Saeng-Do Cheong 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng



(Dịch: Phi Hạ Thiên

Dịch từ nguyên tác tiếng Hàn <바람의 화원> của tác giả 이정명 – Lee Jung Myung)


Góc áo dài xanh ngọc nhẹ nhàng xẹt qua, thầy giáo đến ngồi bên thư án. Thầy tên là Kim Hong Do (金弘道), nhưng mọi người thích gọi thầy bằng họa danh Danwon (檀園, Đàn Viên). Nghe nói thầy là thiên tài hội họa đã vẽ Ngự chân dung Hoàng Thượng khi mới mười bảy tuổi, là đại danh họa đã vượt biển để vẽ bản đồ của nước ngoài và dâng lên Hoàng Thượng.

"Hội họa là gì?"

Thanh âm lanh lảnh như tiếng mực nước rơi trên giấy Tuyên Thành. Không có người trả lời. Chốc chốc có thể nghe thấy tiếng ai đó nuốt nước miếng, còn có người đang gãi đầu.

"Hội họa chính là nắm bắt những hình ảnh mà ánh mắt thu được rồi chuyển dời lên trang giấy."

Ở phía sau, một môn sinh có vệt đen mờ dưới mũi cất tiếng nói. Ánh mắt Hong Do đảo quanh, như muốn xuyên thấu từng đôi mắt đen láy đang lảng tránh ánh mắt mình. Những đôi mắt lóe lên tia bất an, hay là run rẩy sợ hãi, hoặc là thẫn thờ ngu muội...

Sai! Các người, chỉ với chút tài nghệ nông cạn mà cũng dám thi vào Dohwaseo! Các người chỉ muốn dùng cái mác họa sĩ cung đình đi vẽ tranh cho quan lại kiếm tiền mà thôi! Hong Do nuốt nước bọt khô, liếm môi đắng chát.

Tia nắng ban mai chiếu rọi vào giữa căn phòng. Thiếu niên liên tục co duỗi các ngón tay, tựa hồ đang suy tư điều gì. Mỗi khi cậu cử động ngón tay, trên tờ giấy trắng đủ loại bóng dáng hiện lên rồi biến mất.

"Tiểu tử kia đang làm gì đó! Cậu cho đây là chỗ nào, có thể tùy ý chơi đùa sao?"

Thiếu niên kinh hãi, nhưng hai mắt cậu cũng không mất đi sự lanh lợi. Có vẻ như cậu chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi. Lại nghĩ đến bản thân vừa mới đột nhiên hét lên, Hong Do không khỏi cảm thấy ngại ngùng.

"Tôi hỏi lại một lần nữa. Như thế nào là 'hội họa'?"

"Thầy đang hỏi em sao?"

"Thân là thầy giáo, nhưng tôi lại không có bản lĩnh đưa ra một lời giải thích ngắn gọn, cho nên tới hỏi em."

Thiếu niên nhìn Hong Do bằng một ánh mắt long lanh ướt át.

"'Hội họa' không phải là 'tưởng niệm' sao?"

"Lời này có nghĩa gì?"

"Tỷ như, vào thời điểm chúng ta ngâm vịnh 'ráng chiều trên sông, ta tưởng niệm người[1]', họa dòng sông không phải là biểu đạt sự tưởng niệm khắc cốt ghi tâm sao?"

[1] Nguyên tác tiếng Hàn: "저문 강 노을 지고 그대를 그리노라".

Hong Do có cảm giác như bị người đánh trúng cái ót. "Hội họa" cùng "tưởng niệm", bức họa chính là tưởng niệm, lời này đúng hay sai thật khó nói. Bất quá, Hong Do cảm thấy lời này có chút quen tai, giống như thật lâu trước đây đã nghe qua.

"Nói rõ một chút."

"'Bức họa' có thể trở thành 'tưởng niệm', mà 'tưởng niệm' cũng có thể trở thành 'họa'."

"Nghĩa là thế nào?"

"Đó là bởi vì, nếu tưởng niệm một người thì sẽ có bóng dáng người đó trong tranh, nếu tưởng niệm một ngọn núi sẽ có hình ảnh núi cao trong tranh. Bỗng nhiên thấy dung nhan trong bức họa sẽ tưởng niệm người ấy, nhìn bức tranh vẽ núi sẽ nhớ đến ngọn núi kia."

Đây là nơi họa công cả nước[2] tập hợp, là Dohwaseo mà thế gia họa viên cắm rễ. Nhưng là, Hong Do chưa từng gặp một môn sinh nào có linh hồn của người họa sĩ chân chính, lại luôn có đông đảo những môn sinh tầm thường nông cạn truy cầu danh lợi chỉ với chút xíu tài năng. Đứa nhỏ này đến tột cùng là ai?

[2] Nguyên tác: "Pal-do"(팔도) – tám đạo. Thời Joseon, cả nước được chia thành tám tỉnh (đạo), bao gồm: Gangwon, Gyeonggi, Gyeongsang, Jeolla, Chungcheong, Pyeongan, Hamgyeong, Hwanghae.

Bức họa hiện lên trong sự tưởng niệm, mà tưởng niệm sinh ra từ bức họa... Hong Do dường như đã biết được đứa trẻ non nớt này sẽ có thể vẽ được cái gì. So với những tên vài năm mài mực lộng bút thì cậu càng tinh tế hơn. Bức họa gợi lên tư niệm, bức họa được vẽ bởi tư niệm... Đó mới là bức tranh có hồn.

"Trò tên là gì?"

"Em tên là Shin Yun Bok."

Shin Yun Bok (申潤福). Hong Do lẳng lặng lặp lại ba chữ kia. Dựa vào trực giác nhạy bén, anh cảm giác bên trong tựa hồ có thâm ý.

"Có phải phụ thân trò là họa viên Shin Han Pyeong?"

Thiếu niên trợn tròn mắt như bị phát hiện điều gì. Shin Han Pyeong (申漢枰) là ai kia chứ? Đó là con trai trưởng của gia tộc họ Shin ở Goryeong có nhiều thế hệ là họa viên cung đình, cũng là trụ cột của gia tộc chảy trong mình dòng máu hội họa. Là người vừa sinh ra đã là họa viên, và đến cuối đời cũng vẫn là họa viên.

Giờ này khắc này, chính con trai ông ta đang ngồi ở chỗ sau cùng trong Saeng-do Cheong.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro