Saeng-Do Cheong 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



(Dịch: Phi Hạ Thiên

Dịch từ nguyên tác tiếng Hàn <바람의 화원> của tác giả 이정명 – Lee Jung Myung)


Hong Do miễn cưỡng bước vào hội trường họa viên. Một thanh âm cao vút vang lên giữa những ánh mắt bơ phờ của các họa công.

"Saeng-do Cheong là nơi nào, sao lại có thể lưu truyền loại tranh này?"

Họa viên Kim Dong Joo cáu kỉnh quăng tờ giấy vừa vung vẩy trong tay. Hong Do hướng về phía trước, nhặt tờ giấy lên, và dần dần mở to đôi mắt vô thần.


Đợi chờ (기다림, Gi-da-rim)

Tại hậu viện của một gia đình giàu có, dường như chôn dấu sự thấp thỏm và tiếc nuối của nữ tử đang chờ đợi ai đó.

Nữ tử đang cầm trong tay chính là chiếc mũ rơm của nhà sư.


Hậu viện yên tĩnh của một gia đình giàu có với bức tường gạch tao nhã kéo dài. Phía trên bức họa là hình ảnh rặng liễu xanh um rủ xuống; ở giữa có một cây cổ thụ khô héo, có thể nhìn thấy mặt nghiêng của nữ tử đứng quay đầu. Không biết nữ tử đang nhìn gì, hay là đang chờ đợi người nào.

"Tuy rằng hình ảnh tĩnh lặng, nhưng kết cấu thật táo bạo. Sự hài hòa giữa khí thế mạnh mẽ của cây khô và vẻ tươi tốt của liễu rủ, còn có nữ tử dường như đang đợi chờ ai... Nếu như nói đây là bài tập của môn sinh, tôi xem thật sự là quá hoàn mỹ..."

Hong Do chăm chú nhìn bức tranh lẩm bẩm.

"Nhìn người hết thuốc chữa này xem. Mở mắt ra mà nhìn cho kỹ đi. Xem bức họa này rốt cuộc là thứ tranh gì."

Họa viên nguyên lão Kang An Suk không ngừng tặc lưỡi, trách cứ. Hong Do tiếp tục xem kỹ bức họa. Bố cục đơn giản đến gần như đơn thuần, màu sắc đơn nhất thuộc hệ màu vàng đem lại cảm giác bình yên, sự tương phản tinh tế giữa rặng liễu rủ xuống dưới và thân cây đâm lên trên, cùng tư thế của nữ tử giống như xuyên qua năm tháng xa xôi, ánh mắt vô định không biết hướng tới phương nào... Hết thảy đều thực mông lung. Bức họa chỉ ghi lại một khoảnh khắc ngắn ngủi lại tựa như vĩnh cửu, tuy là cảnh tượng hàng ngày nhưng có gì đó rất mới lạ. Đây là bố cục và miêu tả mà các họa viên đã quen thuộc với quy cách của Dohwaseo hàng chục năm cảm thấy thực bất ngờ.

"Càng xem càng cảm thấy rất xuất sắc. Khuôn mặt nghiêng của nữ tử đơn thuần này cũng đủ khiến mọi người miên man bất định."

"Thế nhưng ở giữa bức tranh lại chính là nữ nhân này, cậu cảm thấy điều này có thể chấp nhận được sao?"

Trên thực tế, việc vẽ nữ nhân vào tranh là điều tối kỵ ở Dohwaseo. Trong Nghi quỹ[1] hay các bức họa ghi chép chi tiết, dù trong tình huống bất đắc dĩ phải vẽ nữ nhân thì cũng chỉ vẽ ở góc bức tranh hoặc thu nhỏ tới mức tối đa. Bức họa này không chỉ vẽ nữ nhân, hơn nữa còn quang minh chính đại đặt tại trung tâm bức tranh.

[1] (Uigwe, 의궤, 儀軌) Một tập hợp các tư liệu và tranh mô tả các nghi lễ triều đình dưới thời Joseon và bản Kinh Phật khắc gỗ được các nghệ nhân Hàn Quốc tạo ra vào thế kỷ 13. (Theo world.kbs.co.kr/vietnamese)

"Nhưng đến mức không thể chấp nhận sự thực là nữ nhân thì không tự nhiên chút nào, không phải sao?"

Nhóm họa viên chăm chú nhìn bức họa, tiếng tặc lưỡi càng lớn.

"Cậu là thực không hiểu hay là giả bộ hồ đồ? Bức tranh này rõ ràng là xuân họa, hơn nữa là làm ẩu, dung tục không chịu nổi!"

Hong Do cũng đã xem qua nhiều bức xuân họa được lưu truyền từ đời nhà Thanh, các bức họa đó thực sự là trắng trợn. Cũng có những họa viên trẻ tuổi vụng trộm vẽ những bức tranh tình ái như thế rồi âm thầm mang bán ngoài chợ. Tranh càng lộ liễu thì giá càng cao. Còn có cả môn sinh bán những tập xuân họa bí ẩn, lấy tiền đó lui tới kỹ viện.

"Trong mắt tôi... bức họa này tựa hồ tìm không thấy dấu vết của xuân họa."

Hong Do lắc lắc đầu. Kang An Suk giận không kìm được phải nói: "Cây khô kia mọc từ dưới chân nữ nhân, cậu nhìn mà không hiểu sao?"

Mọc lên từ trong bùn đất mịn màng đâm chồi nhánh cỏ xuân mềm mại, gốc cây đen khô và mập lùn đâm thẳng lên trên. Khoảnh khắc đó, Hong Do dường như đã hiểu được ý tứ của Kang An Suk.

"Ở chợ rất ít xuất hiện các bức đông cung nam nữ nửa trần trụi dây dưa. Dù có là xuân họa thì cũng đâu cần mờ mịt khúc chiết như thế..."

"Trời ạ, trời ạ! Cậu đã tận mắt thấy bức họa này mà còn có thể nói như thế... Cậu hãy cẩn thận nhìn lại xem, thiếu phụ kia trong tay đang cầm cái gì?"

Nữ nhân hờ hững, cầm trong tay mũ rơm của nhà sư. Hong Do nuốt nước miếng.

"Giờ thì minh bạch rồi chứ. Nữ nhân phố phường này cùng hòa thượng thông dâm, sau hòa thượng bỏ chạy, nàng ta cầm trong tay chiếc mũ rơm của hòa thượng, đứng dưới cây lo sợ bất an. Dohwaseo của chúng ta không phải họa thất nhà dân thường, cũng không phải một đám họa sĩ đường phố, sao lại xuất hiện loại tranh dung tục thế này, thật sự là buồn cười!"

Kang An Suk đề cao thanh âm. Lúc này Hong Do cũng không hề lên tiếng.

"Bức tranh này từ đâu mà có?"

"Từ chuyến đi vẽ dã ngoại của Saeng-do Cheong. Điều tra rõ ai làm việc tốt này rồi lập tức bắt lại."

Vẽ dã ngoại là thông lệ hàng năm của Dohwaseo với chủ đề "vẽ tự do". Đối với những môn sinh bị bó buộc bởi những quy định cứng nhắc của Dohwaseo thì đây đúng là một cơ hội hiếm có. Dù vậy, du ngoạn vẽ tranh cũng ẩn chứa một vài âm mưu bí mật.

Môn sinh phải là những người kế thừa và truyền thụ trung thành "quy cách Dohwaseo". Chỉ một nét bút cũng phải có căn cứ, một lần dừng bút cũng cần theo quy luật. Nhưng là, sao có thể tất cả đều ngoan ngoãn, tất có những kẻ kiệt ngạo bất tuân. Chính bọn họ phá hư quy phạm vẽ tranh tinh diệu bằng bút pháp phóng đãng, còn có thể tiêm nhiễm cho cả những người thừa kế thiếu trung thành. Vẽ dã ngoại cho phép vẽ tự do theo ý muốn, cũng là một cách loại bỏ những môn sinh ngẫu hứng và coi thường quy phạm.

"Bất quá, vẽ dã ngoại vốn không ghi rõ danh tính của người vẽ, làm thế nào để tìm đây?"

"Nhất định phải tìm được! Phải chặt bỏ bàn tay của hắn, để cho hắn trọn đời không thể cầm cọ được nữa!"

Hong Do lặng yên cầm bức tranh kia lên. Sự tò mò càng làm anh nóng ruột nóng gan hơn cả Hội đồng Họa viên. Đến tột cùng là tiểu tử can đảm nào lại vẽ được bức họa hoàn mỹ thế này? Tên tội phạm chắc chắn ở trong đám môn sinh, một ai đó trong số ba mươi người... Chính là, dùng cách gì mới có thể tra ra đây? Nếu có thể vẽ xuân cung đồ ẩn mật như thế, cho dù có đánh mông tra khảo[2] thì có lẽ mắt cũng sẽ chẳng hề chớp một cái. Cũng không thể nào lục soát từng phòng của môn sinh được.

Hong Do chăm chú nhìn bức tranh, cố gắng khắc chế trái tim không ngừng đập thình thịch. Kỳ thật, anh cũng không nghĩ chân chính đi tìm thủ phạm, chỉ là muốn biết ai đã vẽ bức tranh này... Có lẽ tiểu tử đó cũng không phải môn sinh phá phách phải chịu tội chết, nói không chừng lại là một kỳ tài.

"Tên đó thật hư hỏng... Nghe nói là xuân họa, tựa hồ tim cũng đập gia tốc."

Bên tai nghe thấy thanh âm tặc lưỡi, Hong Do mỉm cười thu hồi bức họa.

[2] Thời Joseon, tra khảo bằng cách đánh vào mông.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro