Chuyện người con gái Nam Xương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Hãy phân tích chi tiết "chiếc bóng" trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

Bài làm:

  Có thể nói, văn học là tấm gương phản chiếu của thời đại, nó phản chiếu về tình cảm gia đình thiêng liêng. Hay phản chiếu về cái đẹp trong tâm hồn của người dân Việt Nam, phản chiếu tiếng đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than. Văn học làm cho tất cả những gì tốt đẹp phất lên đời trở thành bất tử. Văn học giúp con người hiểu được bản thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát vọng tới chân lí. Đó chính là nội dung mà các tác phẩm văn học mang đến cho con người. Bên cạnh nội dung thì nghệ thuật cũng góp phần vào sự thành công của tác phẩm. Và một trong những thành công tạo nên tác phẩm đó là sử dụng chi tiết nghệ thuật đặc sắc. Một nhà văn chân chính phải biết sử dụng những chi tiết nghệ thuật góp phần phản ánh lên cuộc sống nội tâm nhân vật. Bởi vậy mà nhà văn Macxim Gorki từng khẳng định rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Và càng xác đáng hơn qua chi tiết "chiếc bóng" trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ.

  Ý kiến của Macxim Gorki quả thật không sai. Một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo phải có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và nghệ thuật. Nhưng bên cạnh đó, nghệ thuật còn đóng vai trò quan trọng và góp phần đắc lực tạo thành công cho tác phẩm. "Chi tiết" là một trong những yếu tố nhỏ nhất nhưng lại góp phần vào việc thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm. Vì sao nói "chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn"? Vì chi tiết nghệ thuật tuy rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn khiến độc giả phải tâm đắc. Chi tiết ấy có thể giải thích, minh chứng cấu tứ nghệ thuật của nhà văn. Trở thành điểm hội tụ tài năng của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, đòi hỏi người nghệ sĩ cần phải có sự thăng hoa về cảm xúc và tài năng về nghệ thuật. Một nhà văn chân chính cần phải thật tài tình khi sử dụng chi tiết nghệ thuật nhưng biến nó thành của riêng mình, dù chi tiết rất nhỏ nhưng sẽ mang một giá trị, ý nghĩa lớn lao qua lăng kính tài năng của người nghệ sĩ, góp phần đắc lực tạo thành công cho tác phẩm. Không phải ngẫu nhiên mà Macxim Gorki lại khẳng định như vậy. Hơn ai hết, là một nhà văn từng trải qua bề dày lịch sử và niềm tin mãnh liệt vào văn chương. Cái làm nên tầm vóc của người nghệ sĩ không phải là quy mô của tác phẩm mà là những chi tiết tuy là nhỏ nhất, là mỏng manh nhưng tích tụ lại thành cái đặc sắc nhất của tác phẩm. Thật vậy, nghệ thuật không thể là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than qua chi tiết "chiếc bóng" trong câu chuyện. Văn học là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng, có khả năng làm sống dậy cuộc đời trên trang sách bắt đầu từ những chi tiết nhỏ. Nghệ thuật không chỉ là thước đo bản chất sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn bộc lộ tài năng, tầm vóc tư tưởng của người cầm bút.

  Ai đó thật tài tình khi đặt nhận định: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" bên cạnh chi tiết "chiếc bóng" trong "Chuyện người con gái Nam Xương" để chứng minh điều đó. Trong truyện ngắn, nhờ chi tiết mà cốt truyện được triển khai đầy đặn, số phận của nhân vật được bộc lộ rõ nhất qua chi tiết "chiếc bóng". Nhiều chi tiết trở thành điểm sáng của tác phẩm, đóng vai trò không thể thiếu trong tác phẩm để làm sáng tỏ cuộc đời và số phận của nhân vật. Nếu thiếu chi tiết đó thì câu chuyện sẽ kém phần đặc sắc, thiếu sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Chiếc bóng trong truyện ngắn "Chuyện người con gái Nam Xương" là một chi tiết đắt giá, có sức chứa lớn trong việc thể hiện cảm xúc và chủ đề, có ý nghĩa trong việc phát triển và dẫn dắt câu chuyện.

Lần thứ nhất, chiếc bóng xuất hiện trong lời nói ngây thơ của bé Đản khi Trương Sinh vừa từ chiến trường trở về, cậu bé vô cùng thắc mắc tại sao lại có đến hai người cha và hỏi Trương Sinh rằng: "Ô hay! Thế ra ông cũng là cha của tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít", "Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi nhưng không bao giờ bế Đản cả." Tai họa trực tiếp đến với Vũ Nương qua câu chuyện về cái bóng qua lời kể của bé Đản. Và cứ thế, theo những câu hỏi dồn dập của Trương Sinh khiến cho câu chuyện gây cấn hơn. Bé Đản không hề đáng trách vì đã trực tiếp gây tai họa cho mẹ. Bởi nó chỉ là một đứa trẻ vô tư, hồn nhiên nên ngây thơ tin cái bóng kia là cha mình. Qua lời bi bô của con trẻ, Trương Sinh đa nghi là con mình đã có cha khác và vợ mình đã có người mới. Từ đầu câu chuyện, tác giả đã giới thiệu Trương Sinh là người có tính hay ghen lại thêm sự mệt mỏi sau những năm tháng gian lao trên chiến trường đẫm máu. Trương Sinh đinh ninh là vợ hư rồi mắng nhiếc đuổi đi. Chàng bỏ ngoài tai mọi lời phân trần của vợ, nhất định giấu tên "người tố cáo", mặc dù hàng xóm cũng hết lời bênh vực và rồi cuối cùng bộc lộ rõ tính vũ phu: lấy chuyện bóng gió mắng nhiếc vợ rồi "đánh đuổi đi". Như vậy, sự xuất hiện của cái bóng chính là nguyên nhân cốt lõi khiến vợ chồng tan nát, gây mâu thuẫn. Khiến hạnh phúc gia đình tan nát, Vũ Nương tự vẫn. Chiếc bóng ở đây tuy chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng nó là đầu mối của câu chuyện bi thương, vừa dẫn dắt câu chuyện tạo nên mâu thuẫn vừa đẩy mâu thuẫn lến đến đỉnh điểm.

  Thế rồi, trong một đêm khuya thanh vắng, Trương Sinh ngồi kế bé Đản, bất ngờ chú bé chỉ bóng chàng trên vách mà rằng: "Cha Đản lại đến kia kìa." Lúc này, Trương Sinh mới ngộ nhận ra nỗi oan khuất của vợ nhưng mọi chuyện có lẽ được hóa giải quá muộn màng. Cái bóng đã âm thầm, lẵng lẽ xuất hiện rồi như hóa giải được nỗi oan khuất của Vũ Nương khiến người đọc như thở phào nhẹ nhõm và đồng thời vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn thương thay cho số phận oan nghiệt của nàng. Ta nhận thấy rằng đây chính là chi tiết nghệ thuật kì ảo, thể hiện tài năng của tác giả. Cái thực trộn lẫn với cái hư, cái giả chập chờn trong cái thật. Nếu không phải là người vô cùng thiết tha với hạnh phúc gia đình, không muốn con tủi thân vì sống thiếu hơi cha thì làm sao có thể nghĩ ra trò chơi cùng chiếc bóng. Nào ngờ chính trò chơi ấy đã làm cho gia đình tan nát. Cái hay của Nguyễn Dữ là đã để đến lúc Trương Sinh đang đau buồn bên nấm mộ mẹ thì mới để câu chuyện xảy đến bất ngờ, mà lại qua lời kể của đứa con ngây dại. Được đặt đúng chỗ, chi tiết này đã làm nên bão giông, sóng gió của cuộc đời Vũ Nương. Nay bình đã rơi, trâm đã gãy, liễu đã tàn trước gió, sen đã rủ trong ao, người thiếu phụ chung tình mà bạc mệnh chỉ có thể tìm đến cái chết để giải bày tấm lòng trong trắng của mình. Vũ Nương sẽ tránh khỏi nỗi đau nếu như Trương Sinh không ghen tuông một cách mù quáng như thế. Mà sự đời vốn thế, xưa nay mấy ai ghen tuông mà sáng suốt? Qua chi tiết này, Nguyễn Dữ đã bày tỏ nỗi niềm thương cảm cho số phận nghiệt ngã của Vũ Nương cũng như những người phụ nữ khác phải chịu cảnh lầm than, khốn khổ. Đồng thời phê phán chế độ nam quyền thối rửa, trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng, ích kỉ của phái nam trong xã hội phong kiến. Thể hiện khát vong, hạnh phúc và sống trong một gia đình trọn vẹn.

  Hơn nữa, chiếc bóng còn xuất hiện ở cuối tác phẩm: "Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt rồi biến mất đi." Các tình tiết kì ảo có phần khác biệt với kết thúc hiện thực khắc nghiệt của "Vợ chàng Trương"- trong cổ tích. Vì không thể bảo vệ được nhân vật người phụ nữ của mình trong cõi trần gian, đầy bất hạnh, nên tác giả đã để cho Vũ Nương sống trong thế giới kì ảo, thế giới của trí tưởng tượng và những ước mơ. Ở đó mọi người có thể sống chan hòa với nhanh một cách hạnh phúc. Vũ Nương được xậy dựng trong bàn tay khéo léo và đầy tình yêu thương của Nguyễn Dữ. Ông đã không để cho Vũ Nương làm mồi cho cá tôm, làm cơm cho diều quạ và để nàng trở thành một thiếu nữ quần áo thướt tha trong nhung lụa, sống trong cung cấm nguy nga lộng lẫy. Đó cũng chính là sự đề cao người phụ nữ và đức hạn của họ. Điều đó thể hiện ước mơ của con người cùng với sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp. Thể hiện nỗi khao khát cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những người tốt. Điều đó cũng nhằm an ủi tâm trí người đọc bằng cuộc sống viên mãn ngoài cõi trần thế vinh hằng.

  Như vậy, nhận định của Macxim Gorki: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn", và càng được thể hiện rõ qua chi tiết "chiếc bóng" trong tác phẩm "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Đúng vậy, một nhà văn chân chính phải là nhà nhân đạo trong cốt tủy, phải biết vận dụng dù chỉ là những điều nhỏ nhất nhưng khơi gợi được những vấn đề lớn, liên quan đến số phận con người và nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro