Giữa cả trăm người

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những ngày sau đó chúng tôi ít gặp nhau hơn, tôi và Đông Hách ý, chứ Tại Dân đã định cư rồi. Đông Hách lên tuyển thành phố mà. Chúng tôi chỉ gặp nhau ở trường vì là bạn cùng lớp cùng bàn, sau đó gặp nhau ở sân bóng để luyện tập cho giải quận sắp tới.

Thời gian đó Đông Hách kèm tôi trầy vi tróc vảy trên sân bóng. Cậu ấy không để tôi thở, cậu ấy ép tôi chạy, nghiêm khắc và lại tự cao tới mức tôi nổi đóa cố tình ném trật cho bóng rơi vào đầu cậu ấy mấy lần.

Nhưng làm cái gì mà chẳng phải trả giá. Mỗi lần tôi cố tình xem cái đầu của Đông Hách là cái rổ thì y như rằng trận một - một tiếp theo lại ra bã với cái thói chơi trên cơ của cậu ấy.

Nhưng tôi không giận, không bao giờ. Bởi tôi lúc đó tuy chưa nhận ra dụng tâm của cậu ấy, sự ám ảnh về chuyện thua cuộc vẫn đốc thúc tôi tiến lên. Con trai mới lớn, thằng nào không hiếu thắng ?

Ngày ra trận, là thành viên mới, tôi lo lắng đủ thứ. Đông Hách không đeo băng đội trưởng như dự định, cậu ấy bảo cậu ấy không thích. Thế nên cậu ấy đứng ngay bên cạnh tôi lúc duỗi cơ thay vì phải đứng đầu. Khán giả thì không nhiều đâu, chả ai rảnh rỗi đến sân bóng vào cái giờ đông đúc kẹt xe chỉ để xem hai trường đấu với nhau cả.

Tôi nhớ Đông Hách đã nhét cho tôi một cái băng đầu và ra hiệu tôi đeo lên trán.

- Thấm mồ hôi, mày đã cận thị còn cay mắt thì đấu cái gì ?

- Tao chấp tất. Chẳng phải hôm qua vừa thắng mày đó sao ?

- Ừ ngon. Hôm qua mày đấu với một tao. Mấy thằng bên kia như tao nhân mười, chúc mày chiến thắng.

Đông Hách khinh khỉnh, nhưng vẫn quan sát tôi đeo lên cái băng đầu. Tôi vẫn nhớ, mùa giải đó chúng tôi đã thắng. Không cầm được cái bằng khen học sinh giỏi, nhưng tôi cầm hai cái huy chương vàng về nhà.

.

Chúng tôi thắng đậm mùa giải quận năm đó. Huy chương vàng toàn quận.

Chúng tôi phấn khích vô cùng, nhưng đâu đó một góc nhỏ trong tôi vẫn còn đau đáu về phía chỗ trống mà Tại Dân để lại. Tại Dân rời đi ngay sau kỳ thi học sinh giỏi, giải đấu cũng khuyết mất vị trí đội trưởng của cậu bạn. Cái hôm huy chương thể thao quận gửi về trường, chúng tôi được chủ nhiệm thông báo sẽ trao trước trường vào buổi sinh hoạt đầu tuần sau. Nhưng tất nhiên sẽ không có chuyện tôi với Đông Hách vận hết sức mình mà đạp xe cho kịp giờ rồi. Vì trường tôi chào cờ đầu tuần trước tiết một, nhưng sinh hoạt là vào tiết năm, trước khi ra về.

Sáng hôm đó tôi nhớ tôi và Đông Hách hẹn nhau ở quán bánh cuốn. Sau khi thạo đường, tôi nhận ra việc đạp xe theo đường đi ngang qua nhà Đông Hách sẽ gần hơn một đoạn so với đi ngoài đường lớn, thế nên cô bán bánh cuốn cũng trở thành người quen.

Bánh cuốn rất ngon. Với cả thích một điều là tôi cũng không cần phải đợi quá lâu, cô chủ thường ưu tiên cho học sinh trước.

Mà hơn thế nữa, nếu hôm nào có hẹn ăn sáng, thì ngay khi bánh xe trờ tới, tôi đã thấy Đông Hách ngồi sẵn, mặc kệ sự nhộn nhịp mà chơi game trên điện thoại. Trông nhàn rỗi vô cùng, nhưng trước mặt cậu ấy lại là hai đĩa bánh nóng hổi, một đĩa có bỏ thêm chút ớt xay đúng khẩu vị.

Chân thành từng chút một giấu sau cái vẻ khinh khỉnh, tiếc rằng tôi năm đó chưa từng nhận ra.

.

Chúng tôi được gọi lên trước cột cờ theo thứ tự từ cũ đến mới theo danh sách của thầy hướng dẫn. Theo đúng lẽ, đáng ra tôi và Đông Hách phải là hai đầu thế giới, một đứa đầu tiên bên trái một đứa chót hàng bên phải. Nhưng không, tôi không có ý kiến, nhưng có vẻ Đông Hách không thích như thế.

Bằng chứng là cậu ấy không tiến lên đầu tiên, lúc thầy đọc tên, cậu ấy giả vờ cúi đầu lục tìm khăn quàng trong ba lô. Tôi học thuộc có thể tệ, nhưng tôi nhớ mấy chuyện thường nhật khá kĩ. Thế nên tôi biết lúc đó cậu ấy giả vờ, bởi chẳng thể nào lúc di chuyển xuống sân cả hai đều tươm tất đúng quy định, mà đến giờ nhận thưởng thì khăn quàng của Đông Hách lại tuột đi đâu mất. Làm gì có chuyện đó được ?

Nhưng tôi đã không vạch trần, ở thời điểm đó tôi chỉ nhướng mày khó hiểu rồi mặc kệ.

Lúc ba chữ Hoàng Nhân Tuấn dõng dạc vang lên qua loa cũng là lúc tôi thấy Đông Hách rút cái khăn quàng ra từ ngăn để nước của ba lô. Cậu ấy vờ như chẳng có gì, đứng lên bước ngay phía sau tôi, cùng tôi đi lên cột cờ. Và tất nhiên, đã là kẻ có học chẳng ai chen hàng. Cậu ấy cứ như vậy mà đứng cuối hàng, bên phải cậu ấy chẳng còn ai nữa. Lý Đông Hách bỗng dưng trở thành ma mới theo danh sách, trong khi rõ ràng đó là vị trí của tôi.

Thầy hướng dẫn cũng chẳng lấy làm khó chịu, suy cho cùng cũng là do danh sách bên Đoàn sắp xếp, thầy đâu có quan tâm thứ tự hàng lối. Cứ vậy, mỗi đứa nhận lấy huy chương của mình, và đón lấy một cái bằng khen cùng một phong bì nhỏ nhỏ bồi dưỡng.

.

Thì, ở trên có khi tôi cũng đã viết, Tại Dân cũng đậu tuyển. Ba đứa thi nhưng tôi trượt, tất nhiên là mệt mỏi chứ. Dù Đông Hách đã giúp tôi một nửa khi ép tôi phải giải quyết những khúc mắc của mình với người mà tôi không dám nhìn mặt, tôi vẫn đau đáu mãi cái nỗi niềm trượt tuyển.

Thông qua vài anh chị đi trước mà tôi có quen trước khi bọn họ tốt nghiệp, tôi biết trường mình không khen thưởng trước cờ các học sinh đậu tuyển quận lên thành phố. Vậy mà chẳng biết năm đó oái ăm thế nào, trường tổ chức khen thưởng.

Thật ra tôi nghĩ, từ góc nhìn tiêu cực của một đưa trượt đau đớn như tôi, thì buổi sinh hoạt trao thưởng tệ cực kì. Nhưng tôi vẫn dặn lòng phải hiểu, bởi những đứa bạn trong tuyển của tôi thiếu điều đã nhai nát cả cuốn lý thuyết để đậu. Mà hơn thế nữa, hai thằng bạn thân của tôi, Tại Dân và Đông Hách, một đứa thì ngày ngày đọc sách tìm tư liệu, một đứa cai game dẹp Toán nhìn chằm chằm vào lược đồ tiến quân của các bậc cha anh đi trước, thì chuyện được khen thưởng trước trường là một lẽ thường tình và vô cùng xứng đáng đối với những học sinh đã cố gắng như bọn nó.

Tại Dân nhờ tôi nhận hộ bằng khen. Ý cậu ấy là nếu thầy hiệu trưởng có dõng dạc ba chữ La Tại Dân của đội tuyển Văn thì cậu ấy mong tôi lên nhận hộ. Lớp của Tại Dân chỉ có duy nhất cậu ấy thuộc tuyển Văn, mà cậu ấy cũng không quá thân thiết với lớp mới của chính mình.

- Đội tuyển Văn bao gồm các em Lê Minh Hoàng lớp 9¹, Phạm Chí Thành lớp 9¹, La Tại Dân lớp 9², ...... . Mời các em có tên tiến lên trước cờ nhận bằng khen.

Tôi nhấc ba lô để sang một bên, toan đứng lên di chuyển thì bị Đông Hách kéo ngược xuống. Đông Hách chẳng nói chẳng rằng đi lên cột cờ, thay Tại Dân nhận tấm bằng khen kèm một ít tiền bồi dưỡng. Cục tính với tôi, nhưng trước mặt giáo viên, Đông Hách vẫn là một học sinh gương mẫu. Cậu ấy thay Tại Dân cúi đầu nhận bằng khen, khẩu hình miệng rõ ràng bốn tiếng "em cảm ơn ạ" khi thầy đặt tấm bằng khen vào tay cậu ấy, nghiêm chỉnh chụp hình lưu niệm rồi quay lưng đi về.

- Tiếp theo, mời các em thuộc đội tuyển Sử bao gồm Nguyễn Đông Anh lớp 9¹, Hoàng Quốc Anh lớp 9², Lý Đông Hách lớp 9⁷ tiến lên trước cờ nhận bằng khen.

Lý Đông Hách lớp 9⁷ vừa thay bạn thân nhận thưởng đi về chỗ, còn chưa được nửa đường đã phải quay ngược lại cột cờ. Tay cậu ấy vẫn còn cầm bằng khen của tuyển Văn. Lúc trao thưởng thầy hiệu trưởng cũng không nói gì, có lẽ cô chủ nhiệm tuyển Văn đã sớm thông tin cho thấy biết rằng học trò cưng Tại Dân của cô không nhận thưởng được nên nhờ bạn nhận thay.

Vẫn là vẻ mặt nghiêm túc như thế, vẫn là khẩu hình "em cảm ơn ạ" như cũ, nhưng xem nào, bỗng dưng lúc đấy tôi thấy dáng vẻ Lý Đông Hách có vẻ kiêu ngạo hơn một chút.

Một hai nữ sinh lớp dưới nào đấy ngồi phía sau lớp chúng tôi bỗng buộc miệng " ê mày ơi cái anh lớp 9⁷ đẹp trai quá " khiến tôi phì cười. Đẹp trai chỗ nào ? Sao tôi chưa thấy ?

Nhằm khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của bạn thân lâu ngày mà chỉ có mấy nữ sinh lớp dưới nhận ra, tôi cũng theo đó mà chuyển tầm mắt về phía Đông Hách. Và rồi, giữa sân trường cả vài trăm cô cậu học sinh khối sáng đang ngồi dự lễ, Đông Hách bắt được ánh mắt của tôi.

Tôi chẳng biết là bắt được, hay ngay từ đầu cậu ấy đã nhìn. Chỉ biết ngay khi tôi đặt ánh mắt của mình lên người cậu ấy, đã thấy tầm mắt của cậu ấy có tôi. Trong khi hai bạn còn lại đang vui vẻ nhìn về phía trước để chụp ảnh, ánh mắt Đông Hách lại kiên định soi ngay vào chỗ tôi ngồi.

Lúc đấy tôi nghĩ Đông Hách nhìn Mỹ Anh. Vì bạn ấy ngồi ngay phía trên, chỉ cách chúng tôi một hàng.

Một phần trong tôi không dám thừa nhận rằng cậu ấy đang nhìn thằng bạn thân là tôi, bởi vì ánh mắt của cậu ấy lúc đấy thật khác biệt. Ánh mắt đau đáu hệt như buổi chiều trong phòng tuyển hôm đó, ánh mắt khiến tôi sửng sốt chẳng biết phải làm thế nào, chỉ có thể trơ ra nhìn cậu ấy quay lưng đi ra ngoài.

Tôi thử ra hiệu bảo Đông Hách nhìn về phía thầy tổng phụ trách một tay đang giơ máy ảnh, một tay gập ngón đếm ngược. Giây phút Đông Hách gật đầu rồi dời tầm nhìn thẳng về hướng ống kính lưu niệm, tôi đã vỡ lẽ.

Lý Đông Hách là nhìn tôi. 

Phải, cậu ấy là bắt lấy ánh mắt của tôi, không phải ai khác. Giữa cả trăm học sinh phía trước, một cái phẩy tay ra hiệu kín đáo của tôi thế mà lại chiếm trọn sự chú ý của Lý Đông Hách.

Tại sao cậu ấy lại nhìn tôi ? Tôi vừa như đoán ra một phần, vừa như chẳng muốn chính mình đoán ra. Tất cả mọi chi tiết như tua ngược, tâm trí tôi dậy sóng dẫu tôi biết hiện tại vẻ bề ngoài của tôi vẫn như cũ, vẫn mỉm cười, vẫn tỏ ra bình thường hết mức.

Một giây Đông Hách dùng hành động để khẳng định rằng người cậu ấy đang nhìn là tôi, tôi ý thức được rằng hai chữ "tình bạn" giữ tôi và cậu ấy vừa mới xuất hiện một vết nứt.

Không phải một vết nứt vì xích mích, mà là một vết rạn mờ. Một dấu hiệu mơ hồ mà dựa trên sự nghi hoặc của tôi, tôi đồ rằng, chữ "tình" nơi người kia đang vùng vẫy hết mức để tách ra khỏi chữ "bạn".

Tách ra rồi mang nghĩa gì, tôi lúc ấy cũng có vẻ đã lờ mờ nhận ra. Thiếu niên mới lớn mà, chẳng có gì nhạy bằng những cảm xúc rung động..

.

- Xem cái được không ?

- Không. 

Đông Hách trở về chỗ ngồi, trên tay là hai tấm bằng khen cùng hai cái phong bì. Tôi còn chưa kịp thương lượng thêm thì cậu ấy đã nhanh tay nhét luôn vào ba lô, vờ như chẳng thấy ánh mắt tò mò của tôi, vờ như vừa nãy chẳng có một lễ trao thưởng học sinh giỏi nào cả. Vừa cọc cằn vừa cáu bẳn. Mà bản thân tôi cũng không hiểu tại sao Lý Đông Hách nhận thưởng xong vẫn cáu gắt thế. Tự dưng cùng một buổi sáng nhận hai lần tiền thưởng, một cái huy chương vàng mà vẫn khó ở đến vậy là thế nào ? 

Tôi đến chịu, chả hiểu.

Chúng tôi xếp ghế ra về sau khi thầy Tổng phụ trách dặn dò xong phong trào thiếu niên cho tuần này. Trời đang độ trưa nắng gắt, cả hai cứ thế mà nhấn bàn đạp. Bọn tôi thay vì về nhà thì lại la cà đến một quán sinh tố gần trường, nằm ẩn bên trong khuôn viên của một khu dân cư vắng lặng. Tôi vẫn còn nhớ, yaourt hũ ở đấy rất ngon. Đám trường tôi chả có đứa nào là không biết quán này. Nhưng bởi vì tôi với Đông Hách đến vào buổi trưa, thế nên thành ra dưới bóng cây bàng lớn trước mái hiên tiệm sinh tố chỉ có mỗi hai chiếc xe đạp thể thao của chúng tôi. 

Chủ quán đem ra bốn hũ yaourt còn đang bốc hơi lạnh kèm hai cái muỗng cà phê. Đông Hách thuận tay mở nắp hai hũ, mà tôi cũng tự giác xắn xuống một muỗng đầy. Cảm giác trưa nắng đổ lửa mà lại có một hũ yaourt còn đang bốc khói lạnh thật sự rất sảng khoái, rất dễ chịu. Tôi nhớ chầu yaourt trưa hôm đó, thêm một ly sinh tố bơ mà tôi mua về cho mẹ ở nhà là Đông Hách trả. Bằng tiền thưởng của cậu ấy, tất nhiên, tôi đã sớm thấy cậu ấy lôi mấy tờ bạc polymer ra khỏi phong bì khi cậu ấy còn ở bãi giữ xe của trường.

Ăn sạch một hũ, tôi bỗng nhớ ra vài chuyện cần hỏi. 

- Sao bỗng dưng mày lên nhận cho Tại Dân vậy ? 

- Tao không hiểu nổi sao La Tại Dân lại nhờ mày. Tối hôm qua nếu tao không chat với nó thì sáng nay có phải hai đứa tao chọc mày thành trò hề rồi không ? Mày trượt Sinh mà lại lên nhận thay bạn môn Văn, có mười cái miệng tao cũng không nói đỡ cho mày với chủ nhiệm và đám nhiều chuyện lớp mình được. Thêm cả mày nữa, sao mày không nói với nó là mày rớt ? Tao chả hiểu sao mày lại nhận lời, muốn lại bị bàn ra tán vào nữa à ?

- Mày biết mà, thật ra tao chẳng nghĩ nhiều thế đâu. Chỉ đơn giản là bạn thân lên nhận giúp rồi gửi về nhà, tao cũng chẳng để tâm nhiều. 

- Nhưng tao nghĩ.

- Hả ? 

- Thôi dẹp đi, không có gì. Ăn nhanh rồi về. Tao lên tuyển, chiều còn đi học thêm. 

- Sao mà mày cứ phải gắt gỏng vậy ? Tính nết kì lạ bảo sao chả ai thích. 

- Người tao thích không thích tao. Mà không phải nó thì tao cũng chẳng cần ai thích, được chưa ? Thôi tao mặc kệ mày, đi trước đây. 

- Cô ơi tính tiền giúp con với ạ. Cô làm cho bạn con một ly sinh tố bơ mang về ạ, con trả luôn.

Chả hiểu lúc đó tôi chọc phải cái gì, Đông Hách giận dữ tọng một hớp lớn yaourt vào miệng mặc kệ như thế là không tốt rồi vùng vằn đứng lên đi trả tiền, xách ba lô đi trước. Bởi vì chính tôi cũng chẳng hiểu cậu ấy cáu bẳn cái gì, nên vẫn tốt tính hỏi lại vài câu.

- Vậy đưa bằng khen của Tại Dân đây đi tí tao gửi qua nhà nó cho. Đỡ cho mày phải đạp ngược lại đó, chỗ học tuyển với nhà nó ngược đường mà còn cách nhau xa nữa. Nắng lắm đó.

- Tại Dân Tại Dân Tại Dân. Dẹp đi. Thứ mày cần giữ là cái này, không phải cái bằng khen của Tại Dân. Đằng nào tao cũng quen với bà nó hơn, tao gửi được. Mà tao thà là đạp xuống nhà nó rồi đạp ngược lên tuyển, còn hơn đưa cho mày.

Đông Hách lục trong ba lô lôi ra cái huy chương vàng thể thao quận mà tôi cũng có, sau đó đập mạnh xuống bàn. Giữa trưa oi ả, chiếc bàn inox chân thấp cứ vậy mà oan ức nhận lấy cơn giận của cậu ấy. Còn tôi chả hiểu mô tê gì, từ ngại ngùng vì làm phiền cô chú chủ quán chuyển sang nổi đóa vì cái kiểu vô cớ của Đông Hách. 

- Mày điên à ? Ồn ào cái gì, giữa trưa nắng nóng mệt quá thì đừng có rủ đi ăn. Rủ tao đi ăn thì đừng có nổi điên giữa chừng ! Tao làm cái gì mày hả Đông Hách ?

- Mày thông minh lắm mà. Rốt cuộc là do mày không hiểu, hay do mày cố tình không hiểu vậy Nhân Tuấn ? Tao mặc kệ mày, tự mà về sau. 

- Đồ điên. Tao chả hiểu tao nói cái gì sai luôn đấy ? Huy chương tao cũng có, mày đưa tao làm gì. Ba lô lủng hay gì ?

- Ờ, lủng đó, rồi sao ? Mày chỉ nên cầm, nên nhìn, nên giữ cái huy chương của tụi mình, chứ không phải cái bằng khen mà chỉ cần liếc qua đã khiến mày cảm thấy nuối tiếc. Mà sao tao phải giải thích với mày nhỉ, mày có hiểu đâu ?

- Thôi dẹp mày đi. Đi giùm tao cái. Rủ đi ăn xong cái nổi điên giữa bữa ăn, tao không hiểu được mày nghĩ cái gì luôn á Đông Hách.

Đúng là thiếu niên mới lớn. Thật tình. Cả hai chúng tôi lúc đó đều là những đứa non nớt đến mức nghĩ lại phải bật cười. Chúng tôi đều có những mối quan tâm riêng, và có cách quan tâm riêng. Không phải tôi không quan tâm Lý Đông Hách, mà là cách quan tâm của tôi có vẻ đã khiến cậu ấy hiểu nhầm.

Nhưng mà cách Đông Hách quan tâm thì lại làm tôi câm nín. 

Vì nó như thuốc đắng giã tật, cậu ấy chỉ phun ra những câu đúng đắn và thẳng thừng đến khó tin. 

Cho tới giờ hai chiếc huy chương vàng đấy vẫn còn treo trong phòng tôi. Cậu ấy bảo rảnh sẽ sang lấy, nhưng lại chẳng hỏi tới bao giờ. Hôm ấy khi nhận lấy ly sinh tố từ tay chủ quán, tôi phải cúi đầu xin lỗi cô hai ba lần vì đã làm ồn giữa trưa. Lý Đông Hách thật sự ..... 

.

Mãi sau này, khi gặp lại Tại Dân ở Mỹ, tôi mới biết tại sao Đông Hách lại cáu bẳn đến như vậy. 

Tại Dân kể rằng tối trước hôm sinh hoạt, Lý Đông Hách đã nhắn tin hỏi thăm và hỏi xem có muốn cậu ấy gửi giấy khen về nhà giúp không. Tại Dân bảo rằng lúc cậu ấy bảo cậu ấy đã nhờ tôi, Lý Đông Hách nổi cáu. 

- Nguyên văn nó nói thế này " Mày điên à ? Hoàng Nhân Tuấn trượt, cả cái tuyển Sinh mỗi nó trượt. Hai tháng qua nó tiếc nuối đến độ nào mày có biết không mà còn nhờ nó nhận hộ ? Nó lên nhận cho mày rồi lớp tao, tuyển nó nói nó ra sao ? Rồi không lẽ mày cũng không biết tính nó là hay nghĩ nhiều à, nghĩ cái gì mà nhờ Hoàng Nhân Tuấn lên nhận ? Bị làm sao vậy ? "

- Sao mày không nói là mày không biết tao trượt ?

- Tao có nói, nói xong thằng khỉ đó còn nổi điên hơn. 

- Nổi điên hơn ?

- Ừ, nó quát tao thêm một tràng nữa, đại loại kiểu mày không nói chả lẽ tao cũng không hỏi mày trước là kết quả của mày thế nào à ? Nó mắng tao sao mà vô tâm vô ý vậy ? Nó quát tao gắt lắm, kiểu trách móc tại sao tao không để ý đến mày, không hỏi mày trước, kiểu thế. Nói chung lần đấy tao thấy tao cũng thiếu nghĩ thật.

- Thôi, chuyện bé tí. Có gì đâu phải căng. Kệ đi.

Tôi ở khoảnh khắc đó lại sụp đổ hơn một chút. Bởi thời điểm gặp La Tại Dân, tôi và Đông Hách đã đổ vỡ trước đó rồi, cũng đã giải quyết xong cả rồi. Chỉ là trong tôi vẫn chỉ toàn hình bóng chân thành của cậu ấy năm nào. Tôi luôn cảm thấy mình là một đứa xấu xa vô cùng khi tặng cho Đông Hách một mối tình đầu khắc khoải đến thế, và sau khi gặp Tại Dân, tôi lại trĩu nặng vì tấm huy chương vàng kia hơn.

Tấm huy chương vàng của chúng tôi, nhưng mang cả trái tim của cậu ấy, Lý Đông Hách.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro