2. Hội thoại―

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Hội thoại không cần thiết trong việc làm cho câu chuyện của chúng ta hay hơn. Nhưng hội thoại được viết tốt thì có. Hội thoại tệ hại thì làm cho câu chuyện của chúng ta chậm chạp và nhàm chán."
Marcy Kennedy—

Tôi chỉ hướng dẫn cách dẫn câu thoại ra trang giấy, không gò bó bạn về nội dung của câu thoại.

Thẻ dẫn Thoại (Dialogue Tags)Là những cụm từ "anh ta nói", "cô ta la làng", "ông ta đay nghiến" "bà ta thét"...  bất kể động từ nào mà phát ra được lời nói  đi kèm câu thoại để phân biệt ai là người đang nói. Nó có thể đi trước, đi sau hoặc chen vào giữa.

Thoại rời (Straight-Up Dialogue): Là chỉ có thoại, không kèm gì khác. Sử dụng khi câu thoại không có kèm hành động nào đặc biệt. Thậm chí khi hai nhân vật ngồi ngay ngắn ổn định nói chuyện thì việc bạn xổ một tràng thoại rời cũng không thành vấn đề.

Hành động xen ngang (Action beats): Hành động đi kèm câu thoại.

• Hành động đó: Ngắn + đặc biệt + xảy ra ngay sau, ngay trước hoặc trong lúc nhân vật nói, hoặc mang nhiệm vụ giải thích thêm cho câu thoại.

• Nếu hành động giữa thoại khá dài thì dù [thoại trước hành động thoại sau] là của cùng một nhân vật và chúng liền kề nhau thì vẫn xuống thành ba đoạn văn.

• Nếu hành động và thoại của cùng một nhân vật, ngắn, nhưng không liên quan đến nhau thì cũng xuống dòng.

• Không xen ngang xương câu thoại, phải chia tròn ý.

• Nếu hành động xen ngang của nhân vật B xảy ra sau hoặc giữa hai câu thoại của nhân vật A: Hãy xuống dòng, dù có dùng thẻ dẫn thoại để phân biệt đi nữa vẫn xuống dòng. 

Hạn chế sử dụng thẻ dẫn thoại, chỉ những trường hợp tối cần thiết. Nếu không sử dụng thẻ dẫn thoại mà độc giả vẫn biết câu thoại đó là nhân vật nào nói, thì bạn đã cứng tay ở kỹ thuật tiếng nói nhân vật cũng như kỹ thuật POV, đừng dùng thẻ dẫn thoại nữa. Vì lặp lại thẻ dẫn thoại quá nhiều lần sẽ khiến văn bản của bạn bề bộn, đôi khi trở thành lỗi sáo rỗng (cliché).

Tuy nhiên, khi cần dùng thẻ dẫn thoại, chữ "nói" là chữ đúng nhất. Hoặc nếu bạn muốn đổi thành từ gì đó khác để không bị lặp từ, thì hãy lưu ý phân biệt giữa những động từ cùng nhóm với động từ "nói" và những hành động xen ngang na ná với "nói".

Ví dụ:

Anh ta thở dài, "tôi làm hết nổi rồi." => SAI

Vì thở dài thì không thể nào ra được lời nói. Nhưng "thì thầm", "lầm bầm",... thì có. Nếu bạn muốn giữ chữ "thở dài" thì hãy dùng nó như một hành động xen ngang.

Anh ta thở dài. "Tôi làm hết nổi rồi." => ĐÚNG

Về vấn đề trạng từ đi kèm thẻ dẫn thoại. 

"Đi ra!" Anh ta nói một cách giận dữ.

Mặc dù điều này rất quen thuộc trong Harry Potter và bộ truyện vẫn đình đám,nhưng trong kỹ thuật viết thì đây là điều không được khuyến khích, vì nó gây ra lỗi "nói suông(A)". Nếu bạn đang viết truyện đình đám thì cứ bỏ qua đoạn này.

"Cút ra trước khi tao tán vỡ mặt mày." Anh ta nói.

=> Không cần trạng từ độc giả vẫn biết anh này đang nổi giận thì gọi là kỹ thuật thể hiện(B).

A + B: Show, don't tell.

"Đường đến địa ngục được lót bởi trạng từ."
—Stephen King

Nhưng trạng từ không phải luôn xấu, chúng ta không bài xích toàn bộ trạng từ. Chỉ là hãy dùng chúng có suy xét, chứ đừng dùng như một thói quen xấu.


Còn đối với những động từ cùng nhóm với động từ "nói", đôi khi chúng rất có ích. Nhất là những cảnh mà có nhiều nhân vật nói chuyện với nhau cùng một giọng văn, thì chúng ta thực sự cần dùng nhiều thẻ dẫn thoại. Nhưng dùng chi chít thì rất "lặp từ",vậy nên chúng ta luân phiên "anh ta lầm bầm", "cô ấy đay nghiến", "bà ta cằn nhằn." Nhưng chỉ dùng khi tối cần thiết. Vì câu thoại nào mà cô ta không rên rỉ cũng xuýt xoa, không thét lên cũng đay nghiến là một cực hình đối với người đọc.

Tóm lại:
1. Tối giản thẻ dẫn thoại.
2. Khi cần, hãy ưu tiên dùng từ "nói", "hỏi", "trả lời", "đáp".
3. Dùng trạng từ đi kèm, và động từ thay thế "nói" một cách có suy xét và tối cần thiết.

• Thoại của hai nhân vật khác nhau phải xuống dòng.

• Hành động xen ngang xảy ra cùng lúc nhưng khác nhân vật phải xuống dòng.

• Thoại kéo dài hơn một đoạn văn, thì hãy mở ngoặc kép vào đoạn văn tiếp theo (mặc dù vẫn cùng một nhân vật nói) và đóng ngoặc kép chỉ khi hết đoạn cuối cùng.

• Đặt dấu câu phía trong ngoặc kép và thẻ dẫn thoại ở ngoài. Trong quy ước tiếng Việt, dấu câu được đặt ở ngoài ngoặc kép. Vậy bạn có thể chọn một trong hai cách, nhưng phải nhất quán.

• Thẻ dẫn thoại và hành động xen ngang giữa câu thoại phức phải đặt sau khi mệnh đề đầu tiên hoàn thành, không tách đôi một mệnh đề.

• Khi câu thoại kết thúc bằng dấu chấm hỏi hoặc chấm than, thẻ dẫn thoại phía sau viết thường, nhưng hành động chen ngang thì viết hoa.

• Thoại và thẻ dẫn thoại phân cách bằng dấu phẩy hoặc dấu hai chấm (chỉ khi thẻ dẫn thoại đi trước), còn hành động chen ngang thì là dấu chấm (chỉ áp dụng nếu hành động chen ngang đi trước). Nếu là dấu phẩy thì chữ cái kế tiếp không viết hoa, còn dấu hai chấm và dấu chấm thì có viết hoa.

• (Nếu câu văn yêu cầu) thoại chen giữa hành động, hoặc hành động chen giữa thoại thì dùng dấu phẩy.

• Thoại bên trong thoại được đóng trong dấu nháy đơn nếu ngắn, bằng dấu gạch ngang nếu đó là cả một câu chuyện mà nhân vật đang kể lại (trường hợp bạn dẫn thoại bằng ngoặc kép, không áp dụng cho dẫn thoại bằng dấu gạch ngang).

• Lời nói kéo dài rồi mới ngưng thì dùng dấu ba chấm, lời nói ngưng đột ngột thì dùng dấu gạch ngang.

"Nếu bạn viết thoại chán, bạn sẽ ru ngủ độc giả," nhà văn Jerry B. Jenskin nói. "Nhiệm vụ của bạn là cẩn trọng từng-chữ. Đó là cách giữ sự chăm chú của độc giả đến trang cuối của câu chuyện."

Ngoài ra nếu bạn viết thoại tốt, bạn có thể đem lại những tràng cười vỡ bụng,những giọt nước mắt, những khoảnh khắc tan chảy cho độc giả của bạn.

1. Thoại nhân vật đúng với thực tế.

Trong cuộc sống, khi nói chuyện, mọi người thường:

• Không hoàn toàn lắng nghe người kia, mà họ còn phân tâm vào việc suy nghĩ xem tiếp theo mình sẽ nói gì.

• Tìm mọi thời cơ để dẫn cuộc hội thoại về phía mình.

• Phân tâm vào chuyện khác.

• Lạc đề.

• Nói bóng (nói cái này nhưng ám chỉ cái khác).

Ngôn ngữ nào cũng có khoảng lấp đầy, là khoảng ngập ngừng để suy nghĩ, những câu cửa miệng. Ờ... à... ừm... kiểu như... nói chung là...Những cụm từ này không hẳn có nghĩa trong câu thoại, nhưng nó làm câu thoại tự nhiên.

• Không ngập ngừng tứ tung,tùy tính cách của nhân vật và ngữ cảnh, có người ngập ngừng liên tục (nói chuyện không trôi chảy, hồi hộp) nhưng có người rất ít ngập ngừng, thậm chí hoàn toàn trôi chảy khi giao tiếp.

• Nhân vật là người nước nào thì dùng phong cách ngập ngừng của ngôn ngữ đó, cả khi bạn đang viết bằng ngôn ngữ khác. Nó sẽ giúp đem lại bầu không khí văn hóa của quốc gia mà truyện của bạn đặt bối cảnh.

2. Bỏ những từ dư thừa.

Chú Jenkins nói, "trừ khi bạn muốn viết về một nhân vật thiểu năng hoặc giả vờ thiểu năng, nếu không thì bỏ mấy từ dư thừa đi."

Từ dư thừa là những từ nếu không có trong câu thoại, thẻ dẫn thoại và hành động xen ngang thì vẫn không ảnh hưởng đến nghĩa của câu thoại và câu văn, hoặc độc giả vẫn hiểu.

3. Úp mở/tiết lộ "câu chuyện đằng sau (backstory)" bằng thoại.

Tiết lộ câu chuyện đằng sau qua thoại gây tò mò cho độc giả và tránh được những đoạn văn "nhớ lại" dài thượt.

Chú Jenkins nói, "độc giả sẽ cho rằng nhân vật sẽ nói về Câu chuyện Đằng sau vào một lúc nào đó và độc giả sẽ ở lại với câu chuyện cho đến khi nhân vật tiết lộ. Khi câu chuyện tiếp tục, bạn có thể tiết lộ nhiều hơn về nhân vật chính, về quá khứ, về bí mật,... và câu chuyện của bạn trở nên tròn đầy."

4. Thiết lập nhân vật thông qua thoại.

Chính là kỹ thuật tiếng nói nhân vật như bạn đã được biết. Chú Jenkins nói, "độc giả hiểu nhân vật thông qua hội thoại nhiều như cách họ hiểu nhân vật qua hành vi. Bạn không cần phải nói suông rằng nhân vật đó dí dỏm, tự ái, tốt bụng,... mà hãy thể hiện bằng các tương tác và lời thoại của nhân vật."

Dù câu thoại có cụt ngủn hay thô tụccũng hãy để nhân vật nói theo tính cách của anh/cô ta.

"Bạn không thể đổ lỗi cho tác giả về những gì nhân vật nói."
Truman Capote

Hãy sử dụng giọng vùng miền và từ ngữ vùng miền của mỗi nhân vật. Những nhà văn như Andrea Levy, Irvine Welsh, Mark Twain,... còn làm sai cả lỗi chính tả và ngữ pháp trong câu thoại để biểu thị chất giọng vùng miền của nhân vật. Trên thực tế, mọi người đều sai ngữ pháp và chính tả khi nói chuyện tùy thuộc vào giọng vùng miền, tính cách, và học vị.


Chú ý đến ngôn ngữ cũ. Vào thời điểm mà câu chuyện diễn ra, những từ ngữ bạn sắp chọn đã được sử dụng hay chưa? Vào thời điểm mà câu chuyện diễn ra, người ta có cách nói chuyện như thế nào?

Đừng bao giờ viết thoại nhắm đến sự thuận tai. Vì thoại thuận tai (mà không đúng tính cách nhân vật) là bạn đã nói dùm nhân vật. Thoại phải được nhân vật đích thân nói ra, cho dù nhân vật đó cà lăm hay ngọng.

5. Nói bóng.

a. Ẩn ý: Nhân vật nói ra thứ khác với những gì họ thực
sự muốn truyền đạt. Từ bình dân là "nói xéo".

Nhưng hãy lưu ý là một nhân vật tính tình thô kệch, thẳng thắn thì việc nói xéo, nói bóng gần như không phù hợp.

b. Tránh né: Khi một nhân vật phản hồi một câu hỏi bằng cách không trả lời nó.

"Hỏi một đằng trả lời một nẻo" là cụm từ nói về hội thoại tránh né. Tuy nhiên, khi "trả lời một nẻo" người đặt câu hỏi vẫn hiểu câu trả lời thực sự của người trả lời.

Trong bộ phim Patch Adams, nam diễn viên quá cố Robin William vào vai một bác sĩ trẻ tuổi tin vào câu ngạn ngữ trong cựu ước 'một nụ cười bằng mười than thuốc bổ'. Anh ta bước vào khoa ung thư nhi với một cái găng tay y tế được thổi phồng lên, đội trên đầu trông như chú gà trống; mang cái bồn tiểu nằm dưới đế giày, dậm chân vỗ cánh và gáy "o, o". Lũ trẻ thấy điều đó hài hước nhưng giám đốc bệnh viện thấy nó không đứng đắn và yêu cầu anh ngừng lại.

Pack Adams cố gắng làm một cô gái trong nhóm tình nguyện viên cười. Nhưng trong khi mọi người thấy vui thì cô ấy không có biểu hiện nào của nụ cười.

Patch nghỉ việc ở bệnh viện và mở một phòng mạch. Anh ta ngạc nhiên khi thấy cô gái không có óc hài hước nọ đến giúp anh thiết lập phòng mạch.

Khi cô gái ra ngoài nghỉ ngơi, Patch đi theo và ngồi đối diện cô ấy. Anh ta nói:

"Tôi nhất định phải hỏi điều này. Ai cũng thấy tôi vui tính, trừ cô. Tôi đã thử mọi cách. Chuyện gì với cô vậy? Sao cô không bao giờ thấy tôi hài hước?"

Sau vài giây im lặng, cô gái nói, "đàn ông rất thích tôi trong suốt cuộc đời tôi... suốt cuộc đời tôi..." Và với cách nói của cô ấy,chúng ta nhận ra: cô ấy đã bị quấy rối từ khi còn bé. Chúng ta hiểu chuyện của cô gái.

Cô ta không tin tưởng đàn ông, cô ấy không cười vì đời cô ấy chẳng có gì vui. Cô ấy đã phản hồi anh bác sĩ bằng câu nói nghe có vẻ không hề trả lời câu hỏi của anh ta. Nhưng anh bác sĩ đã hiểu ra mọi thứ và ngưng làm những thứ lố bịch để chọc cười cô ấy, anh ấy nhận ra, nó không hề vui đối với cô gái.

c. Im lặng:

Chú Jenkins nói, "một trong những điều khó khăn nhất để học làm nhà văn là không lấp đầy những khoảng im lặng."

Ví dụ:

"Này John," Linda nói. "Anh có bào chữa gì không?"

John không nhúc nhích quai hàm, chỉ nhìn ra cửa sổ.

"Tôi đang chờ," cô ấy nói.

Anh ta châm điếu xì gà.

Linda lắc đầu. "Tôi thề đấy, John, thật đấy."

Và thì, rất nhiều nhà văn cảm thấy cần thiết để chèn vào mấy câu như, "nhưng anh ta không nói gì," hoặc "nhưng anh không trả lời." Đừng! Đừng làm vậy, vì chúng tôi (độc giả) đủ thông minh để biết John không trả lời.

6. Đọc thành tiếng câu thoại mà bạn viết.

Một cách để đảm bảo các câu thoại không bị đều đều như google dịch là tưởng tượng xem nhân vật của bạn sẽ nói câu đó thế nào (nhấn nhá, ngắt quãng, ngập ngừng, thái độ) và bạn nói to nó ra, diễn như thể bạn là nhân vật.Nếu bạn nghe nó kỳ thì chắc chắn độc giả cũng sẽ thấy nó kỳ.

Không khuyến khích tối giản thoại. Nói chuyện là một trong những hành động hết sức tự nhiên, bình thường và thực tế của của các nhân vật. Và:

• Thoại phá vỡ những đoạn văn xuôi đáng sợ.

• Thoại tạo nên sự khác biệt giữa các nhân vật (nhờ từ vựng và phương ngữ).

• Nếu làm tốt, thoại có thể di chuyển câu chuyện mà không cần tác giả xen vào.

Nhưng cũng đừng bành trướng, nhồi nhét thoại, chỉ cần để nhân vật nói chuyện thuận theo tự nhiên như chúng ta thôi.

• Hãy để nhân vật nói chuyện có chủ đích, theo ý chí của nhân vật, không phải vì tác giả muốn chỗ đó có thoại.

• Hãy để câu chuyện di chuyển cùng thoại, thoại suốt nhiều trang mà câu chuyện không di chuyển là một câu chuyện chậm nhịp độ. Còn nếu thoại dài nhưng là để đáp ứng được yêu cầu cốt truyện (để tiết lộ câu chuyện đằng sau chẳng hạn), không thừa, thì là chuyện bình thường.

Đăng tải lần đầu: 26.11.2018
Cập nhật lần cuối: 18.04.2020

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro