mùa hè ta gặp nhau

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở những ngày siêu nhân chỉ là một ông anh mặc áo vá.

***

Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức điển hình của Hà Nội lúc bấy giờ. Bố đi dạy học, mẹ là nhà văn. Cuộc sống tuy chẳng sung túc là mấy nhưng ít nhất vẫn đủ cho những chiều chủ nhật tôi được lang thang bên bờ hồ ăn kem Tràng Tiền cùng bố mẹ. Chút kem đó có nhiều nhặn gì đâu, con vui là được rồi. Một tôi khi bốn tuổi chỉ tập trung liếm láp tẹo kem lành lạnh mà ngòn ngọt còn dính lại trên thanh gỗ trắng mỏng chứ những lời đường mật của mẹ chẳng hề lọt vào tai.

Chặng đầu của tuổi thơ tôi in dấu khắp các phố con con của Hà Nội cũ. Tôi hay ngồi sau tấm lưng rộng của ông ngoại, mông dính lên yên sau con xe đạp Thống Nhất xanh lục tróc sơn mà mỗi khi đến chỗ xóc là đau thấu xương. Sau khi tôi mè nheo về chuyện cái mông cái mẩy thì bà ngoại cũng chiều mà may cho một tấm nệm nhỏ để buộc lên cái yên inox cứng đờ đó. Ấy là khoảng thời gian tôi đắm chìm trong sung sướng và hạnh phúc biết nhường nào của thuở hồn nhiên. Cũng bởi vì hồn nhiên mà tôi còn không phát hiện ra cái thở dài giữa đêm khuya của mẹ, cái chau mày dưới ánh đèn neon trăng trắng của bố. Ngay cả khi đoàn hành lý túi lớn túi bé rồng rắn được chất lên thùng chiếc xe tải nhỡ màu xanh tôi vẫn chưa biết chuyện nhà tôi bị thu hồi đất ở.

Bà ngoại tôi kể trước kia ông ngoại tôi đi lính được cấp một căn nhà hai tầng nhỏ xíu hướng mặt ra Hồ Gươm. Ông nói để tặng cho mẹ tôi, người khi ấy mới chỉ bằng tuổi tôi bây giờ. Chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra và ông ngoại tôi lại phải ra chiến trường, xui rủi thế nào không tránh được mà bị thương. Đồng đội cũ của ông vẫn hay sang nhà tôi uống nước vối mẹ tôi nấu, ôm tôi chỉ từng bức ảnh treo trên tường và kể chuyện ngày ấy ông tôi dù lửa đã cháy hết một bên quần áo vẫn cố đẩy đồng đội ra chỗ an toàn. Túi đồ vác trên lưng cháy sạch, đồ đạc tùy thân trong đó có cả giấy tờ nhà đất cũng đều bị cháy cho nên khi bị kiểm tra bố tôi đã không xuất trình được. Cuối cùng cả nhà đành phải khăn gói về quê. Ông và bà ở lại Hà Nội với dì Út.

Quê. Quê đối với tôi nó là thứ gì đó mờ mịt và xa xôi lắm. Có khi do hồi ấy tôi chưa bao giờ về quê, hoặc là tôi nhỏ quá nên không nhớ được. Trên chuyến xe tải nóng hừng hực lần ấy tôi lại chỉ chăm chăm nghịch món đồ chơi bằng nhựa bác hàng xóm tặng làm quà chia tay nên khung cảnh thế nào, phố xá ra làm sao tôi đều không có ký ức. Mãi đến lúc xe dừng lại trước cái cổng làng bé tí tẹo, khi bố tôi bế tôi đặt xuống thảm rơm khô khốc dưới gốc đa cổ thụ tôi mới có chút nhận thức về sự thay đổi xung quanh mình. Tôi đảo mắt nhìn quanh quất một vòng. Không thấy nhà nhà san sát, không thấy xe xích lô hay màu nón trắng xen lẫn màu xanh lục của mũ cối. Thứ gần nhất tôi thấy được là cái ao to đối diện cổng làng, cách một con đường bê tông trải đầy rơm. Không có một ai ở đây ngoài bố mẹ tôi và bác tài xế đang rít từng hồi thuốc lào. Vắng vẻ và đìu hiu.

"Sơn ơi, lại đây uống nước đi con."

Tiếng mẹ mát lạnh vang lên giữa cái nắng nực người. Tôi quay đầu nhìn mẹ vừa tháo chiếc nón đã ngả màu vàng ố đem tới đội lên đầu tôi vừa mở nắp hộp đá múc cho tôi một cốc nước lạnh. Dù còn đang hoảng vì cảnh vật xung quanh nhưng tôi vẫn tỉnh táo nhận lấy chiếc cốc bằng hai tay. Vị nước đột nhiên xen lẫn vài hạt cát, tôi le lưỡi cau mày đưa cốc ra nhìn mới nhận ra ở miệng cốc còn vương chút bụi. Mẹ tôi bên cạnh còn bận đưa nước cho bố và bác tài xế nên không nhận ra cái bĩu môi của tôi. Mà dù mẹ có để ý thì hẳn cũng chẳng thấy. Vành nón rộng đã che đi toàn bộ gương mặt mà bà tôi ví là nhỏ như cái nắm cơm của tôi rồi.

Đưa trả mẹ cốc nước khi mẹ vươn tay lấy, tôi đi loanh quanh rồi ngồi xuống cái rễ to đùng của cây đa nghỉ mệt. Hai tay tôi vẫn ôm chặt món đồ chơi xanh đỏ mà khi nãy tôi còn hứng thú bừng bừng nghịch ngợm. Tôi cứ ngồi ngây tại chỗ như thể ba người lớn đang rôm rả nói chuyện cách vài bước chân kia chẳng hề quen biết tôi. Lúc đó tôi nghĩ gì ấy à? Không, tôi cũng chẳng nghĩ gì hết. Dẫu sao mấy chuyện này không phải cứ nghĩ là sẽ hiểu. Ngoài một thoáng hoảng hốt vì cảnh vật lạ hoắc thì tôi chỉ tặc lưỡi cho qua. Bố mẹ tôi còn ở đây, tôi chưa đến lượt phải lo lắng điều gì hết.

"Sơn có đói không con?"

Mẹ tôi một lần nữa bước tới cạnh tôi. Ngón tay hơi sần vì đêm nào cũng lạch cạch bên máy gõ chữ nhẹ nhàng chỉnh lại cái quai nón làm từ khăn đội đầu cũ của bà ngoại đang vướng vào cằm tôi. Là một người con gái Hà Thành đúng hiệu, hơn thế còn là nhà văn, mẹ tôi lúc nào cũng tỏa ra thứ ánh sáng mềm mại dịu dàng khiến người ta liên tưởng tới một dải lụa e ấp quanh người. Vì bố tôi khá nghiêm khắc và chững chạc nên tôi không hay nói chuyện với ông. Việc dạy tôi con chữ cũng là mẹ sau khi bà thấy tôi trốn sau cánh tủ cắn môi đến bật máu để ngăn cơn khóc vì bị bố phê bình chữ xấu.

Mồ hôi chảy xuống hai bên thái dương, tôi mím môi lắc đầu với mẹ. Bà cũng không hỏi thêm mà chỉ mỉm cười ngồi xuống cạnh. "Con có biết đây là đâu không?"

Tôi thành thật lắc đầu.

"Đây là quê nội của con. Nhà mình sẽ ở tại nhà cũ của ông nội. Chút nữa chú Tuấn bạn bố ra đón nhà mình vào, con nhớ chào chú nhé."

Tôi tiếp tục im lặng, đơn giản gật đầu.

"Trông bố con ù lì thế thôi nhưng ngày bé chơi với ai cũng đều giữ liên lạc hết." Mẹ tôi cười cười kể chuyện. "Chú này ở ngay sát nhà ông nội, nhà cũng có một anh con trai hình như hơn con đâu đó một, hai tuổi thôi. Mẹ nhớ mấy năm trước về đây cùng bố con có gặp cậu bé đó rồi, đáng yêu hệt như con vậy. Chút nữa có gặp nhau thì con tới chào anh một câu nhé."

Lần thứ ba tôi định gật đầu thì vành nón bị giữ lại, vừa ngẩng lên đã trông thấy bố tôi một thân sơ mi quần kaki chỉnh tề như đi dạy. Bỗng chốc tôi nhớ lại hình ảnh người bố khiêm khắc đẩy kính chỉ vào từng nét chữ của tôi, không kìm được mà rùng mình một cái.

Hàng lông mày của bố tôi vẫn cau lại như thường. Ông nhìn tôi chốc lát rồi cười tươi quay sang nhìn mẹ, "Em đội cho con cái nón to quá. Không biết hai mẹ con nói chuyện gì mà con cứ lắc rồi gật, bác tài bảo nhìn giống cây nấm rơm."

Tiếng ha hả cười lớn của bác tài ở đằng xa khiến tôi phải nghiêng đầu nhìn qua người bố tôi. Bác lên xe, vẫy vẫy cái mũ cối giống hệt mũ của bố tôi rồi cho xe chạy đi. Lúc này tôi mới thấy đồ đạc đã được bố và bác chuyển xuống đặt ngổn ngang trên đất. Quay lại nhìn bố và mẹ, hai vị phụ huynh vẫn còn bận đem con cái ra cười nghiêng ngả. Tôi chống cằm nhìn đi nơi khác, khóe môi hơi nhếch nhếch lên. Thì ra bố tôi cũng không đến nỗi cứng ngắc như một khúc gỗ (đây là bà ngoại tôi bảo thế).

"Tuấn đến rồi kìa."

Bố tôi ngừng cười, đưa tay lấy nón trên đầu tôi giơ lên vẫy vẫy vài cái rồi đội lại cho tôi. Ông không quan tâm cái quai nón đã ngược ra sau gáy tôi, vỗ vỗ vai mẹ và hai người cùng đi ra chỗ đồ đạc bừa bộn.

Trong đầu tôi nhắc nhở bản thân cũng phải tỏ ra bận rộn một chút. Cắn răng giữ món đồ chơi bằng miệng, tôi đứng dậy phủi qua quần áo rồi cũng chạy tới đứng cạnh mẹ ngó nghiêng. Phía trước ba người chúng tôi là chiếc xe công nông đang cành cạch chạy tới. Tôi nghển cổ nheo mắt qua vành nón. Có một người đàn ông mặc áo xanh lục ngồi ở chỗ lái, bên cạnh ông là một đứa trẻ bám vai lắc lư theo từng đợt máy nổ. Dựa theo những gì mẹ tôi vừa kể tôi đoán kia là chú Tuấn bạn bố và anh con nhà chú.

Xe đến gần, còn chưa dừng hẳn mà anh con đã nhảy xuống đất trước ánh mắt kinh ngạc của tôi. Chân anh còn là chân trần, đầu chẳng đội mũ, mồ hôi ướt đẫm một mảng áo trước ngực. Dường như anh chẳng thấy đau, hớn hở chạy tới trước mặt bố tôi nghiêng nghiêng cái đầu và hô to, "Chú!" sau đó quay sang cười khì với mẹ tôi, "Cô!"

Tôi còn đang chờ anh con chào tôi để mở miệng đáp nhưng lại chẳng thấy anh nói gì thêm. Lúc này ánh mắt anh cứ như chỉ thấy bố và mẹ tôi, cười đến là rạng rỡ cùng hai người ôm nhau vài cái. Nếu mẹ tôi không dắt tôi ra chắc hẳn anh nghĩ tôi là cây nấm rơm mọc trên quần mẹ tôi thật.

"Minh Khôi ơi, em nhà cô là Hải Sơn." Mẹ tôi lắc vai tôi. "Con chào anh đi Sơn."

Hai môi tôi mím chặt lại. Trước đó mới nghe mẹ kể tôi còn rất hào hứng muốn gặp anh con, thế mà chẳng hiểu sao hiện tại người đã đứng trước mặt rồi mà đột nhiên không muốn làm quen nữa. Tôi đoán đó là do tôi hơi buồn vì nãy anh con này chẳng hề nhìn tôi lấy một cái. Hoặc không, cũng có thể là do tôi còn mải đằm chìm vào nụ cười bừng sáng mà bố tôi dành cho anh, thứ ánh sáng mà hình như đã lâu rồi không chiếu lên người tôi.

"Con ơi?"

Tôi cảm nhận rõ rệt năm đầu ngón tay của mẹ đang chạm vào lưng tôi. Khẽ ngẩng đầu, hướng ánh nhìn qua vành nón rộng, tôi bắt gặp một ánh mắt tò mò trông như là đang soi rọi từng xentimet trên người tôi. Thấy tôi ngẩng lên ánh mắt đó liền hiền đi vài phần, rực rỡ một màu nắng ngọt loang loáng sau hàng mi cong.

"Chào em, anh là Minh Khôi." Anh nở nụ cười khoe hàm răng trắng bóc, không đợi tôi đáp lại mà cúi đầu lôi ra từ túi quần một bọc vải nhỏ, ngón tay lóng ngóng tách từng lớp vải. Trước khi tôi kịp nhìn ra bên trong là gì anh đã giấu nhẹm nó trong nắm tay và chìa ra trước mặt tôi. "Mở tay của em ra nào!"

Nói thật là tôi cũng có bạn và cũng biết chơi bời với mấy đứa quanh nhà nhưng với tính cách thích ngồi một mình giải ô chữ hơn là trốn tìm ngoài công viên thì tôi thừa nhận khoản giao tiếp của tôi ở mức kém. Tôi nãy giờ vẫn đông cứng người trước màn chào hỏi của Minh Khôi, nhớ lại khi nãy mẹ dặn chào anh mà tôi lại không chào nên tôi bỗng thấy áy náy với mẹ. Dù là không đành nhưng tôi vẫn nâng cánh tay phải của mình lên. Tôi sợ phải trông thấy ánh mắt buồn của mẹ.

"Em phải ngửa lòng bàn tay lên kìa!" Minh Khôi cười khúc khích.

Mồ hôi chảy xuống len vào kẽ tai khiến tôi rùng mình. Tôi vẫn chưa biết ông anh này định làm gì. Liếc mắt ra xa đã thấy bố cùng chú Tuấn vác đồ lên thùng sau của công nông, tôi lấy can đảm ngẩng lên nhìn mẹ như cầu cứu lại chỉ nhận về cái cười tủm tỉm của bà. Vậy là tôi đành xoay cổ tay, hướng lòng bàn tay lên trên. Lúc này Minh Khôi mới từ sau lưng đặt nắm tay của anh lên trên lòng bàn tay của tôi.

"Tặng em! Đây là quà gặp mặt!"

Một vật hình tròn lành lạnh áp lên lòng bàn tay khiến tôi hơi rùng mình. Khi Minh Khôi thu tay về tôi mới nhìn rõ món quà mà anh muốn tặng tôi. Đó là một viên bi lớn hơn đồng năm hào một chút, một nửa màu trắng trong và một nửa màu xanh dương, ở giữa còn có một dải màu uốn lượn vô cùng mềm mại. Vì quá thích nó nên tôi phải nâng tay lên để nhìn cho kĩ. Tôi không biết rằng mình lúc đó đang vô thức há miệng và hai mắt thì mở tròn, to cũng phải cỡ viên bi chứ chẳng. Nếu không nghe thấy hai tiếng cười hoà vào nhau chắc tôi còn cứ ngẩn ra mà ngắm nghía viên bi mất.

"Khôi ngoan quá. Sao con biết có cả em tới mà tặng quà thế con?" Giọng mẹ tôi dịu dàng vang lên.

"Bố con ngày nào cũng nhắc con rằng sắp có em nhỏ tới nên phải ra dáng anh lớn, nhắc nhiều tới mức đi ngủ con còn mơ thấy cơ mà."

"Vậy sao?" Mẹ tôi xoa đầu Minh Khôi. "Biết bố con nhắc rồi nhưng cô cũng muốn tự mình nhờ con. Em nhà cô hơi nhát, cô sợ thay đổi đột ngột em khó thích nghi, có gì thỉnh thoảng con qua chơi với em một chút cũng được, để cho em quen dần."

Tôi nghe Minh Khôi cười giòn. "Ngày nào con qua cũng được."

Cẩn thận nắm chặt viên bi trong tay, tôi nghiêng đầu nhìn sang phía mẹ và Minh Khôi đang trò chuyện. Vành nón sụp xuống nhưng một tay tôi cầm món đồ chơi, tay kia thì bận rộn giữ viên bi nên tôi không thể đưa tay chỉnh nón, chỉ biết rướn rướn cổ để có thể nhìn rõ hơn. Có lẽ thấy tôi chật vật quá nên Minh Khôi dù đang cười cùng mẹ tôi nhưng cũng vươn tay sang kéo dùm tôi cái nón. Tôi lại tròn hai mắt nhìn chằm chằm anh như khi nãy, ý thức được viên bi còn trong tay nên mở miệng lí nhí.

"Em chào anh ạ. Cảm ơn anh ạ."

Tiếng cười của Minh Khôi càng giòn hơn, thu hút sự chú ý của bố tôi và chú Tuấn nên hai người đặt đồ xuống đi qua đây. Mẹ tôi rút khăn tay, cúi người lau mồ hôi quanh trán cho tôi, thì thầm khen tôi ngoan vì biết cảm ơn Minh Khôi rồi mới đứng thẳng lại quay qua chào chú Tuấn. Vừa được nhận quà lại vừa được mẹ khen, tâm trạng tôi tự dưng tốt hẳn lên. Tôi chủ động đứng dịch về phía Minh Khôi giới thiệu nốt tên dù anh đã biết thừa.

"Em là Hải Sơn ạ."

Minh Khôi phì cười, tôi vẫn chưa hiểu có gì mà anh lại cứ cười như thế, tay vòng ra sau vỗ nhẹ lưng tôi rồi hỏi. "Em có thích quà của anh không?"

Len lén hé tay ngắm viên bi lần nữa, tôi gật đầu chắc nịch và cười tới hai mắt cong lên híp lại với nhau. "Dạ thích ạ!"

"Vậy chút nữa về nhà anh cho em thêm nhé? Anh có cả bộ sưu tập cơ."

"Không ạ." Tôi lắc đầu. "Nếu có nhiều thêm thì em sẽ không thể thích viên này nhất được nữa."

Tôi không nói đùa chút nào. Từ bé tính của tôi đã vậy (dù bây giờ tôi vẫn bé). Nếu tôi thích một thứ gì đó thì sẽ không đời nào chịu có thêm cái thứ hai giống hệt. Bà ngoại là người đầu tiên phát hiện ra cái tính này của tôi. Khi bà thấy tôi có vẻ thích chiếc cốc nhựa in hình màu sặc sỡ liền ngỏ ý mua thêm cho tôi chiếc nữa thì bị tôi càu nhàu suốt nửa buổi chiều. Tôi bảo bà rằng nếu chỉ có một chiếc thì tôi sẽ tự biết giữ gìn trân trọng nó, còn nếu có thêm chiếc thứ hai, thứ ba thì tôi sẽ chẳng còn yêu quý chiếc thứ nhất như trước nữa bởi tôi đã có nhiều lựa chọn hơn. Sau buổi hôm đó bà gọi tôi là 'cụ trẻ' nhưng vẫn âm thầm giải thích và nhắc nhở ông ngoại cùng bố mẹ tôi về tính tình của tôi.

"Sơn lớn vậy rồi à? Chú nhớ lần cuối gặp con là chú vẫn bế ngửa con mà nhỉ?"

Nghe thấy tên mình tôi mới bừng tỉnh khỏi suy nghĩ, ngẩng đầu lên đã thấy chú Tuấn ngồi xổm trước mặt tôi cười cười. Tôi không nhớ mặt người đàn ông này nhưng nụ cười của chú hiền quá làm tôi cũng phải mỉm cười theo.

"Con chào chú ạ."

"Ừ, càng lớn càng đẹp trai quá." Chú Tuấn đưa tay véo má tôi rồi lại cười. Tôi cũng đoán ra lý do mà Minh Khôi hay cười rồi. Vì anh giống bố mà. "Hai đứa mới gặp mà đã thân vậy rồi à?"

Phải mất một lúc tôi mới nhận ra chú đang nói tôi và Minh Khôi. Tôi quay đầu nhìn anh rồi nhoẻn miệng cười, chìa tay ra khoe chú về món quà anh tặng tôi. "Anh tặng con ạ."

Chú Tuấn phì cười. Mẹ tôi cũng vậy. Và tôi chợt tò mò về phản ứng của bố tôi. Tôi lấm lét quan sát ông, thấy nụ cười cũng đang nở trên gương mặt lúc nào cũng đăm chiêu thì vui lắm. Thế nhưng, lại một lần nữa, nụ cười ấy không dành cho tôi. Giống như khi nãy ông trêu tôi về vụ cây nấm rơm, ông nhìn mẹ rồi mới cười, thì bây giờ ánh mắt ông cũng chỉ chăm chăm vào cậu trai đứng cạnh tôi mà chẳng hề liếc tôi lấy một cái.

Tôi chuyển ánh nhìn sang Minh Khôi. Anh cũng đang cười với bố tôi.

Tôi, lại, đột nhiên không thích anh nữa. Cũng chẳng còn thích viên bi màu xanh đang nằm gọn trong lòng bàn tay.

***

Đồ đạc nhà tôi khá nhiều nên phải mất tận hai chuyến mới xong. Vì sợ tôi đi xa đã mệt nên mẹ tôi nói chú Tuấn chở tôi cùng Minh Khôi về theo chuyến đầu, chuyến thứ hai bố mẹ tôi mới cùng lên công nông. Thành ra trong lúc chú Tuấn đi đón bố mẹ tôi chỉ có tôi ở nhà cùng Minh Khôi. Điều đáng nói, căn nhà này hoàn toàn xa lạ với tôi. Mà người ở cùng tôi thì lại vừa bị tôi hậm hực ghen tị trong lòng.

"Sao em cứ đứng mãi ngoài nắng thế?"

Vậy cho nên tôi quyết định làm luôn một cây nấm mọc ở chính giữa khoảng sân trước cửa nhà.

"Sơn ơi?" Minh Khôi lại gọi tôi, giọng nói có vẻ bồn chồn gấp gáp. "Em đứng lâu sẽ bị cảm nắng đấy."

Tôi bặm môi lại. Trước giờ tôi không hay cãi lời người lớn, tôi cũng biết việc mình đang làm là sai nhưng do nỗi tủi thân quá lớn cộng thêm cả tự ái không muốn là người xuống nước trước khiến tôi cứ chần chừ nhúc nhích đầu ngón chân. Bà ngoại tôi từng than, người con dài có một đốt ngón tay thôi mà cái tôi đã cao vượt cả người rồi, khôn quắt người vào. Và bà lại gật gù biệt danh 'cụ trẻ' bà đặt cho tôi sao mà nó lại khớp đến thế.

Tôi cứ nhìn chằm chằm xuống mấy đầu ngón chân đang nhúc nhích của mình cho đến khi thấy một cái bóng lớn đổ xuống. Liền ngay sau đó là một bàn tay nắm vạt áo tôi kéo đi.

Tôi biết vì sao Minh Khôi lại nắm vạt áo tôi.

Tại cái đứa động chút là dỗi như tôi chứ còn sao nữa.

Khi nãy tôi cùng Minh Khôi ngồi ở thùng sau của chiếc công nông, lúc xuống thì anh nhảy xuống trước và vươn tay nắm cổ tay tôi kéo lại để anh bế xuống. Ấy nhưng vì còn không vui nên tôi rụt tay lại giấu sau lưng. Anh khựng lại một lúc mới im lặng bế tôi xuống. Giờ thì anh chỉ kéo áo tôi thay vì nắm tay.

Bỗng nhiên tôi chột dạ. Người tôi giận là bố tôi cơ mà. Nãy giờ tôi lại cứ mặt nặng mày nhẹ với Minh Khôi thôi. Trong khi anh còn chẳng làm gì sai cả.

"Anh Minh ơi."

"Hả?"

Vừa bước chân vào thềm nhà mát rượi tôi liền gọi Minh Khôi vì áy náy muốn xin lỗi nhưng do cuống quá nên chẳng nhận ra mình nhầm tên anh.

"Em... không... anh... em..."

Và tật nói lắp của tôi lại đến.

Tôi khi nói chuyện với ông bà và mẹ thì đều bị ví như một cái máy nói, động trúng chủ đề tôi yêu thích thì phải líu lo cả ngày dài không biết mệt. Thế nhưng đứng trước những câu hỏi bài của bố thì tôi lại run và cuống lên, thỉnh thoảng nấc cụt rồi đầu óc trống không bập bẹ mãi không được một câu. Từ đó trở đi cứ mỗi lần hoảng là tôi lại nói lắp, cố gắng sửa mãi cũng không được.

"Từ từ thôi, em vào đây đã." Minh Khôi gỡ nón của tôi xuống, dắt tôi ngồi xuống cái phản gỗ lim và lấy nón quạt cho tôi. "Em nói từ từ thôi, đừng sợ." anh cười nhẹ. "Còn tên anh là Minh Khôi."

Má của tôi hơi nóng. Tôi đoán là cái nắng hầm hập gần trưa đã hấp chín hai cái bánh bao trên má tôi rồi.

"Anh Minh Khôi..."

"Đúng rồi."

"Lúc nãy em không ngoan." Tôi cụp mắt. "Em xin lỗi anh ạ."

"Đi đường mệt lắm đúng không?"

"Dạ không ạ..."

"Thế... em ghét anh hả?"

"Không ạ!"

"Hay do em chưa quen chỗ mới?"

"Không phải đâu..."

Minh Khôi gặng hỏi tôi cả đống câu hỏi mà tôi cứ một mực lắc đầu. Tôi đâu thể bảo anh là do bố tôi quý anh hơn nên tôi tủi thân được.

"Thôi không sao, ngồi nghỉ chút đã." Minh Khôi chịu thua, dùng tay đảo phần tóc mái của tôi lên và quạt cho khô bớt mồ hôi. Tay anh đảo nón mượt như cách bà ngoại đảo quạt giấy quạt cho tôi ngủ những trưa mất điện. Minh Khôi lớn hơn tôi cũng không nhiều, thành thạo thế này có lẽ là ở nhà quen chăm các em rồi.

"Anh Minh có mấy em ạ?"

Tôi dồn can đảm nặn ra một câu mở đầu cuộc trò chuyện bình thường và lại gọi Minh Khôi là anh Minh mà không hề nhận thức được mình đã gọi sai tên.

Minh Khôi cười tới ngả người ra sau, tay anh đang đảo tóc tôi thuận tiện gõ nhẹ trán tôi một cái. "Anh Minh Khôi."

Tôi xấu hổ. "Anh Minh Khôi..."

"Ừ Minh Khôi. Anh là con một giống em thôi."

Tôi muốn tự tay gõ vào đầu mình một cái. Lúc nãy chính mẹ tôi cũng đã nói nhà chú Tuấn có một anh con trai rồi mà tôi chẳng nhớ được cái gì.

"Khôi ơi, bố và cô chú về chưa con?"

Khi tôi đang nhăn nhó vì mấy câu hỏi ngớ ngẩn của bản thân thì nghe gần đây lanh lảnh tiếng của một người phụ nữ, liền ngay sau đó tôi nghe được cả tiếng dép loẹt quẹt trên nền sân trước nhà. Cả người tôi căng cứng, trong chớp mắt đã dịch vào sát người Minh Khôi. Anh thấy tôi sợ thì xoa đầu trấn an. "Đó là mẹ anh. Em gọi là cô Mai."

Anh vừa dứt lời thì giọng nói khi nãy lại cất lên. "Ô kìa, phải Hải Sơn không nhỉ?"

Trước cửa nhà tôi xuất hiện một người phụ nữ mảnh khảnh mặc áo sơ mi cộc tay màu vàng chanh và quần thụng màu đen, mái tóc đen nhánh buộm túm gọn sau gáy khác với me tôi hay xoã ra hai bên. Vừa nhìn thấy tôi cô đã cười rất tươi tựa như quen biết đã lâu còn tôi thì cứ ngẩn người tại chỗ.

Thì đúng rồi, tôi mới có mấy tuổi đầu.

"Hải Sơn ơi, con lớn quá cô nhận không ra." Cô Mai ngồi xuống trước mặt tôi, hai tay vần vò xoa má tôi như nặn bánh. "Hồi nhỏ con bé tẹo ấy, cô bế cứ sợ lọt thôi."

Tôi gượng gạo cong môi, đầu hơi cúi xuống và khoanh hai tay trước ngực. "Con chào cô ạ."

"Ngoan quá, ngoan quá. Giọng con cũng hay nữa!"

Cô Mai nựng tôi cả chục phút sau đó, mãi cho đến khi có tiếng đầu máy chạy vọng lại cô mới dừng. "Chắc mọi người về đến rồi. Khôi dẫn em đi rửa chân tay rồi qua nhà mình ăn cơm. Mẹ nấu xong hết rồi."

Tôi lén thở phào một tiếng, ngoan ngoãn bám tay Minh Khôi chạy ù đi. Cô Mai ôm ấp cưng nựng tôi nhiều đến chóng cả mặt. Đã vậy Minh Khôi còn cứ tủm tỉm nhìn tôi cười nữa. Cái anh này thế mà lại khoái chọc quê người ta.

"Hai má của em cứ đỏ bừng lên." Minh Khôi cầm hai tay của tôi dìm xuống chậu nước nhôm mát lạnh, vừa cẩn thận kì cọ từng ngón tay ngắn ngủn vừa nói. "Còn hằn rõ dấu tay của mẹ anh."

Tôi tròn mắt nhìn Minh Khôi, im lặng một lúc lâu mới ủ rũ, "Mẹ anh khỏe thật ạ..."

Chẳng hiểu Minh Khôi thấy hài hước ở đâu mà ngửa mặt lên trời cười vang, cười đến át cả tiếng công nông dừng lại trước cổng nhà. Nắng lên cao đến đỉnh đầu. Sân bể nhà Minh Khôi một nửa được tán lá của cây sấu che mát, một nửa gồng lên hứng trọn cả chậu nắng đến nứt nẻ nền bê tông. Minh Khôi nhường tôi đứng sát bên trong để tránh nắng còn cả người anh được nắng trưa ôm lấy, ánh lên từng giọt mồ hôi bóng nhẫy chảy dọc thái dương.

Minh Khôi không biết tôi đang nhìn mồ hôi của anh đến đần mặt. Từ nãy đến giờ anh chỉ chuyên tâm rửa sạch từng ngón tay đến cả kẽ móng của tôi.

"Anh Minh ơi, anh đứng vào đây cho khỏi nắng."

Minh Khôi bắt đầu lười chỉnh xưng hô của tôi. "Sắp rửa xong rồi mà. Anh cũng không sợ đen."

"Bà ngoại bảo rằng phơi nắng nhiều sẽ bị đau đầu, dễ ốm."

"Ôi dào, anh quen rồi. Anh chưa ốm bao giờ."

"Chưa ốm thì trong người chưa có kháng thể. Nếu dính bệnh thì sẽ càng nặng hơn."

"..." Minh Khôi dừng kì cọ tay cho tôi, ngẩng lên nhìn chằm chằm tôi trong ba giây rồi thở ra đầy bất lực. "Anh biết rồi."

Tôi không hề hay biết rằng kể từ giây phút ấy người anh này đã lén đặt cho tôi một biệt danh chẳng khác cái của bà ngoại lắm. Ông nội con. Ông nội con người bé bằng cái nắm tay nhưng mồm miệng thì líu lo đủ chuyện trên trời dưới biển. Ông nội con có cái khát khao muốn tìm hiểu thế giới to bằng trời.

Chuyện ăn uống của tôi vốn chẳng có gì để nói. Ở nhà ông ngoại, bà ngoại, mẹ với dì Út nấu gì tôi cũng ăn sạch sẽ. Thậm chí tôi còn cảm thấy mấy món bố tôi vụng về nấu ra những hôm mẹ đi họp cũng tạm đạt ngưỡng ăn ngon. Ấy vậy mà trong bữa cơm đầu tiên ở nhà mới tôi lại chẳng có cảm giác muốn ăn chút nào.

Trên phản gỗ mát lịm, bố tôi và chú Tuấn vừa hàn huyên vừa thỉnh thoảng nâng chén rượu. Mẹ và cô Mai cũng bận rộn kể chuyện này chuyện kia khi đã mấy năm rồi không gặp nhau. Dù vậy hai người mẹ vẫn có thể vừa chuyện trò vừa xé thịt gà đầy một đĩa đặt trước mặt tôi và Minh Khôi. Tôi ngồi bên cạnh anh, tay cầm thìa, mắt nhìn bát cơm, đột nhiên không còn muốn nhai tiếp miếng thịt gà trong miệng.

Chợt có một đôi đũa vươn sang lấy đi miếng da gà trên bát tôi. Tôi ngẩng đầu liền được nụ cười của Minh Khôi ôm lấy người. Trong chốc lát tôi chỉ biết ngẩn ra, à, anh này có tận hai chiếc răng nanh.

"Em không ăn da gà đúng không?" Anh khẽ cười. "Anh gỡ ra cho em nhé?"

Tôi mím môi, đẩy miếng thịt sang một bên má và lắc đầu. Vài ký ức vụn vặt thấp thoáng hiện lên trong suy nghĩ. Tôi nhớ những lần bà ngoại mang tôi đi ăn các đám cỗ, trước một bàn thức ăn nhưng tôi cũng chẳng động tay. Có khi cái nết của bọn trẻ con là như thế này. Đi ăn nơi khác thì làm trò không chịu, về đến nhà mới thấy đói mà ngấu nghiến ăn.

Nơi khác là nhà người ta, còn đây là tôi đang ăn ở nhà mình mà?

Vì tôi vẫn cứ ngậm thức ăn trong miệng nên Minh Khôi liền đưa tay ra hứng dưới cằm của tôi, nhẹ nhàng như có như không cổ vũ tôi. "Nếu em không thích ăn thì nhè ra."

Khoảnh khắc ấy khiến một đứa trẻ bé tí tuổi như tôi phải sửng sốt.

Đến bà ngoại là người chiều tôi nhất cũng không bao giờ cho phép tôi nhè thức ăn. Lấy tay không hứng lại là chuyện không tưởng vì bà và mẹ sẽ đều dùng thìa hoặc khăn giấy.

"Sơn ơi?" Minh Khôi tiếp tục gọi khi không thấy tôi đáp.

"Không ạ." Tôi nén lại cảm giác chán ăn, cố gắng nhai nốt miếng thịt và nuốt xuống rồi mới cúi đầu thành thật khai báo. "Em chưa quen thôi ạ. Cô nấu ngon lắm."

Minh Khôi mỉm cười, lấy bớt thịt và cơm trong bát tôi để sang một cái đĩa không. Anh đặt đũa trên tay xuống, cầm thìa múc nước canh vào bát tôi, còn cẩn thận gạt bỏ vài cọng hành cho dù anh không biết tôi có ăn được hay không.

"Không cần cố ăn đâu. Em ăn đến khi no là được. Ăn không hết thì chia sang bát của anh."

Sự ân cần của anh khiến một ông cụ non đã quá quen với việc tự lập trong nhà là tôi hơi bối rối. Nhà tôi khá nghiêm trong việc ăn uống nên từ khi cầm chắc thìa là tôi đã chẳng cần ai giúp đỡ. Ăn cơm phải ăn hết phần, không được bỏ thừa cũng không được kén ăn. Mỗi lần đến bữa là nhà tôi như chia thành năm hộ khác biệt, ngoài nói chuyện với nhau ra thì không có bất cứ tương tác nào như là gắp thức ăn cho, lấy giúp cái này cái kia,... Ban đầu tôi còn rất thích kiểu ăn như vậy vì nó khiến tôi trông giống người lớn hơn một chút. Đến hôm nay gặp Minh Khôi thì tôi mới ngốc nghếch nhận ra: tôi mới chỉ bảy tuổi, tôi vẫn là trẻ con. Và tôi cũng thích làm trẻ con nữa.

"Em cảm ơn anh Minh ạ."

Tôi ngoan ngoãn cầm thìa xúc một miếng lớn. Trong miệng bấy giờ mới cảm nhận được vị ngọt bùi của cơm như mọi lần. Lạ nhà hay lạ bữa cũng đều bị tôi quên béng mất. Tôi ăn ngon đến độ không hề nhận ra câu chuyện của những người lớn đã chuyển từ chuyện nhà cửa ruộng đồng sang Sơn ăn ngoan quáKhôi biết chăm em thật đấy.

Tôi cũng không mảy may để ý đến Minh Khôi cứ tủm tỉm nhìn tôi suốt cả bữa ăn. Chỉ biết rằng ngày hôm nay là ngày đầu tiên tôi gặp người anh này. Người mà tôi vừa gặp đã nhầm lẫn tên anh suốt cả buổi nhưng chẳng hề để bụng. Người mà tôi vừa gặp đã gán cho anh đủ các loại cảm xúc quý mến ghét bỏ giận dỗi đến ngưỡng mộ. Người mà tôi vừa gặp đã có một mộng tưởng xa xôi về anh, rằng anh ấy sẽ xuất hiện trong suốt các mùa hè còn lại của tôi, tỏa sáng rực rỡ như nụ cười anh trao vào khoảnh khắc đầu tiên chúng tôi gặp mặt.

***

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro