+ Chị có em.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Mẫn ngồi lên thảm này, kẻo lạnh mông.

- ...

- Mẫn trông cho mẹ à?

- ...

- Mẫn giỏi thế~

Chỉ gật thôi, hỏi gì đúng ý rồi là chỉ gật thôi. Mẫn Đình cười, em nhét tay Trí Mẫn chiếc bánh cuộn cho chị lót dạ, chứ thấy ngồi đây trông quà cho mẹ nhiệt tình quá này. Hôm qua thì ngồi cả tiếng xem đi xem lại đống quà em mua, hôm nay về đến nhà rồi lại ra xem của mẹ mãi không chán. Mẫn Đình ngồi xuống, em kéo túi quà mẹ em xếp gọn chồng chất lên nhau làm chị nãy giờ muốn nhìn rõ bên trong cũng không được về phía mình, cẩn thận lấy ra từng món.

- Sao Mẫn không lấy ra mà xem?

- Hỏng mất.

- Không hỏng đâu, Mẫn xem thôi mà, làm sao hỏng được?

- Mẫn không biết cầm, sẽ làm hỏng mất.

Trí Mẫn dụi mũi, vẫn đều đặn hai lần mỗi ngày phải rửa mũi, nhất là từ khi làm nhà may là càng dễ ngứa hơn nữa. Chị vẫn thích ngồi chồm hổm như vậy, tấm thảm Mẫn Đình vừa lót dưới mông cho cũng ấm đấy nhưng mà chưa muốn ngồi xuống. Nghe tiếng em từ đằng sau vòng ra phía trước, ngước mắt lên nhìn, tầm mắt thấp dần cho đến khi em ngồi hẳn trước mặt, cười cười, nói mình sợ hỏng.

Trí Mẫn biết mình vụng chứ, biết rõ rành rành luôn ấy, mấy năm liền rửa bát thuê ông chủ mắng đi mắng lại mãi chứ gì. Nhưng mà vụng thật, đổ vỡ không biết bao nhiêu lần, bị ông nạt tím tái mặt mày không biết bao nhiêu lần, vô hình chung khiến Trí Mẫn luôn trong trạng thái rằng bất kỳ thứ gì chị động vào đều sẽ hỏng mất thôi.

- Mẫn bê thử hộp này đi, bê lên mà xem cho dễ này.

- ...

- Sao thế Mẫn? Mẫn thử đi.

- ...

- Mẫn sợ hả?

- ...

- Thế sao Mẫn lắc đầu đó?

- Mẫn sẽ làm hỏng.

Mẫn Đình đưa cho hộp bánh mứt người ta tạo hình một hộp quà lớn có dàn hoa xum xuê phía trên, Mẫn Đình vừa lấy ra là em đã biết Trí Mẫn chắc chắn thích rồi, em nhìn lên chị, thấy chị tròn cả mắt nom yêu lắm. Vậy mà đẩy qua sát người là chị vội vàng rút người nhích ngược ra sau, hai tay thu gọn giấu trước ngực, lắc đầu nguầy nguậy.

Em hay khen Trí Mẫn lắm, Mẫn Đình dành tất cả mọi thời gian có thể trò chuyện với chị để khen ngợi chị, để cổ vũ chị, để yêu thương chị. Trí Mẫn bị mắng, bị đòn nhiều quá, cả tuổi thơ từ nhà đến phố chỉ toàn mắng nhiếc và đòn roi, chị có nhiều bóng ma tâm lý và cả tự ti nữa. Thế nên bất cứ lúc nào khen được là Mẫn Đình khen chị hết mình.

Khen chị ăn giỏi khi chị chịu tự giác ăn hết một bát bánh gạo xốt cay cay mà không dè chừng đợi em ăn rồi mới ăn, khi chị dám đưa đũa của mình vào đĩa thức ăn chung để gắp thứ chị thích về bát của mình mà không lo bị đánh vào tay như ngày chị ở nhà với mẹ, khi chị không còn tiếc của mà cố ăn cho hết, cho sạch thức ăn trên bàn để rồi óc ách thở không được, nửa đêm chịu không nổi ôm bụng nôn mửa.

Khen chị chăm chỉ khi mỗi tháng chị chẳng bỏ lỡ một ngày nào để kiếm tiền, từ sáng sớm đến tận đêm muộn. Ngày trước, khi chị vẫn một thân một mình trên gác xép của căn phòng trên mái nhà, em có hỏi han kỹ càng về những gì chị làm, thậm chí em còn nhớ kỹ là đằng khác, em viết hẳn thành thời khóa biểu để tiện hỏi thăm chị. Có khi đến lúc em hỏi Trí Mẫn mới nhớ ra chị còn có công việc đó nữa. Cơ bản là chị dễ quên, muốn biết được một tuần của chị em cần hỏi ít nhất là bảy lần, mỗi ngày một lần, chứ hôm nay mà hỏi hôm qua hay ngày mai thì chị nhớ không ra.

Vậy rồi em lại càng khen chị chăm chỉ nhiều hơn nữa, có ngày cười tươi híp mắt khen chị, có ngày lã chã ướt mắt khen chị, nhất là kể từ khi về ở chung với em thì em lại càng rõ. Sáng sớm bốn giờ dậy tắm rửa, sợ làm ồn đến em đang ngủ không cả bật đèn, nước mở lỉ rỉ, có hôm em nhỡ tắt nước nóng, mà cái bình nước nóng phòng em mỗi lần khởi động nó phát một đoạn nhạc mới bắt đầu chạy, sợ em thức cắn răng tắm nước lạnh luôn, run rẩy lập cập. Hôm em biết em giận lắm mà không thể hiện ra mặt thôi, chị không làm gì sai để phải sợ cơn giận của em hết, mà là em xót quá, từ hôm đó là lúc nào trước khi ngủ cũng phải đi bật nước nóng sẵn để đó, sao khờ gì mà khờ trân à.

Bốn rưỡi sáng đi quét đường, mùa nóng quét rác, mùa gió quét lá, mùa lạnh cào tuyết. Tám giờ rưỡi hết ca thì lại ra chợ bưng quả cho người ta mở sạp. Mười giờ hơn chạy đi dọn dẹp cho nhà họ Ninh. Mười hai giờ chạy đến phân xưởng quét sân đến một giờ chiều. Tằn tiện chẳng dám đi xe, dành gần một tiếng đi bộ từ đó về đến quán ăn, có ngày mệt quá đi chậm, vừa về đến quán đã vội vội vàng vàng, nên năm đó mới đâm sầm vào người em đến mẻ hai cái xương sườn đấy. Làm đến mười rưỡi đêm mới lò dò về nhà, hôm nào bát đĩa nhiều quá thì lại đến mười một giờ mới được về. Về nhà có túi cơm mua ở quán ăn, ông chủ ông ấy vừa bán vừa cho, hôm nào có chút thịt cá thì mừng rơn, hôm nào không có thì hạnh phúc với củ cải muối, đến củ cải muối cũng không có thì cơm trắng nước lã, miễn là mỗi ngày được ăn cơm trắng là thích lắm rồi.

Cái nghèo cái khổ nó khiến đứa trẻ chậm lớn này không có thời gian để mà lớn, đến một chút thời gian để ăn để ngủ cũng còn chẳng đủ thì thời gian đâu mà lớn nữa chứ. Ngày nào được trả thêm tiền, được tăng lương là hôm ấy mừng húm người, gặp được em liền khoe ngay, có mấy tờ tiền cũ mà cứ lấy ra vuốt ngang vuốt dọc, thích lắm, được em khen nữa nên càng ngày càng tin chuyện mình chăm chỉ, mình xứng đáng được nhận.

Khen chị ngoan ngoãn, cái này là khen nhiều nhất đấy, khen mỗi ngày, khen mỗi đêm, khen không kể thời gian, lúc nào em cũng đều khen chị ngoan cả, Mẫn ngoan lắm, Mẫn ngoan quá, Mẫn ngoan nhất. Bất kỳ điều gì chị làm dù đã vừa ý em hay chưa, đã hợp tình hợp lý hay chưa, Mẫn Đình vẫn không tiếc lời khen chị. Em cố tìm điểm tốt trong chuyện đó để khen chị trước rồi mới cố gắng giải thích cho chị hiểu vì sao chị được khen nhưng vẫn cần sửa thêm một chút. Trí Mẫn của em ngoan lắm, chị chỉ hay quên thôi, hơi khờ thôi nhưng ngoan lắm, ngoan cực kỳ, từ từ nói rồi chị sẽ biết, sẽ nghe, rồi chị sẽ lớn dần, nhất định là thế.

Khen Trí Mẫn từ lúc nào đã là thói quen của Mẫn Đình rồi, mỗi một lời khen đi kèm cả sự trìu mến và ân cần nữa, để chị luôn cảm thấy mình được thương yêu nhiều thật nhiều.

- Mẫn giỏi mà Mẫn nhỉ?

- ...

- Sao lại lắc đầu? Mẫn giỏi nhất đấy, Mẫn làm được hết đấy.

- ...

- Mẫn cho Đình mượn tay nào.

- ...

- Mẫn đừng rụt tay lại nhớ~

- ...

- Nhẹ lắm, Mẫn thấy không?

- Đình ơi, hỏng mất.

- Không hỏng không hỏng, Mẫn xem thôi mà.

- Mẫn làm hỏng mất hoa rồi...

- Không phải đâu, hoa này nó thế đấy, nó nghiêng trước nghiêng sau đều được này.

- ...

- Mẫn cầm chắc nhé, Đình buông tay ra này.

- Đừng mà đừng mà...

- Ưm, Đình giữ rồi, không sao hết.

- ...

- Mẫn chạm hoa thử đi.

- ...

- Ưm, không sao hết, Mẫn cứ chạm đi, Đình biết làm hoa này, nhỡ mà bị hỏng thì Đình sửa được, Mẫn yên tâm.

- Thật á?

- Thật chứ, Đình làm hoa này giỏi lắm đấy~

- ...

Mẫn Đình thương lắm, hẳn là hôm qua ở nhà nhỡ đánh rơi hộp quà năm tầng đến giờ vẫn còn sợ, nói cỡ nào chị cũng không dám cầm, năn nỉ mãi mới chịu xòe tay chạm, nhưng là phải có tay em cùng cầm cho chứ để chị một mình thì chị sợ lại đánh rơi hỏng mất. Nghe em biết làm hoa là sáng mắt lên, tay chạm hoa dạn hơn hẳn, mân mê nhìn trước rồi nhìn sau làm Mẫn Đình cũng vui lây. Trí Mẫn đến giờ vẫn thế, chị vẫn hay nghĩ nếu người ta không biết sửa, không biết làm thì chị sẽ không nói cho biết chuyện của chị đâu, vì nói cũng đâu làm được gì í.

Mắt Mẫn Đình dịu xuống, em tình cảm lắm, em biết là môi trường sống ngập tràn tình thương từ thuở sơ sinh đến giờ đã nuôi nấng tâm hồn em rộng mở, nhưng đến ngày thương Trí Mẫn em mới biết mình có thể dịu dàng và cần mẫn với một người đến như vậy. Ánh nhìn em trìu mến lắm, chỉ dành cho mỗi mình chị, mỗi đứa trẻ năm mười chín tuổi đến giờ chỉ có mỗi em là bạn, rồi là người thương, và giờ là gia đình.

Em đỡ hộp quà lên cho Trí Mẫn xem, hai tay chị giấu gọn trước ngực cũng chịu nghe theo, một tay đỡ cùng em, một tay thích thú chạm lên dàn hoa nhựa phía trên. Mẫn Đình thấy lòng em vui, như em vẫn hay nói với mẹ, chị có nhiều nỗi sợ, nên thế nào để chị thấy an toàn thì chị làm thôi, dần dần rồi chị sẽ dám tự mình cầm một hộp quà cúng, một hộp quà tặng mà không lo rằng đánh rơi sẽ ăn đòn, ăn mắng nhừ xương.

- Mẫn thích bánh nào trong này không?

- Hở?

- Bánh kẹo tết này này.

- ...

- Thế Mẫn thích gì cơ?

- ...

- Không biết hay là không thích gì hết?

- Mẫn không biết.

- Thế bánh gạo xốt cay cay thì như nào Mẫn nhỉ?

- ...

- Mẫn nói được không, Mẫn gật gật Đình hông hiểu.

- Mẫn thích lắm.

- Thế chút nữa Mẫn bảo mẹ nấu bánh gạo xốt cay cay cho Mẫn nhớ.

- ...

- Sao thế Mẫn?

- Không được đòi hỏi đâu.

- Cái này không phải là đòi hỏi đâu í, Mẫn nói cho mẹ biết mẹ sẽ nấu cho Mẫn.

- ...

- Thế nếu mẹ không nấu thì mai mốt lên phố Đình mua cho Mẫn nhớ.

- ...

- Mẫn ngoan lắm~

Mẫn Đình cười, Trí Mẫn cũng cười, chị vui lắm, hớn hở lắm, và cả ngoan nữa, vậy thì Mẫn Đình mới mua bánh gạo xốt cay cay ngon ơi là ngon mỗi ngày cho được.

Về đây đến tối nay mới tròn một ngày mà sáng giờ đã quần quật lau dọn nhà cửa cho bố mẹ rồi đấy, bảo chị chị không nghe, chị bứt rứt tay chân, chị nói chị làm được nên là cho chị làm với, chị hứa sẽ cẩn thận, hứa sẽ không làm đổ vỡ gì đâu. Mà chị buồn hiu đôi mắt à, chị nhìn Mẫn Đình cố thuyết phục mình đừng làm gì hết mà buồn lắm, ai cũng có công có chuyện, ai cũng xúng xính dọn này sửa kia, Trí Mẫn lần đầu biết hai chữ đón tết, chị cũng muốn được làm gì đó, cũng muốn được xem là hữu dụng.

Rồi, thế là chị thắng, chắc chắn luôn, Mẫn Đình mủi lòng, dặn chị làm ít ít thôi vì nhà cửa bố mẹ dọn sạch hết rồi, chị gật khí thế xong chổng mông lau nhà, dọn rác, quét sân cả buổi mới thôi. Vừa thấy mẹ bưng mâm cỗ lên là lật đật chạy vào đứng sát cạnh bên, mẹ bảo ngồi không ngồi, nghỉ không nghỉ, cũng không nói không rằng gì nên nhắc Mẫn Đình xem chị có bị sao không.

Ai mà có ngờ là chị nhớ hôm qua Mẫn Đình kể chuyện mẹ bị ngã, từ chục năm trước rồi, nhưng chị chỉ nhớ được đoạn mẹ ngã lúc bày mâm cúng nên phải đi bệnh viện thôi, thế là chị cứ đứng kè kè bên cạnh dù mẹ em bày mâm dưới cái bàn thấp đang đặt trên sàn cơ. Mẹ đặt sẵn mâm dưới sàn, xếp từng món lên bàn, khoái lắm, tròn mắt ra mà nhìn, mẹ hiểu ý, mẹ bảo ngồi trông cho mẹ để mẹ đi nấu thêm ít món, thế là ngồi trông thật. Bị cái thích màu sắc quá nên giỏ quà lớn mẹ xếp sẵn đặng một ít đem cúng, một ít mang tặng ở ngay kế bên thu hút, thành ra mới ngồi trông cả cỗ cả quà.

-----------------------------------------------

- Nhấc tay Mẫn lên nào.

- ...

- Cao lên một chút, Đình chỉ thấy tay Mẫn thôi.

- ...

- ...

- Được chưa Đình, Mẫn hết lên được nữa rồi.

Trí Mẫn loay hoay mãi không được phải nhờ Mẫn Đình buộc dây giúp cho. Chẳng là năm nay mẹ đặt may cho cả chị và em một bộ đồ truyền thống mới. Nhưng vì chẳng đo được chính xác trên người Trí Mẫn, chỉ áng chừng qua miêu tả của Mẫn Đình thôi nên lúc cho chị ướm thử bị dài. Mẹ vội mang đi sửa, người ta hẹn đến tối mới lấy được.

Chao ơi Trí Mẫn lúc nghe tin được may đồ cho thì vui lắm, lẽo đẽo theo sau em như chiếc đuôi mà cười khúc khích mãi. Mẹ bảo tới mẹ ướm thử cho xem vừa không còn kịp sửa mà mắc cỡ, lắc đầu không chịu. Trí Mẫn được cái thích đồ mới lắm, thích híp mắt lại, vừa thấy mẹ lấy ra cho là nhảy cẫng lên sau lưng em, trông mẹ nhìn chị rồi nháy mắt với em là đủ để hiểu sau lưng em chị vui đến thế nào.

Mà mẹ em thì biết rồi đấy, mẹ cũng không nói gì, mẹ bảo thôi Trí Mẫn không thích thì mẹ lại cất đi vậy, sau mà em lớn em có muốn mặc thì em mặc. Mẫn Đình phì cười, ở phía sau chị nắm lấy áo em, vặn vẹo trong tay, chị không nhận ra được là mẹ đâu hề có ý định cất đi chứ, ai cất đi mà lại mang cả bàn là ra là cho phẳng phiu thế này bao giờ. Mà mẹ em bẻ cái giọng hay lắm, nói như thể sẽ đi cất thật vậy, mẹ còn ước tính cỡ năm sau là em sẽ mặc vừa bộ may cho chị thôi.

Trí Mẫn từ bé xíu đã không được phép đòi hỏi rồi, chị quen cái nếp sống không được đòi hỏi rồi, nên lúc sáng bảo chị nói với mẹ nấu bánh gạo cho chị cũng không dám ấy. Chị thở dài một hơi càng làm Mẫn Đình buồn cười, em đưa tay ra sau, nắm lấy bàn tay chị lắc lư, đáp chuyện với mẹ, vờ như không biết là chị ỉu xìu xuống.

Qua cả giờ cơm trưa cũng không đả động gì nữa hết, bộ đồ mới mẹ vẫn treo bên trên sào cho thẳng thóm, nhân lúc cả nhà làm gì ở phía sau thì chị không biết, cả tinh thần lúc này chỉ có nghĩ về bộ đồ mới thôi. Trí Mẫn không có dám lại gần, chị đứng ở cửa, nhìn bộ đồ một lúc lâu thật lâu, không có ý định tới chạm một cái mà cũng chẳng có ý định rời đi. Mẫn Đình đi lên thấy, em hỏi có muốn mặc thử không thì lắc đầu, nói không phải đồ của mình, bộ đó mẹ để cho năm sau Mẫn Đình mặc rồi. Mà thương lắm, chắc nghĩ mẹ không muốn cho mặc nữa thật nên cũng không xin thử, nói mình xem vậy thôi à.

Trời ơi, cái giọng nghẹn lại, xong giấu mặt trong cổ em mếu lúc đi nghỉ trưa, đã không biết nói dối rồi lại còn tủi thân nữa, nước mắt ngắn nước mắt dài chảy. Gặng hỏi cả nửa tiếng Trí Mẫn mới chịu nói là cũng muốn mặc. Đó, thế là vừa thút thít vừa cười tươi khi mà mẹ ướm lên thử cho, mẹ dỗ, mẹ an ủi một lúc lâu rằng đồ này là may cho chị, cho mỗi mình chị, là đồ của chị, để cho chị mặc thôi mới đỡ đỡ được chút chút tủi thân đấy.

Từ cái lúc mẹ mang đi sửa rồi lấy về cho là vui lắm, vui hết biết luôn ấy, hỏi em có thể mặc lên bây giờ không, chị chỉ mặc một chút thôi sẽ cất đi ngay. Mẫn Đình đồng ý ngay chứ, Trí Mẫn của em mà chịu mặc đồ mới thế này thì em có mà mừng còn không kịp, đôi bao tay, cái áo khoác mua cho từ giáng sinh ba bốn năm trước đến tận tết năm nay em giải thích mãi mới chịu mặc vào. May là còn mặc vừa đấy.

Mỗi tội là háo hức quá, em mặc cho cứ muốn với tay xuống vuốt xem đẹp thế nào, thành ra chắn hết tầm nhìn buộc dây của Mẫn Đình đi, em phải nhắc năm bảy lần gì đấy mới giơ tay lên, giơ được một lúc lại buông xuống xem váy, thế là em phải nhắc lần nữa, bảo là em không nhìn thấy gì ngoài hai tay của chị hết mới nghe đấy, giơ thẳng thóm lên trời hết cỡ rồi hỏi lại nữa chứ.

- Xong rồi này.

- ...

- Xinh lắm~

- ...

- Sao Mẫn cười mãi đấy~

- ...

- Mẫn thích lắm sao?

- ...

- Mặc với Đình nhớ~

Thích phải biết đi ấy chứ, em vừa bảo xong là lật đật chạy qua gương soi. Hai mươi hai sắp lên hai mươi ba rồi Trí Mẫn mới lần đầu được mặc đồ truyền thống, ngày thường mặc đủ ấm đã là quý lắm rồi, đâu ra có tiền mà mua áo mới, mua váy đẹp chứ. Chị thích lắm, thích lắm lắm, em hỏi gì cũng gật gật, thích lắm luôn ấy, chị cứ vuốt lên lớp vải mềm mãi, hẳn là bộ đồ đẹp nhất từ bé đến giờ Trí Mẫn được mặc là đây rồi.

-----------------------------------------------------

Nhích người sát vào tường, thói quen từ trước đến giờ, nếu chẳng thể dựa Trí Mẫn bất an lắm, đợi Mẫn Đình lấy chăn bông ra là đỡ lấy giúp ngay, để em cẩn thận ngồi xuống bên cạnh chị.

- Lạnh Mẫn không?

- ...

- Còn ngứa mũi Mẫn nhiều không?

- Một chút thôi.

- Nếu khó chịu thì đi rửa mũi nhé.

- ...

- Đình ôm Mẫn.

Trí Mẫn xúng xính váy xinh bên cạnh em cũng đang mặc một bộ na ná như chị, trong cái ôm của Mẫn Đình, trong ngôi nhà ấm cúng và sáng sủa, lần đầu tiên chị được đón giao thừa thế này khiến chị háo hức không thôi, bao nhiêu niềm vui sáng rỡ qua đôi mắt. Chị xinh đẹp lắm, từ ngày mới gặp gỡ Mẫn Đình đã thán lên như vậy đấy, dưới ánh đèn pha vàng càng khiến đôi má chị thêm hồng, môi chị thêm căng và cả đôi mắt cười cả ngày càng thêm yêu nữa. Da dẻ trắng trẻo, gói gọn người trong bộ đồ truyền thống màu sắc nhã nhặn càng khiến chị muôn phần xinh đẹp hơn cả, khiến Mẫn Đình khó mà không nhìn, khó mà không động lòng.

Ngày thường cả gia đình em sẽ cùng nhau ngồi trước cửa thế này cho đến khoảnh khắc giao thừa, chúc nhau những câu mong sức khỏe và hạnh phúc, bố mẹ em sẽ lì xì cho em và rồi nhà em sẽ đi nghỉ. Nhưng năm nay thì khác, có Trí Mẫn rồi nhà em rộn ràng hẳn, dư âm hạnh phúc khiến cả em với Trí Mẫn chẳng muốn đi ngủ chút nào, đã một giờ sáng vẫn ôm nhau ngồi nhìn ra cửa trong một ngày trăng sáng hơn đèn đường những ngày mưa bão.

- Lì xì này Mẫn nhớ cất đi nhớ.

- ...

- Mẫn có muốn dùng nó làm gì không?

- ...

- Làm gì thế?

- Mẫn trả nợ, trong này nhiều lắm Đình ơi, sẽ trả được nợ của Mẫn.

- Mẫn.

- Hở?

- Không phải nợ của Mẫn, Mẫn nhớ chưa?

- ...

- Mẫn... Mẫn ngoan~

Đôi khi Mẫn Đình cũng có lúc không thích tính cách đa sầu đa cảm, dễ thấu hiểu và hay đồng cảm của em một chút, vì nó khiến em xót xa trong tim, xót xa cả khóe mắt nữa. Khi nãy bố mẹ em lì xì cho chị, chị nhận xong liền đưa cho em, bảo rằng bố mẹ em đưa nhầm người rồi, chị là Trí Mẫn, em đứng sau này, Mẫn Đình đứng phía sau này. Mà rõ ràng bố mẹ em chúc chị trước rồi mới lì xì cho chị cơ, thế mà chị vẫn nghĩ là nhầm người mới hay chứ.

Nhưng mà cũng phải, từ năm mười chín chị mới biết lì xì là gì, năm nào cũng chỉ được mỗi em cho một phong bao đỏ có tiền ở trong, năm đầu tiên một mực trả lại, còn hỏi sao lại cho chị tiền nữa chứ, chị đi làm có tiền mà, dặn Mẫn Đình giữ lại tiền mua đồ ăn ngon và cả dưỡng thương cho hai cái xương sườn nữa. Lúc ấy lúc nào Trí Mẫn cũng sợ Mẫn Đình hết tiền, chị bị ám ảnh chuyện tiền bạc lắm, cứ nghĩ mình khổ thì ai cũng khổ hệt như mình vậy. Nhưng Mẫn Đình có khổ cỡ nào đi chăng nữa em cũng chưa từng phải ăn cơm trắng với củ cải muối bao giờ chứ đừng nói là nước lã.

Lúc mới làm bạn với Trí Mẫn, đôi khi em không vừa ý em cũng hay giận dỗi và thiếu tinh tế chứ không phải thấu hiểu như sau này đâu. Không phải giận đến không chơi hay không nhìn mặt gì mà là mỗi lần Trí Mẫn muốn mời em một đĩa bánh gạo em sẽ nói y hệt cái câu hôm chị từ chối nhận lì xì của em ấy. Chị lúng túng lắm, chị ra sức giải thích vì này, vì kia chứ không phải vì không thích Mẫn Đình đâu. Chị không giỏi ăn nói, chị chậm ngôn ngữ, chị còn hơi ngơ ngơ nữa, thế là chị nói mãi không thành ý, nói mãi không hết câu, không biết phải làm sao nữa, chị rầu rĩ, giọng thấp xuống, hỏi rằng có phải em ghét chị rồi không?

Có duy nhất một người bạn trong đời, khoảnh khắc hỏi người bạn đó có phải đã ghét mình không hẳn là Trí Mẫn thất vọng về bản thân chị lắm, chị không ướt mắt, chị cũng không mếu máo, chị chỉ vò lấy áo mình sau rất nhiều câu ấp úng và ngắt ngứ không trọn vẹn, chị đành phải hỏi em về điều chị nghĩ, điều chị sợ.

Mẫn Đình nhớ chứ, nhớ toàn bộ nỗi buồn ẩn sâu trong đáy mắt chị khi cố tìm kiếm câu trả lời từ em chứ, là từ hôm đó em mới thực sự học để biết cách để làm bạn với chị, làm bạn với bạn nhỏ chậm lớn nhưng thiện lành nhất mà em từng gặp.

Chắc cũng kể từ đó, năm nào cũng vậy, mỗi lần em lì xì cho Trí Mẫn đều dặn chị rằng đây là may mắn, và may mắn em dành cho chị, mọi may mắn đến với chị thì chị sẽ cần đón nhận, vậy thì mọi điều ước của chị mới thành hiện thực.

...

- Nhưng Mẫn không có tiền lì xì may mắn cho Đình.

- Đình có rồi í, bố mẹ lì xì cho Đình rồi.

- Đình có ước gì chưa?

- Hửm?

- Ước để may mắn biến điều ước thành hiện thực í.

- À Đình có ước chứ.

- Đình ước gì thế?

- Đình ước Mẫn sẽ nhận may mắn Đình gửi cho Mẫn.

Mẫn Đình vuốt tóc Trí Mẫn, mái tóc dài, dày và bóng khỏe, em lận cho vào nếp, ngày nào đi làm về cũng cũng rối bù đầu. Cũng phải, loay hoay chạy vặt rồi rửa đống bát cao ngất như vậy sao không đầu bù tóc rối cho được chứ.

- Nên Mẫn nhận nhé?

- ...

- Mẫn giỏi~ Thế Mẫn có muốn ước gì không?

- ...

- Mẫn muốn ước gì nào?

- Mẫn ước Mẫn trả được hết nợ.

- ...

- ...

- Ưm... Đình cũng ước vậy. Nhưng mà, ví dụ chỉ ước cho ngày mai thôi thì Mẫn muốn ước gì không?

- ...

- Đình nghe với được không?

- ...

- Mẫn ước gì thế?

- Mẫn ước ngày mai Mẫn được ăn bánh gạo xốt cay cay.

- Chà, thế mai Mẫn lấy tiền lì xì mua một bát nhé.

- Không được đâu, tiền may mắn Mẫn phải trả nợ chứ, thế thì điều ước mới mau thành hiện thực.

- ...

- ...

- Ưm... vậy Đình... để Đình...

- Đình lạnh à? Mẫn có dư khăn này, Đình quấn thêm vào đi.

Chân tay vụng về lắm cơ, lôi được cái khăn ra khỏi cái túi to đeo chéo ngày nào cũng mang bên người liền đánh rơi luôn lên tuyết, cười hì hì nhặt vội lên phủi sạch, choàng qua cho em. Mấy cái khăn bản to đoành ấy, thế mà Mẫn Đình năm nào cũng được chị choàng cho, vì năm nào cũng có mỗi một bài nhịn khóc là lại vờ ho, vờ nhảy mũi rồi sụt sịt, có mỗi Trí Mẫn khờ không nhận ra thôi chứ nó gượng gạo gì đâu luôn.

Cái khổ, cái nợ nó ăn sâu vào trong tiềm thức của Trí Mẫn rồi, hễ có dư đồng nào là lại mang đi trả nợ hết, trả mấy năm trời chẳng thấy vơi chỉ thấy thêm đầy, vậy mà không chút mảy may nào, cứ cặm cụi, cứ chăm chỉ từng chút một với điều năm nào cũng ước, mong được trả hết nợ.

- Thế Mẫn giữ để trả nợ nhé, Đình sẽ mua bánh gạo cho Mẫn, Mẫn nhỉ?

- ...

- Đình mua cho rồi Mẫn hứa ăn hết không?

- Mẫn ăn hết~

...

Mẫn Đình nói với bố mẹ em tất cả, em chẳng giấu gì hết, ngay cả chuyện Trí Mẫn của em suốt từ năm mười bảy tuổi đến giờ ngày đêm miệt mài, làm lụng chăm chỉ vẫn chưa thể trả hết khoản nợ mà cha mẹ chị chất lên đôi vai gầy guộc ấy. Hiển nhiên em không mong bố mẹ em trả giúp chị, bố mẹ em không có trách nhiệm phải làm thế và quan trọng hơn là Trí Mẫn chắc chắn sẽ không chịu. Chị có lòng tự trọng cao, chị thà còng lưng làm đủ mọi việc để kiếm tiền chứ không xin xỏ một đồng nào, nếu trả cho chị như thế chị sẽ khóc nấc lên đấy chứ chị không biết đường nói rằng chị đã đi làm và có thể tự trả khoản nợ ấy đâu.

Vậy nhưng nếu chị cứ cực khổ vậy mãi sẽ không phải là cách, em biết bố mẹ em có khả năng giúp chị, chỉ giúp một chút thôi, mỗi năm lấy cái cớ lì xì mà giúp cho người em thương bớt một chút nhọc nhằn mỗi ngày, để mỗi tối, khi đếm lại số tiền chị còn lại trong tháng chị sẽ đỡ phải suy nghĩ rằng mình cần tằn tiện thế nào mới không dùng đến tiền của em để mua cơm. Khi nãy, khi bố mẹ đi nghỉ rồi, chị bảo với em rằng chị thấy phong bao nặng lắm, không biết có phải bố mẹ đưa nhầm rồi không nên chẳng dám khui, em mà không hỏi đến thì có khi ngày mai chị mang trả lại thật mất.

Trí Mẫn thích lắm, chị thích được làm việc, thích được khen ngợi và cả thích được nhận tiền nữa. Chị không chối, cơ mà có thì chị cũng chẳng biết phải chối như nào, tiền bạc quyết định quá nhiều về ý thức của chị rồi. Nhưng Mẫn Đình mong đến ngày nào đó, khi chị chẳng còn phải gánh trên vai khoản nợ khiến chị áo mới phải để dành cho ngày mai, cơm ngon không dám ăn hết một lần, khi đó chị có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện tiền chị có là của chị, dành cho chị chứ không phải cho bất kỳ một ai khác nữa. Đói dám ăn, rách dám mặc, và cả có khoản để dành để túng cỡ nào cũng không cần nhịn đói cầm hơi.

- Mẫn muốn lấy ra xem không?

- ...

- Sợ bay mất của Mẫn à?

- ...

- Thế vào phòng rồi mình lấy ra xem Mẫn nhớ?

- ...

Cười hoài, cười xinh quá đi mất, muốn dành cho em nên mới cười nhiều thế chứ gì. Hẳn là muốn xem lắm rồi mà không dám lấy ra, mấy lần khoe tiền gió giật bay đi hết hồn đến giờ, mà tò mò lắm đây này, chỉ dám mở miệng phong bao ra ngó nghiêng rồi khép lại thôi.

--------------------------------------------------

Mẫn Đình chặn tay mẹ em, đĩa mẹ vừa đặt xuống ngay trước bát ăn của Trí Mẫn em cũng lấy lại, đặt tạm xuống đất một lúc.

- Mẫn gắp đi.

- ...

- Không sao hết, Mẫn cứ dùng đũa gắp đi.

- ...

- Mẫn thích ăn gì Mẫn gắp đi.

- ...

- Ưm, không sao hết, không ai đánh tay Mẫn hết.

Mẫn Đình cố tình kéo đĩa bánh gạo xốt cay cay mẹ em làm riêng cho Trí Mẫn sát về phía chị nhưng không gắp sẵn cho chị nữa, em muốn để Trí Mẫn tự gắp. Đây đã là lần thứ hai Trí Mẫn về nhà em, một lần được hai ngày, một lần được bốn ngày, mỗi ngày hai ba bữa chính, mấy bữa lặt vặt trong ngày nữa, cả nhà em luôn ăn uống cùng nhau quây quần bên chiếc bàn này.

Cũng từ lần trước về em mới nhận ra chuyện này, rằng Trí Mẫn vẫn rất sợ chuyện bị mẹ chị đánh bầm tay nếu trong mâm cơm mà chị dám gắp thức ăn. Em từng biết chuyện đó rồi, nhưng thời gian sống với em chị vẫn ăn uống trong bữa bình thường nên em không nghĩ là chị chỉ như vậy khi ăn với mỗi mình em. Bữa cơm có em và có chị thì mẹ em nấu linh đình lắm, mẹ bảo mấy khi mà được ăn cơm mẹ nấu đâu nên hai đứa ráng mà ăn cho no bụng.

Chị thích lắm, bé đến lớn số lần được ăn cơm mẹ nấu không biết có qua được hai bàn tay không nữa hay chỉ toàn ăn cơm thừa canh cặn xin được của nhà người ta nữa. Thế mà không có một bữa nào chị đưa được đôi đũa xa hơn bát ăn của chị. Mẫn Đình hỏi mới nhớ ra là chị có nỗi sợ, bữa nào em cũng đặt một đĩa con cạnh bát ăn của chị, gắp sẵn đồ ăn vào đấy. Dần rồi mẹ em cũng gắp cho, cả bố em nữa.

Thế nhưng không biết sao em lại thấy nó không hay í, Trí Mẫn đúng là không có thói quen bỏ mứa bao giờ đâu nhưng chị cũng có cái thích và cái không thích, gắp cho chị chị đều ăn hết nhưng món chị thích chị lại chẳng được ăn mấy, Mẫn Đình ở với chị còn nhạy để nhận ra chứ bố mẹ em thì sao mà hiểu được. Vả lại, Mẫn Đình luôn muốn Trí Mẫn của em có thể thoải mái làm mọi thứ mà chị muốn, thoải mái gắp mọi thứ chị muốn ăn chứ không phải vì sợ những cái đánh đũa lằn cả tay mà chỉ rụt rè với bát cơm trắng của mình.

- Mẹ nấu cho Mẫn đấy, Mẫn gắp đi.

- Ở đây chỉ có Đình, có bố, có mẹ, sẽ không ai đánh Mẫn đâu nhé.

- ...

- Ưm~ Đúng rồi í, Mẫn thích ăn gì cứ gắp thật nhiều vào nhé~

Mẫn Đình xoa lưng trấn an, em nhỏ giọng thủ thỉ bên tai Trí Mẫn trong lúc bố mẹ em làm ngơ như không biết, lảng đi nói chuyện khác, tránh làm chị thêm áp lực. Thường ba ngày tết thế này mọi người đều quan niệm sẽ ăn canh bánh gạo để được trường thọ đấy, thế nên hai hôm trước mẹ em đều nấu canh bánh gạo cả, Trí Mẫn thấy mẹ soạn bánh gạo nên mong chờ trong lòng được ăn bánh gạo xốt lắm mà không có dám nói. Lúc gần trưa nay ngửi thấy mùi sốt, chạy ngay đến bếp ngó nghiêng xong chạy lên cười phới lới, kể là thấy mẹ nấu bánh gạo xốt cay cay rồi. Ui chao sao mà vui đến thế~

Vậy đấy mà đâu có dám gắp đâu, em nói như kia rồi vẫn còn rụt rè đầu đũa lắm nhưng chịu nghe, chị vươn dài đũa ra trước, cắn môi dưới, mắt đảo liên tục hết nhìn mẹ rồi lại nhìn bố, tay Mẫn Đình vẫn vỗ đều trên lưng. Biết là thúc chị làm thế này khiến chị có phần bất an nhưng rồi Trí Mẫn chỉ cần hết bữa cơm trưa nay, thêm bữa cơm tối nay nữa là chị sẽ biết rằng chị được quyền gắp món ăn trong bữa cơm thôi, em tin vậy, Trí Mẫn của em xứng đáng được yêu thương mà.

Trí Mẫn lại cười, gắp được mấy miếng là nhìn em cười mấy lần, mẹ em cũng tủm tỉm nữa, hết nhìn chị rồi lại nhìn em, bố cũng chiều chuộng mẹ em như vậy đấy nên em biết mình nuông chiều Trí Mẫn một chút cũng không sao hết.

------------------------------------------------------

- Hôm nào muốn về con lại bảo Mẫn Đình dẫn về, nhớ chưa?

- ...

- Bố mẹ nhớ và thương hai con nhiều.

Mẫn Đình mếu máo, em không cố ý làm Trí Mẫn sợ vì nước mắt của mình đâu nhưng lần nào rời nhà em cũng thấy lòng mình buồn lắm. Ở nhà có bố mẹ yêu thương, có bố mẹ ôm ấp, có bố mẹ nâng niu như quả trứng vàng trong lòng nên khi biết mình phải quay lại cuộc sống vội vã buộc phải tập làm người lớn thì em lại khó kiểm soát cảm xúc. Trí Mẫn ôm em, ôm chặt em trong lòng, chị bối rối dùng bàn tay mình lau nước mắt cho em, đến khi tàu chạy nhanh đến mức chẳng còn thấy rõ quang cảnh bên ngoài nữa em mới sụt sịt mũi mà bình tĩnh lại.

- Mẹ mới mua cho Mẫn à?

- ...

- Mẫn thích không?

- ...

- Thế tối về mình xếp luôn Mẫn nhỉ?

- ...

- Ưm, Mẫn xếp giỏi thì lần sau mẹ sẽ mua cái to hơn cho Mẫn đấy.

- Mẫn không biết xếp cái to đâu.

- Có chứ, Mẫn của Đình giỏi ơi là giỏi, xếp cái gì cũng được hết í, Mẫn nhỉ?

- ...

- Ưm, Mẫn giỏi mà~

Trí Mẫn gật gật, chị vẫn cố dùng tay mình lau nước mắt còn đọng lại cho em, nghe em khen thì cười ngay, ôm lấy bảng xếp hình mẹ mới mua cho khi nãy, còn dặn nếu xếp giỏi như tấm cũ sẽ mua cho chị nhiều hơn nữa, ai cười tươi lắc lư biết ngay.

Chẳng là Trí Mẫn mất tập trung lắm, khả năng tập trung của chị không cao chút nào cả, thế nên mới hay quên trước quên sau, va đụng lung tung rồi đổ vỡ lênh láng đấy. Nhưng mà làm may mặc chẳng được như thế đâu, cần tập trung hết sức để sản phẩm đồng đều, đường kim mũi chỉ đều chăm chút cho cẩn thận thật nhiều nữa. Thời gian đầu Trí Mẫn vừa chậm, vừa vụng lại vừa ngơ, chị kể chị tập trung lắm nhưng chị nhớ không được nên lúc nào cũng về trễ hơn mọi người rất nhiều.

Thế rồi Mẫn Đình cũng để ý thấy Trí Mẫn khá thích thú với mấy mảnh ghép xếp hình đấy, dù để chị xếp một mình thì chị chưa bao giờ xếp trọn vẹn được hết cả nhưng chỉ cần giúp chị nhớ một chút là mọi chuyện khác ngay. Thế là ngày nào cũng vậy, dù có ngày mất gần hai tiếng chỉ để chị xếp năm mươi mảnh lặp đi lặp lại suốt mấy tháng thì Mẫn Đình vẫn kiên nhẫn ngồi cùng, và kết quả chẳng phụ lòng em và chẳng phụ sự cố gắng mỗi ngày của chị, chị tiến bộ rõ rệt, chị tập trung hơn rõ rệt và có lẽ là chị thạo việc hơn nên cũng dễ dàng cho chị hơn nữa.

Trí Mẫn của em hiền lắm, khờ nữa, đến tận bây giờ bảo chị khờ chị vẫn cãi đấy nhưng chị cười, vừa cãi vừa cười. Một bộ xếp hình mới mẹ em mua cho thôi cũng đáng quý đến mức ôm chặt vào người.

- Áo đẹp thế này nên Mẫn nhớ mặc thường xuyên nhớ, Đình mua cho Mẫn mặc mà, mặc hỏng lại mua cái mới, không cần để dành đâu, Mẫn nhớ~

- ...

- Hôm nào Đình dẫn đi mua thêm một chiếc nữa nhớ?

- Đình để dành tiền mua đồ ăn ngon chứ.

- Đình có, và có cả tiền để mua thêm cho Mẫn một áo mới thật đẹp nữa.

- Mẫn cũng mua cho Đình.

- Thế á? Thế thì Đình xin Mẫn.

- ...

- Mẫn cười xinh lắm nên cười thật nhiều thật nhiều với Đình nha.

- ...

- Mẫn ngoan~

Mẫn Đình cũng cười, thấy chị cười là em cười, niềm vui của chị lớn lắm, tỏa rộng lớn mà ôm lấy em. Mẫn Đình vẫn đang lớn, em cũng chẳng phải mau lớn gì cho cam, nhiều khi em cũng chưa hiểu biết phải gọi về hỏi bố mẹ để tìm cách giao tiếp, tìm cách cư xử để chị không tủi thân, nhưng em tin bằng tất cả chân thành mình dành cho chị là đủ để chị yên tâm sống quãng đời còn lại trong yêu thương ngập tràn rồi.

Trời sầm tối xuống, tia nắng cuối cùng giữa ngày lạnh giá hừng hực bầu trời vẫn cố len lỏi vào kính khoang tàu, phủ lên mái tóc mảnh búi gọn của em, sưởi lấy đôi bàn tay nắm lấy nhau đặt trên chân chị. Trí Mẫn không nói nhưng em biết có em, chị như có mọi thứ nhỏ nhặt nhất mà chị từng mơ ước, một người bạn, một người yêu thương và một gia đình đầm ấm.

Về phố rồi sẽ chẳng được thư thả như những ngày làm bé con trong vòng tay bố mẹ nữa, em đi học, vất vả với năm cuối, chị đi làm, chật vật từng mũi kim. Thế nhưng khi bàn tay chị còn muốn đan chặt trong bàn tay em mọi lúc mọi nơi, cả khi vui, khi buồn, khi mừng rỡ, khi sợ hãi, khi tủi thân hay chỉ đơn giản là yên bình trong lòng, gật gù díu mắt đợi tàu đưa về nhà thế này thì em vẫn sẽ thương chị.

Thương chị lâu như vậy rồi, ở bên cạnh chị lâu như vậy rồi, bầu bạn với chị lâu như vậy rồi, Mẫn Đình đến giờ vẫn ngỡ như mới gặp chị những ngày đầu tiên ấy, vừa khổ vừa khờ, nói rằng mình không có bạn, hỏi rằng bánh nướng là gì. Đôi khi em xót những nỗi đau mà có cái chị biết, có cái chị chẳng nhận ra, nói đến vẫn cười cười nên không muốn nhớ lại, chứ từ trước đến giờ em chưa từng quên một giây phút cực khổ nào, chưa từng quên một vết lằn roi rướm máu nào. Em không cố tình bắt bản thân phải nhớ mà là tự trí óc em ghi lại rõ ràng như thế, để em biết, không phải không ai thương chị mà là chị chỉ cần mỗi mình em thương thôi đã là quá đủ, quá hạnh phúc với chị rồi.

- Có Đình rồi này, Mẫn từ giờ sẽ luôn được yêu thương, Mẫn nhớ nhé.

- ...

- Mẫn nói thương Đình được không?

- Mẫn thương Đình~

- Đình cũng thương Mẫn nhiều như Mẫn thương Đình~

Đỏ màu nắng, màu trời, đỏ màu bánh gạo xốt cay cay, đỏ màu phong bao dày chị giữ kỹ mang đi trả nợ, đỏ màu giấy dán lên bánh trái chị phụ mẹ đặt lên mâm cúng, đỏ màu áo em tặng giáng sinh năm đầu tiên làm bạn đến giờ chị mới chịu mặc, đỏ cả những đôi má của người thương nhau, đang ngồi cạnh bên nhau và nói rằng họ thương nhau.

Đỏ, màu của tình yêu và cả hạnh phúc nồng nàn.

Năm nay nhà có tết, năm nay chị có em.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro