QUỸ NGHỆ THUẬT NIU-YOOC (NVFA) - Phạm Việt Long 7

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Nằm ở tầng 14, số nhà 155 Đại lộ Châu Mỹ, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc có những phòng làm việc không rộng rãi lắm. Đón tiếp chúng tôi là ông Thaođơ S. Bơ-gơ, Giám đốc điều hành của Quỹ. Ông giới thiệu với chúng tôi rất chi tiết về quỹ, đồng thời có những lời tâm sự rất chân tình.

Theo tài liệu của Quỹ FORD và của ông Giám đốc, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc được thành lập năm 1971 bởi Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu-Yoóc như một tổ chức độc lập nhằm hỗ trợ sự phát triển của các hoạt động nghệ thuật trên toàn bang. Từ đầu, quỹ đã hoạt động như một tổ chức phát triển sáng tạo, là chất xúc tác, cổ xuý và là lò phát triển chương trình và tài chính trong nghệ thuật. Ngày nay, nó phục vụ cho các nghệ sĩ độc lập, khuyến khích sự tự do phát triển và sáng tạo của họ, cũng như tạo cơ hội cho công chúng được thưởng thức và am hiểu về nghệ thuật. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đạt được điều này thông qua việc hỗ trợ về tài chính và thông tin cho các nghệ sĩ và các tổ chức phục vụ trực tiếp các nghệ sĩ, thông qua việc hỗ trợ cho các hoạt động nghệ thuật ở cộng đồng, và thông qua việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác với những tổ chức vì nghệ thuật khác ở bang Niu-Yoóc và trên cả nước.

Suốt quá trình hoạt động, với tư cách là một tổ chức trung gian trong lĩnh vực, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã tìm ra nhiều phương cách để phát triển và cung cấp tài trợ, tái tài trợ, cho vay, cũng như các dịch vụ hỗ trợ tài chính và thông tin khác để đáp ứng những yêu cầu đa dạng luôn thay đổi của cộng đồng nghệ thuật đa dạng và luôn biến động. Thông qua các chương trình thông tin giáo dục, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc luôn tìm kiếm các cách thức hữu hiệu hơn để mở rộng sự tham gia trong tất cả các ngành nghệ thuật, cũng như mở rộng sự hiểu biết của cả khán giả lẫn đông đảo công chúng về vai trò của các nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật trong đời sống, trong cộng đồng của họ, cũng như trong xã hội nói chung. Buổi đầu, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc chỉ phục vụ cho bang Niu-Yoóc, nhưng dần dần đã phối hợp và mở rộng tầm hoạt động ra phạm vi vùng, quốc gia và thậm chí cả ở tầm quốc tế.

Trong các năm 1973-1974, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc khởi xướng một dự án thí điểm kéo dài một vài năm và sau đó được công nhận trên toàn quốc với tên gọi chương trình Nghệ sĩ thường trú, hỗ trợ cho việc đưa chương trình này vào dạy ở các trường và các cộng đồng trong toàn bang. Ngày nay chương trình này vẫn tiếp tục với tên gọi Nghệ sĩ trong môi trường sư phạm, một phần của chương trình giáo đục đa dạng và toàn điện. Các chương trình giáo dục của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc phát triển lên và bao gồm cả việc hoạt động như một lò luyện cho một số ngành nghệ thuật quan trọng cũng như một số đơn vị nghệ thuật.

Sự tham gia việc phát triển một loạt phong trào nghệ thuật và các tổ chức nghệ thuật đã trở thành một trong những chương trình của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc. Năm 1984, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc được Hội đồng nghệ thuật bang Niu-Yoóc chọn để quản lý Chương trình học bổng cho nghệ sĩ trên toàn quốc, và quản lý phần dịch vụ công cộng của quỹ mang tên nghệ sĩ và khán giả. Chương trình kể từ khi được mở rộng đã tài trợ trực tiếp cho nghệ sĩ bang Niu-Yoóc trong 16 môn nghệ thuật. Trong gần 20 năm qua, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã phát triển rất nhiều chương trình tài trợ và tái tài trợ cho cá nhân các nghệ sĩ cũng như cho các đơn vị nghệ thuật, bao gồm nhiều hoạt động. Hiện Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc tài trợ cho 300 dự án của các nghệ sĩ và 60 tổ chức mới thành lập.

Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc mở rộng tầm hoạt động của mình vào những năm 1980 bằng việc tham gia một số hội nghị và nghiên cứu quan trọng. Năm 1984, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Đại học Columbia cung cấp những dữ liệu mang tính thống kê về đời sống, điều kiện sống và làm việc của các nghệ sĩ ở bang Niu-Yoóc. Về sau đã xuất hiện một chương trình nghiên cứu tương tự trên toàn quốc, được lặp lại và mở rộng trong những năm gần đây. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã được khẳng định trên toàn quốc với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc. Một nhân tố hết sức quan trọng khác đối với sự phát triển của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc trong vai trò một nhà cung cấp dịch vụ thông tin là sự ra đời năm 1984 của FYI, Tạp chí ra định kỳ hàng quý của Quỹ dành cho những người sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật, và sau đó một thập kỷ là của Đường dây thông tin nóng về các nghệ sĩ mỹ thuật. Hiện Tạp chí có số lượng phát hành 20.000 bản phục vụ cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ở tất cả các ngành nghệ thuật trên toàn bang Niu-Yoóc và trên cả nước. Đường dây nóng phát triển với sự trợ giúp của một tập đoàn các nhà tài trợ trong cả nước, dẫn đầu là Quỹ nghệ thuật Marie Walsh Sharpe. Hiện nó vẫn tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho các nghệ sĩ mỹ thuật trên toàn quốc.

Trong những năm gần đây, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã nổi lên như một tổ chức đi đầu trong việc đề cập đến công nghệ và vai trò của công nghệ trong cộng đồng nghệ thuật. Các nỗ lực của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc trong lĩnh vực này bắt đầu bằng một công trình nghiên cứu về nghệ sĩ trên toàn bang liên quan đến việc sử dụng những công nghệ để sáng tạo nghệ thuật. Kết quả là, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã thiết lập được một ngành học bổng mới cho nghệ sĩ: Nghệ thuật vi tính. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã xuất bản Niên giám kỹ thuật số: Các nguồn nghệ thuật ở bang Niu-Yoóc, dưới dạng văn bản cũng như dạng dữ liệu trên mạng. Một chương trình tài trợ mới bao gồm Tài trợ cho lập kế hoạch nghệ thuật và công nghệ, Hỗ trợ kỹ thuật cho nghệ thuật và công nghệ cũng đang được thực hiện.

Hiện nay, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc thể hiện sức mạnh về mặt tổ chức và khả năng lãnh đạo trong các vai trò của nhà tài trợ và nhà cung cấp dịch vụ cho các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật và các cộng đồng nghệ thuật rộng lớn ở Niu-Yoóc. Trang Web của Quỹ miêu tả tất cả các chương trình hiện đang tiến hành và thể hiện những nỗ lực gần đây nhất nhằm duy trì vai trò lãnh đạo trong việc cung cấp những dịch vụ hữu hiệu và hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật và quảng đại quần chúng mà nó là một bộ phận.

Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã đưa nghệ sĩ đến hầu hết các khu vực có trường học trên toàn bang Niu-Yoóc; cung cấp những tài trợ về tài chính cho hàng trăm tổ chức mới hình thành; cũng đã hỗ trợ khả năng tổ chức thông qua các khoản tài trợ và tín dụng. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc còn hỗ trợ việc tăng cường hạ tầng cơ sở tổ chức và mở rộng các nguồn từ trường học nhằm phục vụ cho toàn bộ cộng đồng.

Qua báo cáo của Trung tâm quỹ và Quỹ nghệ thuật Niu-Yoóc, chúng tôi thấy trên đất Mỹ có những mô hình tổ chức khá đặc biệt, có cơ chế quản lý văn hoá khá linh hoạt và thực tế giúp cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật có thể tìm được nhiều nguồn tài trợ.

Ở Mỹ, các tổ chức nghệ thuật có thể được chia ra làm hai nhóm: nhóm phi lợi nhuận, và nhóm các tổ chức nghệ thuật mang tính thương mại (vì lợi nhuận).

Các tổ chức mang tính thương mại cũng giống như các doanh nghiệp thương mại khác, họ cũng cố gắng và họ tin rằng công chúng sẽ bỏ tiền ra để xem hoặc để mua sản phẩm nghệ thuật, vì vậy mà họ sẽ tiếp thị các sản phẩm này đến công chúng dựa vào bán vé là chính.

Các tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận có xu huớng sản xuất ra các sản phẩm dựa trên những giá trị nghệ thuật vốn có của họ. Các tổ chức này không hi vọng việc có thể thu lợi nhuận hay bù đắp được các chi phí với nguồn thu từ bán vé. Vì thế họ phải tìm các cách thức khác để có thể tự nuôi mình. Để giải quyết thực trạng này, Mỹ đã phát triển nhiều hình thức hỗ trợ cho các tổ chức không vì lợi nhuận này, đôi khi được gọi là "hình thức hợp tác nhà nước và tư nhân".

Về phía đối tác nhà nước, có ba cấp độ hỗ trợ trực tiếp của chính phủ:

Liên bang (Trung tâm Quốc gia Trợ vốn cho nghệ thuật)

Các bang (ví dụ Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu-Yoóc)

Địa phương (các Hội đồng nghệ thuật thành phố, vùng)

Còn có sự hỗ trợ gián tiếp dưới hình thức giảm thuế đối với những quà tặng dành cho các tổ chức nghệ thuật không vì lợi nhuận đã được chính phủ thông qua, đây là một lợi ích rất quan trọng.

Đối tác cá nhân bao gồm các quỹ, các doanh nghiệp và các cá nhân, trong đó nhiều nhất là hỗ trợ bằng tiền của các cá nhân; tặng các thiết bị, dịch vụ và các nguồn cung cấp; và hoạt động tình nguyện. Hầu hết những đóng góp này đều có thể khiến chủ nhân của nó được giảm thuế.

Nhìn qua, thấy Mỹ không có Bộ Văn hoá, cứ tưởng chính quyền Mỹ không quản lý văn hoá nghệ thuật và không đầu tư cho văn hoá nghệ thuật, nhưng nhìn sâu vào cơ chế hoạt động mới thấy đây là biện pháp quản lý khá chặt chẽ và có sự đầu tư không nhỏ - đầu tư bằng chính sách thuế, bằng cách tạo cơ hội cho văn hoá nghệ thuật được đầu tư thông qua tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Thông qua cơ quan thuế, Chính phủ nắm rất chắc từng khoản tài trợ mà các công ty bỏ ra cho nghệ thuật. Bản thân các quỹ tài trợ cũng được cấp kinh phí cho hoạt động, như Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc hàng năm thu được 12 triệu USD, trong đó có 4 triệu là do chính quyền tài trợ.

Khi chúng tôi hỏi về phương thức quyên góp tiền tài trợ cho nghệ thuật, ông Thao-đơ S. Bơ-gơ, Giám đốc điều hành Quỹ, cho biết: Nếu mọi người muốn quyên tiền thì đều phải thông qua một tổ chức từ thiện, có vậy mới được miễn trừ thuế trên các khoản mà họ tài trợ. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc cho các nhà tài trợ dùng mã số thuế của mình để chuyển tiền tài trợ, rồi quỹ tài trợ lại cho các đơn vị nghệ thuật. Ông cũng nói thêm, để việc quyết định tài trợ cho các đơn vị nghệ thuật mang tính khách quan, Ban Giám đốc Quỹ không tham gia việc quyết định tài trợ cho đơn vị nào; việc này được giao cho một Ban do Quỹ thuê gồm 30 người. Trên cơ sở những thông tin về các đơn vị nghệ thuật và nguồn tài trợ, Ban sẽ quyết định tài trợ cho đơn vị nào mà không phụ thuộc vào bất cứ sự gợi ý nào của Ban Giám đốc Quỹ.

Ông Giám đốc tâm sự: "Tôi làm việc ở Quỹ này từ năm 1973, lúc ấy chỉ có 2 thành viên, nay có tới 40 người vào làm việc thường xuyên hoặc thời vụ. Tôi đã qua quá trình phát triển, khó khăn, vươn lên của Quỹ, thấy được sự thay đổi của quá trình xã hội. Bây giờ có rất nhiều chương trình đào tạo về quản lý, còn tôi thì không được đào tạo, vừa làm vừa học. Chúng tôi không thuộc Chính phủ cho nên làm được nhiều việc mà Chính phủ không làm được như đi đầu đấu tranh cho quyền lợi, chính sách đối với nghệ sĩ, gây quỹ cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Để làm việc có hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe hai phía: Yêu cầu của Chính phủ cũng như của cộng đồng nghệ thuật và các nghệ sĩ ". Sau một số câu trao đổi về hoạt động tài trợ của Quỹ, ông Giám đốc bộc bạch: "Niu-Yoóc còn có cách tài trợ của riêng quan chức - quan chức mới được bầu, tìm được ngành mà họ thích thì họ tài trợ, mong sẽ được bầu lại vào nhiệm kỳ sau. Tôi không thích loại này - mang mầu sắc chính trị, không tốt vì không đưa ra được chính sách hỗ trợ cho văn hoá. Nếu đơn vị nghệ thuật nào đó lại không được vị quan chức thích thì sẽ không bao giờ nhận được tiền." Sau những tiếng cười tán thưởng của người nghe, ông Giám đốc nói: "Hiện nay, đang có sự thay đổi trong chính phủ bang Niu-Yoóc. Đó là thực hiện luân chuyển trong thành viên Hội đồng Bang: trong số 51 người được bầu vào Chính phủ Bang thì phải có 35 người được bầu mới. Tôi nghĩ rằng quy định này sẽ làm cho việc tài trợ cho nghệ thuật từ phía chính phủ mang tính khách quan hơn."

Nói về các đơn vị nghệ thuật tại Niu-Yoóc, ông Giám đốc nhận xét: "Chúng tôi không có một mô hình cụ thể nào cả, không còn ranh giới tách biệt giữa hoạt động phi lợi nhuận và lợi nhuận, nhưng khu vực phi lợi nhuận sẽ tạo cánh tay để phát triển lợi nhuận. Những tổ chức, cá nhân nói rằng họ phi lợi nhuận thì họ đã tách mình khỏi thực tế. Trong lĩnh vực văn hoá, có thể có nghệ sĩ chuyên nghiệp, có nghệ sĩ không chuyên, nhiều khi chúng ta lại tạo ra tấm rào cách biệt giữa 2 lĩnh vực chuyên và không chuyên, lợi nhuận và phi lợi nhuận. Cuộc đấu tranh của văn hoá nghệ thuật không nhất thiết là lợi nhuận hay không lợi nhuận mà là phục vụ hay không phục vụ cho cộng đồng".

Ông Giám đốc Quỹ cho biết trụ sở của Quỹ nằm gần Trung tâm Thương mại Thế giới, do vậy đã bị phong toả sau ngày 11 tháng 9 vì lý do an ninh, may mà đoàn đến vào lúc vừa được lệnh hoạt động trở lại. Ông cho biết bản thân đã chứng kiến cái giờ phút kinh hoàng của nước Mỹ khi toà nhà Thương mại thế giới bị nổ tung và sập đổ, chứng kiến cảnh người nhảy từ các tầng cao xuống, cho nên đã bị tổn thương rất nhiều tận sâu trong tâm khảm, nhưng ông phải gượng dậy để hướng về tương lai. Cùng với thiệt hại về người và của tại Trung tâm Thương mại Thế giới, giới nghệ thuật Niu-Yoóc cũng mất đi 1 nghệ sĩ, 1 Studio, 2 tổ chức nghệ thuật trong thảm hoạ 11 tháng 9, đồng thời có nhiều công trình nghệ thuật bị phá huỷ, bị hư hại, nhiều tổ chức nghệ thuật bị ảnh hưởng hoạt động cần được tài trợ. Hiện nay, khói, bụi từ đống đổ nát vẫn bao phủ nhiều studio, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ, muốn làm sạch chúng phải tốn rất nhiều tiền của và công sức. Mặt khác, do tình hình an ninh và do tâm lý, nhân dân không đến dự các hoạt động nghệ thuật ở khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới nữa, làm cho các tổ chức nghệ thuật, các rạp hát đóng trên khu vực này điêu đứng. Ngay như Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan có sức thu hút trên 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm ở xa khu vực này, cũng bị giảm hẳn hoạt động, những ngày đầu lượng khách giảm 60%. Ông cho biết thành phố đã quyên góp được rất nhiều tiền, đồng thời Quỹ cũng nhận được rất nhiều đơn xin tài trợ của các nghệ sĩ, các tổ chức nghệ thuật, nhưng Quỹ vẫn chưa có khả năng đáp ứng. Ông chua chát nhận xét rằng chính giới nghệ sĩ cũng là những nạn nhân của thảm hoạ 11 tháng 9, những nạn nhân không trực tiếp và lại hay bị lãng quên. Ông đang vận động để thành lập Quỹ tái tạo phục vụ nghệ sĩ, với mục đích khôi phục các công trình, tác phẩm nghệ thuật, các hoạt động nghệ thuật. Ông nhấn mạnh rằng trách nhiệm của giới nghệ sĩ sau thảm hoạ 11 tháng 9 là tái tạo nghệ thuật, làm cho nghệ thuật tiếp tục làm đẹp cuộc sống, làm cầu nối giữa người với người. Tôi có nhận xét rằng, những trí thức, những người Mỹ chân chính mà tôi tiếp xúc khi nói về thảm hoạ 11 tháng 9 chỉ nhắc đến đến sự tái tạo cuộc sống chứ không ai nói đến hận thù. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro