khu di tich k9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 2005):

Bác Hồ, ông Nguyễn Lương Bằng, Vũ Kỳ, Hoàng Hữu Kháng ngồi thấp bên dưới tại Ba Vì, Hà Tây 5/1958

Ít ai biết, Bác đã chọn một nơi để nghỉ ngơi và làm việc giữa núi rừng Sơn Tây từ năm 1957. Sau này là nơi đầu tiên lưu giữ thi hài Bác...

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Bác Hồ lường trước thời cuộc, đã cử ông Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc để chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến.

Còn việc chuẩn bị chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, Người đã tính trước ít nhất là 7-8 năm.

Vùng đất thiêng

Tháng 4/2002, lần đầu lên thăm Di tích K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Tây, được Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Tư lệnh kiêm Trưởng ban quản lý Lăng Bác giới thiệu qua về thời gian và địa hình ở đây, tôi thuật lại chuyến đi với ông Vũ Kỳ.

Thì ra, ông đã theo Bác đi "kiểm tra thực địa" từ những chuyến đầu. Ông tìm đưa tôi xem tấm ảnh đen trắng cỡ 18x24, chụp Bác, ông Nguyễn Lương Bằng, ông Hoàng Hữu Kháng (ngồi thấp) và ông.

Sau ảnh, chữ ông ghi rõ ngày 19/5/1957 và ký góc dưới: Vũ Kỳ. Tôi hỏi địa danh và ghi thêm : Trầm Lộng, Sơn Tây.

Từ thuở khai thiên lập địa tới nay, vùng núi sông Ba Vì Sơn Tây vẫn là tâm điểm địa linh của đất nước.

Sông Đà, Sông Hồng đưa "Thủy Tinh" về đây chịu khuất phục "Sơn Tinh" - Tản Viên Sơn càng bồi đắp khí thiêng non sông đời đời bền vững.

Bây giờ, cả vùng này đang trở thành khu du lịch văn hóa nghỉ ngơi lý tưởng. Chứ vào những năm 1955 - 1957, nơi đây còn hoàn toàn hoang vắng.

Bác Hồ đã đôi lần qua đây thăm, dự tập trận của mấy đơn vị quân đội. Chính trưa 19/5/1957, Bác cùng 3 người đi theo đã nghỉ lại, đem cơm nắm ra ăn tại cụm đá chông "vợ - chồng - con" : ba tảng đá nhọn to - vừa - nhỏ.

Nay cụm đá này đã được bê tông hóa, có bậc lên xuống, có chỗ thắp hương để nhớ Bác. Đây được coi là nơi đầu tiên, ngày đầu tiên Bác Hồ đi khảo sát và cắm đất xây dựng khu sơ tán mà tới tận hôm nay chúng ta mới biết: Bác sơ tán thuở sinh thời và cả khi gìn giữ thi hài của Bác. Vùng đất thiêng của đất nước đã che chở cho Bác.

Nơi Bác cắm đất làm nhà

Ngôi nhà có phòng xử lý, giữ gìn thi hài Bác ở Đá Chông, Ba Vì

Ảnh: Trịnh Tố Long

Thiết kế ban đầu của Bác được giao cho Cục doanh trại Tổng cục Hậu cần thi công chỉ gồm nhà sàn - ngược lên cách cụm ba đá chông chừng 300 mét, một nhà họp và làm việc, bên dưới có hệ thống hầm ngầm kiên cố và mấy ngôi nhà cấp bốn xung quanh dành cho anh em cảnh vệ, phục vụ.

Đến năm 1960, ngày càng lộ rõ, chứng minh dự báo đúng đắn của Bác về việc Mỹ sẽ lao sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Cơ sở K9 được củng cố, mở rộng, nhà xây, bê tông hóa hầm ngầm.

Nhưng, vẫn giữ nguyên vị trí cũ - những nơi tự Bác tìm hướng cắm đất cho mỗi công trình. ở đây, cây cối Người dặn phải giữ lại, không được chặt phá. Ngay cửa vào ngôi nhà có phòng họp, phòng y tế đặc biệt giữ gìn thi hài của Bác sau này, bên dưới là hầm ngầm - Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn mỗi lần dẫn chúng tôi ra vào đều vỗ vào hai cây thông xuyên trần bê tông thân thiết nói : Đây là cây thông Bác Hồ...

Quanh nhà sàn Bác thiết kế rải sỏi để Bác cháu tập thể dục chân trần massage bàn chân. Sỏi còn giúp cảnh giới, đêm đêm người lạ xâm nhập sẽ gây tiếng động lạo xạo.

Trên gác hai có phòng dành riêng cho khách quốc tế đặc biệt : Mới chỉ có phi công vũ trụ Ghecman Titôv và phu nhân cố Thủ tướng Chu Ân Lai Đặng Dĩnh Siêu sang thăm nghỉ ở đây một lần.

Ông Vũ Kỳ cho biết, thường vào dịp sinh nhật Người 19/5, Bác lên đây để tránh việc chúc thọ không cần thiết, và Bác lên nhiều từ khi Người đề nghị với Bộ Chính trị bố trí để Bác vào miền Nam...

Kế hoạch tập luyện đôi chân

Từ mùa hè 1966, sau lần đi thăm Thái Bình về, Bác bị cảm, bị co thắt động mạch não, liệt nhẹ nửa người bên trái, Bác phải hết sức kiên trì tập luyện để đi lại.

Ngày ngày Bác chống gậy đi bộ từ nhà sàn sang nhà ăn bên kia ao, kiên quyết không chịu để đồng chí Cẩn phục vụ cơm nước cho Bác mang sang nhà sàn.

Khi đi lại khá hơn, Bác bắt đầu lên K9 tập leo dốc (chứ không phải tập ở núi Nùng vườn Bách Thảo như có thông tin đã nêu - ông Vũ Kỳ đề nghị cải chính).

Dốc đây là từ dưới mép nước sông Đà lên nhà sàn, dốc thoai thoải, nay đã được lát bậc bê tông. Người vẫn kiên trì luyện đôi chân để thực hiện kế hoạch đi miền Nam.

Chúng ta đều biết, nay tại Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ "Thư gửi chú Duẩn" đề ngày 10/3/1968. Người gợi ý : Cách đi, B sẽ làm công trên một chiếc tầu thủy.

Cùng đi có hai chú Bảo và Kỳ (bác sĩ Nhữ Thế Bảo, Vũ Kỳ). Việc này B tự thu xếp, dễ thôi... Sau đó, Bác nhắc lại đề nghị với đồng chí Lê Đức Thọ ở Bắc Kinh trên đường qua Paris tham gia cuộc hòa đàm với Mỹ : không đi tầu thủy được thì đi máy bay qua Phnôm Pênh, Bác sẵn sàng "cắt bộ râu đi để cải trang"...

Nơi sơ tán thi hài Bác

Đáp ứng nguyện vọng giữ gìn thi hài Bác lâu dài để nhân dân ta và bầu bạn khắp năm châu sau này có dịp chiêm ngưỡng, nhất là đồng bào miền Nam chưa được thấy Bác, Bộ Chính trị đã quyết định triển khai công tác ướp giữ thi hài Người.

Trong khi chờ đợi xây Lăng, bộ đội công binh được giao xây dựng một phòng y tế kỹ thuật cao đặc biệt tại Viện Quân y 108 mang mật danh 75A, rồi 75B ở hội trường Ba Đình (trong những ngày làm lễ Quốc tang).

Thế nhưng, đề phòng không quân Mỹ đánh phá Hà Nội, K9 lúc này mang mật danh K84 lại được cải tạo thành cơ sở đảm bảo đầy đủ các thông số kỹ thuật khắt khe, kể cả hầm ngầm, để bí mật sơ tán thi hài Bác lên đây vào 4 giờ sáng ngày 24/12/1969.

Đến ngày 21/11/1970, máy bay Mỹ thả biệt kích xuống thị xã Sơn Tây hòng cứu thoát tù binh Mỹ, K84 bị đe dọa không an toàn.

Thi hài Bác lại được lệnh đưa trở về 75A. Tiếp tới trận lũ lụt nặng nề tháng 8/1971, K84 lại được đón Bác trở lên, Quân đội được lệnh dùng cả xe tăng và khí tài hiện đại để củng cố việc bố phòng.

Tuy nhiên, sang năm 1972, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc mỗi ngày một ác liệt, một hang sâu trong núi cao cách K84 15 cây số nhanh chóng được xây dựng để đón thi hài Bác từ 21/7/1972.

Tháng 1/1973, người Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, Bác trở lại K84 để rồi, ngày 18/8/1975, sau 6 năm sơ tán hết sức khó khăn, vất vả, "Bác đã ở trong Lăng, giấc ngủ bình yên"...

K9 - Mật danh thiêng liêng

07:28:00 22/01/2009

Đặng Huyền

Chỉ một tuần sau khi Bác đi xa, một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh và Tiểu đoàn 144 - Bộ Tổng tham mưu đã lên K9 để khảo sát, thiết kế cải tạo lại công trình. Ban đầu, Ban chỉ đạo gìn giữ thi hài Bác định sử dụng ngôi nhà đã có sẵn để lắp đặt máy móc, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo lại cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này.

Lịch sử đã và sẽ mãi còn ghi lại dấu ấn đặc biệt này. 9h47 ngày 2/9/1969, cả dân tộc phải đau đớn vĩnh biệt một con người vĩ đại của dân tộc. Bác Hồ kính yêu đã ra đi... Nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ lâu dài thi hài Bác cho muôn đời con cháu mai sau là một nhiệm vụ đặc biệt và Đoàn 69 (tiền thân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay) là đơn vị được vinh dự nhận nhiệm vụ này.

Bài viết dưới đây sẽ tái hiện lại một phần công việc vinh quang nhưng cũng đầy khó khăn, vất vả của cán bộ chiến sĩ Đoàn 69 trong thời gian bảo vệ và gìn giữ thi hài Bác Hồ kính yêu tại Đá Chông với mật danh K9.

"Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn"

Được sự đồng ý của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi ngược Hà Nội lên K9. Đó là một ngày chớm đông, Hà Nội se lạnh. Nhưng ngược lên phía Sơn Tây là bắt đầu có nắng. Nắng hanh hao vàng, rải trên những đồi thông xanh mướt, tạo cho khung cảnh nơi đây vẻ đẹp yên bình, thơ mộng. Vùng đất này có tên gọi là Đá Chông bởi ở đây có nhiều đá hình mũi chông cao thấp nhấp nhô, lô xô vươn về phía sông Đà.

Nhìn địa hình ta dễ hình dung ra khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà còn U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ đầu dựng nước, đã sinh ra ở vùng đất sơn thủy hữu tình này.

Sau năm 1975, sau khi đón thi hài Bác Hồ về Lăng, K9 trở thành một khu di tích do Đoàn 285 Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý. Hôm tôi đến, Đại tá Đoàn trưởng Bùi Hữu Hưng có cho tôi gặp một người mà nói như lời anh thì đây là một người đặc biệt. Anh là 1 trong 4 chiến sĩ tiêu binh đầu tiên được vinh dự đứng bên thi hài Bác trong buổi tổ chức lễ viếng Bác đầu tiên tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng ngày 29/8/1975.

Không chỉ thế, anh còn có một vinh dự nữa là cả 3 cha con anh đều được đứng trong đội ngũ của Quân đội nhân dân Việt Nam trong 3 lễ duyệt binh lớn của đất nước. Anh tham gia lễ duyệt binh năm 1975, con trai lớn của anh cũng là chiến sĩ thuộc Bộ Tư lệnh Lăng tham gia năm 1995 và con trai út của anh tham gia năm 2005 khi đang là sinh viên của Học viện Biên phòng. Người cán bộ có được nhiều vinh dự đặc biệt này là đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Đội trưởng Đội di tích Khu K9.

Đồng chí Nghĩa người dân tộc Mường, quê ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Anh bảo, có vào bộ đội mới được may mắn xuống Hà Nội, biết thủ đô chứ anh sinh ra và lớn lên trên núi, quanh năm mù sương, từ lúc sinh ra đến lúc vào bộ đội chưa bao giờ được nhìn thấy đèn điện.

Vào bộ đội, anh được về huấn luyện ở Hà Tây cũ. Rồi nhờ được trời phú cho vóc dáng cao to, nước da trắng, quân dung tươi tỉnh nên anh mới được cấp trên chọn lựa là 1 trong số 100 người trong lớp tiêu binh đầu tiên.

Trước khi Lăng Bác khánh thành, anh và đồng đội được đưa đi huấn luyện ở Phú Thọ. Anh bảo, hồi đó huấn luyện rất gian khổ nhưng chúng tôi ai cũng thấy vinh dự, tự hào nên đã vượt qua tất cả, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết thúc khóa huấn luyện, anh cùng với 3 chiến sĩ khác được chọn lựa làm nhiệm vụ trong ca đầu tiên ở vị trí tiêu binh thi hài (tức là vị trí ngay sát thi hài Bác) vào buổi lễ viếng Bác đầu tiên.

Đã hơn 30 năm trôi qua, người chiến sĩ trẻ măng ngày ấy bây giờ trên đầu tóc đã điểm bạc mà nhớ lại ca tiêu binh đầu tiên ấy, anh vẫn còn vẹn nguyên cảm giác buồn đau xen lẫn hồi hộp, vừa vinh dự vừa lo lắng.

Đồng chí Nghĩa ở Bộ Tư lệnh Lăng từ ngày ấy. Sau một thời gian làm việc trong Đoàn nghi lễ, theo phân công của tổ chức, anh về K9 với vị trí là Đội trưởng Đội di tích. Cùng với đồng đội thuộc Đoàn 285, anh đã góp phần vào việc bảo đảm an ninh an toàn cho khu di tích, bảo tồn bảo tàng các hiện vật lịch sử gắn liền với cuộc đời của Bác, đón tiếp nhân dân đến dâng hương tưởng niệm Bác.

Đội trưởng Đội di tích Nguyễn Trọng Nghĩa giới thiệu với khách tham quan về khu di tích K9.

Trong vòng 10 năm từ 1996 đến 2006, Khu K9 đã đón tiếp hơn 400.000 lượt cán bộ nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến dâng hương tưởng niệm Bác và tham quan khu di tích. Riêng trong năm 2008, K9 đã đón tiếp hơn 2.000 đoàn với trên 65.000 lượt người. Công việc của anh Nguyễn Trọng Nghĩa và anh em trong Đội Di tích là hướng dẫn khách tham quan, giới thiệu những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ trong thời gian Người ở K9.

Với lòng kính yêu Bác vô hạn, anh và cán bộ chiến sĩ Đoàn 285 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó, để nơi đây xứng đáng là một di tích có giá trị lớn về lịch sử - văn hóa, là nơi giáo dục truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của mọi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nhưng không chỉ làm nhiệm vụ bảo tồn, giữ gìn khu di tích, cán bộ chiến sĩ Đoàn 285 còn đảm đương cả nhiệm vụ giữ rừng, tăng gia sản xuất. Đại tá Bùi Hữu Hưng rất tự hào khi đưa tôi đi thăm cảnh quan của toàn Khu K9. Được giao nhiệm vụ quản lý cả một vạt rừng rộng đến hơn 200 ha với 2 hồ lớn rộng 16,5 ha, cán bộ chiến sĩ Đoàn 285 đã tích cực trồng cây, thả cá, nuôi bò để cải thiện đời sống cho bộ đội.

Có một điều lạ là cây trái trồng ở đây, mùa nào thức ấy, cây nào cũng sai trĩu quả. Đại tá Bùi Hữu Hưng bảo, chả biết là tại đất tốt hay do tay người trồng. Nhưng mà, đất trù phú thế, lại được bộ đội chăm chỉ vun xới hàng ngày thì cây cũng chả phụ lòng người, quả ngon, trái lành, mùa nào cũng tươi tốt, sum suê.

Anh em trong đơn vị hầu hết nhà đều ở Hà Nội, cách K9 chừng hơn 70 cây số, ấy thế nhưng vì nhiệm vụ thiêng liêng ở đây mà vẫn phải sống cảnh xa nhà, như thời chiến. Đại tá Hưng có khi hàng tháng trời mới về nhà một lần.

Chính trị viên Nguyễn Thanh Huống cũng vậy, tranh thủ họp hành trên Bộ Tư lệnh thì ghé về nhà chơi với con một lát rồi lại đi. Tất cả cán bộ chiến sĩ, từ anh lính trẻ đến người chỉ huy vẫn tuân thủ chế độ ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân. Nhưng Đại tá Hưng bảo, thế vẫn còn sướng chứ ngày xưa ở khu vực này hoang vu, không có đường, chỉ toàn núi với rừng, bộ đội còn cực hơn nhiều mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lòng kính yêu Bác Hồ là một động lực lớn giúp bộ đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đúng như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn".

Trở về "cõi Bác xưa"

Theo lịch sử Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vào một ngày của tháng 5/1957, Bác đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà. Cũng như khi Người đi công tác các tỉnh, thường không ăn cơm ở đó mà mang theo cơm nắm, thức ăn và Bác cháu cùng dùng bữa cơm dọc đường, lần này Bác dừng chân nghỉ ăn cơm trưa trên đỉnh đồi.

Hồ Chủ tịch đã đứng ở vị trí Đá Chông, nhìn ra sông Đà trước mặt thấy nơi đây phong cảnh sơn thủy hữu tình, gần dân mà xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của một nhà chiến lược thiên tài, Bác đã chọn vị trí này làm khu căn cứ của Trung ương. Và, gần 3 năm sau chuyến đi của Bác, ngày 15/3/1960, công trình được hoàn thành và được gọi bằng mật danh K9. Bác Hồ đã tới dự buổi khánh thành.

Những năm sau này, nhiều lần Bác đã cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị lên làm việc ở đây. Cũng tại nơi này, Bác đã từng tiếp đón bà Đặng Dĩnh Siêu - phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông Hà Vỹ - Đại sứ Trung Quốc và Đoàn cán bộ Quân đội Liên Xô do Anh hùng phi công vũ trụ G.M Ti-tốp dẫn đầu.

Ở K9 bây giờ, ngày ngày, những cây ngọc lan và 2 cây vàng anh do Bác cùng các vị khách quý trồng vẫn bốn mùa xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí của nhân dân Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tôi đã trải qua một cảm xúc thật lạ kỳ khi được theo chân Đại tá Bùi Hữu Hưng, Đoàn trưởng Đoàn 285, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý Khu di tích K9, nương theo những con đường trải sỏi, hai bên rợp bóng cây dẫn đến khu nhà làm việc của Bác Hồ. Mọi cảnh vật ở nơi đây dường như vẫn còn in dấu chân Người. Vùng đất huyền thoại này không chỉ là nơi Người đã từng sống và làm việc mà còn là nơi được chọn để gìn giữ thi hài của Người trong những năm chiến tranh, suốt từ khi Người vĩnh biệt chúng ta năm 1969 cho đến năm 1975, trước khi đón Người về Lăng ở Quảng trường Ba Đình.

Quang cảnh khu di tích K9.

Đại tá Bùi Hữu Hưng kể lại những câu chuyện của năm 1969, cách đây gần 4 thập niên mà giọng vẫn đầy bồi hồi xúc động. Đối với Bộ đội Bảo vệ Lăng nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung, bao giờ, những câu chuyện về Bác cũng là những câu chuyện gây nhiều xúc động nhất.

Khi Bác Hồ qua đời cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Đề phòng địch tiếp tục leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, K9, nơi bảo đảm được các yếu tố yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện giao thông đã được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn là nơi giữ gìn thi hài Bác.

Chỉ một tuần sau khi Bác đi xa, một số cán bộ của Bộ Tư lệnh Công binh và Tiểu đoàn 144 - Bộ Tổng tham mưu đã lên K9 để khảo sát, thiết kế cải tạo lại công trình. Ban đầu, Ban chỉ đạo gìn giữ thi hài Bác định sử dụng ngôi nhà đã có sẵn để lắp đặt máy móc, thực hiện nhiệm vụ gìn giữ thi hài Bác ở ngay trên mặt đất. Nhưng về sau, Quân ủy Trung ương quyết định phải cải tạo lại cả hệ thống hầm ngầm để có thể đưa thi hài Bác xuống khi chiến tranh có thể lan rộng tới khu vực này.

Trong điều kiện thi công khó khăn, phải đảm bảo bí mật, thời gian gấp nhưng các cán bộ chiến sĩ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công trình gìn giữ thi hài Bác gồm phòng giữ gìn thi hài Bác, được xây ốp gạch men trắng, có hệ thống điều hòa thông gió và phòng làm thuốc đặc biệt, trong phòng đặt quan tài kính do Bộ Tư lệnh Công binh thi công.

Ngày 15/12/1969, sau hơn 3 tháng làm việc khẩn trương, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác hoàn thành. Để giữ bí mật, K9 được đổi thành K84.

Sau ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải, toàn Đảng, toàn dân lại đón Bác trở về Hà Nội, đón Bác vào Lăng. Đúng 16 giờ ngày 18/7/1975, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác xuất phát rời K9, tạm biệt khu căn cứ, tạm biệt núi rừng thân thương đã bao năm nâng giấc Bác để đưa Người về nơi an nghỉ vĩnh hằng. Nhiệm vụ gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ Khu di tích K9 được giao cho Đoàn 285, một đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng từ bấy cho đến nay

Khu di tích Đá Chông (K9)

Đá Chông có diện tích 234 ha nằm trên quả đồi lớn gọi là U Rồng trong dãy núi Tản Viên, giáp địa giới hành chính của ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ và huyện Ba Vì , tỉnh Hà Tây.

Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, lá rộng, tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông lớn nên gọi là Đá Chông. Truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử. Địa danh này có một đặc điểm rất kỳ lạ là Sông Đà qua Lai Châu về Hòa Bình chảy xuôi qua đằng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gầy, đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) gặp sông Hồng, gông Thao để rồi cùng chầu về Đền Hùng, đất Tổ. Trong "Diễn ca Thánh Tản Viên - Sơn Tinh" có đoạn viết:

Chúng thủy giai Đông tẩu

Đà giang độc Bắc lưu

Dịch là:

Các sông đều chảy về Đông

Sông Đà riêng một, ngược dòng Bắc Lưu

Năm 1957 trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí quân uỷ Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308, khi dừng chân tại địa điểm này, bác thấy phong cảnh ở đây sơn thủy, hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ. Phía đông có dãy núi Tản Viên, có sông Đà liền kề. Phía tây có dãy núi Thiết Sơn (Lưỡi hái), thế đất có dáng hình "phong thuỷ" lại lợi nhiều về mặt quân sự, Bác đã quyết định chọn vị trí này là "Khu căn cứ địa" để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài.

Thể theo nguyện vọng của Bác, ngôi nhà sàn do chính Bác sửa thiết kế và cắm hương đã được khởi công xây dựng tháng 5 năm 1958 và hoàn thành tháng 3 năm 1960. Nhà Bác nhìn về hướng Nam, phía trước có hòn non bộ "thiên tạo", có nhiều cây cổ thụ xung quanh nên rất mát mẻ. Tiếp đến là các nhà làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ được lần lượt xây dựng.

Địa danh Đá Chông còn có tên khác là K9, K84 (địa danh mật) do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quy định. Gần 9 năm làm việc ở đây (1960 - 1969) Bác đã tiếp hai người khách nước ngoài, đó là anh hùng phi công vũ trụ Giéc man Titốp (Liên xô) Và phu nhân của Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu. Hai người khách này đã trồng lưu niệm hai cây Vàng Anh trước ngôi nhà làm việc của Bác. Ngày nay, hai cây Vàng Anh vẫn tỏa cành xanh biếc như để lại dấu ấn mối tình hữu nghị của hai dân tộc Trung - Xô với Việt Nam đời đời bền vững.

Năm 1969 Bác Hồ qua đời, khu Đá Chông lại được chọn là nơi giữ gìn thi hài của Bác những năm kháng chiến chống Mỹ (Từ ngày 23/12/1969 đến ngày18/7/1975).

Sau khi Tổ quốc thống nhất, Bác Hồ được về an nghỉ tại Thủ đô Hà Nội (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế về thăm viếng Bác.

(Hiện tại - St)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro