Chương 2. Đừng giận nữa nha

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2. Đừng giận nữa nha

Yến Nhi giận tôi, một tuần sau cũng không có tới quán.

Nó gỡ ảnh đại diện chụp cùng tôi trên zalo, tắt cả trạng thái hoạt động, tôi nhắn tin gọi điện chẳng thèm trả lời. Tôi nhìn cuộc gọi vừa tự động tắt vì người nhận không bắt máy, miệng lầm bầm: "Lớn tướng rồi mà hành xử như trẻ con."

Bé nhân viên của tôi tên là Nhung, có lẽ biết tôi không vui nên hỏi: "Mấy hôm nay không thấy chị Nhi tới quán chơi, chị ý ốm ạ?"

Sau sự việc xảy ra ở quán vào cuối tuần trước, có lẽ cô bé cũng hiểu được phần nào, chỉ là trầm lặng giả điếc thôi. Tôi quẳng điện thoại lên mặt quầy, nhẹ giọng đáp: "Nó dỗi chị."

Nhung dựng cây lau nhà sang một bên, nhìn gương mặt là biết đang cân đo đong đếm cảm xúc của tôi để lựa lời nói chuyện. Tôi đành lên tiếng trước: "Sao thế?"

"Dạ không ạ. Chỉ là em chưa bao giờ thấy chị Nhi nổi giận cả... Hình như, chị ấy cũng chỉ bộc lộ cảm xúc như thế với mỗi chị."

"Vậy à?"

Tôi bâng quơ trả lời, nhưng thật ra trong lòng khá bận tâm. Bởi vì thật ra con Nhi có mỗi tôi là bạn, nó không nổi giận với tôi thì còn ai nữa đâu?

Nghĩ vậy, tôi quyết định bản thân mình không nên chấp nhặt với nó làm gì nữa. Tôi đi vào trong quầy, tự tay pha một cốc trà hoa quả, để cẩn thận trong túi bóng cùng hộp bánh ngọt nhỏ. Xong xuôi, tôi nói với bé Nhung: "Trông quán nhé, chị ra ngoài một chút."

"Vâng ạ."

Dưới cái nắng nóng gần bốn mươi độ của mùa hè Hà Nội, tôi phóng xe máy tới trước cơ quan của Yến Nhi. Tôi đứng dưới bóng râm của cây phượng, gọi vào số điện thoại của nó. Sau một hồi tút, đầu dây bên kia trực tiếp tắt đi. Đương nhiên, con bé vẫn còn dỗi tôi nên không muốn nói chuyện.

"Tao đang đứng trước cổng ngân hàng mày, mày có ra không?" Tôi gửi tin nhắn vào imess của nó.

Con bé đã đọc, nhưng không trả lời.

Tôi nhắn tiếp: "Vậy để tao vào."

Biết tính tôi nói là làm, chỉ chưa đầy vài giây sau, con Nhi đã gọi lại cho tôi.

"Alo?" Tôi vừa dựng chân chống xe vừa nghe điện thoại, lấy túi bánh nước đang treo trên xe mà không do dự bước thẳng vào cổng ngân hàng. Giọng con bé hớt hải vang lên: "Đứng yên đó. Tao ra, tao ra mà."

Tôi nhếch miệng cười: "Tao cho mày một phút." Rồi tắt máy luôn.

Chưa đầy một phút sau đã thấy Yến Nhi xuất hiện ở cửa phòng giao dịch, hớt hơ hớt hải chạy về phía tôi. Cũng vì vội quá mà nó làm rớt cả một bên đôi giày cũ rích đang đi, vội vội vàng vàng cúi người nhặt, rồi chẳng kịp xỏ vào chân đã ôm giày chạy đến bên cạnh tôi.

Tôi nhăn mày nhìn nó, mắng: "Đi đứng cho hẳn hoi."

"Mày bảo một phút, làm gì có thời gian nữa." Nó vừa làu bàu vừa ném cái giày xuống đất, xỏ qua loa vào chân.

"Thối thế?" Tôi chê.

Yến Nhi trừng mắt: "Đừng nói chuyện với tao."

Đúng là tôi chẳng nói thêm lời nào nữa thật, chỉ chìa túi nước về phía con bé. Nó quay mặt đi, giả vờ như không thấy, cũng chẳng nhận đồ trên tay tôi. Thấy tôi không suy chuyển, nó vênh mặt nói: "Không cần."

Tôi nhún vai: "Tao vứt đi."

Dứt lời, tôi mở nắp cái thùng rác ở bên cạnh, định thẳng thừng ném vào bên trong. Nhưng tôi biết mà, chỉ chừng 0.1 giây sau, cánh tay tôi đã bị giữ chặt lấy. Yến Nhi hốt hoảng giằng lấy túi bánh ngọt, quắc mắt lên quát: "Con thần kinh, lãng phí. Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra."

Ánh nắng gay gắt buổi trưa xuyên qua tán cây, rọi thẳng xuống đỉnh đầu. Tôi đưa tay quẹt quẹt mồ hôi lấm tấm trên mặt, lạnh lùng đuổi: "Vào trong đi cho đỡ nóng."

Lúc này Yến Nhi mới nghiêng đầu nhìn tôi, ánh mắt nó dừng trên gương mặt nhễ nhại mồ hôi của tôi thật lâu. Tôi hỏi: "Làm sao còn đứng đấy?"

"Đi đường nắng nôi như vậy, gọi ship là được rồi." Nó đột ngột nói.

"Tự tay mang đến còn làm hòa."

Con bé hơi sững người một chút, nhưng giây sau miệng đã tủm tỉm cười. Rõ ràng nó là loại người rất dễ bị gạt, chỉ cần đối phương quan tâm yêu thương nó một xíu thôi là nó sẽ động lòng ngay.

"Nhưng tao chưa hết giận đâu." Nó giả bộ hờ hững.

"Tao biết rồi. Vào trong đi."

Sau đó Yến Nhi bắt đầu mở khóa trang facebook, cập nhập lại ảnh đại diện trên zalo. Lần này là tấm ảnh mới nhất của tôi chụp cùng nó vào dịp sinh nhật tôi vừa qua. Tôi nhắn nó: "Tưởng chưa hết giận?"

Đặt điện thoại sang một bên, tôi nhận đơn của một shipper vừa tới quán. Chỉ không ngờ là số lượng lớn đến vậy, cũng phải vài chục cốc nước các loại. Tôi nhìn danh sách đồ uống mà shipper đưa ra, hỏi: "Đơn này không có trên app, là thuê bên ngoài. Chị cũng chưa thấy khách báo gì cả, em giao tới đâu?"

Là địa chỉ ngân hàng cái Nhi.

"Có chuyển tiền trước chưa? Em nhận đơn ở đâu?" Tôi hỏi.

"Dạ trên trang "Ship tìm người, người tìm ship" ạ."

"Người đặt tên là gì?"

"Hải Hà ạ."

Tôi bật cười, trả lại điện thoại cho cậu bé shipper: "Người nhận là Nhi à?"

"Dạ vâng chị."

Đúng là trẻ con thật đấy. Tôi thở dài: "Đơn này là đơn ảo, người ta cố tình chọc phá quán thôi. Hủy đơn đi, nếu cố nhận thì người thiệt sẽ là em đấy."

Chắc hẳn cô bé Hà kia đã biết chuyện tôi không phải cái Nhi rồi, nên cố tìm cách trút giận cả hai đứa tôi. Mà thường thì số lượng lớn trong một đơn hàng, tôi đều sẽ nhận chuyển khoản trước một nửa hoặc trăm phần trăm giá trị đơn. Coi như chiêu trò của Hải Hà lần này không thành, nhưng chẳng biết có tiếp tục là thứ khác hay không.

Tôi cầm điện thoại lên, định nhắn cái Nhi cảnh giác một chút, kẻo tiền mất tật mang. Vừa mở điện thoại đã thấy tin nhắn của nó: "Tao có nói là tao hết giận đâu?" được gửi đến cách đây hơn mười lăm phút rồi. Chưa kịp trả lời, đã thấy đối phương lại đang soạn tin nhắn: "Tối nay phòng tao đi liên hoan."

"Ừ." Tôi trả lời.

"Mà giày của tao hỏng rồi á, tao phải đi tạm dép tổ ong."

Rồi nó gửi cho tôi tấm ảnh chụp bàn chân đang đi tất mà xỏ đôi tổ ong vô cùng buồn cười nó mua mấy chục nghìn ở chợ. Tôi lưu tấm hình về máy, quyết định đi in ra làm móc chìa khóa để trêu nó.

Tôi hỏi: "Mọi người không chê thối à?"

"Có á. Cái Linh nó ngồi tránh tao một khoảng rồi."

Con bé hẳn lại đang thấy tự ti rồi. Cũng vì lý do này mà những người trong phòng phần nào không ưa nó.

Chiều hôm ấy, tôi ra cửa hàng giày gần nhà. Từ khi chơi với Yến Nhi, tôi mới bắt đầu chú ý đến các hãng giày dép hơn. Nó thích Vans, bao nhiêu năm cũng chỉ đi một loại.

Tôi đứng tần ngần trong cửa hàng, nhìn đến hoa mắt chóng mặt. Cậu nhân viên bán hàng thấy vậy liền hồ hởi giới thiệu: "Chị ơi, mẫu này là mẫu mới nhất của bọn em, đi êm chân lắm. Chị đi size bao nhiêu ạ?"

"Ừ, khoảng giữa ba lăm và ba mươi sáu, khá nhỏ." Tôi đáp lời.

"Nhưng hình như so với size chân của chị thì sẽ bé lắm ạ?!"

"À, mình mua cho con bạn."

Thấy cậu nhân viên loay hoay tìm size giày, tôi chép miệng hỏi: "Loại đấy đi có bị thối chân không? Ý là nặng mùi hơn?"

Sau câu hỏi của tôi, sắc mặt cậu ta liền biến động như dự báo thời tiết. "Thối... thối chân á chị?"

"Ừ, con kia chân nó thối lắm, mà ham đi giày."

Tôi thở dài, bỗng dưng cảm giác được cái mùi thum thủm từ chân con Nhi đang thoảng qua cánh mũi. Có lẽ ở lâu bên cạnh nó, tôi cũng trở nên ám ảnh rồi.

Bởi chỉ có giày da, giày có lưới và các loại vải tự nhiên là giúp chân thông thoáng, mồ hôi dễ bay hơi và độ ẩm giảm xuống, nên cậu nhân viên đành chọn cho tôi một đôi mẫu mã cũ hơn, thuộc dòng basic. Tôi nghe cậu ta, mua thêm mấy miếng lót giày kháng khuẩn để cho cái Nhi nó thay thường xuyên.

Vừa về quán đã thấy cô bé Nhung đứng khóc mếu máo, trên tay là mấy túi nước đã toát hết hơi lạnh, nhỏ giọt xuống mặt đất. Tôi vội hỏi: "Có chuyện gì thế em?"

Nhung nức nở: "Người ta boom hàng chị ơi. Tận mười mấy cốc nước ép liền."

Tôi sững người, nhưng vài giây sau liền nhẹ giọng: "Mang vào trong đi."

"Vì em thấy người đặt báo lát qua lấy trực tiếp mang tới chỗ ngân hàng chị Nhi nên em chủ quan làm luôn ấy. Cuối cùng chẳng ai đến cả, gọi lại số kia thì thuê bao."

Tôi bỏ từng cốc ra khỏi túi, bắt đầu lấy thìa vớt đá lạnh ra, "Lần sau cẩn thận hơn, không nhận những đơn như thế này nữa, có gì báo với chị. Ít cũng phải chuyển tiền một nửa mới làm."

"Dạ, lần này em chủ quan, em xin lỗi chị. Chị cứ trừ vào lương của em ạ..."

"Không cần, rút kinh nghiệm."

Thấy cô bé như muốn òa khóc, tôi cười cười: "Chị mày giàu." Dứt lời, cho mười mấy cốc nước ép vào ngăn mát, đoạn nói tiếp: "Mấy cốc này nước đá chảy ra hết rồi, không bán được cho khách nữa. Lát em cầm được cái gì về thì cầm, chia cho bạn bè người nhà uống đi cho đỡ phí. Còn lại để chị với con Nhi."

"Dạ chị, em xin lỗi..."

Bảo không tiếc thì không đúng, người làm kinh doanh mà. Nhưng thôi coi như của đi thay người, tôi cũng không vì việc này mà tâm trạng trở nên xấu đi.

Cho đến lúc gần mười giờ tối bất chợt nhận được điện thoại từ Yến Nhi. Đầu dây bên kia âm thanh ồn ào, nhưng không phải giọng của nó: "Alo, đây có phải số điện thoại Người Tình của Vũ Yến Nhi không ạ?"

Con bé đấy lưu tên tôi trong danh bạ là "Người Tình".

Nghe giọng nam xa lạ kia, lòng tôi bất giác nóng nảy: "Vâng, ai vậy ạ?"

"Ơ, bạn là con gái ạ?" Người kia kinh ngạc.

Tôi hơi bực mình: "Ừm, không thể sao?"

"À mình không có ý gì đâu..." Đối phương nghe ra ngữ khí lạnh lùng của tôi, một thoáng ngập ngừng, sau đó vì tiếng nhạc ồn ào mà cố gắng hét to vào điện thoại, "Mình là đồng nghiệp của Nhi. Bạn đến đón Nhi nhé, Nhi uống nhiều quá nên say xỉn rồi ạ."

Thở dài, tôi đáp: "Vâng, có thể nhắn cho mình địa chỉ không?"

Hơn nửa tiếng sau, tôi có mặt ở quán karaoke. Đồng nghiệp của Yến Nhi đã dìu nó xuống sảnh, người nào người nấy đeo khẩu trang trên mặt. Ai cũng nhăn tít hàng lông mày, mặt quay ra hướng khác không dám dí gần tới con bé.

Giọng con Nhi thì oang oang: "Chân thối thì đã sao, các người xem thường tôi chứ gì?! Chân thối là cái tội hả?!"

Tôi đỡ nó từ tay của đồng nghiệp, nó lim dim nhìn tôi hỏi: "Đứa nào?"

"Người tình." Tôi lạnh lùng đáp.

Tầm mắt con bé mông lung, nó ngớ ngẩn đáp: "À... à..."

Hai người đồng nghiệp của Yến Nhi thấy tôi liền vội vàng buông nó ra. Một người là con gái, có lẽ là Linh, nhìn tôi hỏi: "Bạn là Trinh đúng không ạ?"

"Ừm, là mình."

"Ôi, đẹp hơn trên ảnh nhiều quá!"

Tôi còn chưa khách sáo đáp lời, thì bỗng nhiên con Nhi đã nhảy dựng lên: "Mày muốn gì? Nó là của tao! Cút!"

Cô nàng tên Linh bị dọa giật mình, vội vàng lùi ra xa. "Vậy thôi, bọn mình vào trong đây. Bạn đi đường cẩn thận nhé, cái Nhi nó say xỉn mà cản nó uống thì nó chửi bậy quá chừng."

"Vâng, phiền hai bạn rồi."

Vật vã lắm mới tống được con Nhi lên được xe taxi. Cái mùi chân thối của nó làm bác tài cũng phải chun mũi. Tôi biết ý, vội đưa ngay một tờ tiền polime lớn cho tài xế: "Cho em về chung cư N, không cần trả tiền thừa."

Lúc bấy giờ bác tài mới đeo khẩu trang, vui vẻ cho xe chạy.

Suốt dọc đường đi, con bé cứ rúc vào người tôi khóc thút thít. Tôi tóm lấy gương mặt ướt đẫm của nó, lạnh lùng hỏi: "Làm sao? Việc gì mà lại uống đến như này?"

"Hu hu... tại sao... em ấy lại chia tay tao... tao thực lòng mà..."

Con Nhi nấc lên nghẹn ngào, nước mũi nước mắt lẫn lộn không thể phân biệt. Tôi nhăn mày, lấy ống tay áo chùi cho nó: "Yêu con khỉ, nín!"

Nó nín thật, nhưng chỉ là lúc đấy.

Về tới nhà, nó nôn thốc nôn tháo, nôn ra mật xanh mật vàng. Sau đó cứ thế mà lăn ra giường của tôi.

Con bé vừa gào khóc, vừa nằm xiên vẹo choán hết hai phần ba cái giường. Nước mũi nó thò lò, lấy chăn của tôi quẹt quẹt. Nó hỏi: "Mày nghĩ xem, tao có gì không tốt mà em ý bỏ tao?"

Tôi chán nản tháo đôi dép tổ ong của nó lẳng sang một bên, miệng lẩm bẩm: "Tao thấy nó đồng ý yêu ảo với mày đã là kỳ tích rồi. Ai mà chịu đựng nổi mày?"

Cũng bởi vì Hải Hà tưởng cái mặt tao là mày thôi.

Đột nhiên con Nhi im lặng, cả tiếng khóc cũng chẳng nghe thấy. Tôi kỳ lạ ngẩng đầu nhìn con bé, chạm phải ánh mắt cực kỳ kinh dị của nó: "Gì? Con điên, sao trông mày xấu thế?" Tôi giật mình, nhăn mặt né sang một bên.

"Nói như mày thì còn có người chịu đựng tao siêu hơn thế nữa cơ."

Giọng nó tự nhiên trở nên phấn khích, biểu cảm trên gương mặt ngu đến thộn người. Lần sau nhất định không để nó đi uống với người ngoài nữa.

Thấy tôi im lặng, nó sốt ruột nhíu mày: "Ủa sao mày không hỏi tao là ai vậy?"

Thật ra cái mùi thum thủm từ chân nó đã làm tôi chán không muốn mở mồm nữa rồi. Tôi xoay lưng tính đi lấy nước nóng ngâm chân cho nó, nhưng mà nó lại được nước làm tới: "Hỏi đi mà, giả vờ tò mò đi."

Tôi bực mình: "Rồi! Nói đi, xong rửa chân ngay cho tao."

Nó hí hửng ngồi bật dậy, ôm choàng lấy cổ tôi. Hơi rượu phả vào mặt đột ngột khiến tôi chẳng kịp né tránh. Nó vui vẻ cười tít mắt: "Là mày, chính mày đó."

Gò má nó ửng đỏ, ánh mắt mơ màng nhìn tôi. Hai người chúng tôi cứ như vậy nhìn nhau chừng vài giây, cuối cùng lại thấy một giọt nước mắt trượt ra khỏi khóe mi con bé. Giọng nó nhỏ, đầy tủi thân: "Sao chỉ có mỗi mày là bao dung với tao vậy?"

Tôi thở dài, nhẹ lau nước mắt trên mặt nó. "Nghĩ linh tinh. Ngồi yên, để tao rửa chân cho mày."

Yến Nhi không phá nữa, ngoan ngoãn ngồi thẳng, buông chân xuống giường. Tôi bê chậu nước ấm đã pha thảo dược, cúi người cẩn thận rửa từng kẽ chân cho con bé.

Nghĩ thương nó, tôi khẽ lên tiếng: "Thế giới này đủ khắc nghiệt rồi, mày thấy chưa, rời xa vòng tay tao là bão tố cả. Thế nên là, đừng giận nữa nha."

- Hết chương 2 -

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro