DÀN NHẠC GIAO HƯỞNG NIU-YOOC - Phạm Việt Long - 10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cùng trong khối nhà khổng lồ cuả Trung tâm Lin-côn, nằm trên tầng bốn, là trụ sở của Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc. Chúng tôi được mời đi vào phòng làm việc qua cửa dành cho diễn viên. Đón tiếp chúng tôi có ông Thô-mát Ca-bi-nét, Giám đốc Giáo dục, các chị Toi-a Li-lát, Trợ lý Giám đốc Giáo dục, Mi ki Takabe, Điều phối hoạt động, Jơremy Ghe-phen, Quản lý Nghệ thuật, Mai-cơn Ni-sơn, Cộng tác viên giáo dục. Trong năm vị này thì đã có ba mầu da: trắng, đen, vàng với hai quốc tịch gốc là Nhật và Mỹ. Báo cáo của các vị này giúp chúng tôi hiểu biết về nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc, ví dụ như giáo dục, lưu diễn, tài chính, nghệ thuật. v.v

Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc thành lập năm 1842, là dàn nhạc có tuổi đời vào loại "già" nhất thế giới. Với biên chế chính thức gồm 106 nhạc công và 15 người làm hành chính, Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc hoạt động rất có hiệu quả. Ngay tại Trung tâm Lin côn này, Dàn nhạc biểu diễn mỗi năm 150 buổi trong Nhà hát có sức chứa 2800 chỗ mà bao giờ cũng bán hết 90% số vé với giá từ 10 đến 90 USD một vé. Đó là chưa kể những buổi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới hoặc diễn ở quảng trường phục vụ đông đảo công chúng và diễn tại các trường học phục vụ học sinh, sinh viên. Nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng là một người nổi tiếng thế giới, ông Cớt Ma-sơ. Từ năm 1991, Cớt Ma-sơ giữ chức Giám đốc âm nhạc, tạo dấu ấn riêng của ông đối với Dàn nhạc Giao hưởng vốn trong nhiều năm đã quen với ảnh hưởng của Ma-lớt, Tôcanini, Bơ-xơ-tên, Bulơ và Meta. Ngoài việc dẫn dắt Dàn nhạc giao hưởng đi lên đỉnh vinh quang, có chỗ đứng vững vàng trên đất Mỹ, ông còn đưa Dàn nhạc đi biểu diễn ở khắp các châu lục, được giới hâm mộ âm nhạc bác học toàn thế giới đánh giá cao.

Chương trình biểu diễn của đoàn hết sức phong phú, bao gồm hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc thế giới, như Bách, Bét-tô-ven, Rachamaninốp, Trai-cốpx-ki... đồng thời có cả những bản nhạc mới được sáng tác qua đặt hàng của chính Dàn nhạc. Bên cạnh những hoạt động biểu diễn đáng khâm phục, điều đáng quan tâm hơn, mang tính độc đáo và tân tiến cũng rất đáng học tập của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc, là những hoạt động phụ trợ. Đó là công tác thông tin truyên truyền, công tác giáo dục, hoạt động gây quỹ. Về mặt thông tin tuyên truyền, phải công nhận người Mỹ là bậc siêu đẳng mà tôi sẽ dành một mục riêng để giới thiệu với bạn đọc. Trong phần này, tôi chỉ giới thiệu sơ lược rằng Dàn nhạc có cả một bộ phận chuyên lo về hoạt động thông tin tuyên truyền có nhiệm vụ truyền bá hoạt động của Dàn nhạc ra cộng đồng. Để thực hiện được nhiệm vụ, bộ phận tuyên truyền thực hiện hai biện pháp là họp mặt với báo chí, và phát hành xuất bản phẩm của nhà hát. Các tài liệu phục vụ cho giới báo chí được chuẩn bị công phu, chi tiết, từ việc giới thiệu chung về dàn nhạc, nhạc trưởng, các nghệ sĩ hàng đầu, tới việc giới thiệu tác phẩm, các chương trình công diễn... giúp báo chí nắm chắc thông tin để tuyên truyền. Tờ báo mà Dàn nhạc cộng tác chặt chẽ nhất là tờ Thời báo Niu-Yoóc. Bên cạnh đó, đã trở thành nền nếp, chương trình biểu diễn của dàn nhạc mỗi tháng đều được phát trên đài phát thanh, và mỗi năm có 2 đến 3 lần phát trên sóng truyền hình.

Chị Toi-a Li-lát, trợ lý Giám đốc giáo dục, cho biết: Dàn nhạc coi giáo dục nghệ thuật là chương trình lớn nhất của mình. Dàn nhạc đã hợp tác giáo dục với 8 trường học của Niu-Yoóc. Cùng với các trường, Dàn nhạc tổ chức các hội thảo, mời nghệ sĩ nói chuyện, cung cấp cho học sinh những trường quốc lập có kiến thức về âm nhạc. Mỗi năm thường có 16-17 cuộc hội thảo như vậy. Dàn nhạc có chương trình học bổng hỗ trợ học sinh học âm nhạc, tổ chức những buổi hoà nhạc của sinh viên để mời học sinh các trường đối tác đến học. Dàn nhạc cũng cộng tác chặt chẽ với các trường đối tác để bồi dưỡng nghiệp vụ âm nhạc cho giáo viên vào dịp hè bằng những tài liệu giảng dạy riêng do Dàn nhạc biên soạn hướng vào đối tượng là giáo viên trong các trường đối tác. Dàn nhạc Giao hưởng thực hiện một loạt chương trình giáo dục đổi mới, mở rộng cánh cửa đón học sinh đến với nhạc giao hưởng. Trang web của Dàn nhạc Giao hưởng cung cấp rất nhiều thông tin về các chương trình giáo dục nhằm vào các trường học, giáo viên, gia đình và thanh thiếu niên.

Các chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc dành cho trường học bao gồm: Chương trình hoà nhạc Ngày của Trường đón các học sinh và giáo viên từ lớp 3 đến lớp 12. Cuộc gặp gỡ với âm nhạc dưới hình thức hội thảo giao lưu hoặc buổi họp sau tổng duyệt với các thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng dành cho học sinh lớp 4 đến lớp 12. Chương trình hợp tác trường học 3 năm là một chương trình công phu nhằm xây dựng những kiến thức cơ bản về âm nhạc, qua việc tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh cùng phụ huynh giao lưu với một dàn nhạc giao hưởng và dự các buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng đó; phát triển mối quan hệ kéo dài nhiều năm với một số trường học được lựa chọn ở thành phố Niu-Yoóc, xây dựng một bộ chuẩn để đánh giá tài năng nghệ thuật, từ đó định nghĩa mối quan hệ giữa một dàn nhạc giao hưởng với các trường học trong cộng đồng dân cư khu vực đó. Đội thiếu niên Dàn nhạc giao hưởng là tên một loạt chương trình có đăng ký dành cho học sinh 7 đến 12 tuổi. Tổng duyệt cho phép vào xem là chương trình tổng duyệt chương trình, tiết mục mới của Dàn nhạc cho phép các nhóm học sinh vào dự. Các Chương trình Thường trú và Hỗ trợ Kỹ thuật tại chỗ dành cho các trường trung học, cao đẳng và các tổ chức cộng đồng nào đã có những chương trình âm nhạc đặc sắc. Chương trình Hợp tác nhạc viện theo đó Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc phối hợp với Nhạc viện Du-li-át, Nhạc viện Man-hát-tan, Trường Cao đẳng âm nhạc Man hat tan cũng như với các sinh viên nhạc viện, để cung cấp cơ hội được học tập về âm nhạc cho những học sinh này ở một số khu vực. Dàn nhạc Giao hưởng còn thực hiện một loạt chương trình cho giáo viên, bao gồm các Hội thảo âm nhạc 3 ngày dành cho các giáo viên âm nhạc quan tâm đến việc dạy khái niệm âm nhạc cho học trò bằng việc sử dụng các chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc. Thêm vào đó, Dàn nhạc Giao hưởng còn tổ chức các hoạt động: Cuộc thi nghệ sĩ Trẻ, Hoà nhạc của giới trẻ, dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi, Kể chuyện về âm nhạc, dành cho các em từ 3 đến 6 tuổi nhằm giới thiệu với các em các nhạc cụ và các nhạc sĩ, và Đội thiếu niên dàn nhạc giao hưởng dành cho những học sinh đã "tốt nghiệp" tức là đã học qua các chương trình giáo dục âm nhạc mà Dàn nhạc tổ chức. Dàn nhạc Giao hưởng còn có một trang web giao lưu đặc biệt cho trẻ em, tên là Vùng dành cho trẻ em của Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc. Trang web này đến nay đã được rất nhiều thanh thiếu niên từ 50 bang và 55 nước truy cập.

Như để kết luận, chị Toi-a nói: "Bộ phận giáo dục cũng góp phần quan trọng tạo nên khán giả, bởi vì sự giáo dục nghệ thuật đã giúp học sinh có hiểu biết về nghệ thuật để rồi trở thành khán giả".

Coi trọng việc gây quỹ, Dàn nhạc có bộ phận chuyên trách việc này. Chị Barbana, phụ trách bộ phận phát triển – quyên tiền, cho biết bộ phận của chị phải thường xuyên tiếp xúc với công chúng để kêu gọi sự đóng góp của cá nhân thông qua hình thức mua vé hoặc ủng hộ tiền, tổ chức cho họ trở thành thành viên của Dàn nhạc. Chị cho biết thu hút khán giả là công việc đòi hỏi kiên trì và năng động, chứ không chỉ đơn thuần là bán vé hay xin tài trợ. Một trong những biện pháp có hiệu quả nhưng đòi hỏi nhiều công sức là tổ chức các cuộc tiếp xúc thân mật giữa khán giả và nghệ sĩ, tổ chức các buổi trình diễn đồng thời với giới thiệu, phân tích tác phẩm, tổ chức câu lạc bộ khán giả... Các công ty, doanh nghiệp cũng chi tiền cho Dàn nhạc bằng nhiều cách như tài trợ cho các chương trình đối tác với các trường học, tài trợ cho các hoạt động vì mục đích chung, tài trợ cho một số buổi biểu diễn khác nhau. Bộ phận của chị cũng có trách nhiệm tiếp cận các quỹ, tiếp cận và kêu gọi sự tài trợ của Chính phủ. Chị nhấn mạnh rằng ở Mỹ không có truyền thống Chính phủ tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật; việc này được tiến hành bởi các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội là chính, đổi lại, Chính phủ Mỹ đã tạo ra hệ thống thuế rất khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho nghệ thuật.

Trong phần trao đổi ý kiến, chúng tôi hỏi về việc sử dụng lao động trong Dàn nhạc, ông Thômas Carbines trả lời một cách cởi mở: "Khi có chương trình lớn thì chúng tôi thuê thêm một số nhạc công giỏi. Nhạc công của chúng tôi cũng được tạo điều kiện để đi trình diễn ngoài Dàn nhạc, như trình diễn cá nhân hoặc trình diễn cùng những nhóm khác nhằm có thêm thu nhập." Chị Maicơn Naisơn, cộng tác viên giáo dục của Dàn nhạc, hỏi chúng tôi: "Tôi nghe nói Việt Nam đang nhấn mạnh xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Có phải rằng làm như thế là bởi Việt Nam sợ sự xâm nhập và ảnh hưởng của các nền văn hoá khác không?" Thế đủ biết những người hoạt động văn hoá Mỹ cũng quan tâm đến văn hoá Việt Nam, nhưng thông tin đến họ lại phiến diện, khiến họ có thể hiểu sai bản chất xã hội ta. Chúng tôi đáp lại rằng nói một cách toàn diện, thì Việt nam chủ trương xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kết hợp hài hoà giữa quá khứ và hiện tại, dân tộc và thế giới, không bài ngoại mà tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro