Đề 38: Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920 mất năm 2007, quê ở huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, hầu hết các sáng tác của ông đều viết về sinh hoạt ở nông thôn và cảnh ngộ của những người dân. Trong đó tiêu biểu là truyện ngắn "Làng" được viết thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và được in trên tạp chí văn nghệ năm 1948. Truyện ngắn đã xây dựng thành công nhân vật ông Hai với tình yêu làng yêu nước sâu sắc và một tinh thần kháng chiến.

Ông Hai - nhân vật chính trong truyện ngắn "Làng", người làng Chợ Dầu. Ông rất yêu làng, không muốn xa làng nhưng vì hoàn cảnh gia đình và theo chính sách của cụ Hồ buộc lòng gia đình ông Hai phải rời làng đi tản cư. Nhưng không phải rời làng là ông Hai bỏ lại sau lưng tất cả mà lúc nào ông cũng trông ngóng dõi theo những biến chuyển của làng quê.

Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện rất đặc biệt ở cái tính hay khoe về làng của ông. Trước cách mạng ông khoe làng ông giàu đẹp: "nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, đường lát toàn đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm bùn không dính gót chân", ông khoe về làng với một tình cảm hồn nhiên ngây thơ. Với ông, cái gì của làng Chợ Dầu cũng đáng tự hào, cũng ăn đứt thiên hạ. Ông luôn tự hào về cái sinh phần của quan tổng đốc làng ông, đi đâu ông cũng khoe, gặp ai ông cũng khoe: "Chết chết tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được cái định cụ Thượng làng tôi. Có lắm lắm là của. Vườn hoa cây cảnh nom như là động ấy." Đáng lẽ ông không nên khoe, không nên hả hê, cả làng ông vì để xây cái lăng đó rất khổ sở và bản thân ông bị tàn tật như bây giờ cũng là do bị một chồng gạch đổ vào. Vậy mà ông Hai vẫn tự hào về nó, điều này nó lên sự hạn chế trong nhận thức của ông, cũng là của người dân Việt Nam trước cách mạng.

Sau cách mạng, nhận thức của ông Hai đã thay đổi, ông không bao giờ còn đả động đến cái sinh phần đấy nữa, ông biết thù nó đến tận tim gan. Bây giờ khoe về làng ông khoe về phong trào kháng chiến với những buổi tập quân sự, những buổi cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá.

Yêu làng ông Hai luôn nhớ về làng. Thực lòng mà nói ông Hai rất muốn ở lại làng cùng anh em chiến đấu, thế nhưng vì hoàn cảnh gia đình và theo chính sách của cụ Hồ buộc lòng ông ai phải đi tản cư. Xa làng ông Hai luôn trông ngóng dõi theo tin tức và những biến chuyển ở làng quê. Ngày nào cũng vậy dù bận công bận việc, dù lao động mệt nhọc thì ông Hai vẫn dành thời gian lên phòng thông tin huyện để nghe tin tức về làng, về cuộc kháng chiến. Yêu làng, gắn bó với làng quê nên từ lúc dời làng ông khổ tâm, day dứt khôn nguôi biết bao nỗi buồn vui của quá khứ chất chứa trong lòng. Tình yêu nỗi nhớ thương làng của ông Hai được thể hiện thật xúc động: "Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá."

Tình yêu làng của ông Hai, của người dân gắn liền với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến. Đến đây nhà văn Kim Lân đã đặt ông Hai vào một tình huống gay cấn éo le để thử thách và khẳng định tình cảm đó: tin làng Chợ Dầu của ông theo giặc.

Buổi sáng hôm đó đang trong tâm trạng vui sướng "ruột gan ông lão cứ múa cả lên", vì nghe tin quân ta thắng lợi ở nhiều nơi thì ông Hai bất ngờ nhận được tin làng mình theo giặc từ những người tản cư lên. Nghe tin dữ đó, ông vô cùng choáng váng, sững sờ như chết điếng người đi: "cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân". Ông lão lặng đi tưởng như không thở được. Một lúc lâu mới dặn è è nuốt một cái gì vướng ở cổ. Ông cất tiếng hỏi, giọng lạc hẳn đi: "Ông Hai không thể tin được nhưng khi người đàn bà tản cư ấy kể quá rành rọt, buộc lòng ông phải tin. Ông cảm thấy đau đớn, xấu hổ, nhục nhã vô cùng: "Ông lão vờ vờ đứng lảng ra chỗ khác rồi đi thẳng, cúi gằm mặt xuống mà đi". Thật khổ tâm cho ông Hai, một người nông dân hiền lành hay làm, tự hào hãnh diện về làng là thế giờ lại lủi thủi như chính mình là kẻ có tội, làm điều xấu bị mọi người xa lánh.

Về đến nhà, nhìn lũ con tủi thân, nước mắt ông lão cứ giàn ra, càng nghĩ ông càng tủi hổ vì chúng nó "cũng bị người ta rẻ rúm, hắt hủi", cũng là trẻ con làng Việt gian. Ông căm thù kẻ phản bội ở làng, ông nắm chặt hai tay mà rít lên: "Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này?". Tiếng rít ấy thể hiện sự căm giận cao độ, oán trách thù hận, khinh bỉ ghê tởm bọn bán nước hại dân. Buổi chiều và tối hôm đó không khí gia đình ông Hai im lặng đến phát sợ, ông tỏ ra cáu gắt với vợ con. Suốt đêm hôm đó ông Hai trằn trọc không ngủ, vắt óc suy nghĩ trong lòng thì lại không tin họ cam tâm làm điều nhục nhã ấy. Có lẽ trong nỗi đau khổ tuyệt vọng ông Hai vẫn còn hi vọng bởi tình yêu làng, niềm tin tưởng vào làng Chợ Dầu của ông quá lớn. Nhưng hi vọng rồi lại thất vọng bởi cái tâm lý "Không có lửa làm sao có khói".

Ba bốn ngày sau, ông Hai không dám bước chân ra đến ngoài. Cái tin làng Chợ Dầu theo giặc biến thành nỗi ám ảnh nặng nề, sự sợ hãi thường xuyên trong ông Hai. Vì vậy, "Cứ thoáng nghe thấy Tây, Việt gian, cam-nhông là ông lại "lủi ra một góc nhà nín thít". Thật đáng thương cho ông Hai, một người nông dân hiền lành chất phác đâu có tội tình gì?

Tình yêu làng, lòng yêu nước của ông Hai còn được thể hiện sâu sắc hơn trong cuộc xung đột nội tâm. Đã có lúc ông muốn quay về làng vì ở nơi tản cư tủi nhục quá, vì bị đẩy vào tình thế bế tắc với tin đồn. Không đâu người ta chứa chất người làng Chợ Dầu. Nhưng ý nghĩ đó bị xua đuổi ngay bởi về làng là trở thành Việt gian phản động, là chấp nhận cuộc đời lầm than nô lệ. Đây là điều ông không bao giờ muốn. Sau đó ông đã dứt khoát lựa chọn: "Không thể được. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Đây là một quyết định vô cùng khó khăn với ông Hai bởi ông rất yêu làng, gắn bó máu thịt với làng quê. Lời nói tỏ vẻ cứng rắn vậy thôi nhưng thật ra trong lòng ông lại đau như cắt. Lúc này tình yêu làng, lòng yêu nước của ông Hai tạm thời bị chia cắt đối lập nhau và ông Hai đã hi sinh tình cảm riêng tư của mình cho một tình cảm lớn lao cao cả hơn: lòng yêu nước. Đây là nét đẹp của ông Hai, của người nhân dân thể hiện rõ nhất những biến chuyển mới trong tình cảm và nhận thức của họ, bởi lẽ nước đã mất thì làng đâu còn.

Mặc dù đã xác định dứt khoát làng theo Tây mất rồi thì phải thù nhưng ông Hai không khỏi day dứt, dễ dàng dứt bỏ tình cảm đối với làng quê mà ngược lại ông càng đau xót tủi khổ hơn. Để ông Hai vơi đi phần nào nỗi đau đớn dằn vặt đó và yên tâm hơn với quyết định của mình, tác giả đã để ông trò chuyện với đứa con nhỏ ngây thơ: "Nhà ta ở làng Chợ Dầu", "ủng hộ cụ Hồ con nhỉ". Những lời tâm sự ấy thực chất là những lời tự nhủ tự giãi bày nỗi lòng mình để khẳng định tình yêu sâu nặng đối với làng Chợ Dầu, sự trung thành tuyệt đối với cách mạng, với kháng chiến, với Cụ Hồ. Tình cảm đó sâu nặng bền vững và vô cùng thiêng liêng, không bao giờ đơn sai: "Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai". Nếu tin làng Chợ Dầu theo giặc đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm thì tin làng theo giặc được cải chính lại cởi nút cho câu chuyện. Đến đây tình yêu làng, lòng yêu nước của ông Hai hòa quyện thống nhất là một, gánh nặng tâm lý tủi nhục được trút bỏ: "Cái mặt buồn thỉu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên". Ông Hai vô cùng sung sướng và tự hào về làng, ông lại bắt đầu đi khoe về làng mình, ông lão cứ múa tay lên mà khoe, ông khoe cả cái tin làng mình nhà mình bị Tây đốt nhẵn cháy rụi. Với nhân dân thì ngôi nhà là tài sản lớn nhất giờ đây bị cháy rụi, vậy mà ông Hai vẫn hả hê sung sướng cả lòng. Bởi lẽ đây là một bằng chứng cụ thể chân thực, thuyết phục nhất chứng minh cho làng ông không phải là Việt gian phản động. Sự mất mát về vật chất ấy chẳng thấm vào đâu so với niềm vui tinh thần mà ông được hưởng. Bởi lẽ trong sự cháy tàn cháy rụi của làng ông, của nhà ông là sự hồi sinh của một làng Chợ Dầu khác: làng Chợ Dầu kháng chiến. Như vậy vượt qua bao thử thách, đau đớn dằn vặt, ông Hai trở lại sống vui hạnh phúc như ngày nào. Tình yêu làng, lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của ông đã được thể hiện thật chân thực sâu sắc và cảm động. Qua đây ta thấy được những biến chuyển rõ rệt trong đời sống tình cảm của ông, của người nhân dân.

Nhân vật ông Hai để lại dấu ấn khó quên trong lòng bạn đọc còn nhờ vào nghệ thuật kể chuyện của tác giả. Trước hết là cách tạo dựng tình huống truyện căng thẳng éo le để bộc lộ đời sống nội tâm của nhân vật. Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật cũng khá xuất sắc, diễn biến tâm trạng của ông Hai được thể hiện chân thực sinh động qua suy nghĩ hành động, bằng ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ nhân vật đậm chất khẩu ngữ thể hiện tính cách của từng nhân vật. Phải là người gần gũi, am hiểu về nông thôn, về cuộc sống của những người nhân dân và có thái độ yêu mến trân trọng họ thì Kim Lân mới viết lên được câu chuyện độc đáo, sâu sắc như thế. Nhân vật ông Hai tiêu biểu cho vẻ đẹp của người nhân dân Việt Nam thời kỳ chống Pháp với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc lớn lao.

Nhân vật ông Hai trong truyện ngắn "Làng" đã để lại tình cảm sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi tình yêu làng, lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến của ông. Tình cảm đó vừa sâu sắc bền chặt, vừa góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Với cách kể chuyện tự nhiên, nghệ thuật xây dựng nhân vật, tạo dựng tình huống độc đáo đã làm nên thành công trong truyện ngắn "Làng", giúp tác phẩm của Kim Lân luôn sánh bước cùng thời gian, để lại cho chúng ta bài học sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro