7.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau khi chạy vội vàng từ nhà hát sang tới trung tâm bến tàu, Kỳ mua hai vé rồi dẫn Tích ra tìm đúng chuyến xuống Hà Đông. Ở trên tàu, các bà các chị đã lỉnh kỉnh thúng mẹt đi làm, các sinh viên, học sinh thì chen chân nhau đi học. Toa cuối cùng treo đầy ắp những quang hàng, nhìn xem rất bắt mắt. Anh soát vé kéo sợi dây thừng, hạ cần tiếp điện xuống. Bác lái xe đánh chuông một tiếng quen tai báo hiệu chuẩn bị rời bến xe. Thế là sắp sửa đi.

- Tích ơi, đến lượt rồi đây nhé.

Anh nhắc nhở cho cậu tập trung.

- Vâng ạ.

- Chúng ta sẽ đi cái toa dán con số 407 kia kìa.

- Con số đó là gì thế, anh Kỳ?

- Tôi cũng không biết nữa...

- Nhìn sơn màu đỏ đẹp quá anh nhỉ.

Một người như Tích, một hạng người đã chứng kiến qua không biết bao nhiêu cảnh đẹp, thứ xinh trên cõi đời – thế mà lại khen ngợi màu sơn sắp ố trên thân tàu điện quê hương. Kỳ ngẫm thấy một sự là lạ không sao diễn tả được. Kể từ khi gặp Tích, anh luôn thầm nghiêng mình trầm ngâm trước con người cậu. Và dường như ở những khoảng trống nào đó, anh nghĩ bụng, Tích này đúng là có một tính tình thật đặc biệt...

- Nào, mình lên thôi!

Tích làm theo. Cậu không thấy có một chút đắn đo hay lo lắng vì biết rõ, anh Kỳ đang ở đây.

Tàu đi trong phố. Khác xa với cung cách hoạt động của xe hơi, nó cứ bình bình vậy, ngang với tốc độ một vận động viên chạy marathon. Suốt cả quãng đường di chuyển, thỉnh thoảng Tích lại trộm nhìn anh Kỳ. Không hiểu sao... cậu thấy bất an mơ hồ nhỡ như anh biến mất khỏi đây. Lúc ở với ông Nghiêm, cậu chả bao giờ như thế. Ông Nghiêm toàn xuất hiện loanh qua loanh quanh khắp nơi, Tích có nhắm mắt đi ngủ cũng thấy ông ngồi uống nước chè trong mơ nữa.

Thế nhưng Tích cũng chẳng để mình chìm đắm quá lâu. Hơi hâm, nhưng cậu quyết định lén lút nắm một phần tay áo của anh Kỳ trong bàn tay mình. Anh không hay biết gì cả vì đang đứng bám vào thành tàu ở trước mắt cậu.

Tích có cơ hội mà trải nghiệm vẻ đẹp của Thủ đô như thế. Gần tám năm xa xứ, thời gian làm phai mờ đi ký ức trong cậu về Hà Nội nhiều biết bao. Cậu thấy xao xuyến khi tàu đi qua những gốc cây bàng cao lớn. Bàng mùa đông đỏ lá hanh hanh, xen kẽ trơ trọi cành đen sẫm, khẳng khiu vươn lên giữa không gian trời quang mây. Những tán lá vàng ngả cam, đỏ phớt xanh, nằm kề bên những căn nhà cổ kính rêu phong với mái ngói thâm nâu. Cái màu bầu trời vừa mát mắt, vừa đùng đục, đúng chất khí lạnh của một ngày cuối năm thích vờn quanh phố xá. Sắc đỏ rực lên. Nhà dân nhỏ hơn thì san sát ôm lấy nhau, trông như cái dáng nhỏ nhắn mà thân cận của những người con mảnh đất này tụ hội lại. Kiến trúc ở đây vừa không giống, lại vừa hơi giống một chút Pháp. Đúng vậy thôi, ngày xưa chính quyền Pháp đã cải tạo Hà Nội sao cho hợp nhất để dễ bề vận hành.

Quanh năm trên những cây cổ thụ trong thành phố không lúc nào ngớt tiếng chim cu gáy gọi bạn. Khoảng trời nào có vòm cây đan xen, nơi ấy ắt có những điệu râm ran. Mùa chim di cư đã qua, nhưng đâu đó, trên vành tai ửng hồng của Tích vẫn lắng nghe thấy những tiếng lích chích dễ thương của một cặp đôi vốn đã chịu quen cái rét mướt miền Bắc từ thuở nào...

Đi ngang bờ sông Đơ (*), lại thấy có một gia đình đang chụp ảnh kỷ niệm. Người mẹ mặc áo dài màu xanh, người cha vận quân phục, đứa bé trên tay mẹ diện một chiếc váy ca rô, đội thêm mũ tai bèo. Tích đã nhận ra trong thoáng chốc, rằng cậu chưa từng có cơ hội để ý kĩ tới người phụ nữ Việt trong tà áo dài. Dù phu nhân Quỳnh thường diện trang phục này với muôn hình vạn trạng, cậu cũng không được gặp nhiều đến mức có thể lưu tâm. Ở Pháp, cha mẹ cũng ăn mặc Âu hóa. Nên ánh nhìn của Tích bị làm cho ấn tượng bởi tà áo màu ngọc đang tung bay kia. Lòng cậu lưu luyến cuốn theo chiều gió ngược. Cậu hơi nhổm người ngó đầu ra khỏi cửa tàu, níu kéo hình ảnh gia đình hạnh phúc ấy lại. Kỳ để ý thấy điệu bộ của em Tích nhỏ hơn mình, dù không hiểu gì lắm mà cũng làm theo.

(* sông Nhuệ ngày nay)

Thợ chụp ảnh già nói thật to cho gia đình họ nghe thấy, ông hô lên:

- Nhìn vào đây nhé! Nào, được chưa? Một, hai, ba –

Từ trung tâm xuống tới tỉnh Hà Đông (**) - nơi Kỳ làm việc hôm nay - cũng mất 11 cây số. Hai người cứ đi trên tàu một cách từ từ như vậy. Riêng Kỳ lại chẳng cảm thấy mình bận rộn gì cho cam, lịch hẹn gặp đối tác lúc gần buổi trưa cơ. Người lên rồi kẻ xuống. Cậu lớn cậu bé, hệt như hai chú chim non, cứ há mỏ nhìn ngắm quang cảnh đường phố suốt từ nãy tới giờ, làm y như lạ lắm...

(** nay đã là quận Hà Đông, thuộc Hà Nội)

Kỳ bắt đầu muốn nói chuyện.

- Tích, tôi bảo này.

Tích nghe anh gọi thầm thì, liền thu người vào trong, đáp trông rất vui:

- Vâng ạ?

- Lát nữa tôi đến chỗ làm với người ta, rồi Tích đi đâu?

- Em cũng nghĩ cả rồi. Anh Kỳ cứ yên tâm lo việc của mình nhé, em sẽ đi dạo ngắm quang cảnh tới bao giờ anh xong thì thôi. Rồi lúc về... em lại bám chân anh. Hì.

Đó là lần đầu tiên Kỳ thấy vẻ mặt ấy. Cậu Tích vừa mới nghiêng nhẹ một bên đầu rồi tít mắt cười đấy ư? Vẻ khép nép gia giáo của cậu đã biến đi đâu từ lúc nào. 

Kỳ thấy trong mình lạ lùng quá. Tự dưng... anh cứ nhìn người ta như đang phê, đang say. Con người cậu trai gốc Hà Thành này quả là đẹp vô cùng. Cậu đẹp từ tính nết đến ngoại hình, từ vẻ trong sáng của cái tuổi còn nửa thơ ngây, đến vẻ cẩn trọng quy tắc như một ông già đã sống quá nửa đời. Khỏi phải nói, tự anh cũng biết từ lần đầu tiên nhìn thấy Tích, bản thân mình đã bị cuốn hút bởi vẻ đẹp ấy tới mức nào...

Tàu đi qua cầu Trắng, vòng vào chợ hoa rồi luồn lách trên những đoạn ray...

Kỳ gác cánh tay còn lại lên bệ cửa sổ tàu:

- Cậu Tích này, chúng ta kể chuyện với nhau cho đỡ buồn chán nhé? Tôi thấy mình làm anh em, thế mà tôi chỉ biết mỗi cái tên, cái tuổi của Tích thôi. Hay là cậu không muốn chia sẻ thì cũng không sao đâu. Tôi chỉ ấy nghĩ nghĩ giá như được biết thêm về cậu thì tốt quá...

- Em cũng muốn biết thêm về Kỳ mà...

- Thế à? Cậu muốn hay điều gì?

- Anh đi làm việc gì thế ạ?

- À. Tôi làm công nhân ở Công ty Thực phẩm Hà Nội, chắc Tích không biết đâu. Mỗi ngày tôi làm việc trong xưởng nông sản với lại xử lý rau từ các đầu mối. Người Bắc trồng các thứ rau cải mùa này nhiều lắm, ngon lắm đó nhé. Cải thìa này, cải cúc, cải ngồng, cải bắp nữa. Chắc nhà Tích cũng ăn rau từ chúng tôi phân phối đấy! – anh cười một tiếng – Nói thế chứ, làm việc này vui mà, tôi có thể kiếm chút để nuôi bố mẹ mình là thấy đủ lắm rồi. Lát nữa tôi đi gặp một ông đại diện, một vài người đồng nghiệp cũng sẽ xuống gặp ông ấy với tôi. Chúng tôi làm chuyến này xong thì xưởng rau sẽ được bổ sung thêm máy móc...

Ngừng lại để lấy một hơi, rồi anh tiếp tục:

- Tôi ngưỡng mộ nhất là các cậu bộ đội, các anh cán bộ trên kia. Những cái khó nhất vào lúc này họ đều đang làm cả rồi đấy. Không biết Tích nghĩ sao, chứ tôi là dạng sẽ xung phong hết mình khi mà "họ" huy động... Bây giờ tôi làm công nhân như đây! Mai này, có khi Tích thấy tôi đi làm chiến sĩ diệt bọn giặc điên rồ ngoài kia cũng nên...

- Anh Kỳ, anh với Quốc giống nhau quá...

Tích cũng cười theo và đung đưa người nhận xét. Chẳng thể nào lẫn đi đâu được cái nhiệt huyết tuổi trẻ in trong ánh mắt anh em họ. Ngay cả cách nói từng từ một cũng giống nhau nữa.

- Chúng tôi sống cùng nhà cũng mấy năm rồi nên vậy. Hồi trước bố mẹ tôi còn trên đây, thì Quốc là hàng xóm của tôi. Sau này tôi khuyên hai ông bà về quê cho an toàn. Sau đó tôi dọn vào ở với thằng bé.

- Quốc học trường Tổng Hợp nhỉ?

- Ừ, đúng, rất là giỏi ấy chứ.

- Cậu ấy cũng nuôi ước mơ đi đuổi bọn giặc.

- Ừ... ấy là cái sứ mệnh mà ai rồi cũng phải làm thôi. Ấy chết, khoan, tôi cứ nói về tôi mãi, Tích cũng kể về cậu cho tôi biết được không?

Có tiếng leng keng dội lên. Tàu đang né một góc chợ xôn xao. Sau vài giây với chút lơ đãng vẩn vơ vì bị những kẻ chợ ở trên đường thu hút trí tò mò, rồi Tích cũng quay về với nhiệm vụ của mình:

- Em cũng như Quốc thôi... Em đang là sinh viên...

- Ô, thế Tích với Quốc chung trường hả? – Kỳ trông thú chí ra phết.

- Không... thực ra em đi du học anh Kỳ ạ, gia đình cho em qua Pháp từ hồi lên lớp sáu... Xong rồi cha chọn trường đại học cho em luôn... Em cứ sống như vậy suốt nên mới...

Lắng nghe những lời bộc bạch của người đang đứng bên cạnh mình, Kỳ thấy nửa bất ngờ, nửa ấn tượng. Nhưng sao trông điệu bộ cậu rụt rè và dè chừng đến lạ. Lúc nãy khi nói chuyện anh đi làm công nhân, chuyện đi lính, Tích cũng đã hào hứng và cười tươi lắm. Ngoắt một cái, khi cậu nói sang đến mình thì lại có cái vẻ đối lập như thế này.

Bằng cách nào đó, tự dưng anh Kỳ cảm nhận được cái nỗi lòng cậu.

- Tích, đừng như vậy chứ. Thời buổi này đứa nào cũng âm thầm mơ ước được đi du học đó. Cậu hãy tự tin lên nhé!

Thời gian trôi theo tiếng leng keng, leng keng. Tàu chuyển hướng bánh, giật giật một cái, làm cho toàn bộ hành khách đung đưa chúi lên phía trước. Tích cũng mất đà rồi đập trán vào cánh tay Kỳ đang chênh vênh. Hương thơm từ y phục nghiêm trang của cậu bỗng tỏa đi, truyền thật nhẹ nhàng vào bộ quần áo công nhân vốn đã cũ sờn ấy...

- Chuẩn bị vào chợ Đơ! Ai đi tỉnh Hà Đông nhớ xuống tầu mà cuốc bộ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro