5. Bối cảnh―

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Người tác giả phải biết rõ vùng đất của anh ta, kể cả là thật hay là hư cấu, như lòng bàn tay."
Robert Louis Stevenson

Tất cả chi tiết phía dưới về bối cảnh (setting) đều quan trọng nhưng không phải truyện nào cũng cần tất cả chúng. Có những truyện chỉ cần một số trong chúng. Hãy tùy vào từng truyện mà chuẩn bị.

Bối cảnh không chỉ đơn giản là vị trí địa lý hoặc khoảng thời gian mà đóng vai trò làm nền cho hành động của nhân vật. Bối cảnh là cả thế giới nơi nhân vật sống và phiêu lưu.

Đối với nơi chốn:

• Nơi diễn ra cảnh truyện đóng góp vào khí sắc (mood) và giọng văn (tone). Ví dụ: Một rừng cây âm u sẽ tạo ra cảm giác nguy hiểm hoặc bí ẩn hơn so với một đồng bằng sáng sủa, thoáng cây.

• Địa điểm định hình cho nhân cách nhân vật. Ví dụ: Một nhân vật sống trong một thị trấn nhỏ với những mỏ khoáng sản sẽ có những nhận thức và cách suy nghĩ rất khác so với một nhân vật sống trong một thành phố lớn.

• Địa điểm có thể phát triển và thay đổi cùng với sự tiến triển của dòng ý thức. Bạn có thể sử dụng sự thay đổi của địa điểm để biểu thị các tình huống mà ảnh hưởng đến chuyển biến trong quan điểm và tâm lý nhân vật của bạn.

Ví dụ: Trong tác phẩm "Brideshead revisited" của nhà văn Evelyn Waugh, nhân vật (ngôi thứ nhất) đến thăm một trang viên lớn mà ông ta biết khi còn trẻ. Nhưng khi ông ta đến nơi, nó đã sụp đổ sau chiến tranh. Điều này tạo nên nỗi nhớ u uất. Waugh đã sử dụng sự thay đổi trong thiết lập địa điểm để truyền đạt ý tưởng về sự mất mát và làm nổi bật chuyển biến nội tâm nhân vật.

Đối với thời điểm:

• Giống như địa điểm, thời gian, ở một mức độ nào đó,trở thành rào cản cho các nhân vật. Thiết lập thời gian trong truyện tác động đến cách sống, hành động của nhân vật. Phụ nữ Việt Nam những năm 60 không ăn mặc thoáng mát như bây giờ.

• Thiết lập thời gian trong truyện còn xác định loại công nghệ nào có sẵn.Thế kỷ XVI thì chưa có taxi.

• Thiết lập thời gian cũng hữu ích không kém khi thể hiện và nhấn mạnh những thay đổi mà góp phần phát triển nhân vật và cốt truyện. Ví dụ: Thay đổi của chính phủ, khám phá khoa học, niềm tin xã hội,phong tục.

1. Nghiên cứu về địa điểm mà câu chuyện sẽ diễn ra.

Tìm hiểu kỹ lưỡng về nơi mà câu chuyện của bạn đặt bối cảnh nếu đó là một địa điểm trong thế giới thực.

Ví dụ: Nếu bạn đang viết về La Mã cổ đại, hãy tìm những cuốn sách hoặc các chuyên trang có phác thảo kiến trúc, xã hội, phong tục và tín ngưỡng của La Mã cổ đại. Công việc này tuy nhọc nhưng rất vui và thoả mãn.

Còn nếu bạn đang bịa ra một thế giới hư cấu của riêng mình, hãy hiểu rõvề cách mà thế giới của bạn vận hành để hỗ trợ cho trí tưởng tượng của bạn. Ví dụ: nhiều truyện kỳ ảo bắt đầu bằng bản đồ của bán đảo hoặc lục địa để tạo cho thế giới huyền huyễn của mình một cảm giác mạnh mẽ hơn về hiện thực hữu hình,có thể đo lường được.

Như phim Aquaman có bối cảnh hư cấu là các vương quốc dưới đáy biển, và mỗi vương quốc đều có một ví trí địa lý tương đương trên bản đồ thế giới. Điều này làm cho người xem có một sự liên kết trong tâm trí với thế giới thực.

Hoặc như King Kong, ai cũng biết trên đời này không có con Kong nhưng họ vẫn làm cho khán giả có cảm giác là hòn đảo đó có thực trên bản đồ, chỉ là bị che khuất và giờ mới được phát hiện ra.

Bạn cũng có thể có một thế giới khác như lỗ hổng không gian, hành tinh ngoài hệ mặt trời, hay một thế giới do bạn tạo ra chứ không nhất thiết phải tạo cảm giác có thật. Nhưng bạn phải nắm rõ cách mà thế giới của bạn vận hành.

2. Sử dụng địa điểm như cách bạn sử dụng nhân vật.

Bạn tạo tiếng nói riêng cho nhân vật để họ trở nên chân thực; để các nhân vật không trở thành bản sao của nhau. Tương tự như vậy, địa điểm trong truyện cũng nên có "tiếng nói" riêng:

• Tạo các mô tả vật lý làm cho địa điểm đó trở nên đáng nhớ và đặc biệt: Nơi đó nổi tiếng là gì? Có những địa điểm quan trọng nào? Bầu không khí chung của nơi đó như thế nào?

Ví dụ: Hòn đảo nơi con Kong ở nổi tiếng vì con thú nào cũng toàn khổng lồ.Những địa điểm quan trọng là bãi tha ma có khí độc, địa bàn của thằn lằn xương sọ, con sông có con mực khổng lồ. Một ngôi làng thổ dân.

• Phát triển địa điểm: Địa điểm của bạn sẽ thay đổi như thế nào trong suốt câu chuyện? Các hành động của nhân vật có ảnh hưởng đến địa điểm đó (và ngược lại) không? Làm thế nào để cộng đồng liên quan đến địa điểm? Có biến đổi khí hậu không? Thời gian đem lại những hiệu ứng như thế nào lên địa điểm và điều này ảnh hưởng đến các nhân vật ra sao?

3. Thế giới thực.

Truyện của bạn không có yếu tố huyền huyễn, là một câu chuyện xảy ra ở trái đất thực tế, nhân vật là người thường, thì bạn cần tìm hiểu về thông tin thực tế của địa điểm đó. Bạn không cần phải viết chính xác tên của từng con đường, nhưng quá sai lệch về khí hậu, địa lý, chính trị, xã hội, và bỏ qua những nét văn hóa đặc trưng sẽ là một mất mát lớn.

4. Phối hợp giữa thực tế và giả tưởng.

Thường thấy trong những trường hợp:

• Khi bối cảnh của bạn là một nơi chốn có thực nhưng bây giờ không còn tồn tại nữa (một nền văn minh đã mất chẳng hạn). Bạn tưởng tượng xem nó đã như thế nào vào thời điểm đó. Bạn có thể có nhiều dữ liệu và cố gắng viết đúng nhất trong khả năng, cũng có thể có ít dữ liệu và tự do bịa ra câu chuyện của mình.Nhưng với trường hợp này mà quá sai với các thông tin nền tảng thì độc giả sẽ không tận hưởng câu chuyện của bạn. Đôi khi tác hại sẽ còn lớn hơn nếu độc giả tin vào thông tin sai lệch đó (gọi là bị đầu độc kiến thức).

• Khi một địa điểm vừa có thực vừa không có thực. Ví dụ như Atlantis.

• Khi bối cảnh có thực nhưng được kết hợp với yếu tố kỳ ảo. Ví dụ như Ai Cập cổ đại và những phép mầu; London những năm 90 và thế giới phù thủy (Harry Potter).

Khi tài liệu trở nên khang hiếm, hãy đi mượn. Mượn từ địa điểm khác,mượn từ các nhà văn mà tác phẩm của họ có bối cảnh tương tự. Nếu bạn không đụng đến nhân vật, tình tiết, cốt truyện và bối cảnh thuộc về giả tưởng thì đừng sợ bịchỉ trích đạo văn. Tôi mượn chi tiết trong bối cảnh của Sherlock Holmes (trang phục, phương tiện giao thông, văn hóa ứng xử,...) cho một tiểu thuyết kỳ ảo của tôi khi cả hai cùng niên đại. Vì Sherlock Holmes chứa những thông tin chuẩn xác về văn hóa, cảnh quan của niên đại đó. Mà chỉ có người điên mới đọc truyện lãng mạn kỳ ảo mà nói tôi đạo... truyện trinh thám.

5. Những yếu tố chi tiết hơn về thời gian và địa điểm.

a. Địa phương: Điều này liên quan đến các danh mục rộng như: quốc gia, tiểu bang, vùng,thành phố và thị trấn; cũng như các địa phương cụ thể hơn: chẳng hạn như khu phố,đường phố, nhà ở hoặc trường học. Các địa phương khác có thể bao gồm bờ biển,đảo, trang trại, nông thôn,...

b. Thời gian trong năm: Thời gian trong năm thì đa dạng và có ảnh hưởng trong truyện. Thời gian trong năm bao gồm các mùa và các ngày lễ, chẳng hạn như Hanukkah, Giáng sinh, Giao thừa, Năm mới, Halloween,... Ngày cụ thể cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như ngày giỗ của một nhân vật hoặc người thật, hoặc kỷ niệm một trận chiến, như cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng.

c. Thời gian trong ngày: Những cảnh truyện cần diễn ra trong nhiều thời gian hoặc giai đoạn khác nhau trong một ngày/đêm, chẳng hạn như bình minh hoặc hoàng hôn. Người đọc có mối liên hệ rõ ràng với các khoảng thời gian khác nhau trong ngày, nó sẽ giúp bạn có một định hướng trực quan trong một cảnh mà không mất nhiều công sức miêu tả.

d. Thời gian trôi qua: Phút,giờ, ngày, tuần và tháng trong một câu chuyện phải được giải thích (bằng kỹ thuật thể hiện),nếu không người đọc sẽ bối rối và câu chuyện sẽ bị thiếu tính xác thực. Cảnh truyện diễn ra từng khoảnh khắc một, và thời gian được đếm. Cả khi một đoạn hồi tưởng được chèn vào, hoặc khi một nhân vật di chuyển một quãng đường dài. Bạn có thể không ghi rõ là nhân vật lái xe mất bao nhiêu phút, nhưng phải chú ý đến sự chuyển động của thời gian.

Bạn có thể sẽ không ghi rõ là nhân vật lái xe mất bao nhiêu phút, nhưng phải chú ý chú ý sự chuyển động của thời gian.

Ví dụ: Nhân vật cắm lửa trại và rời khỏi bãi biển (dù không nói gì độc giả vẫn biết là trời đã tối trễ, vì không ai cắm lửa trại lúc còn sớm cả). Sau khi về đến nhà trải qua mấy trang truyện tâm sự gia đình (độc giả sẽ tự hiểu là đã quá nửa đêm sang rạng sáng) nhân vật đi ngủ. Vấn đề sẽ chỉ phát sinh nếu sáng hôm sau (của cảnh truyện), bạn cho thấy nhân vật đã trải qua một giấc ngủ dài, ngủ đủ.

e. Tâm trạng và bầu không khí: Các nhân vật và sự kiện bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiệt độ, ánh sáng và các yếu tố hữu hình khác, từ đó ảnh hưởng đến âm sắc cảm xúc, tâm trạng và bầu không khí của một cảnh. Ví dụ rừng cây ở trên.

f. Khí hậu: Khí hậu được liên kết với địa lý và địa hình của một địa điểm, khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến các sự kiện và con người. Các dòng hải lưu, hướng gió và các khối không khí, vĩ độ, cao độ, núi, khối đất và các khối nước lớn đều ảnh hưởng đến khí hậu. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn viết về một khung cảnh thực tế để hiểu được ảnh hưởng của khí hậu. Khí hậu khắc nghiệt có thể làm cho cuộc sống nghiệt ngã, trong khi khí hậu nhiệt đới có thể tạo ra lối sống vô tư hơn. Ngoài ra, quan tâm tới khí hậu còn liên quan đến xung đột giữa nhân vật và thiên nhiên nữa.

g. Địa lý: Là các khía cạnh cụ thể của nước, địa hình, hệ sinh thái trong khung cảnh của bạn. Địa lý cũng bao gồm khí hậu, đất, thực vật, đá và khoáng chất. Địa lý có thể tạo ra những ảnh hưởng rõ ràng trong một câu chuyện như ngọn núi mà nhân vật phải leo lên, dòng sông chảy xiết mà anh ta phải băng qua, hoặc một khu rừng phương Bắc mà anh ta phải trải nghiệm. Bất kể câu chuyện được đặt ở một ngôi làng miền núi ở dãy Alps của Thụy Sĩ hay một khu nghỉ mát sang trọng ở bờ biển Florida, thế giới tự nhiên với tất cả các biến thể và ảnh hưởng địa lý của nó phải thấm vào câu chuyện.

h. Địa lý nhân tạo: Là về sự ảnh hưởng của con người đến thế giới (thiên nhiên, khí hậu,...). Điều này cho thấy sự sáng tạo của con người nhưng cũng cho thấy sức tàn phá của nền văn minh. Người đọc muốn bằng chứng trực quan trong một thế giới truyện, và địa lý nhân tạo dễ dàng được đưa vào để đáp ứng điều đó. Hãy chắc chắn rằng câu chuyện của bạn chứa đựng bằng chứng về dấu chân mà con người đã để lại ở địa điểm đó. Hãy lợi dụng sự ảnh hưởng của con người lên địa lý để đem lại cảm giác thực cho bối cảnh, nhất là những truyện được đặt ở địa phương có thực hoặc nổi tiếng. Những địa danh này bao gồm đập, cầu, cảng, thị trấn,thành phố, di tích, nghĩa trang và các tòa nhà nổi tiếng. Hãy xem xét ảnh hưởng của nhân loại trong việc sử dụng đất, và ảnh hưởng của các mỏ, phá rừng, nông nghiệp, thủy lợi, vườn nho, chăn thả gia súc và đồn điền cà phê.

i. Thời đại. Thời đại có tầm quan trọng về lịch sử. Các sự kiện lớn, chiến tranh hoặc giai đoạn lịch sử liên quan đến cốt truyện và chủ đề có thể bao gồm nội chiến, thế chiến, thời trung cổ, bệnh dịch hạch, thời kỳ nô lệ ở miền Nam... Sẽ là một điều đáng tiếc nếu câu chuyện của bạn diễn ra vào những năm 1800 mà không đề cập đến cơn sốt vàng.

j. Ảnh hưởng tổ tiên. Ví dụ: ở nhiều khu vực của Hoa Kỳ, ảnh hưởng tổ tiên của các nước châu Âu như Đức, Ireland, Ý và Ba Lan rất rõ rệt; các thành phố, vùng vịnh và nhiều khu đặc biệt chịu ảnh hưởng từ tổ tiên người Mỹ bản địa, người Canada gốc Pháp, và người Mỹ gốc Phi. Ảnh hưởng của tổ tiên có thể được thể hiện trong ẩm thực, đối thoại, giá trị, thái độ và quan điểm chung.

6. Kiến thức và khả năng của nhân vật trong bối cảnh.

Kiến thức và kỹ năng của một người sống ở thế kỷ VI sẽ khác với kiến thức và kỹ năng của một người ở thế kỷ XXI. Khả năng của một người trong thế giới kỳảo (Harry Potter) sẽ khác với khả năng của một người trong thế giới khoa học viễn tưởng (Ironman) hoặc trong thế giới thực (Sherlock Holmes). Kể cả giữa những tác phẩm kỳ ảo: khả năng và cách sử dụng phép thuật của một phù thủy Anh quốc thế kỷ VI sẽ khác với một pháp sư Bắc Âu Cổ đại.

Đăng tải lần đầu: 13.02.2019
Cập nhật lần cuối: 11.11.2020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro