Chap 1:

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Bom! Bom đến! Chúng mi ơi chạy mau! Tụi Ngụy lại thả bom rồi!" Tiếng hét hoảng hốt vang lên giữa trưa thanh vắng rồi nhanh chóng tắt hẳn, bom dội như mưa trút nước lên vùng đất vàng khô khốc, tạo ra những hố sâu hoắc thăm thẳm, chôn vùi bao đất đá, lúa màu và cả tương lai của những đứa trẻ xấu số không kịp chạy khỏi lưỡi hái tử thần.

Thần Lạc run rẩy núp ở căn hầm bí mật ở dưới chum nước, nó ngồi khoanh chân, hai tay ôm lấy đầu, cố gắng thu mình lại hết mức có thể. Thần Lạc ra sức vùi mặt mình vào tay càng sâu càng tốt, nó muốn chạy trốn khỏi những tiếng nổ đinh tai đau lòng, nó muốn chạy trốn khỏi những lần thấp thỏm bỏ nhà bỏ cửa vì lũ Ngụy ngày đêm săn dân. Thần Lạc ghét cay ghét đắng tụi Mỹ Ngụy giết người như cỏ rác, cái tự do đẫm máu mà bọn ác nhân ban tặng đang dần dần cướp lấy những người thân quen của nó. Thằng Phát sát vách vì bom dội lúc đang chăn trâu mà bỏ mạng; anh hai nó vì biệt kích mà hy sinh dưới nòng súng giặc; rồi cả tía nó theo làm bộ đội cụ Hồ hai hôm trước cũng vừa nhận giấy báo tử. Thần Lạc căm hận cái sự thật tàn nhẫn rằng từng người từng người một phải nằm xuống dưới sự hả hê của quân địch. Hòa bình trên mảnh đất chữ S mà ông cha nó từng hãnh diện vì đánh đuổi Pháp bây giờ lại bị lũ ác nhân Mỹ Ngụy đạp lên. Thần Lạc quá non nớt để nó có thể hiểu được mục đích sâu xa đằng sau việc bán đứng đồng đội, phản bội lại những con người máu đỏ da vàng để đứng về phía danh vọng, đứng về phía tiền bạc của những kẻ mắt xanh mỏ đỏ chỉ biết nói chuyện bằng súng đạn.

Thần Lạc không ngăn được bản thân suy nghĩ về những tội ác vô nhân tính mà quân giặc đã đối xử với cái làng nhỏ của nó; nó không thể cầm được những giọt nước mắt vô bổ khi nghĩ đến những người chiến sĩ đã ngã xuống ở nơi rừng sâu sông lạnh vì độc lập và hòa bình đất nước. Nó xót cho cái đất Hà Tĩnh khô cằn chỉ bom và bụi, nó thương cho người dân Việt Nam quanh năm chỉ thấy mặt đất nhưng hết lần này đến lần khác phải đánh đuổi tụi thực dân xâm lược. Hai vai Thần Lạc run lên, nó không biết vì cơn gió nam nóng rát thổi cắt qua từng lớp áo vải xô vá vội khiến nó lạnh run, hay vì cơn phẫn uất sôi sục như lửa bỏng trong tâm khiến nó không thể kiềm được mình.

Thần Lạc nhích đầu ra khỏi tay, khó khăn mở mắt nhìn đến chỗ mẹ nó. Bà nằm sải lai trên nền đất, một tay kê đầu một tay che mắt, bộ đồ bà ba may vá đắp vào khắp nơi chẳng thể giúp bà tránh khỏi cát bụi dính vào người. Thần Lạc không nhớ lần cuối nó thấy mẹ nó cười là khi nào, từ ngày nhận tin báo tử của cha và anh hai, bà đã không thể nở nụ cười nữa rồi. Thần Lạc chua chát nhìn mẹ mình không chút sức sống, rồi nó lại vùi đầu vào tay, cố gắng ru mình vào giấc ngủ với từng nhịp đạn bắn.



"Mệ." Thần Lạc kéo thau nước qua một bên, rồi nó ngồi chồm hổm nhích lại gần chỗ mẹ nó đang lúi cúi rửa những đôi đũa cuối cùng sau bữa ăn hai người chỉ khoai và sắn.

"Mi sao?" Mẹ nó không thèm quay đầu lại, vẫn tiếp tục ngồi kì cọ từng góc của cái nồi gang cháy đen vì bếp củi.

"Con đi lính... nha mệ." Giọng nó nhỏ dần, cúi gầm đầu xuống, mắt dán chặt lên nền đất khô khốc. Thần Lạc sợ phải đối diện với mẹ nó, nó đủ can đảm và tự tin để giết giặc, nhưng cái hiếu trong nó không cho phép nó đủ dũng cảm để chứng kiến nước mắt mẹ rơi.

"Mi thương tau không hả Lạc?" Mẹ nó khựng người lại, cái nồi trên tay cũng rơi tỏm lại xuống thau rửa chén, rồi bà lại tiếp tục công việc của mình, mắt vẫn chỉ chăm chăm vào vài ba bát đũa trước mặt, không nhìn Thần Lạc.

"Con...con thương mệ, nhưng... con cũng yêu nước." Thần Lạc lí nhí trong cuống họng, nó đã nghĩ mẹ nó sẽ mắng chửi, hoặc im lặng, nhưng bà lại cho nó một phản ứng ngoài mong đợi.

"Mi thương tau mà mi bỏ tau đi. Thằng cha mi cũng bỏ tau, thằng anh mi cũng bỏ tau. Mi đi lính nữa rồi ai ở với tau, mi bỏ mệ mi đi luôn hả con?" Mẹ nó òa lên, giọng bà run run đứt quãng. Cái chiến tranh tàn khốc đã cướp đi người chồng, người con của bà, nói bà phản quốc cũng chịu, bà không đủ mạnh mẽ để nhận thêm bất kì cái giấy báo tử nào nữa. Bà nức nở từng hồi không ngừng, cái số bà nó khổ, phận đàn bà suốt ngày chỉ biết cung phụng chồng con, mà giờ cả chồng cả con đều hóa thành cát bụi, người chết không thấy xác.

"Mệ ơi con xin mệ, mệ cho con đi lính đi, con không chịu được bọn Ngụy nữa. Cha chết anh mất, con ở nhà giương mắt nhìn quân mình thiếu người sao chịu được. Giờ mệ không cho con đi, sau này lính Mỹ đánh đến quê mình, cả mệ cả con đều chết đó mệ ơi." Thần Lạc cũng khóc, nó muốn đi lính, nó muốn đổ máu vì hòa bình và độc lập, nhưng nó không nỡ để mẹ nó lại, nó không dám tự tin khẳng định mình sẽ không chết. Thần Lạc hai tay run run, nó ôm lấy người mẹ đang khóc ngất vì con vào lòng, cả hai mẹ con nó thay nhau nức nở, cảnh trưa nắng nóng khô rát hòa tiếng khóc thê lương cắt lòng.

"Mi làm chi làm đi, tau không nói với mi nữa. Tuần sau người ta về tuyển lính, mi dô được thì đi, không dô được thì ở nhà với tau, chết thì tau với mi chết chung(*)." Mẹ Thần Lạc cuối cùng cũng ngừng khóc, bà đẩy nó ra, lấy vạt áo lau đi khuôn mặt lấm lem của cả hai, chất giọng khàn khàn vì khóc.

"Thiệt hả mệ? Mệ cho con đi lính thiệt hả? Con cảm ơn mệ! Con cảm ơn mệ nhiều lắm! Mệ đừng lo, Việt Nam sẽ hòa bình, con sẽ về với mệ." Thần Lạc mừng rỡ ôm chầm lấy mẹ, chân vì ngồi quá lâu mà tê cả lại, hai người bám lấy nhau ngã lăn ra nền đất. Hai mắt nó nheo lại, vì cười, và cả vì nắng hồng chói chang.








Ngày tuyển lính trong chốc lát đã đến. Lính Mỹ vẫn điên cuồng thảm sát, quân biệt kích Việt Cộng hy sinh dưới họng súng chúng nó ngày càng nhiều, Đảng đã nhanh chóng ra lệnh tuyển lính, thanh niên trai tráng đủ mười tám tuổi liền có thể đi tuyển. Thần Lạc thấp tha thấp thỏm mấy đêm liền không ngủ, nó không hối hận việc đi lính, nó sợ mẹ ở nhà buồn chán sinh bệnh nên liên tục đi dặn nhà hàng xóm chăm mẹ nó giúp, khi đi lính về nó sẽ trả ơn.

Buổi tuyển lính được tổ chức ở trung tâm huyện, mẹ Thần Lạc đưa nó ra đến nơi thì không chịu được mà lại quẹt vội dòng nước nóng hổi từ hốc mắt. Trai tráng các làng các xã tụ về đến huyện, kẻ qua người lại bừng bừng sức khí đánh giặc, không khí bỗng chốc rộn ràng như lễ hội xuân. Trải qua một chuỗi thao tác kiểm tra sức khỏe, lai lịch cá nhân, tuyên thệ với Đảng, Thần Lạc như lạc vào mê cung, mọi thứ trước mắt nó mờ mờ ảo ảo không thực, có thể là vì nắng nóng khiến nó choáng, hoặc cũng có thể vì vui sướng khiến nó hoa mắt. Mãi đến khi âm giọng trầm đục của đội trưởng vang lên điểm danh gọi tên, nó mới thu hồn lại mà vểnh tai lắng nghe.

"Nguyễn Thế Lực, xã Bồ Đề, làng Hoa Phong - đủ tiêu chuẩn!"

"Trần Trung Chiến, xã Hồng Lĩnh, làng Đông Quy - đủ tiêu chuẩn!"

"Phác Chí Thịnh, xã Can Lộc, làng Quang Sơn - đủ tiêu chuẩn!"

"Lê Văn Hữu, xã Hương Sơn, làng Kỳ Anh - đủ tiêu chuẩn!"

"Chung Thần Lạc, xã Can Lộc, làng Quảng Đại - đủ tiêu chuẩn!"

"Mai Đăng Minh, xã Hồng Lĩnh, làng Đông Giang - đủ tiêu chuẩn!"

"..."

Mỗi một cái tên được xướng lên là mỗi lần vỡ òa, những chàng trai vì nước vì dân tràn đầy sức sống và nhiệt huyết đánh giặc reo lên vui sướng, những người mẹ thương con, những người vợ yêu chồng thì sụt sùi xót xa.

"Những người được đọc tên lập tức về nhà sửa soạn đồ đạc. Bảy giờ tối nay tập trung tại cửa đình đi tòng quân, tuyệt đối không được chậm trễ, rõ chưa?"

"RÕ!"

Một tiếng hô đồng thanh vang rền, rung chuyển đất trời.








Lúc tan về thì trời cũng đã xâm xẩm tối, Thần Lạc liêu xiêu rời di. Nó đã không ăn uống gì suốt mấy tiếng đồng hồ, chút khoai thối bữa sáng cũng không đủ giúp nó tỉnh táo cả ngày. Đoạn nó chân chiêu đá chân sau, thiếu chút ngã lăn ra đất thì ngay lập tức bị một lực từ sau kéo mạnh lại giúp nó giữ vững thăng bằng.

"Mi đi cho cẩn thận, té gãy chân hết đi lính rồi ngồi khóc." Một giọng nói âm u như quỷ ám vang lên từ sau khiến Thần Lạc như rùa rụt cổ, nó nhảy ra khỏi lực kéo quay người lại xác định danh tính.

Là Phác Chí Thịnh, chung xã, làng bên. Thần Lạc không phải là một kẻ quản giao, nhưng Chí Thịnh thật sự là một người nổi tiếng trong xã, không ai là không biết. Cậu ta lên sáu tuổi đã được đưa đi học mặt chữ (mà Thần Lạc lên mười mới biết đánh vần tên mình), chín tuổi đã biết nói tiếng ngoại, mười lăm tuổi thành công cứu em khỏi bom Mỹ, và giờ thì mười tám tuổi đi lính. Theo lời mẹ Thần Lạc, người suốt ngày tắm tắc về cậu trai nhà người ta này, rằng nếu bây giờ còn là thời phong kiến thì khéo thằng Chí Thịnh nó đậu trạng nguyên, có khi lên làm ông nghè lúc hai mươi tuổi.

"Tau không sao. Mi sao còn không mau về nhà dọn đồ đi, sắp bảy giờ rồi, tập trung trễ thì khỏi đi lính nha mại." Thần Lạc không bài xích gì người này, nó còn lấy làm hâm mộ những kẻ giỏi giang, nhưng lời nói lại có chút không được dễ nghe.

"Thì giờ tau về. Đi, tau với mi về, có chi chút nữa mi đợi tau ở đầu xã rồi mình ra chỗ tập trung nha, xã Can Lộc có mỗi tau với mi lên lính được thôi đó." Chí Thịnh phủi phủi bụi trên đầu nó, xốc Thần Lạc cho nó vững lại rồi mới bắt đầu khoác vai nó hướng về xã.

"Mi đi từ từ thôi đợi tau nữa, tau té bây giờ." Nó oai oái, cố gắng bắt kịp tốc độ của từng bước chân sải dài của Chí Thịnh.





Lúc cả hai gặp lại ở cây đa đầu xã thì trời đã tối đen như mực không chút gợn mây. Thần Lạc không biết trời hôm nay có sao không, nó không phân biệt được đâu là sao, đâu là máy bay đem theo tử thần. Làng của Chí Thịnh thì ở gần hên, nên lúc Thần Lạc ra đến nơi nó đã thấy cậu ta đứng dựa vào gốc đa, hàng trang đem theo cũng giống như nó, không có gì nhiều ngoài cái balo vải bố đựng chút quần áo, giấy tờ tùy thân và bùa hộ mệnh.

"Răng mi lại đi lính hả Thịnh? Mi học giỏi như rứa, sau này học cao lên nữa thì nhập Đảng mà làm, đi lính chi mắc công rứa mi?" Thần Lạc lên tiếng bắt đầu câu chuyện, còn một khoảng nữa mới đến nơi tập trung mà Chí Thịnh lại có vẻ không có ý định mở lời nên nó bắt buộc phải tìm cách cứu vãn bầu không khí yên ắng lặng người này. Mà thật ra nó cũng tò mò, một người như Chi Thịnh rõ ràng có thể tìm cách khác để yêu nước, cậu có thể tiếp tục học hành rồi trở thành sinh viên, huy động biểu tình, tổ chức mít tinh, rất nhiều cách khác đỡ nhọc hơn việc đi lính. Con đường của người giỏi yêu nước dễ hơn một phần, không giống tụi Thần Lạc chỉ biết bập bẹ u ơ vài tiếng nước ngoài (ít ra nó không mù chữ), những kẻ chỉ có con đường yêu nước duy nhất là lên lính.

"Tau sợ nước mình không đợi được đến lúc tau học cao hơn. Đi lính cũng tốt, tau được trực tiếp ra chiến trường, trực tiếp giết những tên phản bội, bắn nổ đầu tụi dám giết đồng loại ta." Chí Thịnh trầm ngâm lên tiếng, rồi cuộc hội thoại lại kết thúc. Cả hai rơi vào những dòng suy nghĩ miên man của riêng mình, về những tháng ngày đối diện với bom đạn nơi chiến trường, đối diện với tiếng súng rát tai, nhưng chúng nó đều hướng về cùng một mục tiêu, là đất nước Việt Nam giành lại hòa bình, đánh đuổi tụi xâm lược.

"Thế răng mi lại đi lính? Mi chưa đủ mười tám mà sao dám tự tin ứng tuyển? Mi không sợ mệ mi ở nhà buồn à?" Lần này là đến lượt Chí Thịnh lên tiếng. Cả hai vẫn bước đều, ánh sáng trắng của nơi tập trung từ xa xa đã dần hiện ngay trước mắt.

"Tau nói mệ sửa tuổi, giờ thành ra tau lớn hơn mi một tuổi rồi. Trên giấy tờ bây giờ là mi sinh tháng hai năm sau còn tau sinh tháng mười một năm trước. Mệ tau bả cho tau đi thì tau đi, tau cũng sợ, nhưng tau sợ mất nước hơn. Đợi đến lúc thống nhất, khi đó mệ con tau sẽ ở bên nhau mãi mãi." Thần Lạc thiếu chút nữa đã rơi lệ khi nhắc về mẹ nó, nó không biết bây giờ mẹ nó đã ngủ chưa, hay còn đang mãi trằn trọc về nó, về đứa con còn lại duy nhất đang trên đường đi đánh nhau với tử thần.

"Ừ vậy mi cố mà sống để về với mệ mi. Đi mau lên, người ta tập trung đủ hết rồi kìa." Chí Thịnh bâng quơ an ủi Thần Lạc vài câu rồi nhanh chóng giục nó đi đến nơi tập trung.





Đợt tuyển lính lần này chủ yếu để tập trung đẩy quân trên tuyến đường Trường Sơn(*). Trường Sơn là con đường mòn nhỏ hẹp chạy ngang đất Hà Tĩnh của tụi nó, được binh đoàn 559 (*) phục lệnh Đảng mà trực tiếp khai thông con đường này, biến nó trở thành mạng lưới giao thông quan trọng trong công cuộc vận chuyển lương thực thực phẩm và vũ khí tiếp tế cho quân đội trong chiến trường miền Nam. Tụi Mỹ gọi đây là tuyến đường Hồ Chí Minh, còn lính mình gọi là tuyến lửa. Từ lúc khai thông đến giờ, quân địch đã tốn không biết bao nhiêu bom đạn để phá nát mối giao nơi này, bọn chúng không từ mọi thủ đoạn từ bộ đến trời để cắt đứt đi mạch máu quan trọng của quân nhân ta. Nhưng tiếc thay, bao nhiêu bom đạn cũng không thể ngăn lại dòng máu quật cường của dân tộc Việt Nam, bom nổ hố sâu thì lấp hố, hàng rào điện tử thì cắt dây, chỉ cần để đoàn xe tiếp tế tiếp tục tiến lên thì cả mười quả bom phá đường cũng sẽ được lấp lại ngay trong đêm. Bom đạn làm rung chuyển đất trời nhưng trái tim của những người lính vẫn còn yên.

Thần Lạc và Chí Thịnh sau khi được phân vào binh đoàn 559 thì tiếp tục được phân vào tiểu đội gồm bốn người lính dày dặn kinh nghiệm khác nữa. Chí Thịnh vì từng học cao nên được chọn đi huấn luyện lái xe trong vòng năm tuần, phòng trường hợp thiếu lái chính thì có thể nhảy vào thay thế. Thần Lạc ở lại tiểu đội, từ tờ mờ sáng đã bắt đầu tập hợp điểm danh quân số rồi leo lên xe bốc vác, sau đó thì nằm sau thùng xe canh chừng vũ khí và lương thực. Đôi lúc trên đường đi sẽ gặp những hố bom sâu không thấy đáy, hay những chị chiến sĩ hì hục lấp đất mà miệng vẫn không ngừng tiếng ca. Mỗi chuyến đi dài chừng năm ngày, thì năm ngày đó toàn bộ chiến sĩ trên xe đều không ngủ, họ sợ chỉ cần chợp mắt, lính Mỹ liền có thể tìm đến tận nơi. Chết không đáng sợ, chỉ sợ không thể đưa được đồ đến nơi cần đến, khi đó không chỉ thiệt hại về người mà còn về của.

Trong thời kỳ chiến tranh tàn khốc như vậy, mỗi một giây chậm trễ cũng đã đủ khiến mười mạng người ra đi.

--------------

mi - tau: mày - tao.

mệ: mẹ.

dô: vào.

chi: gì.

rứa: vậy.

răng: sao.

(*) Đường Trường Sơn: một tuyến Hậu cần chiến lược bao gồm mạng lưới giao thông quân sự, chạy từ lãnh thổ miền vào tới lãnh thổ miền , phía đông Trường Sơn đi qua và phía tây Trường Sơn. Đây là tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu cung cấp binh lực và vật lực hậu cần, vũ khí khí tài để chi viện cho trên chiến trường miền Nam Việt Nam, liên tục trong suốt 16 năm (1959–1975) của thời kỳ chiến tranh Việt Nam. (wikipedia)

(*) Binh đoàn 559: đơn vị trực tiếp triển khai các đơn vị hậu cần đảm bảo giao liên chuyển quân, đảm bảo y tế, vận tải, xăng dầu, công binh, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động cho cả hệ thống giao thông hoả tuyến chiến lược  đường Trường Sơn này. (wikipedia)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro