Chương 59: Mùa hoa rơi gặp lại bạn cũ.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

320.

Tôi bỏ lại tất cả mọi muộn phiền ở Bắc Kinh, lúc rời đi, không ngờ lại chẳng có chút rầu rĩ nào.

Tôi từng nói đùa là bố mẹ không đáng tin, tùy tiện kết hôn, tùy tiện sinh con, tùy tiện ly hôn. Song trên thực tế, họ trọng lời hứa hơn chúng tôi rất nhiều.

Năm đó, hai người giúp tôi nghiên cứu nguyện vọng thi đại học, tất cả các trường đều chọn ở Bắc Kinh, chỉ vì một câu vu vơ "Con muốn đi Bắc Kinh" của tôi.

Còn bọn tôi thì sao? Chính miệng Beta nói sẽ tụ hội ở Bắc Kinh nhưng bản thân lại bị bố mẹ lôi sang Anh; còn tôi và Dư Hoài hứa cùng đến một nơi nhưng chúng tôi lại trở thành người chết trong cuộc sống của đối phương.

Nếu tất cả con cái trên thế giới này nói hết sự thật cho bố mẹ nghe thì sẽ làm tổn thương trái tim của biết bao người lớn.

321.

Một năm qua đi trong bận rộn, chẳng mấy chốc lại đến hè.

Chụp ảnh theo kiểu chuyện kể thật sự làm ăn cũng được, tôi thuê một loft* rất lớn, tầng dưới có thêm nhà kho, còn tầng trên để ở. Bình quân mỗi tháng có sáu đến bảy đơn hàng, có người đến chụp ảnh cưới, có người đến chụp ảnh cá nhân, một mình tôi làm không hết việc nên tuyển thêm hai trợ lý, một người là thợ trang điểm và một người lo trang phục. So với studio, giá cả phòng làm việc của tôi không quá đắt, vốn lại thấp, cho nên nhìn chung lợi nhuận cũng kha khá.

*Loft là căn hộ có không gian rộng, trần nhà cao và có nhiều ánh sáng tự nhiên.

Tôi tự chia hoa hồng cuối năm cho mình, mua trả góp một chiếc xe Polo. Ngày đầu tiên lái xe đã đâm phải con hổ đá trên đường. 

Bố tôi nghiêm cấm tôi lái xe, ông lo cho sự an toàn của tôi. Thế nhưng tôi cảm thấy một người đức cao vọng trọng như ông sao lại có thể nhỏ mọn đến thế, hẳn là ông vì sự an toàn của xã hội mà thôi.

Lúc tôi học đại học, mẹ tôi tái hôn. Đối phương nhỏ hơn mẹ sáu tuổi. Nếu không phải chú đó rất có tiền thì tôi còn tưởng mẹ tôi bị mấy tay bám váy đàn bà lừa rồi. Mẹ tôi được điều đến một chi nhánh ở thành phố bên cạnh chúng tôi, thăng chức lên làm phó chi nhánh, vô cùng bận rộn, đã ba tháng nay tôi vẫn chưa gặp được bà.

Tôi cũng không muốn gặp.

Bà và bố tôi sau khi bị mê mệt bởi trò cướp rau trên QQ lại mê chơi Wechat*. Khi tôi học đại học và chơi mạng nội bộ của trường, tôi rất coi thường các trò chơi điểm danh và các câu chuyện kiểu Hạt giống tâm hồn, còn dân mạng lớn tuổi như bố mẹ tôi lại cực kỳ kết. Hành động điên cuồng cập nhật trạng thái kiểu vậy tôi rất chê bai, chỉ còn cách chặn họ. Bố mẹ tôi phát hiện tôi không còn ấn thích và bình luận dưới những thứ mà họ chia sẻ thì gửi tin nhắn đến quấy rầy tôi.

*Wechat là phần mềm chat bên Trung Quốc, giống Line, Zalo.

"Cảnh Cảnh, con đọc dòng trạng thái bố mới chia sẻ đi, có lý lắm, người trẻ các con phải đọc nhiều vào."

"Cảnh Cảnh, mẹ vừa mới chia sẻ một tin kiến thức Trung y dưỡng sinh, con xem đi, đừng có mà thức đêm."

Sao tôi không thể nào nhớ được bố mẹ trước đây của tôi đi đâu rồi? Bây giờ nhìn họ liếc ngang ngó dọc cũng chẳng thấy khác những ông bà lão đang khiêu vũ ở quãng trường là mấy. Nhưng trong lòng tôi, dường như một phút trước họ vẫn ở tuổi trung niên, nói một là một, hai là hai, mạnh mẽ vang dội, chưa bao giờ hỏi ý kiến của tôi, lại càng không bao giờ gửi tin cho tôi những tin nhắn như thế.

Sự thay đổi này cứ như chỉ trong một khoảnh khắc.

Là tôi trưởng thành rồi hay họ đã già đi?


322.

Tôi bưng chỗ canh đã được cô Tề đóng hộp nhựa cẩn thận, từ nhà bố tôi đi ra ngoài sau đó lên xe buýt đến bệnh viện số một thành phố.

Hai tuần trước Lâm Phàm tham gia cuộc họp lớp cấp ba xong thì đi đá bóng cùng lũ bạn, thế nào lại thành gãy xương quay xanh, vừa phẫu thuật xong, bên trong còn lắp hai cây đinh thép. Tôi phải thay bố đến viện trông nó, bố tôi cũng trông nó một ngày rồi. Dù sao công việc của tôi cũng chỉ cần ngồi ở nhà, ban ngày có thể ngủ, cho nên đều là tôi thay mọi người đến trực ca đêm.

Tuy hộp canh đóng rất chặt nhưng mỗi lần phanh gấp, tôi vẫn rất căng thẳng, phải xem đi xem lại mấy lần. Tuyến đường này rất quanh co, chiếc xe này cũng tự coi mình là xe khách mà chạy theo kiểu đó luôn, sống rất có lý tưởng.

Lúc đi qua Chấn Hoa, tôi cố ý cúi đầu nhìn hộp cơm ở trong túi, không ngờ đèn đỏ lại sáng lên, Chấn Hoa hiện lên rõ mồn một, tôi có thể cảm giác được nó đang chế giễu tôi.

Nhưng tôi vẫn không ngẩng đầu lên, mở phòng làm việc cũng được một năm rồi nhưng tôi vẫn chưa từng về trường.

Đôi tình nhân ngồi trước tôi cứ kể về ngày tận thể, tên nhóc kia nói người Maya tính lịch chỉ đến ngày 21 tháng Mười Hai năm 2021 la vì mặt đá hết chỗ viết rồi, bạn gái cười ha ha, vô cùng nể mặt tên nhóc kia.

Tôi ngồi nghe đằng sau, không hiểu sao lại xuất hiện một ý nghĩ.

Ngày tận thế vừa hay là sinh nhật lần thứ mười sáu của tôi.

Dù sao cũng là mùa đông, mùa đông là mùa bi quan, hủy diệt cũng chẳng sao cả.

Nhưng nhất định không được vào mùa hè.

Bạn Cảnh Cảnh đã nói từ rất lâu, nếu thế giới có ngày tận thế thì nhất định không diễn ra vào mùa hè.

Hồi ức này bay lượn theo ánh đèn đường sau đó hòa vào ánh sáng đèn nê-ông, bị những chiếc xe qua lại tấp nập trên đường lôi ra xa rồi lại bay về.

Có lẽ, tôi của năm đó đã uống say rồi.

323.

Hành lang bệnh viện vẫn thoang thoảng mùi thuốc sát trùng, khiến chân tôi nhũn ra theo thói quen. Tuy từ nhỏ tôi đã là  một con ma ốm nhưng cũng chưa từng nhập viện, những người trong nhà cũng vô cùng khỏe mạnh, cho nên ấn tượng với việc nhập viện chỉ dừng ở trong phim điện ảnh. Chỉnh tề nghiêm túc, trang trí như là thiên đường vậy, tất cả bác sĩ, y tá đi qua đi lại đều mặc bộ đồng phục trắng nghiêm chỉnh thanh khiết. Trong phòng bệnh sang choáng, sạch sẽ, rèm cửa sổ trắng tinh khôi bay bay theo gió, bệnh nhân cô đơn nằm trong phòng bệnh, bộ đồ bệnh nhân rộng rãi ra dáng, bên cạnh giường bệnh có một cái bàn to, trong bình hoa cắm những bông hoa tươi bất tử...

Nhưng tiếc là Lâm Phàm không ở phòng cao cấp như thế, vừa mở cửa đã thấy có sáu chiếc giường, hơn nữa lại rất ồn, người nhà ra ra vào vào nói chuyện phiếm, đặt phích xuống đất cũng gây ra tiếng động lớn. Trong phòng không có hoa tươi lại thường có mùi rau hẹ, bánh rán, trên bàn nào cũng bày đầy đồ đạc. Ông lão mặt tím đỏ mặc đồ bệnh nhân nhưng lại phanh ngực, kéo dép lê sền sệt, đi men theo giường vừa thở khò khò vừa ăn dưa hấu.

Mỗi lần vào phòng bệnh, tôi lại đau đầu.

"Em mau xuất viện đi, chị sắp không chịu không nổi rồi." Tôi vừa vào phòng đã lao đến chỗ Lâm Phàm mà nói.

Nó đã có thể ngồi dậy chơi trò chơi iPad rồi, nhìn thấy tôi vào phòng cũng không thèm ngước mặt lên.

Thấy bố xách phích từ ngoài cửa đi vào, tôi vội giục ông về nhà nghỉ ngơi.

"Suốt ngày đến trực đêm, gần đây không làm lỡ dở việc làm ăn của con chứ?" Bố tôi hỏi.

Bố giống hệt mẹ, trí nhớ không tốt, ngày nào cũng phải hỏi một lượt chuyện này, lại còn lúc nào cũng nói gần đây, gần đây.

"Lỡ dở nhiều." Tôi liếc nhìn Lâm Phàm đang chơi trò chơi: "Này, nói em đó, còn không đứng dậy hát cho chị bài Tấm lòng cảm ơn hả?"

Lâm Phàm hắng giọng một tiếng: "Gần đây chị không có việc ở xa, có gì mà lỡ dở với không lỡ dở chứ?"

"Sao lại không đi làm?" Bố rót nước cho tôi, cười híp mắt: "Không làm ăn nữa hả?"

Tôi không còn gì để nói.

"Sao bố sớm tối cứ mong công ty con phá sản thế?"

Tôi biết bố quan tâm đến tôi nhưng mỗi lần ông hỏi thăm đều khiến tôi phát bực.

"Mấy khách hàng dạo này đều là người thành phố mình, không cần phải đi xa chụp." Tôi giải thích.

Lâm Phàm ngồi trên giường uống canh, bố thì nhất mực lôi tôi ra ngoài đi dạo.

"Bệnh viện có gì đáng đi dạo chứ!" Tôi và bố ngồi trên băng ghế dài ở trước sân: "Ở đâu cũng là vi khuẩn bệnh."

"Con lớn rồi, cũng không tính đến tình hình thực tế hả?" Bố tôi trực tiếp vào vấn đề.

"Ví dụ như?" 

Bố tôi thở dài, bộ dạng kiểu rất khó mở lời.

"Con xem Lâm Phàm đi, có hai bạn gái rồi." Bố tôi cho rằng đây là cách mềm dẻo nhất.

Lâm Phàm, con có thể so sánh với  nó ư?

324.

Buổi tối của mấy ngày trước, tôi bò ra giường nằm ngủ đến nửa đêm thì loáng thoáng nghe được Lâm Phàm hướng dẫn bạn gái sửa máy tính qua điện thoại. Không biết em gái giả ngốc hay ngốc thật, đến cả mấy thao tác đơn giản cũng phải nhờ Lâm Phàm, hai người nói qua lại rất lâu, có mỗi thế mà mất tận hai tiếng đồng hồ.

"Sao cái gì anh cũng biết thế?" Em gái ỏn ẻn: "Trên đời này có chuyện mà anh không biết không?"

"Có chứ!" Giọng Lâm Phàm dạt dào tình cảm, rất dịu dàng: "Anh không biết rời xa em."

Tôi nằm một bên, giây phút này hoàn toàn hóa đá.

Yêu đương chính là như thế, đối với những người ngoài không thể đặt mình vào tình cảnh đó mà nói, nó vừa buồn nôn vừa cảm động.

Bố nhìn tôi ngớ người ra như thế, liền lay lay tay tôi.

Tôi vội vã tập trung lại tinh thần.

"Có phải con có chuyện gì không?" Bố tôi hạ thấp giọng: "Mẹ con cũng nói với bố là bà ấy rất lo. Bố mẹ đều sợ con vì chuyện của người lớn chúng ta mà sinh ra sợ hôn nhân, nếu thật sự con có suy nghĩ này thì đừng để trong lòng, cứ nói với bố mẹ..."

Tôi cảm thấy sự tình càng ngày càng vượt ngoài tầm kiểm soát.

"Bố!" Tôi ngắt lời ông: "Bố đừng làm rối nữa. Con vẫn ổn, con vô cùng tin tưởng vào tình yêu, luôn hướng tới hôn nhân. Chẳng qua do con quá bận, cũng chưa tìm được người thích hợp. Chuyện này thì phải dựa vào duyên phận thôi, bố hiểu mà, đừng nghĩ lung tung nữa."

"Con nói con xem, lúc không nên có tâm tư khác thì lại rất nhanh nhạy, đến tuổi rồi thì lại không vội nữa. Tuổi các con đúng là toàn làm loạn, chuyện gì cũng làm ngược lại thói đời."

"Bố nói gì vậy? Sao con nghe không hiểu thế?"

"Bố nói hồi cấp ba con còn biết thích người khác, bây giờ tại sao suốt ngày chỉ ru rú trong nhà, sao không hay ra ngoài tiếp xúc với các bạn cùng tầm tuổi..."

Đầu tôi ong ong: "Bố nói gì cơ?"

"Chẳng phải hồi cấp ba con có ý với bạn cùng bàn à? Thằng bé đó tên gì ấy nhỉ? Con nghĩ bố không nhìn ra hả? Lúc bố cùng ăn cơm với nó, con kiểm điểm lại mình xem, lúc nào cũng chỉ quan tâm đến nó. Đã đi cùng rồi, đến lúc bị bố phát hiện thì lại giả vờ tình cờ gặp, con cho là bố ngốc à?"

Tôi ngẩng đầu lên thì mặt trời sớm đã mất hút, nhưng trời vẫn chưa tối, tầng tầng mây bồng bềnh như kem khiến tôi không phân biệt được đó là màu gì.

Vậy là bố tôi cứ như thế, ngồi trước cửa lớn bệnh viện, nơi người qua người lại mà nhắc đến một thiếu niên. Tình cảm mãnh liệt nơi đáy lòng tôi đập phải môi trường nhốn nháo như một chậu nước dội vào bếp lửa, không biết là ai khuất phục ai.

325.

Sau khi bố về rồi, tôi đi mua một lon Coca, ngồi một mình trên chiếc ghế dài hồi lâu.

Không phải tôi chưa từng yêu đương, chỉ là họ không biết.

Cuối năm hai đại học, không biết có phải là do chờ Dư Hoài đến tuyệt vọng rồi hay không, tôi bỗng nhiên nhận lời một đàn anh khóa trên theo đuổi tôi và từ đó có qua lại với anh. Lúc đó, tôi tham gia hội trượt patin, sau khi thi xong cuối kỳ có cùng bọn họ tập trung đi hát karaoke, sau đó còn đi giày patin trượt về trường. Bọn họ nói "trượt", nói "xõa", họ còn nói đó mới là "xõa vào đêm" đích thực.

Trong đêm khuya yên tĩnh, mọi người vừa cười vừa trượt băng trên đường, tôi trượt không tốt, thậm chí còn chưa học được cách rẽ và phanh, chỉ biết trượt về phía trước, kể cả trên đường không có xe tôi cũng rất sợ. Anh ấy đi qua chỗ tôi, nắm tay tôi, muốn kéo tôi cùng trượt, khi nắm được tay tôi lại bị mồ hôi lạnh ở lòng bàn tay tôi làm giật mình, anh ấy cười nói: "Đóng băng anh mất rồi, không có lần sau đâu đấy."

Khi tôi chờ đến mức tuyệt vọng thì có người nắm lấy tay tôi, cùng đi qua ánh sáng cam của cây đèn đường, nói những lời Dư Hoài từng nói với tôi.

Là câu đáp lời lúc tôi đối mặt với tờ bài tập mới phát, rồi túm lấy tay cậu ấy một cách bản năng.

Tôi cùng anh ấy trượt qua màn đêm trước khi bình minh, đột nhiên tôi cảm thấy anh ấy rất tốt.

Chẳng phải cũng chỉ là ba năm bên Dư Hoài thôi sao? Cho tôi ba năm nữa, một đoạn ký ức chẳng lẽ không thể chèn lấp lên một đoạn khác ư?

Chỉ là đoạn hồi ức này chỉ kéo dài một tuần. Khi anh ấy đứng dưới ký túc, tiến lại gần định hôn tôi, tôi đã đẩy anh ra. Bản thân tôi cũng không biết tại sao.

Sau đó thì, không có sau đó nữa.

Tôi uống hết sạch lon Coca, vứt vỏ vào thùng rác, đứng dậy vươn vai. Nói cho cùng tôi cũng không hiểu, tôi thật sự không hiểu tại sao có những người có thể ở độ tuổi thích hợp kết hôn, lấy hôn nhân làm mục đích mà cùng người lạ chung chăn chung gối. Khi hơi thở của người lạ phả tới, không cảm thấy buồn nôn ư? Không cảm thấy sợ ư? Không cảm thấy không cam tâm ư?

Hoặc có lẽ một ngày nào đó tôi cũng sẽ thỏa hiệp, cũng sẽ từ bỏ những suy nghĩ ngoan cố này.

Nhưng tôi không hề mong chờ ngày đó.

326.

2 giờ sáng, cuối cùng Lâm Phàm đã truyền nước xong, tôi dìu thằng bé vào trong nhà vệ sinh, giúp nó rửa mặt đánh răng, sau đó có thể về nhà làm một giấc trong lúc nó ngủ.

Bệnh viện lúc này đúng là hơi đáng sợ, đèn hành lang tầng năm đều đã tắt, chốc chốc lại gặp bệnh nhân tự cầm bình truyền nước đi nhà vệ sinh, bước đi bước ngưng, lại thêm bộ quần áo bệnh nhân, tôi sẽ tự tưởng tượng ra mình đang đi vào cảnh phim "Xác chết biết đi".

Lâm Phàm nhìn thấy dáng vẻ sợ sệt của tôi sẽ không kìm được mà bật cười, cứ cười sẽ động đến vết thương trước ngực, đau đến mức nhe răng trợn mắt.

Tôi đứng trước cửa nhà vệ sinh đợi thằng bé, vừa ngoảnh lại thì nhìn thấy một bà lão già gầy đến mức hai gò má lõm xuống, bộ dạng hung tợn, đứng trước cửa nhà vệ sinh nữ chờ tôi. Bên ngoài cửa sổ hành lang là hình chữ thập ký hiệu của phòng khám, ban đêm phát ra ánh sáng màu đỏ, ánh sáng đỏ chiếu lên mặt bà càng làm cho con ngươi đen sâu hun hút.

Tôi sợ đến mức tim sắp nhảy vọt ra ngoài, lúc này gọi người cũng không có ai ra, chỉ cảm thấy bên tai "ầm" một tiếng, chân tôi mềm nhũn, người cứ thế dựa vào tường mà trượt xuống đất.

Ánh mắt của bà đeo bám tôi, từ ánh mắt ngước lên hung tợn dần dần trượt xuống, biến thành ánh mắt nhìn xuống lạnh lùng.

Có người từ chỗ không xa chạy đến, tiếng bước chân vang vọng trong khoảng hành lang trống trải. Người đó cố gắng dìu tôi đứng dậy, còn mang theo cả giọng nói ôn hòa, có ý cười rót vào tai tôi.

"Cô gái, cô không sao chứ? Bà lão này là bệnh nhân phòng chúng tôi, bà rất thích dọa người, cô đừng sợ."

Giọng nói này dường như khiến cả thế giới của tôi bỗng dưng dừng khừng lại.

Tôi nhớ lần cuối cùng tôi nghe thấy giọng nói này là ở trong điện thoại, nói với Cảnh Cảnh sợ xem đáp án kỳ thi đại học, còn có tớ đây, đừng sợ.

Tôi chầm chậm quay đầu lại.

Không biết có phải do ánh sáng hay không, tôi không hề nhìn thấy vết tích của thời gian, vẫn là mái tóc ngắn xù xù đó, vẫn là khuôn mặt màu lúa mạch đó, thậm chí vẫn là chiếc áo T-shirt màu đen đó, mặc lâu như thế, tại sao cậu không thay một chiếc khác.

Đầu tiên cậu ấy không nhận ra tôi, đối diện với ánh mắt trân trối của tôi, khuôn mặt còn ngơ ngác mấy giây.

Sau đó ánh mắt cậu ngưng lại, đứng như trời tgọig.

"Cảnh Cảnh." Cậu ấy gọi.







Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro