3. Miêu tả―

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Miêu tả bắt đầu từ trí tưởng tượng của tác giả nhưng nên hoàn thiện trong trí tưởng tượng của độc giả."
Stephen King

"Nhiều tác giả, một cách sai lầm, tin rằng miêu tả là nhàm chán. Miêu tả, khi được viết đúng cách, là một phần rực rỡ và thiết yếu của câu chuyện."

Nhiều tác giả vẫn từ chối miêu tả với nhiều lý do như là không thích, không có khiếu, không biết, cảm thấy không cần thiết,... Nhưng miêu tả là cơ thể của truyện.

Đồng hành cùng bài học này là nhà văn Harvey Chapman tại trang novel-writing-help.com. Vì tôi đọc từ chuyên trang của chú nên sẽ không có trích dẫn sách.

TẠI SAO MIÊU TẢ QUAN TRỌNG?

Không có miêu tả, câu chuyện của bạn sẽ như bộ xương khô. Truyện không phải phim,không có phần nhìn, mọi thứ: hình ảnh, khung cảnh, mùi, vị, âm thanh,... đều thông qua những con chữ. Khi miêu tả tốt, bạn có thể vẽ một bức tranh khung cảnh chỉ bằng một vài chi tiết được chọn lọc và người đọc sẽ hoàn thành nó bằng những hình dung khác nhau. Mà việc bạn tả tốt không phải là chuyện bạn thích hay không, cũng không phải bạn có khiếu hay không, mà là bạn học và luyện tập như thế nào.

CÁC DẠNG CỦA MIÊU TẢ:

Đoạn văn miêu tả: Cả đoạn văn chỉ làm vai trò miêu tả. 

Ví dụ:

Trên khắp College Hill, trong các khu vườn hình học của lâu đài Gruzia, sân trước có mùi mộc lan của người Victoria, dọc theo vỉa hè bằng gạch chạy qua hàng rào sắt đen như trong phim hoạt hình của Charles Addams hoặc câu chuyện Lovecraft; bên ngoài các xưởng vẽ nghệ thuật tại trường thiết kế Rhode Island, nơi một họa sĩ giỏi, thức cả đêm để làm việc, đang phàn nàn Patti Smith; chiếu sáng các nhạc cụ (lần lượt là tuba và kèn) của hai thành viên ban nhạc diễu hành Brown người đã đến sớm là mặt trời, nó cũng đang chiếu sáng trên từng tay nắm cửa bằng đồng, từng cánh côn trùng và từng ngọn cỏ.
(Trích trang 4, tác phẩm "The marriage plot")

Miêu tả trong hoạt động nhân vật: Xuất hiện yếu tố hình ảnh, giác quan lẫn vào hành động nhân vật, thoại và cả độc thoại nội tâm.

Ví dụ:

"Anh đã có thể có bất cứ cậu trai nào mà anh muốn nếu anh không quá kén chọn. Anh có đôi mắt xanh biếc tráng lệ, anh cao, hình thể chuẩn, tóc anh hơi ngả nâu nên nếu cậu ta thích tóc vàng thì anh đạt yêu cầu mà nếu cậu ta thích tóc hung anh cũng đạt yêu cầu..."
(Trích chương 1, tác phẩm "The Curtis Reincarnation". Câu thoại của cô em gái khi đang bàn về chuyện kiếm bạn trai cho ông anh trai của mình.)

CÁC NỘI DUNG CỦA MIÊU TẢ:

Tả bên ngoài nhân vật: Hình tượng nhân vật, bối cảnh.
Tả bên trong nhân vật: Độc thoại nội tâm, tính cách.

CÁC PHƯƠNG THỨC TRÌNH BÀY MIÊU TẢ

Dùng nghĩa đen: Tức là dùng từ ngữ chính xác để diễn đạt (cô ấy mặc chiếc váy màu đỏ). Khi bạn có những chi tiết đơn giản, căn bản (tròn, vuông, dày, mỏng,...)

Dùng nghĩa bóng: Đôi khi bạn sẽ không có từ ngữ chính xác để diễn tả một thứ gì đó. Những thứ có chiều sâu và phức tạp. Rất khó để miêu tả chính xác khuôn mặt của một nhân vật có tâm trạng thực sự, thực sự tệ.Nhưng nếu bạn viết "một vẻ mặt như bầu trời sắp bão", độc giả sẽ có ý tưởng ngay.

Nếu chỉ biết dùng nghĩa đen, bạn sẽ rơi vào tình trạng tả mãi không có câu nào ra hồn, sau đó bạn sẽ có xu hướng đổ lỗi cho bản thân là không biết tả,không có khiếu.

Chữ nghĩa thì không thể cạnh tranh với máy ghi hình. Một bức tranh đẹp như hình ảnh trong phim mất hàng ngàn chữ. Nhưng chữ nghĩa kích thích trí tưởng tượng của người đọc, và phim thì không thể thể hiện được mùi, vị, và cảm giác.

CÁCH DÙNG NGHĨA BÓNG TRONG MIÊU TẢ

Dùng biện pháp tu từ. So sánh, ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa, nói quá,... là những kỹ thuật thường dùng và hiệu quả trong miêu tả. Chúng nằm ở trung tâm của một sự miêu tả tuyệt vời. Nếu sử dụng tốt, chúng sẽ biến đổi một câu chuyện. Nếu sử dụng tệ, hoặc quá nhiều, chúng sẽ giết chết đoạn văn xuôi của bạn. Một phép ẩn dụ ở sai vị trí chỉ làm nổi bật sự vụng về.

1. Ít hơn chắc chắn sẽ đem lại nhiều hiệu quả hơn.

Nguyên tắc "less is more*" có thể bị phá vỡ ở bất cứ đâu trừ đây. Dùng tốt, chúng sẽ làm đẹp đoạn văn, dùng quá tay, chúng sẽ làm đoạn văn bị lòe loẹt.

*Less is more: Ít hơn mang lại nhiều (hiệu quả) hơn.

2. Không dùng cho chi tiết quá thường.

X Anh ta uống rượu như một con cá.
X Cô ấy có một trái tim của sư tử.

Đây gọi là "phép ẩn dụ chết  dead metaphor", là lúc dùng nghĩa đen để tả, nếu không muốn độc giả tránh xa bạn như tránh tai họa.

3. Không dùng nhiều phép so sánh cùng nhau.

Không dùng nhiều hình ảnh so sánh vào một khoảng quá gần nhau, và không dùng hai phép so sánh kế nhau.

X Cô có làn da mịn như kem, tóc mượt như lụa và đôi mắt như viên bi xanh.

X Anh ta dũng cảm như một con sư tử và nhanh như một con báo.

X Frank đứng trên mép ván như tù nhân đứng trên giá treo cổ. Việc nhảy xuống hồ bơi trông đáng sợ như nhảy xuống khe núi Grand Canyon.

Nếu bạn là người chưa cứng tay trong tả thì việc tránh các lỗi nêu trên là chuyện nên làm. Khi bạn cứng tay rồi, bạn sẽ đủ khéo léo để dùng nhiều so sánh gần nhau nếu điều đó mang lại hiệu quả tối ưu hơn. Trong tác phẩm "Dracula Untold", tácgiả mô tả sức mạnh của Dracula với một loạt so sánh với thú, vì sức mạnh của anh ta vốn là như vậy.

4. Không trộn nhiều ẩn dụ vào nhau.

Tâm trí của Norman là một cỗ máy. Anh ta có thể nhảy điệu waltz qua các ô chữ khó hiểu chỉ trong vài phút.

Vấn đề ở đây là thông điệp bị nhầm lẫn. Đầu tiên, trí thông minh của Norman được so sánh với một cỗ máy thông minh và hiệu quả. Tiếp theo, tốc độ của anh ấy ở ô chữ được so sánh với tốc độ và sự duyên dáng của một điệu nhảy.

Nếu bạn không muốn người đọc "hả?" thì hãy luôn theo sát các ẩn dụ sau khi đã giới thiệu chúng. Như...

O Tâm trí của Norman là một cỗ máy. Anh ta có thể xử lý các ô chữ khó hiểu chỉ trong vài phút.

5. Các giác quan.

Hãy để cả năm giác quan của độc giả hoạt động khi họ đọc truyện của bạn. Họ sẽ thấy, sẽ nghe, sẽ ngửi được, nếm được và chạm được những gì đang diễn ra trong truyện. Việc này không những hiệu quả trong miêu tả, mà còn giúp bạn tránh được lỗi nói suông.

Không cần phải cảnh nhỏ nhặt nào cũng đầy đủ cả năm giác quan, chỉ là đừng quên chúng và hãy sử dụng bất cứ khi nào bạn có cơ hội.

CÁCH CHỌN LỌC CÁC CHI TIẾT MIÊU TẢ.

1. Sử dụng những chi tiết tốt nhất: Khi bạn ngồi xuống và nghĩ về những chi tiết phù hợp, những gì xuất hiện sớm nhất trong tâm trí bạn rất có thể là những điều tầm thường. Bạn cần tìm kiếm nhiều hơn, chi tiết cụ thể, nguyên bản và thú vị để sử dụng.

• Đừng mô tả đôi mắt của một cô hầu bàn có màu xanh lam; hãy nói rằng chúng có màu xanh như màu neon trong cái biển hiệu đang nhấp nháy bên ngoài nhà hàng Frankie Grill. (Tả được hai thứ cùng lúc).

• Đừng nói một doanh nhân đang hút điếu xì gà béo; hãy nói anh ta hút điếu Montecristo số hai.

• Đừng mô tả một chàng trai bị ám ảnh bởi tình yêu với cô gái xinh đẹp nhất lớp; hãy nói anh ta rạch tên viết tắt của cô ấy vào cẳng tay bằng một lưỡi gọt bút chì.

Ngoài ra, hãy thử tìm những cách mô tả khác biệt hoặc bất ngờ. Ví dụ, nếu bạn mô tả một cơn bão đang đến gần, bạn có thể đề cập đến những đám mây giận dữ, hoặc gió thổi cong những cái cây những chi tiết rõ ràng mà mọi người sử dụng. Nhưng một đoạn văn miêu tả mạnh mẽ hơn có thể tập trung vào phản ứng sợ hãi của con ngựa mà nhân vật đang cưỡi trước cơn bão.

2. Đừng dùng quá nhiều chi tiết.

Một người phụ nữ mảnh mai, hấp dẫn đang nâng một tách trà bằng sứ, màu xanh lá lên đôi môi đỏ, hình trái dâu, nhăn nhúm của cô ấy bằng bàn tay trắng, mềm và hớp một ngụm nhỏ, hời hợt trước khi đặt chiếc tách xuống bề mặt trơn láng, cứng của cái bàn bằng gỗ gụ...

...là một đoạn văn khủng khiếp.

Trong miêu tả, chất lượng mới là thứ quyết định, không phải số lượng.Hãy làm việc chăm chỉ để đưa ra những chi tiết cụ thể, độc đáo, thú vị và tin vào chúng, chứ đừng sao chép chúng cùng với hàng tá chi tiết không cần thiết. Ở ý này, chúng ta bàn về việc dùng quá nhiều chi tiết cho một phần miêu tả, chứ không phải miêu tả quá nhiều trong một tác phẩm.

"Miêu tả tốt là một kỹ năng được học. Không phải chỉ là một câu hỏi 'làm cách nào?'; mà là 'bao nhiêu?'."
Stephen King

Tại sao dùng quá nhiều chi tiết trong miêu tả là ý tồi?

Một phần niềm vui khi đọc sách là nó cho phép chúng ta sử dụng trí tưởng tượng của mình. Ví dụ, nếu tôi hình dung người phụ nữ đẹp nhất thế giới, có lẽ đó sẽ là một hình ảnh rất khác với hình ảnh trong tâm trí của bạn. Nếu chúng ta thấy một nhân vật được mô tả là người phụ nữ đẹp nhất thế giới trên màn hình tivi, có thể với gu thẩm mỹ của chúng ta, cô ấy chẳng đẹp tí nào. Nhưng cách mà mỗi người chúng ta hình dung ra một hình ảnh khác nhau trong tâm trí chúng ta, khi chúng ta đọc một cuốn sách, cả hai chúng ta đều thấy người phụ nữ đó đẹp.

Vấn đề là ở đây:

Nếu tôi chỉ sử dụng hai hoặc ba chi tiết nổi bật để mô tả ngoại hình của một nhân vật hư cấu, bạn người đọc sẽ tự do vẽ phần còn lại của bức tranh cho riêng mình.

Mô tả mọi đặc điểm ngoại hình của người này, nghĩa là tôi đã làm tất cả công việc và cướp đi của bạn cơ hội tạo ra bức tranh theo ý thích.

Để minh họa điều đó, chúng ta hãy trở lại với cô hầu bàn làm việc tại Frankie Grill mà tôi đã đề cập trước đó. Tôi đã nói với bạn rằng đôi mắt của cô ấy có màu xanh như màu neon trong dấu hiệu nhấp nháy. Dưới đây là một vài chi tiết về sự xuất hiện của cô ấy:

• Khi kết thúc ca làm việc kéo dài chín tiếng, cô ấy vẫn trông tươi tắn y như lúc cô ấy bắt đầu.

• Chỉ cần cô ấy cười lên, tất cả chàng trai đều muốn cưới cô ấy và những người đàn ông lớn tuổi ước được trẻ lại.

Và đó là tất cả những gì tôi dự định nói về nhân vật hư cấu này. Bạn sẽ tự do vẽ phần còn lại của bức tranh. Bạn có thể tưởng tượng ra cô ấy tóc vàng hoặc tóc đỏ, thấp hoặc cao.

Đó là sự kỳ diệu của việc đọc truyện giả tưởng!

Trừ những chi tiết đặc thù của nhân vật, hoặc khung cảnh có tính mật thiết đến diễn biến chính của câu chuyện bạn muốn người đọc phải có cái nhìn chính xác, thì bạn mới cần tả kỹ và chính xác.

3. Một số chi tiết mà nó sẽ tốt hơn nếu nó "nhúc nhích".

Miêu tả cũng giống như vẽ tranh. Truyện giả tưởng không phải phương tiện trực quan, nhưng thông qua việc sử dụng khéo léo ngôn ngữ, các nhà văn vẫn khiến độc giả "nhìn thấy".

Nhưng vẽ một bức tranh đôi khi lại không bằng sử dụng ngôn ngữ. Bởi hình ảnh mà tĩnh lặng, không di chuyển thì tốt cho các họa sĩ và nhiếp ảnh gia nhưng không phải là một điều tuyệt vời cho những người kể chuyện. Đối với chúng ta, vẽ tranh cho độc giả là một khởi đầu tốt, nhưng những bức tranh đó sẽ mạnh mẽ hơn nếu chúng chuyển động.

Hãy xem đoạn mô tả căn nhà dưới đây:

Oak Tree Cottage đã không có người ở trong hơn một thập kỷ nay. Những bức tường từng một thời màu trắng nay đã chuyển sang màu xanh bẩn như cái ao phía trước, và lớp sơn xung quanh cửa sổ đã bong tróc hoặc đã bị gió lấy đi. Nhiều viên ngói bằng đất nung cũng mất tích có lẽ đã vỡ vào những viên gạch bên dưới, mặc dù cũng không thể nói được gì với con đường có đống lá khô mùa trước lút đến mắt cá chân này. (đã sửa từ dịch mượt sang dịch sát nghĩa)

Giờ chúng ta sẽ làm nó chuyển động...

Oak Tree Cottage đã không có người ở trong hơn một thập kỷ nay. Những bức tường từng một thời màu trắng nay đã biến thành màu xanh bẩn như cái ao phía trước, và lớp sơn xung quanh các cửa sổ chưa biến mất, mà bong ra thành từng mảng, đung đưa trước gió. Nhiều viên ngói bằng đất nung cũng mất tích có lẽ đã vỡ vụn trên những viên gạch bên dưới nền, mặc dù không thể xác định được với con đường mà mắt cá chân ngập trong những chiếc lá khô mùa trước đang rơi quay cuồng. (đã sửa từ dịch mượt sang dịch sát nghĩa)

Không có gì đặc biệt sai với đoạn miêu tả đầu tiên. Viết miêu tả tĩnh trong truyện giả tưởng vẫn có thể sống động và gây chú ý cho người đọc. Nhưng làm chúng chuyển động mới thực sự khiến một "bức tranh chữ" trở nên đang sống.

MIÊU TẢ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?

Bạn có thể thường xuyên nghe về việc đừng tả quá nhiều, cũng đừng quá ít. Nhưng cụ thể thì bao nhiêu miêu tả trong một truyện là đủ? Tùy thể loại, tùy yêu cầu của cốt truyện. "Quá nhiều" ở đây là "thừa".Còn nếu nhiều nhưng chỉ đủ chức năng chứ không thừa thì không có gì sai. Harry Potter nổi tiếng với rất nhiều miêu tả, nhưng độc giả không bao giờ chán với chúng.

Cùng là truyện ngắn 5.000 chữ nhưng cốt truyện của tôi (ví dụ như tình cảm thành thị) chỉ cần đoạn mô tả 300 chữ (tả căn nhà của đôi tình nhân chẳng hạn) là đủ, trong khi cốt truyện (kỳ ảo phiêu lưu) của bạn đòi hỏi 2.000 chữ miêu tả (bối cảnh lạ) thì không ai sai cả.

Để tránh tả thừa:

• Hãy để độc giả tùy ý tưởng tượng, trừ những chi tiết liên quan quá mật thiết đến cốt truyện yêu cầu độc giả phải có sự hình dung chính xác.

• Chi tiết nào độc giả đã biết rồi thì đừng dành nhiều chữ cho nó. Bạn có thể tả nhiều lần trang phục của nhân vật nếu thế giới của bạn có phong cách ăn mặc đặc biệt thú vị; hoặc trang phục thay đổi thể hiện tâm trạng. Bạn có thể tả đôi mắt của nhân vật hàng tá lần nếu nó là họa tiết. Không phải lúc nào lặp lại chi tiết cũng là sai,nhưng lặp lại không có mục đích, không đem lại hiệu quả thì là thừa.

• Cân nhắc về nhịp độ câu chuyện, tả quá nhiều và quá không cần thiết sẽ làm câu chuyện của bạn ì ạch và chôn chân.

• Phối hợp những đoạn văn miêu tả và miêu tả trong hành động. Đừng nhồi nhét chi tiết.

Yuri cao chính xác sáu bộ mốt, với đôi mắt xanh xám và mái tóc sẫm màu. Khuôn mặt cậu ta hình chữ điền với đôi gò má cao và cậu ta có một nụ cười hơi lệch sang bên. Cậu ta có một tầm vóc rộng...

...và bạn sẽ không muốn đọc tiếp.

• Chú ý tính đồng nhất và sự đúng đắn trong miêu tả.

Lúc này, trời đã về khuya và đêm trở nên lạnh lẽo. Cả khu rừng đắm mình trong bóng tối đen đặc, duy chỉ có Hồ Trắng là vẫn lấp lánh sáng dưới ánh trăng cuối mùa.

=> Vừa có ánh sáng từ hồ vừa có trăng mà tả là "tối đen đặc".

Gã Filo điều khiển nước là một Thủy Quỷ. Nguyên tố nước lúc này bao lấy đôi tay xanh lè của gã kết thành đôi trảo bén nhọn vừa dễ xuyên qua lại vừa cứng chắc.

=> Trảo làm bằng nước mà cứng chắc.

Miêu tả khi người dẫn truyện là nhân vật.

Khi bạn miêu tả, đồng nghĩa với nhân vật đang quan sát, khi đó, hãy có lý do cho việc nhân vật nhìn chằm chằm vào khu vực được miêu tả. Nếu nhân vật dẫn truyện của bạn là nam giới và bạn miêu tả một cô gái ngoài đường với một đoạn văn dài thượt và tỉ mỉ, tôi cá là nhân vật của bạn sẽ bị ăn dép vì tội nhìn con gái nhà người ta một cách thô lỗ.

Giống như độc thoại nội tâm, khi nhân vật quan sát, thời gian vẫn trôi đi, mạch truyện vẫn tiếp diễn. Hãy đảm bảo nhân vật có thời gian và không gian để quan sát, và đoạn miêu tả của bạn tương ứng với khoảng thời gian đó. Tức là, nếu nhân vật đang đánh nhau thừa sống thiếu chết, sẽ không hơi đâu mà tập trung quan sát trang phục của kẻ địch. Hoặc nhân vật đi từ ngoài cổng vào trong nhà mất chưa đầy mười giây mà bạn tả khu vườn hết hai trang giấy là không hợp lý.

Mục đích của miêu tả là để đưa hình ảnh vào đầu độc giả.

Những từ ngữ, câu văn hoa mỹ mà không mang lại hình ảnh thì không có giá trị gì trong truyện giả tưởng. Mỹ từ mà đem lại hình ảnh thì không có gì sai, chỉ là đừng đánh giả khả năng miêu tả của một tác giả hay của chính mình bằng sự hoa mỹ của câu văn, mà bằng hình ảnh của câu văn đó.

Tôi miễn bàn luận hay so sánh về quan điểm và xu hướng với các kỹ thuật viết khác. Hãy lựa chọn và theo trường phái phù hợp với bạn.

Đăng tải lần đầu: 17.02.2019
Cập nhật lần cuối: 19.04.2020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro