Chapter 5: Mười em gái nhỏ (4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tuệ San vừa bước tới nhà tang lễ đã thấy đồng nghiệp gọi í ới. Họ nói rằng sớm có một khách hàng nhờ cô chăm sóc cẩn thận. Cô hoang mang không hiểu chuyện gì, song như thường lệ vẫn khoác áo trắng và khử trùng chân tay trước khi vào khu nhà xác.

Lần này trên chiếc cáng sắt không hề có xác người, chỉ có ảnh của một cậu trai trẻ, bên dưới kèm một bức thư viết tay, nét chữ rất ngăn nắp thẳng hàng.

"Gửi cô Tuệ San

Đây là Dư Trung Vỹ, con trai một người bạn của tôi. Cậu bé này mất trong một tai nạn xe hơi, khuôn mặt đã hoàn toàn bị huỷ hoại. Gia đình cậu hiện tại đang ở nước ngoài, sẽ trở về dự tang vào tuần tới. Tôi mong cô có thể tái tạo lại gương mặt cho cậu bé này để cha mẹ cậu ta có thể nhận ra dung mạo con trai mình lần cuối. Tôi biết đây là lần đầu cô phải làm việc một mình với những xác chết kinh dị, mong cô giữ vững tinh thần và thể hiện khả năng thật tốt.

Chờ đợi điều bất ngờ từ cô.

Giám đốc nhà Tang Lễ

Kim Long

Tuệ San đọc xong nuốt nước bọt. Những xác chết cô từng tiếp xúc trước đây đều khá nguyên vẹn, nếu không âu cũng chỉ là những vết rách nhỏ. Nay cô còn nhận được một bức thư động viên từ Chủ Nhà Tang Lễ bỗng dưng cũng có chút e dè.

Cô đi tới ngăn sắt đựng xác, mạnh dạn kéo ra. Tử thi trước mắt cô bị đứt đôi người, cũng may đã được nhân viên của bộ phận ướp xác làm sạch và nối lại sơ bộ. Gương mặt tử thi được đắp một lớp vải mỏng, tuy không dính máu nhưng nhìn độ lồi lõm của miếng vải cũng biết gương mặt này đã không còn nguyên vẹn.

Tuệ San hít một hơi sâu, lấy hết can đảm từ từ lật lớp khăn vải lên. Gương mặt thanh niên bị phạt thẳng một đường, phần da mặt trợt đi, lộ cả xương sọ. Có lẽ cậu thanh niên Dư Trung Vỹ này đã bị kéo lết một đoạn dài trên đường khi vụ tai nạn xảy ra.

Tim Tuệ San đập thình thịch nhưng chưa đến nỗi khiến cô phải chạy đi nôn. Cô nhìn gương mặt nham nhở ấy một lúc rồi quyết định lấy số đo để tái tạo diện mạo người chết bằng đất sét. Một lúc sau thì cô cũng không còn thấy gương mặt đó ghê tởm nữa, ấy vậy cũng không nên nhìn nó quá lâu. Cô cất tử thi lại ngăn đựng xác sau khi đo xong rồi trở lại bàn, mặt đần một lúc rồi bắt tay vào làm.

Vốn là dân học mỹ thuật, việc làm mặt nạ bằng đất sét cô đã có sẵn căn bản. Khác với bài tập ở trường, công việc hiện giờ của cô cần thận trọng hơn rất nhiều . Cô cẩn thận pha màu da như trong ảnh rồi từng chút một tạo các rãnh, các khoé giống những lần cô thực tập trên lớp. Tay San hơi run run, lại làm rất tỉ mẩn nên nửa ngày mới xong được gương mặt cho tử thi này.

Dù mất khá lâu thời gian, Tuệ San vô cùng tâm đắc khi lớp da mặt bằng đất sét được hoàn thành. Trong khi cô nâng nó lên tay và chăm chú tỉa viền ngoài cửa lớp mặt nạ sao cho khớp với gương mặt tử thi thì bỗng đâu nghe thấy tiếng thứ gì đập lên tấm cửa kim loại của nhà xác. Tim cô thắt lại một nhịp, thứ âm thanh này thực sự Tuệ Sam không thể nghe nhầm. Cô quờ ngay con dao mổ trên mặt bàn rồi quay ngoắt người lại như một phản xạ nhất thời.

Lúc ấy cũng đã là chiều muộn, nhân viên nhà tang lễ cũng không có nhiều người ở lại, nhưng Tuệ San thấy rõ sau ô cửa kính có bóng người. Cô hơi ngập ngừng, không biết có tiến tới mở cửa hay không thì cái bóng kia cất tiếng nói trước.

- Cô Tuệ San! Phải chăng tôi có làm cô giật mình?

Thì ra là ông chủ Kim Long. Nghe thấy tiếng ông, Tuệ San lúc đó mới bình tâm trở lại, chạy ra mở cửa mà dao mổ vẫn ngang nhiên cầm trên tay.

- Ôi, cháu đang tập trung quá, thành ra... - Tuệ San vừa quết mồ hôi, vừa cười trong gượng gạo.

Ông Kim Long nay vận một bộ vest nâu, tay vẫn chống cây gậy đi bộ dáng mỏ chim có khảm mã não. Ông cười, chỉ tay vào con dao mổ của Tuệ San, nói:

- Có gì khiến cô hoảng sợ đến thế sao?

Cô liếc nhìn cây gậy của ông hơi băn khoăn, nhưng rốt cục lại đảo mắt, tự cho rằng bản thân đã nghĩ hơi nhiều:

- Cháu không sao. Chẳng qua thân con gái ở một mình có chút phòng vệ như thói quen vậy. Mà ông chủ Kim Long ghé qua có việc gì không ạ?

Ông Kim Long cười khà khà đáp:

- Nay là ngày lễ, từ giờ tới đêm xe buýt không đi qua tuyến này. Ta sợ cô San không có phương tiện để đi về nhà. Nhân viên nay cũng xin ta tan làm hết rồi, nhà ta cũng ở ngay trong khu, cô có muốn cùng đi về?

Tuệ San thấy ngại nhưng cô cũng không thể từ chối cho được. Giờ này mà không còn xe buýt cũng chẳng còn cách nào về nhà. Cô đành nhận lời đồng ý.

Ông Kim Long đợi cô ngoài xe. Thay đồ và cất đồ nghề xong xuôi cô cũng liền rảo bước tới chỗ chiếc xe riêng của ông. Tuệ San ngồi vào ghế sau. Cô thấy khá lạ khi ông Kim Long ngồi ở ghế lái, cây gây đươc gác ở ghế bên cạnh.

San nhớ lần cuối đi cùng ông về nhà, ông Kim Long có một người tài xế riêng, nay một người bị tật ở chân lại đích thân chở cô thì không khỏi có chút kỳ lạ.

- Cô San có thấy thoải mái chứ? Yên tâm tôi sẽ lái xe cẩn thận! – Ông Kim Long vừa nhìn vào gương chiếu hậu vừa nói.

- Dạ cháu ổn ạ! - San đáp, cố nở nụ cười lịch sự

- Thật không ngờ cô San lại là bạn với nhà văn Hạo. – ông Kim Long đáp – Chắc hẳn truyện nào mới ra cô cũng có đầu tiên, phải chứ?

San nghe vậy xua tay đáp:

- Cháu...cháu chỉ là người thuê nhà của anh Hạo. Thực tình cháu có đọc nhưng không phải quyển nào cũng đọc ạ!

Kim Long nghe vậy, lắc đầu có chút tiếc nuối:

- Ôi, chẳng bù cho ta, là người hâm mộ truyện của Hạo đã lâu. Nói ra cô San đừng chê cười chứ bao nhiêu truyện của Hạo, kể cả cuốn mới ra tôi đều đã đọc hết rồi.

San nghe chuyện cũng chỉ biết gật đầu. Cô có chút nghi hoặc sao người kín tiếng như Hạo lại bị fan hâm mộ biết được danh tính thật, nhưng ngay lúc đó thì không suy nghĩ gì nhiều. Thấy không khí có chút im ắng, San bèn hỏi gợi chuyện:

- Vậy, câu chuyện mà ông chủ Kim Long thích nhất là gì ạ?

- Nó có tên là Mười Em Gái Nhỏ. – Kim Long đáp, quay vô lăng rẽ khỏi cổng nhà tang lễ - Đó chỉ là mẩu truyện ngắn nhưng lại khiến ta ghi nhớ khá rõ, một câu chuyện tình yêu của một gã bệnh hoạn được viết dưới dạng nhật ký.

Tuệ San đảo mắt nhìn ra ngoài cửa sổ thấy trời đã mập mờ tối, đường lại vắng vẻ, bất giác có chút sởn da gà. Song cô cũng là người đã từng đọc vài mẩu truyện của Hạo thì cũng biết rõ: đã bàn tới văn của Hạo thì không thể tránh khỏi những thứ kì dị.

- Ui có lẽ truyện đó cháu chưa từng đọc qua, bởi nếu đã đọc thì sao mà quên được. – San cười trừ đáp.

- Cũng đúng, khó mà quên được! – ông Kim Long đáp – Cô có muốn nghe ta kể không?

San nghĩ đó cũng là ý hay khi cô vốn đã không giỏi hỏi đáp những công chuyện xã giao, và cũng bởi một phần tò mò nữa. Thế nên cô không chần chừ, gật đầu nói có ngay tức khắc.

- Ta đọc lâu rồi, cũng không nhớ hết các tên. Hãy ví dụ tên nhân vật chính là Tường Minh đi. - Kim Long cười khà khà bắt đầu kể - Tường Minh vốn là một đứa trẻ vùng quê. Mùa hè năm Tường Minh 9 tuổi, hắn gặp một cô bé tên Như Ngọc. Khác với những đứa con gái vùng quê, Ngọc là một cô bé thành thị trắng trẻo và xinh đẹp, chỉ cần nhìn một lần là không thể quên được. Lần đó, bố mẹ Như Ngọc gửi cô bé xuống chơi với người bà nhân dịp nghỉ hè. Vừa nhìn thấy cô bé, Tường Minh lập tức si mê. Nhưng với bản tính nhút nhát, hắn chỉ dám đứng từ xa, nhìn và vẽ trộm hình Như Ngọc vào cuốn nhật ký. Đôi lúc vì sợ phác hoạ có điểm không đúng, Tường Minh còn chú thích những cụm từ ngữ bên cạnh. Tường Minh nghĩ rằng đó là cách tốt nhất để ghi nhớ hình ảnh của Như Ngọc, vì những bức ảnh chụp sẽ không bao giờ sống động bằng trí sáng tạo của một người. Tiếc là Như Ngọc chỉ ở lại vùng quê tới hết mùa hè. Qua hè, cô bé lại trở về thành phố đi học...

Nghe đến đây Tuệ San khúc khích :

- Có thực là Hạo viết về chuyện tình cảm trẻ con như vậy?

Kim Long mỉm cười đáp:

- Cái này ta không rõ, có phải cách ta kể lại đang phá huỷ văn phong của nhà văn Hạo?

- Dạ, không đâu, cháu chỉ đùa thôi. Bác cứ kể tiếp.

Nghe vậy Kim Long không ngại nữa, tiếp lời:

- ... Hoá ra năm nào Ngọc cũng về quê chơi. Suốt khoảng thời gian đó, Tường Minh cũng cố gắng nhiều lần tiếp cận nhưng không được Như Ngọc chú ý tới. Đến năm Tường Minh hai mươi tuổi, vô tình một lần đánh rơi quyển nhật ký, để lộ ra những tấm hình của Như Ngọc. Lúc bấy giờ, cô mới nhận ra tâm tình của Tường Minh mà động lòng. Hai người họ chính thức trở thành một đôi và chẳng bao lâu sau thì tổ chức hôn lễ.

Nhưng không may cho cặp đôi trẻ, sau khi sinh nở, sức khoẻ Như Ngọc đi xuống trầm trọng. Kết thúc chuỗi ngày ốm dai dẳng, Như Ngọc mất trong một trận viêm phổi nặng, để lại con gái tên ba tuổi là Cảnh Nam

Đau khổ vì cái chết của người vợ yêu, Tường Minh tự trách bản thân vô dụng bất lực. Gã hay một mình uống rượu đến tận đêm khuya, thường giở cuốn nhật ký khi xưa đọc đi đọc lại. Tường Minh một mình chăm con, suốt những năm tháng tiếp theo chỉ chuyên tâm làm ăn, không hề tính đến việc đi bước nữa.

Cảnh Nam càng lớn càng xinh đẹp giống mẹ nhưng tính cách thì có chút ngỗ ngược. Tường Minh hết sức yêu chiều con bé nhưng gia đình thiếu mất người phụ nữ cũng không quản nổi trẻ con. Kết quả là trước khi vào trung học, Cảnh Nam đã trốn nhà bỏ đi biệt tăm. Từ ngày con gái bỏ đi, Tường Minh như người mất hồn. Rốt cục gã quyết định bán căn nhà rồi chuyển đi đâu không ai biết nữa.

Mùa hè năm ấy, người dân vùng quê vớt được thấy xác chết của một bé gái bên bờ sông. Người ta đồn rằng đã có kẻ bệnh hoạn nào đó đã cưỡng hiếp rồi dìm cô bé đến chết. Có một điểm kì lạ rằng dưới mắt bên phải của xác chết có một chấm đen nhỏ do bút mực vẽ lên. Kẻ sát nhân không bao giờ được tìm thấy.

Mùa hè năm tiếp theo, một cái xác khác lại được phát hiện, vẫn là khuôn mặt xinh đẹp với một chấm mực bên dưới mắt phải, nhưng lần này nạn nhân có vẻ lớn hơn một chút.

Trong mười năm liên tiếp, mùa hè nào người dân cũng tìm thấy xác người bên bờ sông, từ những bé gái, lớn dần thành những thiếu nữ và rốt cục là xác của người phụ nữ. Tất cả bọn họ bị cưỡng bức, dìm chết và ai cũng đều có một chấm đen nhỏ dưới mắt phải.

Lại nói về cô bé tên Cảnh Nam, nay đã 21 tuổi. Sau thời gian bỏ nhà ra đi, không có nơi nương tựa, cô đã rơi vào tay của đám người môi giới mại dâm. Đám người này đương nhiên không cần biết tới quá khứ của Cảnh Nam, chỉ cần cô kiếm ra tiền là đủ. Mấy năm trở lại đây, vài người bạn của cô bỗng nhiên mất tích. Người ta đồn rằng ông chủ đã bán họ đi cho một gã đàn ông bí ẩn có nhiều yêu cầu đặc biệt. Nếu vừa mắt thì chỉ chọn một người thôi và rất lâu sau mới quay trở lại lần nữa.

Những chuyện này Cảnh Nam không quá để tâm. Những buổi buôn bán như vậy thường dựa trên sự tự nguyện của gái mại dâm muốn đổi đời. Cảnh Nam giới thiệu cho những gái mại dâm khác nhiều mối lớn, nhưng bản thân thì lại không bao giờ dây dưa.

Nhưng không phải thứ gì cô muốn tránh cũng có thể né mãi được. Một ngày mùa hè, cô phải phục vụ riêng một vị khách. Gã này ngồi im trong một góc tối của căn phòng, yêu cầu cô vừa múa thoát y, vừa hát bài chúc mừng sinh nhật . Bản thân cô nhiều năm trong ngành, biết cách chiều lòng khách hàng, không hề dám thắc mắc. Hát xong rồi, hắn lại yêu cầu cô lấy bút kẻ mắt tự chấm một nốt ruồi dưới mắt. Tới lúc này thì Cảnh Nam có chút do dự. Thấy vậy, hắn hỏi:

"Sao vậy? Cô không thấy thoải mái sao?"

Cảnh Nam đáp:

"Dạ không sao. Chỉ là anh làm em nhớ tới cha em trước đây."

Hắn đáp:

"Thật thú vị. Hãy thử kể ta nghe"

Cảnh Nam khi đó mới giãi bày rằng: cha cô là một gã kỳ quặc. Ông ta bị ám ảnh với người mẹ đã mất của Cảnh Nam. Ông ấy luôn bắt cô phải đóng giả mẹ mình, thậm chí tổ chức sinh nhật của cô trùng vào sinh nhật của mẹ. Ông ấy nói rằng mẹ cô có một nốt ruồi dưới mắt phải, chỉ cần nhìn một lần sẽ không bao giờ quên được nên bắt cô phải tự vẽ nốt ruồi giống y như vậy. Một ngày cô đọc trộm nhật ký của ông, nhận ra tâm thần ông đã điên loạn. Do quá hoảng sợ, Cảnh Nam đã bỏ chạy khỏi nhà. Ngót nghét đến nay cũng đã được mười năm. Thế nên nghe yêu cầu kia, cô bất giác nhớ đến câu chuyện ngày xưa.

Nghe Cảnh Nam kể xong, gã đàn ông trong góc nhà kéo ghế đứng dậy. Từ trong bóng tối, một gương mặt quen thuộc hiện ra. Tường Minh nở nụ cười trên môi nhưng thần sắc thì điên loạn vô cùng. Hắn nói:

- Rốt cục thì ta đã gặp lại con.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro