để em tôi mãi còn thơ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

khi tiếng bom đã thôi còn mạt sát bên tai người lính như một khúc tráng ca kẽo kẹt không rõ trật tự, hơi thở anh ta lúc này mới dám trôi theo thời gian từng giây một, cảm nhận cái mùi ẩm ương hòa cùng khói thuốc xộc thẳng lên não không một lời báo trước. quế ngọc hải ngẩng đầu, tầm nhìn mờ đi vì bụi bẩn bám chặt trên mi mắt chẳng thể lau, và anh phải mất một lúc mới có thể mở cái họng khô khốc của mình ra, hét một tiếng thật to cho những người đồng đội đang đứng trong phạm vi gần mình hay được tình hình.

"tiểu đội 3 rút lui, xin nhắc lại, tiểu đội 3 rút lui!"

giọng nói hối hả, đánh vào dây thần kinh căng cứng của những chàng trai mang trong mình nỗi sợ bủa vây. họ không dám lãng phí mất một giây nào, chỉ có thể nhấc kịp đôi chân đã tê cứng vì đi xổm quá lâu chạy vào trong hang động đằng sau, hoàn toàn quên mất việc phải điểm danh lại xem lúc đầu có ai đi cùng mình hay không.

không khí trong hang mát hơn bên ngoài, hay chí ít, nó có mùi của gió trời, của hương lúa phảng phất nơi bao lương thực chưa mở, và tiếng đài rè rè của những chiến sĩ trung ương trực bên trên đang báo về cho mỗi tiểu đội tình hình bên ngoài. quế ngọc hải khụy xuống trong vòng tay giúp đỡ của văn thanh và duy mạnh, anh không thể thở một hơi hoàn chỉnh, cả con tim đánh động những tiếng trống bủa vây lấy nỗi sợ đang trực chờ xé xác cả thân thể yếu ớt ngoài kia. máu từ nơi cánh tay vẫn không ngừng chảy, tiếng la ó thất thanh của văn toàn cho xuân mạnh hay những lời hỏi han của đồng đội đều không thể lọt vào tai anh một cách trọn vẹn, cho đến khi công phượng run rẩy nhìn ra nơi cửa hang đang mịt mờ bụi ngầu mà nói.

"a- anh lâm chưa vào sao mọi người?"

tiếng ồn nhất thời đã không còn, chỉ còn lại nhịp đập có thể nghe rõ đang phát ra từ lồng ngực quế ngọc hải, cùng mấy tiếng rít lên khe khẽ từ miệng của ai đó. nhưng anh không quan tâm. tâm trí bây giờ đảo lộn, ong ong như có ai đó đập búa với thanh sắt vào nhau, tạo ra mảng hỗn loạn đang không ngừng chảy dọc khắp suy nghĩ của người đội trưởng. vùng dậy khỏi cái đỡ của hai người đồng đội nhỏ tuổi, quế ngọc hải lao ra khỏi hang, trước khi văn thanh kịp bắt lại và hồng duy hét tên anh.

.

.

.

dưới cái khí trời nồng nặc chẳng thể thở cho nên hồn, tôi không rõ mình đã nằm ở đây được bao lâu nữa. chân tay cứng đờ, và tôi lại chẳng thể đứng dậy khi vết thương ở bụng có cảm giác sắp rách toạc đến nơi. đau đến ớn xương, tôi chỉ biết cắn răng, nằm yên chờ cho có ai đó trong tiểu đội nhận ra sự vắng mặt của mình mà đi tìm, hoặc là bận bịu đến chừng không hề hà, bỏ mặc một thằng ngắt ngứ sắp chết vì mất máu ở nơi đất cát không mấy sạch sẽ này.

tôi nằm im, nghe tiếng máy bay ù ù trên đầu mỗi lúc một xa, thầm chửi trong lòng sao bọn giặc nó khốn thế, phá hết từ làng tới rừng, cướp cạn từ người đến vật, liệu còn cái gì chúng chưa làm hay không. bỗng dưng tôi lại nhớ nhà. mà người ta bảo con người sắp đi thường hay nhớ về kỉ niệm cũ, có khi tôi sắp như vậy quá. nhớ cái cảm giác sớm sớm thức dậy mùi bếp củi ngập tràn sân trước khiến tôi sặc sụa, chẳng kịp ngáp được một cái hơi nào hoàn chỉnh. những lúc đó má tôi sẽ đứng ở bếp nhìn ra mà cười, gọi với thêm mấy thằng bạn đang lấp lở ở cửa đợi tôi sẵn vào ăn khoai chung cho vui.

nhưng tôi đếch muốn chia sẻ cho chúng nó.

cái lũ thanh nhẻm nó ăn như trâu, rổ khoai má tôi nướng cũng không địch lại nổi cơn ngấu của chúng nó. chỉ có thằng phượng với thằng mạnh tỉnh táo, lâu lâu biết nhắc nhở tụi kia giữ mặt giữ mũi mà kiềm lại. nhưng đó là thỉnh thoảng, hôm nào má tôi mà ở nhà không ra đồng là y rằng chẳng có kiêng nể (tôi) gì cả, một mạch chén hết rồi bê cái bụng đó ra đồng chăn trâu vậy đấy.

mà cũng lạ, có phải ở nhà ba má lũ đó bỏ đói đâu! nhưng đến lúc hỏi y rằng đứa nào đứa nấy đều trưng ra nụ cười ngốc ơi là ngốc, hai mắt ti hí lại, mồm nhồm nhoàm nhai khoai nhưng vẫn cố đáp lại cho được. "vì má anh lâm hiền, tụi em đến ăn vì má anh mời chứ có ai để ý anh đâu mà!".

lũ ranh con!

tôi cũng nhớ những chiều nắng đổ tràn trên những khóm lúa chưa kịp chín, chỉ xác xơ những cành cây trơ trụi đung đưa dưới cái nóng đến đổ mồ hôi ướt sũng tấm lưng gầy. khi đó hải, à đúng rồi, quế ngọc hải – đứa trẻ xuất thân là con út ông hộ quế, nhưng một chút kiêu căng ngạo mạn cũng khó mà tìm thấy ở em. hải hay trốn ba má ra đây ngồi với tôi đến khi trời chiều dần buông, vì đó là lúc ba em sẽ từ trên huyện về, nếu biết hải giao du với đám trẻ mục đồng nghèo nàn như chúng tôi thì ông ta sẽ đánh em mất thôi.

tôi quen hải từ lúc năm tuổi, cho đến khi đã lớn tướng, cao hơn cả cái sào năm bảy tuổi chúng tôi cắm xuống để đo chiều cao từng đứa trong làng thì chúng tôi vẫn luôn ở bên nhau, theo một cách nào đó. quế ngọc hải càng lớn càng dễ thương, xin đừng hiểu nhầm, tôi biết đó không phải cái từ đẹp đẽ gì để tả về một người con trai, nhưng vẫn muốn nói rằng em dễ thương lắm.

cái giọng nghệ tuy chìm nghỉm sau tiếng phổ thông nhưng vẫn đậm nét bản xứ, mỗi lần em cất tiếng tôi đều chết chìm trong mật ngọt. cái khoảnh khắc tim nhảy vọt vì hai đứa lỡ nằm đè lên nhau (chỉ vì lũ nào đó chơi trò xếp tầng mà chồng người lên thế đấy), bốn mắt đối diện, và cái răng khểnh lấp ló sau nụ cười tít mắt như có ai treo trước đình làng trăng khuyết cong vút giữa bầu trời đầy ắp là sao – đó cũng là lúc tôi biết mình "lỡ" thương hải mất rồi.

tôi biết em à, biết thứ tình tội lỗi này nên giấu nhẹm sau cái chạm nhẹ nơi ngón tay, khi cả con tim này rung lên từng nhịp bồi hồi chỉ muốn hôn lên mi mắt bờ môi kia. kể cả lúc em quay sang và bảo tôi rằng con bé làng bên xinh xắn biết bao, tôi cười và bảo ừ, tôi cũng thấy nó xinh lắm. nhưng trái tim này chẳng thể cười nổi đâu em. nó xót xa chạnh lòng, siết vào, rồi cay cay nơi sống mũi cái cảm giác tủi thân cực độ mà năm đó mới tuổi đôi mươi nhạy cảm biết bao trước chuyện tình cảm lứa đôi.

"hải định nộp đơn đi ư?!"

tôi chẳng thể nhớ cái giọng của mình lúc đó cao đến cỡ nào, vì em tôi vốn đã sinh ra trong nhà quan quý, việc tự nguyện rời khỏi tổ ấp đã được bố mẹ định sẵn ở một thành phố phồn vinh nào đó là điều cực kì hiếm hoi. một trong hai, tôi thà để hải có công việc ổn áp nào đó trên phố còn hơn. vì em tôi giỏi kinh, cái gì cũng biết, lâu lâu còn băng bó vết thương cho tôi, nên thú thật. thà để hải có một cuộc sống an nhàn nơi phố xá đông đúc, tìm lấy một người con gái nào đấy thật đẹp rồi an yên bề thất sẽ tốt hơn vạn lần với việc đi ra chiến trường không rõ ngày về.

trái ngược với vẻ hoảng hốt lẫn kinh hãi của tôi, hải chỉ mỉm cười, đôi mắt sáng lên như thể đã sẵn sàng giao thân mình cho đất mẹ. tất cả là vì một tổ quốc đang vẫy gọi.

"ừ, tao nộp đơn đi với mày!"

"như- nhưng ba má hải không nói gì à?"

"có. ba tao dọa cắt đứt quan hệ, má tao khóc. nhưng không sao cả, tao đi chút ét, rồi tao về nên gia đình, lúc đó ba má có khi lại tự hào khi có đứa con đánh trận ngoài kia chẳng nên."

hải cười, cái nụ cười ngây ngô vẫn như thuở ban đầu gặp mặt nay chứa bao niềm xót xa giấu kín tôi không thể thấu nổi. em có sợ, bờ vai run lên khi giấu ngược nước mắt vào trong, và em chỉ nói khi đêm trăng đã lên cao chót vót, hải chưa có dấu hiệu muốn kết thúc cái buổi tối nhàm chán chỉ có ngồi dựa vào nhau mà nhìn lên trời như này.

"liệu tao có trở về không lâm?"

tôi không trả lời, chỉ biết xoa lấy mái tóc lòa xòa đã dài ngang mắt của hải. cơ bản là tôi không dám, nắng mưa đôi lúc thất thường, đời người biết khi nào định sẵn số phận đâu mà. tôi không dám chắc em, hay tôi, hay bất kì đứa nhóc tì mới hôm nào còn sang nhà tôi ăn khoai giờ đây đều bịn rịn áo má khóc lên khóc xuống để ra chiến trường đầy rẫy bom đạn có trở về hay chăng. nhưng tôi biết, chỉ cần đó là nơi có em, có quế ngọc hải tôi vẫn hay thương, thì có ra sao cũng bảo vệ em đến cùng.

hải bình thường không thích người ta chạm vào tóc mình, vì những lọn tóc xoăn nhẹ dửng dưng có chút màu nâu cháy đẹp đến mê hồn được em nâng niu lắm. bọn trai làng bên hay trêu em có bằng lòng thì gả cho chúng, và tôi cũng "vô tình" đẩy từng đứa một xuống sông mỗi khi em đứng bên kia cầu giả vờ không nghe còn tôi sang cầu bên này giả vờ có việc. ngũ quan của hải nếu mới gặp lần đầu có chút đáng sợ, nhất là ánh mắt lạnh tanh như muốn dò xét từng chút một càng khiến đối phương khiếp vía hơn nữa. nhưng tiếp xúc lâu dài mới biết em "đẹp" đến chừng nào, đẹp đến nỗi tôi quên mất mình đã trao tim này cho hải lúc nào chẳng hay.

"hải có muốn làm gì trước khi đi không?"

rõ là ngốc, tôi hỏi em như thể đó là lần cuối em quay lại chốn quê này.

"không biết nữa, hay lâm chở tao đi vòng vòng đi."

cái con xe cà tang hỏng lên hỏng xuống, tôi nhờ ba phượng sửa mấy lần nhưng nó vẫn dở quẻ, may sao mà hôm đấy lại đi được. trời nắng oi ả, thiêu cháy cả hai mái đầu không đội một cái gì giữa trưa hè hăng hăng mùi ngái, tôi chở hải qua khắp nẻo quê, đi qua từng ngóc ngách chẳng bỏ sót điều gì. mà cũng không phải xa lạ, đều là nơi chúng tôi từng đi qua rất nhiều lần.

đây là đồng lúa nơi lũ trẻ vẫn hay ới nhau mỗi khi có đứa mải chơi trượt chân rơi xuống. kia là mái đình nơi lần đầu tiên tôi đứng với mẹ nhìn hải vùng vằng hét lên không muốn ở nơi bẩn thỉu này, chỉ muốn lên lại phố nhanh nhanh. và rồi dòng sông hải chới với bám cứng lấy tôi, mặc cho em thút thít như sắp khóc đến nơi vì không biết bơi mà còn bị đẩy, tôi lại cười khằng khặc và bị em dỗi cả tuần trời.

tôi không hiểu hải có muốn khắc sâu những nơi này vào tâm trí, để phòng trừ khi- à thôi, tôi không dám chắc. nhưng tôi cứ nghĩ em sẽ nằng nặc đòi tôi cho sang làng bên tham gia phiên chợ nhộn nhịp, nơi em có thể mua được mấy món đồ cho bọn nhỏ khi về. hay tỉ như em kéo tôi ra sông để chỉ em bơi, dù biết là sau đó hải sẽ quên thôi, nhưng nếu hải muốn thì tôi bằng lòng. bao ý nghĩ hiện ra khi câu hỏi tuột khỏi đầu môi, nhưng câu trả lời lại khiến tôi chết lặng.

tôi biết em đã lớn, suy nghĩ chẳng còn vấn vương về những tháng năm cũ rích đã sờn. quế ngọc hải tôi biết, giờ đây sẵn sàng hiến dâng thân mình cho tổ quốc, chỉ vì một ngày không xa trời xanh thẳm, quốc kì tung bay nơi dinh độc lập cao vút đầy niềm kiêu hãnh đến rùng người. nhưng ai mà chẳng sợ hả em. người ta vẫn luôn mồm vì tổ quốc quyết sinh, đến khi cận kề cái chết mới biết nỗi sợ trú ngụ bấy lâu là hay.

tôi vẫn hay nghe trường lảm nhảm về số phận, thằng bé nói nhiều kinh khủng, lúc nào cũng tỏ vẻ ta đây biết lắm, nhưng tôi thừa hiểu, thằng nhỏ nghe từ chú nó – thủ thư trên tỉnh hay về thăm nhà mỗi tháng vài bữa chứ đâu. trường bảo đời người ngắn lắm, vì có mấy ai biết trước điều gì, nên là người ta vẫn hay rỉ tai về mối tương phùng định sẵn, ước lượng đến chừng trước khi nhắm mắt xuôi tay đều có kẻ ở bên gánh bớt cô đơn.

mà làm người cũng khổ đau muôn phận, chèn ép biết bao định kiến, nên thằng bé đôi lúc lại tự nhẩm một mình, rằng chết quách đi thì tội với ba má ở nhà, nhưng cứ sống hoài với cái vỏ chẳng thể lấp nổi tình yêu của đời thì vô vị đến nhường nào. tôi im lặng, đợi đến khi trường rít lên tiếng thở dài ngao ngán vì chỉ có nó nói là chính mới mỉm cười thay cho lời xin lỗi.

tôi chả biết cái thá gì về phận hay đời, xin lỗi trường nhé, tôi chỉ hay tình yêu đang dần nuốt gọn cả thân thể này tội lỗi biết nhường nào.

vì có mấy ai sống trên đời ngắc ngứ gần trăm năm trời mà lại không yêu, và có làm sao nếu trái tim tôi lỡ đập vì một người đồng giới cả đâu mà.

an bài với lệnh mà xã hội đặt ra, tôi bất động, trơ mắt, và nhìn em tôi dần bị vòng xoáy vô hình nuốt trọn, đè lên đôi vai gầy mấy tấc đất chẳng thể cứu nổi.

hải, em của tôi, có lẽ là nợ em một mối tình không thể cất lên tiếng gọi thân thương ở đời này.

.

.

.

"anh lâm!"

tiếng thằng đại vang lên, tiếp nối sau đó là giọng nhao nhao cùng mấy hơi thở phào nhẹ nhõm thoát ra từ một số người trong đội. văn lâm mơ hồ nhấc mi mắt lên để nhìn, nhưng có thứ gì đó chắn ngang tầm mắt gã lại, đen xì, không thể thấy nổi ánh sáng hay bất cứ đâu.

"mắt anh bị sưng phồng, em phải đắp thuốc với quấn băng. tạm thời chưa thể nhìn đâu."

xuân mạnh ở bên từ tốn giải thích, nhưng cái giọng thằng bé lại khiến gã thấy có gì đó không đúng, là tiếng nghẹn ngào thút thít như đang kiềm chế. gã tự hỏi là bản thân đã bị gì chăng, hay cũng có khi là tiểu đội đã gặp chuyện nào đó thật tồi tệ.

"may mà anh không sao", tiếng thằng duy thở phào nghe mà ấm lòng.

"số anh lâm vẫn còn may chán nhờ?", vẫn là cái giọng điệu thiếu đánh của thằng út. nhưng gã biết hậu làm thế chỉ để xoa dịu nỗi sợ đang dâng trào ở đây mà thôi.

"chả may. ổng mà có mệnh hệ gì thì biết ăn nói với má như nào...", dụng nghẹn ngào, tiếp đó là tiếng thở dài và sột soạt của bàn tay tiếp xúc với mảnh vải thô, như thể thằng anh nó đang xoa lưng để vỗ về thằng em vậy.

và cả ti tỉ những câu hỏi thăm mà gã đã nghe đến cả vạn lần quen thuộc.

nhưng nhớ ra nãy giờ, ngoài mấy lời trò chuyện không đầu không đuôi chẳng ăn nhập vào nhau của đám loi choi, văn lâm chợt nhận ra hải không ở bên cạnh mình. khác xa với những lần trước kia, em luôn là người gã có thể nghe đầu tiên mỗi khi tỉnh dậy từ những chấn thương.

"h- hải đâu?"

không gian im ắng đến đáng sợ, đứa nào đứa nấy chỉ dám nhìn nhau mà không biết nói gì. lồng ngực vang dội thứ âm thanh dồn dập, dù cho có tưởng tượng cũng không muốn nghĩ đến. đặng văn lâm thấy bả vai mình đang run rẩy, nhưng lí do là gì thì gã chẳng thể giải thích nổi. cái bầu không khí ngột ngạt hơn cả khi băng qua khói bụi mù mịt trong gió hao nắng gắt, chất đặc quánh ở bom xì lên thứ khí khó thể ngửi, gã khao khát ai đó sẽ lên tiếng, để nỗi sợ đang dần bám rễ thôi cheo leo thành cái cây vững chắc trong lòng đang lớn dần.

"anh hải bị chuyển công tác xuống tiểu đội 23 từ tiếng trước rồi ạ."

quang hải lên tiếng, thành công nhận được cái trố mắt đến kinh ngạc của những người đồng đội. đình trọng không dám nấc lên thành tiếng, nó chỉ biết cắn chặt môi không cho phát ra bất cứ âm thanh nào, cả mặt chôn vùi trong cái ôm an ủi của bùi tiến dũng. công phượng biết đó là một lời nói dối, đau đớn, và sẽ giết chết một con người vào ngày tổ quốc dựng cờ giải phóng, nhưng anh chọn im lặng, bên cạnh là văn thanh đờ người với ánh mắt xót xa chẳng thể cất lời.

"tại sao lại chuyển?"

"phía trên báo xuống."

lương xuân trường biết mình không thể đứng yên, nhất là khi văn hậu với đức chinh cứ nhìn chằm chằm thì hắn phải đứng ra để tiếp nối cái lời dối trá vặn vẹo đến đáng thương này của quang hải. anh em nhà bùi lâu lâu đánh mắt ra cửa hang rồi lại chuyển ánh nhìn vào trong, đôi lông mày xô lại nghẹn ngào nuốt ngược nước mắt. cả đám biết bản thân chẳng thể yếu đuối vào lúc này, khi mà hòa bình đang gần ngay trước mắt. chính vì thế thay vì để người anh cả duy nhất còn sống sót đối mặt với sự thật đau lòng, cả bọn quyết định đưa ra một lí do để che lấp. nhưng tụi nó biết chẳng thể giữ được lâu,

rằng quế ngọc hải đã ngả mình về đất mẹ, khi đang cố cứu gã ra khỏi hố bom còn sót ở mảnh đất gần đó.

.

.

.

bầu trời ngập trong biển cờ, từng dòng người hô vang khẩu hiệu, vì một dân tộc đã được giải phóng sau những cuộc chiến dường như gục ngã nơi mảnh đất cằn cỗi khắc nghiệt vẫn in mùi súng đạn. mà kể có vậy, kể cả khi nắng có đang đổ tràn trên mái đầu của những chàng lính trẻ, thì nước mắt vẫn không ngừng rơi trên mặt gã con lai, đau đớn, gục ngã, và chết lặng.

vì em gã đã không còn ở nơi này, em gã theo tiếng gọi của tổ quốc mà nằm sâu dưới mười tấc đấc lạnh lẽo, an nghỉ khi tuổi đôi mươi hãy còn xanh trên mái đầu mi mắt. chắc hẳn em đã cười, cười một cách tự hào khi mình ra đi cho đất nước. nhưng em ơi,

còn gã? ai sẽ cười cho gã, khi đã đứng trước quốc kì nhưng mất đi trái tim hãy còn đang nóng vì thương của một người lính mà đây?

hải ơi?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro