TẤM CÁM - CHUYỆN CHƯA KỂ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

2016-08-21

Mấy hôm nay vốn cảm thấy tò mò với cái trailer của phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể nên bữa nay nhân lúc chồng đi tung tăng, thì mình cũng bon chen đi coi cho biết với thiên hạ. Tất nhiên mình không phải là người có ý tưởng cao cả theo kiểu "ủng hộ phim Việt" nên không cần nghi ngờ những lời khen của mình dành cho phim.

Điều đầu tiên nói đến là kỹ xảo. Phim thể loại cổ tích, thần thoại mà, đương nhiên kỹ xảo là vô cùng quan trọng. Kỹ xảo phim này làm rất công phu và cũng rất mượt mà, từ núi non trùng điệp, tới toàn cảnh hoàng cung nhìn trên cao đều khiến cho mình có cảm giác đang xem cảnh chân thực. Đến con quái vật do Tể tướng Tào Hắc hiện nguyên hình, mình cũng có thể so sánh với những phim quái vật của Mỹ. Tất nhiên so sánh với phim bom tấn thì khập khễnh quá rồi, nhưng nếu so với những phim lớn do Mỹ, Trung Quốc từng làm thì kỹ xảo của phim Tấm Cám làm khá là được. Chỉ có một điểm trừ nhỏ là đoạn cuối phim, khi Thái Tử bị biến thành quái vật, khúc này kỹ xảo có vài đoạn hơi thô, nhưng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến cảm nhận của mình về khâu kỹ xảo trong phim.

Điều kế tiếp là kịch bản. Bộ phim này chế rất nhiều so với câu chuyện mình đã được học (phiên bản đó có phải là nguyên bản hay không thì mình không dám khẳng định). Nhưng không sao cả, phim cổ tích thì có quyền chế, quan trọng là chế cũng hợp lý. Cái khoản hợp lý đó thì kịch bản phim này đã đáp ứng tốt. Từ đầu đến cuối, diễn biến câu chuyện từ khi bắt đầu đến cao trào và hạ màn đều khá là hợp lý. Chỉ có đoạn cuối, cảnh dì ghẻ cầm bát cơm lên ăn thì không ai biết tại sao lại sợ hãi đến vậy. Có vài người suy đoán là bát cơm đó đang chan nước mắm thịt của Cám.

Đã nói đến phim cổ trang thì không thể không nhắc đến trang phục và hóa trang. Trong phim Tấm Cám, từ nhân vật nhỏ nhất là binh lính, dân chúng cũng đều được chăm chút trang phục đàng hoàng, diễn viên chính thì càng khỏi phải chê. Trang phục, cách hóa trang đều được chăm chút cẩn thận. Phục trang tuy cầu kỳ nhưng không hề sến súa, nhìn chặt chẽ và biểu lộ đúng phong thái của nhân vật. Về khoản hóa trang thì đều thể hiện được đặc trưng của nhân vật. Ví dụ như Cám xinh đẹp nhưng cái ác cũng hiện lên trên cách vẽ viền mắt, như dì ghẻ tàn ác và hung dữ với chân mày xếch điển hình. Có thể ai đó bảo một vài phục trang là bắt chước của phim Trung Quốc, chê này chê nọ, thì mình cũng muốn nói thế này : không ai khẳng định đó là đặc trưng của Trung Quốc, và Việt Nam có làm theo cách đó cũng không hẳn là đánh mất đặc trưng của Việt Nam. Hơn nữa, dù phục trang là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của phim đi nữa, thì nó cũng chưa phải yếu tố quan trọng nhất hay yếu tố quyết định để làm nên điều đó.

Yếu tố nữa cũng khá hay là các đoạn đánh đấm. Các chiêu thức võ thuật được xuất ra khá là đẹp mắt, gương mặt biểu cảm trong các pha đánh đấm cũng okie lắm, những tiểu xảo để diễn các cảnh bay đấm đá cũng khá hoàn thiện nên không nhìn thấy thô. Điểm trừ của các pha này là lúc chiến trận, có mấy đoạn binh lính quánh nhau mà cầm đao khều khều khều, khá mắc cười. Nhưng không sao, cái này cũng nhỏ, không gây ảnh hưởng nhiều.

Và cuối cùng, hiển nhiên phải nói đến các diễn viên rồi.

Vai Thái Tử - Issac : mình chỉ xem thoáng qua diễn xuất của bạn này trong film Gia sư gì đó quên rồi, chưa có nhiều ấn tượng lắm. Nhưng khi xem bạn ấy diễn trong vai Thái Tử này, từ tâm trạng ngán ngẩm, chán ghét, đến bi thương, mừng rỡ đều được bạn biểu đạt rất tròn trịa. Kể cả một động tác nhỏ khi mừng rỡ gặp lại Tấm, máy quay không tập trung vào nhưng mình vẫn nhìn thấy rõ cái ôm xiết chặt, cái động đậy ngón tay run run vô thức của người đàn ông dành cho người phụ nữ yêu thương của mình. Đặc biệt là đoạn Thái Tử đau thương vì Tấm chết mà thét lên "Tại sao ?", mình cũng đã nổi da gà và rung động theo tiếng hét đó.

Vai Cám - Ninh Dương Lan Ngọc : mình biết cô gái này từ bộ phim Cánh Đồng Bất Tận và cũng đã ấn tượng về diễn xuất của cô ấy. Vì vậy, không ngạc nhiên mấy khi Lan Ngọc đã thể hiện hoàn chỉnh một Cám nũng nịu với mẹ, một Cảm bối rối tìm cách chối tội và đổ tội cho Tấm, một Cám ganh ghét, một Cám độc ác, một Cám sợ hãi khi thấy mẹ giết Tấm, hay một Cám mừng rỡ vì đã giết được kẻ thù, một Cám hèn mọn, độc ác và sợ chết dưới chân lão Tể Tướng. Cho đến đoạn cuối phim, một Cám hét lên đầy uất hận, đôi mắt đỏ au vì tức giận cũng đều được diễn tả có hồn từ Lan Ngọc.

Vai dì ghẻ - Ngô Thanh Vân : tuy ít đất diễn nhưng vai này cũng được Ngô Thanh Vân đầu tư đầy đủ cho những lần mình xuất hiện. Không biết là do mình quá khó tính, đòi hỏi cao cho nhân vật này hay là vì tập trung quá nhiều cái ác nên mình cảm giác vai dì ghẻ còn thiếu sự dịu dàng khi ứng xử với con gái mình, vì dì ghẻ tuy độc ác nhưng lại là người phụ nữ cực kỳ thương con. Nhưng điều đó không quan trọng lắm, cũng chưa ảnh hưởng nhiều đến tổng thể của bộ phim.Các vai khách mời : các nghệ sĩ Thành Lộc, Hữu Châu, Ngọc Giàu đều là những nghệ sĩ kỳ cựu, dĩ nhiên mình không có gì để chê được từ họ. Bên cạnh đó, các vai phụ như Trần Bằng, Nguyễn Lực tuy không có nhiều đoạn diễn sâu và cũng không đòi hỏi quá cao, nhưng cũng góp phần làm nên sự hài hước và kịch tính của phim.

Nhân vật cuối cùng nói đến là Tấm - Hạ Vi : vì mình khá thất vọng với diễn xuất của cô này nên đã để đến cuối cùng mới đề cập. Có lẽ vai diễn này hơi quá sức khi đặt lên vai Hạ Vi. Dù gương mặt được trang điểm phù hợp cho nhân vật Tấm hiền lành, nhân hậu nhưng cũng không cứu vớt được cái sự "đơ" của nàng ấy. Đặc biệt là cảnh Tấm ôm cây cau té xuống, mặt đúng nghĩa là "không cảm xúc". Những cảnh bi thương như khi Tấm biết Bống đã bị bắt làm thịt, cảnh bị dì ghẻ "chơi ác" bắt nhặt đậu, Tấm khóc lóc tủi thân nhưng Hạ Vi diễn vẫn còn thiếu muối rất nhiều, có cảm giác như đang miễn cưỡng rặn nước mắt. Chỉ có đoạn cuối là Hạ Vi đã diễn vai Tấm tương đối nhập rồi, giảm sự thất vọng của mình đi một chút.

Tóm gọn lại, những gì mình nói ở trên đều là cảm quan của mình, bà con có thể tham khảo hoặc không. Đây là bộ phim điện ảnh cổ trang thứ 2 của Việt Nam làm mà mình xem và đánh giá cao. Dù phim vẫn còn vài hạt sạn nhưng về tổng thể thì vẫn là một bộ phim được xem là "lớn", đáng xem, làm thay đổi nhiều về quan niệm "phim Việt Nam". Sau Victor Vũ thì Ngô Thanh Vân sẽ là đạo diễn Việt Nam thứ 2 mà mình muốn xem phim kế tiếp do họ làm. Chúc mừng Tấm Cám - Chuyện chưa kể nói riêng, và điện ảnh Việt Nam nói chung.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro