(P1) Chương 1 - #2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẦN THƠ MỤC NÁT

#2

Đúng lúc tôi đang suy nghĩ vẩn vơ lo lắng cho việc mình có thể trở thành tội đồ của lịch sử vì cái chết của tôi đã dẫn đến cuộc chiến tranh làm sinh linh lầm than, thì bị thức tỉnh bởi một bàn tay đầy sức mạnh. Tôi cảm giác mình giống như một con muỗi xui xẻo, bị đập cho máu me be bét thương tật đầy mình. Một đôi chân xuất hiện trước mắt tôi. Đôi chân này giẫm trên một đôi dép lê đỏ đã mòn hết đế. Nhìn lên trên, đôi chân được giấu trong cái quần chun ống đứng lỗi mốt. Tiếp tục nhìn lên nữa là một cái mặt vàng vọt với đôi mắt quầng thâm sâu và lưỡng quyền nhô cao. Cái mặt ấy đang cúi nhìn tôi. Gương mặt này tôi dường như đã gặp ở đâu nhưng nhất thời không thể nhớ ra.

"Ăn cơm chưa? Ăn tạm quả dưa hấu cầm hơi vậy!"

Người đàn bà vứt cho tôi một quả dưa nhỏ. Tôi nhớ rồi, đó chính là người lần đầu tiên cho tôi cơ hội làm thằng ăn mày, và bây giờ cũng không bỏ lỡ cơ hội cho tôi làm thêm lần nữa. Phản ứng của tôi làm người đàn bà trợn tròn mắt kinh hãi. Tôi gần như nuốt chửng quả dưa vào bụng.

"Xem ra đúng là đói mờ mắt rồi" cô nói, "chút nữa đi với cô, cho mày ăn bữa ra trò!"

   Người ta luôn phải nhớ ơn những người giúp đỡ mình lúc khó khăn hoạn nạn. Tôi mãi mãi không bao giờ quên trong lúc tôi không xu dính túi, lúc tôi không người nương tựa, cô Hạ đã vứt cho tôi một quả dưa vàng. Cô cho phép tôi ngồi trong quầy hoa quả chờ cho đến lúc cô dọn hàng. Khi màn đêm kéo về cũng là lúc cô dọn xong hàng. Trong ba tiếng chờ đợi, tôi lại có may mắn được ăn thêm một quả dưa và hai quả chuối thâm vỏ nữa. Cô Hạ xếp hoa quả vào từng hộp giấy, rồi buộc chúng lên xe kéo tay gỗ, có nói với tôi: "Đi, đi ăn cơm thôi".

   Cô Hạ đẩy xe đi lên phía trước. Tôi muốn đẩy xe hộ cô để thể hiện lòng biết ơn khôn xiết của tôi. Nhưng tôi thật sự không còn chút sức lực nào nữa, đẩy được mấy bước tôi đã như muốn khuỵ xuống. Cô Hạ vỗ vai tôi, nói: "Thôi để cô đẩy cho!"

   Bàn tay chai sạn của cô Hạ một lần nữa làm tôi cảm thấy mình là con muỗi khó tránh số trời, số phải bị đập gẫy chân gẫy tay, gan óc lầy đất.

   Tôi đi theo cô Hạ hết rẽ trái lại rẽ phải theo những con phố ngoằn ngoèo của Yên Thuỷ, đi lâu đến mức đôi chân của tôi không nghe theo sự chỉ bảo của cơ thể đập vào nhau. Rõ ràng tôi muốn bước chân phải nhưng chân trái lại thò lên, chân nọ đá chân kia loạng choạng. Cũng không biết là đi bao lâu nữa, cô Hạ bỗng nói, đến rồi. Lúc đó tôi đã không còn muốn nhét đầy cái dạ dày nữa mà chỉ mong sao có một nơi nào cho phép tôi ngã xuống ngủ và đừng bao giờ tỉnh dậy, cho dù trời có sập đi nữa cũng đừng bao giờ tỉnh dậy. Tôi đã quá mệt rồi, tôi thậm chí cảm thấy thà chết đói còn hơn chết mệt.

   Nhà cô Hạ nằm trong con ngõ có cổng thoát nước bẩn chạy loằng ngoằng, rác vứt khắp nơi. Nhưng nhà cô lại có những hai tầng, một tầng hầm và một tầng trệt. Cô Hạ xếp đống thùng hoa quả xuống tầng hầm, quay ra nhìn tôi, cô nói: "Trông mày bẩn thỉu như người rừng í, đi tắm đi cái đã. Biết dùng máy nóng lạnh không? Này cầm lấy cái khăn mới này, đi tắm đi rồi ăn cơm".

Tôi gần như bị cô Hạ đẩy vào nhà tắm. Điều làm tôi vừa ngạc nhiên vừa vui mừng đó là trong nhà tắm có một bồn tắm bằng sứ trắng. Vặn nước, cởi quần áo, tôi nhìn thấy một con khỉ con nhảy ra từ trong gương. Bao lâu tôi chưa tắm rửa nhỉ? Lớp ghét trên người tựa như ngàn lớp sóng chồng. Đầu tóc tôi rối tung, bết dính, gầu lấp lánh điểm xuyết như những vì sao, không biết là có chấy hay không nữa. Vừa mới nghĩ đến chuyện đầu mình rất có khả năng trở thành nơi sinh sôi nảy nở cho họ tộc nhà chấy, khắp người tôi đều nổi da gà. Ngay cả đám da gà đó cũng chi chít những nốt đen đen bẩn thỉu. Đến lúc này thì tôi đã không kìm được nước mắt chảy dài. Bạn không thể tưởng tượng nổi trước đây tôi sạch sẽ, gọn gàng đến đâu. Tôi quyết không cho phép móng tay tôi, gáy tai tôi, quần áo tôi, giày dép tôi có chút bẩn thỉu. Đại vương nhếch nhác trong gương kia là tôi thật sao? Tôi không phải đang mơ đấy chứ?

Không, tôi không mơ. Cô Hạ đang nói ngoài cửa nhà tắm: "Cô thấy mày cũng tầm người như con cô. Đống quần áo của mày vứt đi được rồi đấy. Quần áo cô để ngoài này, với tay ra là lấy được". Nói xong cô Hạ đi vào nhà bếp, rất nhanh từ trong đó vọng ra tiếng xào nấu rộn ràng.

   Tôi thả lỏng mình trong bồn nước nóng, gân cốt tôi giãn ra như muốn hoà tan vào nước, xém chút xíu nữa thì tôi rên lên vì sung sướng. Hoá ra cưng chiều da nhất chính là nước. Sự sống bắt nguồn từ nước, con người ta ngay từ khi ở trong bụng mẹ đã được nước bao bọc xung quanh, hộ dưỡng, và tôi lúc này đây đang chuẩn bị chìm vào trong nước. Hãy để tôi chìm xuống, chìm xuống mãi, đừng tỉnh dậy. Tôi nằm ngủ quên trong bồn tắm. Tôi thề từ lúc sinh ra đến nay tôi chưa bao giờ có một giấc ngủ nào sâu và ngọt ngào đến vậy. Tôi mơ mình đang bơi lượn trong lòng đại dương, mơ mình là một con cá hạnh phúc vô bờ.

   Mặt hướng về biển, hoa chào đón xuân. Tôi yêu Hải Tử.

   Là tiếng gõ cửa của cô Hạ làm tôi tỉnh giấc. Cô Hạ hỏi: "Xong chưa?" Tôi chậm chạp trả lời: "Xong ngay đây ạ".

   Tôi mặc bộ quần áo cô Hạ đã chuẩn bị sẵn. Con khỉ con trong gương bây giờ đã biến thành một chàng trai tuấn tú. Đây mới là tôi. Tôi chải đầu ngôi lệch, người vẫn còn toát ra mùi thơm đu đủ dìu dịu. Tôi để ý quần áo tôi mặc trên người cũng đang toả ra mùi chanh thơm mát. Hai loại hương thơm này không hề xung đột, mà ngược lại chúng hoà quyện vào nhau tạo thành thứ mùi thơm tuyệt diệu. Tôi ngắm mình từ những góc khác nhau, sau đó nhìn vào gương nở một nụ cười khoẻ khoắn nhất, chân thành nhất, rạng rỡ nhất, hiệu quả đem lại đáng để tự hào.

   Cô Hạ lần đầu nhìn thấy bộ mặt thật của tôi há hốc miệng ngạc nhiên. Tôi nhìn cô cười bẽn lẽn. Cô Hạ nói: "Thế mới ra hồn người chứ. Thế mới biết người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân, chân lý này chẳng sai chút nào". Lúc này thì đến lượt tôi ngạc nhiên. Cho dù thế nào đi nữa, khi bạn nghe thấy hai từ "chân lý"' từ miệng một người phụ nữ mặt mày vàng vọt, chân đi dép lê, mặc quần chun lỗi mốt, đẩy xe đẩy gỗ, bạn cũng không thể tránh khỏi ngạc nhiên. Mùa hè năm mười sáu tuổi ấy, tôi vẫn nhất quyết cho rằng ai đến tuổi trung niên cũng đều biến thành những kẻ chết vì cái ăn cái mặc, tôi chưa bao giờ hi vọng có thể nghe từ chính miệng họ những từ ngữ làm tim tôi đập nhanh, máu tôi sục sôi. Tôi thấy cô Hạ quả có chút nội lực.

   Tôi cũng phải tiếp tục công nhận rằng trong đời mình tôi chưa bao giờ được ăn một bữa ăn ngon làm tôi nhớ mãi như thế. Cô Hạ luôn miệng bảo đừng khách khí, ăn nhiều vào. Dạ dày của tôi cuối cùng đã nở nụ cười mãn nguyện. Tôi vỗ vỗ bụng nói đã no. Cô Hạ nói: "Thế thì đi ngủ đi. Ngủ giường con cô ấy".

   Chốt cửa xong, tôi đổ mình xuống giường cái rầm. Cảm ơn trời đất, cuối cùng tôi cũng có thể ngủ một giấc ngon lành. Duyên kỳ ngộ ngày hôm nay làm tôi có cảm giác mình đang bồng bềnh trong mơ, một giấc mơ không thể túm chặt. Sao cô Hạ có thể yên tâm đưa tôi về nhà? Còn tôi sao lại có thể to gan lớn mật đi theo cô? Điều duy nhất có thể lý giải đó chính là duyên số. Bố tôi luôn nói tôi là một nhà không tưởng bẩm sinh, trong đầu chỉ toàn những ý tưởng ngu ngốc thiếu thực tế. Tôi thì nghĩ khi tôi đi vào ngõ cụt không lối thoát, thượng đế nhân từ đã phái một thiên thần trung tuổi mang theo dưa hấu xuống cứu giúp tôi. Tôi biết mình lại đang mơ mộng viển vông, nhưng tôi thích thế, tôi thích nghĩ luẩn quẩn hết cái này đến cái khác. Tôi nghĩ cô Hạ chính là thiên thần của tôi. Khi tôi có hàng đống, hàng đống tiền, nhất định tôi sẽ mua tặng có một cái xe đẩy máy cho cô đỡ vất vả như bây giờ. Hay là tôi mua luôn cho cô một cửa hàng bán hoa quả riêng, như thế cô có thể ngồi thoải mái trong cửa hàng đợi khách xếp hàng đến.

   Trước khi ngủ, tôi lại một lần nữa mở tập thơ mang theo mình. Mùi thơm của mực bây giờ đã bị thay thế bằng một thứ mùi hôi nồng khó chịu. Trên những trang giấy đã ố vàng in hằn từng đốm máu muỗi. Đột nhiên sao tôi thấy nó đáng ghét đến thế. Tôi như thấy từng đoàn quân vi khuẩn hùng hậu đang vung gươm tiến gần về phía mình, tôi vứt nó sang một bên. Tôi nhìn xuống tay, đôi bàn tay đang bị thôi thúc bởi cảm xúc từ lồng ngực chạy thẳng đến bắp tay, tôi lại tìm bút, gò mình trên bàn, tôi muốn cho vũ trụ nhỏ của tôi nổ tung, muốn thổ lộ những cảm giác thật của tôi. Tôi viết: "A, cuộc đời!" Nhưng ngay sau đó tôi bị sự ngao ngán chặn đứng lại. Rõ ràng tôi có rất nhiều điều muốn nói, nhưng lại không thể viết ra dù chỉ là một chữ. "A, cuộc đời!". Tôi đã cho nó thành câu tuyệt bút cuối cùng của mình. Khi tôi đành ngậm ngùi khuất phục trước cơn buồn ngủ, tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ còn có thể viết ra những vần thơ nữa.

   Ăn của người ta, mặc của người ta, tôi tất nhiên phải có nghĩa vụ cho cô Hạ biết chút gì đó về thân thế của mình, nhưng đồng thời tôi lại không muốn cô biết hết về mình, thế nên tôi bịa ra một câu chuyện. Tôi nói với cô Hạ, bố mẹ tôi đều là công nhân về hưu non, hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi đành phải bỏ học đi Iàm, nhưng đã nửa tháng nay rồi tôi không thể tìm được một công việc để làm, tiền mang theo người cũng đã tiêu hết, không có cách nào đành nhịn đói. Cô Hạ nói: "Tội nghiệp mày". Câu chuyện của tôi làm có Hạ không chút nghi ngờ, cũng có thể còn chút gì đó chưa hoàn toàn tin tưởng, nhưng ánh mắt ngây thơ và thái độ chân thành của tôi đã làm tiêu tan những nghi ngờ cuối cùng. Quan trọng hơn nữa, cô Hạ cũng là một công nhân về hưu non, cô hiểu rõ hơn ai hết một gia đình như thế cuộc sống khó khăn đến nhường nào. Cô Hạ sau một hồi than trách thời cuộc, nhẹ nhàng bảo tôi: "Hay mày ở đây bán hoa quả với cô vậy. Cô cũng đang muốn tìm người phụ việc, coi như cô thuê mày, bao ăn bao ở, tháng cô trả mày 200 tệ, thế nào?".

   Tôi còn có thể thế nào? Tôi bây giờ quần áo rách nát, sức lực cạn kiệt, ăn cơm sáng lo cơm tối, tôi mơ ước không còn và biển đã trở nên xa vời. Còn trở về nhà thì tôi tạm thời vẫn chưa nghĩ đến. Tôi ngoài việc hớn hở nhận lời ra còn có thể thế nào nữa? Mùa hè năm mười sáu tôi bắt đầu tự kiếm tiền nuôi sống mình. Tôi trở thành một phần tử trong đội ngũ ruồi trâu mà tôi từng khinh bỉ. Tôi giật mình phát hiện, hoá ra lý tưởng khi đặt trước vấn đề cơm áo lại mỏng manh dễ vỡ đến thế. Phát hiện này làm tôi vừa xót xa vừa sợ hãi, nhưng tôi đã đánh mất dũng khí để tuyệt vọng.

"Vì hi vọng mà rơi vào tuyệt vọng
Vì tuyệt vọng mà hi vọng không ngừng
Tuyệt vọng, sự hoá thân của hi vọng
Hi vọng là tuyệt vọng mãi trải dài
Hi vọng ở đâu bắt đầu
Tuyệt vọng ở đâu kết thúc
Chỉ còn tiếng gào dài vọng lại
Đập vào tai là nỗi cô đơn."

Trong đầu tôi bỗng hiện lên những lời kinh ca của nhà thơ Dương Luyện mà tôi yêu thích. Tôi thấy ông đúng là một thiên tài. Sao ông có thể đúc kết những xúc cảm cuộc sống tinh tế đến thế. Tại sao tôi không sớm sinh ra mấy năm nhỉ? Như thế có lẽ tôi còn có cơ hội trở thành người cầm cờ trong phong trào chủ nghĩa lý tưởng, chứ bây giờ, trong những năm cuối của thế kỷ ham muốn vật chất hoành hành ngang dọc này, tôi chỉ có thể giương mắt nhìn những ý thơ của tôi lạnh lùng tàn úa dần trong vỏ xác phàm tục của mình.

Tôi ngày ngủ tám tiếng. Tám giờ dậy, ăn bát mì hành, sau đó kéo xe ra phố bày sạp hoa quả. Tối chín giờ thu hàng, về nhà cô Hạ ăn cơm, tắm rửa, lên giường ngủ. Cuộc sống như thế làm bạn không còn chút thời gian rồi để thương xuân tiếc hạ, thương hoa tiếc lá nữa. Chỉ có điều mỗi khi chiều xuống, tôi thỉnh thoảng vẫn ngắm nhìn bóng tà dần buông. Tịch dương đẹp vô hạn, nó như một quả cầu thuỷ tinh đỏ rực đang lạnh dần, từ từ rơi vào miệng màn đêm. Màu tím huyền bí mênh mông bị màu đêm nhuộm thẫm. Yên Thuỷ lên đèn. Tôi nhìn thấy quả cầu thuỷ tinh tròn trịa kia cằn cỗi dần lặn xuống, mất hút. Trong lòng có một tiếng kêu chực bộc ra nhưng lại nghẽn lại nơi cổ họng: "Mặt trời lặn rồi, mặt trời lặn mất rồi", dường như cũng với sự mất đi của ánh sáng, màn đêm sẽ đến gặm nhấm cơ thể tôi. Gió từ sông Yên Thuỷ thổi vào, làm tôi rùng mình liên tục như lên cơn sốt rét.

Tôi nhớ cũng là một buổi hoàng hôn, cô Hạ đi lấy hàng, để lại tôi một mình ngồi trông quầy. Ánh chiều biến hoá quyến rũ, màu tím buồn trải dài tận chân trời, mấy con chim sẻ nhỏ đậu trên cột điện bên đường đối diện, rỉa lông rỉa cánh, lóc chóc nhảy. Chẳng có người mua hàng, tôi vận động cơ mặt làm một cái ngáp dài. Cô Hạ luôn nói phải tươi cười nhiệt tình mời khách, nên ngày nào tôi cũng cười, cười đến độ cơ mặt có nguy cơ bị chuột rút đến nơi. Đúng lúc tôi đang hiên ngang ngáp, một thằng bé vai trần để lộ làn da màu đồng hun bước đến trước mặt tôi. Nó hỏi: "Mày là ai? Mẹ tao đâu?"

Đây chính là Vi Vi.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro