GÂY CHIẾN TRANH CÓ PHẢI LÀ CÁCH TỐT NHẤT - Phạm Việt Long (3) 31 (hết)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


 Bài viết  thứ hai của nhà văn nữ Ấn Độ Arundhati Roy

Không gì bào chữa được cho một hành động khủng bố

Khi bóng đêm thẫm xuống Áp-ga-ni-xtan chủ nhật ngày 7 tháng 10, chính phủ Mỹ được hậu thuẫn của Liên minh quốc tế chống khủng bố (một tổ chức mới, chịu trách nhiệm đại diện thay Liên hợp quốc) mở màn cuộc tấn công trên không vào Áp-ga-ni-xtan. Các kênh truyền hình nhấp nháy những hình ảnh vi tính hóa của tên lửa, bom, tômahốc và tên lửa phá boongke. Khắp thế giới, những con người bé nhỏ xem lồi cả mắt và ngừng kêu la đòi trò chơi điện tử mới. Liên hợp quốc, bây giờ giảm xuống thành hai chữ viết tắt bất lực, thậm chí còn chẳng được đề nghị đứng tên cho cuộc chiến này.

(Như nguyên Ngoại trưởng Mỹ Ma-đơ-lin Ôn-brai một lần đã nói "Chúng ta sẽ hành động đa phương khi có thể, và đơn phương khi cần thiết"). "Chứng cớ" để buộc tội những kẻ khủng bố được chia sẻ giữa những người bạn trong liên minh. Sau khi bàn bạc, họ tuyên bố rằng đưa chứng cớ này ra một tòa án hay không không quan trọng. Thế là luật pháp được xây dựng bao thế kỷ nay bị ném vào sọt rác.

Không có gì giải thích được cho một hành động khủng bố, dù nó do những nhóm tín ngưỡng, quân đội, kháng chiến nhân dân hay thậm chí được khoác áo trả thù bởi một chính phủ được thừa nhận. Hành động ném bom Áp-ga-ni-xtan không phải trả thù cho Niu-Yoóc và Oa-sinh-tơn. Đó là một hành động khủng bố khác.

Mỗi người vô tội bị giết sẽ là con số thêm vào, chứ không phải giảm đi, con số nạn nhân kinh khủng của Niu-Yoóc và Oa-sinh-tơn.

Cả hai bên, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan, dân thường đều là con tin của hành động của chính phủ họ. Cả hai bên đều chia ẻ một mối ràng buộc - họ phải sống trong một hiện tượng khủng bố mù quáng, không dự đoán trước được. Mỗi chùm bom ném xuống Áp-ga-ni-xtan được trả lời bằng nỗi hoảng sợ ngày càng tăng ở Mỹ về bệnh than, không tặc và hành động khủng bố.

Không có đường thoát dễ dàng khỏi bãi lầy khủng bố hiện nay. Đây là lúc để nhân loại xích lại gần nhau, đào bới lại những sự thông thái xưa và nay. Điều xảy ra vào ngày 11 tháng 9 thay đổi thế giới vĩnh viễn. Những từ "tự do", "phát triển", "thịnh vượng", "công nghệ", "chiến tranh" mang nghĩa mới.

Khi tuyên bố tấn công, Tổng thống Gioóc-giơ Busơ nói "Chúng ta là một nước yêu hòa bình". Vị đại sứ yêu thích của nước Mỹ Tôn-ny Ble, (đồng thời kiêm chức Thủ tướng Anh) họa theo "Chúng ta là những người yêu hòa bình".

Phát biểu ở đại bản doanh FBI vài ngày sau, Tổng thống Busơ nói "Đây là lời kêu gọi của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đất nước tự do nhất thế giới. Một đất nước xây dựng trên những giá trị cơ bản là loại bỏ căm thù, bạo lực, giết người và tội ác. Chúng ta sẽ không bao giờ mệt mỏi làm những điều đó".

Đây là danh sách các nước mà Mỹ đã tham chiến và ném bom từ thế chiến hai: Trung Quốc (1945 - 46, 1950 - 53), Triều Tiên (1950 - 53), Goan-tê-ma-la (1954, 1967 - 69), In-đô-nê-sia (1958), Cu Ba (1959 - 60), Công-gô (1964), Pêru (1965), Lào (1964 - 73), Việt Nam (1961 - 73), Cămpuchia (1969 - 70), Grê-na-da (1983), Libi (1986), En- Xan-va-đo (1980s), Nicaragoa (1980s), Panama (1989), Irắc (1991 - 99), Bô-xnia (1995), Xu-đăng (1998), Nam Tư (1999). Và bây giờ, Áp-ga-ni-xtan.

Tất nhiên là nước Mỹ "không mệt mỏi" nghiền một đống đổ nát thành bụi

Liên minh quốc tế chống khủng bố là phe của những nước giàu nhất thế giới. Họ sản xuất và bán phần lớn vũ khí, nắm giữ phần lớn nhất các kho vũ khí hủy diệt - hóa học, sinh học và hạt nhân. Họ tham chiến phần lớn các cuộc chiến tranh, chịu trách nhiệm về phần lớn các tội ác diệt chủng, phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền trong lịch sử hiện đại. Họ ủng hộ, trang bị vũ khí và tài chính cho vô số kẻ độc tài và bạo chúa. Với tất cả những tội ác kinh khủng đó của họ, quân Ta-li-ban chỉ khác họ ở chỗ không nằm cùng trong liên minh thôi.

Quân Ta-li-ban được kết thành trên hoang tàn đổ nát, heroin và mìn trong cơn xoáy chiến tranh lạnh. Những lãnh đạo cao tuổi nhất mới hơn 40. Nhiều người trong số họ bị tàn tật, mất một mắt, một tay hay chân. Họ lớn lên trong một xã hội bị chiến tranh làm kinh hoàng và hủy diệt.

Thanh niên trai tráng nhiều người là trẻ mồ côi dùng súng thay đồ chơi, không bao giờ biết mùi an toàn và ấm áp của gia đình, không bao giờ biết về sự chăm sóc của một người phụ nữ. Bây giờ họ là người lớn và kẻ thống trị, quân Ta-li-ban đánh đập, ném đá và hành hạ phụ nữ. Họ dường như không biết có thể mang đến cho phụ nữ những điều gì khác nữa.

Những năm tháng chiến tranh đã lột bỏ sự dịu dàng và lòng trắc ẩn con người của họ. Bây giờ họ quay tính cách quỹ dữ lại chính dân chúng của mình.

Với tất cả lòng kính trọng Tổng thống Busơ , nhân loại không phải chọn lựa giữa quân Ta-li-ban và chính phủ Mỹ. Tất cả những gì đẹp đẽ của văn minh nhân loại - hội họa, âm nhạc và văn học của chúng ta - đều nằm cách xa hai cực tư tưởng chính thống này. Vấn đề không phải là Thiện và Ác, Hồi giáo hay Thiên chúa giáo mà là làm thế nào để bảo tồn sự đa dạng, ngăn sự tiến tới bá chủ, cả về kinh tế, quân sự, ngôn ngữ, tín ngưỡng và văn hóa.

Một triệu rưởi người Áp-ga-ni-xtan mất mạng trong 20 năm qua. Áp-ga-ni-xtan đã biến thành đống đổ nát, và bây giờ được nghiền thêm thành bụi. Vào ngày thứ hai của cuộc tấn công không quân, phi công Mỹ quay về căn cứ mà không ném hết lượng bom đã định vì "Áp-ga-ni-xtan không phải là nơi có nhiều mục tiêu". Trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm góc, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-sơ-phoeo, trả lời khi được hỏi có phải quân Mỹ đã hết mục tiêu tấn công hay không "Thứ nhất là chúng tôi sẽ tấn công lại các mục tiêu. Thứ hai là chúng tôi không hết mục tiêu, Áp-ga-ni-xtan là..." cả phòng họp báo cười ồ.

Trên mặt đất, quân Liên minh Phương Bắc, kẻ thù cũ của Ta-li-ban, và bạn mới của liên minh chống khủng bố - đang tiến dần về Ka-bun. (Thành tích của Liên minh Phương Bắc cũng chẳng khác gì Ta-li-ban. Nhưng bây giờ vì bất tiện nên những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã bị bưng bít). Vị lãnh đạo ôn hòa, phải chăng của liên minh, A-nét Xát Ma-xút, đã bị ám sát đầu tháng 9. Phần còn lại của liên minh là một nhóm tạp nham những chiến binh độc ác và thầy tu, một vài người đã từng nắm quyền ở Áp-ga-ni-xtan.

Trước khi Mỹ tấn công, quân Liên minh Phương Bắc kiểm soát khoảng 5% lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan. Bây giờ, lực lượng này đang làm lung lay vị trí của Ta-li-ban. Lính Ta-li-ban cảm thấy sắp bị thua, bắt đầu bỏ chạy sang Liên minh. Thế là hai lực lượng bận rộn thay đổi chỗ và thay quân phục. Nhưng với một quân đội bất cần đạo lý như thế thì chẳng có gì là quan trọng.

Các thế lực hùng mạnh trên thế giới bắt đầu bàn về việc đặt ra một "chính phủ đại diện". Hay đúng hơn là lập lại ngôi cho vị cựu vương Áp-ga-ni-xtan 89 tuổi Xa-híp Xát, người sống lưu vong ở Italia từ năm 1973. Trò chơi tiếp diễn ủng hộ Sát-đam Hút-Xen, sau đó phế truất ông ta, hỗ trợ tài chính cho lính Mojahedin, sau đó ném bom họ như thợ rèn quai búa, đặt Gia-hi Xát lên ngôi xem có thành kẻ tốt hay không (Có thể đặt ra một chính phủ đại diện không? liệu người ta có thể gọi món dân chủ - như thêm pho mát và hạt tiêu?).

Các bản báo cáo bắt đầu rò rỉ thông tin về số lượng dân thường bị chết, về các thành phố bỏ hoang vì người Áp-ga-ni-xtan bỏ chạy đến các biên giới đã đóng cửa. Những con đường huyết mạnh bị phá hủy. Những người từng làm việc ở Áp-ga-ni-xtan nói rằng đầu tháng 11 này, những nhóm cứu trợ thực phẩm sẽ không thể tiếp cận được hàng triệu người Áp-ga-ni-xtan, Liên hợp quốc nói là 7,5 triệu người sẽ bị chết đói trong mùa đông. Họ nói những ngày trước mùa đông, chỉ có thể hoặc là chiến tranh, hoặc cố gắng đưa thức ăn cho người đói. Không thể có cả hai cùng lúc.

Bom và bơ

Làm một cử chỉ ủng hộ nhân đạo, chính phủ Mỹ thả từ trên không 37.000 gói thức ăn cấp cứu xuống Áp-ga-ni-xtan. Họ dự kiến thả 500.000 gói. Nó chỉ là một bữa ăn cho một nửa triệu người trên bảy triệu người đang cần thức ăn khủng khiếp.

Các nhân viên cứu trợ chỉ trích rằng đây là một hành động độc ác, nguy hiểm, mang tính tuyên truyền vì ném thức ăn từ trên không xuống còn tệ hơn cả sự vô ích.

Đầu tiên vì thức ăn chẳng bao giờ đến tay những người thực sự cần. Nguy hiểm hơn, những người chạy đến nhặt có nguy cơ bị mìn nổ tung. Một sự bố thí đầy bi kịch.

Theo đúng quy định về ăn chay của người Hồi giáo, mỗi gói thức ăn màu vàng, có trang trí cờ Mỹ, chứa cơm, bơ lạc, salát đậu, mứt dâu, nho, bánh mì, một bộ đồ ăn nhựa và hướng dẫn sử dụng.

Thật là một sự lạc lõng văn hóa, một sai lầm cơ bản khi không hiểu ba năm chịu hạn hán liên tục và những tháng năm dài bị đói gay gắt có nghĩa như thế nào. Chính phủ Mỹ còn định sử dụng cảnh khổ cực hèn hạ này để tâng hình ảnh của mình lên nữa.

Thử quay ngược cảnh này lại. Hãy tưởng tượng chính phủ Ta-li-ban ném bom thành phố Niu-Yoóc, luôn mồm nói rằng mục tiêu thực sự là chính phủ Mỹ và chính sách của họ. Thế là giữa các cuộc ném bom, quân Ta-li-ban ném xuống một vài nghìn gói chứa thịt đà điểu Mỹ và thịt nướng cuốn trong cờ Áp-ga-ni-xtan. Những người Niu-Yoóc có lương tâm có bao giờ tha thứ cho chính phủ Áp-ga-ni-xtan? Thậm chí nếu như họ đói, họ cần thức ăn đó, họ ăn nó, thì có bao giờ họ quên được sự sỉ nhục, sự hạ cố đó? Ru-đi Gui-li-a-ni, Thị trưởng Niu-Yoóc, đã trả lại món quà 10 triệu đô la của một hoàng tử Ảrập vì nó kèm theo vài lời khuyên thân thiện về chính sách của Mỹ với Trung Đông. Chẳng lẽ lòng tự hào là thứ xa xỉ chỉ những người giàu mới có?

Chiến tranh và dầu lửa

Có một nhánh nữa trong truyền thống kinh doanh của gia đình này - Dầu lửa. Nên nhớ rằng tổng thống Busơ con và phó tổng thống Đích Chen-ny đều giàu to nhờ ngành dầu lửa Mỹ,

Tổng thống Busơ gần đây khoe rằng "Khi tôi hành động, tôi không bắn một tên lửa giá 2 triệu đô la vào một cái trại rỗng giá 10 đô hay đâm vào đít một con lạc đà. Nó phải rất đúng chỗ". Nhưng ông Busơ nên biết rằng chẳng có mục tiêu nào ở Áp-ga-ni-xtan đủ giá trị tiền bạc của các quả tên lửa của ông ta.

Có thể, để cân bằng tài chính, Tổng thống Busơ nên sản xuất tên lửa rẻ hơn cho các mục tiêu rẻ hơn và sinh mạng rẻ hơn ở các nước ngoài. Nhưng như thế lại không có lợi cho các nhà sản xuất vũ khí của liên minh chống khủng bố. Chẳng có lợi chút nào cho tập đoàn Cali - tập đoàn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới với tài sản 13 tỉ đô la.

Caly đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng và kiếm tiền từ những vụ đụng độ quân sự và tiêu hao vũ khí.

Caly được quản lý bởi những bàn tay không chê vào đâu được. Cựu Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Phờ-ranh Ka-lu-s là chủ tịch và giám đốc điều hành. Ông còn là bạn cùng phòng thời sinh viên của Đô-nan Răm-sơ-phoeo. Những đối tác khác của Caly là cựu Bộ trưởng ngoại giao Jêm A Bây-cơ III, tỉ phú Gioóc-giơ So-rớt và Phờ-rét Ma-lếch (trưởng ban vận động bầu cử của Busơ bố). Một tờ báo Mỹ còn nói Busơ bố từng tìm kiếm đầu tư cho tập đoàn Caly ở thị trường Châu Á.

Ông ta đã được trả những khoản tiền không đếm được để giới thiệu những bạn hàng tiềm năng của chính phủ. A ha, câu nói chán nhất lại là câu đúng nhất - tất cả cùng một gia đình.

Tuốc-mê-ni-xtan, có biên giới phía Tây Bắc Áp-ga-ni-xtan, có trữ lượng dầu lửa thứ ba trên thế giới. Ước khoảng 6 tỉ thùng, đủ dùng cho nhu cầu năng lượng của Mỹ 30 năm hoặc vài thế kỷ cho một nước đang phát triển. Mỹ luôn xem nguồn dầu lửa là vấn đề an ninh và bảo vệ bằng mọi giá. Ít ai nghi ngờ rằng sự có mặt quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh liên quan nhiều đến vấn đề nhân quyền mà hoàn toàn vì mối quan tâm dầu lửa chiến lược.

Dầu và gas từ vùng vịnh Cát-sơ-pia hiện đang chảy theo hướng bắc về phía thị trường Châu Âu. Xét về góc độ địa lý và chính trị, Iran và Nga là hai trở ngại cho mối lợi của Mỹ. Năm 1998, Đích Chen-ny, lúc đó là giám đốc điều hành tập đoàn chính trong ngành dầu lửa Ha-li-bút-tơn, nói "tôi không thể đoán trước được có lúc một khu vực lại bất ngờ nổi lên quan trọng về mặt chiến lược như vùng Cát-sơ-pi. Dường như các cơ hội xuất hiện chỉ sau một đêm". Đúng vậy.

Đã vài năm nay, tập đoàn dầu lửa Mỹ khổng lồ Iu-nô-cô đã đàm phán với quân Ta-li-ban cho phép xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy qua Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan tới biển Ảrập. Từ đó, Iu-nô-cô hy vọng chiếm được những thị trường đang nổi ở Nam và Đông Nam Á. Tháng 12 năm 1997, một nhóm giáo sĩ Hồi giáo đã đến Mỹ và gặp những quan chức chính phủ Mỹ và Iu-nô-cô ở Hau-xtơn. Hồi đó, những vụ xử tử công khai và phân biệt đối xử với phụ nữ Áp-ga-ni-xtan không được coi là tội ác chống loài người như bây giờ.

Và bây giờ, cơ hội lớn của ngành dầu lửa Mỹ đã đến.

Ở Mỹ, ngành buôn bán vũ khí, dầu lửa, mạng lưới truyền thông lớn và chính sách đối ngoại do cùng những tập đoàn kinh doanh kiểm soát. Thế nên sẽ là ngu ngốc nếu chờ đợi những điều liên quan đến súng và dầu lửa này được đưa trên những phương tiện thông tin đại chúng.

Tên lửa thông minh không đủ thông minh

Thế còn phần còn lại của chúng ta, những kẻ vụng về nhận những điều mà chúng ta biết là tuyên truyền vô lý. Những khách hàng hàng ngày của những lời nói dối và bôi nhọ trong bơ lạc và mứt dâu được ném từ trên không xuống đầu chúng ta như những thức ăn trong gói màu vàng. Chúng ta có nên ngoảnh đi và ăn vì chúng ta đói, hay chúng ta nhìn trừng trừng vào vở kịch tàn nhẫn Áp-ga-ni-xtan cho đến khi cùng nôn oẹ và đồng thanh nói chúng ta đã có đủ?

Thay vì dẹp đi, sự trả thù này chỉ tạo thêm khủng bố. Lòng căm thù và sự trừng phạt không bao giờ trở về lồng một khi đã được thả ra. Mỗi một "kẻ khủng bố" hay "kẻ ủng hộ khủng bố" bị giết, thì hàng trăm người vô tội bị giết theo. Và mỗi trăm người vô tội bị giết, có thể có vài kẻ khủng bố tương lai được tạo ra. Điều này không có nghĩa rằng những kẻ khủng bố tổ chức vụ tấn công 11 tháng 9 không bị săn lùng và tính sổ.

Nhưng chiến tranh có phải là cách tốt nhất để tìm chúng? Đốt đống cỏ khô có thể giúp tìm được không? Hay chỉ làm tăng thêm thịnh nộ và biến thế giới thành địa ngục?

Cuối cùng thì có thể điều tra được bao nhiêu người, đóng băng bao nhiêu tài khoản ngân hàng, nghe trộm bao nhiêu cuộc trò chuyện, mở được bao nhiêu thư và e-mail, ghi âm được bao nhiêu điện thoại? Thậm chí ngay trước 11 tháng 9, lượng thông tin CIA có được đã vượt quá khả năng phân tích của con người. (Đôi khi, quá nhiều dữ liệu lại gây trở ngại cho tình báo - ví dụ như các vệ tinh do thám Mỹ hoàn toàn bỏ qua hoạt động chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân của Ấn Độ năm 1998).

Sự giám sát rình mò tuyệt đối sẽ biến thành cơn ác mộng của quyền con người hay đạo đức. Và tự do, điều quý giá đó, sẽ thành nạn nhân đầu tiên.

Thế là năm đầu tiên của thiên niên kỷ sắp kết thúc. Tôi băn khoăn không biết có phải chúng ta đã đánh mất quyền được mơ ước? Chúng ta còn có thể ngắm sắc màu óng ánh của một chú thằn lằn mới sinh dưới ánh mặt trời hay thì thầm trả lời một con mác mốt vừa thầm thì vào tai ta mà không phải nghĩ đến Trung tâm Thương mại và Áp-ga-ni-xtan?

Hãy áp tai xuống đất, ta có thể nghe thấy tiếng đập ngày càng lớn của sự tức giận. Xin làm ơn, làm ơn ngừng chiến tranh. Đã quá đủ người chết. Tên lửa thông minh không đủ thông minh. Chúng đang làm nổ tung nhà kho của sự thịnh nộ bị kìm kém lại.

Trần Lệ Thuỳ dịch đăng trên Văn nghệ trẻ

Lời kết khi tái bản (2022): Chế độ Ta-Li-Ban đã sụp đổ hoàn toàn. Đó là một tất yếu, bởi vì chế độ này đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội loài người. Nếu không phải là Mỹ, thì sẽ có một lực lượng nào đó, có thể là lực lượng ngay trong lòng Áp-ga-ni-xtan, loại trừ chế độ Ta-li-ban khỏi trái đất. Thế nhưng, mục đích "chống khủng bố toàn cầu" của Mỹ vẫn không đạt được. Tôi đoan chắc Mỹ sẽ không bao giờ tuyên bố rằng những kẻ như Bin Lađen đã chết hoặc bị bắt, rằng mạng lưới khủng bố toàn cầu đã bị tiêu diệt, bởi vì sự tồn tại của các loại Bin Lađen và mạng lưới khủng bố này là cái cớ để Mỹ có thể tiến công vào bất cứ quốc gia nào mà Mỹ muốn, chỉ với lý do đơn giản là nơi đó chứa chấp "trùm khủng bố", chứa chấp "bọn khủng bố toàn cầu".

Hà Nội, tháng 6 năm 2002 - Phạm Việt 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro