Chương 7: Dạo phố

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Edit: uyenchap210

Vương Hi nằm nguyên trên giường hai ngày mới lấy lại sức đi vấn an thái phu nhân. Thái phu nhân thì phấn khởi, bảo là người của phủ Tương Dương Hầu có ấn tượng rất tốt về nàng, muốn nàng cùng đến thọ yến của Trưởng công chúa Bảo Khánh với mọi người.

Vương Hi không hi vọng gì ở phủ Vĩnh Hành Hầu nên cũng chẳng mong đợi thọ yến của Trưởng công chúa. Nàng hỏi Thường Kha:

- Tỷ đã chuẩn bị xiêm y và đồ trang sức xong chưa?

- Tạm được! - Thường Kha thẳng thắn đáp. - Dù sao tỷ cũng chỉ làm nền, trông tạm tạm là được rồi.

Qua đoạn tang, các tỷ muội trong nhà bắt đầu tính đến chuyện cưới gả, mỗi lần ra ngoài xã giao sau này sẽ là một lần ra mắt mọi người. Nhưng nàng ấy bị ảnh hưởng bởi Vương Hi, cũng nghi ngờ khả năng của bà nội và Đại bá mẫu, thậm chí còn cảm thấy không yên tâm khi để họ lo chuyện hôn nhân đại sự của mình, chẳng thà như Vương Hi nói, đầu tiên tìm xem có nhà nào hợp với mình, sau đó nghĩ cách đánh tiếng với trưởng bối, để trưởng bối ra mặt giúp. Mà nếu đã quyết định như vậy thì tốt nhất là đừng gây chú ý làm gì.

Vương Hi chẳng muốn tham gia. Nàng nói với Thường Kha:

- Nếu tỷ thiếu đồ trang sức thì cứ qua mượn muội nhé.

Thường Kha gật đầu đồng ý. Mấy ngày nữa, các tỷ muội bắt đầu may xiêm y, đánh đồ trang sức mới, chuẩn bị tươm tất để tham gia thọ yến của Trưởng công chúa Bảo Khánh. Mà bên Vương Hi vẫn im lìm chẳng có động tĩnh khiến nàng ấy lấy làm kỳ quái.

- Muội mang theo rất nhiều y phục ư? Muốn may thêm mấy bộ có kiểu dáng thịnh hành trong kinh không?

Y phục của Vương Hi đúng kiểu đất Thục, mỗi đường kim mũi chỉ đều cầu kì rực rỡ, và càng tôn lên dung mạo xinh đẹp của nàng, rất dễ thu hút ánh nhìn của người khác, rất gây chú ý.

Nhưng quý tộc thế gia ở kinh thành bị Hoàng thất đè đầu. Mà cho dù có ở trong Hoàng thất thì quận vương khác hoàng tử, công chúa khác quận chúa. Dẫu có tiền, có quyền, có nhan sắc thì cũng không dám ăn vận khoa trương. Thường Kha sợ Vương Hi quá nổi bật rồi sẽ bị mấy kẻ lòng dạ hẹp hòi kiếm chuyện gây rối.

Nàng ấy tiếp tục khuyên Vương Hi:

- Năm nay, kinh thành thịnh hành màu lục, còn có vải chuyển từ Tô Hàng. Tỷ thấy rất hợp với mùa này, muội có thể may mấy bộ mặc chơi.

Vương Hi là đứa ham đồ mới, thấy xiêm y và đồ trang sức vùng Tô Châu cũng rất đặc sắc. Nhưng nàng không đánh giá quá cao tay nghề của thợ trong phủ Vĩnh Thành Hầu, vì vậy không có ý định may đồ với người trong phủ.

Giờ nghe Thường Kha nói, nàng mới nghĩ đến tình cảnh của Thường Kha, đoán chừng có cái gì tốt cũng không tới lượt nàng ấy, thế là nàng nghiêm túc hỏi:

- Tỷ tính sao về chuyện chung thân đại sự của mình? Nếu tỷ muốn tranh thủ cơ hội này thì y phục và đồ trang sức không thành vấn đề. Còn nếu tỷ tin tưởng trưởng bối, vậy ăn vận thế nào cũng không quan trọng.

Thường Kha trầm mặc, có khi các chủ mẫu sẽ đánh giá nàng ấy đúng phận, ngược lại sẽ khen ngợi.

Tất nhiên, Vương Hi muốn giúp Thường Kha thì cũng phải xem Thường Kha có muốn được giúp không, không lại thành nhiệt tình làm chuyện xấu, không giúp được người ta còn kết thù, quá lãng phí tình cảm và sức lực của nàng.

Thường Kha bèn thì thầm:

- Tỷ thấy muội nói đúng lắm, nên tỷ không định ăn vận cầu kì làm gì. Với xuất thân của tỷ, dòng chính chắc chắn sẽ khinh thường, còn dòng bên lại khó khăn. Tỷ phải mở to mắt nhìn thôi, tránh lọt vào mắt các chủ mẫu rồi cưới đại tỷ về cho công tử thiếu gia nhà họ. Quá tệ à! Tỷ còn muốn giàu ngầm nữa cơ!

Vương Hi cười ha ha, cảm thấy Thương Kha đúng là tre non dễ uốn, nói thật với nàng ấy:

- Muội cũng không muốn trở thành mục tiêu cho nhà người ta, thôi thì mình ăn vận tà tà đi dự tiệc là được rồi, xin nhường sân khấu cho các tiểu thư xinh đẹp đoan trang kia! Nhưng tỷ nói đúng, tiết trời dễ chịu thế này, cảnh trí đẹp thế này, chúng ta không thể lãng phí được. Chúng ta ra ngoài may đồ và đánh trang sức mới đi? Hàng ngày ăn mặc xinh đẹp, mình soi gương cũng tự thấy vui. Ai bảo bảo mặc đẹp để cho người ta nhìn, để người ta sướng mắt?

Lần đầu tiên Thường Kha nghe được lý luận này.

Tam phòng không dư dả. Từ hồi nàng ấy còn nhỏ, mẫu thân đã răn dạy đồ đẹp chỉ dùng những lúc quan trọng, còn ở nhà mặc xuề xòa thôi. Nhưng sau khi nghe Vương Hi nói, trong đầu nàng ấy đột nhiên hiện ra hình ảnh mình mặc xiêm y đẹp đẽ đứng trước gương hàng ngày, nàng ấy chợt nhận ra những phục sức này không còn là chiến bào để nàng ấy ứng phó với mọi người nữa, mà thay vào đó, chúng dùng để tôn lên vẻ đẹp của nàng ấy. Nàng ấy cảm thấy Vương Hi nói quá có lý.

- Được! Chúng ta ra ngoài may đồ, làm trang sức đi!

Thường Kha phấn khích. Thợ may của phủ Vĩnh Thành Hầu được mới từ các cửa hàng nổi tiếng trong kinh thành nên tiền công không ít. Có lẽ các cửa hàng bên ngoài sẽ không lấy cao như vậy. Nàng ấy vẫn còn ít tiền dắt lưng, chắc vẫn đủ làm một bộ mới.

Vương Hi lấy cớ muốn tới cửa hàng nhà mình, vui vẻ kéo Thường Kha lên kiệu, đến thẳng Tây Sách Môn, nơi nhộn nhịp bậc nhất kinh thành. Con đường ngắn ngủi mấy trăm mét mà cửa hàng san sát, cờ bay phấp phới, hô hào mời gọi không ngớt.

Bọn Vương Hi vào một con ngõ tương đối yên tĩnh, dừng trước một cổng nhà sơn đen.

Vương Hỉ đi gõ cửa. Một gia nhân chạy ra, thấy Vương Hỉ thì cung kính hỏi:

- Ngài ở phủ nào ạ?

Vương Hỉ ném cho gia nhân đó hai viên bạc vụn, nói:

- Vương phủ hẹn mấy ngày trước.

Gia nhân kia cười càng ngọt, nghiêng người mời khách. Vương Hỉ dẫn hai kiệu nhỏ lót lụa xanh vào trong.

Thường Kha nhận ra mình đã vào một sân vườn lát đá xanh, bên tường trồng một dãy trúc tương phi, chính diện là ba gian phòng lớn có bốn tấm bình phong sơn đỏ vẽ cảnh tứ quý bình an, trong gian chính treo một bức "Bộ bộ cao thăng" ngay ở giữa, còn hai bên xếp hai hàng ghế sơn đỏ khảm đá Vân Mẫu, trông như một phòng khách của nhà hào môn thế gia.

Nhưng đây lại là một tiệm may.

Thường Kha ngồi trên ghế, bưng ly sứ Thanh Hoa, nhâm nhi trà Minh Tiền Long Tỉnh mới được đưa ra thị trường, nhìn những loại vải thịnh hành nhất trên tay bảy, tám thiếu phụ. Ngoài ra còn có một phụ nhân mặt mày tươi tắn, cười nhẹ nói khéo đang giới thiệu cho bọn nàng:

- Nghe nói tiểu thư thích dùng vải mịn Tùng Giang làm đồ trong nhất nên tôi cả gan chọn cho tiểu thư mấy loại này, không chỉ mềm như lụa mà còn mát hơn vải mịn. Tiểu thư sờ xem ạ.

Khi vú Vương tới hẹn, phụ nhân đã hỏi qua những điều này.

Vương Hi ngồi đó để Bạch Chỉ bước tới sờ vải, đồng thời nói với phụ nhân kia:

- Đây là vải nhà ai?

Phụ nhân kia mỉm cười thưa:

- Phùng Ký ở Hồ Châu gửi tới ạ. Vải này được dệt từ tằm phương Bắc với tằm phương Nam, tuy không quá mềm nhưng rất thoáng khí. Tôi nghĩ có lẽ tiểu thư sẽ thích ạ.

Vương Hi nghe vậy thì hào hứng:

- Mang qua đây để ta xem.

Phụ nhân kia lập tức mang vải tới trước mặt Vương Hi. Vương Hi sờ lên, cười nói:

- Có phải vải này rẻ hơn loại bình thường không?

Tơ tằm này chắc chắn không bằng tơ tằm thượng đẳng. Nhưng chuyện làm ăn không thể chỉ nhìn vào đó. Phụ nhân kia cười híp mắt, thưa:

- Phùng Ký không có nhiều rừng dâu, nhưng sau đó phát hiện ra ưu điểm của loại tằm này, từ đó tìm hiểu cách khắc phục nhược điểm, nổi bật ưu điểm, dệt thành loại vải này. Nhà chúng tôi là một trong những tiệm may tốt nhất Giang Nam nên họ tặng một ít. Tôi nghĩ tiểu thư sẽ thích, vì vậy đã mang ra cho tiểu thư nhìn thử.

Đầu vào rẻ hơn tơ tằm bình thường nhưng lại bán đắt hơn.

Vương Hi cười hỏi:

- Giờ ai đang là chủ Phùng Ký?

Phụ nhân kia nghe vậy là biết người trong nghề, không dám múa rìu qua mắt thợ trước cô nương trông có vẻ không rành sự đời.

- Tứ gia nhà họ đang làm chủ ạ.

Vương Hi gật đầu, nói:

- Người mới cái nhìn mới. Cách này hay lắm. - Rồi hỏi phụ nhân kia. - Nhiều người đặt không?

Phụ nhân kia do dự một hồi, thấy Vương Hi mỉm cười nhìn mình như chỉ tò mò thì tự dưng bồn chồn lạ thường, cuối cùng vẫn ngoan ngoãn nói:

- Áo hè bán rất chạy ạ.

- Được đấy!

Vương Hi quay sang hỏi Thường Kha:

- Tỷ thích loại vải nào?

Thường Kha nhìn chằm chằm Vương Hi một lúc rồi mới chớp mắt, chỉ hai loại mà mình ưng.

- Muội thấy thế nào?

Vương Hi kêu người mang lại gần đây.

Thường Kha thì thầm với nàng:

- Sao muội biết những chuyện này?

Vương Hi lơ đễnh đáp:

- Nhà muội kinh doanh mọi thứ nên muội đã biết từ nhỏ rồi.

Không lẽ cái này cũng có kinh nghiệm truyền thừa trăm năm? Thường Kha gãi đầu, nghĩ đến tấm vải này có thể may hai bộ.

Hai người chọn vải rồi xem kiểu dáng. Vì để mặc ở nhà nên đã xem những mẫu thoải mái, ấy thế mà cả hai lại chọn trùng nhau.

Có lẽ vì gặp được người chung sở thích nên hai người hào hứng vô cùng, thấy cái này đẹp rồi lại phát hiện cái kia hay, không chỉ chọn váy áo mà còn chọn vớ giày, khăn tay và các đồ linh tinh.

Chớp mắt đã về chiều. Chắc do hai người ăn điểm tâm linh tinh trong lúc chọn đồ nên không thấy đói.

Người làm trong tiệm nhiệt tình mời bọn nàng dùng bữa, còn nói:

- Chẳng mấy chốc là đến tết Đoan Ngọ, cửa hàng chúng tôi nhờ sư phụ Triều Vân của chùa Đại Giác làm giúp túi thơm để gửi tặng những vị khách quý như tiểu thư đây. Tôi đã mang đến mấy cái, tiểu thư có thể chọn hương mình thích ạ.

Thường Kha kinh ngạc. Mấy năm nay, sư phụ Triều Vân của chùa Đại Giác rất được lòng giới quý tộc, còn được xưng có tài điều hương giỏi nhất kinh thành. Thế mà cửa hàng này lại mời ông ấy làm túi hương, lại còn tặng cho khách tới mua. Trời ơi, rốt cuộc chỗ váy áo này hết bao nhiêu tiền!

Vương Hi không thích ăn ở bên ngoài vì cho rằng bát đũa đã được nhiều người dùng qua. Nàng hỏi Thường Kha có đói không và bàn:

- Hay là chúng ta về dùng bữa?

Thường Kha khó lắm mới được ra ngoài, lại còn không có trưởng bối đi cùng. Tự do là chính, cơm nước là phụ. Nàng ấy cười giảo hoạt, nói:

- Tỷ dẫn muội đi ăn bánh nướng nhé? Bánh nướng nóng hôi hổi mới ra lò luôn. Hồi bé theo đuổi bọn Tam đường huynh, tỷ từng được ăn và nhớ mãi không quên mùi vị ấy.

Hai mắt Vương Hi sáng lấp lánh.

Khi cửa hàng mang túi thơm ra cho nàng chọn, dù thấy không tệ nhưng cũng không đến mức khiến nàng trầm trồ. Nàng chọn đại mấy cái rồi đưa cho Hồng Trù cầm:

- Nếu các ngươi không thích thì đưa cho a hoàn bà tử trong phủ.

Thường Kha lại thấy rất thơm.

- Muội kén chọn quá đó, tỷ thấy túi thơm này được lắm mà.

Vương Hi nghe vậy thì nhớ tới một chuyện, hưng phấn nói:

- Nếu tỷ thấy hương này thơm thì lát nữa mua bánh xong, muội dẫn tỷ tới chỗ này, đảm bảo tỷ sẽ thích hương của nhà đấy.

Địa điểm bán bánh nằm trong một con ngõ cách tiệm may không xa, dù quán nhỏ nhưng người tới mua đông như nêm cối. Vương Hi và Thường Kha ngồi trên kiệu, để Vương Hỉ chen vào mua mấy cái.

Bánh nướng dài bằng chiếc đũa, rộng ba khoát ngón tay, hai đầu phồng lên, bên trong nêm muối tiêu và hành thái, bên ngoài rắc vừng trắng, vừa mới ra lò nên còn nóng hôi hổi, thơm nức mũi.

Vương Hi nếm thử một miếng, thấy mùi vị ngon lắm, cũng chắc bụng, mới ăn nửa cái đã no căng rồi.

Thường Kha thì ăn trong hạnh phúc, cười híp mắt:

- Đúng là mùi vị này, y như lúc tỷ còn bé.

Vương Hi bèn bảo Vương Hỉ mua mấy cái mang về:

- Để phòng bếp nếm thử xem có thể làm được không.

Đây là tiệm gia truyền, đã là gia truyền thì chắc chắn có chỗ độc đáo. Vương Hỉ cho rằng khó mà làm ra được, nhưng Vương Hi đã dặn nên hắn vẫn thưa vâng rồi quay lại mua mấy cái bánh nướng.

Thường Kha nghe vậy lại phấn khích nói:

- Sao tỷ không nghĩ đến nhỉ?

Không phải không nghĩ đến, mà là trong tiềm thức đã muốn nhưng không ai giúp nàng ấy làm được. Chỉ là Vương Hi và Thường Kha đều đang sung sướng ăn ngon nên không ai nghĩ ra. Sau đó, hai người chen trong một kiệu, đi đến chỗ Vương Hi nói.

- Đây không phải hiệu thuốc sao?

Lúc xuống kiệu, thấy tấm biển to đùng đập vào mắt, Thường Kha ngỡ ngàng không thôi, mãi vẫn chưa hoàn hồn.

Vương Hi biết kiểu gì Thường Kha cũng bất ngờ. Nàng mỉm cười, nói:

- Ai bảo nơi làm túi thơm nhất định là tiệm hương? Chùa Đại Giác cũng làm túi thơm đấy thôi.

Khác nhau mà! Chùa miếu chuyên làm túi thơm cho khách hành hương.

Thường Kha đứng im tại chỗ, Vương Hi bèn nắm tay nàng ấy, kéo vào trong:

- Dù đây không phải cửa hiệu nhà muội nhưng cũng như cửa hiệu nhà muội vậy. Không tính là muội gạt thái phu nhân...

Vương Hi bước lon ton, giọng điệu háo hức như thể niềm vui đến từ con tim.

Thường Kha chưa bao giờ thấy Vương Hi giống vậy, nàng ấy ngơ ngác mặc Vương Hi kéo mình vào, xuyên qua những người đang đứng trong sảnh, đi thẳng đến bức phù điêu chắn hậu đường

Hậu đường là một tiểu viện, có bức phù điêu đá xanh khắc chữ "Phúc" đặt chính giữa, có sương phòng hai bên trái phải mở rộng cửa, lang trung ngồi trong xem bệnh, người đến khám thì đợi ở hành lang, túm tụm nói chuyện, ngoài ra còn có mấy người làm thuê đứng xung quanh để duy trì trật tự.

Vương Hi dẫn Thường Kha vòng qua phù điêu và đã thu hút sự chú ý của mọi người.

- Này, không nhận xem bệnh nữa! - Một người làm thuê của hiệu thuốc gọi hai nàng, nhưng đã bị Vương Hỉ giữ lại.

Vương Hi dắt Thường Kha qua hậu đường, lại đến một tiểu viện. Giữa sân có một bức phù điêu khắc hoa, sương phòng hai bên đóng chặt cửa, cả hành lang yên tĩnh không một bóng người.

Dường như cái ồn ào, tấp nập kia đã bị ngăn cách ở ngoài.

Vương Hi càng vui sướng, đi càng nhanh, vừa vào viện đã cười hỏi:

- Phùng đại phu có ở đây không ạ? Ta cần khám gấp, muốn mời ông ấy xem thế nào!

Lúc nói, Thường Kha đã bị Vương Hi lôi vòng qua bức phù điêu khắc hoa.

Khắp viện rợp bóng đại thụ. Dãy giữa gồm năm gian nhà, dù cửa son rộng mở nhưng trong phòng vẫn không sao sáng tỏ, mờ lờ thấy một cụ ông râu tóc bạc phơ đang ngồi bên bàn bát tiên.

Thường Kha kinh ngạc.

Vương Hi đã thả tay nàng ấy ra từ khi nào, nhấc váy chạy lon ton, miệng còn hô hào:

- Phùng đại phu! Phùng đại phu! Hôm nay ông không ra khám bệnh ạ? Con tới thăm ông nè!

Giọng của nàng vốn đã trong trẻo véo von mà lúc này càng líu lo, vang khắp sân vườn yên tĩnh. Bước chân thì tung tăng bay nhảy tựa yến con về rừng, háo hức không chờ nổi.

Rốt cuộc Phùng đại phu này là người thế nào với Vương Hi!

Thường Kha đang tự hỏi thì thấy Vương Hi đứng khựng lại rồi theo đà ngã nhào xuống nền đất.

- A!!!

Tiếng hét thảm vang lên.

Thường Kha co cẳng chạy lại với Vương Hi.

Vương Hi khua khoắng hai tay, hoảng loạn tột cùng.

Sao Trần Lạc lại ở đây? Người mình nhìn thấy là Trần Lạc đúng không?

Trong đầu nàng đang tràn ngập các câu hỏi thì đột nhiên trước mắt xuất hiện một đôi tay.

Bàn tay trắng sạch và rộng lớn, cùng các ngón tay thon dài như trúc vững vàng đỡ lấy nàng.

- Nàng không sao chứ? - Giọng của một nam tử trầm ấm, dường như còn mang theo ý cười vang bên tai.

Vương Hi kinh hồn bạt vía, nắm chặt lấy tay người nọ, luôn miệng nói cảm ơn mà chưa kịp nhìn rõ ai. Sau đó, nàng vội ngẩng đầu nhìn quanh, nhưng lạ thay lại không thấy Trần Lạc đâu nữa, chỉ có Phùng đại phu hốt hoảng chạy tới và nam tử ngồi cạnh Trần Lạc khi nãy đang cau mày đứng lên.

Hình như vừa rồi trong sảnh chỉ có ba người. Vậy người đỡ mình...

Chẳng lẽ là...

Tim Vương Hi đập như trống hồi. Trên đỉnh đầu lại vang lên giọng nói của người nọ:

- Nàng không sao thì tốt rồi!

Vương Hi lập tức ngẩng đầu, đập vào mắt là một đôi mắt biết cười.

Đuôi mày hơi sắc, sống mũi cao cao, ngũ quan anh tuấn cùng cử chỉ dịu dàng, không có điểm nào mà nàng không thích. Đây chính xác là chàng thiếu niên nàng nhìn qua kính thiên lí kia!

Nhưng sao chàng lại ở đây? Vương Hi hoang mang.

Người đỡ nàng thì khẽ cười:

- Ta thả ra, nàng đứng vững được chứ?

- A!

Bấy giờ, Vương Hi mới giật thót nhận ra mình còn bám chặt lấy người ta. Nàng lập tức thả tay, luôn miệng nói:

- Xin lỗi! Xin lôi! Tôi đứng được, đứng được!

Nhưng trong lòng lại đang hét lớn.

Sao lại gặp chàng ở đây?

Chàng có biết mình là người nhìn trộm chàng không?

Chàng không biết phải không?

Nếu biết, cớ gì chàng còn đỡ mình?

Trong đầu đột nhiên hiện ra hình ảnh đại đao cửu hoàn cắm giữa ngàn xanh và dải lụa đỏ tươi phần phật trong gió. Mặt Vương Hi lập tức nóng lên.

- Biểu muội, muội không sao chứ?

- Cái con bé này, con không sao chứ?

Thường Kha và Phùng đại phu vây quanh, một người lo lắng vô cùng, một người khó hiểu vô cùng.

- Không sao ạ! Không sao ạ! - Vương Hi vội xua tay, nhưng mắt vẫn không rời Trần Lạc.

Chàng đã đứng bên bạn mình, và cũng đang nhìn nàng, lại còn nhìn bằng ánh mắt ấm áp đi kèm một nụ cười mỉm khi nhận ra nàng hướng về phía này.

Không phải Trần Lạc thì ai? Trừ phi Thường Kha nhận nhầm người.

Hơn nữa, chàng không kiêu căng như Thường Kha kể, thậm chí còn ngược lại hoàn toàn, cảm giác rất dịu dàng, tốt bụng.

Là Thường Kha nhận nhầm hay nàng nhận nhầm? Vương Hi hoang mang quay sang nhìn Thường Kha.

Thường Kha như đã phát hiện ra trong sảnh còn có người khác. Nàng ấy trợn mắt nhìn Trần Lạc, thần trí điên đảo theo.

Mình đang nằm mơ ư? Không thì tại sao lại gặp Trần Lạc ở đây? Mà hắn còn mỉm cười thân thiện như kia nữa chứ? Đầu mình có vấn đề hay đầu Trần Lạc có vấn đề rồi?

Nàng ấy kinh sợ nắm chặt tay Vương Hi, biết rõ là không nên nhưng vẫn không kìm lòng được thì thầm với Vương Hi:

- Gì thế này? Sao Trần Lạc lại ở đây? Còn, còn cái thái độ kia nữa? Chẳng lẽ là im ỉm rồi mặt cười giết người?

Tức là Trần Lạc vẫn là Trần Lạc kia, nàng không nhận nhầm người. Nhưng Trần Lạc nàng thấy không giống Trần Lạc mà Thường Kha kể!

Vương Hi rất muốn hỏi lại chuyện về Trần Lạc nhưng ánh mắt lo lắng của Phùng đại phu khiến nàng nhất thời không thể nghĩ đến cái khác. Phùng đại phu hỏi:

- Con bé này, sao lại tới đây? Có việc gì gấp à? Sao không báo trước?

Nói rồi nhích người, chắn giữa nàng và Trần Lạc, cứ như không muốn hai người tiếp xúc quá nhiều, có vẻ đề phòng Trần Lạc.

Phùng đại phu là ân nhân cứu mạng ông nội nàng. Từ khi nàng hiểu chuyện đã thấy ông ở nhà mình, khám bệnh cho nhà mình. Sau này, ông muốn đi ngao du tứ phương, ông nội đã gửi tặng năm ngàn lượng vàng làm lộ phí. Cuối cùng, ông quyết định mở hiệu thuốc tại kinh thành, ông nội nàng lại tặng ông cửa hàng này.

Trước khi vào kinh, ông nội đã dặn nàng phải tới thăm Phùng đại phu trước tiên, nếu có chỗ nào không khỏe phải tìm Phùng đại phu ngay.

Phùng đại phu rất thích huynh muội nàng. Hồi bé, nàng thường ngồi trên vai ông, được ông chuẩn bị nước đường mỗi khi ngã bệnh uống thuốc đắng. Ông dạy nàng phân biệt các loại thuốc, bảo là con gái nên biết ít dược lý phòng thân. Ngoài ra, ông còn chơi với nàng, chỉ nàng vẽ diều, điều hương, làm bánh thuốc.

Nhìn Phùng đại phu thế này, lại nghĩ với thân phận của Trần Lạc, Vương Hi lập tức cảnh giác, núp sau lưng ông. Nàng nghe được Phùng đại phu thở nhẹ một hơi, còn vui mừng liếc nàng một cái, sau đó quay sang nói với Trần Lạc:

- Tôi đã hiểu ý hai vị công từ rồi, chỉ là tôi am hiểu nhi khoa và phụ khoa nên không thể nắm chắc bệnh mà hai vị nói. Xin hai vị công tử cho tôi mấy ngày suy nghĩ rồi sẽ đáp lời.

Người đi cùng Trần Lạc thấp hơn chàng nửa cái đầu, tuổi chừng hai mươi, tướng mạo văn nhã, khí chất kiêu ngạo như đứng trên tất cả. Nếu y không ở cạnh Trần Lạc thì cũng khá tuấn tú lịch sự. Nhưng với một người đã ngắm quá nhiều mỹ nam như Vương Hi, lại thêm Trần Lạc bên cạnh thành ra thấy y khá bình thường.

Y nghe Phùng đại phu nói vậy thì trông rất không vui, định nói gì đó nhưng đã bị Trần Lạc cản lại.

Trần Lạc mỉm cười nói với Phùng đại phu, thái độ lạnh nhạt, không còn thân thiện như vừa rồi nữa.

- Nếu vậy, mấy ngày nữa chúng tôi lại đến.

Sau đó, chàng và bạn lập tức cáo từ, còn chẳng buồn nhìn Vương Hi lấy một cái.

Phùng đại phu tiễn họ ra cửa.

Vương Hi lấy làm may mắn, nhưng cũng thật rối ren. Chẳng biết may mắn vì chàng chưa phát hiện ra mình là người nhìn trộm hay vì chàng không hề xấu tính như những gì Thường Kha kể?

Vương Hi phát hiện Thường Kha đang rụt vai trốn sau lưng mình, thậm chí còn không dám thở mạnh lấy một hơi. Cũng phải thôi! Đang vui vẻ đi chơi mà đụng phải người mình cật lực tránh thì dù là ai cũng phải khiếp sợ.

Vương Hi an ủi:

- Không sao! Muội thấy chàng không giống người không hiểu lý lẽ. Lần cuối cùng hai người gặp nhau còn là hồi nhỏ, có lẽ chàng không nhận ra tỷ đâu.

Thường Kha nghe vậy thì tức không nói lên lời:

- Đột nhiên gặp Trần Lạc và Nhị Hoàng tử, ai mà chẳng kinh sợ!

- Nhị Hoàng tử?! - Vương Hi bật thốt.

Thường Kha gật đầu, nói:

- Đúng là ngài ấy. Tỷ gặp ngài ấy lần cuối là lúc Ngọc tỷ tỷ ở sát vách xuất giá. Không thể nào có chuyện tỷ nhận nhầm!

Vương Hi gật đầu.

Thường Kha từng kể, hồi Trần Lạc còn nhỏ đã dẫn Nhị Hoàng tử trèo tường, giờ hai người xuất hiện cùng nhau cũng không có gì lạ. Nhưng hai người cùng đến tìm Phùng đại phu thì lại là một chuyện quá kỳ quái!

Vương Hi nghiền ngẫm những lời phụ thân đã nói với nàng. Đương kim hoàng thượng không phải đích cũng không phải trưởng, mẹ đẻ có địa vị thấp, sau khi thành niên cưới con gái của một Thiên hộ trong quân cận vệ, nhìn chung là một vị hoàng tử hết sức mờ nhạt.

Nhưng cơ duyên thế nào thê tử kết tóc của ngài lại qua đời sau khó sinh.

Ngay lúc đó, Hoàng hậu Bạc thị không có con, còn Tiên đế muốn lập Cửu hoàng tử do sủng phi Vương thị sinh làm thái tử nên đã nghĩ đủ mọi cách để Cửu Hoàng tử được nuôi dưỡng dưới danh nghĩa của Hoàng hậu. Hoàng hậu khó mà từ chối nên muốn Cửu hoàng tử cưới cháu gái ruột của mình làm chính thất. Tiên đế đồng ý, nhưng không biết Vương thị nổi cơn gì mà lại phản đối, thậm chí còn muốn Cửu Hoàng tử cưới cháu gái mình.

Có lẽ do được nuông chiều quen nên Cửu Hoàng tử không nghĩ nhiều, quyết định cưới biểu muội theo ý mẹ ruột. Về sau xảy ra chuyện gì thì chẳng mấy người trong cung biết chứ đừng nói là người họ Vương. Hoàng hậu thuyết phục Tiên đế, xin nuôi dưỡng đương kim thánh thượng dưới tên mình rồi lập làm thái tử, rồi cưới con gái họ Bạc làm Thái tử phi, sinh ra Nhị Hoàng tử.

Nếu cứ theo chiều hướng này, sau khi tiên đế băng hà, đương kim thánh thượng sẽ kế vị, Thái tử phi Bạc thị sẽ được lập hậu, thê tử đã qua đời của Hoàng thượng sẽ được truy phong làm quý phi, Tiên hoàng hậu Bạc thị sẽ được tôn là Hoàng thái hậu, Nhị Hoàng tử có phủ Khánh Vân Hầu hai đời làm quốc cữu ủng hộ tất sẽ lên làm Thái tử, mọi chuyện đều viên mãn.

Nhưng sự đời luôn vượt quá suy tính của con người.

Sau ngày tiên đế băng hà, đương kim hoàng thượng kế vị, Thái tử phi Bạc thị được lập hậu, vợ cả đã qua đời được truy phong làm quý phi, Tiên hoàng hậu được tôn là Hoàng thái hậu, Nhị hoàng tử có sự ủng hộ phủ Khánh Vân Hầu đáng lẽ nên được lập làm thái tử nhưng Hoàng thượng lại trở mặt.

Đầu tiên, ngài lấy cớ Tiên đế mới băng hà, Nhị Hoàng tử còn nhỏ, hoãn việc người kế vị. Qua mấy năm sau, Nhị Hoàng tử đã trưởng thành nhưng Thái hậu đã cưỡi hạc về trời, phủ Khánh Vân Hầu nhắc lại chuyện lập thái tử thì Hoàng thượng bắt đầu lập lờ.

Lại qua mấy năm nữa, Hoàng thượng văn trị võ công, thiên hạ thái bình, biển lặng sông yên, uy thế ngày càng hưng thịnh, tiếng nói của phủ Khánh Vân Hầu không còn được như trước, khi nhắc đến việc lập Nhị Hoàng tử làm Thái tử thì có một triều nhân lại lôi Đại Hoàng tử do thê tử kết tóc của Hoàng thượng sinh ra, thảo luận nên lập ai mới đúng đắn.

Hoàng thượng giữ lại tấu chương, không ý kiến gì. Hoàng hậu thấy không ổn bèn bàn bạc với Khánh Vân Hầu, cũng chính là đệ ruột của mình. Khánh Vân Hầu không thể không nói đôi câu cho cháu trai. Hoàng thượng hi hi ha ha, không trách mắng Khánh Vân Hầu can thiệp vào việc lập người kế vị, cũng không tỏ rõ muốn lập ai làm thái tử.

Về sau bị hỏi nhiều quá, Hoàng thượng đã nổi cơn tam bành ngay trên điện Kim Loan, liên thanh chất vấn triều thần cùng Khánh Vân Hầu, có phải cho rằng ông làm hoàng đế không được mấy năm nữa nên vội vàng ép thoái vị.

Nói thế thì ai dám tiếp? Thần tử trong đại điện lập từ quỳ xuống thỉnh tội.

Việc lập người kế vị cũng lắng xuống, không có ai nhắc đến.

Cả phủ Khánh Vân Hầu lẫn đương kim hoàng hậu đều bồn chồn không yên, không hiểu Hoàng thượng định thế nào. Nghe nói để dò hỏi thánh ý, hi vọng tại thời điểm mấu chốt có người có thể lay chuyển suy nghĩ đế vương như Thái hậu, Hoàng hậu đã không ngại nồng hậu với muội ruột duy nhất của Hoàng thượng là Trưởng công chúa Bảo Khánh, và thậm chí còn rất quan tâm đến các vị phu nhân của Đại học sĩ Nội các.

Xem ra, trên đời này không có chuyện vô cớ yêu thích và cũng không có chuyện vô vớ căm hận.

Trần Lạc được Hoàng thượng yêu thương, có thể làm bạn với hoàng tử, tự do ra vào vườn Ngự Uyển chắc có liên quan mật thiết tới chuyện này!

Suy nghĩ một hồi mà vẫn chưa thấy Phùng đại phu đâu nên Vương Hi đã đổi khách làm chủ, mời Thường Kha ngồi xuống. Một gia nhân từng chạy vặt cho Vương Hỉ tới châm trà rót nước cho bọn nàng. Chỉ là bọn nàng vừa đặt mông xuống thì Phùng đại phu đã quay về.

- Phùng gia gia! - Vương Hi vui vẻ chạy về phía Phùng đại phu như con chim nhỏ. - Con không làm phiền ông chứ ạ? Biết ông có khách quý, con đã bảo Vương Hỉ qua trước. Con chỉ muốn cho ông một bất ngờ thôi!

Phùng đại phu cười ha hả, yêu chiều nói:

- Không sao cả! - Sau đó nhìn Thường Kha. - Đây là tỷ muội tốt con mới quen hả? Trông đoan trang, xinh xắn lắm!

Thường Kha đã đứng dậy từ lúc Phùng đại phu vào. Giờ nghe Phùng đại phu nói vậy, nàng ấy đỏ mặt xấu hổ, ngượng ngùng gọi một tiếng "Phùng gia gia". Phùng đại phu mỉm cười, hiền hậu trò chuyện với Thường Kha.

Vương Hi bước tới đỡ Phùng đại phu, mời ông ngồi xuống ghế, ríu rít giới thiệu Thường Kha:

- Đây là biểu tỷ của phủ Vĩnh Thành Hầu, lớn hơn con ba tháng, ở nhà đứng hàng thứ tư, chơi với con rất hợp. Nay bọn con đến Vân Tưởng Dung may y phục, Vân Tưởng Dung tặng bọn con mấy túi thơm do một vị sư phụ hiệu Triều Vân của chùa Đại Giác làm. Y được xưng là đệ nhất điều hương nữa đó! Nhưng con cảm thấy vẫn không bằng ông. Mà chẳng phải sắp đến tết Đoan Ngọ sao? Con tới là muốn ngờ ông làm giúp con mấy cái túi thơm ấy ạ.

Nàng vừa nói vừa nũng nịu lắc lắc tay áo của Phùng đại phu:

- Nay con đi vội quá, không mua được gì hiếu kính ông nên muốn mời ông đến Tứ Quý Mỹ ăn chân giò thủy tinh. Con nghe nói chân giò thủy tinh là món tủ của nhà họ nhưng chưa được thử lần nào, vừa hay chúng ta có thể đi xem sao.

Phùng đại phu lạ gì cái tính của Vương Hi, nghe vậy thì nhéo mũi trêu nàng:

- Ta thấy con đột nhiên nổi hửng chạy tới chỗ ta thì có, còn nhân cơ hội này ăn chực của ta nữa chứ!

Vương Hi cười cười, dựng ngón cái lên, nói:

- Con khỉ nhỏ là con đây sao có thể thoát khỏi Ngũ Chỉ sơn của ông, ông lợi hại quá luôn!

- Đúng rồi đấy! - Phùng đại phu cười ha hả, mặt mày tươi phơi phới.

Thường Kha trợn mắt hốc mồm, tưởng Vương Hi có thể kiếm được bữa ăn ngon ngẻ nhưng ai ngờ Phùng đại phu lại mặt không biến sắc, vòng lại chuyện trước:

- Con theo ta học điều hương nhiều năm, lần trước còn bảo không cần học nữa, đã xuất sư. Danh sư xuất cao đồ, giờ con phải điều hương giỏi hơn sư phụ, có thể làm thay sư phụ rồi. Con muốn bao nhiêu túi thơm thì cứ tự làm, làm theo sở thích của mình. Mà trong quà tết Đoan Ngọ tặng ta nhớ phải có mấy túi thơm do chính tay con làm đấy.

- Còn về chân giò thủy tinh, dù cũng thích ăn giống con nhưng ta đã lớn tuổi, mấy năm nay Tiểu Cao ca của con có cho ta ăn đâu. Ta sợ đến Tứ Quỹ Mỹ nhìn các con ăn rồi thèm chảy nước miếng lắm. Ta không đi, giờ ta chỉ có thể ăn dưa muối nước tương của Lục Vị Viên thôi. Nếu con rảnh thì mua vài hũ nhà họ để hiếu kính ta.

Không chiếm được túi thơm, không ăn được chân giò thủy tinh đã đành, lại còn phải tự đi mua dưa muối, tự làm túi thơm.

Vương Hi không ngờ đã mấy năm không gặp mà Phùng đại phu lại đùa nàng như vậy.

Trần Lạc không phải Trần Lạc mà Thường Kha nói, chẳng lẽ Phùng đại phu cũng không phải Phùng đại phu mà nàng biết?

Nàng rất muốn giật mấy sợi râu của Phùng đại phu, xem ông có phải là Phùng đại phu thật không?

Thường Kha thấy Vương Hi ỉu xìu không thôi thì bật cười. Tiếng cười của nàng ấy không những đánh thức Vương Hi mà còn khiến Phùng đại phu cảm thấy thú vị.

Ông xoa đầu Vương Hi, cười nói:

- Chớ sợ! Chớ sợ! Hôm nay ở lại dùng bữa tối, đầu bếp của ta rất rành đồ ăn Hoài Dương, thể nào con cũng thích.

Chỉ cần là mỹ vị thì Vương Hi đều thích. Hơn nữa, Phùng đại phu cũng là ông già háu ăn giống ông nội nàng, nếu ông đã nói ngon là chắc chắn ngon. Nàng lập tức đồng ý, còn vỗ ngực nói:

- Dọa con hết hồn! Tới Tứ Quý Mỹ rồi mà Phùng gia gia lại nói không mang theo tiền là hôm nay con mất lớn.

Mọi người nghe vậy thì được trận cười.

Vương Hi nói nàng có mua bánh nướng đến:

- Ông ăn thử xem có ngon không, nhưng chắc không ngon bằng lúc mới ra lò. Cơ mà quán cách đây không xa, con sẽ bảo Vương Hỉ nói địa điểm cho Tiểu Cao ca.

Tiểu Cao ca tên Phùng Cao, là một cô nhi được Phùng đại phu nhận nuôi, cũng là đồ đệ của Phùng đại phụ, trước khi Vương Hi sinh ra đã ở tại Vương gia với Phùng đại phu rồi. Đối với Vương Hi, Tiểu Cao ca này tựa như huynh ruột của nàng vậy.

Phùng đại phu cười nói:

- Quán bánh nướng ở ngõ bên kia hả? Bánh nhà đó ngon thật.

Vương Hi cười hì hì, ngượng ngùng nói:

- Tự dưng con quên mất ông đã ở kinh thành được hai, ba năm rồi. Có thể ông không biết chỗ mua cam thảo chứ chỗ ăn ngon thì thể nào cũng rành.

- Cái con nhóc này! - Phùng đại phu day trán Vương Hi, bảo nàng đưa túi hương cho mình xem. - Người ta làm không được chỗ nào?

Vương Hi bĩu môi, nói:

- Lưỡi con không nhạy bằng ông và ông nội, nhưng về mấy chuyện hương hoa son phấn này thì ông và ông nội không thể bằng con được.

Phùng đại phu yêu chiều nhìn nàng.

Nhân lúc Bạch Chỉ đi lấy túi thơm, nàng bèn kể về vải của Phùng Ký:

- Có loại tơ tằm nào không dệt được lụa chứ? Chỉ có thể là nhà họ không thu hoạch được nhiều, và cũng khó vững chân ở Giang Nam. Nhà họ nghĩ ra cách này kể cũng mới lạ, qua mắt được những người không tinh, nhưng về lâu về dài thì chưa chắc đã có tác dụng. Song, giá thành chắc chắn thấp hơn tơ tằm bình thường. Chẳng phải Đại ca nói bên Vân Quý, Thổ Phiên chê vải nhà ta đắt sao? Con tính báo cho Đại ca, để huynh ấy phái người đi nói chuyện với Phùng gia.

Các đời họ Vương đều vững chân ở đất Thục, mà tơ lụa đất Thục lại không tốt bằng tơ lụa Giang Nam nên nhà họ chỉ làm ăn ở Tây Bắc, Tây Nam và giữ mối giao thương sơ sơ cùng một vùng phía Nam. Còn chuyện buôn bán vải vóc trên con đường Trà Mã* cũng không thể cạnh tranh với các đoàn buôn đến từ Quảng Đông và Phúc Kiến. Giả sử Phùng gia gặp khó khăn đúng như Vương Hi nói, có khi lại có một cơ hội tốt nếu hai nhà liên thủ.

Trà Mã cổ đạo là một con đường mòn huyền thoại nằm sâu trong những dãy núi ở Tứ Xuyên, chuyên vận chuyển trà và ngựa liên thông Trung Quốc với Tây Tạng, tới nay đã hàng nghìn năm tuổi. - truyện được đăng tại Wattpad uyenchap210

Phùng đại phu nhanh chóng hiểu rõ. Ông nhịn không được lại xoa đầu Vương Hi, cười nói:

- Ông nội con nói con là cục vàng quả không sai. Đi may y phục thôi mà cũng tìm được mối làm ăn cho nhà mình!

Vương Hi khoác lác:

- Chẳng phải ông và ông nội con thường nói cái gì mà "thế sự tinh thông đều nhờ học vấn" ư? Con như thế cũng được xem là sảnh sỏi chuyện nhân tình ha?

- Được, được, được! - Phùng đại phu cũng mong họ Vương làm ăn càng phát đạt nên vui vẻ khen ngợi Vương Hi.

Bấy giờ, Vương Hi mới hỏi về chuyện lúc nãy:

- Nhị công tử của phủ Trấn Quốc công và Nhị Hoàng tử tìm ông làm gì ạ?

Phùng đại phu nghe vậy dựng râu trừng mắt, cả giận mà rằng:

- Con nhóc này, con học cái nết của ông nội con, biết bẫy ta rồi hả! Chiêu giương đông kích tây này của con khá lắm! Đầu tiên cười nói chuyện ăn uống chơi bời với ta, sau đó thừa dịp ta không chú ý bất ngờ hỏi, khiến ta không kịp phòng bị. Hừ, con coi thường ta quá đấy. Ta không bị con lừa đâu!

Đúng là Vương Hi có ý này. Nhưng Phùng đại phu cấm cửa nàng rõ ràng như vậy, chứng tỏ mục đích đến của Trần Lạc và Nhị Hoàng tử không bình thường, Phùng đại phu không muốn nàng bị cuốn vào. Song, vấn đề là nàng đang ở phủ Vĩnh Thành Hầu, còn từng nhìn trộm Trần Lạc múa kiếm, không có chuyện gì là không thể.

Và chuyện trên đời lại trùng hợp thế đấy. Trần Lạc đang truy lùng người nhìn trộm chàng thì phát hiện ra nàng, hầu hết các quyền quý lại rất sợ chết, giả như Trần Lạc nghĩ nhiều quá thì Phùng đại phu có thể trở thành lá bùa hộ thân cho nàng.

Nàng vẫn phải chuẩn bị trước, mà đã hạ quyết tâm thì cũng không có gì phải giấu giếm.

- Phùng gia gia lợi hại thật đó! - Nàng nịnh Phùng đại phu, hy vọng ông có thể tiết lộ một chút thông tin. - Chẳng phải con sợ mình bị người ta giết người diệt khẩu nên muốn biết sớm, chuẩn bị sớm ư? Ông đâu thể để con ngủ không yên được. Nếu con ngủ không yên thì sẽ có quầng thâm ở mắt, mà có quầng thâm ở mắt thì kiểu gì cũng đến chỗ ông xin mấy thứ như mỡ Ngọc Cơ, nước Ngưng Chi. Có khi con lại chạm mặt Nhị công tử phủ Trấn Quốc công và Nhị Hoàng tử...

Phùng đại phu sẽ không bị mấy lời linh tinh này làm cho lú lẫn. Nhưng Vương Hi nhắc lại thân phận của hai người kia lần nữa khiến ông không thể không lo nghĩ. Đặc biệt là Nhị công tử của phủ Trấn Quốc công, lúc mới gặp thì kiêu căng lạnh lùng, nhưng khi thấy Vương Hi bất ngờ xuất hiện và té ngã, hắn lại bước nhanh tới đỡ con bé, còn nhìn chằm chằm khuôn mặt búng ra sữa của nó. Con bé này ấy à, toàn chọn cái tốt cái đẹp của phụ mẫu nên càng lớn càng xinh.

Thiếu niên mộ ngải*,Trần Lạc kia lạnh lùng, cũng đương tuổi bẻ gãy sừng trâu, nhỡ hắn để mắt đến Vương Hi, muốn biết Vương Hi là ai, mà ông lại ngăn cấm như vậy có khi sẽ biến khéo thành vụng.

Chỉ người con trai đến tuổi biết yêu đương rất hay cảm mến thiếu nữ xinh đẹp.

Phùng đại phu suy ngẫm, ngẩng đầu lại thấy hai tỷ muội Thanh Trù và Hồng Trù, tự nhiên cảm thấy Vương Hi nói cũng đúng, thay vì để nó suy đoán lung tung, chẳng thà nói cho nó biết cái hung hiểm trong chuyện này. Nó là đứa ngoan ngoãn nghe lời, chắc chắn sẽ tránh Trần Lạc kia, mà ông cũng có thể nhắc nhở Thanh Trù và Hồng Trù chú ý hơn.

- Con đừng có ba hoa chích chòe trước mặt lão già này! - Phùng đại phu bật cười, ngắt lời Vương Hi. - Trước hết, con nói rõ cho ta biết tại sao con lại nhận ra Trần Lạc và Nhị Hoàng tử? Con gặp hai người họ ở đâu?

Ông phải hỏi rõ một số chuyện rồi mới quyết định nói gì với Vương Hi.

Vương Hi cười hì hì, chạy tới dựa vai Thường Kha, đáp:

- Đương nhiên là biểu tỷ nói cho con biết rồi!

Nàng thấy quá mất mặt khi bị Trần Lạc cắm đao thị uy nên không định cho Phùng đại phu biết chuyện mình nhìn trộm chàng, chỉ bảo là Thường Kha nói cho nàng lúc Phùng đại phu đi tiễn khách, cũng cười đắc ý:

- Nghĩ đến ông nội từng ca tụng ông là Biển Thước tái thế, Hoa Đà chuyển sinh, con bèn đoán người bị bệnh chắc chắn là người thân của họ, không thì cũng là một vị quan lớn trong triều. Nhưng mà họ tìm tới ông thế này chứng tỏ ông cũng có tiếng ở kinh thành lắm, thế mà lúc viết thư gửi về ông không nói gì. Con phải kể cho ông nội, ông nội mà biết thể nào cũng vui lắm. Ông nội cực kỳ tôn sùng ông, từng khen ông giỏi hơn Mã đại phu của Bách Thảo Đường bao nhiêu lần...

*Biển Thước tên thật là Tần Việt Nhân, sinh thời Xuân Thu Chiến Quốc, được đời sau xưng tụng là một trong tứ đại danh y của Trung Quốc cổ đại.

Hoa Đà sinh vào cuối thời Đông Hán, đầu Tam Quốc, ông được xưng tụng như một thần y nổi tiếng không chỉ trong Trung Quốc mà còn vang danh khắp các nước lân cận. - truyện được đăng tải tại Wattpad uyenchap210

Phùng đại phu không biết nên khóc hay cười, gõ bàn một cái rồi nói:

- Được rồi, con khỏi nịnh ta, ta tự biết ta giỏi, nhưng mà chuyện phiến diện con bảo thì phải sửa lại. Thôi nói đi! Con còn đoán được gì nữa?

Vương Hi lanh lợi từ nhỏ. Nàng bô lô ba la, nói Đông nói Tây là thế nhưng lại rất nhanh nhạy. Ông muốn gạt nàng, nói một nửa giấu một nửa e rằng cũng khó.

Phùng đại phu nghĩ vậy thì sắc mặt có hơi bất lực.

Vương Hi cười bẽn lẽn với Phùng đại phu.

Bà nội nàng thường bảo: "Người làm ăn phải biết nói lời hay ý đẹp, biết dỗ dành người ta. Người ta vui thì chuyện làm ăn mới dễ thành công, còn nếu không thành công thì ít nhất cũng được nụ cười của nhau, dù sao vẫn hơn là trợn mắt nghiến răng."

Thế là từ đó về sau, nàng nói nhiều hơn chút.

- Vâng ạ, vâng ạ! - Nàng chạy ra phía sau Phùng đại phu, bóp vai cho ông. - Con nói ngắn gọn, ngắn gọn ạ.

Cái này cũng được gọi là ngắn gọn à! Phùng đại phu im lặng nhìn nàng.

Nàng lập tực nói:

- Con nghĩ thế này. Nếu là người thân thì khỏi phải bàn, đã có Ngự Y viện đó. Còn nếu là quan lớn trong triều, ắt có chỗ khiến người ta kiêng dè. Nhưng đến mức khiến hai người họ đi nịnh bợ thì con không nghĩ đến ai. Quay lại người thân, con đoán đó là Hoàng thượng, không thì cũng là Hoàng hậu. Mà thế lại phải hỏi biểu tỷ rồi. Không biết Hoàng thượng và Hoàng hậu có an khang không?

Lần đầu tiên thấy Vương Hi nhảy lên nhảy xuống như vậy, Thương Kha định đứng xem trò vui, ai ngờ lại bị kéo vào.

Nàng ấy chỉ ngược lại mình, kinh ngạc thốt:

- Tỷ ư? Tỷ chưa chưa từng vào cung, sao biết Hoàng thượng và Hoàng hậu có khỏe không? Hơn nữa, bệnh tình của Hoàng thượng và Hoàng hậu chắc chắn được giữ kín, ngay cả các đại thần nội các cũng không rõ chứ đừng nói là tỷ.

Nói rồi hai nàng đồng loạt quay sang nhìn Phùng đại phu. Phùng đại phu không biết nói gì cho phải.

Con nhóc này lại đoán trúng rồi.

Nhưng có Thường Kha ở đây, ông không định nói cho Vương Hi, đang muốn tìm cái cớ quanh co thì Bạch Chỉ mang hộp túi thơm đến.

Phùng đại phu lập tức chuyển chủ đề:

- Để ta xem túi thơm của đại sư Triều Vân có chỗ nào không vừa ý con. Kinh thành tàng long ngọa hổ, người ta đã được xưng là đệ nhất điều thương chốn kinh kỳ thì chắc chắn phải có tài. Có khi không phải người ta điều hương không tốt, mà là nghệ điều hương của Vân Tưởng Dung không tinh, mượn tên tuổi người ta, hoặc là do đệ tử làm cũng nên?

Ông vừa nói vừa mở hộp gấm.

Hương bách hoa tỏa ra từ túi thơm, thoang thoảng trong không khí.

Phùng đại phu thoáng biến sắc, dí túi thơm gần mũi.

Lần này đến phiên Vương Hi kinh ngạc.

Người điều hương đều có cái mũi tinh, có khi chỉ cần thoảng qua đã nhận ra mấy loại hương liệu trong đó. Phùng đại phu còn là cao thủ điều hương, ông dí sát túi thơm gần mũi như vậy, Vương Hi mới được chứng kiến hai lần.

Một lần là Phùng đại phu đấu hương với người ta. Một lần là ông nội nàng mua vài hương liệu tổ truyền, mời Phùng đại phu kiểm nghiệm.

Chẳng lẽ túi hương của Vân Tưởng Dung có vấn đề?

Suy nghĩ này vừa lóe lên trong đầu thì Phùng đại phu đã bỏ túi hương xuống, nghiêm túc hỏi:

- Con có khẳng định túi hương này do đại sư Triều Vân của chùa Đại Giác làm không?

Không thể khẳng định!

Vương Hi lập tức đáp:

- Người của Vân Tưởng Dung bảo là đại sư Triều Vân của chùa Đại Giác làm ạ.

Phùng đại phu đứng lên, nói:

- Ta muốn mượn nhũ huynh và Bạch Chỉ của con một lát.

- Vâng ạ! - Vương Hi không do dự, lập tức kêu người đi gọi Vương Hỉ.

Thường Kha tinh ý đứng dậy, nói nhỏ với Vương Hi:

- Buồng vệ sinh ở đâu? Tỷ muốn đi thay áo.

Vương Hi càng quý Thường Kha. Nàng bảo Thanh Trì dẫn Thường Kha đi. Phùng đại phu thấy thế gật gù, cảm thấy Vương Hi tìm được bạn tốt.

Vương Hi bèn nhỏ tiếng hỏi Phùng đại phu:

- Hương này có vấn đề ạ?

Phùng đại phu chần chừ giây lát rồi nói:

- Hương này không có vấn đề gì hết, nhưng cách điều hương lại giống hệt cách điều hương của ta. Mà cách điều hương của ta là tổ truyền của nhà vợ ta. Thế nên ta mới tò mò không biết đây có liên quan đến nhà vợ ta không?

Phùng đại phu đã lục tuần, thê tử hay nhạc phụ của ông đều cách Vương Hi quá nhiều tuổi, Vương Hi thật sự không thể đồng cảm. Nhưng nàng có thể nhận ra Phùng đại phu nóng vội thế nào.

- Vậy ông cứ từ từ điều tra, có khi lại cùng gốc rễ với nhà vợ của ông thật ạ!

Phùng đại phu từng kết tóc, song thê tử đã chết bệnh, cũng không để lại con cái, nhưng Phùng đại phu lại không tục huyền. Ông nội nàng nói Phùng đại phu không quên được thê tử, là một người si tình. Cũng bởi vậy mà nữ quyến Vương gia đều cảm thấy Phùng đại phu là người trung tình hiếm có, kéo theo rất tốt với Phùng Cao.

Cô cả của nàng còn muốn gả cháu gái cho Phùng Cao. Nhưng Phùng Cao phải theo Phùng đại phu đi ngao du, nên đã từ chối khéo, mối hôn sự này mới không thành.

Vương Hi biết Phùng đại phu không có tâm trạng giữ bọn nàng ở lại dùng bữa tối, vì vậy đã mở lời trước:

- Khi nào ông rảnh, con lại qua thăm ông, sẽ mang theo dưa muối nước tương của Lục Vị Viên ạ.

Quả nhiên, Phùng đại phu áy náy nói:

- Lần sau, Phùng gia gia mời các con ăn chân giò thủy tinh của Tứ Quý Mỹ.

Vương Hi cười tủm tỉm, tranh thủ lúc Thường Kha chưa về, thì thầm hỏi tiếp:

- Có phải Hoàng thượng có bệnh gì khó nói, cho nên Trần Lạc và Nhị hoàng tử mới bí mật tìm danh y ạ?

Phùng đại phu nhìn Vương Hi chằm chằm, im lặng không nói gì. Vương Hi lập tức bưng miệng, nói:

- Ông yên tâm, ông cứ yên tâm, con sẽ không nói với ai hết. Con sợ là sợ ông gặp nguy hiểm. Con cho rằng ông từ chối họ là đúng.

- Con quỷ nhỏ ranh mãnh này! - Phùng đại phu không nhịn được lại xoa đầu nàng. - Biết nặng biết nhẹ là tốt! Con cứ ở ngoan trong phủ Vĩnh Thành Hầu mấy ngày, chờ chuyện này qua chúng ta lại nói.

Vương Hi gật đầu, cùng Thường Kha rời hiệu thuốc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro