6. Giọng văn―

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Tôi thường bắt đầu viết những câu chuyện từ giọng văn, không phải từ nội dung  cũng như người ta tạo ra giai điệu rồi sau đó mới sáng tác lời nhạc."
Etgar Keret

Cũng như họa tiết (motif), bây giờ tôi muốn các bạn quên ngay những gì các bạn đã biết về "giọng văn" đi. Được chưa? Rồi.

Giọng văn, hay còn gọi là giọng điệu, là thái độ của tác giả đối với chủ đề hoặc đối tượng trung tâm của tác phẩm. Giọng văn được hình thành qua cách tác giả lựa chọn cú pháp, từ vựng, chi tiết và ngôn ngữ tượng hình.

1. Hân hoan, vui sướng: Cảm giác giống như bạn được rủ đi ăn món mà bạn đang thèm mấy hôm nay.

2. Nghiêm túc: Giọng văn này tạo ra một mức độ hồi hộp trong người đọc. Nó làm tăng sự tập trung của độc giả vì các chi tiết quan trọng được viết một cách nghiêm túc.

3. Hài hước: Hài hước không chỉ là làm độc giả cười. Giọng văn hài hước còn khiến cho những cảnh truyện bi thương, nghẹt thở lại mang đến khí sắc dễ chịu và an toàn khi đọc.

4. Buồn: Nỗi buồn là điều có liên kết mạnh mẽ với thực tế nhất. Chỉ những khi buồn, chúng ta mới bắt đầu suy ngẫm về chính mình. Vì vậy, giọng văn buồn là giọng văn dễ khiến người đọc đồng cảm với các nhân vật (hoặc với tác giả), và sự đồng cảm này sẽ khiến họ gắn bó với câu chuyện.

5. Trang trọng: Giọng văn này được viết với những câu từ mang nhiều tính học thuật, đôi khi là những từ vựng cao cấp (mà phải tra từ điển mới hiểu), và thường thì nó gắn với những nhân vật có gia thế cao (giới quý tộc, hoàng gia,...), hoặc cảnh truyện trang trọng (lễ tang, cuộc họp,...)

6. Không trang trọng: Ngược lại với số 5, giọng văn này bình dân, đôi khi dùng cả tiếng lóng, tiếng tục. Việc chọn giọng văn này phụ thuộc vào nhân vật và bối cảnh.

7. Lạc quan: Không giống như hân hoan ở số 1, giọng văn lạc quan khiến những sự kiện bi đát trong truyện trở nên đầy hy vọng.

8. Bi quan: Ngược với số 7, giọng văn này đem lại tâm trạng tuyệt vọng nặng nề dù cảnh truyện đang phấn khởi.

9. Kinh dị, rùng rợn: Giọng văn này gây ra khí sắc sợ hãi, hồi hộp cho độc giả.

Chín giọng văn này là những giọng văn cơ bản, dùng để tham khảo, và để hiểu rõ giọng văn là gì. Sẽ còn những giọng văn khác như đa cảm, tự phụ, đen tối, gợi tình... mà bạn có thể đưa vào truyện của mình.

Nhiều tác giả rất không coi trọng giọng văn dù nó luôn được xướng tên trong danh sách những thành phần truyện, ngang hàng với cốt truyện, POV, nhân vật,... Và giọng văn thì củng cố cho chủ đề không kém gì họa tiết.

Giọng văn là một trong những công cụ mà tác giả dùng để củng cố cho lập luận, cho thông điệp, cho ý nghĩa của câu chuyện. Giọng văn cùng với chủ đề nằm ở bảy phần chìm của tảng băng. Mọi yếu tố truyện đều liên quan mật thiết với nhau, củng cố cho nhau, làm việc ăn khớp để tạo thành một câu chuyện chặt chẽ và tròn đầy. Vì vậy, giọng văn phải có mục đích và phải nhất quán. Bạn phải lựa chọn từ ngữ cẩn thận để duy trì giọng văn.

Duy trì giọng văn không có nghĩa là bạn chỉ sử dụng một giọng văn cho cả truyện, mà là khi bạn đổi giọng văn (vì cảnh truyện yêu cầu, vì sự thay đổi trong nhân vật, bối cảnh,...), hoặc kết hợp các giọng văn với nhau (vừa hài hước vừa đen tối, vừa tình cảm vừa trang trọng,...) bạn phải đang ý thức được điều đó và sự thay đổi phải phù hợp, thuyết phục và rõ ràng. Đổi giọng văn và kết hợp các giọng văn theo luật rừng cũng khủng khiếp như một người không biết gì về vĩ cầm mà vẫn cố kéo vậy đó.

Bạn có bao giờ đọc một tác phẩm mà khi nhìn cận cảnh từng câu văn, đoạn văn thì thấy khả năng văn chương chữ nghĩa của tác giả hết sức bình thường; nhưng khi đọc cả cảnh truyện, cả chương, cả tác phẩm lại thấy rất mượt mà chưa? Đó chính là sức mạnh của sự thành thạo trong việc kiểm soát giọng văn. Có những "người viết tự do" không tự nhận ra mình thành thạo về giọng văn. Vì như đã nói, họ là những người có năng khiếu kể chuyện.

Xác định giọng văn.

LƯU Ý: Khi tôi nói "không được", hoặc "đừng", hoặc tương tự, thì không có nghĩa là "hoàn toàn không" mà tôi đang nói về giai điệu tổng thể. Vì vậy, sẽ không hẳn là sai, hay dở nếu bạn đang sử dụng một mô hình, hoặc một phong cách phối giọng văn của riêng mình.

Giọng văn theo chủ đề: Nếu bạn đang viết chủ đề về "hòa bình, công bằng xã hội" (theo hướng ủng hộ) thì chắc chắc không được dùng giọng văn bi quan.

Giọng văn theo thể loại: Bạn viết truyện kinh dị rùng rợn và dùng giọng văn lạc quan, hân hoan thì con ma sẽ thành thần tình yêu mất.

Giọng văn theo cảnh: Cảnh buồn, đau lòng, hay kịch tính, hồi hộp? Tính từ nào cho cảnh truyện thì tính từ đó cho giọng văn.

Giọng văn theo bối cảnh: Nếu truyện của bạn viết về giới quý tộc Anh thời cận đại, thì hẳn điều đầu tiên nên tránh xa là giọng văn không trang trọng.

Giọng văn theo nhân vật: Thường dùng khi gặp ngôi thứ nhất, thứ ba giới hạn, thứ ba sâu và thứ ba đa quan điểm, nhân vật của bạn có tính cách như thế nào thì giọng văn sẽ như thế đó. Đặc biệt, giọng văn chính là thứ giúp bạn tránh được lỗi "nhân vật trở thành tác giả" khi viết các ngôi kể trên.

Giọng văn tự do: Không có nghĩa là theo... luật rừng. Giọng văn tự do là bạn chọn giọng văn theo tâm trạng lúc đó của bạn mà không phải cân nhắc bất cứ gì. Nhưng phải có tính nhất quán và sự duy trì.

Duy trì giọng văn.

Giọng văn của truyện được hình thành qua cách tác giả lựa chọn cú pháp, từ vựng, hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ tượng hình. Mà việc lựa chọn từ ngữ, cú pháp/cách diễn đạt, biện pháp tu từ,... luôn là chuyện cần cẩn trọng bất kể bạn có quan tâm đến giọng văn hay không. Vậy thì cũng chỉ bằng một cách như thế thôi bạn đã duy trì được giọng văn rồi.

Giọngbvăn và khí sắc (mood).

Khi bạn  độc giả  đọc một câu văn hoặc một đoạn văn mà những từ ngữ của nó gây cho bạn một cảm xúc (ví dụ như đọc xong thấy buồn miên man) thì đó là khí sắc. Trong khi giọng văn là thái độ của tác giả qua cách họ lựa chọn từ ngữ và cú pháp câu khi viết.

Vậy, khí sắc là thái độ của độc giả, còn giọng văn là thái độ của tác giả.

Vấn đề ở đây là gì mà phải bận tâm giữa khí sắc và giọng văn? Không phải chỉ là chuyện phân biệt, nó sẽ nghiêm trọng hơn khi trong cùng một câu văn, nhưng giọng văn mà tác giả truyền tải đi và khí sắc mà độc giả nhận được lại khác nhau, thậm chí là ngược nhau.

Khi bạn coi phim, nhạc nền là thứ mà đạo diễn dùng để củng cố cho khí sắc của khán giả. Nhưng truyện thì không có nhạc, vậy nên giọng văn là thứ quyết định điều đó.

Giọng văn và tiếng nói.

Tiếng nói đã được đề cập đến trong bài học về kỹ thuật POV, nhưng ở đây, chúng ta bàn về tiếng nói của tác giả.

Khi bạn viết, có một tiếng nói trong đầu và bạn viết theo tiếng nói đó. Nó chính là tiếng nói của tác giả. Cũng vì vậy, tiếng nói của bạn chính là phong cách nói chuyện của bạn.

=> Nếu bạn hài hước, tiếng nói của bạn hóm hỉnh, duyên dáng.
=> Nếu bạn nghiêm túc, tiếng nói của bạn cứng cõi, dày dặn.
=> Nếu bạn thơ mộng, tiếng nói của bạn lãng mạn, ngọt ngào.

Tiếng nói tác giả có thể gây ra một số vấn đề như:

• Sai ngữ pháp văn viết: Vì bạn sẽ có xu hướng gõ ra văn nói.

• Tiếng nói nhân vật không rõ ràng: Bị lẫn với tiếng nói tác giả gây một màu.

• Giữa các truyện có màu sắc quá giống nhau (A)

Đây là lý do mà giọng văn thường bị nhầm lẫn với tiếng nói của tác giả. Tiếng nói của tác giả là quan điểm về tính cách của họ. Trong khi đó, giọng văn của truyện truyền tải thái độ của họ về những gì họ đang viết.

Tiếng nói của tác giả là sự khác nhau giữa người với người. Giọng văn là sự khác nhau của chính bạn khi bạn nói chuyện với đứa bạn thân và khi bạn nói chuyện với đứa bạn ghét; khi bạn nói chuyện với sếp và khi bạn nói chuyện với bố mẹ; khi bạn tức giận và khi bạn hạnh phúc; khi bạn ở nơi trang nghiêm và khi bạn ở chung với hội khẩu nghiệp. Bạn có những cách nói khác nhau với những người/hoàn cảnh/nơi chốn khác nhau gọi là giọng văn, nhưng dù là cách nào thì bạn vẫn là chính bạn gọi là tiếng nói.

Vì tiếng nói của tác giả là quan điểm về tính cách, con người của tác giả, nó liên quan nhiều đến phong cách riêng của tác giả và nó luôn như thế giữa các tác phẩm của họ mặc cho họ có thay đổi người dẫn truyện, thay đổi chủ đề, thay đổi giọng văn của các câu chuyện đến đâu chăng nữa. Đây chính là cái mà không ai sao chép hay ăn cắp của bạn được.(B)

Có lẽ bạn đang thấy sự mâu thuẫn giữa A và B. A khi được khắc phục bằng kỹ thuật giọng văn và kỹ thuật POV sẽ cho ra B, và B thì hoàn toàn không xấu.Vì bất cứ điều gì bạn viết cũng nên có tiếng nói của bạn  một cái gì đó làm cho văn bản của bạn nghe giống như bạn.

Tiếng nói tác giả  giọng văn  tiếng nói nhân vật.

Tiếng nói tác giả là điều tự nhiên của bạn, bạn chỉ có thể quá nhập tâm với nó thôi chứ không thể thoát khỏi nó được. Mà, một khi tốt tiếng nói nhân vật và giọng văn thì chuyện quá nhập tâm với tiếng nói của chính mình, chuyện truyện bị một màu, hay chuyện nhân vật bị biến thành tác giả không còn phải e ngại nữa. Vì vậy, ở vấn đề này, chúng ta sẽ không đề cập đến tiếng nói của tác giả.

Còn lại giọng văn và tiếng nói nhân vật. Nếu nhân vật có tính nghiêm túc nhưng bạn lại muốn sử dụng giọng văn hài hước thì sao?

Nếu người dẫn truyện là nhân vật và nhân vật này có tính nghiêm túc thì bạn không thể sử dụng giọng văn hài hước. Chỉ có thể sử dụng theo cảnh khi nhân vật khác hài hước hơn xuất hiện, hoặc khi tiếng nói nhân vật chuyển biến theo tâm trạng, nhưng tổng thể thì không. Vì khi bạn cất công xây dựng một "thanh niên nghiêm túc" và để anh ta dẫn truyện, thì giọng văn hài hước được sử dụng bừa bãi sẽ đạp đổ nhân vật.

Nếu người dẫn truyện không phải "thanh niên nghiêm túc" đó thì giọng văn là sự lựa chọn của người dẫn truyện, không bị ảnh hưởng bởi tính cách nhân vật.

Đăng tải lần đầu: 08.02.2019
Cập nhật lần cuối: 17.04.2020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro