1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cho tới tận bây giờ, người ta vẫn thường truyền tai nhau về câu chuyện tình lãng mạn nhưng nhiều nước mắt của ông nhạc sĩ nọ tên Đào Huân và trợ lí hơn ổng hai tuổi - Đình Hoan. Mỗi lần đi ngang qua xóm dưới cạnh Hà thành, tôi lại được các cụ ngồi bán hàng nước rong kể lể vài ba mẩu kí ức về họ chẳng rõ đầu đuôi thế nào, nhưng lại tựa như truyện cổ tích trần thế. Chuyện nó là vậy...

















- Bực thật, người ta tuyển cái chi mà sao chẳng ai nhận mình vào làm việc. Cứ như thế này tới cuối tháng lại chỉ có canh mồng tơi mờ húp, hoặc cạp đất ăn. Hên thì còn cơm trộn bột sắn, không đủ tiền mua tép xào khế nữa.

Dưới cái nóng gần bốn chục độ nơi Hà thành, người ta thấy thấp thoáng bóng hình cậu thanh niên trẻ chân trần đang lết từng bước nặng nhọc qua từng cửa hàng thuốc, xem ra, anh ta định xin làm chân phụ tá hay cái chi đó, đại loại vậy. Dân thiên hạ đồn xôn xao anh này hồi xưa từng theo học đốc tờ nổi tiếng nhất nhì Hà thành, nghe chừng tay nghề cũng cao siêu lắm, khổ nỗi cái tướng dong dỏng cao, da trắng như công tử bột thế kia mò được chi mà làm? Họ đuổi anh đi miết vì sợ anh hậu đậu, biết phá là giỏi thôi. Coi vậy số khổ, bị tiếng xấu thì chớ, còn nghèo tới độ chả mua nổi đôi dép rách lót chân. Vả lại, cha bỏ má con anh dưới căn chòi tạm bợ từ hồi anh mới sanh, đến năm anh chẵn mười tuổi thì má mất, một thân anh làm thuê làm mướn cho người ta may ra kiếm đủ tiền ăn học. Đáng lí, anh sẽ được đốc tờ Bỉnh Khiêm nhận con nuôi, quỷ tha ma bắt nào ông ấy biệt tích mấy năm trời, rồi chết chỗ xó xỉnh nào cũng chả ai biết.

- Ông ơi, cho con ly trà đá.

Đình Hoan ngồi phịch xuống ghế, anh nhìn tờ giới thiệu bản thân sắp bị vò nát trên tay mà than trời than đất sao đẩy mình vô thế đường cùng. Phải chi lúc sanh ra, má anh ném anh xuống mương xuống rãnh cho cá ăn hết thì giờ số anh đâu có khổ. May thay vẫn đang hè, chứ mấy nữa trời trở lạnh, mình anh chưa biết lần đâu ra tấm vải mỏng để đắp qua mùa đông. Căn chòi dựng trong góc khuất hễ mưa là dột lấy dột để, cũng hên nhà chẳng có gì ngoài củi khô với cái giường tre mục, không thì chán mà xót của. Khốn nhỉ, bình thường người ta nói ác như Chí Phèo, xấu như Chí Phèo, chớ có ai bận tâm đến nghèo như Chí Phèo đâu, ấy vầy mờ mấy bà hàng xóm cứ bảo anh nghèo hệt thằng Chí trong truyện của cụ Nam Cao đó, nghe có chán không chớ lại.

- Thương đời mày vất vả, tao ghi sổ cho mày tìm được việc thì trả, nhưng gần hai ngàn đồng rồi.

- Con cũng chăm kiếm việc ông ơi, có nơi nào mướn đâu.

Đình Hoan vò đầu, anh nghĩ hoài cũng nghĩ không ra tại sao người ta xin thì họ mướn, anh xin thì họ chối như vớ phải vàng. Đừng trông mặt bắt hình dong, anh trắng thì trắng chứ có yếu đâu mà dị nghị. Vả lại, anh rành việc bốc thuốc, biết đọc chữ tây chữ Tàu, biết làm thơ xem bói, nói chung chuyện chi mà chả làm được, tài chưa cầm kỳ thi họa cũng có chút ganh đua với trời. Chắc do phận sinh ra nó vầy, thì biết vầy thôi.

"Hỡi ơi cái kiếp nghèo hèn

Tiền thì chẳng có, kiếm lưng cơm người

Mấy bữa mần lấy đồng mười

Trưa về trả nợ, tối về nằm suông".

...

- Ông Tư ơi ông Tư, chuyện nợ nần dạo này như nào rồi? Ông con đòi hoài kìa.

Giọng cậu thanh niên độ khoảng hai mươi tuổi vang lên, cậu ta từ trên xe bước xuống, trông bộ quần áo cậu ta đang bận không con cháu với vua, nhà cũng có kẻ nắm quan to chức lớn, coi mà thèm. Kẻ hầu người hạ đằng sau che ô cầm tẩu thuốc, thở chẳng ra hơi; mờ tướng tụ nó ăn mặc cũng sang hơn Đình Hoan, ít nhất còn có đôi dép đi, có cái khăn lau mồ hôi vắt ngang cổ. Túm cái quần lại Đình Hoan là lôi thôi lếch thếch nhất rồi.

Anh hỏi khéo ông Tư mới hay, thì ra cậu ấy tên Đào Huân, con trai cả nhà ông tổng đốc xứ Hà thành, nhà giàu thì khỏi phải nói, nhưng gọn ghẽ nhất chắc là danh nhạc sĩ nổi tiếng vang khắp chốn này. Nghe đồn bọn Pháp thích nhạc cậu ta viết lắm, bọn Mĩ nữa, cậu ta được mời hẳn sang Mĩ sang tây. Bàn dân chúng kể vầy, chứ chúng biết Tây là cái chi. Cơ tính tình cậu ta lại hoang quá trời hoang, tử tế thì tử tế, mà tiêu cũng tiêu rất nhiều, thuộc hàng ăn chơi nhất trong đám con quan lại. Thành thật, cậu hai, cậu út nhà đấy cũng ngoan, cũng chịu thương chịu khó, nhà ông Kim kiếp trước chắc ăn ở tốt dữ hén, kiếm đâu ra ba đứa con vừa giỏi giang, lại tốt bụng.

- Cậu dư dả cho ông thêm mấy tháng đi, chứ ông bán sạp cũng không trả đủ nợ.

- Con xin đứt lưỡi ông Kim mới lùi, giờ lùi nữa cũng chỉ lùi chẵn thêm ba tháng thôi.

Đào Huân lắc đầu chán nản, cậu bất chợt đánh mắt sang nhìn anh thanh niên ngồi đằng kia, trông anh ta có dáng học thức phết, da trắng thế mà ăn mặc chẳng ra đâu vào đâu. Hỡi ơi trên đời lại có kẻ đi ngược với loài người vậy hả?

- Anh kia chưa trả tôi tiền thì sao tôi có tiền? Một nửa nợ của tôi do anh ta giữ.

Ông Tư cuống quá liền chỉ tay về phía Đình Hoan, cao giọng khiến anh giật mình. Kiếp đã nghèo còn mắc nợ, nhưng ông ấy nói đúng, anh mang nợ người ta, khiến ông Tư sắp phải sập tiệm, trời chả cứu nổi chuyến này đâu, chắc chết sớm mất! Đình Hoan cúi gằm mặt xuống đất, miệng chửi thề không ngừng cái kiếp hèn mọn này. Bực quá, nghĩ thế nào cũng bực, cái nghèo cứ bám víu chả ngừng, từ ngày này qua tháng nọ, mãi chưa ngóc nổi thân...

- Này anh kia!?

Đào Huân tiến đến cạnh Đình Hoan, có điều giọng cậu so với việc đòi nợ ông Tư lại vẻ bực dọc hơn, nghe như muốn ăn tươi nuốt sống anh luôn vậy. Phải rồi, anh là con nợ gián tiếp mà, đối xử giống nhau thôi. Cậu đưa mắt trông anh từ trên xuống dưới, tự hỏi anh chàng nhếch nhác trước mặt cậu có thật là con nợ hay không? Bởi cái tướng xem qua cũng ổn, da trắng, buồn thay anh là đờn ông, thì nói anh đẹp quá chừng đẹp rồi.

- Tôi hết tiền, tôi làm chi còn tiền đưa cho cậu. Tôi xin việc sáng giờ có ai nhận đâu.

- Chuyện của tôi à?

Cậu khoanh tay trước ngực, nghiêm giọng nói. Đình Hoan liền buồn bã lắc đầu. Thằng Tí đứng sau khều khều vai con Mai, chúng nó nói to nhỏ chuyện sao mà cậu chủ thích bắt nạt kẻ yếu quá. Cơ chúng nó biết, nếu cậu chủ đã đích thân tới hỏi thăm thể nào cũng lại lôi thêm người ở về nhà, mà ông Kim hoan nghênh việc đó lắm. Vì ông ta cũng cần người lau đống bình sứ ông ta cất công vác từ kinh thành Huế, nhiều quá sao bọn thằng Bù làm hết được. Con Mai thở dài, nó nhìn qua Đình Hoan thoáng đẹp trai ra phết, chẳng khác mấy đứa công tử bột đó, nó thầm hỏi sao lại phải khổ sở thế kia.

- Ê, đẹp quá chừng đẹp.

Thằng Tí gật gù khen, lại bị Đào Huân nghe thấy, cậu quay qua lườm nó mờ nó rụt cổ lại, vội vã quay mặt đi chỗ khác. Cậu cả xưa giờ nhìn ai thể nào cũng gặp chuyện chả lành. Nó cứ thích vạ miệng, nói linh ta linh tinh bảo sao cậu hay đánh đòn nó vậy. Con Mai thấy toát hết cả mồ hôi, nó véo tay thằng bạn, rồi kéo áo lùi về phía sau. Đầu tháng nóng muốn cháy người, không khí còn ngột ngạt nữa, khổ đâu chạy cho hết khổ. Đình Hoan lạnh sống lưng, anh lấy can đảm ngẩng mặt lên, cười ngượng.

- Hay cậu mang anh về làm công trả nợ. Anh bốc thuốc được.

- Nhà tôi là cái bệnh viện à mà cần anh bốc thuốc?

Đào Huân nhíu mày khó chịu. Vẫn dáng vẻ nghiêm nghị kia cả đời thay sao được. Cậu cả nhà họ Kim nói một là một, hai cũng phải thành một. Xưa giờ đối đãi tốt với người nghèo cũng một phần giúp đánh bóng tên tuổi, phần còn lại, chắc vì cậu tốt thật, hoặc chả ai biết vì sao. Nhưng theo Đình Hoan, cậu cả mắc chi đáng sợ quá chừng. Anh nghe lão Tư khen cậu này tốt tánh, mờ đó giờ coi có thấy tốt chỗ nào. Hay anh lại là ngoại lệ.

- Quét sân...quét sân, à, quét sân, tôi quét sân được.

- Nhà tôi là cái chuồng lợn hay sao cần lắm kẻ quét sân thế?

- Bốc vác cũng hổng tồi, tôi nhìn vậy chứ chục cân tôi bê tốt.

- À, cậu nghĩ tôi là chủ thầu chắc mà cần khiêng mới vác?

Cậu thấy Đình Hoan bỗng chốc im lặng liền thở dài, ông Tư đứng cạnh cũng sợ giùm thằng nhỏ gặp phải cậu cả nhà họ Kim. Khổ, cậu này xưa giờ hay kiệm lời lắm, mà qua đây nói ít nhiều tính hẹp hòi cũng gần chục câu rồi, kỳ này Đình Hoan chỉ còn nước chết. Thằng Tí nghĩ thầm, cậu chủ sao mà rảnh quá chừng, đứng dưới cái nắng gần bốn chục độ còn so đo từng tí với anh thanh niên nghèo hèn kia, đối qua đối lại chả ai chịu nhường ai câu nào. Ầy, con Mai trông bộ khoái lắm, nó che miệng cười khúc khích nãy giờ, nó muốn đi tong ba đời nhà nó hay chi mà dám chọc điên cậu chủ. Điếc không sợ súng đây mờ.

- Trông anh như này, vác về ba tôi hành anh nửa canh giờ là sáng hôm sau tôi trả xác anh về. Thôi thôi, tôi tiếc thời gian. Anh biết xếp nhạc không? Biết thì theo tôi về xếp hộ tôi chỗ giấy tờ tôi vứt ở nhà. Mỗi tháng tôi trả anh mười đồng.

- Hả?! MƯỜI ĐỒNG LẬN HỞ CẬU?

Bốn người còn lại đồng thanh hô lớn. Nghe chuyện cứ như chuyện tiếu lâm, làm gì mà trả công cao thế. Có khi ba năm làm người ở tích mãi mới được trăm đồng chẵn, thế mà đây xếp giấy tờ thôi mười tháng đã cả trăm đồng rồi. Nghe có chi đó sai sai, cậu cả xưa giờ nổi danh ngăn nắp nhất nhì Hà thành, lại còn về phần việc viết nhạc thì làm sao có chuyện giấy tờ bừa bộn chứ?

- Khoan, anh con ai, sao ăn mặc như hành khất thế này?

- Tôi con nuôi thầy Bỉnh Khiêm, đốc tờ nổi danh xứ này đấy. Ha, tôi theo thầy học bốc thuốc, tôi tài lắm.

Đình Hoan tự tin khoe khoang mấy thứ khả năng vốn sẵn trời ban. Thì hiển nhiên rồi, ông ta giỏi nên anh học theo phải giỏi là chuyện thường tình. Anh được ông dạy bói toán nữa cơ, tha hồ kiếm việc làm, mà nhọc nỗi chẳng ai chịu mướn anh đó thôi. Cậu cả nhà họ Kim số hưởng lắm mới vớ phải cục vàng di động này nhé.

- Anh khéo đùa. Tôi gặp ông ta hôm ở sòng bạc, ông ta nói làm gì có con cháu.

- Hả?

- Ông ta chết rồi, do nợ nhiều mà tự kết liễu đời mình. Ai mà chẳng biết ông ta là đốc tờ nổi tiếng, ma xui quỷ khiến lao vào kiếp đỏ đen làm cái chi, nhà bán hết. Xong dồn nợ, nhảy sông, chết.

Nghe Đào Huân kể xong, Đình Hoan đứng bất động lúc lâu. Chả nhẽ lại làm trẻ mồ côi. Đùa thật cái kiếp nó thảm hại đủ đường, giờ ba nuôi cũng chết, từ chối nhận cả con. Xem ra, anh chả còn nơi nào để về, may thay vẫn còn căn chòi dựng tạm bợ do má để lại. Đình Hoan thiết nghĩ mình cũng không nên khóc với người đờn ông này. Rõ ràng luôn miệng dạy anh phải làm nhiều việc thiện, có ích cho dân lành, không nên xa đọa vô mấy cái chỗ chẳng ra làm sao đấy, thế mờ giờ ông ta lại bỏ trốn, nói dối việc ổng đi làm ăn xa, khiến anh cứ chờ đợi tối ngày mãi.

- ...

- Mồ côi à? Về đây với thằng Tí con Mai, xem như còn thân tích.

Đình Hoan nghe xong liền gật đầu lia lịa, hỡi ơi có người chịu mướn anh về là anh vui lắm rồi, đây còn việc nhẹ lương cao, ai mà không thích? Xem ra danh tốt bụng của cậu cả nhà họ Kim quả đúng là không sai, cậu cả tốt quá chừng, tự nhiên hôm nay thấy cậu đẹp trai hẳn, viết nhạc lại rất hay. Cậu cả số một thế giới. Đình Hoan nghĩ thầm trong bụng, vui vẻ vẫy tay chào tạm biệt ông Tư, theo Đào Huân lên xe và trở về dinh thự họ Kim...

_

Dưới cái oi ả của tiết trời tháng Sáu, người nghèo gặp người xấu vẫn muốn làm chuyện tốt, thì coi như hai trái tim rách nát tìm thấy nhau. Chỉ mong cho quãng thời gian về sau, không bị đem ra làm trâu làm bò.

Cảm ơn cậu, vì đã cho thằng Chí xứ Hà thành kia được một cơ hội trở thành người lương thiện.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro