Untitled Part 65

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 17

   Theo hướng chỉ của anh thanh niên câu cá , tài công Tư Lù cho ghe lui ra khỏi bãi biển hoang vắng của khu F . Sau khi bọc qua khỏi những ghềnh đá cheo leo không có dấu hiệu gì của sự sống thì quang cảnh hiện ra trước mắt mọi người đúng là một trời một vực với chỗ vừa mới tấp vô khi nãy .

   Chiếc ghe chạy chầm chậm , phía bên kia là hòn đảo nhỏ có tên gọi đảo Cá mập . Từ dưới ghe nhìn vào Bidong , mọi người cứ ngỡ nơi đây là một bãi biển dành cho khách du lịch . Cũng dừa xanh nghiêng bóng , cũng bãi cát trắng phau phau . Người đá banh , kẻ bơi lội . Lác đác vài ba quán cà phê tiếng nhạc văng vẳng xập xình , tài tử giai nhân áo đỏ áo xanh dập dìu .

   À , thì ra một nửa bên này hải đảo mới là trại tỵ nạn đây . Tư Lù biết chắc là hết chết rồi cho nên anh ta cứ nhẩn nha cho ghe chạy chậm rì rì dọc theo bãi cát rồi bọc theo cái voi có mấy ghềnh đá . Từ dưới ghe nhìn lên người ta có thể nhìn thấy một ngọn đồi không cao lắm . Với những bậc tam cấp từ bãi cát lên tận đỉnh . Ở lưng chừng đồi , cạnh lối đi lên có tượng Phật Di Lặc và trên đỉnh , tượng Quan Âm đứng sừng sững . Hai tượng Phật đều trông ra biển . Phía sau là một ngôi chùa gỗ sơ sài .

  Hình ảnh đầu tiên của vùng tự do đập vào mắt mọi người là từ bi hỉ xả , là cứu độ cứu nạn . Chiếc ghe đi trườn tới một chút thì người ta nhìn thấy một cây Thánh giá vươn lên cao vút , mà từ dưới biển tầm nhìn đã bị khuất bởi những ghềnh đá và tàn cây . Tuy nhiên ai cũng biết chắc hẳn nơi ấy là một ngôi nhà thờ của người tỵ nạn .

  Qua khỏi cái cua của ngọn đồi Tôn giáo rồi thì bờ biển trở nên phẳng lì toàn cát và chạy dài theo một đường vòng cung . Ở đây người ta nhìn thấy toàn dừa và dừa . Dừa nơi này có lẽ đã mọc lên từ thời tạo thiên lập địa nên cây nào cây nấy cao tận mây xanh và thân thì ốm nhách . Một cây cầu ván thật dài nhô ra tận ngoài khơi , nơi giữa cầu có một trạm gác . Ở đó đã có sẳn những người lính trong bộ quân phục màu ô liu , ông nào ông nấy đen thủi đen thui râu ria rậm rạp , mặt mày coi có vẻ bậm trợn dữ dằn , đang đứng chờ nơi đầu cầu và vẫy tay ra hiệu cho chiếc ghe mới tới đảo ghé vào .

  Lúc này mặt trời đang đứng ở đỉnh đầu , cái nắng nhiệt đới như nun chín tất cả vạn vật . 94 thuyền nhân kẻ trước người sau , theo lệnh những người lính dìu dắt nhau bước lên cầu và  xếp thành ba hàng dài rồi ngồi bệt tại chỗ chờ đợi . Mấy ông lính Mã , kẻ súng người gậy cứ nện đôi giầy bốt đồ sô trên cầu đi tới đi lui để đếm . Một vài người lính khác thì chui xuống ghe , có lẽ để khám xét gì đó . Sau cái màn điểm số đầu người thì họ bắt tay tới việc xét đồ đạc cá nhân .

  Đến lúc này thì thằng Dần chắc chắn rằng Út Đẹp đã bị Thái lan bắt cóc . Nó cố để ý tìm trong những bạn đồng thuyền , đa số là thanh niên và người trọng tuổi . Một thắc mắc tiếp nối là lão thầy Tư , lẽ nào ông ta là cái ông già bị Thái lan giết chết đó sao . Nghe phong phanh hồi ở dưới ghe nên Dần có hơi hồ nghi , bây giờ thì quá rõ ràng rồi còn gì . Thế này thì gia đình của Đẹp chỉ có hai người nhưng thảy đều bị nạn trong chuyến hải hành . Dần chợt cảm thấy hụt hẫng , nó đã thiếu Út Đẹp một món nợ to lớn , nợ ân nợ tình . Nếu không có nàng thì làm gì mình được đặt chân đến vùng đất tự do , một ước mơ mà dù nằm chiêm bao cũng không thấy được .

  Hai tiếng đồng hồ sau thì đám thuyền nhân mới tới được lệnh di chuyển . Những con người bị sóng dồi gió dập dở sống dở chết , hồi sáng này mới tươi tỉnh lại một lúc giờ bị giăng nắng lâu quá nên ai nấy xây xẩm mặt mày , cùng với những bước chân phập phìu vì say bờ . Thật trông họ tan tác làm sao .

  Dần ròm nhìn lên bãi cát ngay đầu cầu . Nó giật mình kinh ngạc . Cha mẹ ôi , người ở đâu mà tập tụ lại ở đây nhiều đến thế hổng biết . Kẻ đứng người ngồi , kẻ áo quần tề chỉnh người chỉ cái xà lỏn trần xì , biến cái bãi cát mênh mông thành biển người náo nhiệt . Một hợp quần gồm đủ mọi lứa tuổi , nhưng hầu hết các thanh niên thì hầu như đều có một điểm giống nhau y chang , mái tóc dài cắt theo kiểu bum bê , cái kiểu anh thanh niên bơi xuồng đi câu cá đã gặp hồi mới cặp vô bờ biển phía bên kia đảo . Người ta tuy đông đão nhưng có lẽ đã thành thói , họ trật tự vô cùng . Tuy vậy , những người lính Mã cũng cầm gậy hò hét thị uy , như cố cách ly người mới tới với nhóm người có mặt sẳn trên đảo .

  Khi nhóm thuyền nhân được hướng dẫn đến văn phòng ban tiếp nhận người mới tới để làm thủ tục nhập đảo . Rừng người cũng kéo tới bu quanh phía bên ngoài đông như lễ hội . Có nhiều tiếng hỏi cất từ trong đám người lộn xộn kia :            

  - Ghe ở đâu đi vậy chú Hai ?

  - Ghe có bị cướp hông ta ?

Trong nhóm người mới tới có kẻ lên tiếng đáp :

-        Sóc trăng .

 Thủ tục nhập trại là một màng tự khai lý lịch cũng như ở tất cả trại tỵ nạn khác , cũng tên tuổi nguyên quán ngày tháng năm sanh v.v . Dần ròm chỉ múa bút vài dòng là xong , nó mang nộp cho một anh nhân viên người Việt làm trong ban thủ tục người mới tới . Từ bây giờ thằng Dần ròm trở thành thuyền nhân tỵ nạn rồi chớ bộ giỡn chơi sao . Anh thuyền nhân Dần ròm thả cặp mắt tò mò nhìn chung quanh ngôi hội trường nhỏ xíu dành tiếp đón người mới tới . Đó chỉ là một cái mái che nóc lợp tôn với vòng rào chung quanh . Phía bên trong có lót vài cái băng ghế , giống y như một lớp học ở một làng quê hẻo lánh nào đó bên xứ mình . Khác lạ ở chỗ là ngay bên trong lớp học lại có hai ba cây dừa cao vút mới ngộ . Luật lệ ở đây người ta cấm không cho đốn dừa , khi cất ngôi hội trường tất nhiên phải trổ nóc nhà để dành chỗ cho nó vươn lên là thế . Bởi vậy cứ mỗi lần cây dừa chuyển mình theo gió là cái nóc ngôi hội trường cũng lắc lư chuyển theo  . Dòm cái nóc nhà đã đời rồi Dần lại tò mò đưa mắt dòm ra biển người chung quanh . Đó đây một vài khuôn mặt quen quen nhưng tạm thời hắn chưa nhớ ra là ai , bạn học xưa hoặc người quen cùng xứ cũng hổng chừng . Mới có mấy ngày lênh đênh trên biển mà đầu óc của anh thanh niên trở nên rối vò . Đó là cái cảm giác chung chung cho tất cả những ai vừa mới tới bờ . Cái cảm giác hoang mang pha lẫn giữa buồn vui lo sợ và đủ thứ những lo nghĩ trong đầu . Tinh thần đã thế mà trong khi thể xác cũng đang rả rời mệt mõi thì thử hỏi trong nhất thời đầu óc con người ta sao không trở nên ù ù ạc ạc cho được . Bên tai Dần , tiếng loa phóng thanh phát ra bản tin đồng bào đến đảo do một giọng xướng ngôn viên nữ nào đó đang đọc bài tường thuật sợ lượt chuyến đi của chiếc ghe mới tới :

  - Tin đồng bào đến đảo . Tin đồng bào đến đảo . Chiếc HG 3683 vừa an toàn cập vào cầu Jetty với 94 thuyền nhân . Ghe khởi hành từ Sóc trăng , ra cửa Bảy giá . Chuyến đi mất bốn ngày đêm . Ngày thứ ba ghe gặp hải tặc . Một người tử nạn trên biển và bốn cô gái bị bắt cóc . Xin chia buồn cùng gia đình những nạn nhân kém may mắn và đồng thời chào mừng đồng bào vừa đặt chân được đến ngưỡng cửa tự do Pulau Bidong . Số thứ tự của HG 3683 là PB 625 . Xin nhắc lại , số thứ tự của tàu là PB 625 .

  Phía bên ngoài , chỉ cách một hàng rào kẽm gai cách ly , những người tò mò đến bu quanh đông nghẹt . Thông tin vừa cho biết ghe mới tới khởi hành từ Sóc trăng , do đó những thuyền nhân nào là dân Sóc trăng thì ba chân bốn cẳng chạy đến với mục đích là coi trong cái đám mới tới kia có ai quen thân hoặc bạn bè gì không . Cuộc sống chờ đợi định cư nó lê thê chán chường quá , có cái để giải khuây là thiên hạ dễ gì bỏ qua cho được .

  Vậy mà trong nhóm người mới tới cũng gặp được những người cũ , họ mừng như trúng số , nói cười vang rân . Và những người này đương nhiên được cho nhập trại trước hơn ai hết , vì có người đứng ra lo chỗ ở cho họ . Những kẻ bơ vơ như thằng Dần ròm và nhóm người còn lại thì phải đợi người ta lập danh sách phân phối về từng khu .

  Một ảng mì ăn liền mới nấu khói bốc lên nghi ngút được ban tiếp nhận người mới tới mang đến . Mỗi người được cấp phát một cái chén , một đôi đũa và một chai nước lạnh . Bửa ăn đầu tiên trên Bidong , dù chỉ là mì gói nấu với nước sôi nhưng quả thật không có sơn hào hải vị nào sánh bằng . Dần nghỉ bụng như vậy .

  Ăn uống xong thì nhân viên khối xã hội hướng dẫn đến văn phòng khối để mỗi người nhận được khẩu phần ăn trong vài ngày gồm gạo và đồ hộp , dĩ nhiên cũng có mì gói và chén đủa kèm theo . Thêm nữa còn có một cái mền , một cây kem và bàn chãi đánh răng , đôi dép cao su và giấy vệ sinh . Tất cả những món lủ khủ ấy đều dồn vào một bịt nilong vì quần áo mang theo Dần không biết chúng đã thất lạc nơi đâu . Nó nhập trại với một thân nhất y nhất quởn . Mà cái quởn cũng bất nhơn , hổng biết hồi nào và vì sao mà nó bị rách toạt ra một lổ to tướng ngay gần đầu gối . Cái lúc ngồi làm thủ tục nhập trại xong , quởn quá nên mấy ông bạn đồng thuyền quay ra đấu láo . Một ông chỉ vào ống quần teng beng của Dần biểu :

  - Nó rách như vầy thì xé cha nó cho xong . Tới đây rồi thì áo quần như trấu , muốn bao nhiêu hổng có hả mậy .

  Thế là anh chàng Dần dại dột tin ngay , cứ tưởng người ta sẽ cấp phát luôn cho áo quần nên sẳn bị rách một lổ , nó xé toạt luôn cả hai cái ống quăng bỏ , biến thành cái quần tiều . Và chẳng ngờ cái quần ấy đi cùng với nó trong suốt chặng đời ở Pulau Bidong .  

  Cuối cùng rồi thì gần năm giờ chiều , mấy ông liên gia trưởng của từng khu đến nhận người mang về khu của mình . Một ông mặt mày coi bậm trợn đọc tên thằng Dần và vài thằng nữa rồi biểu :

   - Anh em xách đồ đạc đi theo tôi .

   Nói xong anh ta quay lưng đi . Đám năm thằng có tên đồng kéo lê thê lếch thếch từ văn phòng trại nơi bãi biển khu A về tới đồi khu F .

   Giữa năm 1982 này đảo Bidong có thể nói  được cải thiện rất nhiều so với thời gian mới mở cửa tức tháng 8 năm 1978 . Người ta cho dựng lên nhiều dãy nhà dài bằng gỗ , gọi là longhouse . Lô nhà dài này được chia ra từng hộ với vách ngăn riêng biệt . Mỗi hộ đều có nhà bếp và gác lửng để ngủ . Nó giống như một căn nhà riêng biệt kín đáo , không như những barrack xô bồ xổn bộn ở trại Galang một .

   Bởi đây là một hải đảo thành hình từ một hòn núi nhỏ nên rất hiếm có những địa thế tốt để dựng nhà . Toàn đảo chỉ có một  vùng hiếm hoi tạm cho là tương đối bằng phẳng nằm dọc theo bãi biển khu A , tức ngay chân cây cầu Jetty mà ghe vượt biển của Dần ròm ghé lại lúc ban trưa . Tại đây được coi là trung tâm sinh hoạt cho toàn đảo . Gian hàng buôn bán , chợ búa , bệnh viện , nhà ở của Cao Ủy và ban điều hành trại cũng như tất cả khối ban đều được đặt ở đây . Ngoài khu trung tâm này ra thì những vùng chung quanh toàn là đồi thấp đồi cao mặt đất nhấp nhô lồi lõm . Vì vậy cho nên đa số những dãy longhouse được dựng theo một kiểu duy nhất là nhà sàn . Nhất là khu F , khu đồi cao và xa trung tâm đảo nên đâu đâu cũng toàn những dãy longhouse nhà sàn .

  Dãy A khu F nằm đâu lưng với ngọn đồi nghĩa địa là nơi toán năm thằng mới tới được ông liên gia trưởng dẫn về . Dần được chỉ định vào một căn số 9 .

  Thiện cảm của Dần ròm ngay trong giây phút đầu tiên tìm nơi tạm trú tại trại tỵ nạn đã bị đánh mất khi chạm mặt với gã chủ nhà ú nu . Hắn hai tay xua lia lịa và miệng bảo thẳng thừng :

  - Nhà của ngộ lông người lắm dồi . Ông liên gia “chưởng” lưa cái thằng Việt lam lầy ở chỗ khác li . Ha , cái lì nhà “chựt” muốn chết mà thêm người nữa dồi chỗ lâu mà ngủ chớ .

  Mẹ , có cái vụ thằng Việt Nam này thằng Việt Nam nọ là thế nào . Ở đây là đâu , là trại tỵ nạn dành cho người Việt Nam mà không cho thằng Việt Nam vào ở thì là thế nào . Dần tự hỏi và thấy cái gã chủ nhà này thật đáng ghét . Ông liên gia trưởng với cái mặt bậm trợn lên giọng cau có :

  - Nị không cho cũng phải cho . Tối tới nơi rồi , cho người ta vô để còn sắp xếp chỗ ăn chỗ ngủ nữa chớ . Không cho thì ngày mai lên văn phòng trại khiếu nại đi .

  Đoạn anh ta quay sang Dần :

  - Thằng em mày vô ở đây đi .

  Thế là ông lấy viết ghi tên Dần vào cái tờ giấy dán sẳn trên vách . Tờ giấy này na ná như tờ khai gia đình , ghi đầy đủ tên họ và số tàu của những người hiện cư ngụ trong căn ấy . Đôi khi ban đêm an ninh đi tuần vào xét nhà bất tử thì họ chiếu theo danh sách và số người hiện diện  . Vắng mặt hoặc dư người là rắc rối . Vì tình hình an ninh chung cho toàn đảo mà . Ban ngày làm gì ở đâu cũng được nhưng khi tối đến , sau giờ giới nghiêm là tên dán trên bảng phong thần ở đâu bắt buộc người ấy phải về đó ngủ .

  Tên của Dần đã vô bảng phong thần rồi thì nghiễm nhiên hắn đã là một thành viên mới trong căn A9 , gã chủ nhà chẳng thèm nói thêm tiếng nào , hắn phủi đít cái phạch bỏ lui vào trong .

  Bắt đầu cho cuộc sống mới nơi trại tỵ nạn của anh thanh niên miệt vườn là thế đó . Trong nhà đã có sẳn khoảng 6 trự nhưng toàn người Chợ Lớn , họ toàn dùng tiếng Quãng chớ chẳng hề nói tiếng Việt nên vô tình Dần trở thành một thằng câm và điếc ngay từ cái bửa đầu tiên . Nó chẳng biết lấy đâu ra nồi nêu , dù là một cái nồi nho nhỏ để nấu chút nước pha gói mì ăn đỡ qua đêm . Hỏi mượn thì người trong nhà biểu là có nồi nhưng hổng có củi và nước . Hổng có nước để cho mình nấu lấy gói mì nhưng Dần thấy họ pha một ảng trà to tổ chảng , ngồi nhẩm xà chuyện nổ râm rang . Mà trong câu chuyện toàn tiếng Quãng đó thỉnh thoảng Dần thấy họ liếc về phía mình .

  Đúng là cái số xúi quẩy vì bị đưa vô ở ngay cái nhà của mấy cha xì thẩu Chợ lớn , có lẽ họ không thích một thằng nhóc nhà quê như Dần ròm vào ở chung nhà với họ . Có lẽ cái gì , đúng quá rồi đi chớ . Nhìn chung quanh đồ đạc của mấy chả vô thùng vô gói treo máng tùm lum . Trại tỵ nạn làm gì có được cái tủ để khóa đặng cất đồ đạc quý giá cho nên gia tài mang theo bất cứ thứ gì nếu như không bị mất mát trên biển thì cứ nê lên để chật cả nhà . Thậm chí có những ông chủ ghe người Tàu đi theo kiểu đăng ký , vượt biên mà còn mang theo cả cái giường ngủ bằng gỗ quí nữa . Đó , gia sản treo giăng đầy nhà như vầy mà để người lạ vô ở chung thì chỉ tổ phải trông chừng chớ có ích lợi gì đâu .

  Mới vào nhà , dòm sơ qua một lượt và nhìn thấy cách đối xử thiếu thiện cảm của những người đến trước , Dần biết thân nên nhịn đói nhịn tắm tìm một góc phía dưới cây cầu thang , trải tấm mền xã hội mới cấp cho , ngủ một giấc thẳng kè . Giấc ngủ đầu tiên nơi vùng đất tự do nhưng phải chịu nhịn đủ thứ : nhịn ăn uống , nhịn tắm rữa và đương nhiên với một thằng bợm hút như nó thì cũng phải chịu luôn thứ nữa là nhịn ghiền .  

  Tuy nhiên nếu so với những lớp người tới trước thì thằng Dần đã là may mắn lắm , dù nằm dưới sàn nhà nhưng sàn lót bằng ván sạch trơn chỉ sợ chuột chớ không lo bị muỗi cắn . Bốn bề vách phên che chở kín gió kín sương và thêm nữa là có đèn điện .

  Hãy trở lại cái thời hòn đảo Bidong của những năm đầu tiên khi người Việt mới đặt chân đến thì mới thấy nổi khổ của đoạn đời tỵ nạn mà đồng bào mình đã nếm trãi . Không như Air Raya , không như LeTung hoặc Kuku của Nam Dương , ở đó trại tỵ nạn hình thành là do những Lỗ Bình Sơn Việt Nam trôi giạt vào rồi tự lập thành làng thành xóm . Pulau Bidong trước khi trở thành hòn đảo tỵ nạn thì nó chẳng có ai ở  , ngoại trừ một vài căn chòi đơn sơ tránh sóng gió bão bùng của những ngư dân bổn xứ . Nó hình thành là do sự chọn lựa của chánh quyền Mã lai chớ chẳng phải do thuyền vượt biên tấp thẳng vào .

  Trở lại cái thời gọi là “nạn kiều” , tức những Hoa kiều ở Việt Nam được nhà nước Cộng sản cho đi theo kiểu đăng ký . Làn sóng vượt biên bắt đầu dấy lên từ đó . Từ những năm đầu , nhiều con tàu ra khơi may mắn đã gặp và được các thương thuyền quốc tế cứu vớt nhưng kể từ năm 1978 trở về sau , phần đông khi gặp ghe vượt biển họ chỉ ngó lơ , cứ làm ngơ mà đi . Lý do đơn giản là vì quốc gia họ không muốn mang thêm cái gánh nặng thuyền nhân vào mình .  

  Các thuyền nhân nào đã qua được biển Đông  sau khi thoát khỏi bọn hải tặc Thái lan , qua khỏi các cơn bão táp, máy tàu không hư hay hư mà sửa được, thoát hết các nguy hiểm khác ,  thấy được bờ biển Mả Lai hay Nam Dương đều tưởng rằng mình đã chấm dứt được chuyến phiêu lưu rồi . Tưởng sẽ được đón tiếp nếu không niềm nở lắm thì ít ra cũng với chút thiện cảm của tình người . Với xứ sở Mã Lai này , như chiếc ghe của gia đình anh Bảy Tôn Tẩn đã trãi qua và cuối cùng rồi thì cũng bị tống khứ sang đất Nam dương , đó là một điển hình . Nhưng cũng có nhiều trường hợp Cảnh sát Mã đón nhận họ và hướng dẫn đến các trại tỵ nạn ngay trên đất liền . Những chuyện lợi dụng tống tiền hay cướp ra mặt vẫn xảy ra tùy theo quan chức và dân chúng địa phương , kẻ hiền người ác mà .

  Vấn đề đáng quan tâm cho chánh phủ Mã Lai là không một ngày nào mà chẳng có một hoặc hai tàu tỵ nạn Việt Nam cập vào . Cho tới cái lúc số thuyền nhân tăng lên đến một tỷ lệ báo động , cảnh sát Mã bắt đầu siết chặc sự giám sát và xua đuổi . Có nhiều vụ bắn giết hoặc kéo tàu vượt biên ra khơi khiến cho nhiều người bị chết một cách oan ức . Một trường hợp điển hình ở ngoài khơi bờ biển  Mersing phía Nam Mã Lai hồi tháng 4 năm 1979 . Cho tới bây giờ người ta vẫn không biết đó là do lệnh của người chỉ huy tại địa phương hay từ chánh phủ Mã lai .  

  Trung tuần tháng Tư năm 1979 , hai chiếc ghe vượt biển tấp vào một bãi biển cách thành phố Mersing Nam Mã Lai mười lăm cây số . Một chiếc với 62 người và một chiếc 54 người . Tổng cộng 116 , trong số có tới hai phần ba là người già và trẻ nhỏ . Họ đổ bộ lên bãi cát và gặp được giới chức địa phương nhưng những người này không có quyền hành gì cả . Đến khi cảnh sát ào tới thì họ buộc những người tỵ nạn tội nghiệp này trở lên ghe để hải quân kéo trả ra khơi . Người ta lạy lục than khóc hết sức mà họ chẳng động lòng , cứ nhất quyết một hai kéo thẳng ra ngoài hải phận mới nghe . Một chiếc ghe bị hở ván phá nước khó có thể vượt biển thêm lần nữa thì những người có thẫm quyền này bèn cho tìm thợ mộc trong làng tới trám ghe lại qua loa rồi bắt buộc tất cả ai lên ghe nấy trở lui ra biển lớn .

  Chiếc ghe chở 62 người bất hạnh mới được thợ mộc vá víu ấy đương nhiên không thể nào cầm cự nổi nếu gặp sóng to gió lớn . Thật vậy , nó chỉ mới ra khỏi bãi biển được một tiếng đồng hồ thì gặp một cơn bão đi qua và chìm ngay tức thì . Chứng kiến cảnh tượng hãi hùng của đồng bào mình , ông chủ của chiếc ghe 54 người thất kinh . Dòm cái cái ghe của mình cũng chẳng khá gì hơn . Một liều ba bảy cũng liều , ông quày trở lại vô bờ . Thây kệ , tụi nó có bắn có giết hoặc bỏ tù cũng còn đở lạnh hơn chết ngoài biển cả . Khi chiếc ghe vừa tấp vào bờ , ông bỏ nhỏ cho đám thanh niên đập phá nát chiếc ghe để khỏi bị đuổi trở ngược ra biển . Với chiêu liều lĩnh này cảnh sát Mã không còn biết làm gì hơn là đem họ vào tạm trú trong một cái nhà kho hoang phế ở gần đó . Nói nào ngay họ cũng còn may là gặp được đám dân làng tốt bụng chớ hông thôi còn khổ dữ . Thấy đồng loại của mình lâm vào cảnh cùng đường tuyệt lộ , họ tự động mang chút ít nước uống và thức ăn tới cho .

  Trong số sáu mươi hai người trên chiếc ghe bị chìm chỉ còn được hai người đàn ông sống sót . Đó là hai chàng thanh niên miền biển , họ đã bơi mấy tiếng đồng hồ và được một ghe của ngư dân Mã cứu vớt . Nhưng số phận của hai anh thanh niên này cũng chẳng được may mắn chút nào , khi mang được vào bờ rồi thì cảnh sát Mã bắt đem hai người đi đâu mất tích luôn . Cảnh sát còn hăm he năm mươi bốn người bị giữ trong ngôi nhà kho là không được kể chuyện bí mật này cho bất cứ ai , nếu họ chẳng nghe thì sẽ bị tống hết lên một chiếc ghe cũ đuổi thẳng ra hải phận quốc tế trở lại . Theo như lời những thuyền nhân này kể lại khi họ tới được trại tỵ nạn thì số phận của hai anh thanh niên kia chẳng ai biết rõ . Có thể đã bị cảnh sát thủ tiêu để giữ kín chuyện tàn nhẫn này với báo chí quốc tế .

  Vào những năm cuối thập niên 70 , đã có không biết bao nhiêu trường hợp phá hủy ghe để được lên bờ tương tự như chiếc ghe năm mươi bốn người kể trên . Đây gọi là chiến thuật “nhảy bãi” liều lĩnh . Những thuyền nhân liều cùng mình này được mệnh danh bằng hai chữ “beach peple” ngon lành . Sợ bị tống trở ra khơi thì phá ghe nằm vạ để khỏi bị chết giữa biển . Nhưng tại sao lại cho là liều lĩnh , bởi cái chiêu này kể ra cũng nguy hiểm không ít . Có nhiều khi đụt phá không khéo ghe bị chìm khi chưa kịp tới bờ gây tử vong cho nhiều người , nhất là ông già bà lão và các trẻ em nhỏ cùng những người không biết bơi .

   Một dãy bờ biển đông ngạn của Mã lai từ cực bắc giáp với Thái lan đến tận miền Nam , chỗ nào cũng có ghe vượt biển tấp vào . Lực lượng cảnh sát không thể nào kiểm soát hết được . Do đó khi tấp vào bờ rồi thì những thuyền nhân nhập cảnh bất hợp pháp này lo tự túc cái ăn cái uống , dĩ nhiên là họ phải sống cảnh màn trời chiếu cát cho tới khi cảnh sát chuyển họ về những trại tỵ nạn chánh thức của Cao ủy tỵ nạn Liên hợp quốc . Cũng còn tùy thuộc vào may mắn từng nhóm , có nhiều nhóm phải nằm phơi sương phơi nắng hằng mấy tháng trời chớ chơi sao . Tuy nhiên , trong thời gian chờ đợi quá lâu này họ cũng được lính Mã canh gát và hội trăng lưỡi liềm đỏ tiếp tế lương thực .

  Lúc bấy giờ trên toàn cõi Mã lai đã có rất nhiều trại tỵ nạn dành cho thuyền nhân Việt Nam đặt dưới sự giám sát của Cao ủy tỵ nạn Liên Hiệp Quốc . Những trại tương đối lớn như : Pulau Tangah , Marang , Redang , Mersing , Kota Bharu , Kuantan , Kuching v.v . Riêng đảo Pulau Bidong chính thức đi vào hoạt động vào tháng tám năm 1978 .

  Đây là khoảng thời gian có thể nói rất là bấp bênh cho số phận những thuyền nhân ở Mã Lai . Họ phải đương đầu với sự chống đối thường xuyên của dân bổn xứ . Người ta tố cáo thuyền nhân đã tấn công các thuyền đánh cá của dân làng , làm gián điệp cho cộng sản , nằm vạ để được cứu trợ v.v . Báo chí trong nước cũng trong năm 1979 đã lên tiếng theo phía dân chúng khiến làn sóng chống đối thuyền nhân càng ngày càng lan rộng , đến nổi chính phủ Mã lên tiếng đe dọa trục xuất tất cả 76 ngàn thuyền nhân hiện đang có mặt trong các trại tỵ nạn trên đất nước của họ .  

  Ngày 15 tháng giêng năm 1979 , Thủ tướng Hunssein Onn tuyên bố chấm dứt chương trình nhân đạo đối với người tỵ nạn Việt Nam . Một chính sách mới gọi là be bờ hầu ngăn chận làn sóng thuyền nhân đến từ Việt Nam được ra đời . Một lực lượng đặc biệt được thành lập để đối phó với cái gọi là tệ nạn nhập cảnh bất hợp pháp của thuyền nhân Việt nam . Từ giữa tháng 2 đến tháng 6 năm 1979 , chỉ bốn tháng rưỡi hoạt động họ đã dùng vũ lực đánh đuổi khoảng một nửa số thuyền nhân nhãy bãi trở lui ra biển bỏ mặc sống chết không cần biết . Con số này xấp xỉ hai mươi sáu ngàn người .

  Ghe đánh cá của người Mã được sơn vòng tròn có chữ P chính giữa mui để phân biệt với ghe vượt biên . Ngày 21 tháng 03 năm 1979 , tàu tuần dương Rrenchong kéo chiếc MH 3012 trở ra hải phận . Chiếc ghe kém may mắn này xuất phát từ Cà mau , ghe trong tình trạng thê thảm , máy hư , hết nước uống và hơn nữa còn có một em bé vừa chào đời trên đường vượt biên . Gã thuyền trưởng tàu tuần duyên đương nhiên là biết quá rõ nhưng hắn vẫn cứ kéo ghe ra khơi . Kéo nhưng chạy với vận tốc quá nhanh khiến ghe tỵ nạn bị chìm , dẫn đến cái chết của 115 nạn nhân vô tội .

  Ngay cả người dân Mã cũng chẳng vừa gì . Ngày 22 tháng 11 năm 1978 một chiếc ghe xui sẻo tấp vào một làng quê toàn là những người dân cực đoan ở bang Kuala Trengganu . Họ xúm nhau thành một đám đông đảo với gậy gộc dáo mát , dùng bạo lực tấn công thuyền nhân và đẩy chiếc ghe vượt biên ra khơi khiến chiếc ghe bị lật chìm . Trong đó gần 200 nạn nhân với nhiều phụ nữ và trẻ em bị chết đuối .

  Mã lai cho thành lập hàng trăm điểm kiểm soát trên toàn vùng biển phía đông để kịp thời đuổi không cho xâm nhập lãnh hải của mình . Kể ra thì cũng còn may cho những thuyền nhân khốn khổ này , bởi vì những quần đảo của Nam Dương mà trong đó đã có những trại tỵ nạn cũng mới thành hình như Letung , Air Raya , Kuku như những bàn tay đang vươn dài xòe ra cứu lấy số phận mong manh của những thuyền nhân bé bỏng đang bấp bênh vì người bạn láng giềng Mã lai kéo bỏ ra ngoài hải phận .

  Xa tận miền Nam bán đảo Mã lai tức Tân gia ba . Quốc gia nhỏ bé này lúc đầu đã chấp nhận cho 200 người tỵ nạn Việt Nam định cư . Nhưng khi làn sóng vượt biên bắt đầu rầm rộ , với những chiếc tàu sắt khổng lồ mà chánh phủ Hà Nội cho người Hoa đi theo dạng đăng ký chánh thức để lấy vàng . Những chiếc tàu sắt đầy những người là người này đã khơi lại cái hiểm họa xa xưa là “nạn Hoa kiều” di dân bất hợp pháp . Tân gia ba hoãng kinh , họ bắt đầu áp dụng sách lược bế môn tỏa cảng . Thủ tướng Lý Quang Diệu tuyên bố thẳng thừng  “Con tim của quý vị phải chai đá , nếu không thì quý vị sẽ mất máu đến chết” . Họ canh phòng gắt gao đến nổi không một ghe vượt biển nào tiến vào hải phận của Tân gia ba được . Tuy không cho ghe cập vào đảo quốc của mình nhưng nếu được tàu ngoại quốc cứu vớt và nước thứ ba bảo đảm việc tái định cư , đương nhiên là phải tài trợ luôn chi phí sinh hoạt thì Tân gia ba sẽ chấp thuận cho lưu trú ở quốc gia họ trong một thời gian nhất định không quá 90 ngày . Với chính sách này Tân gia ba đã khiến cho những vị thuyền trưởng giàu lòng nhân đạo cũng phải ngoảnh mặt làm ngơ khi gặp phải những tàu vượt biển đang tuyệt vọng chống chọi với tử thần .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro