One of them playing musical instrument

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Summary:

Đối với Takao mà nói, phải nhồi vào đầu mình những thứ như nhạc lý hay lịch sử âm nhạc thực sự là một việc vừa vô nghĩa lại vừa nhàm chán.

________________________________

Title: One of them playing musical instrument

Author: Nanashi Kiku (@groseade_ivory)

Rating: T (R13)

Tag: Fluff, Pre-Relationship

Ngày đăng: 07/07/2023

________________________________

Author's notes:

Prompt của Day 4 trong 30 Days OTP Challenge khiến máu music worshipper của tui nổi lên... Viết ngẫu hứng để vent là chính thôi tui cũng chả biết tui vừa viết cái gì đâu (ಥ ͜ʖಥ).

Fic mừng sinh nhật Shin-chan.

________________________________

Đối với Takao mà nói, phải nhồi vào đầu mình những thứ như nhạc lý hay lịch sử âm nhạc thực sự là một việc vừa vô nghĩa lại vừa nhàm chán.

Điều đó không có nghĩa rằng cậu không thích âm nhạc. Ngược lại, phải nói rằng cậu cực kỳ thích là đằng khác. Là một tên ồn ào có tiếng, bất kỳ ai trong lần gặp đầu tiên cũng đều có cái ấn tượng rằng thằng nhóc thừa năng lượng này luôn hành động như thể nó sẽ chết nếu phải im lặng quá mười giây, khi hết chuyện để luyên thuyên sẽ lại nhanh chóng lấp đầy khoảng không gian thiếu thốn âm thanh bằng cách gào mồm lên mà hát. "Hôm nào cũng như hôm nào, cái thằng đó chưa thấy người đã thấy tiếng," các tiền bối trong câu lạc bộ bóng rổ vẫn thường nói về cậu em út của đội mình như vậy.

Tuy nhiên, bởi hoàn toàn không hề có dự định rẽ hướng cho tương lai theo đuổi bất cứ sự nghiệp nào liên quan đến âm nhạc, Takao nghĩ rằng kiến thức mà bản thân có được về lĩnh vực này cũng chẳng cần thiết phải vượt quá mức độ nhận biết. Cậu thích nhạc rock, đơn giản bởi nó ồn ào, sôi động, mang cái cảm giác trẻ trung, tràn đầy sức sống hệt như chính con người cậu. Còn những thứ như nguồn gốc, lịch sử phát triển của dòng nhạc này, tiểu sử của những nghệ sĩ vĩ đại nhất trong nhiều thập kỷ qua, hay bài hát mà cậu yêu thích được tạo nên bởi những nốt nhạc nào... Trên thang điểm từ 0 đến 100, thì động lực để cậu tìm hiểu về chúng sẽ ở mức bằng với nhiệt độ của ngăn đựng đá trong tủ lạnh nếu tính theo thang đo Celsius, chưa kể vào những lúc mà sự lười chảy thây lên đến đỉnh điểm thì đương nhiên nó sẽ còn xuống thấp hơn thế.

Sau tất cả, những người biết cách tận hưởng cuộc sống đều là những người chiến thắng. Và với tinh thần cạnh tranh đủ cao để trở thành một thành viên chủ chốt của Shuutoku ngay trong năm đầu tiên, đương nhiên cậu không thể chấp nhận sống cuộc đời của một kẻ thua cuộc.

Nói vậy chứ, tất nhiên Takao biết rõ không phải ai cũng có thể tận hưởng cuộc sống của riêng họ bằng những thứ giống như cậu. Thậm chí niềm vui của một người sẽ còn thay đổi tùy thuộc vào việc họ đang ở vào giai đoạn nào của cuộc đời.

Chưa kể một vài trường hợp đặc biệt, khi cậu bắt gặp những người chiến thắng trận tỉ thí với cuộc đời bằng những sở thích mà cậu không tài nào hiểu nổi.

Điển hình trong số đó là người chiến hữu mà cậu vẫn dính lấy mọi lúc mọi nơi như hình với bóng.

Kể từ cái hôm mà vật may mắn của Cự Giải là một cây đàn piano ấy, mỗi khi hai người được phân công dọn dẹp phòng học nhạc của trường, anh đều sẽ "tiện tay" đàn một bản nhạc bằng chiếc đại dương cầm đặt ngay ngắn trong một góc phòng. Như thể nó vẫn luôn chờ đợi cho tới lần tiếp theo những phím đàn đẹp đẽ trên thân mình lại có thể được khám phá bởi một đôi tay tài hoa như thế.

Cái ngày Midorima đem cây đàn piano đồ chơi của em gái mình đến trường cũng là lần duy nhất anh sử dụng chiếc dương cầm này cho một bài rock. Sau lần đó, anh có bảo với Takao rằng, cũng giống như chính bản thân cậu, nhạc rock thực sự quá ồn ào so với sức chịu đựng của anh. Những bản nhạc tiếp theo, bởi thế, đều chỉ thuộc duy nhất vào thể loại mà Midorima yêu thích cũng như có hiểu biết nhiều nhất, là những bản giao hưởng từ khoảng ba, bốn thế kỷ trước - từ thời kỳ Baroque cho đến nửa sau của những năm 1700. Có những tác phẩm của những nhà soạn nhạc lớn như Mozart hay Beethoven đã ăn sâu vào trong tiềm thức của biết bao nhiêu người, song cho đến tận bây giờ cậu vẫn chẳng hề biết tên, cũng chẳng đủ hứng thú để tìm hiểu. Đồng thời đan xen vào đó là những bản nhạc mà cả đời cậu chưa từng nghe tới, chỉ biết rằng nếu đoán đúng theo phong cách giai điệu thì chúng chắc chắn là âm nhạc cổ điển.

Trong ấn tượng được đúc kết từ vốn hiểu biết hạn hẹp của Takao, nhạc cổ điển là một thể loại hoàn toàn trái ngược với nhạc rock. Ví dụ khi nói về cảm xúc tiêu cực của bản thân, các bài hát thuộc dòng nhạc rock thường sẽ thể hiện nó một cách hoang dại nhất có thể, kèm với đó là những thứ như khát khao đẩy lùi bóng tối, phá vỡ mọi giới hạn. Trong khi đó, những bản nhạc cổ điển lại thường có xu hướng nói lên cảm xúc của nhạc sĩ một cách... khá là e dè, theo như cậu nhận xét là vậy, cùng với nội dung bài hát từ đầu tới cuối chỉ có than thân trách phận. Một người ham vui như cậu làm sao có thể chịu nổi những thứ não nề như thế. Chưa kể cũng chính bởi sự trái ngược này, mà nghe nhạc cổ điển nói chung cũng như nhạc giao hưởng nói riêng khiến cậu cảm thấy bản thân như già đi mấy chục tuổi vậy. Cũng là lý do cậu chẳng thể hiểu nổi tại sao người ta lại có thể thích được một thể loại nhạc như thế, nhất là ở trong thời đại này.

Ấy thế mà, chẳng rõ ông bà xui khiến ra sao, mà lần nào dọn dẹp xong Takao cũng đều tự nguyện nán lại trong căn phòng, cùng một thứ động lực kỳ lạ nào đó không ngừng thôi thúc cậu phải dỏng tai lên mà nghe cho thật kỹ. Thật kỹ, cho đến cái khoảnh khắc màn trình diễn nhàm chán ấy chạm tới nốt nhạc cuối cùng.

Thêm nữa, Takao cũng có một ấn tượng rằng những người học thiên về các môn khoa học tự nhiên thường sẽ không quan tâm, hoặc nếu có thì cũng sẽ dở tệ trong những lĩnh vực liên quan tới nghệ thuật và đời sống xã hội. Cú sốc này tuy không lớn như cái lần đầu tiên cậu biết rằng một con người của khoa học như Midorima lại có thể tin sái cổ vào một thứ ngụy khoa học như tử vi, nhưng bảo rằng điều đó không khiến cậu ngạc nhiên chút nào thì chắc chắn là sai hoàn toàn.

"Một người mong muốn hướng tới một lối sống lành mạnh tất nhiên phải biết cách cân bằng giữa khoa học và nghệ thuật. Đó cũng là cách để cân bằng sự phát triển ở hai bán cầu não," Vẫn ngồi lại bên cây đàn, Midorima đưa ra lời giải thích của mình sau khi vừa kết thúc một bản nhạc của Johann Sebastian Bach. Nhớ không nhầm thì đây là nhà soạn nhạc với số lượng tác phẩm được anh sử dụng nhiều nhất cho đến bây giờ, "Cậu nên biết rằng ngay cả một số người làm khoa học nổi tiếng trong lịch sử cũng dành ra một khoảng thời gian nhất định để cống hiến cho niềm đam mê âm nhạc của họ."

"Chẳng hạn như là...?" Takao đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, trong lúc hai tai vẫn tập trung hết mức có thể tới từng âm thanh phát ra từ trong căn phòng học trống.

"Nhà vật lý học Albert Einstein, và bác sĩ Albert Schweitzer," Midorima đứng dậy vươn vai cho bớt mỏi vì ngồi một chỗ nãy giờ, sau đó đẩy chiếc ghế đàn piano lại chỗ cũ chuẩn bị cho tiết học tiếp theo, "Johann Sebastian Bach là người mà Schweitzer ngưỡng mộ nhất, và cũng chính sự say mê với nhạc Bach đã khiến ông trở nên gần gũi hơn với hai người thầy dạy nhạc có cùng sở thích với mình. Thêm nữa, hai thứ đó cũng bù trừ cho nhau, cái này sẽ có lợi cho con người theo cách mà cái kia không thể làm được. Nếu như khoa học khiến con người ta đắm chìm vào những con số khô khan và thực dụng, và các tài liệu khoa học đều trở nên không thể đọc được khi viết ở một ngôn ngữ mà mình chưa từng học tới. Thì cảm xúc được truyền tải qua những tác phẩm nghệ thuật của nước ngoài vẫn ít nhiều có thể tới được với người thưởng thức, chẳng hạn như qua giai điệu vui tươi hay trầm buồn của một bài hát, hoặc qua tông màu của một bức tranh. Nói cách khác, nó giúp con người ta vượt qua mọi rào cản văn hóa và ngôn ngữ để có thể kết nối với nhau. Nếu như đã từng nghe nhạc ngoại quốc, hẳn cậu cũng phải nhận ra điều đó."

"...Cũng có lý..."

Trông thì không giống như vậy, nhưng từ nãy đến giờ Takao vẫn không ngừng nạp vào não bộ cho tới từng từ ngữ cuối cùng có thể nghe được từ đối phương, trong vô thức tự nhắc nhở bản thân không bao giờ được phép lãng quên mớ kiến thức rồi sẽ chẳng phục vụ cho mình được mục đích gì ấy.

Bất giác cậu bật cười khi nghĩ tới cụm từ "kết nối với nhau" vừa được nói ra bởi người đồng đội khó chiều của mình. Nếu là Midorima với tâm lý vị kỷ của gần một năm trước, có lẽ sẽ chẳng bao giờ có thể nghĩ tới những điều như thế.

Cậu xoay người lại nhìn thẳng vào mắt anh, miệng nở nụ cười thiếu đánh như thường ngày rồi buông một câu châm chọc.

"À, vậy cái lúc thuộc lòng piano sheet của "Catal Rhythm" ấy ý là Shin-chan muốn "kết nối" với tớ đúng không?"

Cả khuôn mặt Midorima ngay lập tức đỏ bừng lên đến từng kẽ tóc.

"Cậu nói cái gì nghe thấy ghê quá vậy?" Anh hắng giọng một tiếng, đưa hai ngón tay quấn băng đẩy gọng kính trên sống mũi hòng che đi sự xấu hổ ngày một hiện rõ.

Takao giữ nguyên nụ cười ranh mãnh trên gương mặt, chống cằm tì tay lên bệ cửa sổ rồi nghĩ bụng, "Người đâu mà dễ đoán ghê. Dễ thương thiệt chứ."

Tiết học tiếp theo là âm nhạc, nhưng không phải tiết thực hành, mà chỉ là âm nhạc thường thức. "Chắc lại như mọi khi chỉ còn cách nằm ngủ gục ra bàn hoặc quay xuống dưới chọc ghẹo Shin-chan cho qua ngày thôi..." Takao thầm nghĩ trong lúc ngáp ngắn ngáp dài trước đống Hán tự ngoằn ngoèo trên trang sách, "...Hầy... vừa vô nghĩa, lại vừa nhàm chán..." Tuy vậy, rút kinh nghiệm từ tiết tiếng Anh lần trước, cậu dành chút thời gian đầu giờ để liếc qua một lượt bài học hôm nay phòng trường hợp lại bất ngờ bị giáo viên gọi lần nữa, "Giá như mắt diều hâu cũng có thể giúp mình đọc lướt đến đâu hiểu ngay bài đến đó nhỉ..."

Chống cằm lên mặt bàn, khi cố căng hai con mắt của mình ra, thứ đầu tiên thu hút sự chú ý của cậu là dòng tiêu đề của bài đọc, "Cuộc đời và sự nghiệp của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach."

Cậu có nhớ, khi thắc mắc với Midorima rằng anh hứng thú với nhạc của Bach liệu có còn vì lý do nào khác, ngoài việc đó là người mà bác sĩ Albert Schweitzer ngưỡng mộ hay không, anh đã đưa ra một câu trả lời như thế này, "Các nhạc cụ trong thời kỳ Baroque đều bị giới hạn khả năng chuyển giọng, gây cản trở nhiều đến quá trình sáng tác của các nhạc sĩ. Thế nhưng Bach đã phá vỡ giới hạn ấy bằng cách thêm vào những tone nhạc hết sức khác thường cho bản organ của mình, tạo nên những bản nhạc vượt xa khỏi thời đại mà ông sống. Bach cũng không để dành chỗ cho những màn trình diễn ngẫu hứng trên khung nhạc của mình giống như nhiều nhà soạn nhạc cùng thời. Đó là một trong những minh chứng điển hình cho cách làm việc cần cù và tỉ mỉ của ông ấy."

"Hừm, vậy là âm nhạc cổ điển nói chung không phải để thể hiện tinh thần của những con người chỉ biết than thở và chấp nhận đầu hàng trước số phận..."

Takao nghĩ bụng, để mà nhận xét theo cách của cậu bây giờ, thì những nhạc sĩ ấy, khác với dòng nhạc rock ở chỗ, họ kiên cường theo cái cách tinh tế, mà đồng thời cũng tinh tế theo cái cách thật quá đỗi kiên cường.

"Và âm nhạc giúp con người ta vượt qua mọi rào cản văn hóa và ngôn ngữ để có thể kết nối với nhau..."

Cũng giống như người "nghệ sĩ" ấy đã kiên nhẫn dành ra mỗi giờ giải lao trong phòng học nhạc để mở mang cho khối kiến thức hạn hẹp của cậu về những bản nhạc cổ điển êm tai, hay cái cách anh ngại ngùng khẳng định sợi dây liên kết giữa hai người qua bài rock ồn ào mà cậu yêu thích.

Đối với Takao mà nói, phải nhồi vào đầu mình những thứ như nhạc lý hay lịch sử âm nhạc thực sự là một việc vừa vô nghĩa lại vừa nhàm chán.

Nhưng có lẽ hôm nay, cậu sẽ tập trung vào bài giảng hơn một chút.

________________________________

Author's notes:

J-Rock và nhạc cổ điển châu Âu là hai thể loại mà mình thích nhất (dù thực ra trong nhạc cổ điển thì mình thích những bài có plainchant là chính, là thể loại vịnh xướng bắt nguồn từ các nhà thờ Công giáo La Mã, tiện đây highly recommend "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà", bộ phim được Disney chuyển thể với phần âm nhạc mà mình tâm đắc nhất, với plainchant cũng được sử dụng rất nhiều trong các OST). Nhiều khi mình có đùa rằng thích cùng lúc hai thể loại trái ngược như thế này, cảm giác cứ như hai cái persona của mình vậy đó. Nếu như sự êm đềm của nhạc cổ điển là cái mình thể hiện với người ngoài, thì sự hoang dại của rock là cái mình chỉ thể hiện với friend circle của mình =)). Mình luôn mồm bảo thích nhạc của cô Kajiura Yuki, nhưng rồi nhìn lại mới ớ ra khi các nghệ sĩ yêu thích nhất của mình hầu như toàn rock artist không à, đã vậy còn rất heavy là đằng khác, chẳng hạn như Ling Tosite Sigure, hay ONE OK ROCK nè (shamelessly promote cho các nghệ sĩ guột của mình, mọi người làm ơn lọt hố đi mà huhu!!). Đó là giây phút mình nhận ra gu âm nhạc của mình không hề "êm đềm" như mình vẫn lầm tưởng. Mình là một con nghiện J-Rock chính hiệu, là metal rock lại càng tốt =)).

Dạo gần đây mình có khám phá ra một thể loại kết hợp giữa rock và giao hưởng, có tên là symphonic metal, qua bài MASQUERADE của Versailles. Và rồi mình chợt nhận ra tất cả những bài hát gây gấp đôi sự eargasm cho mình từ trước đến giờ đều là symphonic metal. Plainchant êm ái trên những tiếng trống xập xình lùng bùng cả lỗ tai omg tại sao lại không ༼;'༎ຶ ༎ຶ༽!! Quá là tuyệt vời luôn ấy trời ơi ai mà ngờ trên đời thực sự tồn tại một thể loại nhạc kết hợp hoàn hảo giữa hai cái persona trái ngược của mình như vậy!!

Nói chung thì từ ngày để ý tới những điều này, mình có cảm giác như đã hiểu thêm rất nhiều điều về bản thân vậy. Có lẽ sau tất cả, âm nhạc không chỉ giúp con người ta kết nối với nhau, mà còn giúp họ kết nối với chính bản thân mình nữa.

Mình vẫn luôn tin rằng việc Shin-chan học thuộc lòng piano sheet của một bài rock chính là cách để cậu ấy kết nối với Takao, là cách mà một Takao ồn ào đã len lỏi vào cuộc sống êm đềm của cậu ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro