Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở thế giới của một kẻ như Doflamingo, chỉ có tự do, không có cầm tù, bởi vì gã là loại hoạ sĩ sẽ chỉ vẽ những gì mình muốn. Nếu như có phải đá đổ cả một nền tư tưởng nghệ thuật thì gã cũng sẽ đá, miễn là gã thích. Thật may là gã cũng không điên tới mức ấy, bởi lẽ gã vẫn nhìn ra được từ đâu đó, trong những bức hoạ tỉ mỉ khắc khổ của những hoạ sĩ đã già nua, đã tạ thế, bất kể trong cái giàu hay cái nghèo, thì họ vẫn nỗ lực viết lại một cái gì đó cho nhân thế. Nghệ thuật suy cho cùng chỉ là một thứ ngôn ngữ để giãi bày, và cho dù những ngôn từ được thốt ra có chút khiên cưỡng, có lẽ ẩn đâu đó phía sau những bức hình khuôn sáo này vẫn là một tiếng thở dài, một tiếng khúc khích thoáng qua. Nhưng mà thực tế thì chẳng ai quan tâm.

Tỉ lệ chuẩn mực, màu sắc chuẩn mực, kĩ thuật tinh tế. Ấy là những thứ người đời quan tâm. Đôi khi thì họ cần một câu chuyện được thêu dệt. Rằng:

"Tay hoạ sĩ này mắc trầm cảm, ông ta vẽ tất cả những bức tranh này như một nỗ lực chống lại nỗi khổ đau của mình."

"Người đàn bà này vẽ về nỗi cô đơn sau khi bị chồng bỏ, sảy thai và gặp tai nạn liệt nửa thân dưới."

Người đời cần những câu chuyện như thế. Doflamingo thì không có câu chuyện nào cả, nhưng gã có những lời đồn thổi ngớ ngẩn. Người ta thật sự tin rằng gã lấy máu để vẽ. Ai lại chọn một thứ màu nhảm nhí như thế, cái thứ sẽ bốc mùi tanh tưởi, kinh tởm và hoá thành một cái sắc đen trông đến phát khiếp lên được. Thế mà người ta cũng bịa ra rồi tin vào đó. Người đời thật nực cười làm sao, nhưng miễn rằng điều đó khiến Doflamingo có được một khoản thu nhập kếch sù thì gã không quan tâm cho lắm. Sự ngu ngốc của loài người là một loại thú vui đối với gã.

Ngược lại, trong thế giới của một nhạc sĩ như Crocodile, thì lại chẳng có lấy sự tự do như thế. Nhạc sĩ phải viết nhạc cho dàn nhạc, cho vở kịch, cho những thứ không bắt nguồn từ nhạc sĩ. Thế nhưng Crocodile vẫn có cho mình những bản nhạc cất trong hộc bàn, ngổn ngang và đầy ứ lên. Những bản nhạc đượm mùi xì gà, dính tàn lửa, với những nốt nhạc đơn giản, loại mà có thể đem dạy trẻ con chơi nhưng ngay cả người lớn cũng khó có thể chạm tới được phần sâu thẳm của nó.

Những bản nhạc ấy khác hoàn toàn với những cung đàn mà y phải viết cho những vở kịch sân khấu kia. Crocodile không hiểu nổi cái gu âm nhạc của thế giới nữa. Họ đòi hỏi những bản nhạc oái oăm cứ như thể muốn trả thù nhạc công vậy. Mà nhạc công thì cũng máy móc chẳng kém. Thế là từ một lúc nào đó, tại một kẻ nào đó, thứ âm nhạc mà Crocodile vốn si mê trở nên phức tạp, cực đoan và máy móc đến rùng rợn, cứ như thể một vở nhạc kịch ấy là một cỗ máy với hàng trăm linh kiện và những cái bánh răng sát rạt vào nhau, kêu từng tiếng cành cạch lạnh buốt cả sống lưng.

Nhưng bất kể Crocodile có chán ghét cái đống linh kiện thô cứng ấy đến mức nào, thì y vẫn tới những buổi diễn ấy, nghe chính tác phẩm của mình bị dày xéo trên những sợi dây đàn, và nghe người ta bàn tán về nó như thể ấy là tuyệt tác. Y lặng câm nhìn xuống vở diễn đang đến hồi cao trào, tiếng đàn gay gắt, khổ sở, quằn quại, nhưng cũng chỉ đến thế thôi. Cái người ta thấy chỉ là cái bề nổi đầy tiêu cực đó, không ai quan tâm đến đoá hoa vẫn nở rộ trong cơn bão, không một ai cảm thấy tiếc thương.

- Vở kịch này dựa trên một bài thơ, mà chủ thể lại là cô công chúa, nghịch lý nhỉ? Fufufu...

Một tiếng cười đầy toan tính vang lên từ phía sau Crocodile, nghe như thể cái âm vang ấy đang chỉ đích danh y, khiến y buộc phải liếc mắt lại nhìn. Là kẻ ở triển lãm tranh hôm nọ. Ngồi trên khán đài đặc biệt này chỉ có quý tộc, và lũ nhà giàu. Vậy ra gã là một trong số đó. Nhưng như thế thì có sao, nếu như có một kẻ nào đó hiểu được những gì thuộc về thế giới Crocodile thì sao cũng được:

- Có gì mà nghịch lý. Người duy nhất đủ khả năng làm ngôi thứ nhất cho một bài thơ đầy hối tiếc như thế chỉ có thể là cô ta, cái con người đang tâm nhìn người mình yêu và người yêu mình sát hại lẫn nhau, rồi sau đó làm như thể mọi chuyện là một tấn bi kịch trên trời rơi xuống vậy.

Crocodile mỉa mai đầy cay độc, nhưng rồi y lại thở ra một hơi dài mà nói:

- Nhưng có lẽ như vậy mới là con người.

- Fufufu... Vậy ra anh viết ra mấy bản nhạc đó với suy nghĩ như thế. Thiếu lòng cảm thông quá nhỉ?

Gã trai khục khặc cười như thể gã thấy đó là một điều hài hước lắm. Nhưng Crocodile thì chỉ nhếch môi lên, hừ lạnh một tiếng rồi hỏi vặn lại:

- Vậy cậu nghĩ rằng cái thứ tình cảm mông muội rách nát như vậy lại đáng được tung hô và trân quý sao?

- Không. Chỉ là... nhạc công và nhạc sĩ có vẻ không có chung quan điểm về điều đó cho lắm.

Crocodile liền đút tay túi áo, đứng dậy rời khỏi. Y biết là gã sẽ đi theo y, nhưng chỉ khi rời khỏi hội trường đông nghịt ấy, y mới dừng lại, dựa lưng vào bức tường trong khi châm thuốc lên. Y nhả ra một làn khói bàng bạc rồi từ tốn lên tiếng:

- Cậu là loại người gì?

Ấy là một câu hỏi hoàn toàn bất ngờ, không ăn nhập với bất cứ ngữ cảnh nào. Song gã trai lại chẳng hề bị bối rối, gã nhếch môi cười, song Crocodile không nhìn được biểu cảm chân thực của gã phía sau cặp kính đỏ kiểu cách đầy quái dị nọ.

- Nếu tôi cho anh một cái tên, anh có thể đoán được việc tôi là kiểu người nào.

- Ồ?

Crocodile cười trào phúng, song cái tên lọt ra khỏi miệng gã trai lại khiến đôi mắt y ngây ra ngỡ ngàng:

- Donquixote Doflamingo, đó là tên tôi. Nghe quen không.

- Kuhaha...

Crocodile bật cười. Chính y cũng không hiểu tại sao mình lại cười nữa.

- Thế thì... đáng tiếc thật đấy, tôi lại chẳng biết gì về cậu cả.

- Đấy là câu khiêm tốn kiểu Socrates à?

Doflamingo mỉa mai hỏi lại. Crocodile ấy vậy lại thản nhiên lắc đầu, một điệu bộ chân thật đến mức khó hiểu trong tình cảnh này:

- Không. Tôi biết về một Doflamingo với những câu chuyện được người đời thêu dệt. Tôi cũng biết một Doflamingo trong những bức tranh ở triển lãm. Nhưng cậu, cái kẻ đứng trước mặt tôi đây, không thuộc phạm trù nào trong hai phạm trù ấy.

- Vậy anh thì sao, Crocodile?

Doflamingo vươn tay tới, lấy điếu xì gà khỏi tay y rồi hỏi:

- Nhạc sĩ tài hoa, anh ở đây và anh ở phía sau những bản nhạc có giống nhau không?

- Sự thật đôi khi không vui vẻ gì để mà nói ra, nhưng nếu như tôi nói thế thì cậu cũng tự hiểu câu trả lời rồi. Và bằng cách nào cậu biết tên tôi?

Crocodile lấy lại điếu xì gà của mình từ tay gã, hút lấy một hơi rồi thổi khói vào mặt gã. Gã chẳng hề né tránh, cũng không tỏ ra lấy một chút khó chịu. Gã chỉ nhún vai:

- À, sức mạnh của đồng tiền ấy mà. Fufufu.

Đó có thể là một cách lãng phí tiền bạc, nhưng cũng có thể là một trò chơi nửa vời nhàm chán của những kẻ lắm của. Crocodile cũng chẳng ngạc nhiên, y lạ gì cái giới thượng lưu nữa. Khi có tiền, con người ta thậm chí còn ăn bo rửng mỡ hơn. Cái việc vung tiền ra chỉ để tìm hiểu ai đó vẫn chưa điên tới mức được gọi là bệnh hoạn, ít nhất là trong thế giới của lũ thừa tiền.

- Sao cũng được. Vậy... cậu biết gì về âm nhạc nào?

- Tôi sẵn lòng nghe anh nói hơn là trả lời một câu hỏi bất kì một cách thiếu cẩn trọng.

Doflamingo mỉm cười, và Crocodile cảm thấy hài lòng. Hiếm khi y cảm nhận được điều đó, cái cảm giác hài lòng đó. Nó là một trạng thái tâm lý nảy sinh từ những nguyện ước không lời đột nhiên trở thành hiện thực, khi mọi thứ đi theo ý mình muốn dù mình không đòi hỏi lấy một câu. Vậy nên, để trả ơn cho sự hài lòng đó, Crocodile nghĩ rằng y cũng nên tận tâm hồi đáp một chút:

- Trên bản nhạc, một nốt lặng đen là một nhịp. Nốt lặng đơn là nửa nhịp, kép là phần tư, nốt móc tư là phần tám. Vậy... nhỏ hơn nữa thì sao? Cứ giả như người ta sẵn lòng tự hành xác mình bằng cách tạo ra và viết tới tận nốt móc tám, móc mười sáu, thì họ cũng chỉ có giới hạn nhất định thôi. Đó là vấn đề của âm nhạc. Đôi khi, thứ khác biệt nằm giữa hai nhạc công là cái rung cảm xuất phát từ bản thân con người đó, như là một sự hoà hợp tuyệt đối hoặc gần như tuyệt đối đối với một tuyệt tác và kẻ tạo ra tuyệt tác ấy. Cái rung cảm đó chỉ cỡ một phần hai mũ tám, hai mũ mười nhịp gì đó, rất nhỏ thôi, nhỏ tới mức dù cậu có dỏng tai lên nghe thì cậu cũng không thể nào nghe ra được. Nhưng khi cậu không cố gắng để nghe nữa, khi cậu để âm thanh đi một cách thật tự do từ tai này sang tai kia, thấm vào linh hồn cậu, thì một phần hai mũ mười là quá nhiều.

Dường như chưa bao giờ Doflamingo lắng nghe một điều gì đó chăm chú như thế, và cũng thật hiếm khi Crocodile nói ra một điều dị thường như vậy. Y thở ra một hơi như thể hụt hơi vì bài trình bày của mình, nhưng y vẫn chú ý tới nhất cử nhất động của Doflamingo. Đôi môi gã, đôi môi có chút khô và tái lại vì cái lạnh, thoáng run lên rồi mấp máy, nhưng vẫn không có câu từ nào được thốt ra, cho tới tận khi Crocodile hỏi lại:

- Cậu có hiểu được điều đó không, Doflamingo?

- Tôi khẳng định là mình hiểu. Nhưng anh có thể nghe thấy không, nếu như nhịp tim của anh chỉ lệch đi một phần hai mũ tám nhịp?

- Ý cậu là sao?

Crocodile hơi chau mày lại mà hỏi. Y không nhìn thấy mắt gã, thật khó để mà đoán được tâm tình của gã. Doflamingo lắc đầu rồi cười:

- Không, không có ý gì đặc biệt cả. Tôi chỉ tự hỏi nếu anh có thể thị phạm một chút về cái rung cảm một phần hai mũ mười ấy. Dù rằng điều tương tự cũng xảy ra với một hoạ sĩ như tôi, cách mà một đường nét có thể tinh tế như thế nào, ngổn ngang ra sao. Nhưng ngôn ngữ của hội hoạ không giống như âm nhạc. Nó hữu hình hơn, và nó có thể không cần tới sự rung cảm đặc biệt ấy.

Doflamingo là kẻ đã luôn coi hội hoạ là sân chơi của riêng mình gã, thế giới của duy nhất gã mà thôi. Ở nơi ấy, gã là đấng sáng tạo, cũng là kẻ huỷ diệt. Gã bao dung cho mọi sai sót, tuỳ hứng cho đến tận cùng, và rồi người ta run rẩy bàng hoàng trước cái sự bạo tàn và những suy nghĩ rối rắm cuồng dại trong những bức tranh của gã. Đó có lẽ là lý do những tin đồn được thêu dệt. Nhưng đó là lúc gã dần cảm thấy chênh vênh.

Tiền bạc và danh tiếng là một loại động lực, nhưng nó lấy đi tất cả những thứ khác. Đó là điều mà các nghệ sĩ đều phải trải qua. Doflamingo vừa căm hận điều đó từ tận đáy lòng, song gã không thể nói rằng:

- Tao không cần tất cả những thứ phù phiếm đó.

Cuộc đời là những thứ phù phiếm. Ai cũng cần phải ăn. Ai cũng cần phải sống. Tiền có thể mua được nhiều thức ăn hơn, một cuộc sống dễ dàng hơn ở nhiều mặt. Nhưng nó là một con dao nhọn cứa vào nghệ thuật, và Doflamingo chán ghét tột cùng sự phù phiếm của trần thế.

Người ta ra giá để mua tranh của gã như một món hàng, dù gã là người bán. Phải, Doflamingo vẫn luôn tiếp tay cho cái việc mà tự gã khinh bỉ, chỉ để đổi lấy nhiều tiền hơn. Một khi nghệ thuật bị quy đổi ra tiền, điều đó có nghĩa là nó chẳng còn là vô giá nữa. Nó trở nên tầm thường, dù gã có cố lừa mình dối người đến đâu.

Như là một cách thức để cứu vãn chính trái tim mình, gã đã cất giấu đi một bức duy nhất. Khác với những bức hoạ điên cuồng, đầy trừu tượng và quái dị mà gã vốn thường vẽ ra, bức tranh ấy lại tuyệt đối đơn giản. Một quả táo đỏ tươi. Nó nằm trên một cái nền đen như hư vô, nơi mà dường như chẳng hề có âm thanh hay ánh sáng, cũng chẳng có lấy bất kì sự sống nào. Ấy thế mà trái táo ấy lại vẫn lặng lẽ hiển hiện. Dường như người ta có thể cảm thấy trái táo đang động đậy, nó run rẩy. Nó đang cảm thấy một cái gì đó, hoặc là đang dung chứa một thứ gì đó, đồng hoá bản thân nó vào một thực thể nào đó.

Bức hoạ nọ vẫn luôn được phủ lên một tấm vải đen, bởi lẽ mỗi khi Doflamingo nhìn thẳng vào nó, toàn thân gã cũng run lên, lồng ngực phập phồng trong một cỗ xúc cảm hỗn độn không sao giải thích được. Và gã nghiện cảm giác đó.

Người đời thêu dệt về Doflamingo như một tay hoạ sĩ điên cuồng, biến thái, rồ dại với những bức tranh không tài nào giải thích nổi. Nhưng thực tế không kinh khủng đến thế, nhưng nó còn điên loạn hơn thế. Rằng gã gần như đã chìm nghỉm trong một thế giới đầy ái dục với bức tranh nọ. Những bàn tay bấu lên da thịt gã, tiếng rên rỉ vang lên bên tai gã. Những thân thể đầy nóng bỏng vồ vập vào gã, khơi gợi bên trong gã những ý niệm tục tĩu phóng đãng. Doflamingo muốn dày vò dẫm đạp lên những thân thể ngọc ngà tuyệt mỹ ấy, hằn lên đó những vết thâm đến tím tái, những vết cào cấu đến đỏ hồng. Gã muốn cắn ngập vào da thịt, cảm nhận những cơ thể ấy quy phục gã. Gã điên lên, gã lao vào một bữa tiệc tình dục ngay bên trong tâm trí mình, và rồi khi tấm phủ đen hạ xuống, khung cảnh nọ cũng nhanh chóng tan đi.

Có lẽ điều may mắn nhất của Doflamingo ấy là gã là kẻ duy nhất cảm nhận được một cách tường tận cái xúc cảm ấy khi nhìn vào bức tranh. Trebol hay Diamante chưa bao giờ có hứng thú đặc biệt nào với bức tranh. Điều đó khiến Doflamingo an tâm. Nó giống như một loại bí mật đen tối mà dù gã có kể ra thì nghe nó cũng giống như một trò đùa.

Thế nên gã đã vô thức kể cho Crocodile như một cách câu kéo thêm đề tài cho cuộc trò chuyện của họ. Nhưng đáng lẽ ra gã nên biết rằng y sẽ thực sự nhìn nhận câu chuyện ấy theo một góc độ nghiêm túc đến toát mồ hôi hột. Hoặc là gã vốn biết, nên gã mới kể ra.

- Kì thực thì tôi không cho rằng điều đó kì lạ. Người ta có thể hứng lên vì đủ thứ khác nhau, và với cậu, nó là một bức tranh tự cậu vẽ ra.

Sự chấp nhận quá đỗi dễ dàng của y khiến Doflamingo không khỏi nhếch môi lên cười nhẹ một tiếng:

- Ồ? Anh nghĩ vậy sao? Thế thì anh có muốn chiêm ngưỡng nó không? Cùng với một bữa tối miễn phí chẳng hạn.

Ấy có thể coi là một lời chào mời hấp dẫn với bất kì ai, song Crocodile lại chỉ hờ hững lắc đầu:

- Rốt cuộc vì lý do gì mà cậu cứ ngoan cố với những lời mời mọc ấy như vậy chứ?

- Anh có thể gọi đó là kiên nhẫn, dù kì thực thì tôi không phải một kẻ kiên nhẫn cho lắm đâu. Đối với tôi mà nói, nó chỉ là một hứng thú nhất thời với những kẻ nói về tác phẩm của tôi không dựa trên những cảm quan chung của cả thế giới. Tính hiếu kỳ, vậy thôi.

Có thể là bởi lời gã giải thích nghe cùng bùi tai, cũng có thể là vì Crocodile cũng chẳng cảm thấy mình chịu bất cứ thiệt hại gì, nên cuối cùng thì y cũng gật đầu đồng ý. Khoé miệng gã vẽ thành một ý cười, nhưng dường như gã còn chẳng nhận ra.

=====
Author: MakinoWW
A/N: xin lỗi vì thời gian vừa qua tôi bận rộn quá. Cảm ơn mọi người vì vẫn luôn chờ đợi tôi ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro