Chiếc lược ngà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đề bài: "Truyện ngắn tuy ngắn nhưng nói được những điều lớn lao của đời sống con người". Anh (chị) hãy làm sáng tỏ ý kiến trên qua các truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn 9. 

Bài làm:

   Văn học phải chăng tựa như bản nhạc mà nhạc sĩ Grigow viết tặng nàng Đanhi? Đó là điệu nhạc du dương, phập phồng hơi thở của cuộc đời, như tiếng tù và vang rộng cả rừng thông, như tiếng gió reo ca trong những dây buồm..., nơi thành phố Becgen - quê hương nàng. Văn học là cuộc sống, là kết tinh muối mặn của cuộc đời. Và truyện ngắn cũng hội tụ đầy đủ những sứ mạng tuyệt vời như thế. Có lẽ, chính vì vậy mà có ý kiến cho rằng: "Truyện ngắn tuy ngắn nhưng nói được những điều lớn lao của đời sống con người", và càng xác đáng hơn khi đặt bên cạnh truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

   Tìm hiểu, khám phá và khơi mở những nhận thức về truyện ngắn không phải là một đề tài mới đối với chúng ta, nhưng bằng một trực quan nhạy bén, một bề dày trong trải nghiệm về truyện ngắn, một nhà văn đã khơi mở cho chúng ta những nhận thức đúng đắn về truyện ngắn: "Truyện ngắn tuy ngắn nhưng nói được những điều lớn lao của đời sống con người". "Điều lớn lao" - là giá trị cao cả, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Và đem lại cái nhìn khác về cuộc sống của con người - "đời sống con người". Như vậy, ý kiến trên đã mang đến cho người đọc một chân lí, một tư tưởng đậm tính nhân văn: Truyện ngắn tuy ngắn và ít ỏi về số lượng ngôn từ nhưng quả thật giá trị mà nó mang đến cho đời sống của nhân loại là không hề nhỏ bé như cái tên "truyện ngắn" ấy. Truyện ngắn bao giờ cũng lấy chất liệu từ hiện thực của cuộc sống và phản ánh nó bằng chính tài năng của người nghệ sĩ, hướng con người đến cái chân - thiện - mĩ của cuộc đời.

   Và có lẽ, ý kiến trên càng được làm rõ hơn khi đặt bên cạnh tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Có thể nói, "Chiếc lược ngà" như là một đường may tinh tế trên dải lụa của nền văn học nước nhà nhằm ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, cao cả, về tình động đội, đồng chí dù trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Trước hết, tình phụ tử cao cả thiêng liêng ấy được thể hiện rõ qua nhân vật bé Thu. Chiến tranh kéo dài và khốc liệt đã gây ra bao tổn thất lớn lao cho dân tộc Việt Nam chúng ta và có lẽ tổn thất lớn nhất là nỗi đau chia ly. Những nhân vật trong truyện ngắn "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng cũng vậy. Bé Thu chưa đầy tuổi đã phải sống xa cha, thiếu vắng tình thương của cha mỗi ngày. Lắm lúc nỗi nhớ cha cứ trào dâng, nhưng Thu chỉ còn biết ngắm nhìn cha qua bức hình chụp chung với má. Hoàn cảnh của bé Thu gợi lên cho ta biết bao suy nghĩ về trẻ em Việt Nam trong thời chiến tranh khốc liệt. Trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt cũng đã từng chia sẽ cảnh ngộ đau thương của đứa cháu:

"Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói

Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi

Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy

Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu

Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!"

   Có lẽ, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh tuy phải chịu nhiều thua thiệt nhưng bù lại, chiến tranh đã tôi luyện cho chúng những phẩm chất rất tốt đẹp. Đó là bản lĩnh kiên cường, khả năng chịu đựng và trước hết là tình cảm bền chặt, thuỷ chung. Nhân vật bé Thu cũng hội tụ đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp như vậy. Đó là một cô bé mạnh mẽ, kiên cường, bướng bỉnh và giàu lòng yêu thương cha. Đọc những trang viết của Nguyễn Quang Sáng, người đọc ngỡ ngàng khi bắt gặp biểu hiện tình yêu thương cha sâu đậm của bé Thu. Tình cảm đó đã được nhà văn thể hiện thật xúc động qua nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật bé Thu trong lần ông Sáu về thăm nhà.

   Gặp lại con sau bao năm xa cách, với nỗi nhớ thương nên ông Sáu không thể kiềm được niềm vui trong những phút đầu nhìn thấy con. Xuồng chưa cập bến, ông đã "nhảy thót lên", xô chiếc thuyền tạt ra "bước vội vàng" chỉ mong ôm chầm lấy con. Nhưng thật trớ trêu thay, ông Sáu càng vồ vập, náo nức bao nhiêu thì bé Thu càng sợ hãi, ngỡ ngàng bấy nhiêu. Nó sợ hãi đến độ "mặt nó tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: Má! Má". Sau đó, nó giữ thái độ lạnh nhạt xa cách. Ba ngày ngắn ngủi ở nhà, ông Sáu cố gắng gần con chừng nào thì bé Thu càng cố tránh xa ông chừng ấy. Mọi người tìm đủ mọi cách để ép buộc bé Thu gọi "ba" thì Thu lại cố gắng tự xoay sở chứ nhất quyết không thốt lên tiếng "ba" mà ông Sáu luôn khao khát được nghe ấy. Những lời nói trống không, hình ảnh bé Thu đang loay hoay bên nồi cơm sôi sùng sùng, những tưởng nó sẽ gọi ông Sáu là "ba" để có thể chắt nước nồi cơm hộ nó. Nhưng không, nó vẫn cương quyết không gọi và tìm cách giải quyết cho thấy cô bé là một người mạnh mẽ, kiên cường, bướng bỉnh, ương ngạnh nhưng cũng đầy cá tính và bản lĩnh của một cô bé lên tám. Phản ứng của bé Thu không đáng trách bởi chưa có ai đã chuẩn bị cho nó sẵn sàng đón tiếp một người cha như vậy. Chi tiết nó hất tung miếng trứng cá mà ông Sáu âu yếm gắp cho chất chứa niềm tự hào, kiêu hãnh của trẻ thơ với tình yêu lớn không dành cho người đàn ông khác, đó phải là người trong bức hình chụp chung với má, người cha không có vết sẹo dữ tợn như cái ông bắt Thu gọi là "ba" ấy. Thế rồi, vào cái thời điểm không ai ngờ tới, trong phút giây chia ly giữa ông Sáu với gia đình, thái độ và hành động của Thu hoàn toàn thay đổi. Lần đầu tiên Thu cất tiếng gọi "ba", đó là tiếng "ba" mà nó thiếu vắng bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" vỡ tung ra từ trong lồng ngực nó, xé cả tâm can và ruột gan của mọi người. Sau tiếng kêu đầy yêu thương và cũng đầy ân hận đó, tình cảm của bé Thu trào dâng thật mãnh liệt. Nó vội vàng, cuống quýt: "vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó nhảy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó". Thì ra, đêm trước khi ở nhà ngoại, mọi nổi bâng khuân của nó đã được giải toả. Bà ngoại đã giải thích cho nó hiểu vết thẹo trên mặt ba nó là do đi đánh Tây, bị Tây bắn. Nó nghe bà kể rồi "nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn". Vậy nên, từ ngờ vực, xa cách, nó đã đi đến niềm tin thực sự và tình cảm vỡ oà. Nó hôn ba nó khắp mọi nơi. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và thậm chí hôn cả lên vết thẹo từng làm nó sợ hãi. Nó đã hôn lên vết sẹo như một lời chuộc lỗi, sự đền bù và ẩn sau trong đó có cả niềm tự hào về người ba của mình nữa. Bằng ngòi bút miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện thật cảm động tình cảm mà bé Thu dành cho cha thật mãnh liệt và sâu sắc biết nhường nào, đã khiến người đọc không khỏi xúc động trước tình cảnh ấy.

   Yêu quý ba, Thu muốn giữ ba lại bên mình "con không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con". Nhưng suy cho cùng Thu vẫn để ba đi với một điều kiện đơn giản là "ba về ba mua cho con cây lược nghe ba". Hình ảnh Thu vừa ôm chặt ba, vừa nói trong tiếng nấc, vừa nói vừa từ từ tuột xuống trông thật trong trẻo mà đáng yêu làm sao. Trong sâu thẳm trái tim nó, hình như đã có một tình yêu lớn hơn đang lan toả, nó hiểu rằng: nó phải đề ba nó đi. Đó chính là tình yêu Tổ Quốc cao cả của mọi con người Việt Nam, khiến cho họ có thể hi sinh tình riêng vì tình nghĩa lớn.

   Ở nơi chiến khu, ông Sáu đã dốc sức làm cây lược cho con với biết bao chân tình. Làm được lược cho con, ông Sáu chỉ mong được gặp con, được tận tay chải mái tóc cho con. Nhưng rồi nghiệt ngã thay, trong trận càn lớn của quân Mỹ - nguỵ, ông Sáu đã hi sinh. "Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăn trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được", tất cả tàn lực cuối cùng chỉ còn cho ông làm một việc "đưa tay vào túi, móc cây lược" đưa cho người bạn chiến đấu. Đó là điều trăn trối không lời những lại thiêng liêng hơn cả những lời di chúc. Nó là sự uỷ thác, của ước nguyện cuối cùng của tình phụ tử. Và bắt đầu từ giây phút ấy, cây lược của tình phụ tử đã biến người đồng đội thành người cha thứ hai của bé Thu. Người đọc đã không kìm được nước mắt khi nghe tiếng khóc thét của đứa con gọi cha trong buổi chia tay hồi nào, giờ bỗng không thể cầm lòng khi chứng kiến cái cử chỉ cầm cây lược và ánh mắt nhìn của người cha vào giấy phút lâm chung. Tùng có bao nhiêu áng văn nói về tình mẹ cực kì xúc động nhưng có lẽ, đây là một trang văn rất hiếm hoi mô tả đến tận cùng sâu thẳm trái tim yêu thương của người cha dành cho con - tình phụ tử thiêng liêng không gì có thể giết chết được.

   Đối với người cha ấy, đó là tiếng gọi "ba" đầu tiên và cũng là những tiếng cuối cùng ông nghe được từ con. Thương con quá mà không thể ở cùng con khi Tổ Quốc đang vẫy gọi. Tình yêu con đã khiến người chiến sĩ thành nghệ nhân, người nghệ nhân chỉ sáng tạo ra một tác phẩm duy nhất trong đời, một cây lược ngà kết tinh tình phụ tử, khắc lên dòng chữ nắn nót "Yêu nhớ tặng Thu, con của ba". Nhưng rồi vẫn không thể đưa chiếc lược tận tay cho con, người cha ấy đã hi sinh, chỉ kịp để lại sự uỷ thác không lời.

   Có thể nói, những nhân vật được xây dựng bằng những nét nghệ thuật đặc sắc, Nguyễn Quang Sáng đã đặt nhân vật vào cảnh ngộ éo le của cuộc sống để từ đó ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế đã phát hiện bao cung bậc cảm xúc của tình phụ tử, tình đồng đội. Ngoài ra, ngôn từ kể chuyện vừa truyền cảm, vừa mang đậm chất địa phương Nam Bộ đem đến cho người đọc nhiều xúc động. Đặc biệt, nhà văn đã lựa chọn nhiều chi tiết nghệ thuật rất đắt giá như lời dặn mua cho con cây lược của bé Thu, ông Sáu hớn hở khi kiếm được chiếc ngà voi... Tất cả đã góp phần tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ Cách mạng, tình cha con nồng thắm và "nói được những điều lớn lao của đời sống con người".

   Như vậy, ý kiến trên quả thật không sai: "Truyện ngắn tuy ngắn nhưng nói được những điều lớn lao của đời sống con người", và càng làm sáng tỏ hơn qua tác phẩm "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng. Truyện ngắn "Chiếc lược ngà" "tuy ngắn" nhưng lại có giá trị sâu sắc về tình cha con và tình đồng đội thiêng liêng, cao cả, đem lại "những điều lớn lao" cho đời sống của nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro