Người đàn bà hàng chài trong"Chiếc Thuyền Ngoài Xa - Nguyễn Minh Châu"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


I.Nhân vật người đàn bà hàng chài
1.Giới thiệu chung
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Minh Châu không đặt tên cho người đàn bà hàng chài này. Khi bà xuất hiện ở tòa án huyện để gặp chánh án Đẩu, ta vẫn không biết tên của người đàn bà này. Đó là 1 cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ như bao người phụ nữ khác không hiếm gặp trên những miền quê Việt Nam Bà ta xuất hiện ở tòa án với 1 bộ quần áo rách rưới, thân hình cao lớn, thô kệch, mặt rỗ chằng chịt. Những nét đó đã cho thấy dấu ấn của 1 cuộc đời lam lũ, đầy cay đắng .Khi mới đến tòa, bà ta rụt rè, sợ sệt ngồi ở góc tường rồi rón rén ngồi ở mép ghế. Bà ta xưng hô với chánh án Đẩu là “con, quý tòa”. Những biểu hiện đó đều không phù hợp với khung cảnh ở tòa án huyện. Điều đó chứng tỏ người đàn bà chỉ quen sống giữa mặt nước ấy vốn thất học, thiếu sự hiểu biết.
2.Quả thực, qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài hiện lên cả 1 cuộc đời cơ cực, nhọc nhằn, khốn khổ
Người đàn bà ấy đã phải chịu nhiều thiệt thòi, trận đậu mùa đã khiến gương mặt bà đầy những nốt rỗ chằng chịt, không có ai lấy, bà đã có thai với 1 anh hàng chài và ở với anh ta .Nhưng cũng từ đây bà phải chịu bao nỗi cay cực trong cuộc sống mưu sinh, gia đình đông con vì đẻ nhiều, sống chen chúc trên 1 chiếc thuyền chật chội, ọp ẹp, có khi cả tháng trời cả nhà ăn xương rồng luộc chấm với muối. Cuộc sống đầy bất trắc, quanh năm sống với sóng gió, biển cả, không dám kiếm 1 tấc đất cắm dùi.
Không những thế bà còn phải chịu nỗi đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Bị chồng đánh đập, hành hạ thô bạo, tàn nhẫn như cơm bữa: “ 3 ngày 1 trận nhẹ, 5 ngày 1 trận nặng”, bị đánh bất kể lúc nào, người đàn bà ấy cũng phải đem thân ra hứng trọn nỗi thù đời của lão chồng đến mức đã quen với nỗi đau, gần như mất cảm giác. Người đàn bà cam chịu, đầy nhẫn nhục không những không chống đỡ mà còn chủ động cho chồng đánh đập: “ không chống trả, không tìm cách chạy trốn”. Có lẽ với bà, bị chồng đánh như 1 lẽ đương nhiên nên bà tê liệt vì chịu đựng, không còn khả năng phản ứng.
Nhưng có lẽ nối đau lớn nhất của bà là phải để cho những đứa con của mình bị tổn thương khi phải chứng kiến bi kịch đau lòng giữa cha và mẹ nó. Khi thằng Phác giật được chiếc thắt lưng, vung chiếc khóa sắt quật vào ngực bố nó, người mẹ đau đớn, xấu hổ, nhục nhã, quỳ lạy con, chắp tay vái lấy vái để. Lúc bị chồng đánh bà không hề khóc nhưng trước mặt con thì những giọt nước mắt lại chảy đầy trên những nốt rỗ
3.Song ẩn bên trong hình dáng bên ngoài xấu xí, thô kệch, người đàn bà chịu bao cay đắng, nhọc nhằn ở cuộc đời vẫn toát lên những phẩm chất cao đẹp.
Ở người phụ nữ, tình yêu thương con thật vô bờ bến. Với người đàn bà này, các con là cuộc sống, lẽ sống. Khi tòa án đưa ra giải pháp li dị, bà đã từ chối. Có nghĩa là bà từ chối trút bỏ tấm bi kịch nhục nhã của đời mình. Với bà thà bị đi tù, bị đánh đập còn hơn phải bỏ chồng: “Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, nhưng đừng bắt con bỏ nó”. Lí do bà đưa ra thật đơn giản nhưng cũng thật xót xa: cần có chồng để cùng nuôi 10 đứa con. Thì ra sự sinh tồn của những đứa con là nguyên nhân để người đàn bà ấy sống kiếp cam chịu. Tình yêu thương của người mẹ dành cho đàn con chính là sức mạnh để người đàn bà ấy nhẫn nhục
Thái độ nhẫn nhịn của người đàn bà là kết quả của bao tình cảm vị tha, thánh thiện: “ Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. Người đàn bà đã chủ động nhận về mình mọi đau đớn để đảm bảo sự sinh tồn cho con cái gia đình đông con sống dựa vào nghề sông nước đầy bất trắc. Tình yêu thương như 1 bản năng mãnh liệt ngàn đời của người phụ nữ bộc lộ 1 cách cảm động và sâu sắc nhất ở người phụ nữ này.
Thậm chí khi bị đánh bà còn chủ động xin chồng thay đổi địa điểm đánh: “ Sau này, con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão…đưa tôi lên bờ mà đánh”. Bà muốn hứng trọn nỗi đau cho riêng mình, không để các con bị tổn thương. Nhưng đau đớn thay, bà cũng không tránh khỏi cho con mình phải chứng kiến bi kịch đau lòng ấy dù cam chịu chấp nhận mọi sự bạo hành. Như khi thằng Phác chứng kiến cảnh bố đánh mẹ, bà đã rất đau đớn, quỳ lạy trước con
Người phụ nữ chịu nhiều cay đắng ấy chắt chiu những hạnh phúc đời thường, những giây phút vợ chồng con cái sống bên nhau vì cái hạnh phúc hiếm hoi, ít ỏi đó phải trả giá bằng những hành hạ, bạo tàn. Niềm vui lớn nhất là: “ lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”. Với những kiếp đàn bà nhọc nhằn đó nói đến niềm vui thật xa xỉ nhưng sự tận tụy hi sinh cho chồng con chính là niềm vui lớn nhất đối với người phụ nữ. Đó chính là sức mạnh nội tâm ngâng đỡ người đàn bà: “lần đầu tiên trên gương mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên 1 nụ cười”
Không chỉ yêu thương, hi sinh đến quên mình vì đàn con, ở người phụ nữ này còn có 1 tấm lòng bao dung, độ lượng đối với chồng:Nghệ sĩ Phùng và chánh án Đẩu nhìn người chồng là kẻ vũ phu, thô bạo, đáng lên án. Nhưng qua cái nhìn của người vợ, lão từng là: “anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi” Bị chồng đánh đập thô bạo nhưng bà cũng không oán trách vì bà hiểu nỗi khổ của chồng, hiểu cái khổ đã làm người hiền lành trở thành ác độc. Chính cuộc vật lộn mưu sinh đã biến lão trở thành 1 kẻ vũ phu, thô bạo. Người ta làm điều ác nhiều khi không phải vì người ta xấu mà là vì khổ sở. Bà còn hiểu rằng chồng mình vừa là nạn nhân khốn khổ, vừa là thủ phạm gây nên bao đau khổ cho người thân của mình cũng chỉ vì nghèo đói, ít học. Thậm chí bà còn sẵn sàng nhận lỗi về mình, coi mình là nguyên nhân khiến cuộc sống của chồng trở nên khốn khổ .Đây quả là người phụ nữ có cái nhìn sâu sắc, đa chiều, bao dung, độ lượng với chồng
Người đàn bà hàng chài tuy thất học nhưng không tăm tối, ngược lại rất thấu trải lẽ đời. Bà hiểu thiện chí của chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng khi khuyên bà bỏ người chồng vũ phu, tàn bạo. Song bà càng hiểu hơn cuộc sống trên sông nước. Bà chắt ra từ cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ 1 chân lý mộc mạc nhưng thấm vị mặn của đời thường: “đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba”. Cuộc sống thực tế cần có 1 người đàn ông để làm chỗ dựa, dù đó là người chồng vũ phu tàn bạo. Bà cũng hiểu và tự hào với thiên chức của người phụ nữ. “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đén khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ”. Chính vẻ đẹp mẫu tính, đầy hi sinh cao thượng ấy đã tôn vinh người đàn bà với vẻ ngoài xấu xí, thô kệch
Khắc họa nhân vật người đàn bà hàng chài, Nguyễn Minh Châu đã thể hiện cái nhìn mới mẻ về con người. Ông đã khai thác số phận cá nhân và thân phận con người đời thường, đi sâu vào thế giới phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người để phát hiện những nét đẹp trong những con người tầm thường, lam lũ. Cả đời ông đã tâm niệm sáng tác văn học là đi tìm “hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn mỗi con người”
Trên trang viết của Nguyễn Minh Châu, người đàn bà hàng chài là hiện thân của tình yêu thương, đức hi sinh, sự nhẫn nhục của người phụ nữ. Qua người đàn bà hàng chài, ta thấy thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ Việt Nam:

Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng

Biết hi sinh nên chẳng nhiều lời

Tố Hữu
Qua cuộc đời của người đàn bà hàng chài, tác giả cũng đặt ra những vấn đề nhức nhối của cuộc sống: nạn bạo hành trong gia đình, sự nghèo đói, thất học, sự tha hóa về nhân cách… Chính số phận của người đàn bà hàng chài như 1 hồi chuông lay tỉnh chúng ta hướng tới 1 cuộc sống tốt đẹp hơn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kuky#zjn