Dụng cụ bấm lỗ giấy, tháp eiffel và hải cẩu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nó là đứa bé nhất trong lứa sinh năm đó. Tại thành phố nhỏ này, chỉ có duy nhất một gánh xiếc, và cũng chỉ có duy nhất một cặp hải cẩu trong gánh xiếc đó. Ấy vậy mà, vừa ra đời ít lâu, bố mẹ và các anh chị của nó đều đã bị một cơn dịch bệnh kì lạ cướp đi mất, bỏ lại một mình nó trơ trọi, không ai chăm sóc.

Cũng vào năm ấy, việc làm ăn của gánh xiếc càng ngày càng tuột dốc. Sự ra đời của rạp hát, nhà chiếu phim đã khiến nhiều người quên đi sức hấp dẫn, lôi cuốn của những trò ảo thuật, đu bay, những con vật biết làm trò, biết nhảy múa. Ông chủ đã nhiều lần toan bán đi gia tài duy nhất này của ông vì túng quẫn, nhưng vì tình thương, sự gắn bó bao năm qua giữa những thành viên đã xem nhau như gia đình mà ông chần chừ giữ lại.

Bệnh tật, nợ nần bất chợt đổ ập lên gánh xiếc làm cho hết thảy mọi người, mọi loài vật hoang mang, lo sợ. Và, khi người ta bị dồn vào đường cùng, họ quay sang tìm cách đổ lỗi cho bất cứ thứ gì mà họ có thể nghĩ ra được. Tại đây, còn gì thích hợp hơn chú hải cẩu con không cha không mẹ, ốm yếu và bất hạnh này?

Thế là hải cẩu nhỏ bị xem là tai ương, là thần xui xẻo, là đồ ôn dịch, là thứ bị nguyền rủa. Nó bị các con thú khác xa lánh, chì chiết, hắt hủi. Nó không có gì để ăn. Với phần ăn ít ỏi của mình, các con vật dè sẻn chia nhau từng chút, từng chút một, ngoại trừ nó. Sữa lại còn là một thứ quý giá hơn. Chẳng có bà mẹ nào, dù động lòng đến đâu, muốn dành cho một kẻ lạc loài như nó. Hằng ngày, nó bới rác để ăn, nhặt nhạnh những mẩu thừa mà con người vứt đi. Đôi khi, nó vô tình ăn phải những mảnh chai lọ vỡ, vỏ hộp rỗng, cạnh sắc cứa vào lưỡi nó đau điếng, miệng nó chảy máu. Thêm vào đó, việc kiếm ăn ở bãi rác không hề dễ dàng. Nó phải tranh giành với bọn chuột, mèo hoang, chó hoang. Răng và móng của bọn chúng đã để lại trên người nó chằng chjt những vết sẹo, dài ngắn đủ loại kích cỡ.

Nhưng, ngạc nhiên thay, nó có thể sống lay lắt qua ngày cho đến khi trở thành một con hải cẩu trưởng thành. Nghĩa là đã đến lúc nó bước ra sân khấu để biểu diễn. Ngặt một nỗi, nó xấu quá. Có thể là do lúc nhỏ thiếu ăn, lại bị thương triền miên, nên da nó không được đen và bóng mượt như những con hải cẩu mà người ta thường nhìn thấy. Mọi loài vật đều cười nhạo nó, gọi nó là đồ kinh tởm. Ngay cả những người trong gánh xiếc cũng chẳng muốn đến gần nó. Ngày đầu tiên ấy, khi nó bước ra từ trong cánh gà, cả rạp đã dành cho nó một sự yên lặng dị thường. Toàn bộ khán giả đều sững sờ trước nhan sắc của con hải cẩu duy nhất của gánh xiếc. Và rồi, họ cười. Cười ồ lên ầm ĩ, vừa cười vừa chỉ tay vào nó với vẻ nhạo báng. Nó chỉ biết đứng trơ ra đó mà hứng chịu.

Rồi, người ta dạy nó làm xiếc, với hy vọng bù đắp cho ngoại hình xấu xí của nó. Tiếc thay, nó chẳng làm được gì cả. Nó thổi kèn cũng không được, tung hứng cũng chả xong, ngay cả việc vỗ tay theo nhịp điệu đơn giản nó cũng làm sai be bét. Mọi người lại nói nó thật vô dụng. Người phụ trách huấn luyện lúc nào cũng tức giận với nó, ông thường dùng roi da quất vào người nó. Nó đau lắm, nó kêu ỏm tỏi, tiếng kêu của nó lại làm ông ta điên tiết hơn. Mỗi ngày của nó đều phải trải qua những giờ đáng sợ hơn địa ngục như thế đó.

Nó vẫn phải lên sân khấu. Gánh xiếc đang thiếu nhân lực trầm trọng. Nó phải lên và biểu diễn những trò tệ hại mà nó được dạy. Màn trình diễn dở kinh khủng của nó khiến khán giả la ó. Họ ném chai bia, lon nước, giày dép, hay bất cứ thứ gì trong tầm tay họ, vào người nó. Một đêm, ai đó ném vào đầu nó một vật trông đến là ngộ nghĩnh. Thứ ấy có dạng hình chữ nhật, có tay cầm ở trên, một khe hẹp ở giữa chỉ vừa để lèn một tờ giấy vào. Toàn thân được phủ một lớp sơn màu đỏ chói như mới. Người trong đoàn gọi đó là cái dụng cụ bấm lỗ giấy. Một cái tên hết sức kì cục. Nó nghĩ. Ai lại đem thứ này đến xem xiếc chứ? Đã vậy còn ném vào đầu người khác. Thật thô lỗ. Nó thắc mắc không biết vật này hoạt động ra sao, bèn đem đến chỗ đám chuột hỏi thử. Bọn chúng bảo cứ nhét tờ giấy vào khe sau đó ấn tay cầm xuống là sẽ có ngay một cái lỗ tròn nhỏ xinh trên đó Nó làm thử, và dần cảm thấy thích thú với trò chơi mới này. 

Nó bắt đầu đi gom những tờ giấy báo cũ, những tấm áp phích trải đầy đường về làm "nguyên liệu". Vì không biết chữ, nó định sẽ nhờ những cái lỗ nhỏ thay nó bày tỏ lòng mình. Mỗi ngày, nó sẽ in những muộn phiền, đau đớn của nó lên tờ giấy. Cứ thế, hết ngày này sang ngày khác, khi những lỗ tròn đã lấp dày cả tờ giấy, nó lại chuyển sang tờ khác, như cuốn nhật kí liên tục sang trang. Hôm nay, nó lại bị đánh. Hôm nay, mọi người lại ném đồ vào nó. Hôm nay, những con khỉ cướp đồ ăn của nó, còn hùa nhau xỉ vả nó một trận ra trò. Hôm nay, ông chủ nổi giận ném nó ra đường, nó suýt nữa bị một chiếc ô tô tông phải. Hôm nay, nó bị nhốt dưới hầm tối, chật chội và hôi hám, vì lỡ làm vỡ mấy cái đĩa trong màn thăng bằng trên không. Hôm nay, gánh xiếc bị mấy người say xỉn quậy phá. Một người đàn ông đã đổ rượu lên người nó rồi châm lửa. Nó la hét thảm thiết, la đến khàn cả giọng. Người ta xúm lại dập lửa, nhưng chỗ đuôi của nó đã bị bỏng nặng đến nỗi chỉ còn là một mớ da thịt bầy nhầy. Họ đắp thuốc mỡ cho nó, nó đau không thể tả. Đêm ấy, nó vừa đục hàng trăm lỗ tròn trên tờ giấy, vừa cắn răng để tiếng khóc không bật ra. Mắt nó nhòe đi, đến khi nó không chịu nổi nữa, nó lịm dần vào giấc ngủ.

Một ngày nọ, thành phố đưa tin về một lễ hội sắp diễn ra ở Paris, và họ sẽ được góp mặt trong hai tiết mục tại lễ hội ấy. Đây là một sự kiện đặc biệt có một không hai, được biểu diễn trước hàng nghìn người, tại kinh đô ánh sáng của thế giới. Còn gì tuyệt vời hơn thế nữa! Những cuộc thi được tổ chức nhằm chọn ra gương mặt tiêu biểu làm đại diện cho thành phố tham dự ngày hội. Gánh xiếc nơi hải cẩu sống cũng đăng kí, mọi người tất bật vô cùng bởi ai cũng muốn giành được chiếc vé vinh dự ấy. 

Trong những ngày thế này, hải cẩu chỉ nằm một chỗ, ngắm nhìn đường phố và xem chiếc ti vi qua tấm kính của cửa hàng đối diện. Rồi hình ảnh ấy đập vào mắt nó. Một tòa tháp cao lớn đồ sộ chĩa thẳng lên trời. Hải cẩu nín thở. Chỉ là một công trình làm bằng sắt thép thô kệch lại mang sức quyến rũ đến vậy. Đứng sừng sững giữa mặt đất và bầu trời, uy nghiêm tráng lệ nhưng đầy thơ mộng với các cặp đôi sóng vai nhau đi bên dưới, những người chơi vĩ cầm cùng những người mang theo giỏ đầy ắp hoa hồng. Tựa như vị thần của tình yêu đang ngự trị ở nơi đó vậy. Nó chợt nghĩ. Biết đâu nó sẽ tìm thấy tại đó, một thứ mà nó vẫn còn thiếu, một thứ nó hằng mong mỏi tìm kiếm bao lâu nay, một thứ mà từ khi sinh ra nó chưa bao giờ được trao tặng. Nó nghe lỏm trong các cuộc trò chuyện của mọi người, rằng tên tòa tháp ấy là Eiffel. Tháp Eiffel. Nó lẩm bẩm, tự nhủ phải ghi nhớ thật kỹ cái tên đó, hình ảnh đó. Suy cho cùng, đây là lần đầu tiên nó thấy cuộc đời thật đáng sống biết bao, bởi giờ đây nó đã có thứ để khao khát, để ước mơ, để phấn đấu mà giành được.

Vì cơ thể tàn tật, nó không thể diễn trò được nữa. Người ta nhét vào miệng nó một mẩu than và đặt trước mặt nó một tờ giấy trắng. Đây là cơ hội cuối cùng. Nếu nó không làm được cái gì đó, người ta chẳng còn cách nào khác ngoài việc biến nó thành bữa ăn. Ít nhất cũng đủ dùng trong dăm ba ngày. Nó hiểu rõ điều đó. Nó đã chứng kiến số phận của nhiều lứa đi trước, khi chúng trở nên vô dụng, không còn giúp ích được nữa thì việc duy nhất chúng hữu dụng là trở thành thực phẩm cung cấp cho con người. Nó cắn chặt răng, chúi người về phía trước, nguệch ngoạc đi những nét dọc, nét nghiêng lên mặt giấy. Trong đầu nó chỉ tồn tại một hình ảnh duy nhất, hình ảnh đã ăn sâu vào tiềm thức nó, thứ nó thường thấy trong mỗi giấc mơ. Khi vẽ xong, nó vỗ tay, đầu ngúc ngoắc cố chỉ sang phía bên kia đường, nơi cửa hàng có chiếc ti vi đang đưa tin về lễ hội ở Paris sắp tới. Thế là mọi người ồ lên, hóa ra hình vẽ trông như chữ "A" đây chính là tháp Eiffel sao? Tuy có hơi tối giản nhưng vẫn thể hiện được đủ đầy nét đặc trưng của công trình nổi tiếng này. Sau đó, một đồn mười, mười đồn trăm, cả thành phố bắt đầu xôn xao về chuyện con hải cẩu biết vẽ tranh. Già trẻ lớn bé đua nhau đổ về gánh xiếc để chiêm ngưỡng bức họa của nó, bức họa mang chủ đề tháp Eiffel, biểu tượng đầy tự hào của nước Pháp. Nó có thể đứng trước mặt mọi người, ngậm cọ trong miệng để vẽ, luôn là chủ đề đó, hình ảnh đó. Chỉ trong một tuần, từ một con hải cẩu xấu xí và tàn tật, nó trở thành hiện tượng nổi tiếng trong giới nghệ thuật. Một tài năng - theo cách gọi đầy hoa mĩ của cánh nhà báo - nở muộn giữa chốn bần cùng đen tối tưởng chừng đã bị cả thế giới bỏ quên này.

Tất cả những thành viên trong gánh xiếc đều hoàn toàn bất ngờ trước sự thay đổi của chú hải cẩu. Nó biến thành niềm hy vọng của mọi người, thành ứng cử viên sáng giá cho chiếc vé tham dự lễ hội. Nó được đối đãi tử tế hơn, được cho nhiều cá ngon, có chỗ ngủ mới êm ái, ấm áp hơn. Khán giả không còn ném đồ vào nó nữa, thay vào đó, họ tặng nó những vòng hoa đầy màu sắc xinh đẹp. Chính bản thân nó cũng ngỡ ngàng trước sự chuyển biến phi thường này. Phải chăng ông trời đang bù đắp cho những thánh ngày khổ sở của nó bằng năng khiếu hội họa, để nó có thể đạt được ước mơ nhỏ bé của mình, là được ngắm nhìn Eiffel rực rỡ và tráng lệ?

Cuối cùng, ngày công bố kết quả đã đến. Nó được chọn là một trong hai đại diện sẽ tham gia tại lễ hội lớn nhất tại Paris. Kì tích lần đầu tiên xảy ra với nó. Lần đầu tiên, nó đắm chìm và say sưa trong niềm hạnh phúc dâng trào khắp cơ thể, cái cơ thể gầy gò chịu đầy thương tích của nó. Lần đầu tiên, nó không cần phải dùng đến cái dụng cụ bấm lỗ giấy để xóa đi nỗi đau buồn vì giờ đây, nó đang bay trong nỗi vui sướng quá đỗi. Nó đã chuẩn bị đầy đủ hành lý, hồi hộp chờ mong chuyến tàu sẽ đưa nó đến vùng đất của tình yêu kia, nơi nó hằng khao khát. Chỉ còn một ngày nữa thôi.

Thế nhưng, cuộc đời này thật lắm trớ trêu. Khi nó ngỡ rằng mình sắp chạm tay vào hạnh phúc thì một lần nữa, định mệnh nghiệt ngã lại vùi dập nó xuống hố sâu của tuyệt vọng. Đó là đêm ngay trước ngày khởi hành. Nó dầm mưa, cố lết người qua bãi rác để tìm lại món đồ thân yêu của mình. Trong lúc dọn dẹp, người ta đã vô tình quẳng mất cái dụng cụ bấm lỗ giấy của nó, món đò đã gắn bó qua những tháng ngày bị đánh đập, bị hành hạ, bị xem là thứ phế thải chẳng ai cần đến. Nó cần vật đó, như cần một người bạn tri kỉ ở bên chia se những niềm vui, nỗi buồn. Nó tìm được vật đó, và khốn thay, bọn chúng cũng tìm ra nó. Chúng chính là những kẻ thua cuộc, những kẻ không được chọn. Chúng đầy lòng đố kỵ, căm ghét, khinh thường con hải cẩu gớm ghiếc tầm thường kia đã giành lấy vinh quang của chúng. Chúng nghĩ nếu hải cẩu biến mất, họ sẽ phải tìm một gương mặt khác để thay thế, biết đâu chúng lại có cơ hội. Thế là, chúng đánh hải cẩu nhỏ không chút khả năng tự vệ ở trước mặt. Chúng dùng gậy gộc, thanh sắt, hay bất cứ thứ gì chúng vớ được ngay trong bãi rác. Mặc kệ hải cẩu kêu la cầu cứu, mặc kệ nó cúi đầu van xin thảm thiết. Những tiếng chát chúa khi vũ khí trên tay chúng va vào nhau, tiếng trầm đục khi chúng nện vào thân thể yếu ớt của con vật tội nghiệp, hòa cùng tiếng mưa rơi, tiếng chó sủa văng vẳng, tạo thành một bản hòa tấu thê lương não nề. Khi đã cảm thấy hả dạ, chúng cứ thế vứt vội vũ khí rồi cười khẩy bỏ đi, bỏ lại một thân xác tàn tạ đầy máu nằm sõng soài trên mặt đất. Hải cẩu thoi thóp thở. Nó không chạy được nên chỉ biết khom mình chịu trận. Nó không thể hiểu được, tại sao bọn họ lại đối xử với nó như vậy. Nó tự hỏi mình đã làm gì sai, đã bao giờ nó cố ý làm tổn hại ai mà phải chịu bất công đến thế. Người nó bê bết máu, nó lạnh và đau đớn vô cùng. Nó không chỉ đau vì những vết thương trên người, nó còn đau vì trái tim nó không chịu nổi sự lạnh lùng, tàn nhẫn, độc ác của con người. Thế giới này vốn dĩ không dành cho nó. Trong một khoảnh khắc nào đó, cuộc đời nó đã được lấp đầy bởi hạnh phúc và niềm tin, tin vào một tương lai tốt đẹp chờ đón nó phía trước. Nó cũng một lần được tận hưởng cảm giác tung hô, trân trọng của mọi người. Nó đã nghĩ việc sống trên đời là một điều ý nghĩa, khi nó có ước mơ và nỗ lực hết mình vì ước mơ ấy. Tháp Eiffel có lẽ mãi là một nơi xa vời và tình yêu có lẽ mãi là một thứ mà nó không bao giờ có thể cảm nhận được.

Tầm nhìn nó nhòe dần. Nó thổn thức. Nước mắt nó hòa lẫn vào làn mưa. Nó nói lời tạm biệt với người bạn đục lỗ giấy của mình. Nó tạm biệt tháp Eiffel yêu dấu, tiếc nuối đã không còn cơ hội để ngắm nhìn nó nữa. Và rồi, nó tạm biệt cuộc đời đầy bi ai của mình.

Sáng hôm sau, người quản lý bãi rác phát hiện ra hải cẩu. Ông báo với ông chủ gánh xiếc. Họ đem nó về, quấn nó vào một tấm vải sạch sẽ thơm tho và chôn nó xuống một khoảnh đất trong công viên. Bao bọc xung quanh nó là thảm cỏ xanh với những khóm hoa xuân nở rộ cùng đầi phun nước. Một khung cảnh thật nên thơ để an nghỉ. Họ đặt vòng hoa lên mộ nó, có người còn rỏ vài giọt nước mắt. Thật kì cục vì đến khi nó chết, nó mới được khóc thương, được đối xử tử tế, được tiếc nhớ. Nó không cảm thấy buồn. Cái chết của nó là điều tốt đẹp, bởi giờ đây nó đã hoàn toàn được giải thoát, tự do đi đến mọi nơi nó muốn. Không còn nỗi đau nào hiện hữu trong nó nữa.         

                 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro