NHÌN LẠI NƯỚC MỸ - Phạm Việt Long - 24

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Mãi 19 giờ 30 mới lên xe ra sân bay để về Việt Nam, nhưng chúng tôi phải rời phòng từ 12 giờ. Khách sạn Milfofd Plaza này làm ăn rất "chắc", khi chúng tôi đến nhận phòng đã bắt chúng tôi nộp toàn bộ tiền thuê phòng, đồng thời còn đặt cược một số tiền, phòng khi chúng tôi thuê giặt giũ hoặc gọi điện thoại, bây giờ, lại yêu cầu chúng tôi ra trước giờ dọn phòng. Phải thương lượng mãi, cuối cùng người quản lý khách sạn mới đồng ý cho chúng tôi giữ lại một phòng để chứa tạm hành lý của cả đoàn. Gớm quá, sau thảm hoạ, khách vắng ngơ vắng ngắt chứ tấp nập nỗi gì mà cứng nhắc nguyên tắc như vậy?

Các bạn ở quỹ Ford đến đúng giờ và chúng tôi lên xe. Tạm biệt Niu-Yoóc trong cái huyên náo vốn có.

Khoảng 8 giờ 30 tối, chúng tôi vào nhà ga sân bay quốc tế Ken nơ đi để làm thủ tục. Các biện pháp an ninh được thực hiện rất gắt gao. Người ta kiểm tra bằng tay, bằng máy, thậm chí móc vào túi áo, túi quần để lấy ra những đồ nhỏ nhặt. Chiếc máy vi tính xách tay của tôi cũng bị mở ra; anh nhân viên an ninh bê nó lại chỗ máy soi cho soi một lần nữa. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh khi mà nước Mỹ đang trong tình trạng báo động. Liệu Mỹ có thể tạo ra được một cuộc sống bình an trên nước mình hay không, khi mà chính quyền Mỹ vẫn cứ thực hiện mãi chính sách ngoại giao "lấy thịt đè người" của mình, đồng thời dung dưỡng bọn khủng bố ngay trên đất mình để chúng chống phá nước khác? Đưa tin về cuộc chiến chống khủng bố hiện nay của Mỹ, báo Lốt-an-giơ-lét Times ngày 21 tháng 10 thừa nhận rằng trong lòng nước Mỹ cũng có một tổ chức khủng bố của một số tướng tá, công chức chính quyền Sài Gòn di tản sang Mỹ công khai hoạt động chống phá Việt Nam. Nhóm khủng bố này mang tên"Việt Nam tự do" đặt trụ sở tại khu buôn bán "Tiểu sài Gòn" ở trung tâm quận Cam, bang Caliphoócnia. Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Hữu Chánh, 52 tuổi. Y thú nhận hai vụ âm mưu đặt bom Đại sứ quán Việt Nam ở Băng cốc và Ma-ni-la mùa hè năm nay là do người của y thực hiện. Nguyễn Hữu Chánh cũng thú nhận tay chân y từng lén lút hoạt động tại biên giới Thái Lan – Cămpuchia và biên giới Lào - Việt, từng thâm nhập về Việt Nam để hoạt động phá hoại. Năm 1998, Chánh đã bị quân đội Thái Lan bắt và trục xuất về Mỹ. Báo Lốt-an-giơ-lét dẫn lời bà Phan Thúy Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết Việt Nam đã yêu cầu Mỹ chấm dứt việc nuôi dưỡng, dung thứ và ủng hộ nhóm "Việt Nam tự do". Mỹ phải trừng trị những kẻ đã phạm tội khủng bố tại Việt Nam. Về vấn đề này, Mỹ chưa trả lời chính thức, nhưng một người phát ngôn bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chính phủ Mỹ quan tâm tới khả năng có người vi phạm luật pháp của chúng tôi và chúng tôi đã cảnh cáo họ". Không hiểu cái ông Mỹ đầy sức mạnh này "cảnh cáo" theo kiểu nào mà bọn khủng bố người Mỹ gốc Việt ấy vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vẫn đi thu tiền của bà con Việt kiều để phục vụ những mục đích đen tối của chúng! Đó là còn chưa kể những bọn khủng bố khác chưa bị vách mặt chỉ tên, và bọn khủng bố chống CuBa vẫn đang sống đàng hoàng trên đất Mỹ. Vậy thì Mỹ có thực sự muốn chống khủng bố toàn cầu không, hay là chỉ muốn chống những ai chống lại chính quyền Mỹ? Thật chí lý khi ông S-tê-phan M. Wua, giáo sư khoa chính trị quốc tế trường đại học Ha-vớt, nói: "Sẽ là hết sức đạo đức giả nếu chúng ta mong muốn thế giới hợp tác chống một nhóm khủng bố chúng ta mà chính chúng ta lại không muốn hợp tác chống các nhóm khủng bố ở các nước khác".

Ngồi chờ mất 3 tiếng đồng hồ để lên máy bay, tôi quan sát và lại suy nghĩ. Nhà ga vắng, phần lớn là người Hoa, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ con. Hành khách ngồi rải rác các ghế, có người ngủ gà ngủ gật. Chỉ có những nhân viên hàng không là đi lại lăng xăng, làm việc có vẻ cần mẫn thái quá. Không hiểu rồi đây, trong "chiến dịch" sa thải hàng loạt của ngành Hàng không Mỹ, ai trong số họ, cô gái tươi tắn đang kiểm tra vé đây, hay anh nhân viên to béo như hộ pháp kia, hoặc chị nhân viên quét dọn da đen ấy... sẽ là nạn nhân? Cuộc điều tra tổn thất do thảm hoạ 11 tháng 9 vẫn tiếp tục với những số liệu bi quan. Riêng việc thu dọn đống đổ nát tại Trung tâm Thương mại Thế giới ở Niu-Yoóc trước kia dự định là 6 tháng, nay ít nhất phải một năm mới xong, với tổng số thiệt hại tới 105 tỷ USD. Đang bị rơi vào đợt suy thoái thứ 10 kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, lại bị đòn chí tử vào một trung tâm kinh tế mang tầm cỡ quốc tế, rồi lại hung hãn tiến hành cuộc chiến tranh hao tổn ở nước ngoài, Mỹ khó mà vực được nền kinh tế của mình dậy trong thời gian ngắn. Cuối cùng, tai hoạ tiếp tục giáng xuống đầu những người lao động Mỹ, đó là bị sa thải, thất nghiệp. Cho nên, gồng mình lên làm việc như những nhân viên hàng không trên sân bay quốc tế Ken nơ đi mà tôi đang trông thấy kia, có lẽ là một biện pháp tự bảo vệ của những người lao động Mỹ để khỏi bị sa thải chăng? Đối với những người lao động Mỹ, đòn khủng bố mà chính quyền bảo rằng do Bin Lađen doạ tiến hành còn chung chung, xa vời, chứ đòn khủng bố tinh thần do lo sợ bị giới chủ Hoa Kỳ sa thải mới thật là sát sườn, cụ thể, và người ta phải tìm mọi cách chống lại nó.

Đi trong nước Mỹ, trước cảnh sống hào nhoáng và giầu có của những thành phố nhà cửa cao ngất nghểu, hàng hoá ngồn ngộn, tôi cứ có một cảm giác là người dân ở đây luôn luôn phải gồng mình lên mà tồn tại. Gồng mình lên để cạnh tranh, buôn bán. Gồng mình lên để hoàn thành công việc, để khỏi bị sa thải. Gồng mình lên để tìm việc. Ngay như Ma-ri-sa Lốp pơ, cô gái được đào tạo cơ bản và làm việt hết sức tận tâm mà tôi đã phác hoạ chân dung, cũng đã có việc làm ổn định đâu! Cuộc sống ở Mỹ là cuộc sống của sự cạnh tranh quyết liệt. Sự cạnh tranh ấy đã tạo nên một lối sống năng động nhưng cũng lạnh lùng và căng thẳng đến nghiệt ngã!

Cho tới tận bây giờ, nhìn lại nước Mỹ để viết những dòng chữ này, cảm giác về một cuộc sống công nghiệp với tốc độ vũ trụ vẫn còn quay cuồng trong đầu óc tôi. Phải công nhận rằng, với sự lao động cật lực và trí tuệ của mình, người Mỹ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội loài người. Những phát minh, những ứng dụng về công nghệ, về kỹ thuật là cống hiến đáng kể của người Mỹ mà nhân loại cần ghi nhận. Riêng trên lĩnh vực văn hoá, người Mỹ cũng đã tạo nên những giá trị không thể chối cãi, đã xây dựng nên những phương thức đầy năng động và hiệu quả mà chúng ta cần coi trọng và học tập.

Về mặt quản lý văn hóa, người Mỹ đã nghĩ ra cách tiếp cận đặc biệt phù hợp với một quốc gia có đặc điểm là đa dạng, trẻ trung và năng động. Cách tiếp cận này xoay quanh sự cởi mở và chấp nhận, tạo điều kiện cho sự tích hợp liền mạch những ảnh hưởng văn hóa đa dạng từ nước ngoài vào hầu hết các khía cạnh của đời sống Mỹ. Nó cũng cho phép các hoạt động trong nước phát triển trong khi tiếp nhận nền văn hóa của riêng họ, từ đó tự do lan tỏa đến mọi nơi trên thế giới. Hành trình khắp nước Mỹ, người ta có thể chứng kiến hoặc nghe về những đóng góp văn hóa của các cộng đồng sắc tộc khác nhau cùng tồn tại và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nước Mỹ. Những đóng góp này bao gồm các tuyệt tác kiến trúc, tác phẩm nghệ thuật, ngôn ngữ và lối sống từ Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Châu Phi, v.v. Bản thân toà tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế giới, biểu trưng cho sức mạnh kinh tế của Mỹ, là do kiến trúc sư người Nhật thiết kế. Ngay cả biểu tượng tinh túy của văn hóa Mỹ, Tượng Nữ thần Tự do, cũng không phải là tác phẩm của người Mỹ. Đó là một món quà từ người dân Pháp, món quà mà người Mỹ tự hào coi là biểu tượng cho bản sắc dân tộc của họ. Thật khó để tìm thấy một quốc gia nào trên thế giới đón nhận các nền văn hóa nước ngoài một cách nhiệt tình như Hoa Kỳ. Tôi tin rằng tinh thần chấp nhận này sẽ tiếp tục mở rộng không giới hạn miễn là nó phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ. Mỹ là một trong những quốc gia đã nhận được một số lượng đáng kể giải thưởng Nobel, thể hiện sự ghi nhận của nhân loại đối với những đóng góp đáng kể của mình cho thế giới. Điều đặc biệt đáng khen ngợi là nhiều người đoạt giải Nobel, đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Israel, Pháp, Đức và Nhật Bản, đã chọn Mỹ là quê hương của mình. Theo một nghiên cứu gần đây của Quỹ Chính sách Hoa Kỳ (NFAP), kể từ năm 2000, người nhập cư đã nhận được 38% giải thưởng Nobel được trao cho người Mỹ trong các lĩnh vực hóa học, y học và vật lý. Nhìn vào giai đoạn từ năm 1901 đến nay, người nhập cư đã chiếm 35% số giải Nobel được trao cho người Mỹ trong các lĩnh vực này, lên tới 109 trên tổng số 311 giải. Nước Mỹ thu hút rất nhiều nhân tài từ khắp nơi trên thế giới và cung cấp cho họ những điều kiện để nuôi dưỡng và thể hiện khả năng của mình. Cam kết lâu dài trong việc trau dồi tài năng này đã tạo nên vinh quang xứng đáng cho nước Mỹ!

Bức tranh này được tạo bằng AI (Bing)∙ lúc 2:42 CH 12 tháng 10, 2023


Trong cách tiếp nhận văn hoá, khác với chúng ta là hay nhào trộn, biến đổi để chuyển hoá thành văn hoá mang đặc tính dân tộc mình, người Mỹ tiếp nhận bằng cách kết hợp các nền văn hoá du nhập với nền văn hoá hiện tại và cứ thế xây dựng tiếp những giá trị văn hoá mới. Giải thích về quy luật này, chúng ta có thể thấy nguyên nhân là ở chỗ nước Mỹ được hình thành do làn sóng nhập cư, với rất nhiều chủng tộc khác nhau, cùng tụ hội trên một mảnh đất không có một truyền thống văn hoá lâu đời, trong khi đó nền văn hoá của người da đỏ, nền văn hoá mang tính truyền thống bản địa, đã bị lụi tàn. Nguyên nhân thứ hai không kém phần quan trọng, là chế độ phân quyền trong quản lý hành chính của Mỹ, khiến cho các địa phương có tính độc lập tương đối với liên bang, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển thưo nhiều phương thức khác nhau. Hiến pháp Mỹ không có điều khoản về văn hoá mà để cho từng bang, từng vùng ghi những điều đó trong luật lệ của mình. Hiến pháp cũng không giao trách nhiệm cho Tổng thống hay Quốc hội về nhiệm vụ quản lý văn hoá, do đó hầu như chính quyền Liên bang không can thiệp vào chính sách văn hoá. Nước Mỹ có xu hướng thiết lập các chính sách tài chính cho văn hoá chứ không tập trung vào chính sách văn hoá. Luật thuế áp đụng từ đầu thế kỉ 20 cho phép các cá nhân có thể hỗ trợ cho nghệ thuật, và bản thân họ cũng được lợi từ những khoản giảm trừ thuế thu nhập của họ. Đến những năm 1960, với sự thành lập của tổ chức Quốc gia trợ vốn cho nghệ thuật (National Endowment for the Arts, NEA), thì một cơ chế liên bang quy định sự hỗ trợ dài hạn cho nghệ thuật được thiết lập. Cho đến năm 1979, Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật vẫn được hưởng tài trợ của liên bang với con số tăng khá đều đặn thường xuyên. Tuy vậy, ở tầm liên bang, không phải không có sự đấu tranh xung quanh việc đầu tư cho văn hoá. Tháng 7 năm 1997, Hạ viện đã bỏ phiếu bãi bỏ Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật, nhưng Thượng viện, bỏ phiếu tháng 11 năm 1997 về vấn đề có nên xoá bỏ tài trợ của liên bang hay nên chuyển ngân sách cho từng bang tự phân bổ, đã đổi ngược được quyết định của Hạ viện. Sự giằng co khi đó đã khiến cả hai viện vẫn chưa thông qua ngân sách năm 1998 cho Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật (NEA). Lúc này, Tổng thống Mỹ đã tỏ thái độ, ông ta nêu ra ý định phủ quyết toàn bộ kế hoạch ngân sách nếu ngân sách cho NEA không được đảm bảo. Và tất yếu, ý kiến của Tổng thống phải được tôn trọng. Bởi vì, bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự ổn định chính trị - xã hội, mà văn hoá bao giờ cũng đóng vai trò tích cực trong việc tạo nên sự ổn định đó, cho nên dù muốn dù không, bằng cách này hay cách khác, Chính phủ cũng phải đầu tư cho văn hoá. Dù sao, thì tài trợ của nhà nước cho nghệ thuật chỉ tăng chủ yếu ở cấp độ địa phương, thông qua chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nghệ thuật. Các cá nhân là nguồn đóng góp chính cho nghệ thuật, chứ không phải các công ty như người ta vẫn lầm tưởng. Hiện nay, quà tặng từ các cá nhân chiếm 77% tổng số đóng góp dành cho nghệ thuật. Các quỹ cũng luôn là một nhân tố quan trọng trong hỗ trợ cho văn hoá. Sự nghiệp văn hoá nghệ thuật ở Mỹ nhờ vậy mà được phát triển mạnh mẽ, tất nhiên vẫn theo xu thế cạnh tranh, để rồi có những nhà hát, những tổ chức văn hoá không đủ sức bươn chải sẽ buộc phải tan rã. Sự phát triển văn hoá còn được chắp cánh bởi người Mỹ cực giỏi trong việc tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình. Họ không tạo ra những khuôn mẫu mang tính hành chính về tổ chức cho lĩnh vực nghệ thuật, thế nhưng những tổ chức hoạt động có hiệu quả bao giờ cũng nhanh chóng toả ảnh hưởng ra toàn quốc, thậm chí toàn thế giới, để rồi sẽ xuất hiện hàng loạt các tổ chức khác hoạt động theo mô hình, kinh nghiệm của những tổ chức thành đạt ấy. Ví dụ như hoạt động hiệu quả qua suốt 25 năm của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn đã giúp Viện mở rộng hợp tác với 250 trường trong 61 cụm trường học thuộc 3 bang của nước Mỹ, đồng thời trở thành mô hình cho 21 tổ chức tương tự, trong đó có 19 tổ chức ở Mỹ, 2 tổ chức ở nước ngoài.

Những điều kiện lịch sử, văn hoá, cơ chế quản lý nói trên đã khiến cho nước Mỹ có một nền văn hoá đa dạng, phong phú đến mức kinh ngạc, đặc biệt ở cấp độ địa phương và vùng. Cũng chính nhờ vậy, nhân dân Mỹ, kể cả người lao động, đã được hưởng thụ văn hoá với mức độ khá cao, tất nhiên là vẫn theo quy luật phân biệt giầu nghèo.

Tôi nói tiếp về sự mở cửa của văn hoá Mỹ, đó là mở cửa cho các sản phẩm văn hoá toả rộng khắp các châu lục. Phát thanh, truyền hình, phim ảnh, công nghệ thông tin - mạng In-tơ-nét mà người Mỹ luôn luôn làm chủ đã giúp họ truyền bá văn hoá của mình đến tận từng ngôi nhà của hầu khắp những miền đất xa xôi trên toàn cầu. Sự xuất khẩu ồ ạt đó không những giúp người Mỹ truyền bá tư tưởng của mình cho nhân loại, mà còn giúp nước Mỹ thu về những món lợi khổng lồ. Văn hoá là một mặt hàng chính trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Mỹ. Có thời kỳ như vào năm 1995, các sản phẩm của hãng phim Mỹ Hollywood là nguồn thu chính từ xuất khẩu của Mỹ. Điều này giải thích tại sao Mỹ hăng hái đi tiên phong trong việc thực thi quyền tác giả và có lúc còn đẩy vấn đề quyền tác giả lên thành chuyện nhân quyền! Cũng vì quyền lợi của người Mỹ mà thôi, chứ thực chất không phải vì những tác giả của một đất nước nào đó ngoài Mỹ! Riêng về kiểu xuất khẩu văn hoá chính trị, được thực hiện bằng biện pháp tuyên truyền và chiến tranh tâm lý, thì Mỹ là loại siêu hạng như thế nào, tôi đã nói kỹ ở trên. Tôi chỉ muốn nói một cách khái quát rằng, đó là thứ văn hoá áp đặt và nô dịch, gây tác hại lớn cho các dân tộc trên thế giới. Thứ tự do, dân chủ, nhân quyền vô nguyên tắc mà chính quyền Mỹ không ngớt truyền bá vào nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới thực chất là sự kêu gọi người trong nước vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước, hậu thuẫn cho sự chống phá của chính quyền Mỹ đối với những thể chế mà Mỹ không ưa. Trong khi đó, Mỹ lại hạn chế đến bóp nghẹt tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân lao động Mỹ hoặc những người dám đấu tranh chống lại chính quyền Mỹ. Chúng ta đã thấy Mỹ cư xử nghiệt ngã, thậm chí tàn bạo như thế nào với những kẻ mà Mỹ gọi là khủng bố, thậm chí chỉ mới nghi là khủng bố. Báo Mỹ đưa tin rằng FBI, các nhà điều tra Mỹ đang xem xét việc sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn nghiệt ngã hơn, kể cả tra tấn các nghi can khủng bố. Chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày xảy ra thảm hoạ, chính quyền Mỹ đã cho thẩm vấn 800 người, mà đa phần là vô tội, và cho bắt hơn 150 người, cũng chưa chắc tất cả trong số họ đã là tội phạm. Cách "chống khủng bố" của Mỹ quả là không nhất quán! Có lẽ, không nhất quán là một đặc trưng của nền văn hoá chính trị ở Mỹ chăng? Lối ứng xử lá mặt lá trái ấy thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Lúc này, Mỹ tẩy chay Hội nghị Liên hợp quốc thảo luận việc thực thi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện của Liên hợp quốc. Lúc khác, Mỹ lại phá hoắng, làm cho Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề vũ khí sinh học toàn cầu không đi đến được thống nhất và không ra được nghị quyết sau suốt 2 tuần hội họp. Vậy mà, Mỹ luôn luôn hậm hẹ trước việc nước này nước khác có vũ khí hạt nhân hay nghi có vũ khí sinh học. Ngày 13 tháng 11, Busơ đã ký lệnh cho phép chính phủ đưa những kẻ bị buộc tội khủng bố ra xét xử tại một toà án đặc biệt thay vì xử tại toà án dân sự thông thường. Theo các nhà cầm quyền Mỹ, điều đó đảm bảo cho họ giữ bí mật thông tin. Đây là lần đầu tiên kể từ thế chiến thứ hai Mỹ cho phép tổ chức toà án quân sự đặc biệt. Trong lịch sử nước Mỹ trước đây chỉ có hai lần tội phạm bị xét xử trước toà án quân sự là thời kỳ nội chiến xử những kẻ âm mưu ám sát tổng thống Linh-côn, và các tội phạm phá hoại nước Mỹ trong thế chiến thứ 2 bị xử dưới thời tổng thống Ru-dơ-ven. Vậy mà đối với bọn gây bạo loạn tại Tây Nguyên đã quấy rối an ninh quốc gia, nhà nước Việt Nam đưa ra xét xử công khai trước toà án dân sự, Mỹ lại lu loa là Việt Nam vi phạm nhân quyền. Mỹ còn nhăm nhe ban hành đạo luật về nhân quyền ở Việt Nam hòng tạo cơ chế pháp lý cho sự can thiệp của Mỹ vào một nước có chủ quyền, nhưng trước sự phản đối kịch liệt của nhân dân ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, âm mưu thâm độc đó đã bị chặn lại. Nếu đánh giá về văn hoá ở một con người hay quốc gia trên cơ sở ứng xử của con người hay quốc gia ấy, thì với thái độ ngạo mạn, hiếu chiến, coi bạo lực là phương sách hàng đầu, chính quyền Mỹ là kẻ thiếu văn hoá nhất thế giới!

Nhìn tổng quát văn hoá Mỹ, tôi thấy nước Mỹ có đặc trưng là đa văn hoá, nhưng tựu trung lại có hai dòng chủ lưu - dòng văn hoá nô dịch của chính thể Mỹ và dòng văn hoá dân chủ của những người Mỹ chân chính. Dòng văn hoá dân chủ không thuộc loại hình văn hoá dân gian như của các dân tộc trong thời phong kiến mà thuộc loại hình văn hoá bác học, cũng đóng vai trò chính thống trong xã hội. Hai dòng văn hoá ấy cùng tuôn chảy, với hai mục đích khác nhau, nhưng không phải không có lúc ảnh hưởng lẫn nhau. Cũng có lúc, dòng văn hoá nô dịch phải vay mượn những yếu tố tiến bộ của dòng văn hoá dân chủ nhằm mỵ dân, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ cho chính quyền. Cũng có lúc dòng văn hoá dân chủ bị nhiễm những nét tiêu cực của dòng văn hoá nô dịch. Một khi dòng văn hoá dân chủ chiếm được vị thế chủ đạo, chắc chắn nước Mỹ sẽ có những thay đổi lớn và hình ảnh nước Mỹ sẽ trở nên đáng yêu trước con mắt nhân loại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro