C26 - NƯỚC CŨNG ĐI LÊN NHƯ LỬA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

....Sa môn Cồ Đàm, nước không thật sự giúp ta siêu thoát được.

Nước đi xuống, trong khi lửa lại bốc lên. Khi ta chết, thân xác ta nhờ lửa mà bay lên thành khói...

– Tôn giả Ca Diếp, ngài nói như vậy e không đúng. Đám mây trắng đang bay trên trời kia cũng là nước đấy, và nước cũng có thể bay lên. Khói cũng chỉ là hơi nước. Cả hai thứ mây và khói đều sẽ phải trở lại.

Vạn vật, như ngài đã biết, luôn luôn luân chuyển tuần hoàn.

– Nhưng vạn vật có một nguyên ủy, và vạn vật có thể trở về nguyên thủy ấy.

– Tôn giả Ca Diếp, vạn vật nương nhau mà có mặt.

Tôn giả hãy nhìn chiếc lá trong tay tôi đây. Đất, nước, hơi nóng, hạt mầm, thân cây, đám mây, mặt trời, thời gian, không gian... đều là những nhân duyên giúp cho chiếc lá này có mặt. Thiếu một trong những nhân duyên ấy thì chiếc lá không thành.

Tất cả các loài đất đá, thảo mộc và cầm thú đều vâng theo luật duyên sinh ấy. Nguyên thủy của một vật là vạn vật.

Tôn giả hãy quán sát kỹ xem. Có bao giờ một nhân mà đưa tới được quả đâu. Nhân quả là trùng trùng.

Ý niệm về một nguyên nhân duy nhất và đầu tiên là một vọng tưởng do sự thiếu quán chiếu mà ra.

Này tôn giả, chiếc lá tôi cầm trong tay đây là do tất cả các pháp trong vũ trụ họp lại để tạo thành, trong đó có nhận thức của tôn giả.

=======

Hai người ngồi bên bờ hồ để đàm đạo. Đạo sĩ Ca Diếp hỏi Phật:

– Hôm qua sa môn Cồ Đàm nói về sự có mặt của chiếc lá như là sự tập họp của nhiều yếu tố nhân duyên. Ngài nói rằng con người cũng do sự tập họp của nhân duyên mà có mặt. Vậy khi các nhân duyên tan rã, con người đi về đâu?

Phật nói:

– Đã từ lâu chúng ta bị kẹt vào ý niệm atman, nghĩa là ý niệm về một cái ta thường tại bất biến. Chúng ta đã quen nghĩ rằng khi thân xác ta tan rã, cái ngã ấy vẫn còn tồn tại và có thể trở về với nguồn gốc của nó là Phạm Thiên để mà cộng trú với ngài.

Này tôn giả Ca Diếp, đó là một sai lầm căn bản đã từng làm lạc lối biết bao nhiêu thế hệ.

Tôn giả Ca Diếp nên biết: vạn pháp từ nhân duyên mà sinh và cũng do nhân duyên mà diệt.

Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này vắng mặt vì cái kia vắng mặt, cái này sinh ra vì cái kia sinh ra, cái này ẩn diệt khi cái kia ẩn diệt. Đó là đạo lý duyên sinh mầu nhiệm mà tôi đã khám phá được bằng thiền quán.

Trong thực tại, không có một cái gì đồng nhất và bất biến, không có ngã, dù là đại ngã hay tiểu ngã.

Này tôn giả Ca Diếp, ngài đã từng quán chiếu về thân thể, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức chưa? Con người có mặt là do sự tập hợp và vận hành của năm uẩn ấy. Đó là những dòng biến chuyển liên tục, trong đó không có một yếu tố nào thường tại.

Đạo sĩ Ca Diếp im lặng hồi lâu. Một lát sau, ông hỏi:

– Như vậy người ta có thể nói sa môn Cồ Đàm chủ trương thuyết hư vô không?

Phật mỉm cười lắc đầu:

– Không. Ý niệm về hư vô cũng là một loại tà kiến trong rừng tà kiến dày đặc.

Ý niệm về hư vô cũng tai hại như ý niệm về một bản ngã đồng nhất và bất biến.

Tôn giả Ca Diếp, ngày hãy nhìn mặt hồ Anotatta đây. Tôi không hề nói rằng nước hồ và những lá sen, hoa sen và gương sen trong hồ là hư vô. Tôi chỉ nói rằng nước hồ, cũng như lá sen, hoa sen và gương sen đều là những hiện tượng do nhân duyên phối hợp và có mặt, và trong tự thể của chúng không hề có một thực thể bất biến và thường tại.

Ca Diếp ngửng lên nhìn vào mặt Phật:

– Vậy nếu không có ngã, không có atman, thì cần gì phải tu hành để đạt tới giải thoát? Giải thoát cho ai, và ai là người được giải thoát?

Phật nhìn vào mắt vị đạo sĩ Bà la môn. Cái nhìn của người sáng chói như những tia sáng mặt trời nhưng cũng êm dịu như ánh trăng, và người nói, với một nụ cười:

– Tôn giả Ca Diếp hãy thử tự tìm lấy câu trả lời. Hôm khác, ta sẽ tiếp tục câu chuyện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro