Đình thương Mẫn,

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở phố chẳng được như ở quê, mọi thứ lúc nào cũng xô bồ, chật chội, Mẫn Đình phải chen đến hai ba boot mới mua được thẻ đi tàu. Ngày thường em cũng hay đi nên thẻ lúc nào cũng để trong túi, thế mà đúng cái ngày chân vắt trên cổ mà chạy thì thẻ lại để quên ở trường, giờ chạy về trường nữa thì chẳng kịp chuyến, lật đật phóng ra ga tàu mua luôn. Cũng chẳng phải lễ tết gì, lại còn là cái lúc hai giờ chiều nắng như đổ lửa, Mẫn Đình mồ hôi nhễ nhại, ướt hết lưng áo, đi ngang mấy cái điều hoà phà hơi xuống mà rợn cả người, cảm giác vừa ướt vừa lạnh làm em rung mình mãi.

Mẫn Đình cầm điện thoại trong tay, em bật sáng liên tục, mãi đến khi người phía sau lên tiếng cằn nhằn về chuyện em đứng chắn ngang mất đường của họ thì em mới giật mình nhận ra, vội lấy thẻ tránh qua một bên. Nhìn bảng giờ tàu ngao ngán, có muốn vội cũng không được, chuyến em cần đi đã khởi hành mười phút trước, chuyến tiếp theo mất khoảng mười lăm phút nữa. Thôi đành chịu, cửa ra cũng chẳng gần gì, mười lăm phút đủ để em thong dong đi đến đó, cho tim em được cơ hội đập cho đúng nhịp, chẳng phải vội vã rượt đuổi như ban nãy.

- Về đến đó cũng bảy giờ tối rồi chứ chả ít gì nữa.

- ...

- Hi vọng nhà còn có cái bếp.

Túi bánh gạo nóng hổi đựng trong một hộp giữ nhiệt mà Mẫn Đình cách đây khoảng một tiếng vừa gắn mô tơ vào chân mua cho, sợ nó đổ cứ lâu lâu lại đưa lên kiểm tra xung quanh, chạm đáy hộp xem xét. Cũng vì trời nóng quá, thực chất chẳng biết là nóng do không khí hay nóng do bánh áp vào người nữa, Mẫn Đình lau mồ hôi em không xuể, áo phông bết bát nước, ướt trước ướt sau, mà em từ bé dễ ốm, nóng lắm cũng không dám đứng gần điều hoà, sốc nhiệt là tiêu.

- Cô gì ơi!

- ...

- Cô-gì-ơi!

- Hử? Mua bánh à?

- Bánh nướng ạ cô?

- Hết bánh nướng rồi, cháu lấy bánh hấp không?

- Thế cháu thôi ạ.

- Cũng ngon lắm, không kém gì đâu, cô bán nhoằng cái hết ngay đấy.

- Cháu lại không hảo lắm, cháu cảm ơn ạ.

Mẫn Đình thề là cái mùi bánh nướng thơm phức luôn ấy, từ lúc cô ấy vừa đi ngang qua là em đã ngửi được ngay rồi, không tự chủ mà đi theo sau gọi với lên, vậy mà xui quá, cô chẳng còn chiếc bánh nướng nào để bán cho em nữa, hẳn là chiếc cuối cùng chỉ vừa bán hết thôi. Tiu nghỉu một lúc thì cũng đến cửa, vừa hay hai ba phút sau tàu cũng đến, Mẫn Đình nặng nhọc lê người lên tàu, chọn ngay ghế cuối cùng sát trong góc, nhìn ra cửa kính.

"Đình lên tàu rồi."

"Mẫn ăn gì..."

"|..."

Ngón tay Mẫn Đình chần chừ, em phân vân nghĩ ngợi điều gì đó trong lòng, khẽ hít nhẹ một hơi, chỉ dài hơn bình thường một chút, để chúng khiến phổi em nở nang, ngăn một cơn xáo động trong lòng dâng lên, em nhẹ nhàng thở ra, tay cũng xoá đi dòng tin thứ hai vừa soạn, hẳn là lúc này hỏi như vậy chị cũng chẳng muốn trả lời, em chỉ đành báo cho chị một tin về hành trình của mình, nếu chị có xem được chị cũng đoán ra em đang ở đâu.

Mệt người quá, gần cả tiếng chạy đôn đáo, từ trường về nhà, rồi ra ga rồi lại đi cả đoạn dài nữa, mồ hôi đến giờ vẫn đẫm lưng chứ chẳng ít, Mẫn Đình co tay lên, gác lên bệ cửa, nghiêng đầu tựa lên ấy. Balo to để giữa chân, hơi vướng làm em chẳng để chân thoải mái được nhưng em lại không an tâm nếu phải để nó ra khỏi chỗ mình ngồi. Thêm cả hộp bánh gạo vẫn còn nóng hổi đặt trong lòng nữa, bức bối nóng nực vậy mà em vẫn chịu. Chỉ khoảng gần một tiếng sau thôi, khi hơi lạnh đủ để hong lưng em sắp khô, em cũng chẳng đủ tỉnh táo nữa, từ lúc nào ngủ say đến không còn biết được gì.

Tàu chạy êm thật, chẳng phải như mấy chuyến hồi Mẫn Đình còn bé, chạy kiểu gì em mấy lần suýt nôn luôn trên tàu, vừa ồn đến ù tai lại cứ dừng đủ các thể loại trạm, thế nên hồi đó bảo đi tàu Mẫn Đình không thích lắm. Kiểu có một ký ức không hay thì vô hình chung nó cũng thành nỗi sợ ấy, giống như Trí Mẫn vậy. Chị đi lạc một lần ở ga tàu mà cứ hễ ra ga là chị run như cầy sấy, thấy thương lắm.

Mặt trời đằng tây đẹp thật, nó không được trong như buổi sáng lên từ đằng đông, không được chói chang như buổi trưa trên những ngọn cây, chúng lúc về chiều rực rỡ, huy hoàng, tráng lệ như dát vàng lên những cánh rừng, chen qua tán lá, đong đưa trong gió lao xao, nghiêng ngả mấy vạt nắng trên mặt đất. Ấy thế mà chẳng mấy chốc những vạt chéo càng lúc càng nghiêng, ngả rạ xuống, sắc cam đỏ trang hoàng hừng hực cả bầu trời. Trong vào cái chớp mắt thôi, bỗng chốc rũ xuống, đỏ lựng lên rồi tím dần, vài cái chớp mắt nữa đã đen nghịt trước mắt. Cũng phải, cuối ngày vốn thế mà, chớp mắt là vụt mất thôi.

Ngủ một giấc bốn tiếng đồng hồ, cho đến khi cái chuông kết trạm sau đầu vang lên inh ỏi khiến em giật bắn mình gọi hồn tỉnh dậy. Người từ cõi mơ về, thực ảo không phân biệt được, đánh rơi hộp bánh xuống sàn văng cả nắp, ngỡ ngàng mất mấy giây mới hoàn hồn nổi, lật đật cúi gầm người xuống, đầu đã ong ong vì ngái ngủ lại thêm quả cụng vào thành ghế trước mặt làm em nhíu mày, tỉnh cả người. Tàu dừng không lâu, Mẫn Đình vội vã với tay mò cái nắp dưới gầm ghế, đeo vội balo lên lưng, ôm cả nắp cả hộp ra ngoài.

- Suýt thì tiêu.

Mẫn Đình vừa nói vừa ngó nghiêng xem bọc bánh còn nguyên không mà tim em bình bịch, tưởng như ai chạy nhảy trong đó vậy, thở phào một cái nhẹ nhõm cả người, cả bánh cả hộp đều còn sống, chỉ là nguội ngắc cả rồi.

...

Không nhớ rõ suốt từ lúc xuống tàu đến giờ em đã đi ba hay bốn chuyến xe theo chặng ở đây rồi mới có thể đến cái ngõ đầu đường mà Trí Mẫn hay tả cho em nữa, nhìn cây bàng to cỡ này chẳng lẫn đi đâu được. Mà thực ra là em nhờ bạn liên hệ với người quen của họ để chỉ em đấy, chứ một thân một mình, đường xá lại chưa từng biết, có cho vàng Mẫn Đình cũng chẳng mò ra.

Mẫn Đình đi ngang hai căn nhà đối diện nhau ở đầu ngõ, em không thể giấu được sự ngạc nhiên của mình trong chính ánh mắt ghim chặt lên đó lúc này, không nhầm được, người đi bên cạnh em, được cái không biết lấy sự hồ hởi ở đâu lại giới thiệu với em rằng, căn nhà mái đỏ, tường đỏ và hai chiếc công đỏ rực này là 'nhà chồng' Trí Mẫn nữa, em chẳng vui nhưng cái gì thừa nhận là phải thừa nhận, ít nhiều họ vẫn còn tình người, chỉ cần chị trả tiền thì họ trả cho chị tự do.

Người vừa nói với em điều đó rẽ ngay vào căn nhà bên cạnh, bảo với em rằng cứ đi đến căn nhà cuối ngõ, nhà mà không có cửa cổng gì ấy, đấy là nhà Trí Mẫn. Mẫn Đình đơ mất mấy giây rồi gật đầu. Nhà không có cửa cổng á? Thế là chỉ có bốn bức tường thôi à? Mẫn Đình không biết người ta nói chơi hay nói thật, chứ em cứ thấy nó không đúng thế nào ấy.

Kể ra ngõ vào nhà Trí Mẫn còn to chắc phải gấp đôi ngõ nhà em, phải một con xe tải lớn còn vào được, sáng sủa nữa, em cũng coi như đỡ sợ. Tay cầm chắc hộp bánh gạo, Mẫn Đình một nước đi thẳng đến căn nhà cuối cùng. Càng đến gần chân em càng chậm, trước mặt em là một căn nhà gạch bình thường, có chút cũ kỹ, rong rêu bám cũng cao ngất, em ngờ ngợ nhưng mà sao thấy là lạ, nhà này có cổng mà? Cái cổng cũng chẳng nhỏ nhắn gì cho cam.

Bước đi của em như có sức nặng, em đưa mắt nhìn quanh, thực sự cảm thấy quái gở lắm, ở đây làm gì có nhà nào không có cổng? Em còn phát hiện ra nhà ở đây cũng be bé thôi nhưng nhà nào cũng có khoảnh sân rộng và một chiếc cổng nom hoành tráng phết đấy. Tự nhiên thấy lúng túng, nhìn ngang nhìn dọc chẳng có căn nhà nào như người kia nói cả, em chần chừ, không biết có nên đi ra hỏi lại hay không nữa.

- Đình...

- ...

- Đình hở?

- Ưm, là Đình.

Hôm nay Mẫn Đình giật mình chắc phải được bốn năm lần gì rồi đấy, cái giọng trầm quen thuộc nay khản đặc lại, gọi tên em cũng không còn độ trong và vang nữa, chỉ còn lại đâu đó cảm giác trĩu nặng. Gần nửa tháng không gặp, Trí Mẫn gầy đi nhiều quá, má hóp thấy rõ, người ngợm cũng xanh xao cả đi, nhất là đôi mắt, chúng dường như nặng đến mức không thể chớp đàng hoàn được.

- Đình đến rồi.

- .

- Đình đến đón Mẫn rồi này.

Em chuyển hộp bánh về một tay, tay còn lại từ tốn len vào bàn tay chị, khẽ nắm lấy nó, siết lấy nó, cảm nhận nó gầy guộc xương xẩu mà xót xa. Em nhẹ giọng lắm, nhẹ hơn cả những lần bình thường khác, vừa nhẹ vừa êm, vừa chậm rãi, xác nhận với chị, rằng mình đã ở đây. Trí Mẫn không nói gì, chị gật đầu, tay để em nắm, kéo em về phía cuối ngõ. Mẫn Đình cứ vậy mà đi theo, đi thêm hơn hai chục bước chân nữa, em nghĩ vậy, nhìn qua trái, đến nhà Trí Mẫn.

...

Nén hương thắp cắm vào lư, em cẩn thận tránh để tay mình làm ngã nhưng nén hương xung quanh, khẽ thở ra một hơi, làm lễ và thưa gửi trong tâm điều gì đó rồi đứng dậy. Em nhìn nhanh một vòng, đi ra kéo rèm kín cửa rồi quay lại, ngồi xuống trước mặt chị, ôm lấy chị.

Mẹ chị mất rồi, từ mười hôm trước, nhưng đến tận sáng nay em mới biết. Trí Mẫn gọi cho em, chị im lặng một lúc rất lâu làm em sốt sắng như lửa đốt, kiên nhẫn chờ đợi, cuối cùng chị khản giọng trả lời, chị hỏi, 'Đình có thể mua cho Mẫn một vé xe đi phố được không?'

Hiển nhiên Mẫn Đình ngay lập tức bảo có, em còn dặn dò Trí Mẫn đủ kiểu, dặn chị là nếu như mẹ không trả điện thoại cho chị, chị cứ đi ra bến xe đọc số điện thoại và tên của chị, họ sẽ cho chị đi. Gần hai tuần mới được nghe tiếng chị, mới được thấy chị gọi, Mẫn Đình mừng rơn, em hỏi thăm chị đủ kiểu, cứ sợ chị về nhà không được đối xử tốt, dặn chị xong việc rồi thì nhanh chóng lên phố, ở đấy có em đợi, em thương.

Nhưng Mẫn Đình nào ngờ được, lần này hỏi về chuyện mẹ có làm gì chị không, có không tốt với chị không chị đều bảo không cả, Mẫn Đình cũng không mảy may nghĩ đến lắm, vì hôm chị về chị bảo mẹ bị ốm, mà dạo gần đây mẹ chị yếu hẳn, ốm là gần như không đi lại nhiều được nữa, sức đánh chị làm gì mà còn nhiều. Em nhớ sáng nay em còn bảo vậy thì tốt nữa, chị không sao là em mừng rồi. Vậy rồi chị bảo với em, mẹ chị mất rồi, được mười ngày. Em im lặng một lúc, nghe tiếng chị thở đều qua loa mới yên tâm, em dặn chị đợi mình, hôm nay em sẽ đến đón chị, nếu chị muốn về phố.

Trên đường được dẫn về đây, người kia cũng chẳng kiệm lời mà thủ thỉ tai em nhiều thứ, hiển nhiên là như vậy thì mới đến cái độ rỉ tai bạn em về chuyện của em trong khi chẳng hề quen biết gì em chứ. Em không thích người ngồi lê đôi mách như vậy nhưng em không chối, rằng em biết ơn vì ít nhiều gì họ chính là người cho em biết về chị rõ ràng nhất.

Họ bảo em nghe nói mẹ chị yếu quá mà cứ đòi đi ra ngoài, chị loay hoay tìm cái nón không thấy, mẹ chị đợi không nổi, bà bước qua cửa, làm sao mà lại ngã đập đầu ở cạnh bản lề, máu me be bét, Trí Mẫn điếng cắt họng, chị hét không thành tiếng, họ nói chị đi đập cửa đập cổng rầm rầm mà chẳng nói gì, liên tục không chịu thôi, người ta tưởng chị phát điên, định dắt chị qua mắng vốn, thấy mẹ chị bất động, đến bệnh viện chẳng qua nổi nữa, vì sức khoẻ không còn gì để đáp ứng nữa rồi. Thêm chuyện mẹ chị hút thuốc đến tan nát phổi, có cố gắng cỡ nào cũng không cứu nổi.

Người ta nói chị khờ đến cái độ chẳng biết làm gì cho tang lễ, đến khóc tiễn đưa người đã khuất đi chị cũng không biết làm, họ đánh giá chị lãnh cảm, phán xét như một hệ quả kéo theo rằng vì chị bị mẹ cư xử như vậy nên chẳng trách chị được. Họ nói cũng may là chị khờ vậy nên người ta thương, người ta không ưa mẹ chị mà vì chị thế nên người ta giúp cho cái bàn bốn chân làm bàn thờ, người ta giúp cho chôn chất, rồi chuyện gì qua vẫn phải qua, bao nhiều tiền phúng điếu người ta nhét tay chị chị mang qua căn nhà đỏ đầu ngõ trả hết, vẫn chưa hết nợ được. Mười ngày trời ai cho gì ăn nấy, ăn bảo gì làm nấy. Bát cơm canh trên chiếc giường gỗ, ngay cạnh chị hẳn là một trong những bữa ăn đó, mà trông còn nguyên lắm, chẳng dây dưa chút nào.

- Mẫn ăn gì chưa?

- ...

- Mẫn có đói không?

- ...

- Đình ôm Mẫn nhé?

- Hôm nay Mẫn chưa tắm.

- Đình cũng vậy, chẳng sao hết đâu.

Giờ Mẫn Đình mới hiểu sao mà người ta nói nhà chị không cổng không cửa, căn nhà bé quá, thấp quá, bị lấp thụt vào phía trong, phải đi đến trước mặt tiền mới nhìn thấy được, chẳng biết được chín mười mét vuông không nữa, chắc chỉ to hơn phòng trọ của em trên phố một chút, chiếc giường chiếm hơn nửa căn nhà, phòng tắm nhỏ xíu, thêm một cái bếp chẳng có ga, một kệ bát đũa, xoong chảo loe nghoe, một bàn thờ lư hương, thế là hết. Thế này thì có gì để cần dựng cổng nữa sao?

Cánh cửa dựng ngay vách tường bên ngoài giờ em mới nhớ ra, hẳn nó là cánh cửa nhà chị, vì chuyện vừa rồi nên mới gỡ ra, chứ nào có ai đi nổi qua cánh cửa lấy mạng mẹ mình chứ. Nhà chị ẩm thấp quá, cửa sổ cũng nhỏ, chẳng có thông gió, em kéo rèm lại là y như rằng ngột ngạt khó chịu không thôi, khó tránh khiến Trí Mẫn của em thêm mệt mỏi. Tiếng quạt tành tạch chạy, đèn mờ, cả người uể oải, vừa được em ôm Trí Mẫn liền dụi mặt vào người em, thở nặng một hơi dài, cứ vậy ngồi yên để em ôm rất lâu, không buồn cử động lấy một lần.

- Đình ơi...

- Ưm~

- Mẫn mồ côi rồi.

- ...

- Cha không thích Mẫn, mẹ cũng không cần Mẫn.

- ...

- Có phải Đình... sẽ không thương Mẫn nữa không?

- ...

- ...

- Đình thương Mẫn của Đình, luôn luôn thương Mẫn của Đình, Mẫn nhớ.

Người ta nói Trí Mẫn của em chẳng hay ho lắm, nói chị không biết khóc tang mẹ, hẳn là chẳng thương mẹ, mẹ mất đi rồi cũng coi như là trút hết gánh nặng, cũng chẳng ai đánh đập, cưỡng ép để phải khóc lóc nữa. Em nghe rồi để đó, để em biết từ giờ trở đi người duy nhất hiểu được chị sẽ cần phải thương chị nhiều thế nào mới bù đắp được đau đớn trong lòng chị.

- Đình thương Mẫn, từ rất nhiều ngày trước.

- ...

- Đình thương Mẫn mỗi ngày, ngày nào Đình cũng thương Mẫn, chờ đợi để được thương Mẫn. Mỗi ngày, mỗi ngày Đình đều thương Mẫn.

- ...

- Đình thương Mẫn nhất, thương như Đình thương bố, thương mẹ Đình vậy.

- ...

- Thương Mẫn nhiều như gia đình, xem Mẫn là người thương trong nhà Đình.

- ...

- Không chỉ Đình, còn bố mẹ Đình nữa, bố mẹ thương Mẫn lắm, bố mẹ dặn Đình dẫn Mẫn về chơi, để bố mẹ được thương cả Mẫn nữa.

- ...

- Mẫn này, Đình thương Mẫn lắm. Đình thấy mình hạnh phúc khi được thương Mẫn, ngày nào cũng hạnh phúc, vì ngày nào Đình cũng được thương Mẫn.

Trí Mẫn là người thế nào em chẳng cần ai phải nói gì nữa, em rõ chị đến nỗi chưa chắc chị nhận ra điều mà em biết về chị, rất rất nhiều điều như thế. Mẫn Đình chưa từng có một sự tôn trọng nào cho cha mẹ chị, người khiến Trí Mẫn của em không ít lần thân tàn ma dại, vì đòn roi, vì đồng tiền vắt kiệt sức lực. Em không muốn nói là em ghét mẹ chị, từ ngày biết chị chưa có một ngày nào em thôi ghét mẹ chị, ghét đến mức nếu chị ở cạnh bên em mà mẹ chị gọi đến em chỉ muốn vứt điện thoại của chị đi, để lời chua ngoa không khiến chị phải mếu máo van xin bất kỳ điều gì nữa.

Cũng đến cái ngày mà em chẳng cần phải làm gì cũng có thể đạt được điều mình muốn, nhưng sao lúc này không thấy thoả mãn như nhiều lần đạt được điều em muốn từ trước đến giờ chút nào cả, em thấy lòng mình như hai sợi dây đan xoắn vào nhau, một sợi nhẹ lòng cho chị, một sợi xót xa cho chị, chúng vặn xoắn nhau trong tâm trí em, giữa những câu nói từ tận đáy lòng rằng mình thương chị nhiều đến thế nào khi đang vuốt lưng xoa dịu người em thương.

Nhẹ lòng vì chẳng còn ai đánh đập chị, chẳng ai ép gả chị và chẳng ai mượn nợ bắt chị trả nữa, chị cũng không cần đầu tắt mặt tối quần quật đi làm, ai gọi gì cũng vội vã theo, cũng chẳng cần nghĩ đến chuyện phải đi xuất khẩu lao động. Tiền chị làm ra chị được tự dùng, chị muốn tiêu gì chị tiêu, mua một túi bánh gạo xốt cay cay, một bát cơm trắng đầy ắp thịt cá, mấy cái áo mới, mấy cái quần xinh, thêm cả nhiều đồ đông thật ấm áp.

Xót xa thì còn vì điều gì nữa chứ, chị thiệt thòi đủ điều như vậy rồi còn phải chờ đợi gì nữa sao. Chị chưa từng có ý mảy may vì bản thân, chị làm việc như thế chỉ đơn giản vì muốn mẹ vui, muốn mẹ đừng gả chị đi, và cả điều mà chị chưa từng đề cập đến rằng muốn mẹ luôn ở cạnh mình. Không có cha rồi, Trí Mẫn có mỗi mẹ là người thân, không cần nói gì cũng có thể biết được mà. Mất người thân có thể không đau sao? Mất người mẹ có thể không đau sao? Mất đi cả gia đình có thể không đau sao?

Căn nhà này hai mươi hai năm có mẹ có con, có một người mắng nhiếc, một người khóc la, ít nhiều nó cũng là nơi có sự sống, có hơi ấm con người và cả những âm thanh dội vang. Nhưng rồi nhà vẫn có người, chỉ là không một tiếng động nào nữa. Em không biết tại sao Trí Mẫn không nói cho em từ mười ngày trước, có thể là vì chị nghĩ em không biết cách làm mẹ chị sống lại nên chị mới không gọi cho em chăng, có thể lắm, vì chị hay suy nghĩ như vậy mà. Nhưng em ước, thực sự ước, cái khoảnh khắc kinh hoàng và cô độc đến tột cùng đó em được ở đây, ngay cạnh chị và nói yêu thương chị. Nỗi đau của chị lớn nhường nào em rõ, cũng rõ chút tình thương của mình không đủ khiến chị nguôi ngoai, chỉ là có em chị vẫn biết có người thương chị nhiều thế nào.

Chuyện qua rồi, em không muốn nhắc lại chuyện cũ, em chỉ muốn tiếp tục cho ngày mai, cho một lúc nào chị có thể vượt qua mọi thứ, ôm lại em, nói chị cũng thương em, chỉ vậy với em là tất cả rồi.

- Đình ở đây, ở cạnh Mẫn để thương Mẫn. Lúc nào Đình cũng thương Mẫn, Mẫn ngoan như vậy Đình lúc nào cũng thương Mẫn. Hoạ may, có lúc Mẫn chưa ngoan Đình cũng vẫn thương Mẫn như thế, Mẫn nhớ.

- Mẫn ngoan...

- Ưm, nên Đình thương Mẫn lắm.

- ...

- ...

- Đình ơi.

- Đình đây Mẫn.

- Mẫn thấy nhớ mẹ...

- ...

- Mẫn nhớ cha nữa...

- ...

- Mẹ Mẫn gặp cha rồi mà Mẫn chưa được gặp nữa...

- ...

- ...

- Sau này, khi Mẫn lớn thật lớn, tóc Mẫn bạc trắng, Mẫn đã làm xong tất cả mọi thứ Mẫn muốn, lúc đó Mẫn cũng sẽ được gặp cha mẹ.

- Mẫn già như vậy cha mẹ còn nhận ra Mẫn không?

- Có chứ, nếu cha mẹ không nhận ra thì Mẫn cũng sẽ nhận ra.

- ...

- ...

- Cha mẹ có thương Mẫn không Đình?

- Sẽ có.

- ...

- Nếu không Mẫn vẫn có Đình thương Mẫn. Mỗi ngày Đình đều thương Mẫn, cho đến khi đó Đình vẫn thương Mẫn.

Trí Mẫn nói với em chị hay được người ta bảo là chị giống cha, chị không biết có thật không vì chị chẳng nhớ nổi hình dáng cha ra sao, khuôn mặt cha thế nào cả, hai mươi mốt năm hơn rồi, đứa bé chưa biết đi năm đó đã lớn đến thế này rồi đấy. Chị hiếm khi nào nói về cha, chị cũng chưa bao giờ có ý mảy may cần tình thương đó, thế nên em cứ nghĩ chị hoàn toàn không quan tâm đến cha chị, thế rồi em biết mình sai, nếu được chẳng ai mong muốn mất đi tình thương của cha cả.

Mẫn Đình đổi tay, em đặt bàn tay ấm nóng của mình từ tốn trên lưng chị, xoa đều theo vòng tròn, cẩn thận cảm nhận từng hơi thở đều đặn trong lòng. Em ôm Trí Mẫn lâu như vậy rồi nhưng cũng chẳng muốn buông ra, nếu được, em mong ngày nào, giờ nào, bất kỳ giây phút nào cũng đều có thể ôm chị. Thơm lên trán chị, lên tóc chị, Mẫn Đình áp má em lên đó, để chị an tâm về sự hiện diện của mình.

- Mẫn có muốn ở nhà thêm mấy hôm không?

- ...

- Mẫn muốn đi hôm nay à?

- ...

- Hôm nay trễ quá, đi ngay sẽ mệt lắm, ngày mai rồi Đình dẫn Mẫn lên phố nhé.

- ...

- Tại sao thế?

- ...

- Sao Mẫn lại muốn đi sớm thế?

- ...

- Mẫn không thích ở nhà nữa à?

- ...

- Nhưng bây giờ mười giờ hơn rồi này, mình đi ra ga là khoảng mười một giờ, vậy thì sớm nhất cũng năm giờ sáng mới đến phố, về nhà Đình là sáu giờ. Mẫn sẽ đuối lắm.

- ...

- Sáng sớm mai Đình dẫn Mẫn đi Mẫn nhé?

- ...

- ...

- ...

- Ưm, mình đi luôn, Đình sẽ dẫn Mẫn lên phố luôn, không sao hết, đuối có Đình thương Mẫn nhỉ~

Đi chứ, miễn là Trí Mẫn muốn em chẳng ngại điều gì cả, Trí Mẫn muốn đi ngay, lên phố và về nhà em, có lẽ là nằm trên nệm êm và được em ôm nữa, vậy thì sẽ dễ chịu hơn được một chút. Trí Mẫn hẳn là muốn vậy nên khi em muốn dời chuyến đi sang sáng mai chị mới nhất quyết lắc đầu, lắc đến khi em đồng ý. Trí Mẫn bướng bỉnh thật, nhưng em chẳng thấy bực bội gì, chỉ thấy thương chị đến đau lòng như vậy.

...

Trí Mẫn không muốn đừng một chỗ đợi em, chị lẽo đẽo theo sau lưng em. Cả hai ra đến đây vừa đúng mười một giờ năm mươi, mười phút nữa chuyến tàu về phố cuối cùng của đêm nay sẽ khởi hành, tay chị xách, nách em mang, đùm đuề một đống đồ, vé chưa có, quầy vé giấy đóng cửa, quầy tự động lại đi ngược hướng cửa ra, sợ dẫn chị chạy theo lại cực chị, vậy mà thấy chị mếu em lại mủi lòng dẫn theo.

Mẫn Đình thở hồng hộc, em mệt dã man, em không nghĩ là trong ngày hôm nay em sẽ phải chạy nhiều đến thế, còn suýt lạc mất chị khi chị nhỡ đánh rơi chiếc chun buộc tóc em tặng cho ngay giữa ga tàu thưa thớt này nữa, em chạy vội cho kịp, đến khi quẹt lấy vé điện tử xong em quay lại nói chuyện mới biết chị không theo kịp mình, em tá hoá chạy ngược lại, cũng may chị vẫn chỉ đến đoạn lơ ngơ ngó quanh tìm em, chứ thực sự chị phát hoảng lên ở đây thì Mẫn Đình dằn vặt mãi mất.

Tàu đêm có khác, giờ mà em cả Trí Mẫn thích ghế nào thì cứ tuỳ ý mà ngồi, ngồi ngang ngồi dọc kiểu gì cũng được, cả chuyến chắc không đến ba mươi người, ai cũng bận dựa vào ghế mà ngủ, mấy ai quan tâm đến ai. Cơ mà em với Trí Mẫn cũng chẳng kém, tụi em đuối quá, đuối đến mức chị dựa vai em, em dựa đầu chị suốt từ lúc lên tàu lên giờ, cho đến khi bụng chị réo rắt nhọc nhằn, mách lẻo em chuyện chị đói rã rời rồi.

- Mẫn có muốn ăn gì không? Đến trạm dừng Đình mua cho Mẫn bánh nướng nhé?

- ...

- Ứm ừm, cái này không ăn được nữa, nguội hết rồi ăn sẽ đau bụng lắm.

- ...

- Đưa Đình nhé, đến trạm nếu có bán Đình mua bánh gạo mới cho Mẫn nhé?

- ...

- Cái này nguội hết rồi ấy, Đình mua cả nửa ngày rồi mà.

- ...

- Hoặc là mang về nhà Đình, mai còn ăn được thì Đình hâm lại mình ăn nhé?

- ...

- Nhưng nó nguội thế này, Mẫn ăn vào sẽ đau bụng Mẫn lắm đấy.

- ...

- Đau quặn lên ấy.

- ...

- Mẫn nhớ mấy lần bị đau bụng vì Mẫn ăn thịt bị chua không?

- ...

- Đau thế nào Mẫn còn nhớ không?

- ...

- Ưm, bây giờ ăn cũng thế đau như thế.

- ...

- Đưa Đình giữ cho, mang về bỏ tủ nhé.

- ...

- Mẫn ngoan lắm~

Ngoan thật đấy không phải Mẫn Đình chỉ khen cổ vũ cho có đâu, riêng cái chuyện chịu buông đồ cũ, đồ thừa để nhận cái mới đã là rất giỏi rất ngoan rồi, thế nên trạm dừng vừa rồi Mẫn Đình giữ lời hứa, em mua cho Trí Mẫn một phần bánh xiên que phết xốt nướng, thứ duy nhất có bánh gạo ở ga đấy cùng một chiếc chả cá, thêm một chiếc bánh mặn cho em lót dạ. Mẫn Đình đưa, Trí Mẫn mệt nhọc đón mỗi tay một xiên, chị đói lắm, chị ngấu nghiến, nước mắt tủi cực rơi xuống, nghẹn ngào nức nở, nhai rất lâu mà không nuốt được, cuối cùng vẫn là em dỗ dành một lúc mới bình tĩnh ăn tiếp được.

Khóc quá nên đầu óc cứ lùng bà lùng bùng, lại dựa vào em, ôm lấy cánh tay em. Mẫn Đình dựa lưng hẳn lên ghế, hơi ngửa đầu, em thấy mắt mình vừa nóng vừa cay, em nhìn lên trần, từ trái qua phải rồi tự phải qua trái, em không dám chớp, em sợ nước mắt mình làm ướt người chị, sợ đau thương làm chị phải lo lắng. Cảm xúc trong em đẫy lên, khiến bản thân em khó khăn kiểm soát mọi thứ, em cố gắng nhiều, cố gắng để mình giữ được bình tĩnh, chị còn mỗi em, chẳng thể để chị vừa đau trong lòng lại phải dỗ dành em được, chị hay nói mà, 'Đình khóc Mẫn sợ lăm'.

Chỉ là em không thôi được, không ngăn được, không kiểm soát bản thân thương chị được, em đâu đã lớn, chị cũng vậy, nhưng sao chị lại phải trải qua những điều tàn nhẫn đến như vậy chứ. Em từ bé được yêu thương, em nghĩ mình sẽ luôn như vậy, sẽ luôn là bé con của gia đình và xóm làng, và nếu em dẫn về thêm một bé con nữa thì có phải cả hai bé con đều sẽ được yêu thương thật nhiều không?

...

Không nhớ lần cuối cùng cảm giác đuối sức đến thế này là khi nào nữa, chỉ biết cảm giác dọn dẹp xong xuôi mọi thứ, tắm rửa sạch sẽ và được nằm ôm lấy chị thế này là điều quý giá nhất mà em có thể nhớ đến để biết ơn. Cả một đêm dài đằng đẵng trên tàu với những lần giật mình của em, những lần khóc sướt mướt của Trí Mẫn, những tiếng báo đến trạm dừng và hàng loạt những tác động khiến em và chị chẳng thể vào giấc trên chiếc ghế dựng thẳng ấy.

- Mẫn mệt nhiều lắm phải không?

- Đình cũng mệt, tại Mẫn.

- Ưm, Đình mệt chứ, nhưng không phải tại Mẫn mà là Đình muốn, ít ra nó khiến Đình an tâm rằng Mẫn vẫn an toàn.

- ...

- Đình thương Mẫn.

- ...

Trí Mẫn nằm đối mặt về phía em, chị lim dim, mí mắt, bọng mắt đua nhau tích nước sưng to, biết tự rửa mũi rồi, vẫn sặc lúc đầu thôi, giờ mũi thông thoáng thở êm lắm, không khì khò như trên tàu nữa.

- Mẫn sao đó?

- ...

- Ưm?

- ...

- Mẫn muốn Đình nằm vào đây à?

- ...

- Có thể nói với Đình thay vì chỉ gật đầu được không?

- ...

- Khi nào muốn hãy nói với Đình nhé. Nói là 'Mẫn muốn Đình nằm gần Mẫn', Đình sẽ nằm lại gần Mẫn như này này.

Trí Mẫn chẳng chịu nói gì, muốn em ôm thì kéo áo, muốn em nằm gần thì vỗ nệm, hỏi đúng thì gật, hỏi sai thì lắc, lâu lâu cũng không biết mình nên gật hay lắc nữa. Mẫn Đình cười, em nhích người nằm sát một chút, ôm lấy Trí Mẫn, lời trong lòng thỏ thẻ với chị như vậy. Thơm má chị, thơm môi chị, xoa lưng chị. Hôm nay đủ mệt rồi, Trí Mẫn đều hơi thở rồi, em cũng không còn gượng thức nổi nữa, chầm chậm vào giấc.

- Đình thương Mẫn~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro