Lặng lẽ Sa Pa (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hy sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật". Qua truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa ", em hãy làm sáng tỏ nhận xét trên.

Bài làm:

   Trong bản nhạc ngân nga nhiều giai điệu, có lẽ người ta chỉ để ý đến những thanh âm thanh thiết mà thường ít người chú ý đến những nốt trầm ngâm nhưng chính những nốt nhạc ấy đã góp phần lần nên sự sâu lắng của bản hoà ca. Cuộc sống cũng vậy, có những người bình thường nhưng vĩ đại, có những người không tên nhưng lại làm nên những điều phi thường. Tựa như những nốt trầm xao xuyến, những con người không tên ấy chính là đại diện cho cả một thế hệ lao động thầm lặng trong công cuộc xây dựng tổ quốc - đó chính là bác kĩ sư vườn rau, là anh bạn đồng nghiệp trên đỉnh Phan - xi - phăng. Hay cũng chính là anh thanh niên lao động trên đỉnh Yên Sơn mà Nguyễn Thành Long đã từng khác hoạ trong "Lặng lẽ Sa Pa". Từ đó, đã có ý kiến nhận xét rằng: "Tác phẩm như một bài thơ về vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động bình thường mà cao cả, những mẫu người của một giai đoạn lịch sử có nhiều gian khổ và hy sinh nhưng cũng thật trong sáng, đẹp đẽ. Từ hình ảnh những con người ấy gợi lên cho ta những suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống, của lao động tự giác, về con người và về nghệ thuật".

"Vẻ đẹp" là phạm trù trung tâm và cơ bản của mỹ học. "Vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ" là những cái tính tuý, cái khiến cho con người chú ý đến được thể hiện qua trong cách sống của con người và kể cả trong suy nghĩ. Những thứ đơn giản như vậy tưởng chừng chỉ là những điều bình thường nhưng đâu ai biết được rằng chính nó đã tạo nên một vẻ đẹp cho con người. Từ đó vẻ đẹp bình dị nhưng phi thường của những con người không tên tuổi đã tác động đến cách sống, suy nghĩ của người đọc khi qua tác phẩm. Đó cũng chính là một nghệ thuật để làm nên sự thành công cho một tác phẩm.

   Và có lẽ nhận xét ấy thật đúng đắn khi được đặt cạnh tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long. Nguyễn Thành Long là một cây bút chuyên viết về chuyện ngắn. Truyện được in trong tập "Giữa trong xanh" năm 1970, trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội, viết về vẻ đẹp của những con người không tên và ý nghĩa của công việc thầm lặng cống hiến cho đất nước. "Lặng lẽ Sa Pa" có cốt truyện khá đơn giản xoay quanh cuộc gặp gỡ tình cờ đầy bất ngờ chưa đến 30 phút của ba nhân vật: anh thanh niên, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư. Và "vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ của con người lao động" được thể hiện rõ qua nhân vật anh thanh niên.

   Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện nhưng không được tác giả giới thiệu một cách trực tiếp mà được giới thiệu qua lời của bác lái xe. Anh thanh niên là một chàng trai 27 tuổi, sống và làm việc tại đỉnh Yên Sơn cao 2600m, quanh năm chỉ thấy mây mù và lạnh lẽo của Sapa. Ở độ tuổi 27, một lứa tuổi mà chỉ thích sống ở chốn phồn hoa của đô thị, nhộn nhịp, nhưng anh lại chọn cho mình cuộc sống một mình trên đỉnh núi cao. Anh chọn ở nơi này vì anh làm công việc công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu hay nói cách khác anh làm việc "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết". Công việc của anh không khó nhưng nó đòi hỏi tính tỉ mĩ, chính xác và một tinh thần trách nhiệm cao. Có lẽ khổ nhất là lúc một giờ sáng, trơi rét, thậm chí có cả mưa tuyết nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành công việc của mình "Gian khổ nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy". Cái khổ nhất của anh là phải vượt qua sự cô đơn, đơn độc, quanh năm suốt tháng không có một bóng người. Chính vì thế mà anh thanh niên rất "thèm người" nhưng anh vẫn vượt qua. Điều gì đã giúp anh vượt qua sự khắc nghiệt của công việc - đó là ý thức, tinh thần trách nhiệm với cuộc sống. Không chỉ vậy, anh là một người rất yêu nghề, yêu cuộc sống. Anh hào hứng kể cho ông họa sĩ nghe về chuyện anh phát hiện một đám mây khô. Anh còn là một người có lối nghĩ rất sâu sắc về công việc của mình. "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi cháu buồn chết mất". Anh có một suy nghĩ và cách sống vô cùng sâu sắc đã tạo nên một vẻ đẹp lao động, trong nghệ thuật mà tác giả đã tạo nên. Cuộc sống của anh có thể cô đơn nhưng không buồn tẻ vì anh có những niềm vui khác như đọc sách, trồng hoa hay nuôi gà,.. Anh thanh niên có quan niệm sống vô cùng đúng đắn: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình". Chúng ta thấy được anh thanh niên là một người không chỉ đẹp ở trong cách sống mà kể cả trong cách suy nghĩ. Một cách sống bình thường nhưng không tầm thường, giản dị mà cao cả. Anh là người có nghị lực phi thường, có ý thức, trách niệm cao nên anh mới có thể chống chọi được những khó khăn trong cuộc sống để yêu nghề đến như thế.

Ở anh thanh niên, anh có những tính cách vô cùng đáng quý - đó là sự cởi mở, chân thành với tình cảm của mọi người, khao khát được trò chuyện, tâm hồn anh gần gũi với con người biết bao. Lúc mới nhận công tác, anh đã lấy một khúc cây chắn ngang đường cho xe dừng lại, để được cùng bác lái xe khuân cái cây ấy, được nhìn thấy người và tiếp xúc, trò chuyện với họ. Điều đó nói lên tình cảm tha thiết của anh. Sống cô độc đến độ kinh khủng như ảnh, ai mà lại chẳng "thèm người" nên không ai nỡ trách hành động ấy. Anh còn cực kì háo hức khi được mời khách đến nhà, ông họa sĩ, cô kĩ sư là đoàn khách thứ hai được mời lên nhà. Anh chu đáo tìm củ tam thất và ân cần trao cho bác lái xe để bác ấy cho vợ "ngâm rượu uống bồi dưỡng sức khỏe". Hay đặc biệt khi khách đến thăm nhà, nơi làm việc, anh đã bày tỏ những cử chỉ hiếu khách, tiếp khách với thái độ chân thành, cởi mở. Trong cuộc tiếp xúc tình cờ và nhanh chóng với ông họa sĩ, cô kĩ sư, anh có thái độ vô cùng đáng yêu như tặng hoa cho cô kĩ sư, pha nước chè, biếu cái làn trứng làm thức ăn cho những vị khách đã ghé thăm nhà mình. Tất cả những việc làm đó của anh thanh niên đã cho chúng ta thấy anh là một người hiếu khách, cởi mở và cho đi tất cả những gì tốt đẹp của mình.

   Tuy sống một mình trên núi cao, quanh năm làm bạn với mây mù nhưng anh vẫn tổ chức một cách sống mẫu mực, trách nhiệm và ngăn nắp. Anh thanh niên không chỉ là người hiếu khách, cởi mở mà anh còn là một người khiêm tốn. Khi thấy ông họa sĩ có ý định vẽ mình, anh đã lập tức từ chối vì anh cho rằng những đóng góp của mình chưa là gì, ở ngoài kia còn nhiều người xứng đáng hơn để ông họa sĩ vẽ. Và anh đã giới thiệu cho ông họa sĩ về người kĩ sư vườn rau hay đồng chí nghiên cứu khoa học. "Không, bác đừng mất công vẽ cháu, để cháu giới thiệu với bác ông kĩ sữ vườn rau hay đồng chí nghiên cứu khoa học đang tư thế suốt ngày sẵn sàng chờ sét". Đây là vẻ đẹp của đức tính khiên tốn, không tự khoe khoang, phô trương. Có lẽ anh tựa như nắng, như hoa, như suối, như mây... lúc nào cũng mang vẻ đẹp tự nhiên và không hề kiểu cách, không hề tự cao. Bằng một số chi tiết nhỏ, thời gian thì vô cùng ngắn, chưa đầy 30 phút, tác giả đã phác họa chân dung anh thanh niên với nét đẹp, tính chất, cách sống của một con người mới trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Thành Long đã sử dụng những hình ảnh mộc mạc, giản dị, giọng thơ chân thực đã góp phần xây dựng vẻ đẹp của con người lao động thêm phần sâu sắc.

   Mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ, mỗi vẻ đẹp trong cách sống và suy nghĩ bình thường mà cao cả không chỉ được thể hiện qua nhân vật anh thanh niên mà còn được thể hiện qua nhân vật cô kĩ sư, ông họa sĩ và bác lái xe. Cách viết của Nguyễn Thành Long vô cùng khéo léo, từ nhân vật trung tâm đã liên kết với các nhân vật khác vô cùng tự nhiên. Chính cách sống và suy nghĩ của anh thanh niên đã khiến cô kỹ sư mới ra trường phải suy ngẫm. Là một người thanh niên thời đại mới cô tự nguyện "đi bất kì đâu, làm bất kì điều gì, nhận bất kì phương hướng đón tiếp thế nào". Nhưng dẫu sao vẫn còn những lo âu, băn khoăn trước cuộc đời mới mẻ sắp bước vào. Cũng may, trên ngưỡng cửa cuộc đời đó, cô đã gặp được anh thanh niên và đã "hiểu thêm cuộc sống một mình và tin tưởng vào bước đi chính mình vì trong cuộc đời còn những điều tốt đẹp". Không chỉ phải là tuổi trẻ mới tác động vào tuổi trẻ mà ngay cả người như anh thanh niên cũng thức dậy trong lòng họa sĩ bao ý thức xôn xao về cuộc đời, về những sáng tác nghệ thuật. Là một họa sĩ già nên ông luôn muốn phải vẽ được cái gì suốt đời mình thích "nên trước khi về hưu thì ông vẫn năng nổ đi tìm cái đẹp nhất để vẽ. Khi ông gặp được anh thanh niên, lòng ông như dâng lên bao cảm xúc trẻ trung để rồi ao ước mình cần phải sống và hiến dâng. Có một điều gì đó quyến rũ, khiến ông nhất quyết trở lại với anh thanh niên để biết cái yên lặng lúc một giờ sáng chon von trên cao nó như thế nào".

   Để diễn tả được nội dung phong phú, sinh động, Nguyễn Thành Long đã sử dụng nghệ thuật vô cùng độc đáo. Ông đã khéo léo sử dụng nghệ thuật xây dựng nhân vật đầy thuyết phục. Một hình ảnh những con người đáng yêu trong mối quan hệ với nhau, trong cách suy nghĩ còn đọng lại khi đọc xong dòng cuối tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa" còn là một truyện ngắn đầy chất thơ. "Cái thơ" chính là thơ mộng, huyền ảo được hòa quyện cùng cái đẹp tâm hồn con người qua những cảm xúc diệu kì. Một tác phẩm văn xuôi mà hình ảnh chất văn êm ái như bài thơ. Chất thơ đi liền với chất họa về cảnh thiên nhiên và chân dung các nhân vật càng tạo nên nét thơ, nét hoa cho truyện.

   Khép lại tác phẩm "Lặng lẽ Sa Pa", ta thấy nhận xét đó vô cùng đúng đắn khi được đặt bên cạnh truyện ngắn ấy. "Lặng lẽ Sa Pa" để lại trong lòng người đọc những ấn tượng vô cùng sâu sắc. Tác phẩm mang đến cho độc giả không chỉ những giá trị tốt đẹp trong cách sống, cách suy nghĩ của nhân vật anh thanh niên mà còn là sự hi sinh thầm lặng của những con người không tên nhưng cao cả. Từ đó, ta càng biết trân trọng và tôn vinh những con người bình thường nhưng cao cả, đem lại vẻ đẹp lặng lẽ mà sâu sắc, kì diệu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro