Cậu ấy chọn đội tuyển Sử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chúng tôi lên lớp Chín với sự chia năm xẻ bảy một lớp của nhà trường. Và tất nhiên, với tờ phiếu đăng ký đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Tại Dân - Văn. 

Nhân Tuấn - Sinh. 

Đông Hách - Sử.

Tại Dân chọn Văn, tôi không có gì để nói. Khiếu ăn khiếu nói cùng cái nhìn có chiều sâu của cậu bạn với mọi vấn đề xã hội thì đúng là hợp với Văn học, nơi câu chữ cầm quyền. Tôi chọn Sinh vì tôi thích cô chủ nhiệm đội tuyển Sinh, đơn giản thế thôi. À mà lúc đấy tôi nghĩ Sinh học là môn phụ, nghĩa là sẽ chỉ có học thuộc khi vào đội tuyển thôi. Đúng là tuổi trẻ chưa trải sự đời, không nghe ai đi nghe xúi dại của bạn bè.

Tuy nhiên thứ khiến tôi bất ngờ nhất là phiếu đăng ký của Đông Hách. Một thằng mười điểm thi, chín phẩy tổng kết Toán vậy mà điền vào tờ giấy đăng ký của đội tuyển Sử. Tôi đã tưởng cái dòng chấm chấm sau mục "môn đăng ký " của nó phải là Toán học.

- Chứ bộ tao giỏi Toán là tao không được thích Sử hay gì ?

- Tao có nói vậy đâu ơ hay ? Tao chỉ hỏi thôi mà ? Sao mà mày cứ nhảy dựng lên như đạp ổ kiến lửa vậy ?

Cho tới rất nhiều năm sau tôi vẫn không hiểu tại sao năm đó Đông Hách chọn Sử. Có lẽ cậu ấy thích Lịch Sử thật, ai mà biết được, cái thằng nhóc ẩm ương kiêu ngạo đó.

Mãi tới khi đứa em họ của tôi sau này cũng tham gia vào đội tuyển Sử của Đông Hách năm đó. Và nó về kể với tôi rằng lịch ôn thi của tuyển Sử và tuyển Sinh trùng nhau, xưa giờ trường luôn xếp như thế.

Thì ra là vậy. Tôi sẽ xem như Đông Hách chọn Sử vì tôi, vì sau này khi biết chuyện từ miệng đứa em, tôi dám khẳng định thế. Đông Hách rất hay ngủ trong giờ Sử, tới mức thỉnh thoảng thầy Sử của chúng tôi, cũng là thầy luyện tuyển của Đông Hách, gào ầm lên giữa lớp sau khi chọi một viên phấn vào đầu cậu ấy.

- Mày lên ôn tuyển thì mày cù nhây, mày vào lớp tới giờ thầy thì mày ngủ ! Tuần hai tiết chính quy thì mày ngủ hết hai tiết rưỡi, thầy bước vô lớp đã thấy mày ngủ ! Giỡn mặt thầy hả mày, bước lên bảng giải thích thế nào là thế quân gọng kìm cho thầy ngay !

Tình đầu của tôi đã bảo là học đều, học giỏi. Cậu ấy bất luận chọn bừa hay chọn đúng, đều sẽ giỏi, đều sẽ đạt yêu cầu, đều sẽ làm được. Mắt nhắm mắt mở cầm cây thước dẻo của thầy lên bảng, trước khi giải thích còn che miệng ngáp một cái, vậy mà sau đó lại vanh vách tới mức thầy cũng phải gật gù.

Đông Hách cái gì cũng giỏi, vậy mà lại trượt môn yêu đương. Trượt rất nặng. Bởi bị chính người trong lòng của mình đánh trượt.

Người đó sau này, chính là tôi. Cũng chính là tình đầu của cậu ấy.

Phải, tôi, Hoàng Nhân Tuấn, là tình đầu của Lý Đông Hách.

. . .

Lớp Chín kéo tôi và Đông Hách gần lại. Chúng tôi nói chuyện nhiều hơn, cùng ăn trưa cùng ôn luyện. Tôi từ ngồi cùng Tại Dân chuyển thành ngồi cạnh Đông Hách. Bởi lẽ đơn giản thôi, trường xáo lớp để đảm bảo tiến độ học tập cho năm cuối cấp. Và Tại Dân lên tầng trên, còn chúng tôi ngồi ở lầu dưới.

Kiệm lời như tôi, lúc thấy danh sách có Đông Hách đã thầm mừng rỡ trong lòng. Ít ra nhìn Đông Hách mỗi ngày lúc nào cũng cái kiểu ngạo nghễ coi trời bằng vung (trước mặt tôi) vẫn đỡ hơn là phải kết bạn lại từ đầu.

Nhưng thật đấy, chuyện không học cùng Tại Dân khiến tôi buồn một tháng sau khi có danh sách lớp. Nhất là khi chúng tôi đã có một kì hè cực nhiệt với nhau, cả ba đứa tôi. Và Tại Dân luôn đèo tôi mỗi lần chúng tôi cùng nhau kết thúc lớp tuyển.

Lý do cũng chẳng tốt lành gì cho cam. Tôi bị mất xe đạp nên hai người Tại Dân và Đông Hách mới phải thay phiên nhau chở về. Tôi đi với Tại Dân nhiều, vì Đông Hách chê tôi nhát cáy. Vừa phải thôi, cậu ta đi một chiếc xe đạp thể thao, phần khung bánh sau không có chỗ tựa chân, ngồi là ngồi thế nào, không quen nha.

Tôi đã nói, sự thiên vị những năm đó luôn là thứ khiến tôi day dứt tới mức không thể nhìn thẳng vào mắt Đông Hách sau này. Và cả sự khờ dại tưởng rằng Tại Dân chỉ tốt với một mình tôi nữa.

Tại Dân luôn đặt vào tay tôi một cái áo mưa tiện lợi và bảo tôi lót xuống yên sau ngồi cho đỡ xóc. Tôi bảo không sao, con trai mà sợ xóc cái gì, Tại Dân liền bảo ai chẳng là người. Và Tại Dân đạp xe thật sự rất xóc, không phải cậu ấy cố ý, mà là cậu ấy thường chỉ chú ý tới phương tiện phía trước, không mấy khi nhìn xuống mặt đường. Vì tôi cảm nắng cậu ấy, nên tôi thấy thế cũng bình thường thôi. Hơn nữa, tôi chọn đổ lỗi tại đường. Những ngày đó, Đông Hách thường đạp xe song song bên cạnh tôi và Tại Dân, nếu đường xá vắng vẻ. Còn vào những ngày đông đúc, Đông Hách sẽ ở ngay phía sau, chỉ cần tôi quay đầu lại, sẽ thấy mái tóc phấp phới trong gió của cậu ấy.

Đông Hách hay cau mày khinh khi mỗi lần tôi ngồi sau yên xe Tại Dân rồi quay đầu lại trêu cậu ấy. Vẻ mặt thiếu điều muốn gào lên cho mọi người trên đường nghe cái câu "hai đứa nó không quen biết gì cháu đâu ạ". Nhưng có lẽ ở một góc độ nào đó, tôi nhớ sau những cái đảo mắt, những cái chau mày khó hiểu đó, Đông Hách luôn mỉm cười nhìn tôi. Tôi lúc đó thấy đôi mắt nâu của cậu ấy thật đẹp, chỉ thế thôi.

Bọn tôi bố mẹ cũng chẳng khó, hơn nữa đều sáng đi chiều về, thế nên mấy tháng hè, học tuyển xong bọn tôi thường lôi nhau ra mấy nơi như quán net, cửa hàng tiện lợi để vui chơi.

Nhà Tại Dân nghịch đường hoàn toàn với tôi, thế nên từ trường ra quán net đúng là Tại Dân đèo, nhưng từ quán net về nhà, người ngồi phía trước, hai chân đều đặn nhấn vào bàn đạp đưa tôi về là Đông Hách.

Có một điều khá lạ, có lẽ đó là sự khác biệt giữa Đông Hách và Tại Dân. Nếu ngồi sau xe Tại Dân rất xóc nảy, thì ngồi sau xe Đông Hách lại yên bình cực kì. Không hiểu tại sao nhưng Đông Hách đạp xe không hề xóc, mọi nẻo cứ bình bình, lâu lâu đi sang những cái ghề giảm tốc mới làm xe rung lên một chút. Tôi phải công nhận, Đông Hách đi xe rất êm. Kể cả không lót áo mưa dưới yên, tôi cũng chẳng thấy hề gì. Hình như cậu ấy sẽ lách khỏi mọi ổ gà ổ voi trên đường, nên ngồi sau xe Đông Hách nhiều khi thấy như đang được hưởng thụ vậy đó, thoải mái gì đâu.

Chúng tôi cùng đường, ừ, cùng một nửa. Một nửa bất lợi như kiểu nếu đạp từ quán net hay sân về nhà, thì nhà Đông Hách xuất hiện trước rồi mới đến lượt ngõ nhà tôi. Nhưng Đông Hách vẫn luôn cho tôi xuống ngay trước cổng nhà, theo lời cậu ấy thì đó lĩnh hội đầy đủ phẩm chất đạo đức "giúp người giúp cho trót". Mấy ngày đầu ngồi sau không quen, lại còn không có thanh tì chân, tôi khốn đốn ra mặt. Thì cũng phải mà, tôi xưa giờ tự đạp xe đi học, có bao giờ ngồi sau yên xe đạp của ai đâu ? Mấy hôm đầu, về tới nhà hai cái đùi của tôi muốn mất hết cảm giác, vì cả đoạn đường đều phải cố gắng gồng lôi hai cái ống khuyển lên, tránh cà xuống mặt đường.

Đông Hách ngứa mắt với chuyện này, nhưng biết sao được, xe cậu ấy là dáng thể thao, và tôi thì không có quyền gì để yêu cầu cậu ấy lắp thanh tì chân. Đằng nào vô năm cũng mua xe, hành cậu ấy làm gì ? Cho đến một hôm, Đông Hách phanh gấp giữa đường, và tôi thì đập luôn mặt vào lưng cậu ấy, chân mất tự chủ mà chống xuống đường, làm cho cổ chân hơi tức.

Sau hôm đó, tất nhiên là Đông Hách không có gắn thanh tì chân rồi. Bạn bè cho đi nhờ đã mừng, đòi hỏi là đòi hỏi thế nào ? Nhưng hôm sau khi đón tôi trước giờ luyện tuyển, tôi thấy Đông Hách quan sát cái cổ chân dán salonpas của tôi. Sau đó cậu ấy bảo tôi vào nhà tìm cái túi nilon bỏ giày bóng rổ vào đi, thay xăng đan hay dép kẹp gì đó giống cậu ấy ra. Tôi ù ù cạc cạc làm theo, giày bóng rổ mắc mà, tại vì hôm nay có buổi tập sau giờ nên tôi mới mang đó chớ.

- Mày thấy hai cái thanh nối cái dè với tâm bánh xe không ?

- Thấy, sao ?

- Đặt chân lên đó đi, bao lâu rồi còn chưa nhận ra chỗ đó là chỗ để chân ? Để cái gót chân của mày lên, rồi hướng mũi chân ra ngoài, khờ thiệt luôn á.

- Ghê, chở Mỹ Anh riết nên biết phải làm sao đúng không ? Dạo này hai đứa bây lạ lắm nha.

- Tao với Mỹ Anh làm gì có gì ? Nghe đồn bậy đồn bạ ở đâu vậy ?

Một lần nữa, Đông Hách lại bày ra cái vẻ mặt khó ở như kiểu chả hiểu tại sao lại nhắc tới Mỹ Anh khi nói chuyện với cậu ấy. Năm đó Đông Hách được đề cập chung với Mỹ Anh của tuyển Văn khá nhiều, tôi cũng góp vui vài câu.

Lạ là ai trêu Đông Hách cũng chỉ kiểu bình tĩnh bảo không, hoặc cười trừ phủ nhận, chỉ có mỗi lần tôi mở miệng là cậu ấy lại trừng cho một trận. Có mấy hôm vừa mở miệng định trêu đã bị nhét một cái bánh vào miệng, hết nói được gì, bên tai còn nghe thấy Đông Hách nghiêm giọng bảo "mày bớt đi hóng chuyện với Tại Dân lại dùm tao".

Cả hè đó, đưa tôi từ nhà đến lớp là Đông Hách, đem tôi từ chỗ vui chơi tập luyện giao về tận nhà cũng là cậu ấy. Tại Dân thì đèo tôi từ trường tới sân thôi. Sau khi tôi học được bí kíp để chân sao cho đỡ mỏi của Đông Hách, thì phải nói là đi với Đông Hách dễ chịu hẳn. Cậu ấy đạp xe rất êm, chân tôi cũng không còn cần phải gồng làm gì, thoải mái chứ.

Cho đến một ngày, tôi nghe em trai của cậu ấy gào lên tức tưởi khi ngồi phía sau yên của cậu ấy.

- Anh hai đạp xe xóc vừa thôi, em ngồi sau muốn xỉu đây nè !

. . .

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro