Chương 2.2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Điều đó khiến tôi suy nghĩ. Trong một phút, chúng tôi ngồi, chẳng nói gì. Điều tiếp theo tôi hỏi bà là điều trước đây tôi chưa bao giờ hỏi – điều mà trong suốt những năm sống ở phố Lant, giữa tất cả phường trộm đạo mánh mung ấy, tôi cũng chưa bao giờ nghe ai hỏi, chưa bao giờ. Tôi thì thào,
"Bà nghĩ liệu có đau không, bà Sucksby, khi người ta treo cổ mình?"
Bàn tay của bà, bàn tay đang vuốt tóc tôi, khựng lại. Rồi nó lại bắt đầu vuốt ve, vững vàng như trước. Bà nói,
"Ta sẽ nói là con chẳng cảm thấy gì ngoài sợi dây quanh cổ. Khá nhột, ta nghĩ vậy."
"Nhột hả?"
"Gọi là thốn vậy."
Tay bà vẫn vuốt ve.
"Nhưng khi cửa bẫy mở?" Tôi nói. "Bà nghĩ, vẫn sẽ không cảm thấy gì?"
Bà nhúc nhích một chân. "Có lẽ là giật một cái," bà thừa nhận, "khi cửa bẫy mở."
Tôi nghĩ tới người đàn ông mình đã trông thấy bị treo cổ ở Horsemonger Lane. Đúng là, họ bị giật. Họ bị giật, khua chân tán loạn, hệt mấy con khỉ trên cành cây.
"Nhưng cuối cùng thì mọi thứ sẽ nhanh thôi," bà nói tiếp, "ta thà nghĩ sự nhanh chóng đó sẽ choán sạch nỗi sau. Và khi treo cổ một quý bà – à, Sue này, con có biết là người ta thắt nút theo cách riêng để kết cục đến càng nhanh hơn?"
Tôi lại ngước nhìn bà. Bà đã đặt đèn cầy lên sàn, ánh sáng rọi khắp khuôn mặt bà từ bên dưới, khiến đôi má bà phồng hơn, đôi mắt già hơn. Tôi run lên, bà dịch bàn tay đến vai tôi, xoa nắn, khá mạnh, qua lớp vải nhung.
Rồi bà nghiêng đầu. "Em gái của ông Ibbs ấy, lại hoang mang rồi," bà nói, "gọi đến mẹ cô ta. Cô ta gọi bà suốt, đáng thương, đã mười lăm năm nay. Ta không nên nói đến chuyện này, Sue. Ta nên nói là trong tất cả những con đường một người có thể bước đi, con đường ngắn gọn nhất, xét cho cùng, có lẽ là tốt nhất."
Bà nói vậy, đoạn nháy mắt.
Bà nói vậy, có vẻ như bà thật sự nghĩ vậy.

Tuy nhiên, thi thoảng tôi vẫn tự hỏi liệu có phải bà nói vậy chỉ để tỏ ra tốt bụng hay không. Nhưng lúc đó thì tôi không nghĩ vậy. Tôi chỉ vươn dậy, hôn bà, vén gọn tóc ở nơi bà đã vuốt khiến nó rời ra. Lại có tiếng huỵch của cửa nhà bếp, lần này là tiếng chân nặng nề hơn tiến lên gác. Giọng Dainty vang lên.
"Chị đâu rồi, Sue? Chị không xuống nhảy sao? Ông Ibbs phát sợ rồi đây, mọi người đang cười rất vui ở dưới này."

Tiếng hét của con bé đánh thức phân nửa bọn trẻ, bọn này lại đánh thức nửa còn lại. Nhưng bà Sucksby nói bà sẽ đi canh chừng chúng. Tôi trở xuống, lần này đã nhảy, với bạn nhảy là Gentleman. Anh ta ôm tôi trong một bước nhảy valse. Anh ta say, ôm tôi rất chặt. John lại nhảy với Dainty, chúng tôi nhảy tưng tưng quanh bếp trong nửa tiếng – Gentleman vẫn luôn miệng gọi "Được lắm, Johny!" và "Lên nào, nhóc! Lên nào!" Ông Ibbs dừng lại một lần để xát chút bơ lên môi, giữ cho tiếng huýt sáo được ngọt.

Hôm sau, vào giữa ngày, là lúc tôi rời họ. Tôi gói tất cả đồ đạc của mình vào chiếc vali bọc vải dù và mặc chiếc đầm nâu đơn giản cùng áo khoác, và trên mái tóc phẳng phiu, đội một chiếc mũ beret. Tôi đã học những điều được Gentleman dạy trong ba ngày. Tôi nhớ câu chuyện của mình, tên mới của mình – Susan Smith. Chỉ còn một việc nữa cần phải làm. Khi tôi đang ngồi lấy bữa ăn cuối cùng của mình trong căn bếp đó – bánh mì và thịt sấy, thịt hơi khô, cứ bám vào nứu răng – thì Gentleman thực hiện một việc. Anh ta lấy trong túi ra một mảnh giấy, chiếc bút cùng ít mực, dựng cho tôi một nhân vật.
Anh ta viết nhoay nhoáy xong trong một phút, tất nhiên là đã quen với việc giả mạo giấy tờ. Anh ta giơ nó lên để mực khô, rồi đọc. Nó bắt đầu thế này:
"Gi người có trách nhiệm. Quý cô Alice Dunraven, tại phố Whelk, Mayfair, gii thiệu cô Susan Smith" – rồi cứ thế, tôi đã quên phần còn lại, nhưng với tôi thì nó ổn. Anh ta đặt nó trở xuống cho thẳng thớm, ký tên bằng nét chữ cong cong theo cách của một quý cô.

Rồi anh ta giơ ra cho bà Sucksby.
"Bà nghĩ sao, bà S?" Anh ta mỉm cười. "Như thế có đủ cho tình thế của Sue chưa?"
Nhưng bà Sucksby nói mình không hy vọng được phán xét điều này.
"Cậu biết rõ nhất mà, cậu trai yêu quý," bà nhìn sang hướng khác.

Tất nhiên, nếu chúng tôi có bao giờ nhận giúp đỡ ở phố Lant, thì dù có thiếu, chúng tôi cũng không tìm đến danh tiếng. Từng có một cô gái nhỏ còi cọc thỉnh thoảng lại đến, để luộc khăn yếm của bọn trẻ và lau sàn, nhưng cô ta là một tay trộm. Chúng tôi không thể để một cô gái trung thực đến nhà. Chỉ ba phút họ cũng có thể thấy đủ hết việc mua bán trong nhà để tố cáo tất cả chúng tôi. Không thể để việc đó xảy ra.

Vậy là bà Sucksby phẩy tay gạt tờ giấy, Gentleman đọc kỹ lại lần thứ hai, rồi nháy mắt với tôi, gấp nó lại, niêm phong, đặt vào vali của tôi. Tôi nuốt mẩu thịt khô và bánh mì cuối cùng, cài áo khoác. Chỉ có bà Sucksby để chào tạm biệt. John Vroom và Dainty không bao giờ thức dậy trước một giờ. Ông Ibbs đã đi phá khoá một cái két ở Bow. Một giờ trước ông đã hôn má tôi, cho tôi một shilling. Tôi đội nón lên. Một món đồ màu nâu chán òm hệt chiếc đầm. Bà Sucksby sửa nó thẳng lại. Rồi đưa tay lên mặt tôi, bà mỉm cười.
"Chúa phù hộ con, Sue!" Bà nói. "Con đang làm giàu cho chúng ta!"
Nhưng rồi nụ cười của bà trở nên ủ rũ. Trước nay tôi chưa bao giờ rời xa bà, chưa bao giờ quá một ngày. Bà quay đi, để giấu những giọt nước mắt rơi xuống.
"Mang nó đi nhanh đi," bà nói với Gentleman. "Mang nó đi nhanh, đừng để ta thấy!"

Thế là anh ta khoác tay quanh vai tôi, dẫn khỏi nhà. Anh ta tìm được một cậu bé để đi đằng sau, mang vali của tôi. Anh ta định dẫn tôi đến trạm xe ngựa, chở tôi tới nhà ga ở Paddington, đưa tôi lên tàu.

Một ngày thê thảm. Dẫu vậy, không phải thường xuyên mà tôi được băng qua nước. Tôi nói mình muốn đi bộ đến cầu Southwalk, để ngắm cảnh. Tôi nghĩ mình nên ngắm toàn bộ London từ chỗ đó, nhưng vì chúng tôi càng đi thì sương mù lại càng dày. Tại chiếc cầu, tình hình có vẻ tệ nhất. Có thể thấy được mái vòm đen của nhà thờ St Paul, những chiếc xà lan trên mặt nước. Có thể thấy tất cả những thứ tăm tối của thành phố, nhưng không thấy được những gì đẹp đẽ – nó đã bị lạc mất, hoặc biến thành bóng mờ.
"Thật kỳ khôi, khi nghĩ tới con sông bên dưới," Gentleman nói, liếc nhìn qua mép cầu. Anh ta nhìn qua mép cầu, nhổ nước bọt.

Chúng tôi không hề trông đợi trời có sương mù. Nó khiến giao thông chậm rề rề. Và dù tìm được xe ngựa, nhưng sau hai mươi phút, chúng tôi trả tiền cho tài xế rồi lại đi bộ. Tôi đã định bắt chuyến tàu lửa lúc một giờ. Lúc này, rảo bước nhanh qua một quảng trường lớn, chúng tôi nghe tiếng chuông báo một giờ vang lên, rồi đến một giờ mười lăm, rồi một giờ rưỡi – tất thảy các âm thanh đó đều ẩm ướt và thờ ơ đến phát khùng lên được, như thể những quả lắc và chuông bị quấn bằng vải nỉ vậy.
"Liệu chúng ta có nên quay lại," tôi nói, "và thử một lần nữa vào ngày mai?"

Nhưng Gentleman nói sẽ có tài xế và xe thồ được gửi tới Marlow để đón chuyến tàu lửa của tôi. Và rằng anh ta nghĩ, tôi thà trễ, còn hơn không đến.

Nhưng cuối cùng, khi rốt cuộc đến được Paddington, chúng tôi thấy tất cả tàu lửa đều bị trì hoãn và chậm trễ, cũng hệt như xe cộ. Vậy là chúng tôi phải chờ thêm một giờ, đến khi nhân viên canh gác ra tín hiệu rằng chuyến tàu lửa Bristol – chuyến tàu của tôi để đến Maidenhead, đến đó sẽ xuống và chuyển sang tàu khác – đã sẵn sàng để hành khách lên. Chúng tôi đứng dưới chiếc đồng hồ đang tích tắc, ngọ nguậy, thổi vào tay. Ở đó người ta đã thắp những chiếc đèn lớn, nhưng sương tràn vào, lẫn với khói hơi nước, trôi từ ngõ này sang ngõ khác khiến ánh sáng trở nên rất yếu ớt. Các bức tường được treo cờ đen, do cái chết của Hoàng tử Albert, chỗ tua đã bị đám chim vấy bẩn. Tôi nghĩ nó khá ảm đạm đối với một nơi hoành tráng đến vậy. Và dĩ nhiên, có cả một biển người phía sau chúng tôi, đều đang chờ đợi, nguyền rủa, hoặc chen lấn huých đẩy, hoặc để đám trẻ con hay chó chạy va vào chân chúng tôi.

"Mẹ kiếp," Gentleman nói bằng giọng cáu kỉnh khó nghe khi bánh của một chiếc xe lăn cán lên ngón chân anh ta. Anh ta cúi xuống phủi bụi khỏi đôi bốt, rồi đứng thẳng dậy châm một điếu thuốc, rồi ho. Anh ta đã giở cổ áo lên cao, đội chiếc mũ vành úp màu đen. Mắt anh ta có màu vàng ở chỗ lẽ ra là tròng trắng, như thể bị dây bẩn bởi rượu pha trứng. Vào lúc đó, anh ta trông không hề giống một người đàn ông có thể khiến một cô gái phải ngẩn ngơ.

Anh ta lại ho. "Mẹ kiếp cả cái thứ thuốc lá rẻ tiền này," anh ta kéo một sợi thuốc bị rơi ra trên lưỡi. Rồi bắt gặp ánh mắt tôi, gương mặt anh ta bèn thay đổi. "Mẹ kiếp cả cái cuộc sống rẻ mạt này, dưới mọi hình thức của nó – ơ, Suky? Sẽ sớm thôi, rồi tôi và cô sẽ chẳng phải chịu những thứ đó nữa."

Tôi không nhìn anh ta nữa, chẳng nói gì. Đêm trước tôi đã nhảy điệu valse nhanh với anh ta. Giờ thì, cách xa phố Lant, bà Sucksby cùng ông Ibbs, giữa tất cả những người đàn ông, đàn bà đang tụ tập càu nhàu xung quanh, anh ta trông cũng chỉ như một người xa lạ. Tôi cảm thấy rụt rè với anh ta. Tôi nghĩ, Anh chẳng là gì vi tôi cả. Một lần nữa, tôi thiếu điều nói rằng chúng tôi nên quay lại, trở về nhà. Nhưng tôi biết rằng nếu làm vậy, anh ta sẽ càng cáu kỉnh hơn, sẽ nổi giận. Vậy nên tôi không nói.

Anh ta hút một điếu xong, lại thêm điếu khác. Anh ta đi tìm chỗ tiểu tiện, tôi cũng vậy. Tôi nghe một tiếng còi hú trong lúc đang chỉnh đốn váy. Và khi quay lại, tôi trông thấy người canh gác đã ra hiệu lệnh. Phân nửa đám đông đã bắt đầu và đang sốt sắng đổ xô lên chiếc tàu đang chờ. Chúng tôi đi cùng họ, Gentleman dẫn tôi đến một chiếc ghế hạng hai, đưa vali của tôi cho người đàn ông đang sắp xếp các túi, hộp trên mái. Tôi ngồi vào chỗ cạnh một phụ nữ mặt trắng với đứa bé trong tay. Phía bên kia của bà ấy là hai người làm nông béo mập. Tôi nghĩ bà ấy mừng khi thấy tôi lên tàu, vì hẳn nhiên, tôi ăn mặc gọn gàng, nhã nhặn, bà ta đâu thể biết, ha ha, rằng tôi là một ả trộm ở Borough. Từ phía sau tôi có một cậu bé cùng người cha già đi đến, với một con chim bạch yến trong chuồng. Cậu bé ngồi cạnh hai người nông dân. Người cha già ngồi cạnh tôi. Chiếc ghế nghiêng đi, kêu cọt kẹt, tất cả chúng tôi né đầu ra sau, trợn mắt nhìn chút bụi cùng vecni bung ra từ trên nóc nơi hành lý trượt tới lui, va chạm huỳnh huỵch bên trên.

Cửa mở thêm một phút nữa rồi đóng lại. Trong sự hỗn loạn khi lên tàu, tôi gần như không nhìn tới Gentleman. Anh ta dẫn tôi lên, rồi quay sang nói chuyện với người canh gác. Bây giờ anh ta đi lại mở cửa sổ, nói rằng,
"Tôi e cô sẽ bị trễ nhiều, Sue. Nhưng tôi nghĩ xe sẽ chờ cô ở Marlow. Tôi bảo đảm nó sẽ chờ. Cô phải hy vọng như vậy!"
Tôi biết ngay tức thì, rằng điều đó sẽ chẳng xảy ra, và cảm thấy một nỗi sợ hãi lẫn khổ sở. Tôi nói nhanh, "Anh đi cùng tôi, được không? Mang tôi đến ngôi nhà đó?"
Nhưng làm thế nào anh ta làm vậy được? Anh ta lắc đầu, có vẻ nuối tiếc. Hai người làm nông, người phụ nữ, cậu bé, người cha già đều đang nhìn chúng tôi – tự hỏi chúng tôi nói đến căn nhà nào, tôi đoán vậy, và một người đàn ông đội mũ vành úp, với giọng nói như thế, sao lại nói chuyện với cô gái như tôi về căn nhà đó.
Rồi phu khuân vác trèo từ trên mái xuống. Một tiếng còi khác vang lên, chiếc tàu tròng trành một cái kinh hoàng và bắt đầu khởi hành.

Gentleman nhấc chiếc nón ra, đi theo đến khi động cơ tăng đủ tốc độ. Anh ta đành thôi. Tôi nhìn anh ta quay đi, đội lại nón, cuộn cổ áo lên. Rồi anh ta đi mất.

Băng ghế kêu cọt kẹt dữ hơn, bắt đầu lắc. Người phụ nữ và mấy người đàn ông đặt tay lên đai da, còn thằng bé đưa mặt ra cửa sổ. Con chim bạch yến để mỏ nơi các thanh chắn của lồng. Đứa bé bắt đầu khóc. Nó khóc suốt nửa giờ.
"Bà không có chút gin à?" Cuối cùng, tôi hỏi người phụ nữ.
"Gin?" Bà ấy hỏi lại – như thể tôi đã nói thuốc độc vậy. Rồi bà ta bĩu môi, đưa vai về phía tôi, không hài lòng lắm khi có tôi ngồi cạnh, một ả tự cao tự đại, nói cho cùng là vậy.

Có cái gì với họ vậy chứ, người phụ nữ cùng đứa bé, con chim bạch yến, người cha già – đã ngủ thiếp đi và ngáy, cả thằng bé – nó làm vo giấy thành viên tròn, cả hai người nông dân – hút thuốc và buồn nôn, rồi sương mù khiến chiếc tàu giật cục, trì hoãn và đến Maidenhead trễ mất hai giờ. Thế là tôi nhỡ một chuyến tàu đi Marlow, đành phải chờ chuyến tiếp theo. Cái quái gì vậy chứ, cuộc hành trình của tôi thật tồi tệ. Tôi đã chẳng mang theo chút thức ăn nào, vì tất cả chúng tôi ngỡ tôi sẽ đến Briar kịp giờ cho bữa trà của người hầu tại đó. Kể từ bữa ăn với bánh mì, thịt khô vào buổi trưa thì tôi chẳng có đến một mẩu thịt vụn. Thịt khô dính vào nứu răng tôi, nhưng tôi lẽ ra có thể gọi điều đó là tuyệt vời so với khi đến Maidenhead – bảy giờ sau. Sân ga ở đó không giống Paddington, nơi có những quầy cà phê, sữa cùng một cửa hàng bánh ngọt. Ở đây chỉ có một nơi bán nhu yếu phẩm, mà nó lại ngưng bán và đóng cửa mất rồi. Tôi ngồi trên vali của mình. Mắt tôi nhói buốt vì sương mù. Khi hỉ mũi, tôi biến chiếc khăn tay thành màu đen. Một người đàn ông trông thấy việc đó. "Đừng khóc," ông ta mỉm cười.

"Tôi không khóc!" Tôi nói.
Ông ta nháy mắt, rồi hỏi tên tôi.
Tuy nhiên, ở thị trấn mà tán tỉnh là một việc. Nhưng tôi đâu phải đang ở trong thị trấn. Tôi không trả lời.

Khi tàu đi Marlow đến, tôi ngồi ở phía sau một băng ghế, ông ta ngồi phía trước, nhưng mặt quay về phía tôi – trong suốt một giờ tìm cách nhìn vào mắt tôi. Tôi nhớ Dainty nói nó từng ngồi trên tàu lửa một lần, gần một quý ông, ông ta đã mở quần, cho con bé xem của quý của ông ta, nói con bé cầm vào đó. Con bé đã làm như vậy, ông ta cho con bé một bảng. Tôi tự hỏi mình sẽ làm gì nếu người đàn ông này nói tôi chạm vào của quý của ông ta – liệu tôi sẽ thét lên, nhìn sang hướng khác, hay chạm vào đó, hay làm gì khác.

Nhưng rồi, tôi cũng chẳng cần đồng bảng đó cho nơi mà mình sắp đến!
Dẫu sao, tiền kiểu đó cũng khó lòng xài. Dainty không bao giờ có thể tiêu tiền của nó vì sợ cha nó thấy và biết rằng con bé đã làm điều truỵ lạc. Nó giấu tiền đằng sau một viên gạch bị lung lay trong tường của xưởng hồ, làm một ký hiệu đặc biệt lên viên gạch, để chỉ một mình nó biết. Nó nói sẽ kể khi nằm trên giường chờ chết, và chúng tôi có thể dùng một bảng đó để mai táng nó.

À, người đàn ông trên tàu của tôi thì quan sát tôi rất dữ dội, nhưng nếu ông ta có mở quần đi nữa tôi cũng chẳng hề thấy. Cuối cùng, ông ta nghiêng nón, xuống tàu. Sau đó có thêm những lần tàu dừng, mỗi lần lại có ai đó xuống, từ các nơi xa hơn dọc đường tàu. Chẳng có ai lên tàu. Các nhà ga nhỏ dần, tối dần, cho đến khi, cuối cùng, chẳng còn gì ở những nơi đó ngoài một cái cây, khắp nơi chẳng thấy gì, ngoài cây cối, phía trên là các lùm bụi, bên trên là sương – sương xám, chứ không phải nâu, cùng với bầu trời đêm tối đen phía trên nữa. Và khi cây cối, lùm bụi trông có vẻ không thể dày đặc hơn nữa, bầu trời còn đen hơn hình dung của tôi về một bầu trời tự nhiên, thì chiếc tàu dừng lần cuối. Đó là Marlow.

Tại đây, chẳng có ai, ngoài tôi, xuống tàu. Tôi chính là hành khách cuối cùng. Người canh gác báo hiệu tàu dừng, đi đến dỡ vali của tôi xuống. Anh ta nói,

"Cô sẽ cần ai đó mang dùm thứ này đấy. Không có ai đến đón cô sao?"
Tôi nói với anh ta lẽ ra sẽ có một người cùng với xe ngựa kéo, để đưa tôi đến Briar. Anh ta hỏi, rằng có phải tôi nói đến cái xe gom thư tín không? Nó đã đến và rời đi ba giờ trước rồi. Anh ta nhìn tôi thật kỹ.
"Cô từ London đến hả?" Anh ta hỏi. Rồi anh ta gọi người tài xế đang nhìn ra từ buồng lái. "Cô ấy từ London xuống, muốn đến Briar. Tôi nói với cô ấy là cái xe của Briar đã đến và rời đi rồi."
"Đúng, đúng là nó đến và rời đi," người tài xế lớn giọng đáp. "Nó đến và rời đi, chắc cũng ba giờ trước rồi."

Tôi đứng đó, run rẩy. Ở đây lạnh hơn ở nhà. Lạnh hơn, tối hơn, không khí có mùi kỳ quặc, còn mọi người thì – tôi có nên nói không? – mọi người đều là những kẻ thộn ngu ngốc.
Tôi nói, "Không người nài ngựa nào có thể chở tôi đi sao?"
"Nài ngựa?" Người canh gác nói. Anh ta kêu lớn với tài xế. "Cô ta cần nài ngựa!"
"Nài ngựa!"
Họ cười sặc sụa. Người canh gác rút ra một cái khăn tay, lau miệng, nói, "Ôi, lạy trời! Lạy trời, lạy trời. Một nài ngựa, ở Marlow!"
"Ôi, biến đi," tôi nói. "Biến đi, cả hai người các anh."

Rồi tôi xách vali lên, bước đi cùng nó đến nơi tôi có thể trông thấy một hoặc hai ngọn đèn đang chiếu sáng. Tôi ngỡ chỗ đó có nhà cửa trong làng. Người canh gác nói, "Sao vậy, cô kia -! Tôi sẽ nói với ngài Way về cô. Để xem ngài ấy sẽ nghĩ gì – cô mang cái giọng London đó xuống tận đây à!"

Tôi chẳng biết mình muốn làm gì tiếp theo nữa. Tôi không biết từ chỗ này đến Briar là bao xa. Tôi thậm chí còn không biết mình nên đi theo lối nào. London cách đây bốn mươi dặm, và tôi sợ đám bò, cừu.
Nhưng nói cho cùng, đường quê không giống như đường phố. Chỉ có khoảng bốn con đường, thảy sau rốt đều quay về một chỗ. Tôi bắt đầu bước đi, được một phút thì, từ phía sau tôi, vang lên tiếng móng guốc và bánh xe kêu cọc cạch. Một chiếc xe ngựa tấp vào song song với tôi. Người tài xế phanh lại, giơ một cái đèn lên, nhìn mặt tôi.
"Cô hẳn là Susan Smith," ông ta nói, "từ London đến. Cô Maud bồn chồn về cô suốt cả ngày hôm nay."

Đó là một người đàn ông đứng tuổi, tên William Inker. Người chăm sóc ngựa của ngài Lilly. Ông ta vác vali của tôi lên, giúp tôi ngồi vào chỗ cạnh ông ta, rồi hô cho con ngựa chạy. Rồi khi bị quật bởi gió trong lúc xe chạy, ông ta cảm thấy tôi run, đã với lấy một chiếc chăn len kẻ ô đưa tôi đắp lên chân.
Sáu hay bảy dặm gì đó thì đến Briar. Ông ta thả cho ngựa đi nước kiệu, hút một cái tẩu. Tôi kể với ông về sương mù đến tận lúc này, ở đây, vẫn còn chút ít hơi nước cùng những chuyến tàu chậm trễ.

Ông nói, "London là thế. Nổi tiếng về sương mù mà, đúng không? Cô từng về vùng quê nhiều chưa?"
"Không nhiều," tôi nói.
"Làm người hầu ở thành phố hả? Tốt không, chỗ trước của cô ấy?"
"Rất tốt," tôi nói.
"Cô có cách nói chuyện kỳ quặc đấy, đối với một cô hầu gái cho quý cô," ông ta nói. "Từng đến Pháp chưa?"

Tôi dừng lại một giây, vuốt thẳng chiếc chăn trên đùi. "Một hai lần gì đó," tôi nói.
"Đám trai lùn hả, mấy thằng trai Pháp ấy, tôi nghĩ vậy ? Ý tôi là cặp chân ấy."

Chà, tôi chỉ biết mỗi một người Pháp – một kẻ chuyên nhập nha, mọi người gọi hắn là Jack the German, tôi cũng không biết tại sao. Hắn cũng cao, nhưng để làm hài lòng William Inker, tôi nói, "Khá thấp, tôi nghĩ vậy."
"Tôi mong vậy," ông nói.
Con đường yên lặng và tối một cách hoàn hảo. Tôi mường tượng âm thanh của con ngựa, bánh xe, giọng của chúng tôi, được mang đi xa dần dọc theo các cánh đồng. Rồi tôi nghe thấy, từ khá gần, tiếng rung chuông chậm rãi – một âm thanh rất ai oán, vào lúc đó tôi cảm thấy vậy, không giống tiếng chuông phấn khởi của London. Nó rung chín lần.
"Đó là chuông của Briar, để báo giờ," William Inker nói.
Sau đó chúng tôi ngồi trong im lặng, chỉ ít lâu thì đến một bức tường đá cao, đi vào một con đường chạy phía sau. Bức tường nhanh chóng trở thành đoạn cong vĩ đại. Và rồi tôi trông thấy đằng sau nó cái mái, những cửa sổ nhọn của một ngôi nhà xám xịt, phân nửa phủ dây thường xuân. Tôi nghĩ đó là một cái lều khá lớn, nhưng đâu có hoành tráng hay thâm u lắm, chắc Gentleman đã tô vẽ thêm rồi. Nhưng khi William Inker dẫn ngựa chậm lại, tôi lấy chiếc chăn ra, với lấy vali, thì ông nói,

"Chờ đã, cô gái, chúng ta chưa đi được nửa dặm nữa mà!" Và rồi, ông gọi lớn với một người đàn ông xuất hiện cùng chiếc đèn ở cửa ngôi nhà, "Chúc ngủ ngon, ngài Mack. Ông đóng cổng phía sau chúng tôi được rồi. Đây là cô Smith, xem này, cuối cùng cũng an toàn."

Toà nhà mà tôi ngỡ là Briar hoá ra chỉ là nhà của người gác cổng! Tôi tròn mắt, chẳng nói gì. Chúng tôi chạy ngang qua nó, giữa hai hàng cây trần trụi tối tăm uốn cong theo con đường, rồi lún xuống thành một dạng đường trũng, nơi không khí ban nãy dường đã dễ chịu hơn một chút trên những con đường quê rộng giờ lại trở thành đặc hơn. Đặc đến nỗi tôi cảm thấy được, ẩm ướt trên mặt, trên lông mi và môi. Tôi nhắm mắt. Rồi sự ẩm ướt biến mất. Tôi mở mắt, và lại trơ ra nhìn. Con đường đã đi lên, chúng tôi ra khỏi các hàng cây, đi vào khu đất trống rải sỏi, và đây, vươn thẳng, uy nghi, nổi bật trên nền sương mập mờ, với tất cả cửa sổ tối đen hoặc nhấp nháy, tường bám một loại thường xuân chết, hai ống khói toả những sợi khói xám yếu ớt – đây là Briar, ngôi nhà vĩ đại của cô Maud, nơi bây giờ tôi phải gọi là nhà.

Chúng tôi không chạy qua trước mặt tiền nhà, mà vẫn chạy một bên, vào một lối đi uốn cong sau ngôi nhà, nơi có một mớ sân bãi, hàng hiên, cổng vòm, thêm những bức tường tối cùng cửa sổ nhấp nháy lẫn tiếng sủa của mấy con chó. Phía cao nơi một trong số những dãy nhà là một mặt đồng hồ tròn, màu trắng với các kim đen to – thứ đã phát ra tiếng báo giờ tôi nghe được trên các cánh đồng. Bên dưới, William Inker ghìm cương ngựa, rồi giúp tôi xuống. Một cánh cửa mở ra từ một trong số các bức tường, một người phụ nữ đứng nhìn chúng tôi chăm chú, tay khoanh lại vì lạnh.

"Đó là bà Stiles, bà ấy nghe tiếng xe," William nói. Chúng tôi băng qua sân, đến chỗ bà ấy. Phía trên chúng tôi, nơi một cửa sổ nhỏ, tôi trông thấy ánh lửa đèn cầy phát sáng, nhấp nháy, rồi biến mất.
Cánh cửa dẫn vào một lối đi, lối đi dẫn tới một căn bếp lớn, sáng, kích thước gấp khoảng năm lần bếp của chúng tôi ở phố Lant. Nồi được xếp thành hàng phía trên một bức tường quét vôi trắng, vài con thỏ treo trên móc mắc nơi xà nhà. Tại chiếc bàn rộng sạch sẽ có một cậu bé, một người phụ nữ cùng ba hay bốn cô gái đang ngồi – tất nhiên họ đều nhìn tôi đầy soi mói. Các cô gái săm soi chiếc nón beret và đường xẻ trên áo khoác. Tạp dề, áo xống của họ chỉ dành cho người giúp việc mặc, tôi chẳng màng đến việc quan sát họ.

Bà Stiles nói, "Chà, cô không thể nào trễ hơn được nữa. Trễ hơn nữa thì cô sẽ phải ở lại làng. Ở đây chúng tôi làm gì cũng sớm sủa."
Bà khoảng năm mươi tuổi, đội một chiếc nón trắng đính diềm xếp nếp, có kiểu cách không màng nhìn đến bạn khi nói chuyện với bạn. Bà mang theo mình mớ chìa khoá, xâu thành chuỗi ở cổ tay. Những chiếc chìa đơn giản, lỗi thời, tôi có thể sao chép bất cứ chiếc nào trong số chúng.

Tôi hơi nhún người chào bà. Tôi không nói – dù cũng nên – rằng bà nên biết ơn việc tôi đã không quay về tại Paddington, rằng tôi ước giá mình đã quay lại, và để cho bất kỳ ai khác lãnh khoảng thời gian tôi đã lãnh trong nỗ lực đi bốn mươi dặm từ London, có lẽ đi để chứng minh London không phải nơi nên rời đi. Tôi đã không nói những điều đó. Điều tôi nói là:
"Tôi chắc chắn, là mình rất biết ơn việc xe được gửi đến."

Các cô gái ngồi nơi bàn cười rúc rích để nghe tôi nói. Người phụ nữ ngồi cùng họ - hoá ra chính là đầu bếp – đứng dậy bắt tay làm khay thức ăn cho bữa tối của tôi. William Inker nói,
"Cô Smith đến từ một nơi rất tươm tất ở London, thưa bà Stiles. Và cô ấy từng đến Pháp vài lần."

"Vậy à," Bà Stiles nói.
"Chỉ một hay hai lần thôi," tôi nói. Giờ thì mọi người sẽ đoán là tôi đã huênh hoang.
"Cô ấy nói bọn trai ở đó có cặp chân rất ngắn."
Bà Stiles gật đầu một cái. Mấy cô gái ở bàn lại cười rúc rích, một trong số họ thì thào gì đó khiến cậu trai đỏ bừng mặt. Nhưng rồi phần ăn của tôi được làm xong, và bà Stiles nói,
"Margaret, cô có thể mang thẳng cái này đến phòng tôi. Cô Smith, tôi nghĩ mình sẽ dẫn cô tới nơi có thể rửa mặt và tay."

Tôi hiểu điều này có nghĩa là bà sẽ dẫn tôi đến nhà xí, tôi nói mình mong được bà dẫn đường. Bà đưa tôi một chiếc đèn cầy, dẫn vào một lối đi ngắn khác, vào một cái sân khác có hố xí tự hoại cùng giấy đặt trên chấn song.
Rồi bà dẫn tôi đến căn phòng nhỏ của bà. Nó có một mặt lò sưởi bên trên đặt hoa bằng sáp màu trắng, một bức ảnh của một thuỷ thủ đặt trong khung, tôi đoán là ngài Stiles, đã đi ra biển. Một bức ảnh khác – một thiên thần, hoàn toàn mệt mỏi trong mái tóc đen, hẳn là ông Stiles, đã lên Thiên đường. Bà ngồi nhìn tôi dùng bữa khuya. Nó gồm thịt cừu băm, bánh mì bơ. Và bạn có thể tưởng tượng, đói ngấu như tôi lúc này, thì không cần nhiều thời gian với chúng. Trong lúc tôi ăn, có tiếng chuông rề rà của chiếc đồng hồ tôi đã được nghe lúc trước, báo hiệu chín giờ rưỡi. Tôi hỏi,

"Đồng hồ báo giờ suốt đêm sao?"

Bà Stiles gật đầu. "Suốt đêm, suốt ngày, vào giờ đúng và giờ rưỡi. Ông Lilly thích mỗi ngày của mình trôi qua thật đều. Rồi cô sẽ thấy."
"Còn cô Lilly?" Tôi nhặt những vụn bánh mì nơi khoé miệng. "Cô ấy thích thế nào?"

Bà vuốt thẳng tạp dề. "Cô Maud thích những gì bác cô ấy thích," bà trả lời. Rồi chỉnh lại môi, bà nói, "Cô sẽ thấy, cô Smith, rằng cô Maud chỉ là một cô gái trẻ, dẫu vậy vẫn là cô chủ của một căn nhà lớn. Những người giúp việc không quấy rầy cô ấy, vì họ nhận lệnh từ tôi. Tôi nên nói mình đã là quản gia đủ lâu để biết cách tìm một hầu gái cho cô chủ của tôi – nhưng, ngay cả một quản gia cũng phải làm theo lệnh, và cô Maud thì lớn quyền hơn tôi trong việc này. Khá lớn quyền hơn tôi. Tôi không cho việc này là hoàn toàn sáng suốt, đối với một cô gái ở lứa tuổi cô ấy. Nhưng chúng ta sẽ xem sự thể ra sao."
Tôi nói, "Tôi đoan chắc bất kỳ điều gì cô Lilly làm đều sẽ trở thành ổn thoả."

Bà nói, "Tôi có dàn nhân công tuyệt vời, để đoan chắc về việc đó. Đây là một ngôi nhà được quản lý tốt, cô Smith, và tôi hy vọng cô sẽ thích nghi được. Tôi không biết cô quen với điều gì tại nơi ở trước. Tôi không biết ở London thì nhiệm vụ của một hầu gái cho cô chủ là gì. Tôi chưa từng đến đó – bà ta chưa từng đến London! – nên cũng chẳng nói được. Nhưng nếu cô lưu tâm đến những cô gái khác của tôi, thì chắc chắn họ cũng sẽ lưu tâm đến cô. Những người đàn ông và mấy cậu giữ ngựa, thì hẳn nhiên, tôi hy vọng không bao giờ thấy cô trò chuyện với họ ngoài phạm vi giúp đỡ."

Bà cứ nói như thế trong mười lăm phút – suốt thời gian đó, như tôi đã nói, ánh nhìn của bà chẳng hề chạm mắt tôi. Bà nói cho tôi biết những nơi trong ngôi nhà mà tôi có thể đến, nơi tôi phải dùng bữa, tôi được phép sử dụng bao nhiêu đường, bao nhiêu bia cho nhu cầu cá nhân, khi nào thì tôi có thể có quần áo lót được giặt sạch. Về trà được đun ngay trong ấm của cô Maud, bà nói, đó là thói quen của người hầu gái trước truyền lại cho các cô gái trong bếp. Tương tự, sáp dư từ đế nến của cô Maud: chúng được đưa cho ông Way. Như vậy ông Way sẽ biết được có bao nhiêu sáp dư, vì ông là người phân phối nến. Nút bần thì đến tay Charles, cậu bé rửa dao. Xương và da đến tay Cook.

"Tuy nhiên, những mẩu xà phòng mà cô Maud để lại ở chậu rửa," bà nói, "vì chúng đã quá khô để đánh bọt, nên cô được giữ chúng."

Chà, đúng là người giúp việc – lúc nào cũng nề hà về những thứ vặt vãnh. Làm như tôi bận tâm lắm vậy, chân nến với xà phòng! Nếu đã từng cảm thấy khấp khởi, tôi biết khi mình cảm thấy điều đó, thì đó chính là sự khấp khởi đối với ba ngàn bảng.

Sau đó bà nói nếu tôi đã dùng xong bữa khuya, bà sẽ vui lòng đưa tôi về phòng mình. Nhưng bà phải yêu cầu tôi giữ thật yên lặng trong lúc đi, vì ông Lilly thích căn nhà yên tĩnh, ông không chịu được sự lộn xộn, và cô Maud cũng dễ âu lo hệt như ông, không cho phép người khác làm quấy rầy khi nghỉ ngơi hoặc bị khiến cho phiền muộn.

Nói xong, bà cầm chiếc đèn lên, còn tôi cầm nến. Bà dẫn tôi vào lối đi, leo lên một cầu thang tối. "Đây là lối đi cho người hầu," bà nói trong lúc chúng tôi đi, "cô phải luôn đi lối này, trừ phi cô Maud bảo cô làm khác."

Càng đi lên cao, giọng và bước chân của bà càng nhẹ hơn. Cuối cùng, sau khi leo lên ba đôi thang, bà dẫn tôi đến một cánh cửa, thì thào rằng đó là cửa đến phòng của tôi. Đưa một ngón tay lên môi, bà chậm rãi xoay tay nắm cửa.

Trước đây tôi chưa từng có phòng riêng. Hiện giờ tôi cũng không hẳn là muốn có. Nhưng, vì phải như vậy, thì tôi nghĩ căn phòng này khá ổn. Nhỏ, đơn giản – có lẽ sẽ trông được hơn nếu có một, hai vòng hoa giấy hoặc ít con chó nhựa. Nhưng có gương soi trên bệ lò sưởi, và trước lò lửa là một tấm thảm len. Cạnh chiếc giường là vali vải bạt của tôi – chắc William Inker đã mang nó lên.

Gần đầu giường có một cánh cửa khác, đóng khá chặt, không cắm chìa. "Nó dẫn tới đâu?" Tôi hỏi bà Stiles, đinh ninh nó là phòng xép hoặc dẫn tới một lối đi khác.

"Đó là cửa sang phòng cô Maud," bà nói.
Tôi nói, "Cô Maud ở bên kia, đang ngủ trên giường?"
Có lẽ tôi nói hơi lớn, nhưng bà Stiles rùng mình, hệt như tôi vừa thét lên hay vỗ lục lạc vậy.

"Cô Maud ngủ không được tốt," bà lặng lẽ trả lời. "Nếu tỉnh dậy giữa đêm, cô ấy muốn người hầu gái đến chỗ mình. Cô ấy sẽ không gọi cô, vì bây giờ cô còn là người lạ. Chúng tôi sẽ đặt một cái ghế cho Margaret bên ngoài cửa phòng cô ấy, và trong ngày mai Margaret sẽ mang bữa sáng, vận trang phục cho cô ấy. Sau đó, cô phải sẵn sàng để được gọi vào kiểm tra." Bà bảo bà hy vọng cô Maud sẽ vừa lòng với tôi. Tôi nói mình cũng hy vọng như vậy.

Rồi bà rời khỏi. Bà đi rất nhẹ nhàng, nhưng tại cửa bà dừng lại, để đưa tay đến xâu chìa khoá. Tôi thấy điều đó, lạnh cả người, vì trong thoáng chốc, trông bà hoàn toàn giống hệt một kẻ cai ngục. Tôi nói trước cả khi có thể tự dừng mình lại:
"Bà không định khoá tôi lại đấy chứ?"
"Khoá cô lại hả?" Bà cau mày. "Tại sao lại phải làm vậy?"
Tôi nói không biết. Bà nhìn tôi thật thận trọng, rụt cằm lại, rồi đóng cửa, để tôi lại một mình.
Tôi đưa ngón cái lên, và nghĩ, khỉ thật!

Rồi tôi ngồi lên giường. Nó cứng. Không biết liệu tấm trải và chăn có được thay chưa kể từ lúc cô hầu gái trước rời khỏi vì bệnh tinh hồng nhiệt. Quá tối để nhận biết. Bà Stiles đã mang đèn đi, tôi đặt cây nến của mình xuống phải một chỗ có gió lùa. Ngọn lửa phập phồng, tạo những cái bóng đen khổng lồ. Tôi tháo áo khoác, nhưng vẫn giữ nó choàng quanh vai. Tôi đau nhức bởi cái lạnh và chuyến đi. Chỗ thịt bằm tôi đã ăn là quá muộn – nó nằm yên trong bao tử tôi mà sưng sỉa. Đã mười giờ. Ở nhà, chúng tôi cười vào mặt những người đi ngủ trước nửa đêm.

Tôi nghĩ, có khi mình cũng đang ở trong ngục. Một cái ngục có khi còn sinh động hơn. Ở đây, chỉ có sự tĩnh lặng kinh hồn. Bạn lắng nghe, và điều đó khiến bạn nao núng. Khi đứng dậy đi đến cửa sổ để nhìn ra ngoài, bạn suýt ngất xỉu khi trông thấy mình đang ở cao đến thế nào, và sân, chuồng ngựa tối đến thế nào, vùng đất bên dưới yên lặng ra sao.

Tôi nhớ đến ánh nến lập loè mình đã trông thấy khi đi cùng William Inker. Không biết đó là ánh sáng phát ra từ căn phòng nào.

Tôi mở vali, nhìn tất cả các thứ mang theo cùng từ phố Lant – nhưng rồi, chẳng có thứ gì trong đó thực sự là của tôi cả. Chỉ có chỗ váy lót, áo lót mà Gentleman bắt tôi mang theo. Tôi cởi váy đầm, giữ trước mặt trong một giây. Chiếc đầm cũng chẳng phải của tôi. Nhưng tôi trông thấy những đường may của Dainty làm, bèn ngửi nó. Tôi nghĩ cây kim của con bé đã để lại mùi, mùi da chó của John Vroom.

Tôi nghĩ đến món súp bà Sucksby sẽ làm từ xương của chiếc đầu lợn đó. Và thật lạ lùng hết sức khi hình dung tất cả họ ngồi ăn món ấy, có lẽ vừa ăn vừa nghĩ đến tôi, hoặc nghĩ đến cái gì đó hoàn toàn khác.

Cứ tưởng tượng, nếu tôi là kiểu con gái hay khóc, thì lúc này tôi đã khóc mất rồi.

Nhưng tôi chưa bao giờ là cô gái mau nước mắt. Tôi thay vào chiếc đầm ngủ, khoác áo choàng trở lại bên trên đầm ngủ, đứng trong đôi vớ dài và giày đã cởi nút. Tôi nhìn cánh cửa đóng nơi đầu giường cùng lỗ khoá trên đó. Không biết Maud có chìa khoá để mở ở bên đó không. Tôi tự hỏi mình sẽ thấy gì, nếu đi đến và cúi xuống nhìn – có ai nghĩ đến một việc như vậy mà lại không làm? Nhưng khi rón rén trên đầu ngón chân để đi lại, cúi xuống ổ khoá, tôi trông thấy một ánh sáng lờ mờ, một chiếc bóng – không thấy được gì rõ hơn, không chút dấu hiệu của một cô gái – đang ngủ, đang thức hoặc bồn chồn, không gì hết.

Dù vậy, không biết có phải tôi đã nghe tiếng cô ấy thở hay không. Tôi đứng thẳng dậy, ghìm hơi thở, áp sát tai vào cánh cửa. Tôi nghe tiếng tim mình đập, tiếng máu mình kêu thét. Tôi nghe một âm thanh nhỏ, chắc hẳn là tiếng bò trườn của một con sâu hoặc bọ bên trong lần gỗ.

Ngoài ra, chẳng còn gì – dù tôi đã lắng nghe suốt một phút, có lẽ đến hai phút. Rồi tôi bỏ cuộc. Tôi cởi giày, tất nịt, nằm lên giường. Các tấm trải lạnh ngắt, cảm giác hơi ẩm ướt như bột nhào. Tôi kéo áo khoác lên trên đồ ngủ – để có thêm chút hơi ấm, và cũng để có thể nhanh chóng tóm lấy, phòng khi có ai đến trong đêm và tôi muốn bỏ chạy. Ai mà biết được. Tôi để chiếc nến cháy. Nếu ông Way có than phiền rằng sáp dư ít đi một mẩu, thì đành chịu vậy. Cả một tay trộm cũng có điểm yếu chứ. Những chiếc bóng vẫn đang nhảy múa. Những tấm trải giường vẫn lạnh. Đồng hồ lớn báo mười giờ rưỡi. Rồi mười một giờ. Mười một rưỡi. Mười hai giờ. Tôi nằm run, lòng hoàn toàn tha thiết muốn có bà Sucksby... phố Lant... nhà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro