Write 2 - Dáng Hình Của Ánh Dương

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Nằm trên dải khí hậu nhiệt đới, chẳng mấy nơi ở Việt Nam có thể thấy sự đổi thay rõ rệt của bốn mùa. Cũng vì đó, chồi nở đầu xuân, hạ đỏ buồn bã, thu nhuộm man mác, hay tuyết rơi mùa đông, những cảnh sắc tuyệt mĩ của bốn mùa hầu như mọi người chỉ có thể ngậm ngùi xem trên ti vi hay các trang mạng. Có thể là bởi vậy, tôi đặc biệt nặng lòng trước khoảnh khắc hai mùa giao ban, từ đó dành toàn bộ tâm huyết của mình vào hội họa. Với mong muốn có thể dùng cọ vẽ thay cho máy chụp, họa nên những bức tranh chân thực nhất về thời khắc giao mùa, và cả về mùa thu với nhiều hoài niệm. Có lẽ tôi không phải họa sĩ giỏi, những bức tranh tôi vẽ cũng chẳng phải hoàn hảo nhất, nhưng tôi đã vẽ nó bằng cả trái tim, đam mê, tình yêu, lí trí và cả sức sống của cuộc đời mình..."

Tôi lặng nhìn ánh nắng cuối cùng của ngày rơi trên bức tranh mà mình tâm đắc nhất, kéo một vệt sáng chảy dài theo từng đường nét cảnh vật trong tranh, rồi tắt đi khi vẫn chưa thôi luyến tiếc. Hoàng hôn đã kết thúc, thời điểm tốt nhất để thấy được cái tình trong tranh cũng đã qua. Tôi gượng cười trước những câu hỏi vồn vập của đám phóng viên, hầu như không có ý định trả lời bất cứ ai. Cho đến khi một câu hỏi khéo léo vô tình lọt vào tai, khóe môi tôi mới thôi hẳn nụ cười phép tắc.

"Diệp Thu, cho hỏi tại sao mấy năm nay cô không còn vẽ tranh giao mùa mà chỉ gói gọn đề tài trong mùa thu? Vì sao gần đây cô luôn tô cho tranh những gam màu khá nhạt nhòa? Nếu khán giả không yêu thích tranh của cô nữa, liệu cô có muốn đổi một phong cách vẽ khác hay không?"

Một câu hỏi xóc xỉa, nhưng khá hay. Trước kia không phải chưa từng có kẻ hỏi tôi câu này, chỉ là lúc đó tôi không biết nên trả lời ra sao. Có lẽ hoàng hôn hôm nay đẹp hơn thường lệ, nên tôi mới lựa chọn đưa ra câu trả lời mà công chúng mong ngóng bao lâu nay.

"Thật ra tôi vẫn vẽ khá nhiều tranh về đề tài giao mùa, nhưng không có bức nào ưng ý nên quyết định không đem chúng đến triển lãm nữa. Còn về màu sắc của tranh, tôi chỉ tô những gam màu cơ bản là bởi vì nhận thấy để ánh hồng hoàng hôn thay mình tô điểm cho tranh có lẽ sẽ tạo nên một cảm thụ hoàn toàn khác. Cũng có thể có nhiều người không tán đồng quan điểm này, và đại đa số khán giả sẽ chẳng còn thích tôi như khi xưa. Nhưng quả thật tôi chỉ vẽ theo cảm nhận của riêng mình, nên thay đổi phong cách vẽ thật sự là làm khó tôi rồi."

"Cho hỏi nếu thời tiết không đẹp như mong muốn, hoàng hôn cũng không có thứ ánh sáng hợp với màu sắc tranh thì cô sẽ làm sao ạ?"

Tôi nhìn về phía mặt trời đang dần khuất dạng, nhưng ánh hồng vẫn còn đang vấn vít trên các rặng mây, nhẹ nhàng đáp: "Tôi không thể chắc chắn ánh nắng mặt trời sẽ phù hợp với màu sắc tranh của mình, nhưng luôn tin trời không phụ lòng người, ngày mai, sẽ lại là một ngày nắng đẹp..."

Mặt trời lặn hẳn, triển lãm kết thúc, người tan, tiệc cũng tàn.

Ngắm nhìn bức tranh họa lá vàng rơi rụng mùa thu lần cuối trước khi kéo màn che, tôi bất giác cảm thấy lòng mình trĩu nặng, nghe đâu đâu tiếng bước chân của hoài niệm, của thứ cảm xúc chớm nở thời mới lớn ùa về trong kí ức.

Và tôi, bỗng dưng nhớ ra, hình như mình đã quên nói với cánh nhà báo nguyên nhân thật sự đằng sau những bức tranh nhạt màu...

__

Tôi sinh ra vào một ngày gần cuối thu, đúng độ lá vàng rơi rụng khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nghe mẹ kể, ngay từ nhỏ tôi đã là một cô bé thích cười. Nụ cười của tôi nhìn rất ngọt, rất trong, rất tròn, vậy nên bố mẹ gọi tôi là Nguyệt Thu.

Tôi vốn tưởng cuộc đời mình sẽ tươi sáng như chính cái tên mà bố mẹ ban tặng, nhưng hình như số phận là một thứ rất thích trêu đùa con người.

Năm lên tám, bố tôi mất.

Cũng là vào mùa thu, nhưng mới bước vào đầu mùa nên lá chỉ hơi chớm vàng. Tôi chẳng còn nhớ được mẹ đã suy sụp ra sao, bản thân đã khóc đến ngất xỉu bao nhiêu lần. Chỉ là sau những đớn đau cả về thể xác lẫn tinh thần ấy, chúng tôi vẫn buộc phải chấp nhận sự thật rằng người đàn ông đóng vai trò trụ cột nâng đỡ cả nhà nay đã ra đi.

Có lẽ mọi nỗi buồn của tôi đều bắt nguồn và diễn ra vỏn vẹn trong một mùa thu.

Còn nhớ hạ đỏ năm đó, chúng tôi vẫn là mẹ góa con côi. Nhưng đến đầu đông cùng năm, chung sống dưới mái nhà với chúng tôi đã xuất hiện thêm hai thành viên mới.

Ở cái tuổi trăng tròn dở dở ương ương, bộ não tôi hẵng còn chưa đủ trưởng thành để thấu hiểu gánh nặng trên đôi vai gầy guộc của mẹ, trái tim cũng chẳng đủ lớn để bao dung cho cái cô độc hằng đêm mà mẹ phải chịu đựng. Tôi chỉ biết nghe theo cảm xúc của bản thân, leo lên cây phong lá đỏ rực sau nhà ôm chân thút thít khóc. Tôi giận mẹ. Giận lâu thật lâu.

Thời gian là thuốc chữa lành vết thương, nhưng mấy ai hay biết, dòng chảy thời gian chỉ có thể xoa dịu vết xước ngoài da. Còn tổn thương sâu trong tâm trí hay lồng ngực, mãi cũng chẳng thể xóa nhòa.

Tôi đã dần chấp nhận cuộc sống bốn người, nhưng không muốn hòa hợp hay thân thiết với bố dượng và người anh trai hơn tôi hai tháng tuổi. Thậm chí đến gương mặt họ tôi cũng chưa từng nhìn thẳng một lần. Tôi ghét họ, chỉ là làm ra vẻ không ghét mà thôi.

"Nguyệt Thu, học Đại học xa nhà nhất định phải biết tự chăm sóc bản thân. Hải Nam, con là anh trai, phải biết bảo vệ em gái, tuyệt đối đừng để bất cứ thằng nào léng phéng tới gần em con, có biết chưa?"

Tôi gật đầu lấy lệ, cảm thấy bản thân quá vô cảm trước thời khắc chia li. Ánh nhìn của hai mẹ con giao nhau, mẹ mỉm cười, nếp nhăn hằn sâu bên khóe mắt: "Đi đi, thực hiện ước mơ của con, bao giờ mệt thì quay về tìm mẹ."

Đây không phải lần đầu tôi xa nhà, mà kể từ lần đầu bước chân lên cấp hai tôi đã quen với việc nội trú trong trường. Đưa ánh nhìn ra xa xăm bên ngoài khung cửa sổ xe buýt, tôi hít một hơi thật sâu, cố kìm nén cảm xúc hưng phấn đan xen lo sợ ngự trị trong trí óc bấy giờ.

"Nghĩ gì thế?"

Đến nay, thói quen không nhìn mặt anh trai vẫn chưa thể từ bỏ. Bởi vậy mà tôi chỉ có thể nhớ mang máng đường nét khuôn mặt anh ta, còn lại đều dựa vào giọng nói để phân biệt. Nếu nhận xét một cách công bằng, âm điệu trầm khàn trong giọng nói của Hải Nam thật sự có vài nét tương đồng với bố tôi. Vậy nên dù không nhìn mặt, tôi vẫn không bài xích chuyện đối thoại với anh ta.

"Không liên quan đến anh."

Hải Nam bật cười, đưa tay xoa xoa mái tóc đã dài đến ngang hông của tôi: "Bao giờ em mới thôi kiểu ăn nói cộc lốc với anh đây hả?"

"Chúng ta vốn bằng tuổi, vì sao tôi phải dùng kính ngữ với anh?"

Lại một tràng cười, mái tóc tôi bị xoa đến loạn xạ lên. Nhưng Hải Nam đã thôi không bắt tôi dùng kính ngữ với anh ta nữa.

Lấy ra chiếc lược mà bản thân đã sớm để trong túi xách, tôi mặc kệ ông anh trai đang chống cằm nhìn mình bên cạnh, đưa tay chải lại mái tóc buông xõa rồi buộc gọn gàng chúng lên. Thật ra mấy năm qua anh vẫn luôn bao dung cho sự chống cự của tôi, bất kể tôi hỗn láo với dượng hay xem Hải Nam như không khí, kết quả cuối cùng luôn là anh đứng ra thay tôi nhận lỗi. Tôi không hỏi anh tại sao, Hải Nam cũng chẳng nói với tôi lí do. Chỉ biết hình như anh rất thích xoa đầu tôi, bất cứ khi nào, bất kể ở đâu.

Cuộc sống đại học nói cho cùng thì vẫn không vui vẻ bằng hồi học cấp ba. Hoặc có thể do mỗi ngày tôi đều trôi qua ở phòng tranh, đến giờ giới nghiêm của kí túc mới lết xác trở về phòng ngủ nên mới có nhận định như vậy. Những cuộc chạm mặt với Hải Nam giờ đã trở nên hiếm hoi. Ngược lại, gần như ngày nào tôi cũng gặp Hoàng Quân, và ngồi bên cậu cho đến khi tối mịt.

Nếu như Hải Nam trở thành mảnh ghép trong bộ ghép hình mang tên gia đình tôi một cách khiên cưỡng, thì Quân lại đến bên tôi một cách bình yên và nhẹ nhàng như cách mà mỗi lần mùa thu đến. Chúng tôi biết nhau qua những cái gật đầu chào hỏi, thân nhau bởi cùng chung đam mê hội họa. Nhưng có lẽ cảm xúc bồn chồn hồi hộp khi nói chuyện với nhau, chỉ riêng mình tôi có.

Không chỉ là người có tài năng nhất lớp mỹ thuật, Quân còn là cậu bạn điển trai mê đảo hàng ngàn thiếu nữ. Bất cứ nơi nào có cậu xuất hiện, cảnh vật xung quanh bỗng chốc trở nên nhạt nhòa. Cảm giác mà cậu mang lại cho tôi không một chút an toàn, nhưng tôi lại chẳng đủ khả năng tự kéo mình ra khỏi vũng lầy cám dỗ.

Tôi bây giờ đã đủ lớn để hiểu được thứ tình cảm bồi hồi lúc này được gọi là gì. Có điều trái tim tôi dường như vẫn mềm yếu như khi còn bé, chỉ biết ôm nỗi niềm giấu nhẹm vào trong.

Nếu người khác lựa chọn viết nhật kí để bộc bạch tâm tình, thì riêng tôi lại dành cả tâm tư để khắc họa nên bức chân dung của Quân trên tờ giấy vẽ đã hoen ố những màu sắc loang lổ. Dù nhiều lần nhìn lén cậu, nhưng thứ đọng lại trong trí óc tôi không đủ để có thể ghép lại thành một bức chân dung hoàn chỉnh. Tôi chỉ có thể mỗi ngày để ý đến cậu nhiều một chút, khi thì đôi mắt biết cười, khi thì chiếc mũi cao thẳng, lúc lại là khóe môi mỏng gợi cảm. Từng đường nét trên khuôn mặt cậu bắt đầu thành hình dáng xác định, cho đến khi mái tóc được "tỉa tót" cẩn thận sao cho thật giống với nguyên mẫu của Quân ngoài đời, thì bức chân dung đầu tiên tôi dùng cả tâm huyết và cẩn thận trong từng chi tiết rốt cuộc cũng đã hoàn thiện.

Nhìn tác phẩm do chính mình tạo ra, nhìn góc nghiêng thần thánh của cậu bạn trong tranh, không hiểu sao tôi lại rơi nước mắt, suýt chút đã không kiềm chế được mà chạy tới ôm tranh khóc tu tu như con dở người.

Tôi cuốn bức tranh lại, cho vào hộp và đặt nó ngay ngắn ở đầu giường. Tôi cũng chưa từng nghĩ đến mình sẽ công bố bức tranh, vì lá gan không cho tôi đủ can đảm, và cũng vì tôi muốn giữ nó lại cho riêng mình. Yếu hèn, ích kỉ cũng chả sao. Chỉ cần không gây phiền phức cho Quân, không phá vỡ và làm khoảng cách giữa chúng tôi ngày một xa hơn, tôi đều chịu được cả.

"Em gầy đi nhiều đấy, nhóc con."

"Không cần anh lo."

Hải Nam lại xoa đầu tôi, chừng lát sau, anh nhét vào tay tôi một hộp cơm hẵng còn nóng, vỗ vỗ vai tôi một cách trịnh trọng, nhưng lời nói ra lại không một chút đứng đắn: "Em biết không, bộ dạng ốm yếu của em bây giờ thật sự rất giống một con ma bị bỏ đói, gầy đến trơ xương. Nếu còn không ăn, anh sợ em sẽ thật sự không còn sức mà gân cổ cãi nhau với anh như bây giờ nữa đâu."

Tôi bĩu môi, chẳng nâng khóe môi nở một nụ khuyến khích cho trò đùa nhạt nhẽo của Hải Nam. Nhưng dưới sự ép buộc của anh, tôi vẫn phải xơi hết một hộp cơm đầy, hai cái đùi gà nướng, và nốc cạn thêm một lon coca cola trước khi cơn buồn ngủ kéo đến khiến tôi ôm chân co ro thiếp đi.

Nắng tắt nơi phía chân trời, tôi say ngủ trên bờ vai săn chắc của Hải Nam. Nhưng lạ thật, dù nắng đã tàn, tôi vẫn cảm thấy ấm áp như được ánh dương rực rỡ soi rọi.

.

Bốn mùa đầu tiên của năm nhất đại học lặng lẽ trôi qua, mối quan hệ của tôi và Quân vẫn dậm chân tại chỗ. Ngoài những lúc kề vai nhau bên bàn vẽ, chúng tôi chẳng có mấy dịp được nói chuyện riêng, nếu có, cũng chỉ xoay quanh đề tài mỹ thuật và kĩ năng hội họa.

Ngày cuối tuần, được dịp rảnh rỗi hiếm có, tôi quyết định xách bàn vẽ ra ngoài vẽ tranh giải khuây. Tốn hơn nửa ngày mới xem như hoàn thiện bức tranh phong cảnh mùa thu, đang định thu dọn họa cụ, tôi suýt rớt ghế khi bên tai bỗng vang lên tiếng thì thầm: "Lúc nào tập trung vẽ tranh là cậu lại không biết trời trăng mây gió như thế à? Tớ gọi cậu gần chục lần mà chẳng thấy cậu phản ứng gì cả."

Tôi hơi xoay đầu theo phản xạ, hơi thở ấm nóng của Quân bỗng thổi đến bên má, tôi ngượng ngùng đưa mắt sang hướng khác, trả lời lấy lệ: "Cậu gọi tớ à? Có chuyện gì không?"

Hoàng Quân gật đầu, nhưng không lên tiếng mà chỉ đưa tay xoa cằm, chăm chú nhìn tác phẩm mới hoàn thành của tôi như có điều suy nghĩ. Chậm mất vài giây, tôi mới ngớ ra, vội vàng bật dậy tháo kẹp cố định và lấy tranh ra cuốn bỏ vào hộp.

Quân bật cười nhìn vẻ luống cuống của tôi, đợi tôi thu dọn xong họa cụ mới lên tiếng nhận xét: "Tổng thể tranh của cậu chưa hài hòa, phối màu cũng không tốt lắm. Nhưng phần cảnh vật, nhất là những chiếc lá vàng cậu vẽ lại rất có hồn, khiến cho người xem như cảm nhận được ý không cam tâm của phiến lá khi bị rơi rụng trước quy luật tuần hoàn. Nếu chú ý hơn ở phần phối màu tổng thể, có lẽ lần sau tranh cậu vẽ cũng được trưng bày ở triển lãm của trường cũng không biết chừng."

Tôi mở to hai mắt, cố nhìn rõ biểu cảm khuôn mặt Quân để chắc chắn rằng cậu không phải đang đùa giỡn. Xưa nay trong lớp Mỹ thuật, tôi là kẻ kém nhất ở khoản vẽ người, vẽ tĩnh vật hay tô nét đậm nhạt có lẽ cũng chỉ sàn sàn. Vậy mà hôm nay Hoàng Quân lại cho rằng tranh phong cảnh của tôi có thể đem đi triển lãm, liệu có phải tôi đang mơ, hay đơn giản là trò đùa nghịch ngợm của cậu bạn thiên tài?

"Cậu... cậu nói thật sao?"

"Xem cái mặt cậu kìa, bất ngờ đến thế sao? Đi thôi, hiếm có dịp ra ngoài, tớ mời cậu một bữa."

Duyên phận của người với người đôi khi thật diệu kì, trước kia dù tôi nỗ lực tiến về phía Hoàng Quân, thì khoảng cách chúng tôi chỉ có xa hơn chứ chưa bao giờ được rút ngắn. Còn bây giờ vốn là cuộc chạm mặt tình cờ, lại bền chặt và gắn bó dài lâu ngoài sức tưởng tượng.

Kể từ đó, hai cái tên của chúng tôi luôn được gắn liền với nhau, dù chỉ với danh xưng là bạn bè, hoặc kỳ phùng địch thủ.

Cùng tham gia nhiều cuộc thi hội họa, cuộc chiến trên trường vẽ của chúng tôi chưa bao giờ có hồi kết, trái lại thứ tình bạn "trong sáng" cũng trở nên thân thiết một cách kì lạ. Đại đa số cuộc thi đều là Hoàng Quân chiếm ngôi vương, chỉ có đôi ba lúc gặp may, tôi mới thắng cậu một cách không lường trước.

Lạ một điều, cuộc thi duy nhất tôi giành được quán quân, lại là về đề tài phong cảnh. Nhận xét của giới chuyên môn gần như tương đồng với Hoàng Quân khi xưa. Sau lần đó, tôi lấy cái tên Diệp Thu để làm chữ kí và hoạt động nghệ thuật.

.

Trời giăng cơn mưa như trút nước, hai hàng cây nhiễm đầy khói bụi bên đường đều được nước mưa gột rửa đến sạch sẽ. Tôi ôm chiếc mũ tốt nghiệp chưa thể vung lên để chụp ảnh, nuối tiếc nhìn làn mưa phủ lên bầu trời một màu trắng buồn bã.

"Lần cuối trước khi chia li
Thốt không nổi lời từ biệt
Im lặng không có nghĩa là ngừng
yêu thương
Chỉ là như vậy mới nghe rõ nhịp đập con tim thổn thức..."

Tôi không về quê như dự định ban đầu, mà lưu lại Hà Nội để tìm kiếm cơ hội phát triển. Hải Nam thì không, ngay sau ngày tốt nghiệp anh đã vội vàng cuốn gói mua vé xe về nhà, chỉ để lại một câu "sẽ quay lại sớm" cho tôi rồi mất dạng. Bên tôi lúc này, chỉ còn lại Hoàng Quân cũng đang dốc sức làm việc, mục đích cũng gần như giống tôi hoàn toàn.

Sau tháng ngày cực nhọc tìm kiếm nhà xuất bản để in tập tranh, cuối cùng một nhà đầu tư họ Nguyễn đã lựa chọn một tốp họa sĩ trẻ trong đó có tôi và Hoàng Quân. Nguồn kinh phí đầu tư không lớn, chỉ vỏn vẹn đủ cho một người mở phòng tranh. Cuộc ganh đua khốc liệt lúc này đã chẳng phải là vì danh tiếng, mà dần bị mài mòn trở nên thực tế hơn, đơn giản chỉ là vì chén cơm cả thôi.

Triển lãm đầu tiên của phòng tranh dưới sự đầu tư của ông Nguyễn, không dành cho riêng bất cứ ai trong số chúng tôi, mà là cho tất cả. Mỗi họa sĩ được phép đóng góp từ ba đến mười bức tranh, sau khi thảo luận đánh giá chất lượng thì chọn lấy ba bức để đem đi trưng bày. Sau khoảng bốn triển lãm như thế, ông Nguyễn sẽ dựa vào mức độ yêu thích tranh của công chúng để quyết định chọn ai làm người ở lại cuối cùng.

Lần đầu cọ xát với cuộc ganh đua có mức độ khó cao như vậy, tôi khó tránh có những lo lắng và bồn chồn nhất định. Đề tài ban tổ chức đưa ra là tự do, có nghĩa chỉ cần không quá trừu tượng hay phản cảm thì đều có thể đưa đi dự thi. Tôi không dám mạo hiểm thử sức với các đề tài khác, bởi thế mạnh của tôi chỉ gói gọn trong đề tài phong cảnh. Quan điểm của tôi luôn lấy ổn định làm đầu, nên tôi cho rằng làm tốt cái mình giỏi mới là điều quan trọng nhất.

Hà Nội đang độ giao mùa, ve sầu dần thôi râm ran trên những tàng cây, chừa chỗ cho những cơn gió heo may nhẹ lay từng chiếc lá vừa chớm vàng, hoa sữa đang hé những nhụy đầu tiên đón chờ một ngày thích hợp để nở rộ. Mùa thu hãy còn chưa làm chủ được không gian, đâu đây còn vương chút hương vị của hè còn đọng lại. Đó là thời khắc giao mùa, là nơi tinh túy hai mùa giao ban đổi ca. Tất cả những điều giản đơn nhưng đặc biệt ấy, mỗi thứ một chút, mỗi ngày một chút, hòa quyện và đan xen dần lên bức tranh. Có hạ đỏ, cũng có thu man mác. Có rực rỡ, cũng có dịu nhẹ. Có tiếng ve, có cả hơi gió. Có khoảng trời xanh trong vắt ngày mùa hạ, cũng có ngày thu ngập nỗi trữ tình.

Có tôi, và có cả Hoàng Quân.

Ba bức tranh tôi dự thi đều thuộc cùng một đề tài phong cảnh, nhưng bức tranh giao mùa mới thực sự gây nên nỗi thương nhớ. Có lẽ bởi vậy mà nó được xếp vào hai bức tranh gây chú ý nhất triển lãm lần này. Bức còn lại nhỉnh hơn một chút là của Hoàng Quân. Cậu hầu như không có thế mạnh nổi trội, bởi đề tài nào cậu cũng vẽ tốt. Cũng vì thế, chỉ một giọt nước mắt trên khóe mi người con gái trong tranh của cậu cũng có thể gây nên cơn sốt một thời.

Sau buổi triển lãm, tôi rủ Hoàng Quân đi ăn mừng sau thắng lợi của cả hai. Quán ăn lề đường nay đã trở thành thói quen với hai kẻ thiếu tiền lẫn cách ăn nói lịch sự như chúng tôi.

Thấy tôi không mấy tập trung, Quân giở trò búng nhẹ trán tôi, giọng cười cợt: "Ngắm tớ đến mê mệt luôn rồi à? Lại còn không chớp mắt cơ đấy."

Tôi xì mũi khinh thường, bĩu môi vờ chê bai: "Lại nổi tính tự mãn lên rồi, gớm chết được. Ai mà thèm ngắm cậu? Cậu có điểm nào hấp dẫn hơn xiên thịt nướng phía sau hay sao?"

Quân đưa mắt ra sau lưng, khi bắt gặp chủ quán đang bê đĩa thịt nướng đến chỗ chúng tôi thì chỉ biết cười cười phỉ nhổ tôi là đồ có ăn quên bạn. Thật ra nếu để tôi nói thật lòng mình, thì có cho tôi cả trăm xiên thịt nướng đủ thể loại, vẫn chẳng bằng một nụ cười ngọt ngào của Quân. Nhưng xỏ xiên và đâm chọt nhau là cách duy nhất để duy trì mối quan hệ bạn bè thân thiết, đó đã trở thành thói quen, mà thói quen thì thật sự rất khó bỏ.

Đến nay tôi vẫn chưa thể thốt nên lời yêu với Quân. Có đôi khi im lặng không có nghĩa là ngừng yêu thương, chỉ là giấu nhẹm tình cảm ấy sâu trong đôi ba cái đụng chạm của bàn tay gầy guộc hay bờ vai hao gầy. Nhưng trong yêu thương, im lặng là gần như mất hết tất cả, tôi đã chậm chân hơn ai kia. Thắng làm vua thua làm giặc, tôi chẳng thể làm gì hơn ngoài nhìn cậu khoác vai người bạn gái xinh đẹp. Cô ấy là Lan, cũng là một họa sĩ. Họ đứng bên nhau rất đẹp đôi, trai tài gái sắc. Có lẽ nếu hoán đổi vị trí bên cạnh Quân lúc này thành tôi, cũng chẳng có được sự xứng đôi vừa lứa như Quân và Lan lúc này.

Nước mặt nghẹn lại, chảy ngược vào tim, thứ phát ra từ cổ họng chỉ có âm thanh khàn đục chát chúa của một kẻ muốn say nhưng say chẳng được. Trước khi bị một người xách cả cơ thể mình lên vai, tôi vẫn kịp nhận ra giọng nói trầm khàn cùng đôi bàn tay sần sùi khác hẳn đôi tay đẹp đẽ đầy mùi nghệ thuật của Quân. Thì ra đến cuối cùng, bên tôi không phải mối tình tròn năm năm âm thầm cất giấu, mà là người anh trai không cùng huyết thống tôi đã không nhìn mặt suốt mười năm qua.

Vùi mặt sâu vào bả vai anh, tôi để mặc nước mắt lăn dài trên gò má, thấm xuống cả vạt áo còn vương hơi lạnh từ chuyến đi xa của anh.

"Nhóc con, lần đầu uống rượu phải không?"

Tôi đan vòng tay siết chặt quanh cổ anh, ừ hử một tiếng trong khi thản nhiên quẹt nước mũi vào vai áo Hải Nam.

"Cái con bé này, bẩn chết được."

"Bẩn thì bẩn... mai em giặt trả cho là được chứ gì?"

Hải Nam sững người, khựng lại chẵn mười giây trước khi bước tiếp. Tôi nghe tiếng thì thầm vọng lại trong cơn gió heo may thổi ngược: "Bị thương rồi mới biết ngoan ngoãn, sau này không cho em yêu đương nhăng nhít gì nữa hết, tránh để đến lúc bị bỏ rơi lần nữa em lại choàng vai bá cổ nói yêu anh thì chết."

Tôi cười sặc sụa, chẳng đợi bị bỏ lần thứ hai thì tôi đã muốn nói yêu anh rồi.

"Anh, anh sẽ không ghét em, không bỏ rơi em như cậu ta chứ?"

"Ngốc, anh là anh trai của em, làm sao nỡ bỏ rơi em đây? Anh giờ nghèo rớt mồng tơi rồi, sau này còn phải trông cậy em nuôi cái thân già này đấy. Nếu mà có ghét, anh cũng phải bán em đi đổi lấy vài đồng tiêu vặt."

Thứ cảm giác đau như chết đi sống lại lúc nãy giờ bỗng biến mất tăm, tôi hậm hực đấm liên hồi vào ngực Hải Nam: "Em mà chỉ đáng có vài đồng thôi á?"

"Đúng rồi. Thậm chí có lừa em sang Trung Quốc bán xong chắc còn không đủ tiền mua vé xe về nước mất."

"Anh nghiêm túc một tí đi có được không?"

"Anh đang nghiêm túc mà... Á... đau đau. Cái con ranh này, còn véo tai nữa là anh buông tay cho em rớt xuống đường ngồi chơi với kiến luôn đấy."

"Em không sợ... Ơ này này, anh tính làm thật đấy à?"

"Chứ chẳng nhẽ anh lại đùa?"

"Không được buông, không được buông... em sai rồi, anh xin lỗi em đi..."

"Ranh con..."

Có lẽ sẽ đến một lúc bạn nhận ra, người ngoài cho dù có đối tốt với bạn hơn nữa thì vẫn là người ngoài. Tâm tư của bạn chưa chắc họ sẽ thấu hiểu, nỗi buồn của bạn chưa hẳn họ sẽ chia sẻ. Đừng vội tin người đưa tay cứu bạn đầu tiên khi bạn rơi xuống vực thẳm, mà hãy xem đâu là người cuối cùng bên bạn lúc gian khó.

Dù không chung huyết thống, thì người thân, rốt cuộc vẫn là người thân.

.

Có thể ngay từ lúc sinh ra đời, số phận của tôi đã gắn liền với lá vàng mùa thu, cho dù có đẹp hơn nữa, thì cuối cùng cũng chịu cảnh rơi rụng trước ngày đông tràn về.

Căn bệnh rối loạn thị giác ập đến, ngay khi buổi triển lãm tranh quyết định chọn ra người có được sự đầu tư của ông Nguyễn chỉ còn đúng một tháng nữa là bắt đầu. Tôi đã khó lòng phân biệt màu sắc, nói chi đến việc tiếp tục con đường hội họa?

Tôi suýt ngất ngay khi nghe lời chẩn đoán của bác sĩ, Hải Nam đỡ lấy vai tôi, lại cõng tôi về phòng trọ như tuần trước đã từng.

"Em muốn tiếp tục vẽ, có đúng không?"

Tôi thều thào đáp "vâng". Hải Nam lặng người, trầm ngâm suy nghĩ. Một ngày sau, anh nói với tôi, rằng anh sẽ giúp tôi nhận dạng màu sắc, làm đôi mắt, cũng đồng thời làm niềm hi vọng của tôi.

Tôi lại vẽ. Vẽ dưới sự giúp sức của Hải Nam. Anh dùng khả năng ngôn ngữ của bản thân để chỉ rõ từng màu sắc của cảnh vật, dẫu những bức tranh hỏng của tôi đã nhét đầy sọt rác, tôi vẫn chẳng thấy Hải Nam than phiền hay bực dọc. Anh vẫn bao dung cho đứa có tính tình khó chiều như tôi, vẫn dành thời gian bên tôi hai tư trên hai tư, vẫn choàng tay ôm gọn tôi vào lòng vỗ về khi tôi nóng ruột đến mức bật khóc.

"Em nhất định sẽ làm được, đừng lo lắng. Nào, chúng ta thử lại."

Tôi đã hoàn thành bức tranh cuối cùng trước triển lãm một ngày. Tâm huyết mà tôi dồn vào bức tranh giao mùa lần này còn nhiều hơn cả bức đầu tiên ở triển lãm lần trước, nó không chỉ là tác phẩm có được từ sự nỗ lực của tôi, mà còn là công sức bao đêm cùng tôi thức trắng, cần mẫn chỉ dẫn từng đường nét màu sắc của Hải Nam.

Tôi đã mong chờ ngày tác phẩm "Ánh dương đầu đông" được trưng bày dưới sự chứng kiến của đông đảo công chúng, hi vọng công sức mà chúng tôi bỏ ra là không vô nghĩa. Ấy thế mà đêm trước ngày triển lãm, mọi ước mơ của tôi đã tàn rụi, như cái cách mà "Ánh dương đầu đông" cháy dần từ mép tranh đến khi hóa thành tro tàn ngay trước mắt tôi.

"Cô không thể trách tôi... người không vì mình trời chu đất diệt... tôi... tôi chỉ là muốn Hoàng Quân là người cuối cùng được chọn... Sau này, đợi chúng tôi nổi tiếng, đợi chúng tôi có tiền rồi, tôi nhất định sẽ trả lại cô những gì hôm nay tôi lấy..."

Đó là lời biện hộ của kẻ hủy hoại, của cô gái xinh đẹp dịu dàng nép trong vòng tay của Hoàng Quân ngày nào. Nếu hôm nay tôi không xin phép đến đây xem tranh lần cuối, nếu không phải Hải Nam nghe thấy tiếng bước chân, thì có lẽ ngày mai tôi còn điên dại hơn khi thấy bức "Ánh dương đầu đông" của mình nay lại được thay bằng một bức tranh phong cảnh tầm thường.

Cháy rồi, chẳng còn gì nữa.

Sau giây phút sững sờ, tôi vùng chạy khỏi tay Hải Nam, lết từng bước một đến bức tranh nay chỉ còn là bãi tro tàn. Cố lượm lặt từng mảnh giấy hóa tro, nhưng lại phát hiện bản thân đụng đến đâu giấy sẽ rã ra đến đó. Một làn gió thu thổi qua, tôi run run mở lòng bàn tay, ngoại trừ một lớp tro màu xám bám lên bề mặt, trong tay tôi chẳng còn gì. Gió đã mang tranh của tôi hóa thành cát bụi, bay đến những miền đất xa xôi.

Nước mắt đã chẳng thể ngăn nổi, từng dòng lệ tuôn trào như chưa bao giờ được khóc. Tôi đau đớn gào lên trong vô vọng.

Tranh của tôi, cháy rồi.

Hi vọng của tôi, mất rồi.

Ước mơ của tôi, hết rồi, hết thật rồi.

Lan đã chạy đi từ lúc nào, Hải Nam có lẽ cũng đã đuổi theo để bắt lấy cô ta. Thế giới giờ đây chỉ còn mình tôi, bị bao trùm bởi màu đen của tuyệt vọng.

"Phải rồi... người không vì mình, trời tru đất diệt... Nếu đã vậy, thì cùng hóa cát bụi hết cả đi..."

Tôi chẳng còn nhớ được bản thân đã xông vào phòng bảo vệ lấy đi chiếc bật lửa như thế nào, cũng chẳng thể nhớ mình mồi lửa ra sao. Thứ in đậm trong trí nhớ mà thời gian cũng chẳng thể xóa nhòa, là hình ảnh cả phòng tranh rực lên bởi màu đỏ của lửa. Da thịt tôi nóng lên như thể sắp cháy đến nơi, hơi thở trong lồng ngực cũng dần tắt nghẽn lại. Khoảnh khắc đổ gục xuống góc tường, tôi mặc dòng lệ tuôn rơi trong khi đang cười đến điên loạn, bỗng dưng cảm thấy bản thân thật nực cười.

Kẻ gián tiếp khiến mình ra nông nỗi này, tôi lại nhớ như in từng đường nét trên khuôn mặt cậu ta, không sót một điểm. Nhưng người kéo tôi ra khỏi biển lửa, thay tôi che chắn mọi thương tích, là ánh sáng mang đến cho tôi hi vọng, thì tôi lại chẳng thể nhớ được khuôn mặt anh chính xác là như thế nào, chỉ có đôi ba hình ảnh nhạt nhòa lặp lại, hết lần này đến lần khác, hết lần này đến lần khác...

Tôi, đã chết rồi sao?

"Tại sao em lại cắt tay? Em không muốn sống nữa hả? Em nỡ bỏ lại anh và bố mẹ hay sao?"

"Tranh mất rồi có thể vẽ lại, nhưng chết là hết. Em đã suy nghĩ kĩ chưa?"

"Được, nếu đó là điều em muốn, anh sẽ chết cùng với em..."

***

"Bệnh nhân nữ động mạch cổ tay vẫn còn hiện tượng xuất huyết, lượng máu mất đi đã đạt đến tình trạng báo động... mau chuẩn bị tiến hành truyền máu..."

"Bệnh nhân nam bị tổn thương gương mặt nghiêm trọng do bị vật có sức nóng quá mức cho phép va chạm mạnh... sống mũi hiện đã gãy, lượng khói hít vào phổi đã gần đạt đến ngưỡng giới hạn, mau chuẩn bị phương pháp tiến hành lọc khí..."

.

"Nghe tài xế Lê nói từ lúc rời khỏi phòng triển lãm thì em đã bắt đầu thất thần, rốt cuộc là lại đang nghĩ lung tung cái gì nữa thế?"

Tôi đặt dép gọn lại một bên, khoác tay Hải Nam kéo anh vào nhà: "Em đang nghĩ... tối nay nên nấu món gì để tẩm bổ cho anh, gần đây hình như anh lại gầy đi rồi."

Hải Nam cười cười, đưa bàn tay không bị tôi chiếm giữ lên xoa xoa má, sau đó lại chuyển sang véo má tôi: "Anh không gầy, là em gầy đi mới đúng. Nhưng mà chuyện này không đáng quan tâm, dù sao nấu lên thì hai anh em chúng ta cũng cùng ăn cả thôi. Trọng điểm là, em rốt cuộc đã nghĩ ra nên nấu món gì chưa?"

Tôi cắn môi ngẫm nghĩ nửa ngày trời, quyết định đánh trống lảng: "Bố mẹ không có nhà hả anh? Họ lại đi hưởng tuần trăng mật muộn nửa rồi à?"

"Kệ họ, anh đói lắm rồi, em mau nấu cơm đi."

"Thái độ gì đây? Anh ra lệnh cho em đấy à?"

"Chẳng phải em đã nói sẽ chăm sóc anh cả đời hay sao? Nói thì phải giữ lời, mau đi nấu cơm, nhanh."

Tôi lắc đầu cười, cẩn thận dắt tay Hải Nam vào nhà. Đợi anh an toàn ngồi lên ghế sofa, tôi mới quay lưng vào bếp nấu đồ ăn.

Cuộc hỏa hoạn năm đó đã lấy đi thị giác của Hải Nam, thay vì buồn rầu hay tuyệt vọng, anh lại mặt dày bắt tôi phải nuôi và chăm sóc anh cả đời, không được chê anh phiền, không được chán ghét anh,... đủ mọi loại yêu cầu, bất kể nó có vô lí ra sao, tôi đều đồng ý.

Nhưng việc anh mất đi khả năng nhìn không làm tôi đau lòng bằng việc gương mặt Hải Nam bị tổn thương quá lớn dẫn đến một số biến dạng nhất định. Biến cố này khiến tôi chẳng còn cơ hội được ngắm nhìn khuôn mặt toàn vẹn của anh được nữa. Bởi vậy mà màu sắc tranh của tôi chỉ còn lại những gam cơ bản nhạt nhòa.

Nếu ánh dương hi vọng vốn nhạt nhòa, vì sao phải vẽ rắn thêm chân, tô màu rực rỡ như bôi hoa trét phấn?

"Này, em xong chưa vậy?"

"Xong rồi xong rồi, ra ngay đây."

Hải Nam vẫn nằm ườn ra trên sofa, chẳng buồn nhúc nhích, tôi đành phải lấy thảm lót ngồi dưới sàn, đút từng miếng cơm cho anh như thể kẻ hầu người hạ.

"Hải Nam, thật ra em vẫn luôn muốn hỏi, vì sao anh lại đối tốt với em như thế?"

Tay anh lần mò lên đầu tôi xoa xoa, giọng anh như chìm vào miền hồi ức xa xăm: "Có một hôm, anh vừa chuyển đến chỗ ở mới với bố, trong lúc đi quan sát chung quanh thì nghe thấy tiếng khóc thút thít của ai đó. Anh đứng dưới gốc phong có màu lá đỏ rực, lặng lẽ nhìn cô gái nhỏ chôn mặt vào đầu gối rơi nước mắt. Kể từ khi biết cô gái đó là người em gái mới của mình, anh đã dặn lòng nhất định không để em một mình chống chọi với tổn thương, đem nỗi buồn cất giấu sâu riêng mình biết nữa. Anh không muốn lúc vui vẻ em sẽ tìm đến anh, chỉ hi vọng nếu lỡ có bị thương, em sẽ vùi đầu vào vai anh mà khóc. Có lẽ sự bao dung của anh không thể khiến nỗi buồn của em vơi đi, nhưng sự có mặt của anh khi ấy sẽ khiến em bớt đi nỗi cô đơn. Anh đã làm đúng, có phải không?"

Tôi gật đầu lia lịa, mặc cho nước mắt tuôn rơi. Tôi chỉ lặng lẽ khóc mà không phát ra bất kì tiếng nấc nào. Nhưng Hải Nam vẫn biết được một cách thần kì, anh lần mò xuống mặt tôi, khẽ lau nước mắt cho tôi rồi kéo đầu tôi áp vào lồng ngực ấm áp của anh.

"Anh, ngày mai nếu trời nắng đẹp, em đưa anh ra ngoài đi dạo nhé? Nhân tiện lấy anh làm hình mẫu vẽ tranh luôn."

Dù hữu tình hay vô ý, tôi vẫn là chiếc lá không chống lại được quy luật tuần hoàn mà rơi rụng. Nhưng mùa thu không còn là mùa cất giấu những nỗi muộn phiền của tôi nữa, mà hiện tại kí ức về mùa thu của tôi còn có một chàng trai với nụ cười tỏa nắng thường trực trên môi. Dẫu chẳng thể nắm bắt dáng hình của ánh dương, tôi vẫn sẽ chăm sóc anh, bao dung anh, bảo vệ anh, không bao giờ ghét bỏ anh, như anh đã từng với tôi.

"Bởi không ai bỏ lại ánh sáng thắp lên niềm hi vọng của mình."

___Hoàn___

Ngày ra đề: 09/02/2019
Hạn nộp bài: 23/02/2019
Người ra đề JulyAmi87 "
Ngày trả bài: 21/02/2019
Người thực hiện: @Dongvotam

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro