e rằng tương đối khó. Tôi thường nghĩ, nếu vấn đề này được giải quyết từ thuở tôi còn nhỏ, có lẽ sẽ dễ hơn rất nhiều.

Tôi nghĩ lại căn nguyên của nỗi sợ hãi này, cảm thấy có thể là do mẹ tôi cũng sợ loài động vật này.

Tôi còn nhớ mang máng rằng khi tôi còn rất nhỏ, mẹ tôi tỏ ra rất sợ hãi khi nhìn thấy loài động vật này. Khi bà phát hiện ra tôi cũng sợ nó, bà rất chú ý bảo vệ tôi để tôi khỏi sợ. Ví dụ nếu anh tôi đưa món đồ chơi hình con vật này ra dọa tôi, mẹ tôi sẽ mắng anh rằng, con không biết em con sợ cái này ư? Đây có thể cũng là một sự ám thị tâm lý đối với tôi.

Bất kể là nguyên nhân gì, nếu đã bị nỗi sợ hãi này ám ảnh, đồng thời khổ sở vì chuyện này, thì tôi mong rằng con tôi sẽ không phải khổ vì những chuyện tương tự. Đặc biệt là con gái, rất dễ sợ cái gì đó, chúng tôi rất lưu tâm trong vấn đề này, cố gắng để Viên Viên không sợ gì cả.

Tôi đưa cô bé đi quan sát và ngắm nhìn các con vật nhỏ, rắn trong tủ kính, sâu bi dưới đất, thậm chí cả nhện.

Vốn tôi cũng hơi sợ nhện, nhưng không phải sợ quá mức, có thể chịu được, để cho Viên Viên không sợ, liền nhắm mắt đi quan sát cùng cô bé, sau đó thậm chí còn mạnh dạn lấy tay bắt. Bề ngoài tôi luôn tỏ ra không hề sợ, thậm chí còn tỏ vẻ thích thú. Còn đối với con vật mà tôi sợ đó, thì nhiều lần để ông xã dẫn đi xem.

Khi cùng Viên Viên xem con vật này, ông xã cố gắng nói bằng giọng vui vẻ, tỏ ra rằng con vật nhỏ này đáng yêu biết bao.

Không biết là do di truyền hay đã từng bị ám thị bởi một hành động nào đó của tôi, lần đầu tiên nhìn thấy con vật này, dường như Viên Viên cũng có vẻ muốn tránh. Được bố gợi ý, dần dần cô bé đã chấp nhận. Hiện giờ cô bé không sợ loài động vật này, cũng không sợ những con vật khác. Có những con vật cô bé không thích, nhưng cùng lắm là không lấy tay để bắt chúng, không cần phải chịu đựng bất kỳ sự sợ hãi khổ sở nào.

Mấy kinh nghiệm mà tôi rút ra được trong vấn đề này là:

Thứ nhất, người lớn sợ cái gì, không nên thể hiện ra trước mặt con trẻ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Ví dụ khi Viên Viên còn nhỏ tôi không bao giờ để cô bé biết tôi sợ con vật đó. Khi kể chuyện cho bé, thỉnh thoảng cũng có gặp con vật đó trong sách. Nếu như trước đây, tôi sẽ vứt ngay sách đi. Nhưng để không làm cho Viên Viên sợ, tôi cố gắng chịu đựng, tìm cớ để mau chóng lật qua trang này. Khi ông xã dắt Viên Viên đi xem con vật đó, tôi chỉ giả vờ làm việc khác, không để cô bé biết tôi vì sợ mới không dám đến xem. Đợi đến khi lớn lên cô bé mới biết tôi sợ cái đó, thế cũng không ảnh hưởng gì đến con nữa.

Thứ hai, nếu con trẻ đã tỏ ra sợ cái gì đó, cần tạo cơ hội để trẻ dần dần được tiếp xúc với cái đó. Tiếp nhận từng chút một, nếu nghĩ ra cách để bé tiếp nhận được lần đầu, về sau sẽ ngày càng dễ dàng. Tôi còn nhớ hồi nhỏ một lần suýt nữa thì tôi đã tiếp nhận con vật này rồi, vì các bạn nhỏ khác đều chơi nó, tôi cũng bắt đầu có chút hứng thú, nhưng lúc đó không có ai khuyến khích tôi, đến lúc tôi chuẩn bị tiếp nhận thì bị người lớn nhắc nhở, con sợ cái này, đừng chơi nữa.

Thứ ba, không nên xuất phát từ sự bảo vệ con trẻ mà nhấn mạnh nỗi sợ hãi của trẻ đối với một cái gì đó, chỉ cần thay đổi sự chú ý là đủ. Ví dụ khi trẻ tỏ ra sợ hãi một cái gì đó, không nên an ủi trẻ rằng "Đừng sợ, chúng ta không sợ nó", sự an ủi này là một sự khích lệ vô thức, để trẻ cảm thấy sợ là điều nên làm; lúc này người lớn nên nói sang chuyện khác bằng một giọng thoải mái, thay đổi sự chú ý ở trẻ, để trẻ cảm thấy bố mẹ không để tâm đến nỗi sợ hãi của trẻ, như thế trẻ sẽ thấy sự sợ hãi của mình là không cần thiết.

Thứ tư, không nên đứng trước mặt con trẻ và nói với người khác rằng chúng sợ cái gì đó. Sự bình phẩm này của người lớn càng khiến trẻ thêm sợ hãi.

Dường như có một câu nói nói rằng, trong tất cả những cảm nhận tiêu cực, ví dụ buồn bã, lo lắng, ức chế, sợ hãi là cái dày vò người ta nhất. Cuộc đời "không sợ" cũng là một điều đáng quý, điều này cần bắt đầu từ khi còn đang ở thuở thiếu thời, bắt đầu từ những chuyện nhỏ cụ thể.

Không nên để trẻ "sợ" cái gì đó. Không sợ động vật, không sợ "sói xám", cũng không sợ "cảnh sát", không sợ "ma" - lý do cũng đều giống nhau.

Lưu ý đặc biệt

Mấy kinh nghiệm mà tôi rút ra được trong vấn đề này là:

Thứ nhất, người lớn sợ cái gì, không nên thể hiện ra trước mặt con trẻ, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ.

Thứ hai, nếu con trẻ đã tỏ ra sợ cái gì đó, cần tạo cơ hội để trẻ dần dần được tiếp xúc với cái đó. Tiếp nhận từng chút một, nếu nghĩ ra cách để bé tiếp nhận được lần đầu, về sau sẽ ngày càng dễ dàng.

Thứ ba, không nên xuất phát từ sự bảo vệ con trẻ mà nhấn mạnh nỗi sợ hãi của trẻ đối với một cái gì đó, chỉ cần thay đổi sự chú ý là đủ.

Thứ tư, không nên đứng trước mặt con trẻ và nói với người khác rằng chúng sợ cái gì đó. Sự bình phẩm này của người lớn càng khiến trẻ thêm sợ hãi.

CHƯƠNG 41: LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ GIẢM BỚT VIỆC XEM TI VI MỘT CÁCH TỰ GIÁC

Hành động của bố mẹ có sức thuyết phục hơn lời nói. Cần phải cố gắng giảm bớt các yếu tố dụ dỗ trong môi trường, chứ không phải là khuyên trẻ phải chống lại sự dụ dỗ đó; cần phải dùng "nhân tính" để thông cảm cho con trẻ, chứ không phải dùng "thần tính" để yêu cầu trẻ. Tôi cho rằng mỗi đứa trẻ đều rất biết biết ơn, nếu trong quá trình sống với trẻ, bố mẹ biết thấu hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của trẻ, trẻ cũng sẽ biết dùng sự "hiểu biết" và "nghe lời" của mình để báo đáp bố mẹ.

Nhà văn Đài Loan Lý Ngao đã từng chỉ trích gay gắt rằng: "Ti vi là cỗ máy sản xuất ra hàng loạt kẻ ngốc". Câu nói của ông không phải là không có lý.

Tài liệu nghiên cứu cho thấy, sóng điện não của con người khi xem ti vi rất giống với sóng điện não của con người trong trạng thái ngủ. Ngồi trước màn hình ti vi, đại não không phải chủ động phản ứng với bất kỳ vấn đề gì, cơ thể cũng ở trong trạng thái thả lỏng, điều này rất không có lợi cho thiếu nhi, thiếu niên - những người đang ở trong giai đoạn phát triển về đại não và sức khỏe.

So sánh những em thường xuyên xem ti vi và thường xuyên đọc sách trước độ tuổi đi học sẽ thấy sự khác biệt rõ nét về trí tuệ sau khi đi học.

Bởi giáo dục trẻ em giai đoạn đầu là cơ hội tốt nhất để phát triển trí tuệ, và phát triển trí tuệ cần phải không ngừng được thông tin kích thích. Xem ti vi là hoạt động bị động, sinh hoạt hóa, trẻ em có thể nắm bắt được một số kiến thức qua ti vi, nhưng so với việc đọc sách, tác dụng kích thích đối với trí tuệ của trẻ là rất nhỏ, chính vì thế hiệu quả của phát triển trí tuệ cũng rất nhỏ. Dùng ti vi để tiến hành giáo dục vỡ lòng mà không chú ý đến hoạt động giáo dục vỡ lòng thông qua đọc sách là ham một đĩa, bỏ cả mâm.

Và còn vấn đề về thói quen. Từ nhỏ trẻ đã ngồi lì trước màn hình ti vi, dễ hình thành nên trạng thái không biết phải làm gì nếu phải xa ti vi; bất kỳ công việc nào cần phải bỏ ra sự nỗ lực về ý chí, đối với trẻ đều khó khăn, đều không tạo được hứng thú. Thói quen này xâm nhập vào việc học, khiến trẻ cảm thấy chùn bước trước hoạt động đòi hỏi phải có ý thức chủ động và sự nỗ lực về ý chí.

Thông thường, Viên Viên muốn làm việc gì chúng tôi đều không ngăn cản, duy nhất trong chuyện xem ti vi, đã từng khống chế cô bé khá nghiêm.

Nhưng sự "khống chế" này không bao giờ bị cô bé phát hiện, bởi về cơ bản chúng tôi không bao giờ nói những câu như "đừng xem ti vi nữa" với Viên Viên, cũng không quy định mỗi ngày cô bé chỉ được xem ti vi mấy tiếng đồng hồ, càng không bắt ép phải tắt ti vi. Chính vì thế, theo trải nghiệm cá nhân, cô bé chưa bao giờ có cảm giác rằng bố mẹ quản lý việc xem ti vi của mình. Ngược lại, một số hành vi của chúng tôi nhìn lại có vẻ giống như dung túng.

Ví dụ hồi cô bé học tiểu học, ti vi có chiếu bộ phim truyền hình Hoàn Châu cách cách, rất hot. Gia đình tôi vốn rất ít xem phim truyền hình, tôi cảm thấy xem phim truyền hình rất lãng phí thời gian. Quan niệm này đã ảnh hưởng tới Viên Viên ngay từ khi cô bé còn nhỏ, thông thường cô bé sẽ không chủ động xem một bộ phim nào đó. Lúc Hoàn Châu cách cách mới chiếu, chúng tôi cũng không biết, ở trường cô bé được nghe bạn bè nói bộ phim này rất hay, về đến nhà liền tìm kênh chiếu phim này, cô bé rất thích nhân vật Tiểu Yến Tử trong phim.

Mỗi tối ti vi chiếu ba tập, từ bảy giờ ba mươi phút đến mười giờ, và thời gian này vốn là thời gian Viên Viên làm bài tập, luyện đàn nhị và đọc tiểu thuyết. Theo thói quen của cô bé là hàng ngày về nhà sẽ làm bài tập trước, sau đó luyện đàn nhị, cuối cùng là đọc tiểu thuyết hoặc chơi, chín giờ ba mươi phút đi ngủ. Bây giờ, đến giờ có phim, thường cô bé mới chỉ vừa làm xong bài tập, đợi đến khi hết phim, đã quá thời gian đi ngủ, chắc chắn sẽ không luyện đàn nhị được nữa, cũng không có thời gian để đọc tiểu thuyết.

Tạm thời không đọc tiểu thuyết cũng không có vấn đề gì, cô bé mới học chơi đàn nhị không lâu, buộc phải tập hàng ngày. Tôi thấy hơi sốt ruột, lúc này đương nhiên sẽ nghĩ đến việc muốn bảo con mỗi ngày xem bớt đi một tập. Nhưng suy nghĩ này lập tức bị phủ định, cô bé thích xem như vậy, tình tiết nọ nối tiếp tình tiết kia, hôm nay xem rồi không đợi được đến mai nữa, làm sao nỡ lòng nào bắt cô bé xem bớt đi một tập. Hơn nữa, kể cả tôi có nỡ lòng làm như thế, bắt con phải xem bớt đi một tập, nhưng cô bé cũng không có tâm trạng nào để luyện đàn trong thời gian đó, không có tâm trạng làm sao luyện tốt được?

Thực ra Viên Viên cũng rất sốt ruột. Lúc xem ti vi cô bé rất say sưa, đợi đến khi xem xong, phát hiện ra đã quá giờ luyện đàn, bản thân cô bé cũng rất áy náy. Nhưng với ý chí hồi đó của cô bé, cô vẫn chưa làm được việc chủ động yêu cầu xem bớt đi một tập.

Tôi bắt đầu động não tìm một biện pháp giải quyết.

Sau khi cân nhắc, tôi bàn với Viên Viên rằng, sau khi về đến nhà, liệu con có thể luyện đàn trước, sau đó hãy làm bài tập. Có nghĩa là, luyện đàn trước khi có phim, luyện đàn xong, ti vi cũng chuẩn bị chiếu phim, sau đó vừa xem ti vi vừa làm bài tập - có thể trong mắt nhiều người, lời gợi ý này của tôi thực sự là điên rồ, làm sao có thể xúi giục con vừa làm bài tập vừa xem ti vi, với con trẻ điều đáng sợ nhất là học bài không chuyên tâm, từ nhỏ nên rèn cho chúng thái độ học tập tốt.

Tôi thì nghĩ như thế này: Bài tập ở bậc tiểu học phần lớn là hình thức lao động thể lực, khi hoàn thành bài tập, trẻ không cần phải động não quá nhiều, không cần phải đào sâu suy nghĩ, con trẻ chỉ cần chú ý một chút là có thể hoàn thành bài tập; và bản thân việc xem ti vi là việc không phải bỏ ra bất kỳ sự nỗ lực nào cũng có thể hoàn thành. Hai việc làm bài tập và xem ti vi này đều tương đối đơn giản, cũng không nghiêm trọng, cân nhắc thấy vẫn là biện pháp tốt.

Vừa nghe xong lời đề nghị của tôi, Viên Viên tỏ ra rất sẵn lòng, như thế cô bé có thể hoàn thành cả hai công việc quan trọng nhất là làm bài tập và luyện đàn, nhưng lại không bỏ lỡ việc xem phim. Do có sự tin tưởng của bố mẹ, trong lòng con trẻ không có gì áy náy, quả nhiên cô bé điều hòa rất tốt hai việc này. Trước khi có phim bắt đầu luyện đàn, sau đó vừa xem ti vi vừa làm bài tập.

Trên thực tế, trong quá trình chiếu phim, Viên Viên thường xuyên quên làm bài tập vì xem quá say sưa, nhưng chỉ cần đến lúc có quảng cáo hoặc ca sĩ hát bài hát đầu phim, cuối phim, cô bé liền tranh thủ thời gian viết một lúc. Tốc độ làm bài của cô bé tăng lên rõ rệt. Đồng thời cô bé cũng càng biết cách tranh thủ thời gian khi ở trường. Để tối về nhà có thể xem ti vi tiện hơn, ở trường cô bé đã biết cách tranh thủ những lúc rỗi, sau khi về đến nhà lại lợi dụng mọi lúc có thời gian viết thêm chút nữa, bài tập đều được hoàn thành.

Mấy tháng sau hoặc một năm sau, ti vi lại bắt đầu chiếu Hoàn Châu cách cách phần hai, Viên Viên lại bắt đầu cao trào xem ti vi. Tôi không nhớ sau khi về đến nhà cô bé đã phân bổ thời gian cụ thể như thế nào, vì tôi cũng không phải nhúng tay hoặc hỏi han về chuyện này, chỉ biết cô bé không bỏ lỡ tập nào, cũng hoàn thành bài tập, ngày nào cũng luyện đàn nhị, lại còn mua một bộ tiểu thuyết Hoàn Châu cách cách đồng bộ với bộ phim truyền hình, hình như mười hay hai mươi tập, trước khi phim kết thúc cũng đã đọc xong. Một số phụ huynh có thể lo lắng nói rằng, con tôi không chịu nghe lời, nếu tôi để thả lỏng như vậy, nó sẽ không thể quản được mình, nó sẽ mãi mãi vừa làm bài tập vừa xem ti vi, xem hết bộ phim này đến bộ phim khác, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích học tập.

Tôi hiểu được nỗi lo lắng của những bậc phụ huynh này, trong mắt phụ huynh, những đứa trẻ này dường như rất không hiểu biết, không hề tự giác. Tôi muốn nói với những bậc phụ huynh này rằng, không nên nhìn nhận một cách riêng lẻ một sự việc hoặc một hiện tượng nào đó, có rất nhiều nguyên nhân tạo nên sự "không tự giác" ở trẻ, phần lớn nó phản ánh nên vấn đề giáo dục đã được tích tụ từ lâu trong gia đình. Điều chủ yếu nhất, chính là khi gặp việc gì, phụ huynh đều tỏ rõ thái độ gia trưởng trong cách xử lý, không quan tâm, chú ý đến suy nghĩ, thể diện, khả năng, nguyện vọng của trẻ, phần lớn là áp dụng phương pháp nói trực tiếp để dạy dỗ hoặc phê bình trẻ. Ví dụ trách móc con trẻ xem ti vi quá nhiều thời gian, ra lệnh bắt tắt ti vi, yêu cầu con về phòng học bài...

Những bậc phụ huynh áp dụng những phương pháp giải quyết này thử nghĩ mà xem, tắt ti vi đồng nghĩa với việc tắt được nguyện vọng xem ti vi của trẻ ư? Để trẻ rời khỏi màn hình ti vi và ngồi vào bàn học, thì trẻ sẽ đi học ư? Nếu không xuất phát từ sự tự giác, tự nguyện, không những bài học ngày hôm đó không thể chuyên tâm, mà những ngày tiếp theo trẻ cũng không muốn chú tâm vào chuyện học hành. Trong sự ức chế, nguyện vọng xem ti vi của trẻ càng mãnh liệt hơn, nội tâm của trẻ tràn đầy mâu thuẫn và khổ sở giữa việc xem hay không xem - như thế không phải là đang giáo dục trẻ, mà chỉ là làm tổn thương sự tự giác và lòng tự tin của trẻ hết lần này đến lần khác.

Xin hãy tin rằng con trẻ là một cây mạ non, sự giáo dục lặng lẽ, âm thầm sẽ có ích nhất đối với trẻ.

Trong con người trẻ vốn có một bản tính tích cực là tự hoàn thiện mình, nếu một sự "khống chế" không làm tổn thương cá tính và ý chí của trẻ, mà giúp trẻ thích ứng với một số sự việc một cách tốt hơn, trẻ sẽ phát triển một cách lành mạnh hơn bản tính của mình trong sự thích ứng này, đồng thời chúng sẽ có được luồng sức mạnh "tự khống chế" - đây chính là nguồn gốc của sự "hiểu biết", "tự giác" ở trẻ.

Chính vì thế, sự "dung túng" của tôi chỉ là định hướng, định hướng cũng là một kiểu khống chế, nó là một sự khống chế không làm cho trẻ khó chịu. Viên Viên chưa bao giờ rầu rĩ vì chuyện xem ti vi, gia đình tôi chưa bao giờ xảy ra chuyện xung đột với con vì chuyện xem ti vi.

Còn nhớ khi Viên Viên học cấp hai, ti vi có chiếu một bộ phim truyền hình tên là Lấy chồng ở châu Phi. Kể về một cô gái Thượng Hải yêu một lưu học sinh châu Phi, vượt qua mọi trở ngại, cùng chàng trai sang châu Phi, sau đó trải qua một quá trình từ không thích nghi đến thích nghi với mảnh đất này. Câu chuyện này rất đặc biệt, chúng tôi vô tình xem được trong một ngày nghỉ cuối tuần, sau đó cùng bị cuốn hút. Bộ phim đó mỗi ngày chiếu hai tập, nhưng hồi đó Viên Viên nội trú trong trường, chỉ có thể về nhà xem vào hai ngày nghỉ. Tôi phát hiện ra ánh mắt cô bé tỏ vẻ tiếc nuối, lúc đó chúng tôi cũng chưa có thiết bị quay lại, và thế là tôi liền nghĩ ra một cách, tôi sẽ ghi lại toàn bộ nội dung từ thứ hai đến thứ sáu ra sổ, cuối tuần về nhà cô bé sẽ được đọc lại toàn bộ nội dung mà mình bỏ lỡ.

Mặc dù không muốn con xem phim, nhưng khi đã xem rồi, tôi rất hiểu suy nghĩ muốn được xem tiếp của con, bản thân mình cũng vậy thôi, đang xem một bộ phim, giữa chừng bị đứt đoạn cũng rất khó chịu, chắc chắn con trẻ cũng như vậy. Thế là hàng ngày tôi vừa xem ti vi vừa ghi chép vào sổ, mỗi tình tiết, lời đối thoại giữa các nhân vật, thậm chí là một số cảnh, tôi đều cố gắng ghi lại. Cuối tuần về nhà, Viên Viên "xem" mấy tập trong sổ trước, sau đó cùng tôi ngồi trước màn hình ti vi để xem. Cộng hai cách "xem" lại với nhau, không bỏ lỡ tập nào.

Trong mắt Viên Viên, cách làm này của tôi rất bình thường, cô bé đã quen với những kiểu "dung túng" của mẹ, nhưng không bao giờ lợi dụng sự "dung túng" đó. Nói tóm lại, Viên Viên kiểm soát mình rất tốt, chuyện nên xem ti vi vào lúc nào, thời gian nào không nên xem. Đặc biệt là khi đã lên lớp cao, cô bé ngày càng biết quý trọng thời gian, càng không để ti vi làm lãng phí thời gian của mình một cách vô lối nữa.

Nếu ngay từ khi con trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ đã áp dụng hành động hạn chế xem ti vi thì việc thực hiện sẽ được tiến hành rất dễ dàng. Hơn nữa bố mẹ nhất thiết phải lấy mình làm gương. Nếu khi con còn nhỏ, bố mẹ đã dung túng cho trẻ xem ti vi một cách vô độ, thì trên thực tế chính là đang gây cho trẻ một rắc rối lớn.

Ti vi nhà tôi ngày nào cũng bật, nhưng thời gian xem không nhiều. Thông thường là xem vào lúc trước và sau khi ăn cơm, ăn cơm xong chúng tôi đều có việc riêng phải làm, ti vi cũng tắt đi. Chuyện này làm không nghiêm khắc lắm, khá tùy ý, thỉnh thoảng gặp chương trình đáng xem, cũng sẽ bỏ ra không ít thời gian để xem, nhưng không tạo thành thói quen ngày ngày ngồi trước màn hình ti vi. Tóm lại thời gian xem ti vi của gia đình tôi ít hơn rất nhiều so với các gia đình khác, những bộ phim hay trên ti vi mà mọi người bàn luận, hầu hết chúng tôi đều không xem. Từ nhỏ Viên Viên đã chịu sự ảnh hưởng này, hình thành được một cách rất tự nhiên quan niệm "ti vi không thể xem một cách vô độ", chương trình bình thường cô bé sẽ không xem, trừ phi là cái đặc biệt thích.

Không ít phụ huynh khi con còn nhỏ thường không quan tâm nhiều đến chuyện con xem ti vi bao lâu, tùy ý để trẻ xem từ sáng đến tối cùng ông bà, thậm chí có người không muốn cho con nghịch ngợm, quấy rồi, liền dùng ti vi để dỗ trẻ yên. Chỉ đến khi con bắt đầu đi học, có bài tập và thi cử, mới bắt đầu quản chặt vấn đề này.

Nếu trước độ tuổi đi học trẻ đã quen với chuyện "xem ti vi", không có niềm say mê khác, sau khi đi học tự nhiên bị hạn chế xem ti vi, trẻ sẽ rất khó thích nghi. Thói quen của trẻ đột nhiên bị kiểm soát, sự hưởng thụ của chúng đột nhiên biến thành điều sai trái; đáng lẽ hàng ngày chúng được sống thoải mái tự do, đột nhiên người lớn yêu cầu trẻ phải "tự giác", "cố gắng", nhưng trẻ không biết tìm những thứ này ở đâu, đành phải "không tự giác", "không cố gắng". Cho dù bề ngoài chúng chống đối bố mẹ như thế nào, thực ra trong lòng chúng cũng rất khổ sở vì việc này.

Tôi nói ra quan điểm này cho một số phụ huynh nghe, không ít người tỏ ra không đồng tình.

Một vị phụ huynh nói, thằng con tôi còn lâu mới thấy khổ sở. Nó toàn kiếm cớ để ra chạy ra khỏi phòng, sau đó tìm cớ để được đứng vài phút trước màn hình ti vi, kể cả là vài giây. Ví dụ lấy một quả táo trên tràng kỷ, gọt vỏ thì chậm ơi là chậm. Khó khăn lắm mới gọt xong, tôi bảo nó quay về phòng ăn, nó liền chậm rãi đứng dậy, đi giật lùi vào phòng mình, chỉ là để được xem thêm một lát. Nó đâu có khổ sở đâu, được xem thêm một lát là nó mừng chết đi được.

Vị phụ huynh này chỉ nhìn nhận vấn đề một cách bề nổi, chị không biết khi đi giật lùi vào phòng, trong lòng con trẻ khổ sở biết bao; càng không biết nỗi khổ này đến từ đâu, cũng không chịu nghĩ cách nên giúp đỡ trẻ như thế nào để giải quyết nỗi khổ này. Điều này thực sự đáng tiếc.

Tại sao bố mẹ không thể thay đổi một chút phương pháp, lấy sách lược để thu phục lòng trẻ?

Khi tôi viết bài này thì nhận được email của một người bạn. Chị nói có một lần sau khi ăn cơm con trai chị cứ ngồi xem ti vi mà không chịu đi làm bài tập, chị đang định ra lệnh như mọi bận, trong đầu lại chợt nhớ đến câu "vờ tha để bắt" mà tôi đã từng nói với chị. Và thế là chị liền kìm lại, đặt chiếc điều khiển ti vi vào tay cậu con trai nói: Mẹ không xem nữa đâu, lúc nào con không xem nữa thì giúp mẹ tắt ti vi đi nhé. Nói xong chị ra khỏi phòng khách, quay về phòng ngủ đọc sách. Trong khoảnh khắc đó, con chị tỏ ra rất bất ngờ, nhưng lập tức lại đáp vâng rất vui vẻ, đón lấy chiếc điều khiển - dụng cụ mà trước đây mẹ không bao giờ dám giao cho cậu. Lúc mới vào phòng người mẹ vẫn còn hơi lo lắng, điều khiến chị không thể ngờ được là chưa đầy năm phút sau, liền nghe thấy tiếng con trai tắt ti vi. Cậu còn thò đầu vào phòng mẹ, thấy mẹ đang cầm một quyển sách để đọc, tin rằng mẹ không giận cậu, liền nói bằng giọng vui vẻ, tinh nghịch: Mẹ, con đi làm bài tập đây. Người bạn này nói, trước đây toàn vì chuyện xem ti vi mà phê bình, trách móc con, không ngờ mình vừa thay đổi phương pháp, con trẻ cũng thay đổi luôn. Hóa ra là trước đây mình đã áp dụng sai biện pháp.

Trong vấn đề khống chế trẻ ít xem ti vi, tôi cho rằng cách làm đúng là, khi trẻ rất muốn xem thì để trẻ được xem một cách yên tâm, thoải mái, không nên để trẻ vừa xem ti vi vừa thấp thỏm, cảm thấy mình đang phạm lỗi; nhưng bình thường gia đình cần cố gắng ít mở ti vi, bố mẹ phải làm gương cho con, ít xem ti vi, dùng hành động để tạo sự thuyết phục, chứ không phải là dùng lời nói.

Trường hợp tệ nhất là, bố mẹ tối nào cũng ngồi ở phòng khách xem ti vi, con trẻ vừa từ phòng mình chạy ra muốn xem một lát, liền bị quạt cho một trận. Lý do là, bố mẹ đã là người lớn, cả ngày phải làm việc vất vả, vả lại bây giờ cũng không phải học hành nữa, có thể xem ti vi buổi tối; con còn nhỏ, phải chăm chỉ học tập, phải hoàn thành bài tập về nhà, chính vì thế không nên xem ti vi.

Lý lẽ này nghe ra không có gì là sai, con trẻ cũng không thể phản bác, nhưng nó sẽ tạo ra một hiệu quả rất tệ, thực tế là bạn đang nói với trẻ rằng: Ti vi là một sự hưởng thụ đặc quyền, bố mẹ đã có đủ tư cách hưởng thụ; con vẫn chưa có đủ tư cách, chỉ khi con chăm chỉ học tập, sau này mới có được tư cách này.

Cảm giác này khiến trẻ cảm nhận được sự bất bình đẳng giữa trẻ và người lớn, trẻ đã ý thức được sự bạo quyền của người lớn, cũng ý thức đến sự đối lập giữa "học tập" và "hưởng thụ". Về lý trí trẻ biết cần phải chịu khó học tập, nhưng nguyện vọng hưởng thụ trong bản tính lại khiến trẻ rất muốn xem ti vi. Mâu thuẫn này khiến trẻ không thoải mái, nếu cảm giác không thoải mái thường xuyên kích thích trẻ, dần dần sẽ khiến trẻ ngày càng khát khao được xem ti vi và cảm thấy chán học.

Về vấn đề bố mẹ cần ít xem hoặc không xem ti vi, tôi đã từng kiến nghị với một số bậc phụ huynh đau đầu vì chuyện xem ti vi của con, không ít người bày tỏ rằng khó làm được điều này, có người không quản được mình, có người không quản được bạn đời của mình, có người ngại yêu cầu ông bà phải thực hiện như vậy, tóm lại ti vi không thể không bật, cũng không thể bật ít đi - nếu như vậy thì không còn cách nào khác. Ngay cả những chuyện phụ huynh cũng cảm thấy khó thực hiện, không muốn thực hiện, thì làm sao bắt con trẻ thực hiện được?

Hành động của bố mẹ có sức thuyết phục hơn lời nói. Cần phải cố gắng giảm bớt các yếu tố dụ dỗ trong môi trường, chứ không phải là khuyên trẻ phải chống lại sự dụ dỗ đó; cần phải dùng "nhân tính" để thông cảm cho con trẻ, chứ không phải dùng "thần tính" để yêu cầu trẻ. Tôi cho rằng mỗi đứa trẻ đều rất biết biết ơn, nếu trong quá trình sống với trẻ, bố mẹ thấu hiểu suy nghĩ và nguyện vọng của trẻ, trẻ cũng sẽ biết dùng sự "hiểu biết" và "nghe lời" của mình để báo đáp bố mẹ.

Ti vi giống như món đồ ăn ngon, bản thân nó không có gì là xấu, nhưng ăn phải điều độ. Khi giáo dục trẻ, chúng ta cần nghĩ cách để trẻ học được cách ăn đồ ăn một cách điều độ, chứ không phải là khóa món ăn ngon đó vào tủ lạnh, khiến lúc nào trẻ cũng muốn tranh thủ thời gian ăn vụng mấy miếng.

Trong giáo dục gia đình, đối với bất cứ chuyện gì, bố mẹ và con cái đều không nên hình thành nên mối quan hệ mèo vờn chuột này. Đừng nên để trẻ vì "nghe lời" hoặc vì sợ bố mẹ mới không xem ti vi, cần bồi dưỡng cho trẻ lý trí và chí tiến thủ, để ít xem ti vi trở thành lựa chọn tự giác tự nguyện của trẻ.

Sau khi Viên Viên vào đại học, một lần tôi hỏi cô bé rằng con có cảm thấy là bố mẹ đã từng hạn chế con xem ti vi không?

Cô bé bảo không ạ, bố mẹ có bao giờ quản con đâu. Trong ký ức của cô bé, thậm chí chúng tôi còn dung túng trong chuyện này. Ngoài việc không nói gì cả, chúng tôi còn thường xuyên xem phim hoạt hình cùng con, ví dụ Chuột Mickey và vịt Donald, Chú mèo máy Doremon... đều là những bộ phim mà chúng tôi xem cùng nhau.

Tôi lại hỏi làm sao con có thể thực hiện việc xem ti vi một cách điều độ, Viên Viên nói con không biết, dường như chưa bao giờ hạn chế mình một cách có ý thức cả. Cô bé nghĩ một lát rồi nói tiếp, con cảm thấy xem ti vi cũng rất tốt, nhưng không hiểu sao con cứ có một cảm giác, không nên bỏ ra quá nhiều thời gian để xem. Xem ti vi không thú vị bằng đọc tiểu thuyết, có thời gian, con thích đọc tiểu thuyết hoặc tạp chí hơn.

Từ nhỏ rèn cho trẻ thói quen thích đọc sách, cũng là biện pháp tốt để ngăn ngừa trẻ mắc chứng nghiện ti vi. Nếu một đứa trẻ từ nhỏ thích đọc sách, trí tuệ của em sẽ phát triển rất tốt, em sẽ dễ phát hiện ra những việc thú vị khác hơn; đồng thời tư tưởng của em sẽ chín chắn hơn, lý trí hơn, em biết được việc nào quan trọng, việc nào không quan trọng, việc nào cần gấp, việc nào không cần gấp, sẽ cảm thấy tiếc khi để ti vi làm lãng phí thời gian của mình.

Có bậc phụ huynh không tán thành việc đọc sách của con, cho rằng trẻ nhỏ nên được sống thoải mái, tự do, để trẻ đọc sách quá sớm sẽ rất mệt, nên đợi trẻ lớn lên một chút hãy đọc - những bậc phụ huynh có suy nghĩ này, thông thường là bản thân họ cũng không thích đọc sách, coi đọc sách là một chuyện lao tâm khổ tứ. Họ không biết rằng trẻ sẽ dễ dàng bị sách dụ dỗ biết bao, một đứa trẻ tâm trí bắt đầu manh nha, vẻ say sưa mà trẻ bộc lộ ra khi cầm cuốn sách lên, thậm chí còn hơn cả ti vi. Con trẻ trưởng thành trong quá trình đọc sách, hay lớn lên trước màn hình ti vi, khoảng cách về trí tuệ mà hai thứ này tạo ra sẽ có sự khác biệt rất lớn.

Nếu nói trong vấn đề xem ti vi tôi đã "khống chế" Viên Viên sẽ không đúng bằng việc nói tôi dùng lối tư duy "bồi dưỡng" để giải quyết vấn đề - không khống chế động tác cơ thể của con, mà là tìm cách để định hướng suy nghĩ cho cô bé; không thoả mãn với sự phục tùng bề ngoài của trẻ, mà là để thói quen tốt trở thành một phần trong nội tại của trẻ - đây mới gọi là giáo dục, là cái gốc rễ để giải quyết vấn đề.

Lưu ý đặc biệt

So sánh những em thường xuyên xem ti vi và thường xuyên đọc sách trước độ tuổi đi học sẽ thấy sự khác biệt rõ nét về trí tuệ sau khi đi học.

Nếu ngay từ khi con trẻ còn rất nhỏ, bố mẹ đã áp dụng hành động hạn chế xem ti vi thì việc thực hiện sẽ được tiến hành rất dễ dàng.

Có rất nhiều nguyên nhân tạo nên sự "không tự giác" ở trẻ, phần lớn nó phản ánh nên vấn đề giáo dục đã được tích tụ từ lâu trong gia đình. Điều chủ yếu nhất, chính là khi gặp việc gì, phụ huynh đều tỏ thái độ gia trưởng trong cách xử lý, không quan tâm, chú ý đến suy nghĩ, thể diện, khả năng, nguyện vọng của trẻ, phần lớn là áp dụng phương pháp nói trực tiếp để dạy dỗ hoặc phê bình trẻ.

Trong vấn đề khống chế trẻ ít xem ti vi, tôi cho rằng cách làm đúng là, khi trẻ rất muốn xem thì để trẻ được xem một cách yên tâm, thoải mái, không nên để trẻ vừa xem ti vi vừa thấp thỏm, cảm thấy mình đang phạm lỗi; nhưng bình thường gia đình cần cố gắng ít mở ti vi, bố mẹ phải làm gương cho con, ít xem ti vi, dùng hành động để tạo sự thuyết phục, chứ không phải là dùng lời nói.

Trường hợp tệ nhất là, bố mẹ tối nào cũng ngồi ở phòng khách xem ti vi, con trẻ vừa từ phòng mình chạy ra muốn xem một lát, liền bị quát cho một trận.

Từ nhỏ rèn cho trẻ một thói quen thích đọc sách, cũng là biện pháp tốt để ngăn ngừa trẻ mắc chứng nghiện ti vi.

CHƯƠNG 42: HIỆP SĨ NHỎ ĐỘC HÀNH

Bởi vì một sự lo lắng nào đó, liền kiên quyết ngăn cản hành động của con trẻ, bố mẹ làm như vậy thực ra là khá ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự lo lắng của mình, căn cứ để đưa ra quyết sách là để mình yên tâm, chứ không phải là để trẻ vui và có cơ hội rèn luyện.

Để kiểm tra tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con có phải là tình yêu chất lượng hay không, có một hòn đá thử vàng, đó là người mẹ có chịu buông tay con ra một cách thoải mái hay không, có chịu thúc đẩy sự tự chủ và độc lập ở con hay không.

Mấy năm trước tôi đọc được một bài báo trên mạng, kể về một cô bé tên là Mã Vũ Ca, trong thời gian học cấp một, cấp hai, cấp ba đã một mình đi khắp các tỉnh trong cả nước. Bố cô bé là một bậc phụ huynh có ý thức giáo dục rất tốt, khuyến khích con tự đi xa một mình. Trong các chuyến đi xa đó, Mã Vũ Ca không những đã tăng thêm được vốn kiến thức, mà còn rèn luyện được khả năng, trở thành một em vừa học giỏi, vừa có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực hơn người. Câu chuyện này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi.

Thực ra con trẻ rất có ý thức tự bảo vệ mình, không phải chúng lúc nào cũng lơ ngơ, gặp chuyện gì cũng không biết đúng sai. Cho trẻ nhiều cơ hội rèn luyện hơn, chúng sẽ trưởng thành nhanh hơn, tốt hơn.

Lần đầu tiên Viên Viên đi xa một mình là năm cô bé chín tuổi. Lúc đó bố cô bé đã về Bắc Kinh làm việc, dịp nghỉ lễ mùng một tháng năm, cô bé tự ngồi tàu mười bảy tiếng đồng hồ, từ Diêm Đài về Bắc Kinh để thăm bố.

Bà ngoại Viên Viên gọi điện thoại, thấy bảo tôi cho con một mình đi tàu, vô cùng lo lắng. Nói thật là tôi và ông xã cũng rất lo, để cô bé đi một mình, chắc chắn không yên tâm bằng để tôi đưa con đi. Trong quá trình nuôi Viên Viên, điều chúng tôi lo ngại nhất là sự an toàn của con. Đặc biệt là khi Viên Viên bốn tuổi, chúng tôi đã để lạc mất con một lần, sự lo lắng này đã biến thành một căn bệnh chung của vợ chồng tôi, không thể chữa khỏi. Lần đó chúng tôi đưa cô bé đến nhà một người bạn chơi, nhà người bạn ở tầng một, ba, bốn đứa trẻ được bố mẹ đưa đến chơi với nhau ở ngoài sân, qua cửa sổ có thể nhìn thấy chúng, chúng tôi ngồi trong phòng yên tâm uống bia. Nhưng đến khi chuẩn bị ăn xong, tôi ra ngó không thấy Viên Viên đâu, hỏi mấy bạn nhỏ kia, chúng đều không để ý. Mọi người lập tức cuống hết lên, tỉnh cả rượu, chia nhau đi tìm, hơn một tiếng đồng hồ sau mới tìm được Viên Viên. Hóa ra cô bé đi ra cổng khu dân cư để nhổ cỏ, vì không thuộc đường, lúc quay về đã đi nhầm đường, không tìm được đường về nữa. Cô bé vừa khóc vừa chạy, càng chạy càng xa, may mà được một người bán hàng tạp hóa hảo tâm ở bên đường giữ lại, cho cô bé đồ ăn, đợi bố mẹ đến tìm.

Chuyện này thực sự ám ảnh lớn đến chúng tôi, hơn mười năm sau đó, tôi và ông xã lúc nào cũng phải sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, hơi một tí là mơ thấy để lạc mất Viên Viên, mỗi lần mơ xong giật mình tỉnh dậy, toát hết mồ hôi. Dường như mãi đến khi Viên Viên lên cấp ba, những giấc mơ như thế mới chấm dứt. Cô bé vào cấp một và cả cấp hai, chỉ cần có một lúc nào đó không xác định được con đang ở đâu, chúng tôi đều vô cùng lo lắng. Mặc dù tự đáy lòng, chúng tôi chỉ mong ngoài việc đến trường, là có thể cột chặt con ở bên mình, nhưng lại biết không thể hạn chế sự tự do của cô bé khi một mình làm một việc gì đó, chính vì thế đành phải xúi giục cô bé tự mình làm một số việc dù trong lòng không hề muốn như vậy.

Lần này cô bé một mình đi tàu là do tôi nói với Viên Viên rằng, mẹ bận công việc, không có thời gian đi thăm bố cùng con trong kỳ nghỉ này, nếu con muốn thì con có thể tự ngồi tàu đi. Nghe xong lời gợi ý này của tôi, lúc đầu Viên Viên cũng hơi ngần ngừ, nhưng không kìm chế được trước sự xúi giục đó, cô bé lại tỏ ra muốn thử xem sao.

Trước khi con gái đi, thực ra trong lòng tôi cũng rất lo lắng. Tôi đặt hết giả thiết này đến giả thiết khác, không những nói với con rằng gặp chuyện này thì phải làm thế nào, gặp chuyện khác thì nên giải quyết ra sao. Có lẽ là do tôi đặt ra quá nhiều giả thiết, đột nhiên Viên Viên nói: "Mẹ nói sợ như vậy, con không dám đi đâu". Lúc này đây tôi mới ý thức được rằng mình lo xa quá, tuyên truyền hơi quá các mối nguy hiểm, làm con trẻ sợ.

Sau đó tôi nghĩ lại thấy rằng, bố mẹ muốn khuyến khích trẻ tự đi làm một việc, trước hết bản thân không nên tỏ ra rầu rĩ và không yên tâm. Cần phải nghiêm túc đánh giá khả năng của con trẻ và tính khả thi của sự việc, nếu cảm thấy khả thi, thì nên tỏ ra tin tưởng con trẻ, tỏ ra vui vẻ thoải mái; giấu sự căng thẳng và nỗi lo lắng ở trong lòng.

Trên thực tế, chuyến đi của Viên Viên rất thuận lợi, mặc dù cả hai đầu đều có người đưa đón, nhưng chuyến đi xa một mình này vẫn khiến cô bé cảm thấy tự hào, có lòng tin đối với mình.

Năm sau khi cô bé mười tuổi, chúng tôi đã chuyển nhà đến Bắc Kinh, nghỉ hè cô bé lại muốn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo để thăm một người bạn chơi thân từ nhỏ tên là Tiểu Triết, cũng là tự đi tự về một mình. Khi chúng tôi đưa con ra ga Bắc Kinh, cô bé nói lượt về bố mẹ không cần phải ra ga đón con đâu, cô bé muốn tự mình đi từ ga về nhà. Lúc đó tôi đã đồng ý, nhưng vẫn có phần không yên tâm. Từ ga Bắc Kinh về nhà đầu tiên phải ngồi tàu điện ngầm, sau đó lại phải đổi xe bus, lên xuống xe bus đều phải đi một đoạn khá xa, quãng đường này thực ra còn phức tạp hơn so với đoạn từ Bắc Kinh đi Thanh Đảo. Chính vì thế hôm cô bé từ Thanh Đảo về, tôi vẫn ra ga đón. Ngoài việc không yên tâm, còn có một nguyên nhân khác nữa là mấy ngày không được gặp tôi cũng rất nhớ con, muốn được gặp ngay, tưởng rằng như thế cũng sẽ tạo cho con một niềm vui bất ngờ. Kết quả, từ trên tàu xuống nhìn thấy tôi, Viên Viên tỏ ra rất bất ngờ, mặc dù có vẻ vui, nhưng nhiều hơn là vẻ trách móc. Trách tôi tại sao lại ra ga đón cô bé. Trên đường về nhà, tôi phát hiện ra con đã nắm bắt được hết vấn đề nên đi xe về nhà như thế nào, và cũng rất chú ý đến vấn đề an toàn. Ví dụ khi xuống tàu điện ngầm, người đông, cô bé sẽ lập tức men theo tường để đi, lại còn nhắc tôi đi vào trong. Chính vì thế hoàn toàn sẽ không có vấn đề gì nếu cô bé tự đi một mình.

Tôi rất hối hận vì chuyện này, sự "nhiệt tình" của tôi đã phá vỡ cảm giác trọn vẹn của con khi cô bé muốn một mình hoàn thành một chuyến du lịch. Tôi chỉ quan tâm đến tâm trạng của mình, mà không xem xét đến nguyện vọng của con gái. Tôi nghĩ, nếu thực sự lo lắng cho sự an toàn của con, tôi đến ga rồi nấp ở phía sau cô bé, không để cô bé nhìn thấy, rồi bám đuôi về nhà, như thế có thể sẽ tốt hơn.

Năm học cấp hai, Viên Viên còn cùng bạn đi mua sắm mấy lần, toàn là bảy, tám giờ sáng đi, chơi đến năm, sáu giờ chiều mới về. Nói thực lòng là tôi không muốn cho con đi, đường phố loạn như vậy, mấy đứa trẻ mười một, mười hai tuổi đi với nhau có lo được cho mình không? Nhưng sau khi cân nhắc tình hình, nói hết các vấn đề về an toàn với Viên Viên, cảm thấy ý thức an toàn của con cũng khá ổn, liền vui vẻ đồng ý. Thực ra mỗi lần con đi chơi cả ngày, tôi cảm thấy mình như ngồi trên đống lửa. Đặc biệt là có lúc cô bé còn quên gọi điện thoại về nhà, tôi vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên, gần như không thể làm bất cứ việc gì, điều mà tôi có thể làm chỉ là thầm cầu nguyện. Đồng thời cũng sẽ tức giận, chuẩn bị đợi con về sẽ mắng cho con một trận. Nhưng mỗi lần vừa nghe thấy tiếng chuông cửa, nhìn thấy cô bé chơi đùa thoải mái một ngày bình an trở về, trong lòng tôi lại cảm thấy vô cùng biết ơn và vui vẻ, cơn giận bay biến đi đâu mất. Lần sau cô bé muốn đi chơi, tôi lại vui vẻ đồng ý.

Đứng trên góc độ của phụ huynh, buông tay để con tự mình làm việc, thực ra là để thử thách chính mình hơn là để rèn luyện trẻ. Bố mẹ nên dũng cảm hơn một chút, có đủ can đảm để tiếp nhận sự thử thách này.

Tôi có một người bạn, con chị đã học lớp tám, kỳ nghỉ đông nhà trường tổ chức một trại đông, do cô giáo dẫn học sinh đi Cáp Nhĩ Tân ngắm băng đăng, trượt tuyết. Con chị muốn đăng ký tham gia, người mẹ vì chưa bao giờ xa con, cho rằng khả năng tự chăm sóc mình của cậu con trai còn kém, không yên tâm nên không cho cậu đi, nói là đợi mẹ xin nghỉ phép, mẹ sẽ đích thân đưa con đi, vì thế mà cậu con trai rất không vui. Người mẹ cho rằng đằng nào cũng là đi Cáp Nhĩ Tân, đều là đi ngắm băng đăng, trượt tuyết, thời gian khoảng một tuần, mẹ đưa con đi còn có thể chăm sóc con, có gì là không tốt.

Sự lo lắng của người mẹ này dĩ nhiên là có lý, vị phụ huynh nào khi phải đối mặt với vấn đề này, đều sẽ nghĩ đến các vấn đề như con trẻ đi xa có biết chăm sóc mình hay không, có an toàn không. Nhưng sự sắp đặt này có mấy sai lầm sau:

Một là bố mẹ không nghĩ rằng con trẻ có nhu cầu xã giao, muốn đi cùng với các bạn cùng trang lứa. Xem băng đăng, trượt tuyết chỉ là mấy hoạt động trong cả đợt tổ chức trại đông, trong khi niềm vui của con trẻ lại nằm trong cả quá trình đi xa cùng bạn bè này. Hai là đã bỏ lỡ cơ hội rèn luyện của con trẻ. "Khả năng tự chăm sóc mình của con kém" không phải là do trẻ thiếu các cơ hội rèn luyện như thế này đó ư; khó khăn lắm mới có được cơ hội bồi dưỡng khả năng tự chăm sóc mình của con trai, bố mẹ lại cướp đi mất; ba là vì chuyện này mà bố mẹ với con xung đột với nhau, đồng thời cuối cùng bắt trẻ phải phục tùng trước sự sắp đặt của bố mẹ, điều này khiến trẻ cảm thấy ý kiến của mình luôn không được tôn trọng; điều này sẽ khiến cho trẻ hoặc là có tâm lý đối địch, hoặc là không hề có chính kiến, hơn nữa cũng rất dễ hình thành nên lối tư duy chỉ quan tâm đến mình, không chú ý đến cảm nhận của người khác.

Bởi vì một sự lo lắng nào đó, liền kiên quyết ngăn cản hành động của con trẻ, bố mẹ làm như vậy thực ra là khá ích kỷ, chỉ nghĩ đến sự lo lắng của mình, căn cứ để đưa ra quyết sách là để mình yên tâm, chứ không phải là để trẻ vui và có cơ hội rèn luyện.

Buông tay không phải là mạo hiểm, mà là để trẻ thông qua các cơ hội thực tiễn, rèn luyện lòng can đảm và khả năng, từ đó cũng học được cách phòng tránh nguy hiểm. Nếu bố mẹ luôn sợ rằng có chuyện gì đó ngoài ý muốn xảy ra đối với trẻ, luôn bảo vệ con chặt chẽ, tương lai nếu quả thật trẻ gặp chuyện gì đó, có thể vẫn chưa có đủ khả năng và dũng khí để đối phó. Điều này cũng giống như việc sợ con trẻ vấp ngã, nên không cho phép trẻ học đi, kết quả là sau này trẻ sẽ bước đi càng khó khăn hơn. Xét theo ý nghĩa này, sự bao bọc một cách quá độ cũng để lại tai họa ngầm cho sự an toàn của trẻ.

Về vấn đề an toàn, bố mẹ nên thảo luận cùng với nhà trường, nghiên cứu cẩn thận phương án đi xa, cân nhắc từng chi tiết, đảm bảo cho hoạt động được diễn ra thuận lợi; ngoài ra bình thường bố mẹ cũng nên giáo dục an toàn cho trẻ, để trẻ học được cách tự chăm sóc mình, bảo vệ mình. Trên cơ sở này, cần cố gắng để trẻ sớm được độc lập hoạt động. Một khi cảm thấy khả thi, thì hãy nên vui vẻ để trẻ làm. Tôi có quen một đôi vợ chồng, họ đều rất thành đạt trong sự nghiệp, cậu con trai của họ cũng rất giỏi giang. Từ nhỏ đến lớn thành tích học tập của con rất xuất sắc, năng lực công tác tốt, luôn đảm nhận các chức vụ quan trọng như lớp trưởng... Trong giai đoạn học cấp ba, mặc dù việc học rất bận rộn, nhưng cậu bé này không những gánh vác rất nhiều công việc của trường lớp, mà còn đến các công ty để xin tài trợ, tổ chức cho lớp mình xuất bản tờ nội san. Tôi đã tìm một cơ hội để nói chuyện với mẹ cậu, qua lời của chị đã phát hiện ra trí tuệ của người làm bố làm mẹ. Nếu khái quát cách làm của họ, cơ bản nhất chính là "để cho trẻ tự làm", họ thực hiện chuyện này rất đơn giản, giống như một kỳ tích vậy, nói ra nhiều người sẽ không tin. Ngay từ khi con còn đang học mẫu giáo, từ trường mầm non đến nhà chị phải ngồi xe bus qua ba bến. Đến khi con trai năm tuổi vào lớp mẫu giáo lớn, họ cảm thấy con mình đã hoàn toàn biết cách đi xe bus từ nhà đến trường như thế nào, hơn nữa lên xe và xuống xe đều không phải qua đường, cách bến không xa là trường mầm non, các vấn đề cần chú ý trên đường cũng đã nói nhiều lần, và thế là bố mẹ liền đề nghị buổi sáng con trẻ tự mình đi học. Buổi tối về cần phải qua đường bắt xe, bố mẹ chỉ đến đón cậu vào buổi tối. Mấy ngày đầu họ không yên tâm, lén đi theo sau con để theo dõi, xác định không có vấn đề gì, từ đó liền không quản nữa. Cậu bé đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình. Con trai họ chín chắn hơn rất nhiều so với bạn bè cùng tuổi. Đến kỳ nghỉ hè năm cậu bảy tuổi, họ liền cho con ngồi tàu mười tiếng đồng hồ để đến thăm ông bà nội. Từ đó trở đi, kỳ nghỉ nào cậu bé cũng tự mình đi xa, về nhà ông bà nội hoặc đến một nơi nào đó để du lịch. Những nơi cậu bé đi du lịch đều có họ hàng hoặc những người bạn tin cậy, họ đón cậu về nhà an toàn, đồng thời đưa cậu đi chơi mấy ngày, sau đó lại đưa cậu lên tàu. Cậu bé này cũng giống như Mã Vũ Ca, khi học cấp một, cấp hai, cấp ba đã đi du lịch được rất nhiều nơi. Ngoài ra, bố mẹ cũng cho cậu làm rất nhiều việc trong nhà, phàm là những việc con trẻ có thể tự làm, bố mẹ đều không giúp đỡ; ngược lại do bố mẹ công việc rất bận, thường xuyên nhờ con trẻ làm việc nhà. Ví dụ, cuối tuần hoặc nghỉ hè, nghỉ đông bảo con đi chợ, nấu cơm, bố mẹ hết giờ làm việc về nhà, bữa tối đã chuẩn bị tạm ổn rồi. Thực ra bố mẹ của cậu bé này không phải là mẫu người vì bận rộn với sự nghiệp của mình mà lơ là trong chuyện chăm sóc con. Nhìn bề ngoài, họ có vẻ không làm gì ở nhà, thực ra đây chính là điểm tận tâm của họ. Họ không chỉ đạo trong những việc đơn giản, mà bỏ nhiều thời gian và công sức vào việc nghiên cứu những vấn đề như làm thế nào để con trẻ làm việc một cách an toàn, độc lập. Người mẹ này nói, người lớn làm việc thay cho con trẻ, đó là điều rất dễ dàng, người lớn nào cũng có thể làm được điều này; cái khó là không làm thay cho trẻ. Chị nói, ví dụ trong chuyện để con tự mình đi học mẫu giáo, trước đó họ đã nghiên cứu rất kỹ, cân nhắc kỹ càng từng chi tiết một, chắc chắn con trẻ đã nắm bắt được những kiến thức thông thường về sự an toàn, khi đã cảm thấy yên tâm về vấn đề an toàn của con, mới mạnh dạn buông tay ra. Để con tự về thăm ông bà nội và đi du lịch xa cũng là như vậy. Và quá trình này thực tế là khó khăn hơn rất nhiều so với việc tự mình đưa con đi. Tôi hiểu được những gì chị nói, sự "không làm gì cả" này, nhìn từ bề ngoài thì tưởng rằng bố mẹ được giải phóng, nhưng thực tế những thách thức về mặt tâm lý mà họ phải chịu đựng lại lớn hơn rất nhiều. Ngược lại, phàm là những bậc phụ huynh nghĩ thay làm thay cho con trong tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả về mặt suy nghĩ cũng không cho trẻ được độc lập, bề ngoài thì tưởng là họ phải hy sinh rất nhiều, nhưng thực ra phương thức tư duy của họ lại luôn coi mình là trung tâm, cái đầu tiên mà họ muốn thỏa mãn là suy nghĩ của mình, không nghiêm túc xem xét đến nhu cầu tâm lý của con trẻ, không ý thức được tính độc lập của trẻ cần phải phát triển; mà là dùng sự "bao bọc" và "chỉ đạo" kín như bưng, để lấp đầy mọi không gian trưởng thành của trẻ, cướp đi hết lần này đến lần khác cơ hội tự giáo dục và tự trưởng thành của con. Đợi đến khi con lớn, sau khi rất nhiều khả năng tiềm ẩn của con trẻ bị thoái hóa nghiêm trọng, bố mẹ lại kêu ca con trẻ "không hiểu biết", "vô tích sự", "lười biếng"...

Ví dụ mà tôi nói đến ở đây, chỉ là muốn nhấn mạnh phương châm giáo dục "cho trẻ cơ hội, để trẻ được độc lập làm việc". Chúng ta không thể nhìn nhận một cách riêng lẻ chuyện để trẻ tự đi mẫu giáo một mình, càng không thể bắt chước tùy tiện. Vì ở đây có rất nhiều nhân tố hạn chế, các yếu tố như khả năng của trẻ, độ an toàn của khu dân cư, độ tiện lợi của phương tiện giao thông, điều kiện khí hậu... đều phải xem xét.

Cho dù muốn để trẻ làm việc gì, nhất thiết phải cân nhắc, xem xét mọi tình huống, lựa chọn những việc có hệ số an toàn cao cho trẻ làm. Là người giám hộ, trước hết bố mẹ phải chịu trách nhiệm về sự an toàn của trẻ.

Về hình thức có phải để trẻ tự đi một mình hay không không phải là điều quan trọng nhất, quan trọng nhất là thường xuyên để trẻ có cơ hội tự mình làm việc, tự mình gánh vác trách nhiệm, tự mình giải quyết vấn đề. Kể cả trẻ có cùng đi du lịch, cùng làm việc với bố mẹ, phàm là những việc có thể để trẻ tự làm một mình, bố mẹ không nên làm thay, phàm là những việc có thể để trẻ tự suy nghĩ, bố mẹ không nên vội vàng gợi ý cách giải quyết cho trẻ. Trước mặt trẻ, bố mẹ cần giả vờ ngờ nghệch một chút, vô tâm một chút, nhường lại cơ hội cho con.

Ví dụ, ra ga tàu, nếu chỉ đem theo một chiếc ba lô và con và bố mẹ đều có thể mang được, thì để cho con đeo, bố mẹ có thể hai tay để không lên tàu một cách thoải mái. Đến nhà nghỉ, có thể để bố mẹ ngồi trông hành lý nghỉ ở sảnh lớn, để trẻ tự đi làm thủ tục nhập phòng. Khi đọc các tài liệu giới thiệu về các điểm du lịch, để trẻ tìm những tài liệu cần thiết và đưa cho bố mẹ.

"Độc lập" là từ đồng nghĩa với tự lập, nó là điều kiện mà một người buộc phải có trong quá trình trưởng thành. Hiện nay có một quan điểm cho rằng, thanh niên đã chuẩn bị lập gia đình, lập nghiệp rồi, nhưng về tâm lý vẫn chưa rời xa được núm vú. Rất nhiều người chỉ coi hiện tượng này là một chủ đề vui để nói, thực ra những điều ẩn chứa sau đó là nỗi bi ai của một con người thậm chí là cả một dân tộc. Nỗi bi ai này nhìn thì tạm thời chưa có gì là nghiêm trọng, nhưng tương lai e rằng sẽ ngày càng khiến người ta phải lo lắng. Nhà triết học Erich Fromm cho rằng, để kiểm tra tình yêu của một người mẹ dành cho đứa con có phải là tình yêu chất lượng hay không, có một hòn đá thử vàng, đó là người mẹ có chịu buông tay con ra một cách thoải mái hay không, có chịu thúc đẩy sự tự chủ và độc lập ở con hay không(1).

Yêu con, hãy dũng cảm buông tay ra, để hiệp sĩ nhỏ tuổi này "một mình tung hoành khắp thiên hạ"!

__________________

(1) Erich Fromm, Nghệ thuật của tình yêu, Lý Kiện Minh dịch, NXB Văn dịch Thượng Hải, tháng 4.2008, tr.48.

Lưu ý đặc biệt

Bố mẹ muốn khuyến khích trẻ tự đi làm một việc, trước hết bản thân không nên tỏ ra rầu rĩ và không yên tâm. Cần phải nghiêm túc đánh giá khả năng của con trẻ và tính khả thi của sự việc, nếu cảm thấy khả thi, thì nên tỏ ra tin tưởng con trẻ, tỏ ra vui vẻ thoải mái; giấu sự căng thẳng và lo lắng ở trong lòng.

Người lớn làm việc thay cho con trẻ, đó là điều rất dễ dàng, người lớn nào cũng có thể làm được điều này; cái khó là không làm thay cho trẻ.

Phàm là những bậc phụ huynh nghĩ thay làm thay cho con trong tất cả mọi việc, thậm chí ngay cả về mặt suy nghĩ cũng không cho trẻ được độc lập, bề ngoài thì tưởng là họ phải hy sinh rất nhiều, nhưng thực ra phương thức tư duy của họ lại luôn coi mình là trung tâm, cái đầu tiên mà họ muốn thỏa mãn là suy nghĩ của mình, không nghiêm túc xem xét đến nhu cầu tâm lý của trẻ, không ý thức được tính độc lập của trẻ cần phải phát triển; mà là dùng sự "bao bọc" và "chỉ đạo" kín như bưng, để lấp đầy mọi không gian trưởng thành của trẻ, cướp đi hết lần này đến lần khác cơ hội tự giáo dục và tự trưởng thành của trẻ. Đợi đến khi trẻ lớn, sau khi rất nhiều khả năng tiềm ẩn của trẻ bị thoái hóa nghiêm trọng, bố mẹ lại kêu ca con trẻ "không hiểu biết", "vô tích sự", "lười biếng"...

Điều quan trọng nhất là thường xuyên để trẻ có cơ hội tự mình làm việc, tự mình gánh vác trách nhiệm, tự mình giải quyết vấn đề. Kể cả trẻ có cùng đi du lịch, cùng làm việc với bố mẹ, phàm là những việc có thể để trẻ tự làm một mình, bố mẹ không nên làm thay, phàm là những việc có thể để trẻ tự suy nghĩ, bố mẹ không nên vội vàng gợi ý cách giải quyết cho trẻ. Trước mặt con trẻ, bố mẹ cần giả vờ ngờ nghệch một chút, vô tâm một chút, nhường lại cơ hội cho con.

CHƯƠNG 43: BỊ LỪA Ở THƯỢNG HẢI

Cuộc sống chính là giảng đường tốt nhất, mỗi sự trải nghiệm đều là một tài sản quý giá. Chúng ta cần để cho trẻ cảm nhận sự tốt đẹp của cuộc sống nhiều hơn, nhưng cũng nên cho trẻ biết cuộc sống vẫn còn những cái tối tăm, nguy hiểm. Như thế, chúng mới có thể bảo vệ mình một cách tốt hơn.

Mấy năm trước tôi có đọc được ở trên báo một vụ án kể rằng, một cô bé học sinh cấp hai ở Bắc Kinh, trên đường về nhà gặp một phụ nữ hỏi cô bé chuyện gì đó, cô bé không nghe rõ câu hỏi của người phụ nữ này, nhưng trong lòng rất muốn giúp bà ta, liền hỏi lại xem có chuyện gì. Người phụ nữ đó tỏ ra sốt ruột, nói một lúc một nhát không thể nói rõ được vấn đề, lên xe sẽ nói chuyện, sau đó liền đẩy cô bé này lên một chiếc xe ô tô đang đỗ bên vệ đường. Kết quả cô bé này bị bán về vùng nông thôn của tỉnh Hà Bắc, lúc đó cô bé mới mười ba, mười bốn tuổi, sáu, bảy năm sau, cô đã hai mươi tuổi, mới may mắn trốn được về nhà. Bạn bè của cô đều đã vào đại học, còn cô chỉ có trình độ văn hóa cấp hai, ở nông thôn sinh được một đứa con, thiệt thòi đủ đường. Chuyện này có thể nói là hủy hoại cả cuộc đời của cô gái, đọc mà thấy vô cùng đau xót.

Trên báo hoặc ti vi thường xuyên đăng những chuyện một số trẻ em bị lừa, có những chuyện thực sự đem lại hậu quả khôn lường. Những chuyện như vậy, chỉ cần đọc được, là tôi nhất định phải kể cho Viên Viên nghe. Các vụ án gây tổn thương cho trẻ em, sở dĩ xảy ra, là do người lớn và trẻ em thiếu những kiến thức cơ bản về cuộc sống, không đề cao cảnh giác.

Trong vấn đề giáo dục an toàn, những chuyện mà người khác vấp phải cũng có thể giúp mình hiểu thêm về cuộc sống. Mặc dù chúng tôi luôn cố gắng để con trẻ cảm nhận được rằng thế giới rất tươi đẹp, con người xung quanh chúng ta rất đáng yêu; nhưng chúng ta cũng không nên để lỡ thời cơ cho con trẻ biết mặt trái của xã hội, để trẻ biết rằng thế giới cũng có những mặt xấu như tham lam, lừa đảo, bạo hành...

Con trẻ ngây thơ như vậy đó, hầu hết chúng chỉ biết có một loại người được gọi là "kẻ xấu" trong những câu chuyện cổ tích, nhưng lại không biết trong cuộc sống hiện thực, những người này có thể hoạt động ngay bên cạnh mình. Một điều mà tôi vẫn chưa cảm thấy yên tâm là, cô bé chưa được gặp "kẻ xấu" nào, sợ cô bé lầm tưởng rằng kẻ xấu giống như trên ti vi, vừa nhìn là nhận ra ngay, từ đó luôn có thiện cảm với tất cả những người mà mình gặp, không đề cao cảnh giác.

Cuộc sống quả là một giáo trình giảng dạy tốt nhất, năm Viên Viên tám tuổi, tôi đưa cô bé đến Thượng Hải chơi, "may mắn" gặp được hai kẻ lừa đảo, đây là hai bài học rất tốt cho Viên Viên.

Cả quá trình đi và về chúng tôi đều đi tàu. Lúc đi, người có vé trên chiếc giường đối diện với giường của mẹ con chúng tôi là một người đàn ông tuổi trung niên nhìn rất phong độ, ông ta nói tiếng phổ thông pha giọng Thượng Hải, bắt chuyện với mọi người xung quanh rất lịch sự. Ông ta nói mình là một trưởng phòng của một cơ quan nọ ở Thượng Hải, rất thông thạo các nơi ở Thượng Hải. Lúc đó chúng tôi chưa đặt nhà nghỉ, ở Thượng Hải cũng không có người quen, chuẩn bị sau khi xuống tàu sẽ tìm nhà nghỉ, tiện thể tôi liền hỏi thăm người này khu vực nào giao thông thuận tiện, đồng thời có thể tìm được nhà nghỉ có mức giá vừa phải. Ông ta liền nói với tôi tên một nhà nghỉ, bảo ở đó vừa sạch sẽ vừa rẻ. Tôi hỏi ông ta phải đi như thế nào, ông ta nói cùng hướng với nơi mà ông ta chuẩn bị đến, sau khi xuống tàu có thể cùng bắt một chiếc taxi, ông ta sẽ đưa chúng tôi đến đó.

Mặc dù trong lòng tôi cũng có phần lo, nhưng nhìn người này trông không giống người xấu, hơn nữa cảm thấy giữa ban ngày ban mặt, kể cả ông ta có là người xấu cũng không có gì đáng sợ; và đối với các trò lừa đảo, tôi cũng đã có sự cảnh giác. Chính vì thế tôi liền cảm ơn ông ta, đồng thời nghĩ chắc là người ta vô tư muốn giúp mình, mình không nên tùy tiện nghi ngờ người khác.

Sau khi xuống tàu, đến bãi đỗ taxi gọi một chiếc taxi, ông ta nói với lái xe cần đến địa điểm nào, tôi không nghe rõ. Xe chạy vào khu trung tâm, đường phố mỗi lúc một nhộn nhịp, đông đúc, tôi cũng càng yên tâm hơn. Khoảng nửa tiếng sau, ông ta nói ông ta đến nơi rồi nên sẽ xuống xe trước. Xe vừa dừng lại, ông ta liền đẩy cửa xuống xe, không dặn thêm lái xe nên đến khu vực nào. Tôi vội hỏi ông ta, nhà nghỉ mà chúng tôi cần đến phải đi như thế nào, ông ta chỉ tay bâng quơ ra phía trước nói, "Đi một đoạn không xa nữa là tới thôi". Tôi còn đang định hỏi kỹ hơn, thì ông ta đã đóng sầm cửa lại, đầu không ngoái lại mà bỏ đi ngay. Lái xe hỏi tôi đi đâu, tôi nói với anh ta tên nhà nghỉ đó, lái xe bảo chưa bao giờ nghe thấy, anh rất thông thạo khu vực này, phía trước không có nhà nghỉ mà người kia nói đâu. Và thế là tôi mới hiểu ra rằng, tôi đã gặp một kẻ lừa đảo "đi xe chùa". Lúc đầu Viên Viên không hiểu đã xảy ra chuyện gì, rõ ràng ở đây không có nhà nghỉ đó, tại sao người đó lại nói có nhỉ? Đến khi chúng tôi phải qua mấy ngã năm ngã bảy mới tìm được một nhà nghỉ, cô bé mới hiểu ra vấn đề, hỏi tôi có phải người đó bịa ra một cái tên nhà nghỉ, chỉ muốn ngồi xe không phải trả tiền hay không hả mẹ? Tôi liền cười nói: Con đoán đúng rồi.

Sau đó tôi và Viên Viên đã thảo luận chuyện này, cảm thấy bản thân sự việc cũng không có gì to tát, nhưng thử đặt giả thiết trong đó có mối nguy hiểm gì lớn hơn, nếu gặp phải sẽ phải xử lý như thế nào. Sau đó lại phân tích ngay từ đầu chúng tôi nên làm thế nào thì tránh được những rủi ro này, từ lần sau đi ra ngoài nên đề phòng những chuyện này như thế nào...

Lúc đó tôi có phần bực, liền buông ra một câu "Thảo nào người ta nói người Thượng Hải tinh ranh", đột nhiên phát hiện ra mình cực đoan quá, tôi nói thế, không những khiến Viên Viên có ấn tượng rằng "người Thượng Hải không tốt, người Thượng Hải chẳng ra gì", mà còn khiến cô bé không còn có thiện cảm với thành phố này nữa, trong những ngày tiếp theo, e rằng suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng đến chuyến đi chơi của cô bé.

Thế là tôi lại nói, thực ra tinh ranh là một từ có nghĩa tốt, người tinh ranh thực sự là người dùng sự thông minh của mình làm việc tốt, việc lớn. Con xem Thượng Hải đông đúc nhộn nhịp như thế này, chính là vì ở đây có rất nhiều người dùng sự tinh ranh của mình vào những việc chính nghĩa. Hành vi của người này chỉ có thể gọi là ranh mãnh, suốt đời cũng sẽ chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Khắp đất nước đâu đâu cũng có những người ranh mãnh như vậy, họ mãi mãi không thể trở thành đại diện cho một khu vực. Chắc chắn Thượng Hải cũng có nhiều người tốt, con xem chú lái xe taxi cũng là người tốt đúng không, nhân viên làm việc trong nhà nghỉ này cũng rất tốt.

Thấy tôi nói như vậy, Viên Viên cũng đã cảm thấy yên lòng. Tôi nghĩ, trong chuyện này chúng tôi không bị thiệt hại gì, lại còn có thu hoạch.

Một tuần ở Thượng Hải, Viên Viên chơi rất vui. Trước khi về chúng tôi cùng nhau ra ga mua vé tàu, lại gặp một chuyện khác, lại được học một bài.

Chúng tôi đang bước trên con đường đi về phía quảng trường nhà ga, một thanh niên vội vàng đi qua chúng tôi, kiểu như đang có việc gấp. Anh ta rút từ túi quần sau ra một vật gì đó, lôi cả ví tiền ra, làm rơi xuống đất, nhưng anh ta không phát hiện ra, vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Tôi và Viên Viên vội gọi người thanh niên đó lại, anh ta không nghe thấy, vẫn tiếp tục bước đi. Thấy không gọi được, Viên Viên liền cúi người xuống định nhặt túi tiền rồi đuổi theo, trong đầu tôi thoáng qua một ý nghĩ, kéo ngay cô bé lại. Ví tiền trông rất dày, tiếng rơi xuống đất phải khá nặng, hơn nữa chúng tôi gọi anh ta to như vậy, anh ta không thể không nghe thấy - tuy nhiên, có thể anh ta không nghe thấy thật - tôi kéo Viên Viên đuổi theo anh ta, nói với anh ta rằng ví tiền rơi rồi, chúng tôi chỉ vào chiếc ví nằm dưới đất cách đó hơn mười mét. Lúc này anh ta mới đứng lại, giận nhìn chúng tôi một cái, không nói gì cả, quay lại nhặt ví tiền rồi đi thẳng sang đường đối diện.

Viên Viên thực sự cảm thấy khó hiểu trước hành động của người thanh niên, không hiểu tại sao anh ta không hề nói lời cảm ơn, lại còn tỏ thái độ như vậy. Tôi nói với con gái, đây là kẻ lừa đảo đích thực. Sau đó cùng cô bé ôn lại những trò lừa đảo mà chúng tôi đã từng đọc được qua sách báo, có trò khá giống với trường hợp này. Kẻ lừa đảo dùng một ví tiền làm mồi dụ, gài một cái bẫy trong đó, đợi bạn nhặt ví tiền lên, anh ta sẽ dùng thủ đoạn đã chuẩn bị từ trước, hoặc là lừa bạn một số tiền, hoặc là bắt chẹt bạn một khoản tiền. Chúng tôi tổng kết rằng, mặc dù các trò lừa đảo khác nhau về hình thức, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn là một, đó là lợi dụng lòng tham của con người.

Trước đây những lời nhắc nhở của tôi đối với Viên Viên về việc đề phòng kẻ lừa đảo chỉ là những chuyện đọc được trên báo chí, sau lần va chạm này, cô bé thực sự đã có được một số kinh nghiệm để phòng kẻ xấu. Tôi hỏi con về sau nếu gặp người khác rơi đồ sẽ làm như thế nào. Viên Viên nói như thế cũng không thể không quan tâm, có thể có người rơi đồ thật thì sao, nhưng không thể tự mình nhặt món đồ đó. Tôi khen con trả lời đúng rồi.

Tôi luôn lo rằng trước đây Viên Viên chưa bao giờ gặp kẻ lừa đảo thật, đến khi gặp lại mất cảnh giác. Chuyện này xảy ra thật đúng lúc, hai người này nhìn bề ngoài không có vấn đề gì. Vì thế tôi hỏi, lúc đầu nhìn thấy hai người này, con có nghĩ rằng họ là kẻ lừa đảo không. Viên Viên trả lời không. Tôi liền nói, không có kẻ lừa đảo hoặc kẻ xấu nào có đặc điểm nhận dạng cả, họ giống như người bình thường, thậm chí có lúc còn khiến người ta cảm thấy họ là người tốt, chính vì thế, trong tình huống không hiểu gì về nội tình, trong lòng vẫn phải đề phòng một số người và một số chuyện.

Mặc dù hai sự việc xảy ra trong chuyến đi chơi Thượng Hải không phải là chuyện tốt đẹp gì, nhưng nó cũng giống như viện bảo tàng tự nhiên, triển lãm văn minh Ai Cập cổ, tòa tháp Kim Mạo, Bãi Ngoài... mà chúng tôi tham quan mấy ngày hôm đó, đều trở thành nội dung đáng ghi nhớ trong chuyến du lịch này của chúng tôi, giúp cho chuyến đi trở nên phong phú, tôi nghĩ chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Viên Viên.

Một chuyện xảy ra sau khi từ Thượng Hải về không lâu khiến mỗi lần nhớ lại tôi lại cảm thấy vừa sợ vừa may mắn. Tôi rất cảm ơn sự nhanh nhạy của con gái. Tôi nghĩ có lẽ chuyến đi chơi Thượng Hải đã thực sự khiến cô bé học được một số điều.

Hôm đó là thứ bảy, giống như bao ngày cuối tuần bình thường, tôi đưa Viên Viên đi xe bus đến nhà cô giáo dạy đàn nhị để học đàn. Học xong chúng tôi ra về, cả hai đều muốn đi vệ sinh, liền vào một khách sạn mà chúng tôi vẫn hay vào như mọi bận.

Khách sạn đó không lớn lắm, trước đây chúng tôi cũng đã từng vào nhà vệ sinh của nó mấy lần. Khách sạn làm ăn khá tốt, khách ra vào rất đông. Sảnh lớn ở tầng một của nó tuy không nhỏ, nhưng lại không có nhà vệ sinh, nhà vệ sinh công cộng đặt ở tầng hai, chính vì vậy lần nào chúng tôi cũng phải chạy lên tầng hai. Nhà vệ sinh đó nằm hơi khuất, nhưng đèn rất sáng, cũng rất sạch sẽ.

Hôm đó, khi đi đến cổng khách sạn, chúng tôi cảm thấy không giống với bình thường lắm, cổng đóng, bên trong tối om. Đẩy cửa vào, sảnh lớn cũng rất tối, không có đèn, cũng không một bóng người. Chúng tôi kinh ngạc nhìn xung quanh, không biết ở đây làm sao vậy. Khi nhìn quanh lần nữa, mới phát hiện ra trên chiếc ghế sofa trong góc tường có một người ngồi, ông ta nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lạnh lùng. Tôi thắc mắc hỏi ở đây làm sao vậy, ông ta nói "Chuẩn bị sửa chữa, không kinh doanh nữa". Tôi nói chúng tôi đến đây không phải để thuê phòng, mà muốn vào nhà vệ sinh một lát. Ông ta lạnh lùng nhìn chúng tôi, sau đó chỉ tay lên trên "Ở tầng trên". Xem ra người này là người gác cổng ở đây, sau khi cảm ơn ông ta, tôi liền dẫn Viên Viên đi lên tầng hai.

Cả tòa nhà tĩnh lặng như tờ, cầu thang không có đèn, rất tối. Chúng tôi vừa lên được hai bậc cầu thang, đột nhiên Viên Viên nói, mẹ ơi đừng lên nữa, mình mau rời chỗ này thôi! Câu nói này của con gái chạm đúng vào nỗi bất an trong lòng tôi, tôi khẽ rùng mình, toát mồ hôi hột, quay người kéo con đi ra. Tôi nhìn thấy người đó đứng dậy nhìn chúng tôi, tôi cười với ông ta, vừa đi vừa chỉ ra cổng: "Bố con bé đang đợi ở cổng, chắc là anh ấy cũng muốn đi vệ sinh".

Không kịp để người kia phản ứng gì, tôi kéo Viên Viên đi nhanh ra cửa, cố gắng không để mình luống cuống. Đến khi chúng tôi bước qua cánh cửa đó, cảm giác an toàn mới vây lấy chúng tôi.

Không có chuyện gì xảy ra cả, có lẽ nếu chúng tôi đi vệ sinh cũng sẽ không sao. Nhưng thực sự là quá mạo hiểm. Cho dù chuyện đã xảy ra rất lâu rồi, nhưng mỗi lần nhớ đến nó, tôi vẫn cảm thấy sợ hãi, hơn nữa luôn tự trách mình, không hiểu tại sao lúc đó mình lại lẩm cẩm như vậy. Đồng thời cũng vô cùng cảm ơn con gái Viên Viên của tôi, một đứa trẻ mới có tám tuổi, thế mà lại đề cao cảnh giác như vậy, tôi thực sự khâm phục cô bé.

Cuộc sống chính là giảng đường tốt nhất, mỗi sự trải nghiệm đều là một tài sản quý giá. Chúng ta cần để cho trẻ cảm nhận sự tốt đẹp của cuộc sống nhiều hơn, nhưng cũng nên cho trẻ biết cuộc sống vẫn còn những cái tối tăm, nguy hiểm. Như thế, chúng mới có thể bảo vệ mình một cách tốt hơn.

Lưu ý đặc biệt

Xem trên báo hoặc ti vi có chuyện một số người bị lừa, nhất thiết phải kể cho con trẻ nghe. Các vụ án gây tổn thương cho trẻ em, sở dĩ xảy ra, là do người lớn và trẻ em thiếu những kiến thức cơ bản về cuộc sống, không đề cao cảnh giác.

Tôi nói với Viên Viên rằng, không có kẻ lừa đảo hoặc kẻ xấu nào có đặc điểm nhận dạng cả, họ giống như người bình thường, thậm chí có lúc còn khiến người ta cảm thấy họ là người tốt, chính vì thế, trong tình huống không hiểu gì về nội tình, trong lòng vẫn phải đề phòng một số người và một số chuyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro