5.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thường được lắng nghe miêu tả cốt cách của người Tràng An:

"Vàng thì thử lửa, thử than

Chuông kêu thử tiếng người ngoan thử lời"

Những từ ngữ ấy quả là chính xác với một chàng trai như Trịnh Hiệu Tích.

Bất kể phút giây nào, dù làm gì hay nói gì, thái độ của Tích cũng giữ nguyên vẻ cẩn trọng và lịch thiệp đúng trai thành đô. Quả đầu cậu được chăm sóc khá đặc biệt. Những sợi tóc đen nhánh thường vuốt sang hai bên bằng keo, trông lãng tử lắm. Rồi thì một chút mái lơ thơ, cộng gộp với khuôn mặt trái xoan thanh tú cũng khiến cậu thêm mười phần xán lạn, đẹp đẽ như minh tinh. Cậu luôn mặc sơ mi và quần Tây, chân đi tất đen, cài đàng hoàng cúc áo. Phụ kiện của cậu thường là hộp làm bằng da mềm, bên trong đựng một chiếc kính gọng tròn chỉ lấy ra nếu rất cần thiết. Đôi khi cần chú ý thời gian, cậu cài thêm đồng hồ bà nội tặng vào cổ tay. Trông cậu giống những ông giáo dạy Văn mà Kỳ từng gặp khi giao nông sản qua trường trung học nữ sinh Hà Nội. Nhưng đằng sau bề ngoài nho nhã và giản đơn ấy, vẻ giàu sang của cậu toát ra từ cái thần thái vẫn là khó có thể giấu kín đi. 

Giọng nói cậu mới là càng thú vị, thật dễ nghe như tiếng cô giáo dạy trẻ đọc thơ vậy.

- Em cảm ơn anh.

Tích đáp, mỉm cười thêm với Kỳ. Anh chồm hỗm trên hai đôi chân mình, mặt cứ bơ phờ nhìn cậu.

Bụng của những người thuê phòng trọ réo rắt lên. Hai anh em Kỳ đã có được miếng thức ăn nào vào dạ dày đâu. Có Tích sang chơi, từ chiều giờ họ uống nước chè thay cơm. Tích nghĩ mình thiếu tế nhị quá, và cậu thấy nơi gò má hơi tây tấy xấu hổ. 

Nhưng Kỳ lại gãi cằm mà cười bình thản:

- Không sao, hai thằng chúng tôi cũng bữa đực bữa cái. Tôi hay làm ngoài giờ, có khi tới đêm mới ăn. Cũng có những ngày tôi ngủ lại dưới ấy nên Quốc ở nhà tự lo cơm nước...

Quốc mới cười, lại còn huýt sáo:

- Thích quá, tối nay có bánh ngọt Tây của Tích đấy thây.

- Anh và cậu thấy vui là tốt rồi. Em về nhé. Cảm ơn vì đã mời em uống nước chè...

Thế là họ tiễn cậu ra ngoài đầu ngõ. Xe của ông Nghiêm chắc là đứng đâu đó một đoạn xa. Là Tích đã bảo ông đừng đỗ gần xóm trọ quá ấy mà. Tích đi về mất rồi. Đôi mắt hiền hiền của cậu vẫn dán trên cửa kính, lưu luyến không thôi những niềm vui một góc đường Hàng Bạc. Tất cả cứ như những vần thơ bay lên, làm cho cậu mỉm cười không ngừng suốt đường về biệt thự.

Sáng hôm sau, mới tinh mơ gà gáy mà ngoài sân chung đã nghe lạch cà lạch cạch. Anh em Kỳ ngủ trên giường đang chìm trong mộng đẹp thì bị đánh thức. Nằm thêm vài phút, Kỳ mới khó nhọc chịu đựng cái lạnh sương sớm mà đi ra ngoài ngó nghiêng.

Chị Lan đã dậy từ khi trời còn tối đen, hôm nay chị được người ta gọi ra hỗ trợ ở tổ phục vụ. Hai đứa con nhỏ vẫn say giấc ở trong căn nhà cuối xóm, phần chị, từ nãy tới giờ thu dọn quần áo treo trên dây rồi quét bớt lá rụng khắp sân. Chị cũng ra ngoài kia múc sạch nước trong hố tránh bom rồi. Kỳ mắt nhắm mắt mở đi nhẹ nhàng lại gần, cất giọng chào hỏi:

- Ui chà, mẹ cái Hương dậy sớm thế ạ!

- Cậu Kỳ cũng dậy đấy à? Hôm nay có đi làm không?

- Có chứ chị.

Kỳ vươn vai trong khi ánh mặt trời lạnh lẽo bắt đầu nhú lên sau tán cây bằng lăng ở ngoài kia. Chị Lan vẫn tất bật với cái chổi của mình, rồi miệng chị bắt đầu kể chuyện:

- Bà Động hôm nay bị ốm. Đến là khổ, chỉ sợ bà ấy tai biến nặng hơn trước. Cho nên tổ trưởng dặn chị tới giúp kẻo làm không xuể. À đúng rồi, có ăn cơm hôm nay không để đăng ký? Lúc nào đến lượt thì chị xách về một thể cho các chú... Sáng nay tính cho Hương với Lân ăn cháo...

- Thế ạ.

- Ừ.

- Vâng, chúng em nhờ chị nhé.

Lan là góa phụ, chị mặt sáng nhưng sống một cái số vất vả. Chồng đi lính, rồi mãi chẳng trở về nữa. Gia đình chị chỉ còn lại một mẹ hai con. Những đứa bé ăn tình yêu của mẹ mà lớn, vô tư lự như những nàng tiên. Có đợt, sinh viên trường Tổng Hợp đi giúp đỡ dân nghèo ở Thủ đô, anh bạn kia khá giả nên tặng nhà chị Lan một cái xe cút tơ cho hai cháu chơi quanh sân đỡ chán.

Trong thời kỳ khó khăn, những cái gì tốt đẹp nhất vẫn luôn được dành cho trẻ em. Người ta nấu cháo dinh dưỡng cho các cháu ở ngoài tổ phục vụ, lâu lâu lại may khăn quàng, áo bông ấm cho các cháu mặc. 

Anh Kỳ cũng nhớ ra phải mau đi đăng ký mua hộ đồ ở mậu dịch. Chứ anh nào có thì giờ đứng xếp hàng. Anh vào nhà, khua Quốc dậy. Quốc đổ hết nước trong phích ra ấm rồi xách nó chạy theo mình với một đồng xu.

Ở văn phòng chạy việc lại gọi tên Kỳ trưa nay. Nhà họ Trịnh tiếp tục giao đi một đơn. Kỳ thích quá, ăn vội một quả chuối lót dạ rồi đội nắng chạy như bay tới điểm hẹn. Tàu điện vẫn leng keng trên phố. Anh trông thấy cái tàu từ Hoàn Kiếm sang Hà Đông hình như mới được lắp lại thanh sắt ở sau lưng, chắc tại bọn trẻ con cứ bám vào nghịch rồi làm hỏng.

Kỳ vào trong căn nhà hoang như lần trước, lên tiếng gọi to:

- Ông Nghiêm, ông Nghiêm ơi!

Nhưng không thấy gì hết. Anh lấy làm lạ, mở cửa chạy ra ngoài vỉa hè rồi ngó nghiêng. Hay là anh sớm quá? Không, không thể nào. Kỳ mới chậm rãi ngồi xuống cục gạch bên cạnh. Người già đi bộ trong những tấm áo tứ thân cũ, nhìn anh với ánh mắt tò mò xen lẫn dò xét. Lâu lâu lại có cái ô tô trông sang lắm đi qua, Kỳ cứ tưởng là xe của nhà Tích, nhưng lại chả phải. Đợi mãi mất một lúc, cái miếng pho mát Ý màu đen ấy mới xuất hiện.

Quản gia nhà Trịnh mở cửa chạy xuống, ông trông như đang toát mồ hôi hột, bụng lắc lắc theo từng nhịp chân gấp gáp.

- Tôi giao hàng cho ông đây! – Kỳ vẫy tay.

- Tôi xin lỗi nhé! Tôi đến muộn quá. Ban nãy có việc ghé qua Ngân hàng Nhà nước nên mất thời gian.

- Vâng, không sao.

Kỳ nói vậy, nhưng thực ra trong lòng anh sốt ruột vì bữa trưa vẫn bỏ ngỏ mà chiều nay phải lái nhiều chuyến gửi rau.

- Đủ mười lăm rồi nhé, cảm ơn cậu.

Ở sâu trong cõi lòng Kỳ, anh rất thắc mắc không biết tại sao nhà Tích lại thường xuyên mua gấu bông về thế này. Lấy làm tò mò lắm, nhưng anh cũng không dám hỏi. Thôi thì cứ coi như chuyện riêng nhà bọn họ. Còn phần Kỳ, anh cứ tập trung tích góp một thời gian khéo lại đủ bắt một chuyến về quê thăm ông Sáu bà Năm.

---

Ông Nghiêm lái chiếc xế riêng chuyên đưa rước cậu chủ, đỗ xịch một hơi trước cửa biệt phủ màu vàng to nhất phố Phan Đình Phùng. Người gác cổng nhận ra bản mặt ông, gật cổ một cái, đi hai vòng mới mở hết cái cổng to cho xe chạy vào. Cậu Tích từ sáng đến giờ qua đây có việc, nhiệm vụ của ông là đón cậu về nhà. Toàn bộ khuôn viên nhà Trịnh rộng tới 300 mét vuông. Có ba vườn hoa lớn, mỗi vườn đều được cắt tỉa cây cỏ đúng kiểu người Pháp. Một chị giúp việc đang xuống vườn gần cổng hái những bông hoa hồng đem đi rửa. Phu nhân của họ là một người thích chơi hoa, với tâm hồn lãng mạn như sống ở Tây Âu những năm cuối thế kỷ 19, bà thường ăn vận đồ tại gia đậm lối ngoại quốc. Nhưng cái máu Hà Nội vẫn chảy trong bà, nên bà giấu mình khỏi mọi người và ít đi ra ngoài. Người gốc Hà Thành như bà có cái nét tự trọng rất cao. Tay và cổ đeo đầy trang sức, nhưng hễ có việc phải đi đâu, bà sẽ chỉ diện nhẫn cưới đính kim cương là thứ đáng chú ý duy nhất, với áo dài nhung màu đen tuyền, lịch thiệp nhất, ẩn trong chiếc xe hơi riêng của vợ chồng mà di chuyển. Xong chuyện bà lại về nhà ngay, chẳng ló mặt ra ngoài.

Ấy là mẹ cậu Tích.

Cha mẹ cậu mới từ nước Tây về, gọi con trai quý tử sang thăm. Bình thường cậu sống một mình ở trong căn biệt thự gần khu Hồng Phúc, chỉ đến đây khi được yêu cầu.

Ông Nghiêm đi vào trong sảnh, cất tiếng gọi vang lên trên lầu:

- Cậu chủ ơi, đến giờ về rồi nhé!

Phu nhân Nguyễn Thu Quỳnh và cậu con Trịnh Hiệu Tích đang ngồi ôn lại ảnh trong cuốn sách lưu trữ của đại gia đình bốn đời. Nghe thấy giọng nhắc của quản gia riêng, chàng trai thư sinh liền đứng dậy khỏi cái tràng kỷ và cúi chào mẹ mình.

- Con xin phép mẹ, con về ạ.

- Ở lại đây một bữa... Tích... - bà Quỳnh níu tay áo thằng bé lại.

- Tối nay con bận chuyện ôn bài... Ngày mai con lại sang nhé!

Ngồi trên xe riêng, Tích đưa ánh mắt ngắm nhìn quang cảnh phố phường Thủ đô Việt Nam. Cơn lạnh sáng hôm nay khiến cậu phải đeo thêm khăn, được một lúc, khăn làm cậu thấy ngứa da cổ. Cậu gỡ nó ra rồi nhẹ nhàng gấp làm tư thành một hình vuông như bánh chưng, đặt lên đùi, trên cùng là hai bàn tay đan vào nhau. 

Cậu thấy túi đựng thú bông của mình nằm ở ghế trước. Vốn dĩ, Tích giấu cha giấu mẹ chuyện sở thích. Vốn dĩ, cậu là sinh viên đi du học Pháp. Cha mẹ cậu cũng như những ông to bà lớn khác, vẫn tư tưởng rằng trường ở Pháp là những trường tốt nhất thế giới. Còn cậu, chỉ là một trong những đứa trẻ giàu có được gia đình gửi sang bên trời Âu từ khi mới lên premiere, deuxieme anneé (lớp 6, 7 ở Việt Nam).

Giờ Tích ở cuối độ tuổi trăng tròn. Cãi cha, cãi mẹ một chút, họ đẩy cậu đi du học tiếp. Ở xứ Pháp, cậu chẳng làm gì hơn ngoài tập trung hoàn thành bằng Kỹ thuật hóa và Sư phạm. Người Việt Nam khi này thường mê tít nhất là những chức bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo. Tầng lớp trí thức cao. Tiếng Pháp và tiếng Mỹ của Tích đều giỏi, bà nội ngày xưa còn hay trêu đùa:

- Có ngày Tích nó gông được cả bọn Pháp, bọn Mỹ.

Nhưng trong tâm cậu thích làm thời trang. Đi học trên đất Pháp gần chục năm, cả một nền văn hóa ăn mặc của người xứ này đã khắc sâu vào trong lòng cậu. Cậu thấy thích nhất là ngồi tỉ mẩn vẽ vời, tự may ra những bộ đồ xúng xính cho các "model" của mình.

Những năm tháng này, ảnh hưởng của văn hóa Pháp đối với đất Hà Nội tuy đã nhòa bớt, nhưng vẫn khá mạnh. Nhớ ngày còn bé, Hà Nội chẳng khác nào cái Paris thu nhỏ. Lớn lên một chút, thế mà cậu lại qua Paris ở thật. Cuộc sống nhung lụa cha mẹ tạo ra ngẫu nhiên làm cho cậu ít có kỷ niệm với chính quê hương đẻ ra mình.

Tích nhìn theo đôi quang gánh ngoài cửa kính đang đè như muốn gãy, muốn cong vông vống, đung đưa trên vai người phụ nữ bước đi thoăn thoắt giữa lòng đường nhộn nhịp. Một người đàn bà khác, trên đầu đội cái mủng to tướng, một tay đỡ cao, một tay dắt đứa nhóc loắt choắt chạy hụt bước bên cạnh. Trên tay nó là cái kẹo kéo trắng tinh, biết chừng mẹ nó dành dụm tiền lắm mới mua được một lần. Mặt nó rạng rỡ, cười như mếu. Tích nhìn người ta. Ông Nghiêm mới tạm dừng xe trước cây đèn đỏ ở ngã tư Cửa Nam. Thằng nhỏ cầm kẹo đi qua đường với mẹ, thoáng thấy dáng Tích ngồi trong xe, mắt nó cứ thao láo ngơ ngác. Nghĩ thế nào, cậu liền vẫy vẫy tay với em rồi kéo hai má làm trò.

Em nhìn lên mẹ, người đang bận tối mắt với mủng hàng nặng trịch trên đầu, chẳng biết để nhìn lại em. Em ngó Tích lần nữa trước khi bị kéo đi mất, rồi khóc toáng lên.

Như thế làm cái lòng cậu nặng nề hẳn...

Đùng đùng, một nhóm người kì lạ xuất hiện đi song song với đường xe ô tô của Tích. Bọn họ là những nam thanh niên trạc tuổi cậu, trông vừa già, vừa trẻ đời. Họ lái những chiếc mô tô cuốn hút bao ánh mắt người dân phố thị xung quanh, rồ ga thật bao rồi một đàn lại kéo nhau đi mất. Cái sự ầm ĩ của đám người lạ lùng giữa nơi vốn mang tiếng yên bình, cổ kính như kinh đô Hà Nội làm cho cậu chủ này sửng sốt.

Tích liền ghé mặt lên ghế trước:

- Họ là ai vậy ạ? Họ làm gì ở đây?

- À, những chàng với nàng thuộc câu lạc bộ Mô tô Hà Nội!

- Lạ quá nhỉ. Cháu chưa bao giờ thấy họ ở thành phố.

- Vì cậu Tích đi du học từ năm mười hai tuổi thây. Nhưng cũng đúng thôi, câu lạc bộ thành lập chưa đến ba năm, còn mới lắm.

Ngắt chừng vài giây, rồi ông nói tiếp:

- Thế mà các cô cậu ấy mê như điếu đổ. Ở cái thời này, đúng là chúng chả sợ làm bất cứ cái gì. Chẳng biết cháu còn nhớ người bạn thân lúc đi học mẫu giáo không? Cái đứa mà tên Nam Tuấn ấy! Phải rồi, tôi quên không bảo cháu Tuấn là một trong số các thành viên chơi mô tô.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro