Chương 13: Ave Maria!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Inferus là con gà trống dậy sớm nhất vùng này. Nó thức dậy trước cả khi tiếng gáy gọi mọi người ngày mới. Còn nó thì lao đầu vào làm lụng vất vả, cái kiếp con tằm xe tơ. Vì nó phải chứng tỏ sự hữu dụng của bản thân. Trong nhà thờ Saint Joseph này điều đó lại càng khắc nghiệt. Cứ nhìn vào cái buồng chừng ba mét vuông nhưng kê tới tận bốn cái giường của tụi trẻ là biết, lạnh lẽo, màu vôi xám xịt thật dễ sợ, màn cửa sổ bằng đá nhỏ xíu chỉ để lọt vào một thứ ánh sáng nhàn nhạt, cái thứ ánh sáng le lói, leo lắt, làm sáng lên những hạt bụi từ trong thinh không, chứ chẳng chiếu tới đầu bọn trẻ. Tai nghe không thấy một bước chân đi, không một tiếng thì thào. Tường trần trụi không ốp lát gì, ngoài một cái tủ mộc để đồ thì còn lại không có đồ đạc, đến một cái ghế cũng không. Phòng của Inferus là một nơi vô cùng u uất.

Như màu trắng và đen phủ lên phần lớn nhà thờ, vì chăng đời hễ có yêu thì đồng thời cũng phải có ghét. Inferus cô lập hoàn toàn với những đứa trẻ còn lại. Thế là thành ra thành bé lớn lên với những lần bị chửi bới, đánh đập tập thể. Đứa thì giữ tay, đứa thì ôm chân cho thằng Max lớn nhất hội thụi vào bụng Inferus. Có thằng bé ở đấy, tụi trẻ có nơi để xả giận, xả bực tức trong ngày, đôi khi chỉ đơn giản là thể hiện, là chiếm những bữa ăn, ngươi không muốn đói thì đành phải để kẻ khác đói. Thật là buồn khi thấy rằng sự đoàn kết của con người mà cũng có thể có những mặt xấu!

Inferus cũng không phải là đứa trẻ nhu nhược, chịu bị người khác đè đầu cưỡi cổ. Mỗi lần Max dúi đầu nó xuống, bắt nó phải cúi mà phục tùng, hay lấy dây nỏ bắn đá vào người nó. Inferus cũng quyết chống trả đến cùng, tụi nó đánh thằng bé một cái thì nhất định bằng mọi cách Inferus phải động chân động tay đáp trả lại. Khổ thân đứa trẻ trắng như tờ giấy, ai khi sinh ra cũng đều trong trắng cả, nó không hiểu gì về cuộc đời, chỉ thấy mình quanh năm phải nỗ lực hết mình, quanh năm đấu tranh, quanh năm bị mắng, bị hành hạ, bị đánh đập. Mỗi một năm qua đi, lại một năm nữa. Nó dần mạnh mẽ hơn. Mỗi năm thằng bé một lớn thì những mạnh mẽ chất chồng bằng nỗi đau của nó cũng lớn theo. Bọn trẻ cũng không dám gây sự với nó nữa, chúng chỉ tát nước hay nhổ nước bọt sau lưng thằng bé mà thôi.

Mà kể ra cũng hài hước, những đứa trẻ cô nhi ở nhà thờ Saint Joseph này đều không có họ, thứ chúng có duy nhất là cái tên. Mà sơ Emmalieu là hình tượng của những người bình dân, những người đặt tên theo kiểu quê mùa, cục mịch, với ý nghĩ là "tên xấu dễ nuôi", nhiều trẻ em quá, mà cái sự xáo trộn tên ấy làm sơ khó nhớ. Thế là sơ Emmalieu đặt cho chúng những cái tên thật là dễ nhớ. Vì sách truyện, sơ đặt cho thằng bé mà sơ không mấy ưa là Don Quijote. Từ ví dụ đó cho chúng ta những cái tên đều buồn cười và nông nổi như Tom, Jerry, Thomas, Alan, Birdy, Coca. Đúng thật là những cái tên trẻ thơ trong một bộ phim hoạt hình. Chỉ tiếc là bọn trẻ không có họ. Đối với mọi người, tên tuổi của họ cũng không còn nữa, chỉ còn những tên gọi khắc khổ.

Inferus không phải thức dậy vì báo thức, vì đói, mà vì thôi thúc ngày mới, là vì đấu tranh với bình minh, đấu tranh với số phận, vì phấn đấu mà tỉnh dậy chính xác hơn cả đồng hồ điểm năm giờ sáng. Inferus nói cho đúng, được đặt tên theo cái chết của mẹ nó lúc vừa mới chỉ hạ sinh đứa trẻ, lúc ấy trong vùng có một người truyền đạo biết tiếng Latin liền đặt tên cho thằng bé là "Cái Chết". Không hiểu lúc đó nhà hướng đạo ấy nghĩ và mong chờ cái gì. Nhưng cái tên như tấm vải liệm đen phủ lên cuộc đời đứa trẻ, nó thành ra đầy tớ cho nhà thờ từ tấm bé. Ai mà tin được mới tờ mờ sáng thôi, một lúc nữa gà mới gáy, lúc đó, nếu có người đi qua cái nhà thờ ở vùng Fiji này sẽ nghe thấy tiếng chổi quét tước các buồng và sân, cổng. Không phải thấy thằng bé vác chổi, ki hót rác, thì cũng là cuốc, là xẻng, là liềm, là búa.

Những việc Inferus làm đều là để xây dựng bản thân, một cái cây tự vươn rễ từ đất khô cằn đi khắp muôn nơi để sinh tồn, để chống chọi, để tự sửa mình một cách nghiêm khắc. Nhưng đặt những mục đích ấy qua một bên thì tất cả những điều thằng bé làm cân bằng như một cái hố tự chôn mình trước mặt nó. Dù sớm hay muộn, nó cũng sẽ thất bại, cũng sẽ vấp ngã, cũng sẽ đau lòng, lạc lối và mất niềm tin.

Tứ bề xung quanh là những sơ mặc áo dài đen serge, ống tay rộng, áo chùng màu đen, cái yếm cứng ba phân lên tận cằm, cái băng trùm đầu che kín tóc, kéo rủ xuống sát tận mắt, tất cả đều đen trừ chiếc băng trán là trắng, mỗi người đều đeo một hình thập tự giá phía trước. Nhà thờ ảm đạm buồn bã khắc khổ này là một thứ sương mù lạnh lẽo ngoài bãi tha ma, quyện với nó là sự yên lặng đến ghê người, không có đến cả hơi thở dài não nuột. Cái sân ngoài vườn là sặc sỡ sắc màu nhất, ban ngày, mặt trời cũng rắc vàng lên cây, lên hoa, lên vật, lên người. Nhưng khổ nỗi, khu vườn này cũng hao gầy hết sức, cỏ cũng được cắt bằng, những lá rêu phong vươn lên phủ kín cả bờ tường. Thành ra gọi mảnh vườn này "xanh xao" có phần cũng đúng.

Inferus cũng là đứa bé xanh xao như vậy, nó gầy lắm, nhưng tâm hồn đứa trẻ đó có còn trong trắng hay không? Thằng bé vẫn giữ được sự ngây thơ sau tất cả thì linh hồn nó không còn trong trắng. Còn giữ được sự trong trắng thì nhất định không hề ngây thơ. Té ra ở đời có khi thế: ngây thơ lại là thành thạo nhất. Cặp mắt nó nâu thăm thẳm, nghe nói những người mắt nâu trong mệnh kiếp đều một chữ: khổ. Mi trên đầy đặn, hàng mày ngài vuốt thẳng như lưỡi kiếm, mái tóc đen rậm rì cắt ngắn gọn gàng, hàng mai tóc ôm trọn khuôn mặt trông có chút phong sương. Nước da trắng mịn, đây đó thoáng lộ những mạch máu màu da trời. Gò má thơ ngây ngây hồng. Cái cần cổ tròn khỏe như tượng David, cái gáy rắn chắc như đá trước gió, chiếc cằm chẻ cong cong hoàn hảo. Đôi môi đỏ thắm, giữa lõm một lúm đồng tiền đến là say sưa. Có một nét từng trải đến kỳ lạ. Nhìn chung, mọi chuyện đều như tạc và vô cùng ý nhị.

Ấy, Inferus là như thế đó, đúng như mẹ nó hằng ao ước, nó đẹp như tranh vẽ. Dưới mớ quần áo xù xì kia là một pho tượng không gợn vết và trong pho tượng là một tâm hồn. Nhưng ở đời, có pho tượng nào là không để lại những đường vân đen sớm hiện trên kiếp số của nó hay không?

Quả thực, người đi ngang qua cũng chỉ ném cho nó một cái nhìn ái ngại, họ như ngắm nhìn bức tượng tạc, như ngắm nhìn một kỳ quan công cộng kỳ dị. Mẹ Emmalieu hay nói với các sơ rằng: "Không biết tại sao lại đẻ ra nó, chắc là tại trời rét." Vậy là sơ trẻ Ave, tên thật của nàng là Maria Magarette, nữ tu sĩ duy nhất trong nhà thờ Saint Joseph mặc áo chùng màu trắng, vì sơ chưa chính thức làm lễ "Rửa tội thoát thai" để chính thức được công nhận là một nữ tu sĩ trinh trắng phục vụ Chúa cả đời, sơ thực nổi bật trong đám nữ tu. Sơ nổi bật vì vẻ ý nhị cùng sâu sắc của mình. Trông Ave gì cũng nhỏ, khuôn mặt nhỏ nhắn, chiếc mũi xinh xinh, khuôn miệng chúm chím. Quả là một nữ tu trẻ đáng yêu. Ave đáp lại Mẹ Emmalieu một cách nhẹ nhàng, không rõ nàng có biểu cảm gì:

- Inferus khiến người khác chú ý. Nhưng sự chú ý không làm nên con người đứa trẻ thưa Mẹ Emmalieu.

- Ave con nói như vậy là xúc phạm tới ta đó. Cầu Chúa là Người mang thằng bé đi sớm sớm một chút. Mẹ Emmalieu khinh khỉnh mà nói. Nhưng đã là gì, Inferus vốn đã quen với những lời xầm xì ác ý sau lưng từ tấm bé.

Thì ra sự bao dung của sơ Emmalieu là như vậy. Ave thì lại rất kính bà. Mẹ Emmalieu thành ra nghiêm khắc với tất cả những đứa trẻ thì Ave lại bao dung với những số phận bé nhỏ ấy. Nàng là người duy nhất đốt lò sưởi trong nhà thờ. Nếu nàng đến phiên nàng phát cơm sẽ dành phần nhiều cho những đứa trẻ. Thêm vào đó là hàng trăm sự săn sóc khác, nàng hàng đêm kiểm tra phòng ngủ, đóng cửa sổ sợ gió lạnh, thêm quạt vào ngày hè nóng, kéo chăn lại cẩn thận cho những giấc ngủ thơ. Tất cả nàng chỉ làm trong im lặng, không cầu hồi đáp, không cầu chú ý.

Cái kỷ luật im lặng ấy đã đem lại hậu quả là trong nhà thờ, chỉ duy nhất mẹ Emmalieu là người phán xét, còn lại người ta lấy mất tiếng nói của con người và trao cho những vật vô tri vô giác. Qua mỗi một tiếng, tiếng chuông của nhà thờ ngân vang, cái chuông rất kêu, nghe xa có vẻ yên bình, nghe gần giống như những nhịp khác nhau của một cỗ máy, báo hiệu tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt của nhà thờ. Một nữ tu sĩ to béo phúc hậu phụ trách nhà ăn. Người ta thấy bà cầm một cái nồi, và một cái muôi thủng gõ choang choang đánh kẻng cùng tiếng chuông ngân. Bà vẫn đeo nguyên tạp dề trước áo tu, bà gọi mọi người đến giờ ăn, tên bà là Madga Markel. Những em nhỏ ở đây vẫn trìu mến gọi là là Big Madgamom.

Nhà ăn tại nhà thờ Saint Joseph là một không gian rộng, vuông, những dãy bàn dài trải liên tiếp, ánh sáng chỉ lọt qua những cái khe hẹp bằng đá, chẳng hiểu có được gọi là cửa sổ hay không. Nhưng mỗi hành làng Inferus đi qua đều có cột, nối tiếp nhau, thẳng hàng với nhau, kéo dài về cuối, liền ngay với cái vườn nhà thờ. Ở đó lúc nào cũng tối tăm và ẩm ướt. Cái bếp này có chuột, gián hay không, có trời và các sơ phục vụ trong nhà ăn mới biết được. Nhưng kẻ nhanh mắt sẽ để ý thấy các góc nhà xung quanh đều có sâu bọ bò dọc theo vách tường, kiến nối đuôi nhau bò qua hang chuột bé bằng quả bóng bàn. Có góc mạng nhện, có góc phủ trắng những mảnh trứng gián lục giác. Ở đây nức mùi thức ăn nên xua tan được cái lạnh lẽo, và tiếng muôi thìa leng keng cũng đánh đuổi sự im lặng lùi lại.

Giữa cảnh đó lại nổi lên một nét xúc động. Những em nhỏ ngồi ngay ngắn trước phần ăn đã lấy sẵn, có bánh mì, có cháo yến mạch, thêm một ít cà rốt cùng rau bắp cải. Trước khi ăn mọi người đều cầu nguyện. Mẹ Mathidal phụ trách việc ra hiệu lệnh, chắp tay thành tâm cầu nguyện. Các em nhỏ rì rầm đồng thanh làm theo, xếp hàng cạnh nhau, từng âm thanh lớn nhỏ những lời cầu nguyện an lành, biết ơn Đức Chúa Cha ngân nga như bộ sáo trúc của thần Pan, xếp bằng những thiên thần.

Đúng lúc ấy mẹ Emmalieu lạnh nhạt kết thúc tất cả bằng câu nói lanh lảnh: "Inferus cầu nguyện to lên, sao thều thào như chết rồi vậy." Nói rồi sơ ném cái nhìn sắc như dao về phía thằng bé, cái mũi đâm xuống phập phồng như lấy hết hơi. Tiếng bà vang lên ai nghe cũng phải thấy lành lạnh. Không khỏi rùng mình một cái, Inferus chỉ cắm cúi trong lặng im. Phải mất một thời gian để nó mới biết mình là ai. Phải rồi phải có những con người luôn luôn cầu nguyện cho những con người không cầu nguyện bao giờ. Đối với Inferus, sự khác nhau là có bao nhiêu tư duy và niềm tin hòa vào lời cầu nguyện ấy.

Mẹ Emmalieu thấy thế lại tiếp lời ngay:

- Đồ vô ơn. Con không biết là có trẻ em chết đói trên khắp thế giới à?

- Chắc là vì có các sơ nấu ăn cho chúng. Inferus không nghe những lời nanh nọc kia, nó chỉ đáp lại ở đâu có niềm tin thôi. 

Xung quanh rì rầm những tiếng con nít không nín nổi mà cười khúc khích. Ta cho rằng chúng đồng ý với Inferus. Nhưng điều này làm sơ Emmalieu, một người vẫn giữ nguyên cái bảo thủ của tiêu chuẩn xã hội cũ (nạn đói, mất mùa, sưu cao thuế nặng, sự chênh lệch giá trị đồng tiền do lạm phát, trượt giá...) lên xã hội hiện đại đầy đủ tiện nghi. Mẹ Emmalieu phật lòng lắm. Vì chăng bà thích áp đặt tiêu chuẩn hạnh phúc của mình lên người khác. Có máy lạnh, lò sưởi, thì bà vẫn dùng lò sưởi nhưng bà thích bắt người ta chịu đói, chịu rét để hiểu hạnh phúc là gì hơn. Cơ bản là con người sống tại những tầng khác nhau của tháp nhu cầu. 

- Con có biết là thời của ta, đói khổ như thế nào không, một cái bánh mì, một con cá gỗ thôi cũng đã là hạnh phúc rồi. Mức độ hạnh phúc nằm ở sự hài lòng của mỗi người.

Nói rồi mẹ Emmalieu mới chịu buông tha thằng bé. Ave thấy vậy bèn đến ngồi cạnh chỗ trống cuối cùng bên cạnh Inferus như một mảnh ghép. Nàng nhẹ nhàng nói:

- Sao hả? Em không thể công khai chống đối mẹ Emmalieu được. Niềm tin phải tới từ hai phía chứ?

- Em chỉ muốn bịt tai lại như một đứa trẻ. Và được nói ra hết mọi suy tư trong đầu mình. Inferus nức nở, có vị mặn chát hòa lẫn trong miếng cơm nó đưa vào miệng khi nó cứ phải chịu những lời dạy dỗ huyên thuyên trút xuống như mưa rào.

- Nếu em hỏi chị có ước muốn không? Không. Chị có một niềm tin từ những nỗi đau. Nỗi đau biến con người trở thành người có niềm tin. Nếu ai đó quật em ngã, hãy tự đứng dậy. Nếu có người tát em, hãy đưa nốt má còn lại ra. Chúa cho ta thêm niềm tin. Đức tin là tôn chỉ của chị. Vậy nên hãy nín đi nhé. Thơ ca chị chỉ dành cho số ít thôi.

Ave đưa chiếc khăn trắng tinh ra lau đi những giọt nước mắt còn lăn trên má thằng bé, cẩn trọng, nhẹ nhàng. Inferus nức nở, nghẹn ngào, nó nuốt lưỡi vào trong mà thầm:

- Đừng dạy em phải thế này hay thế kia. Vì một ngày kia em sẽ là thủy thủ, là chủ cả đại dương của mình. Là chủ nhân của cuộc đời mình.

- Vậy hãy là bộ mặt trong tương lai cho cả chị nữa. Chúa chỉ cho em con đường sự sống. Nhưng em sẽ sống với mục đích tuyệt vời hơn. Hãy là niềm tin, là tình yêu, là món quà sự sống. Ave thủ thỉ với Inferus.

Quả nhiên hạnh phúc đơn giản là khi trong cuộc đời ta có một người bạn sẵn sàng nói với ta những điều mà ta không muốn nói với bản thân. Họ là sự khẳng định, là niềm tin tiếp sức, là sợi chỉ bạc dẫn dắt. Là tình yêu trước khi nơi này đi đến hồi kết, là người dẫn đường trước khi ta trở nên rối trí. Thằng bé cười với Ave thật tươi, nó lắc lắc:

- Chị cũng vậy nhé. Khi nghe những lời vô nghĩa, những nanh nọc cuộc đời, hãy bịt tai lại như một đứa trẻ, và hát vang "la la la".

Đó là cách những người đau khổ phản kháng, họ bào chữa cho quá khứ. Ave đáp lại Inferus bằng một nụ cười mỉm thật hiền, nàng không chối cãi điều đó, nàng chỉ giả tảng cười xòa. Nàng nghĩ đó là một biện pháp tiện lợi và lạ lùng, là bưng bít, thủ tiêu tất cả những lời ác ý, những lời phán xét nghe được từ miệng lưỡi người đời. Thật là một cách sống hay ho, cứ lẩn tránh tất cả những sự việc làm cho nàng lúng túng và tất cả những chuyện đen tối. Nhưng nàng đâu biết đó là lần chia tay đầu tiên của bọn họ. Chia tay là lưỡi dao xé nát lòng kẻ ở người đi.

- Cảm ơn em. Ave nói. Nàng là mẫu người hiền lành, xanh mượt như đôi mắt màu lá non. Với nàng cúi đầu cảm ơn đã trở thành một thói quen.

- Xin lỗi chị Ave. Inferus cúi đầu, nó cảm thấy vui trong lòng khi nói ra những lời đó. Ôi những lời "cảm ơn", "xin lỗi" tuyệt vời mà con người cần phải học từ tấm bé. Chúng ta cảm ơn và xin lỗi cũng rất nhiều, hãy làm vậy, dù cho chính nó không gây ra lỗi đó.

Vì chăng trong suy nghĩ của Ave mơ ước cũng chỉ là sự tồn tại vô tận. Mà cái gì vô tận thì vô nghĩa. Nàng sống với nguyên lý đã tàn tạ như vậy đấy, nàng thếp vàng lại cái khung giáo điều đã nhàn nhạt, tô bồi những giáo lý cũ kĩ, ban phúc lành cho mọi mảnh đời. Nàng cũng có cái thông thái riêng của nàng. Cũng có bảo thủ chính kiến của mình mà quét lên quá khứ một nước sơn mà người đời vẫn gọi là trật tự xã hội, quyền của Chúa, đạo lý, tập thể, tôn kính, uy quyền, truyền thống, tập tục thiêng liêng. Hãy coi đây, những người mà đến Phật cũng không thể độ những kẻ nửa vời, vô thần thì làm sao có kẻ giao giảng kinh lý tám điều răn ngừa đau khổ được. Ai mà lại ban phúc cho những người không tin vào thần thánh. Hãy nghe đi, đây là những cách thoát khỏi bể khổ cuộc đời, họ ra rả cái lý luận đã cũ rích ấy. Còn Inferus, thằng bé chỉ đơn giản muốn: tự do. Hai đôi mắt trao đổi nhau, nhưng mỗi người lại chỉ hiểu được một nửa trong ý của người kia. Nhưng Ave không biết rằng nàng đã đến là thắp sáng một ánh nến trong quyết định cuộc đời của Inferus khi nó đang rất khát, khát cái gì? Khát sự động viên. Nó chỉ cần có thế.

Liệu thiên đường có cất bước từ những ánh mắt tin tưởng. Ta niệm rằng đó là có. Và mỗi chúng ta là những người nắm giữ định mệnh của mình trên bước đường ta đi. Có rất nhiều lối rẽ, nhưng chỉ cần biết điểm đến, ta sẽ luôn đi được tới đó. Không gục ngã, không từ bỏ. Inferus cương quyết, nó quyết tâm, quyết định thẳng. Mọi thứ đến với một cái giá hoặc hậu quả, nó cũng sẽ tự nói cho bản thân nó biết. Đó là cái giầm nó phải trả. Bỏ lại nỗi đau buồn, bỏ lại tất cả, nhìn lại những sai lầm trong quá khứ và nhận ra, nó vẫn sẽ sống, để lại cơn đau, bỏ lại mọi thứ. Inferus có thể nếm được vị của sự quyết định mặn chát này, cái kết đến với chúng ta, nó chắc chắn sẽ làm được điều đó.

Bởi thế tác giả xin được phép nói về sự thật quá khứ như còn hiện tại. Inferus rời khỏi đó. Rời bỏ ngay những hành lang thẳng lối cột hàng, những chiếc cột nghiêng mình trải ra như dẫn lối cho nó. Thằng bé rẽ ngoặt rất nhiều bận, đi qua những hành lang bằng đá lạnh lẽo, nhưng nó nghe được nhịp thở của mình, phải rồi, nhịp tim của trái tim bằng vàng đang đập trong lồng ngực. Nó ra đi, rời khỏi nhà thờ Saint Joseph như một chú nai. Cách đi của chú có nhiều cái lợi, hình zích zắc là cách tốt nhất để đánh lừa ánh mắt săn mồi của người đời và để lại dấu vết chồng lấn ở những nơi đất mềm. Gặp trường hợp như vậy, trong đạo săn bắn, người ta gọi là hunting season, những điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Quyết tâm, vào đúng thời điểm. Bảy năm đau khổ trong tuổi thơ ấu đã rèn luyện cho nó một tâm hồn cam chịu. Và nó cũng đã ra quyết định cho số mệnh mình, Inferus chẳng thấy có gì đáng sợ nữa. Inferus cảm thấy bàn tay nó cũng đương như ở trong tay một người lớn hơn, một người vô hình, người ấy đương dẫn dắt nó đi. Nó không có kế hoạch, không có chương trình, không có dự tính, không có đường lui. Nhưng nó quyết tâm lắm.

Nó băng băng qua những dãy nhà. Cảnh vật mờ đi trước mắt. Nhưng bầu trời, sau làn nước mắt, trở nên trong veo một cách lạ kì. Và ngày bạn biết rằng bản thân mình là người tự do, bầu trời lại xanh trong đến thế. Nó qua lại nhiều đường phố chằng chịt, cảm nhận hành trình bản thân đi trong bóng râm của những mái ngói đỏ rực, những ô cửa sổ nức mùi cuộc sống, men theo điệu nhịp của ngoại ô dần dần đổi màu rực rỡ, theo những chiến thuật cao kỳ của bọn trẻ vùng quê, cứ băng theo đường ray thì sẽ tới được nơi chúng muốn, đó là ánh sáng, là con đường vàng xứ Oz, là con đường vinh quang, là con đường thành thị, con đường đấu tranh. Ánh nắng trải vàng ruộm trên bước chân rảo bước của chú bé. Chân chú đánh nhịp như là huýt sao vang lừng. Con chim nhỏ tưng bừng ấy là thế. Inferus có quay đầu lại không? Không. Có nhìn cũng chẳng ích gì. Người đang đau khổ có quay nhìn lại sau lưng bao giờ? Đứa nhỏ cắm đầu đi như thế trong hồi lâu, lang thang hết phố này sang phố khác, dường như nó quen thuộc vùng Fiji này lắm. Có phải nó cũng hay dành thì giờ đi lang thang mà ngẫm nghĩ hay không. Thằng nhóc con yêu thành thị, đô hội, nó cũng thích nơi vắng vẻ quạnh hiu.

Nó biết đây sẽ là nơi bắt đầu. Nơi mà nó nắm lấy sự thật. Nơi mà nó thuộc về. Đối mắt với mặt trời, để bóng tối ngã xuống sau lưng, không nhìn lại, hãy tiếp tục. Ánh nắng chạm nhẹ lên nụ cười tươi hơn mặt trời của thằng bé. Những ngôi nhà bên ngọn đồi bên bờ biển dần hiện lên. Từng ngọn sóng trắng đánh trào bọt tươi trên bãi đá nhấp nhô. Ở đây có những ngôi nhà đủ mọi màu sắc, và ô cửa sổ nào cũng kết bằng dây hoa, ở phía mỏm đá cao nhất còn có một ngọn hải đăng hình tháp tung cánh xếp lại thành đài sen, hàng ngàn cánh sen hồng ôm lấy nhau, nâng đỡ nhau, tỏa đến tận trời xanh. Ở bờ biển này người ta tôn thờ tượng phật Đức Mẹ và Chúa Hài đồng trên bậc đá trắng muốt hướng ra biển. Nơi có bức tường trải dài như con đường hoa với đủ mọi hình vẽ graffiti sắc màu, con người thể hiện mình ở đó, họ lát những viên gạch bé tí để thành tranh, thành con đường gốm sứ, họ thỏa sức sáng tạo ở nơi đó, những nền văn minh lập thể 3D từ thời trống đồng cứ vậy mà hiện ra cho tới tận con tàu Noah vươn mình ra biển.

Băng đôi chân trần trên bãi cát dài trắng muốt, sóng biển tràn qua chân nó, xóa đi dấu xưa cũ, băng qua những mỏm đá bụi bờ. Từ những cảng biển nước sâu lởm chởm đá tảng đến những bãi cát trắng phau được vỗ về bởi các con sóng êm dịu. Đưa mắt phóng qua cả những mặt đại dương xanh nhạt, xanh thẫm tùy độ nông sâu. Nhìn ngắm xem những người khổng lồ đã tạc nên bờ biển như thế nào. Lúc đó đang là giữa trưa một ngày hè nóng nực. Sắt thép của hàng ngàn chiếc thùng container khiến Inferus cảm thấy như rực cháy. Và biểu tượng ở đây là chiếc tàu đỏ chói, kiệt tác vĩ đại của loài người. Chiếc tàu của Solomon cũng như chiếc tàu của Christopher Colombus xưa kia. Sức mạnh của nó vô tận cũng như gió từ bốn phương. Nó chứa gió, chứa sóng trong buồm, nó tiến tới chính xác trên những làn sóng vô tận trải dài đến bao la, vượt biển động, vượt bão tố, ngự trị vùng biển, mang theo tham vọng thống trị tuyến đường biển xuyên Thái Bình Dương. Nó có hai động cơ hơi nước ngược pít tông bốn xi lanh và một tuốc bin Parsons. Những động cơ này làm quay ba chân vịt. Như sự quyến rũ của biển cả, Solomon's Revolution có ba cột buồm quay kích thước khổng lồ, và được trang bị ấn tượng hơn với phiên bản mới của hệ thống DynaRig bằng sợi cacbon. Nhờ 15 cánh buồm và diện tích buồm 2.400m2, chiếc thuyền dài này có khả năng đạt tốc độ tối đa 19,5 hải lý/giờ bất chấp kích thước khổng lồ của nó. Neo lại ngoài khơi Florida, thủy thủ đoàn của chiếc tàu mang tên Solomon's Revolution nhớn nhác dõi theo một thợ lặn vừa nổi lên. Họ bồn chồn lắm rồi. Có thể hôm nay cuối cùng sẽ là ngày mà tất cả chờ mong? Hay ước mơ của họ sẽ lại bị vùi dập một lần nữa? Lần lượt từng thợ lặn nổi lên, trên tay không có một thứ gì. Hết lần này đến lần khác. Có vẻ như dưới đáy biển chỗ đó chẳng có thứ họ chờ đợi. Thế rồi một thợ lặn nữa...Họ ăn nói như những tay lướt sóng thứ thiệt, giống như người Caribbean nói, là "Tới luôn!"

Một đại chiến hạm là sự phối hợp kỳ diệu của kỷ nguyên khoa học con người với sự chế ngự, điều khiển sức mạnh của thiên nhiên. Một con tàu khổng lồ là sự hợp nhất của khối lượng giữa cái gì nặng nhất và cái gì nhẹ nhất. Vì nó có quan hệ song song với ba hình thái của vật chất: thể rắn, thể lỏng và thể hơi. Đồng thời phải biết kiểm soát ba hình thái ấy. Nó có những bộ vuốt sắt khổng lồ để rẽ nước, bám đá dưới đáy biển. Có nhiều cánh hơn loài chim có thể hứng gió trên tầng mây. Hơi thở của nó thoát ra từ hơi nước, từ họng đại bác, như những cái kèn khổng lồ và dõng dạc trả lời cho sấm sét. Đại dương muốn nhấn chìm nó, muốn nó lạc đường trên mặt nước với đá ngầm, những dấu hiệu chưa được vẽ lên trên bản đồ. À ngày xưa người ta vẽ bản đồ thế giới từ việc định vị và ghi nhớ những hòn đảo, những dấu hiệu bất động trên mặt biển. Ấy vậy là ta hiểu con tàu cũng có một linh hồn. Đó là cái la bàn luôn chỉ hướng Bắc cho nó. Đó là ngọn hải đăng dẫn nó trở về nhà sau chuyến hải hành khắp vùng biển trên thế giới. Trong những đêm tối không sao, mặt biển phản chiếu ánh sáng đèn hiệu của nó cũng lấp lánh như là sao trời. Vậy là văn minh của con người. Để chế ngự gió, tàu có dây thừng và cột buồm, chống với nước thì có gỗ, với đá thì có sắt, chống với bóng tối có ánh sáng, chống với mênh mông vô định, có một cái kim nam châm.  

Không nói đến kỳ quan mới ấy, những chiếc ca nô đua mình trắng muốt vỏ sò thành hàng thành lối, đang buộc gọn neo mình ở đó. Phía sau ba dãy hàng ca nô và du thuyền là những chiếc tàu lớn. Chỉ có đắm mình thật sâu dưới làn nước mới thấy được mỏ neo, phải nhón chân thật cao mới thấy nổi cột buồm. Đưa mắt sang ngang thì lại thấy rõ dấu hiệu thời gian trong những hành trình trước đây, nhiều lớp vỏ sò, mai, hà dày cộm đã bám lên vỏ tàu, rêu mốc, ký sinh, nương tựa vào nhau vượt qua sóng biển. Tiếc nỗi những hệ tích này làm mất một nửa tốc độ của những con tàu. Các thủy thủ, công nhân phải đu mình trên chiếc dây để cạy hà, sau đó cho tàu đi biển lại. Nhưng việc cạy tàn tích này cũng làm thương tổn đến hệ boulomages ở vỏ tàu. Người miền Nam xưa có câu dao "Một lần cho tởn tới già. Đừng đi nước mặn mà hà ăn chân", ý khuyên can người dân phải cẩn thận khi đi ở vùng nước mặn bởi thân thể loài hà sắc như dao, bị cứa vào vô cùng nguy hiểm.

Nhưng tất cả công việc ngoài bến cảng này không chỉ có vậy. Khi đứng trước cái vĩ đại của thiên nhiên, sức mạnh vô tận triển khai để vượt qua những sự thăng giáng của cơn sóng, nó thường bắt con người phải suy nghĩ. Do đó mà sự tụ tập ở bến cảng xung quanh những công cụ ra khơi, công cụ đi tìm ước mơ, kho báu, cái công cụ cũng là chiến tranh và hàng hải ấy, tuy họ không hiểu thật rõ ràng. Nhưng ở đây là nhịp sống trên từng hơi thở, ngày nào cũng vậy, từ sớm đến chiều, các nột neo, cầu biển, các bờ bến đều chật ních những người nhảy múa, họ tắm mình trong tiếng ca lời hát, những quán ven biển say sưa chật ních thủy thủ, hải tặc.

Ai muốn có ý niệm về những thứ khổng lồ trong khung cảnh chói mắt rực rỡ hơn nắng ban trưa này có thể nhìn lên những trục buồm: cái trục gỗ to tướng dài chọc trời như tháp Babel ấy có một cột buồm cái. Nếu tính từ gốc ở đáy tàu lên tận đỉnh thì cột buồm cao ngót 120m, đường kính ở gốc là 1m. Cột buồm Tây Ban Nha, xứ sở nổi tiếng bởi những chuyến hải hành của mình, ngất ngưởng 70m trên mặt nước. Hải quân của ông cha ta là dùng dây cáp, hải quân ngày nay dùng xích sắt. Hàng trăm nghìn tấn sắt. Ba nghìn mét khối. Cả một vương quốc nổi trên mặt biển. Nên chú ý, đây là mới nói đến chiếc tàu từ những năm 1400. Tức là chiếc tàu buồm. Một vẻ đẹp cổ xưa pha lẫn với hiện đại. Lúc bấy giờ hơi nước còn đang ở bước đầu. Từ khi ấy đến thời kỳ cách mạng hơi nước đã đưa thêm vào chiếc tàu chiến tuyệt vời nhiều điều kỳ diệu mới. Người ta vẫn dễ dàng nhầm tưởng nó khai sinh ra cả một thời kỳ Cách mạng Công nghiệp. 

Quả thực, cứ nhìn mà xem, một buổi sáng, đám người đi xem tàu được chứng kiến những thủy thủ lướt sóng trên tấm ván của mình. Bọn thủy thủ đang buộc buồm vào trục. Những cánh buồm căng gió, chiếc Nuestra Senora de Atocha (Đức Mẹ Atocha) rời Tây Ban Nha, trực chỉ tới Caribbean. Chiến hạm oai phong này là một trong 28 chiếc thuộc đội tàu chở châu báu, đi lại như con thoi giữa Tây Ban Nha và các cảng chạy dọc ở Trung và Nam Mỹ. (Từ thập niên 1530, Tây Ban Nha tuyên bố chủ quyền ở phần lớn vùng đất này). Lúc đi thì chở vải vóc, rượu vang, dụng cụ và nồi niêu bát đĩa để tiếp tế cho thực dân Tây Ban Nha. Khi trở về, tàu chất nặng vàng, bạc đá quý vơ vét được ở thuộc địa. Nhưng giờ đây nó chỉ còn lại cái xác vỏ gần như nát bươm, cập bến ở một vịnh vòng vo ở Furcidisum trên Thái Bình Dương, nó không vượt qua được 7 mảng lục địa, không vượt qua được 7 đại dương. Trên mặt biển, cơn sóng dữ, bão tố, sấm chớp đã bẻ gãy cái trục buồm hai mươi mét của nó như một cọng rơm, gió uốn cong như một cây lau cái cột buồm 120m, chiếc neo một vạn cân đầm mình xuống cát biển như thể đi đến hồi kết của một con tàu thảm thương. Tàu của họ bị một con sóng cao tới 34m nhồi cho te tua. Sóng to hay nhỏ tùy thuộc vào gió. Tất nhiên gió càng mạnh thổi càng lâu thì sóng sẽ càng to, chắc chắn rồi. Và đó là một ngày cực kỳ sóng gió.

Bờ biển là thụ động hoặc chủ động thế thôi. Nghĩa là điều này cũng như con người. Phụ thuộc vào lượng sóng đánh vào bờ biển, người ta sẽ chia ra thành bờ biển có năng lượng cao, bạn sẽ thấy những con sóng đập liên hồi kỳ trận vào bờ biển. Còn ở những vùng biển có năng lượng thấp, bạn sẽ chỉ thấy những con sóng dịu nhẹ vỗ tràn vào bờ.

Những chàng trai với thân mình rám nắng, cơ bắp như đồng, rắn rỏi ôm theo bên mình chiếc ván lướt sóng. Hăm hở từ vùng nước nông, vượt những con sóng nhỏ và thấp, vươn mình sải tay, áp sát thân trên tấm ván lướt đi, cưỡi trên những con sóng trắng hợp vào nhau và trở nên cao hơn. Anh ta đang tìm cao trào, khi những con sóng chậm lại vì ma sát, đó là lực ngăn cản khi con sóng chuyển động qua đáy biển. Các nhà địa lý học gọi đó là "chạm đáy", "feeling the bottom", hãy thử nói với cô gái nào đó điều này. Người lướt sóng đứng thẳng mình trên tấm ván, làm chủ đường đi, cưỡi trên ngọn sóng lớn, thăng mình lên cao cùng tiếng biển. Anh ta ra đi nhanh, hăm hở mà trở về xoay mình, cuộn ván thành một đường tròn hoàn hảo, sóng rẽ ra, bắn tung bọt trắng xóa. Con người tắm mình cùng biển trở lại vào bờ, sóng cuộn mình ôm lấy người lướt đi bên trong nó một lần cuối. Thật là một cảnh tượng tuyệt vời, ở đó ta thấy tự do, người đó dường như chẳng còn sợ hãi điều gì cả. Một nhịp sống tràn lên trong đáy mắt Inferus. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro