2.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những năm này, Hà Nội rất nghèo. Nhưng không ai sống mà thấy có gì phải buồn.  Nghe đâu người nhạc sĩ thường cảm nhận đúng về chất của Thủ đô: Hà Nội rất lành. Con người ở đây đang đổi mới, bình dị và siêng năng, hơi buồn tẻ nhưng không nhàm chán.

Đặc trưng rõ rệt nhất trong mắt Kỳ về mảnh đất này là những hàng cây xanh ngắt. Hà Thành vô cùng nhiều cây. Mỗi dáng cây mỗi khác. Khi anh có cơ hội mượn chiếc xe đạp màu chàm của Quốc để dạo quanh quanh, anh đã chạy sang cả đường Thanh Niên. Hơi xa nhưng thấy rất đáng. Trước giải phóng, người ta vẫn còn gọi con đường là "Cổ Ngư". Sau này đổi là "Thanh Niên". Riêng anh rất lấy làm thích cái tên vì vẻ gần gũi; thực ra không mỗi anh, mọi nhân dân thành đô đều rất yêu mến nó. Mấy năm trước chính Kỳ và xóm trọ nhỏ cũng từng háo hức đổ sức mình vào việc cải tạo cung đường. Bọn các anh khỏe như những chú trâu, làm tấm gương cho biết bao em nhỏ noi theo.

Gần khu nhà anh có cây bằng lăng hồng gây bao nhiêu cảm xúc, ở "Thanh Niên" lại có những rặng phượng xanh mươn mướt, đầu đường là cây đa huyền thoại. Hồ Tây đem gió lãng mạn vào trong, cây nhảy múa. Người trẻ cũng hay xuống đây ngồi ghế hát ca. Kể từ khi bom đạn bớt trút thì mặt hồ cũng có vẻ vui tính hơn nhiều, làm cho các tấm lòng thơ ngây thường đem tâm tư gửi cả vào chốn mênh mông nước và gió cao. Anh Kỳ đã thăm một vòng hồ, chân đạp xe đến nhừ ra. Anh ao ước về một tương lai hạnh phúc với lời tỏ tình bộc bạch từ trái tim có thể được hồ Tây chứng kiến. Anh không biết bao giờ thì mình sẽ có ai để yêu, hoặc một ai yêu anh. Bây giờ trong tấm lòng anh chỉ có bố mẹ ở dưới quê, tình thân, cùng tình thương đất nước chan hòa trong máu.

Kỳ thực lòng mong một ngày kia có hòa bình, để anh được đem ông Sáu lên đây chụp một pô ảnh với bà Năm. Họ cưới nhau ngày xưa, ở trước đình làng chỉ với trưởng thôn và một con chó vằn đen chung vui. Lúc nào anh cũng mơ như thế, được làm gì đó bù đắp cho họ...

- Anh Kỳ, nay đi làm chứ?

Quốc thức giấc từ năm giờ sáng, cậu lên trường có hẹn với giáo sư để hướng dẫn nghiên cứu khoa học.

- Cậu sinh viên thân mến, chúng tôi làm 6 ngày thôi, ngày cuối tuần ở nhà ngủ.

- Em lỡ khiến anh dậy... - Quốc cười trừ, tay lục lọi trong hộc bàn tìm cái mũ cối hợp với bộ áo Tôn Trung Sơn của cậu.

- Tôi ngủ tiếp ngay bây giờ.

Quốc chạy ra phía cửa phòng, ngoắc ngoắc tay với ai đó bên ngoài. Kỳ nhìn qua lớp chăn nhung nhưng không mấy bận tâm, anh hơi mệt vì tối qua nhà máy cho tăng ca. Gần cuối năm rồi, họ đẩy mạnh cung cấp nông sản cho Thủ đô để có thêm sức mạnh đầu não.

- Anh Kỳ ơi! - Quốc chạy lại bên giường – Lát trưa em về, chúng mình đi chơi nhé?

Đầu Kỳ nhổm dậy, mắt vẫn nhắm tịt.

- Đi đâu?

- Bắt phố Tràng Tiền! Kìa, chúng nó bảo em là có kem kiểu mới, ngon lắm! 

(bắt phố = dạo chơi phố xá)

- Nhưng... tôi chưa nhận lương... – anh ngáp ngoạc cả mồm.

- Hôm nọ anh lo việc làm thêm có thù lao lớn thế cơ mà!

Bấy giờ anh mới sực nhớ ra ông Nghiêm trả mình tận mấy tờ một trăm đồng mới cứng, còn nằm nguyên trong túi. Bận bịu ở xưởng rau làm anh quên khuấy mất.

- Ừ, đúng, Quốc nhắc anh mới nhớ. Cảm ơn cậu nhé.

- Thế anh cứ ngủ, 11 giờ trưa chúng mình đi nhá. Lên đó ăn bánh chả thơm ngon, lâu lắm rồi anh với em có ăn đâu.

Những dòng người sôi nổi di chuyển vào một buổi sáng Chủ Nhật khô ráo. Nắng vàng xen với gió hanh, dịu tắm lên những góc vỉa hè, nhấp nhô sau những mái nhà cao thấp. Có tiếng xích lô chen vào tiếng xe điện rộn ràng từ khắp hướng. Một tốp trẻ tiểu học đang trong buổi ngoại khóa, xinh xắn nắm tay nhau thành hàng đi ngang qua mắt Kỳ. Các em líu lo, ca khe khẽ một bài về chú gà trống gáy ó o. Lại có ông cụ rao bán kẹo kéo, đạp nhọc nhằn trên chiếc xe bạc màu sơn, thu hút sự chú ý của bọn trẻ và cả những người lớn. Ông bấm chuông kinh coong để xin đường, đám trẻ đi tản ra. 

Cánh thanh niên thi nhau tấp vào trong Bốn Mùa (*). "Thiên đường" Hoàn Kiếm xốn xang náo nhiệt, ngập trong những tà áo trắng. Những hố đen quen thuộc vẫn nằm đấy dưới chân người đi. Chúng như một phần máu thịt thành phố. Những người bà, người mẹ, cuối tuần đưa con cháu ra hồ hít thở vị mùa thu. Họ cũng tranh thủ ghé những cửa hàng mậu dịch, cầm theo sổ gạo, mua thêm một ít thứ. Xung quanh chỗ ấy, kín mít nào là xe đạp đứng xếp hàng xen lẫn những cái mặt đăm đăm của các mậu dịch viên "quyền lực".

(* cách gọi tắt tên một cửa hàng mậu dịch chuyên phục vụ ăn uống, thu hút nhiều nam thanh nữ tú)

Khu Bách hóa Tổng hợp (**) chưa trưng đèn cũng như lấp lánh lên, băng rôn, khẩu hiệu, sắc màu treo khắp nơi. Ai nấy cũng tươi rói như hoa. Được đi Bờ Hồ chơi là thích lắm.

(** nay là Tràng Tiền Plaza)

Nhóm các anh trai tuổi đôi mươi, không có nhiều tiền, nhưng mặt phấn khởi. Quốc chen chân vào trong chỗ bán kem mới, khổ sở mãi cũng mua được cho cả bọn một túi thập cẩm bứa phưa. Bọn họ háo hức lắm trước cái kem lạnh ăn vào ngày trời lạnh. Anh Kỳ đang định lấy phần mình thì bị ai đó khều khều tay áo. Anh ngoảnh người, thấy sau lưng là một hai đứa con nít đang thèm thuồng cắn ngón tay, giương mắt tròn to nhìn chăm chăm.

- Nhà ai đây?

Cậu Khánh đứng trong đám sửng sốt lên tiếng.

- Chắc con bé muốn ăn kem.

Mặt em nhỏ thì bẩn, nhìn rõ cả vết nhọ nồi dưới mũi, dưới tai, dưới cằm. Chân cả hai em đều trần, rõ sưng lên vì phải cuốc bộ. Trong xóm trọ anh ở cũng có một nhà nuôi con trạc tuổi này. Nhìn mà anh thấy nhớ hai đứa ấy lắm.

- Thôi, để mình nhường em ăn. Khánh không cần lo.

Kỳ nói vậy, liền ngồi xổm xuống dịu dàng cho đi. Mắt đứa nhỏ sáng lên. Quốc cũng ngồi xuống theo, cậu xoa đầu cả bé gái lẫn bé trai đang ôm váy chị ở phía sau, cười hi hi như một người anh trong nhà:

- Cho cả em nhé. Thơm ơi là thơm, cốm sô cô la.

Cậu Khánh và mấy cậu nữa đứng đằng sau lại đâm ra bối rối. Sau khi hai "người bạn lạ" kia đi rồi, Kỳ mới vỗ lên lưng những người hàng xóm của mình, rồi ân cần bảo:

- Các cậu cứ ăn đi. Đừng lo cho tôi và Quốc. Ăn đi khi còn có thể. Ngày trước, sơ tán, mẹ tôi cũng nói muốn được thử ăn kem mà tôi lại không có cách nào. Các cậu mau thưởng thức khi còn được đứng đây.

Sau một vài tiếng nhếch nhác và lếch thếch đi theo cái kế hoạch tán gái của bọn Khánh, Doãn Kỳ và Chính Quốc quyết định tách ra để đi ăn bánh chả. Bánh chả làm nóng cái bụng những chàng trai trong một ngày cuối thu se se.

- Anh Kỳ, em nói này. Nếu có kiếp sau, hay là hai chúng mình đẻ ra cùng một nhà đi.

- Mẹ tôi chả ưng Quốc còn gì, "thằng con" của bà Năm giờ đòi làm ruột thịt, giá mà tôi viết được lá cho bà biết! – anh bật cười, âm điệu ấm áp và ngọt ngào như có cái sự thương nhau lan tỏa trong không gian của họ. Họ ngồi ăn trên chiếc bàn gỗ thấp tịt, lủng một bên chân, phải gác nó vào một góc tường gạch mới đựng nổi đĩa bánh. Cả hai cụng bia hơi với nhau. Thật là sảng khoái và thoải mái quá. Từ bận anh đi làm, Quốc vào trường học, chỉ có khi nào xóm trọ tổ chức nhậu thì mới uống với nhau được. Mà vốn dĩ cũng chẳng có tiền rủng rỉnh đâu.

Yên lặng một lúc. Nhâm nhi những miếng bánh xén nhỏ trong làn gió lành lạnh, Quốc bất chợt thở dài:

- Anh, em nhớ biết làm sao hồi còn ở quê.

Quê của Quốc ở dưới Hải Phòng. Gia cảnh cậu, không có cha mẹ nữa, chỉ còn một người ông nội. Ông đã già rồi. Hồi xưa còn làm nhà giáo đi dạy cấp hai ở đất cảng, bây giờ chỉ có nước loanh quanh với mảnh vườn và những bãi biển chiều chiều buông nắng một mình. Ông nuôi Quốc lớn, cho đi ăn học tới bây giờ. Cậu buộc phải lên đây cũng là vì ước nguyện của cụ. Cái đức nghiêm túc và hào phóng của ông nội phần nào truyền cả vào trong người đứa cháu đích tôn.

- Một ngày nào đó, Quốc sẽ được về với ông thôi... - Kỳ an ủi.

- Nhưng em cũng muốn tham gia vào một tổ chức! Chả lẽ lại chỉ ngồi hoài niệm quá khứ mà không lo toan cho đất nước mình! Em chịu được ư?

- Kìa, chú em là một người chiến sĩ từ trong tâm tưởng. Cậu sẽ làm được mọi thứ cậu muốn. Trước mắt hãy cứ tập trung học hành...

Quốc không đáp, đưa tay gãi phần da cổ chân bên dưới bị ruồi bâu. Trong Kỳ dấy lên một nỗi thương cảm trước cậu con trai chỉ vừa tròn mười tám, người mà anh quý mến nhất trong tất cả mối quen từ trước tới giờ.

- Uống đi, rồi hai ta sang chỗ khác chơi.

---

Gót chiều buông xuống. Sau một ngày đại náo thì nhóm kia cũng về trọ nghỉ ngơi. Chỉ còn hai anh em Kỳ vẫn lang thang trên những bậc vỉa hè đá. Về tối, những hoạt động kinh doanh buôn bán khắp phố phường không còn náo nhiệt như trước nữa. Anh Kỳ vốn định chỉ đi ăn kem rồi về ngay, nhưng con người anh cũng dễ tính, anh cho Quốc dẫn mình đi khắp nơi.

Một sinh viên, lại còn thuộc dạng hết mình trong mọi chuyện, Quốc sực nhớ ra cần thu thập thêm tài liệu phục vụ cho cái kế hoạch nào đó trên trường. Cậu nói với Kỳ bằng giọng hết sức thiết tha:

- Anh Kỳ ơi, chúng ta đi nhà sách một chút thôi! Em cần mua vài thứ. Anh biết đấy mà, chúng nó sẽ xử lý em trong lần họp sau mất! 

Kỳ chỉ ậm ừ. Gió lạt mùi thổi mịt mù trong trí anh. Kỳ vốn đâu có cái tư cách quyết định chuyện học của người khác. Người như anh còn chưa trải hết cấp ba. Cậu Quốc nên làm bất cứ cái gì phục vụ tốt cho tri thức của cậu. Mai này biết chừng Quốc đi vào làm trong Chính Phủ. Anh cười khùng khục, những ngón tay vẫy nhẹ cho xe đạp trên đường biết mà tránh. Thế là cùng đi vào mấy cái tiệm lụ sụ toàn những giấy tờ trắng vàng và bụi bặm thôi. Cái bảng đề chữ "Thụy Ký" to như máy bay trên đỉnh đầu người ra kẻ vào. Đối với dân Hà Nội mà nói, 30 cửa hàng bán tri thức chẳng có gì là xa lạ nữa. Mà Thụy Ký là một trong số đó.

Lúc sáng đi ăn kem ở Paul Bert (*), tối muộn về đây mua sách. Nơi họ vào là một tòa nhà vốn thuộc sở hữu của hãng xuất bản Schneider. Ngày xưa anh Kỳ được giới thiệu cho biết. Bây giờ còn hay không, cũng không rõ. 

(* Paul Bert là tên cũ của phố Tràng Tiền)

Trong lúc Quốc mân mê ánh mắt và những đầu ngón tay ở khu vực tư liệu học thuật, Kỳ rảo bước ngó nghiêng xung quanh. Những sạp báo gần cửa vào cũng đã vãn hồi. Sáng sáng, phải xếp hàng lâu lắm mới có được tờ báo. Mà hiếm. Đứng mỏi chân mà đi về tay không, mặt ai cũng buồn như mất sổ gạo. Những tờ báo này chỉ có người lớn đọc, nhưng bây giờ thi thoảng bọn trẻ cũng lôi ra "ngâm cứu", chẳng thua gì các cụ. Có lẽ, sống trong năm tháng ngày hôm nay đã buộc bộ óc ngây thơ của chúng hình thành nên những cái gì rất mơ hồ, rất ngơ ngác về tình hình dân tộc. Nếu trong tương lai kia mà "chuyện đó" xảy ra một lần nữa, chắc chúng cũng xốn xang lên cái tinh thần biết xung phong.

Ở Hà Nội bấy giờ, quán ăn không thu hút bằng hiệu sách. Kỳ cố gắng lướt thật nhanh để không gây khó xử cho họ - những cô cậu thiếu niên đang rúc vào các góc đọc truyện chữ. 

Tiếng nhạc ngoại phát ra từ trên đỉnh, đầy du dương, lãng mạn, vẫn bao lấy không gian theo từng bước anh đi...

- Xin lỗi, tôi có thể nhờ anh một việc này không?

Có giọng nói nhỏ nhẹ bỗng cất lên từ phía sau lưng. Bàn chân Kỳ chợt dừng lại, lùi bước sang một bên rồi khẽ khàng xoay.

Thanh âm của người này không mang lại cảm giác nhiều ngữ điệu. Đó là một chất giọng bằng bằng, rất bé, nghe thấy hài lòng và thiện chí lắm.

Chẳng phải cậu công tử họ nhà Trịnh đang đứng ngay đây sao?

Hai người chạm mắt nhau. Khỏi phải nói, đến cả chính cậu Tích cũng thấy giật mình. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro