6.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở vùng đất kinh kỳ hoa lệ, có một trường mẫu giáo tư thục ra đời từ thập niên 40, mang tên Mẫu giáo Bách Thảo.

Trường tiếp thu phương pháp giáo dục từ cả Montessori, Decroly và Froebel. Nơi đây, họ nhận cả con nhà giàu và con nhà nghèo. Tất cả những đứa trẻ dù khỏe mạnh hay ốm yếu đều sẽ có quyền đến học, được dạy cách sống hợp đoàn, cố để hiểu luật chung. Các cô giáo sẽ dạy chúng sao cho thật đẹp, thật khéo, thật ngoan ngoãn và bền bỉ.

Nhà ông Trịnh Quân Đô và bà Nguyễn Thu Quỳnh đợi tới năm con lên ba tuổi, cho đi học mẫu giáo ở Bách Thảo. Tích là đứa con trai duy nhất thuộc thế hệ tư trong gia tộc, mọi điều tốt đẹp trên đời đều được gia đình chắt lọc vun hết cả cho cậu. Ngưỡng mộ tư tưởng và đường lối giáo dục của người sáng lập tư thục Bách Thảo, ông Đô gửi cậu quý tử vào tay hai vợ chồng thầy giám đốc, nói:

- Trăm sự chúng tôi nhờ nhà trường.

Những năm ấy, Tích đi học mẫu giáo cùng ông Nghiêm mỗi ngày, rồi cũng có một người bạn thân. Nam Tuấn là con nhà trung lưu, bố mẹ sinh ra cậu ở đất Thủ đô, làm bán thuê ở cửa hàng vải Đông Yên nức tiếng, cho nên cuộc sống cũng không quá khó khăn.

Tuấn bốn tuổi mới được bố đem đến đăng ký học. Mới ngày đầu tiên nhận lớp đã gặp một cậu bé áo quần phẳng phớm, ngực cài hoa đỏ, đội mũ nồi, chân đi giày vải trắng tinh. Cậu mới buột miệng rằng:

- Sao bạn được vận đồ đẹp thế!

Bà Quỳnh và bố Tuấn phát ngại cả lên. Ấy vậy mà hai đứa trẻ con lại chơi thân với nhau. Suốt ba năm Tích học ở đây, ông Nghiêm là người duy nhất chứng kiến tình bạn thắm nồng ngây thơ giữa chúng.

Sau mẫu giáo, Tuấn có được đi học tiếp hay không - thực ra ông chẳng rõ. Rồi Tích cũng đi Pháp. Bẵng một thời gian, ngày hôm nay cậu mới được kể cho hay rằng Tuấn là kì cựu viên trong câu lạc bộ Mô tô Hà Nội.

Hiệu Tích đi vào một con ngõ hẹp và xiêu vẹo, đường dẫn quanh co thu mình dần, tới một căn nhà màu cháo lòng có nghe rất kêu những tiếng vặn ga. Ông Nghiêm thì đi sau lưng cậu, cố tỏ vẻ không phải gia nhân. Tích thường không muốn người khác để ý đến thân phận mình nên dặn ông đừng thể hiện quá.

Dân miền Bắc đã có một sự chú ý dành cho những thú vui giải trí ấn tượng du nhập từ nước ngoài. Biết bao nhiêu loại câu lạc bộ thể thao: nhảy dù, tàu lượn, bắn súng,... được thành lập. Khẩu hiệu: "Khỏe để phục vụ Tổ quốc" dội vang trong mọi tầng lớp, thu hút các "tay chơi", thanh niên sức tráng chí tài tham gia. 

Trong số đó, mới lạ và nổi bật dường như là cái thú chơi mô tô. Với những chiếc IJ hay JAWA 350 phân khối lớn, họ tập luyện ở Sân vận động Quần ngựa thành phố. Các nam, nữ thanh niên gắng sức vượt qua bài thi về cả kiến thức và sức khỏe, chỉ cốt mong được kết nạp vào. Không thiếu những cô nàng Hà Thành, dịu dàng nhưng mạnh mẽ và máu lửa cũng góp công vào xây lớn cái tinh thần chung.

Nam Tuấn đã trở thành một con người khét tiếng từ lâu. Với cái danh là người đầu tiên vượt qua vòng tuyển chọn, rất nhiều thiếu nữ mê say Tuấn. Thày giáo cho rằng cậu sẽ là người truyền lại cái tinh thần chơi xe sôi nổi nhất tới các thế hệ sau, một ngày nào đó đọ sức trong các cuộc thi về xe địa hình với 12 quốc gia chung quanh.

Đã lâu lắm mới gặp lại. Bản thân Tích không tài nào nhận ra Tuấn. Lúc Tích đi vào tới sân hội, Tuấn đang công kênh ngồi trên một con xe Liên Xô, nói những tiếng rất to.

Có người quay lưng lại vì nhận ra sự xuất hiện của khách lạ. Ông Nghiêm nhìn thoáng cái thôi là biết Tuấn đâu, ông khều tay cậu chủ, thì thầm vào trong kẽ gáy:

- Cháu cần nói hộ không?

- Cháu làm được. – Tích đáp khẽ.

Rồi cậu tiến lại gần chiếc xe trung tâm, hơi cúi người và đưa tay ra trước:

- Chào Tuấn, Tuấn nhận ra mình không?

Ban đầu Tuấn đâu hiểu gì. Nhưng cậu vẫn bước xuống chào lại. Dáng người cậu to khỏe hơn đa số thanh niên đương thời, cằm nhọn, quai hàm sắc lẹm, tóc dài buộc gọn ngược ra sau, cái ngực săn chắc, bả vai cường tráng, trông như một chiến binh. Cái vẻ vừa ngông vừa thơ của trai Hà Thành bọc lấy hồn Tuấn. Cậu bắt tay với Tích, cố gắng nhớ ra người trước mặt nhưng thất bại.

- Anh là...?

Tích biết ngay. Thời gian đã trôi qua quá lâu rồi. Cậu mới dùng kế gợi lại một trò chơi nhớ thương năm xưa đám trẻ Bách Thảo từng bày vẽ cùng nhau. Khụ một tiếng, sau đó Tích ngúc ngoắc ngón tay:

- Nhảy vào kho thóc, thóc nhảy miệng gà, chú bộ đội ta, xông pha đánh giặc.

Tuấn nhìn chưng hửng.

- Cậu không nhớ ra "Tích con" của cậu à?

Các đồng chí chơi xe đều im lặng mất một lúc. Thế rồi, Nam Tuấn bất ngờ à lên. Cái thân to con gần như là lao tới, ôm ghì lấy người bạn thuở nào hiện đang đứng ngay đây. Công tử như Tích không quen bị người ta ép chẹt, nhìn cậu hơi hơi hoảng. Sau đó hai người nắm chặt tay, từ tuổi mười tám như trở về ngày lên ba.

- Tích ơi, cậu đi đâu giờ mới về!

- Tuấn nhớ ra tớ rồi này.

- Tớ tìm nhà Tích suốt những năm thiếu niên, người ta bảo cậu chuyển ra nước ngoài sống không về nữa cơ. Cậu đi lâu quá.

- Tuấn tìm tớ á?

- Tìm chứ! Chúng mình hứa sẽ đi bán phở chung kia mà!

- Sao lại thế nhỉ? Thôi, tớ không đi bán phở nữa đâu. Bây giờ cậu cứ chạy xe mô tô vòng vòng suốt thì ai nấu nước dùng.

Cuộc hội ngộ của đôi bạn diễn ra suốt tối ấy. Tuấn rất muốn Tích tham gia vào nhóm chơi xe của mình. Không cần thi – Tuấn quả quyết. Nhưng Tích một mực từ chối. Chẳng hiểu thế nào mà hai đứa kể hết chuyện đời cho nhau. Bấy lâu qua Tuấn vẫn được đến trường, hết cấp ba thì đổi sang học nghề. Cậu đang muốn làm trong xưởng cơ khí của thành phố. Cái thú của cậu dành hết cho xe mô tô phân khối lớn, hễ có lúc rảnh là đi luyện tập với hội ngay.

Tích thì bảo mình mới từ Pháp về nước chưa quá lâu, mà cũng chẳng thể ở mãi. Hình như vì thế nên cậu dứt khoát nói lời không tham gia.

Khi người người bắt đầu đi ngủ cả rồi, ông Nghiêm mới lái xế đưa Tích về nhà riêng nghỉ ngơi. Trên đường đi, ông cười khà khà nhận xét:

- Thằng Tuấn lớn lên to cao đấy, cháu nghĩ sao?

- Cháu thấy, cậu ấy bây giờ dũng cảm và sành điệu hơn xưa.

- Tôi xem trong ánh mắt nó có cái chí lớn không ngại gian ngại khổ. Về sau có dịp sẽ làm được nên chuyện thôi.

Lòng cậu Tích rối bời. Vui vì gặp lại thì có, rất là vui, nhưng tự dưng cậu thấy xa lạ lắm. Cái bồi hồi nhớ tiếc những năm tháng gần gũi cuộn trào lên trong lồng ngực cậu. Nói chuyện với nhau mà cứ gượng thế nào. Giờ đây, cậu ăn nói kín đáo hơn, nhưng Tuấn thì cứ dạt dào hết ra. Cậu nhọc công mới từ chối được sự dai dẳng của Tuấn. Nhưng Tuấn là người tốt lắm, cậu ta muốn gì làm nấy. Điều này làm Tích cứ suy nghĩ vẩn vơ mãi. Tất nhiên là cậu biết tình hình đang diễn ra, vấn đề của cậu là cảm thấy bản thân quá bé nhỏ, ấy mới là chuyện đáng lo nhất chứ. Cậu biết gia đình Trịnh đã vạch sẵn cả đường đi tương lai cho mình. Việc cậu cần làm là bước chân thật êm ru trên đó. Nhưng đôi khi cậu thấy hơi chán nản và cũng mệt mỏi nữa.

---

Hiệu Tích về căn biệt thự của mình, đốt một cây nến thơm mùi trà cho dễ ngủ. Cậu không vào giấc được, lại ra ban công đứng ngắm trăng thành phố với một cuốn tiểu thuyết. Những ngón tay cậu vuốt ve dàn hoa giấy quấn xung quanh. Dưới đường có một sạp tạp hóa còn sáng đèn, chị gái quấn khăn trên đầu kia đang gặp chút chuyện khó, một tay bồng bế con trai, một tay kéo mãi mới đóng được cái cửa sắt.

Tích đứng trên tầng hai xem một lúc thì thở hắt ra.

Sao mà... họ khổ quá.

Chuyến này Tích đã định không về, nhưng mẹ khuyên nhủ mãi thành thử ra cậu mềm lòng nghe lời. Cha thì lại không cho phép, thế là hai ông bà ấy cãi nhau. Cũng bởi thế nên cậu mới phải dọn ra riêng với ông Nghiêm. Cõi lòng cậu mênh mông cả đi, cậu thấy nhơ nhớ khôn xiết cái niềm vui mộc mạc ở bên nhà anh Doãn Kỳ. Cơ mà hai người họ cũng sống nhọc nhằn. Cậu hay có cảm giác mình không được phép chơi bời hay kết bạn, cậu thấy xấu hổ so với mọi người. Nhưng anh Kỳ cuốn hút cậu lắm. 

Ngắm nhìn đức tính vô tư dũng cảm của anh, cậu thấy trong tim như dấy lên nỗi hâm mộ xen lẫn cái tình quý trọng...

---

Một buổi sáng nọ trời bớt rét. Cậu Tích dậy sớm sau vài canh khuya thức ôn bài vở đem theo từ Pháp. Cậu muốn đi dạo phố phường Hà Nội một mình mà không với ông Nghiêm nào, duy nhất chỉ có cậu thôi.

Tích rảo bước chậm rãi, bình thản qua từng con đường vắng lặng. Cái mùi thơm thoang thoảng khó tả từ những loài hoa đặc trưng cuộn vào không khí ban mai, leo lắt, ghé thăm làn da và cánh mũi nhạy cảm. Trời còn tờ mờ sương đã thấy một vài cảnh vệ hay những người gánh hàng rong bận rộn làm công việc của mình rồi. Tích đút tay vào áo khoác, chỉnh lại mũ trên đầu khi đi ngang qua một cái bốt. Đôi chân đưa cậu dạo tới gần Nhà Hát Thành Phố (*) nguy nga và lộng lẫy giữa một đoạn đường ngã ba trải rộng. Cái vẻ đẹp của kiến trúc này không còn xa lạ với con mắt của Tích, nhưng ở giữa lòng Thủ đô mình, nó lại nao nao lên một nỗi xúc động thật lạ kì...

(* Nay là Nhà Hát Lớn)

Tích đưa hai bàn tay lên trước mặt, tạo thành một khung vuông như đang muốn đem trọn cả khung cảnh thư thả ấy vào tầm mắt, sau đó giấu đi...

Bất thình lình có bàn tay khua khoắng, chen vào khung của cậu.

- Ôi chà, đúng là cậu Tích rồi.

Anh Kỳ đứng ngay cạnh với bộ đồ công nhân trên người. Kỳ đang trên đường đi bắt tàu điện. Hôm nay là một ngày rất bận do phải "công tác" sang tận Hà Đông. Thấy bóng Tích đứng thơ thẩn giữa phố vào cái giờ mà nhẽ ra cậu phải còn ngủ, anh mới chạy lại đánh ý ngay.

- Anh Kỳ? Anh đi đâu sớm thế ạ?

- Tôi đi "công tác" – Kỳ đùa giỡn – Không phải đâu, hôm nay công ty điều động tôi xuống Hà Đông. Tôi phải dậy sớm chút không thì tắc đường, cậu biết đấy, dạo gần đây người ta đi xe đạp nhiều quá.

- Anh đi bộ xuống đó ư?

- À, tôi bắt tàu điện.

Nghe đến đây, tiếng keng keng bỗng dội lên trong đầu Tích. Từ nhỏ tới lớn, kì thực cậu chưa bao giờ được sử dụng bất cứ loại phương tiện nào khác ngoài xe ô tô đưa đón. Cho dù sống bên Pháp thì cậu cũng có ông Nghiêm chăm sóc theo từng gót chân, cốt cũng chỉ để đảm bảo an toàn.

- Anh Kỳ cho em đi với.

Lời của Tích thốt lên làm Kỳ ngạc nhiên, hoảng hốt. Cậu lại càng cương quyết, cầm khẽ vào tay anh như muốn nhấn mạnh hơn.

Hai người nhìn thẳng nhau làm cho Kỳ tự nhiên phải lắp bắp:

- Đi... đi đâu cơ?

- Đi tàu điện đó anh.

- Sao tự dưng như thế?

- Em chưa bao giờ có cơ hội đi tàu quanh Thủ đô mình... Em muốn thử một lần thôi.

Kỳ dẫn Tích chạy mau ra ga trung tâm ở Bờ Hồ, vừa khít giờ như anh tính toán. Bến tàu đông đúc người đi làm, đi học, và cả những chuyện khác. Một vài đứa trẻ bán lồng bàn đã ngồi khoanh chân trên đất từ rất sớm. Kỳ và Tích cuống quýt tay chân thật nhanh chạy qua mặt chúng. Trong khoảnh khắc ấy, suýt chút nữa Tích va phải hàng hóa đặt bừa phứa xung quanh, cậu ngoái cả đầu lại, cố gắng ra hiệu xin lỗi bọn trẻ.

- May quá không bị đổ.

- Cái gì đổ cơ? – anh Kỳ quay ra hỏi, chân vẫn chạy đi ở đằng trước.

- Lồng bàn ấy mà...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro