Ba: Tranh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đó là một cơn ác mộng dài, cơn ác mộng mà rất lâu sau này, vào tận ngày cuối cùng của cuộc đời, Lý Oánh vẫn không thể nào quên. Em trông thấy mình, bơ vơ và lạc lõng giữa biển lửa đỏ rực ráng chiều. Em sợ hãi, em gào thét, em bỏ chạy. Rồi em nhận ra, mình đang đứng ở điện Thiên An, nơi cha vẫn thiết triều và tổ chức các nghi lễ long trọng. Lý Oánh hoảng sợ trông lên ngai vàng, chỉ thấy màu quyền lực giờ vương máu tanh hôi. Đột nhiên, mặt đất nứt ra, ném em ngã xuống một nơi thật tối, tuy trong chốc lát em đã nhìn thấy bóng của Thiên Hinh, nhưng khi em chạy đến, con bé chỉ nhìn em và bảo: "Đêm rồi."

Đêm rồi.

Và Lý Oánh choàng tỉnh với một tiếng kêu sợ hãi. Vú San vội vã vén rèm bước vào, ôm em vào lòng, không ngừng an ủi cho em bớt sợ. Hồi đó, Lý Oánh đâu hiểu giấc mơ có nghĩa gì. Trong nhận thức của một đứa trẻ lên năm, có lẽ đó chỉ là một cơn ác mộng mà em sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Chẳng ngờ năm năm sau, nó lại tìm đến em, đáng sợ hơn, tàn nhẫn hơn, và thực hơn.

Gấp bội.

Trời tang tảng sáng, phía chân trời đã nhuốm màu tươi mới, vậy mà không hiểu sao trong mắt Lý Oánh lại hóa thành ảm đạm. Chắc là do giấc mơ kia, nếu không hẳn em đã thấy vui vẻ lắm. Sớm nay, mẹ cho gọi em đến chơi, em mong mãi. Vú San trông khuôn mặt buồn rầu của Công chúa, nhẹ nhàng hỏi:

- Công chúa muốn gặp lệnh bà lắm kia mà, sao hôm nay lại không được vui?

Lý Oánh phụng phịu:

- Không phải ta không vui.

Vú San bật cười mà không đáp. Bà vuốt mái tóc dày của Lý Oánh, tết gọn lại với nhau rồi cuốn lên đầu em thành hai búi tóc nhỏ. Phải nói, Công chúa đúng là thừa hưởng từ lệnh bà mái tóc làm xiêu lòng người khác. Nó duyên mà vẫn thật mạnh mẽ. Lý Oánh không hiểu sao vú nuôi lại nhìn mình lâu thế, em nhíu mày:

- Mặt ta dính cái gì sao?

- Bẩm, không. Chỉ là thần thấy hôm nay Công chúa rất xinh, nếu người cười lên chắc là còn đáng yêu hơn nữa.

Lý Oánh hơi đỏ mặt, rồi em lại bật cười. Cơn ác mộng vì một nụ cười mà tan biến. Chọn một bộ y phục bằng lụa quý mà mẹ tặng sinh nhật tròn bốn tuổi, em vui vẻ cùng vú nuôi đến cung Tịnh Nhã. Cửa cung mở từ sớm, chừng như đang đợi Lý Oánh vào chơi. Đột nhiên, em thấy nó không còn quá cao như dạo trước nữa. Bước qua bậc cửa, một vị cung nữ đứng tuổi vội tới đón em, cùng vú San đưa em vào tẩm điện. Từ xa, Lý Oánh đã thấp thoáng thấy mẹ đang ngồi trên sập uống trà.

- Bẩm lệnh bà, có Công chúa Thuận Thiên đến thăm người ạ.

Lý Oánh cười toe toét, cúi đầu.

- Bẩm, con gái Thuận Thiên đến thăm mẫu hậu ạ.

Trần Thị Dung không đáp, chỉ khe khẽ gật đầu. Lý Oánh háo hức chạy đến gần, đã lâu lắm rồi mẹ không còn ôm em vào lòng âu yếm nữa, giờ đây em khao khát vòng tay ấy biết bao. Mùi hoa linh lan thấm vào ký ức của Lý Oánh giờ quay trở về, êm dịu.

- Công chúa! Không hợp phép tắc.

Lạ lẫm quá. Em buông tay, nhìn mẹ như không thể tin bà vừa thốt ra câu ấy. Đôi mắt ầng ậng nước, em chực khóc, nhưng em đã nhanh chóng cúi đầu giấu đi. Lý Oánh cắn môi, ngăn không cho nước mắt chảy ra, hồi lâu mới run run nói:

- Vâng, con gái biết tội.

Trần Thị Dung nhìn vẻ tội nghiệp của Lý Oánh, hình như không nỡ mà quay mặt đi. Dẫu sao nàng cũng là mẹ ruột của nó, xa cách con gái cũng sẽ thấy đau lòng. Chỉ có điều trên bàn cờ quyền lực, đi một bước phải cắt đứt thêm một sợi tình. Từ cái ngày gả cho Kiến Gia, Trần Thị Dung đã sớm ý thức được điều ấy. Người chơi cờ không phải nàng, người nắm giữ sinh sát cũng không phải nàng. Ván cờ vô hạn chơi đến tận hơi thở cuối cùng, rồi Lý Oánh và Thiên Hinh sẽ trở thành một phần trong số đó.

Có điều, đó là chuyện của mãi sau này. Còn bây giờ, Hoàng hậu chỉ dịu dàng ban cho Lý Oánh ngồi ghé xuống tấm nệm mà con hầu vừa mang ra. Sinh ra trong Hoàng tộc, tình thân phải vứt sau đầu. Trần Thị Dung cách xa con gái là có lý do cả. Tuy là vậy, nàng cũng không có ý mắng con, chỉ nhìn con hầu đang đứng chờ phía sau Lý Oánh, nó hiểu ý bèn mang đến một chiếc hộp bằng gỗ màu nâu bóng, trên khắc những hoa văn kỳ dị. Lý Oánh tròn mắt nhìn mẹ lấy từ trong đó ra một chiếc vòng bạc nạm ngọc xanh. Ánh dịu mắt như câu hồn em, khiến em cứ lưu luyến nhìn nó mãi. Thị Dung đặt vòng bạc xuống hộp gỗ, thong thả:

- Chiếc vòng bạc này được ta cho người đặt làm tại Định Công, chẳng hay Công chúa có thấy vừa lòng?

Lý Oánh thưa vâng, với một đứa trẻ còn thơ như em, những thứ lấp lánh thế này luôn làm em thích thú. Thị Dung cười, cho gọi em tới, tự tay đeo chiếc vòng bạc lên tay em, nhẹ nhàng nói:

- Ta tặng Công chúa, vòng quý, giữ gìn cẩn thận.

Cuộc gặp mặt kết thúc sau câu dặn dò không mặn không nhạt kia, Trần Thị Dung lấy cớ mỏi mệt, để người mang Công chúa quay về. Vòng hơi to, lại nặng. Cả đường đi Công chúa cứ giữ chặt lấy cổ tay, chỉ sợ chiếc vòng mẹ tặng bị rơi mất.

Trông bóng con gái đã khuất, Trần Thị Dung mới chậm rãi đứng lên. Trà chưa nguội nhưng lòng người đã lạnh. Nàng tựa người bên cửa sổ, mắt trông ra khoảng không với những gió mây vô tận. Kẻ thấp hèn cả đời nhìn xuống đất, người cao sang lại ngẩng mặt lên nhìn trời. Khi khổ quá mà không biết than ai, người ta thường tìm đến hư vô để trách vu vơ vậy. Trần Thị Dung cười nhạt, nàng nhận ra có phóng mắt xa tới đâu cũng không thể vươn quá tầng tầng tường vàng cùng ngói đỏ. Cấm cung. Có người mơ, cũng có người muốn thoát. Vậy nàng mơ hay muốn thoát?

Không biết. Trần Thị Dung bật cười. Chuyện đó giờ còn quan trọng nữa chăng? Mong ước của nàng rồi sẽ bị chôn vùi xuống lớp đất của Hoàng cung, cũng giống như thân xác nàng vậy. Trần Thị Dung nhớ về ngày mưa trên bãi Cửu Liên năm ấy, khi nàng ôm Lý Oánh còn đỏ hỏn trong tay. Hoàng đế chừng như hơi thất vọng, nhưng trong mắt ngài vẫn giàu yêu thương lắm. Thuận Thiên, thuận theo ý trời. Nhưng "ý trời" là gì? Hoàng đế bị bệnh do ý trời quyết định, giang sơn đổi chủ cũng là ý trời đã ban. Thứ gọi là ý trời ấy, chỉ thuận, nghịch tất chết. Nàng còn lòng nào nữa, Lý Oánh còn lòng nào nữa, Kiến Gia... còn lòng nào nữa?

Vậy nên nàng tặng cho Lý Oánh chiếc vòng bằng ngọc xanh. Màu xanh mang nghĩa hòa bình, ý dặn Thuận Thiên phải ngoan ngoãn biết nghe lời, có như vậy đời con bé mới không khổ. Giả dối cũng được, chỉ cần nó bình yên. Ít ra, đó là điều duy nhất mà nàng có thể làm cho con gái. Trần Thị Dung cũng như họ Trần, mỗi người có một suy tính riêng. Tuy cùng nhắm đến mục đích chung là ngai vàng họ Lý, nhưng ngai vàng chỉ có một mà tay ai cũng muốn vươn vào. Nàng tự biết phận mình nữ nhi, luôn đứng ngoài vòng tranh đấu của hai anh ruột. Chỉ là hành động lần này của Tự Khánh chẳng khác nào ép nàng phải chọn theo một người. Trần Thị Dung bật cười, giờ này không biết họ đang làm gì? Có nhìn lên bầu xanh ngắt như nàng hay chăng?

Họ Trần còn có thể đấy, còn Kiến Gia, ngài đã tạm biệt ban mai rồi.

*

- Chuyện ta giao, ngươi làm đến đâu rồi?

- Bẩm ông, xong rồi ạ.

- Tốt chứ?

- Bẩm, tốt ạ.

Trần Thừa chép miệng, gác bút. Mùi mực mới thấm chưa khô giấy dó, những nét chữ tuy chưa đẹp nhưng cũng thật chỉn chu. Ông vỗ vai Lại Linh, gật đầu:

- Giao việc cho ngươi, ta yên tâm. Ngươi lui đi.

Lại Linh thưa dạ, nhưng còn chần chừ chưa đi. Trần Thừa hiểu ý, thong thả:

- Muốn gì cứ hỏi.

Lại Linh ngập ngừng, chừng như đang cố tìm từ ngữ thích hợp:

- Bẩm ông, tôi biết là không nên. Nhưng... sao ông phải làm như vậy? Việc giản đơn thế này, chúng ta thừa sức làm giả được.

Trần Thừa cười, ông quay người mở ngăn dưới cùng của chiếc bàn gỗ, lấy ra một cây bút lông khắc hoa sen, đây rõ ràng là bút lông làng Bạch. Tuy thoạt nhìn rất tinh xảo, nhưng Trần Thừa chỉ hơi siết tay, cây bút đã gãy thành từng mảnh vụn. Lại Linh hơi ngỡ ngàng, bút lông làng Bạch là loại bút lông được chế tác cực kỳ tỉ mỉ, sao có thể vì một cái siết tay mà hỏng như vậy được?

- Đồ giả khó bền. Bút lông này nhìn qua thì rất giống bút làng Bạch, nhưng thực chất chỉ là đồ bỏ đi của đám người lừa đảo mà thôi. Lại Linh, ngươi hiểu chứ?

Trần Thừa vứt cây bút ra ngoài cửa sổ.

- Bây giờ ta làm như vậy, sau này nếu ngươi có phúc được hưởng giang sơn họ Trần, tất hiểu mục đích của ta. Giờ, ngươi hãy làm cho ta một việc.

Lại Linh nghe xong, vâng dạ rồi đi ngay. Trần Thừa nhìn theo bóng lưng rộng lớn của y, lắc đầu, thả lỏng người. Ông ngồi xuống ghế, chăm chú nhìn hai chữ "giang sơn" còn thơm mùi trên giấy. Nét bút rắn rỏi mà gọn gàng, tuy vẫn chưa thể đạt đến độ tuyệt mỹ, nhưng trông qua cũng mượt mà dễ coi. Trần Thừa miết nhẹ tay lên trấn chỉ huyền đen bên cạnh, cảm nhận từng nét khắc gồ ghề, đôi trấn chỉ mà Tự Khánh tặng ông khi nghe ông có thú luyện chữ, đôi trấn chỉ khắc hình cặp chó săn. Ông siết tay thật chặt. Bấy lâu nay, vào Nam ra Bắc là Tự Khánh, chinh chiến sa trường cũng là Tự Khánh. Hắn có địa vị, lại có cả quyền lực trong cung. Tuy nói họ Trần cùng nhau làm nên tất cả, nhưng so bì ra sao cũng không ai bằng được Trần Tự Khánh. Giờ đây, hắn là Thái úy đương triều chỉ dưới quyền Hoàng đế, mà Hoàng đế lại đang bệnh ở sâu khắp trong cung. Tiền triều trong tay hắn, bao nhiêu vinh quang đều thuộc về hắn cả. Còn Trần Thừa? Đối với Tự Khánh, ông cũng chỉ như cặp chó săn trong đôi trấn chỉ đó mà thôi.

Nhưng ngôi rồng ngay từ đầu đã không dành cho Tự Khánh. Hắn mang danh công thần nhà Lý, hai bàn tay lại nhuốm máu tanh hôi. Có lẽ biết vậy, nên bao năm tuy hắn ở chức Thái úy mà ngai vàng kia vẫn không hề suy suyển. Hay phải chăng hắn vẫn còn vương chút tình rẻ mạt, thành ra chưa nỡ ra tay với triều đại mà mình đã hết lòng phục vụ? Kẻ chần chừ không thể làm việc lớn, bấy lâu nay Trần Thừa nép mình nhịn nhục là để vun vén cho một tham vọng to hơn cái chức Thái úy đương triều. Ông đâu dám nhận mình trong sạch, nhưng ít ra trong mắt người ngoài, Trần Thừa cũng chỉ là một tên Nội thị phán thủ dưới quyền Tự Khánh, không "ngông" và cũng không giết bao nhiêu người. Có điều, ông thừa biết ngôi rồng không chọn Tự Khánh thì tất nhiên cũng không để mắt tới mình. Lấy tay di nhẹ theo nét chữ "giang sơn", Trần Thừa mai mỉa. Ngôi rồng không cần ông hay chính ông không cần nó? Có đôi khi kẻ ngồi trên ngai không nắm giữ giang sơn, mà người khuất bóng đằng sau lại vuốt ve non nước. Trần Thừa chẳng thiết tha cái gọi là người đời ca tụng, ông chỉ cần một kẻ ca tụng là đủ rồi.

_________________

Trấn chỉ: thước giữ giấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro