Chương 46: Tương lai rất quan trọng.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

252.

Tháng Năm chậm rãi trôi qua.

Lại sắp đến tháng Sáu rồi.

Ngày 22 tháng Sáu năm ngoái là ngày tỉnh chúng tôi tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực học sinh lớp 10 trung học phổ thông. Giáo viên Địa lý từng dạy chúng tôi, vào ngày 22 tháng Sáu, thời điểm Trái Đất đến gần Mặt Trời nhất, cũng là lúc khoảng thời gian mùa hè tại Bắc bán cầu dài nhất.

Ánh mắt trời giống như một đường parabol, đang di chuyển từng chút một về phía những ngày rực rỡ nhất.

Xin chào mùa hè!

Nhớ tầm này năm ngoái tôi vẫn là học sinh chuẩn bị tốt nghiệp của lớp 9 trường trung học cơ sở số 13. Thời tiết oi nóng, kỳ thi cấp ba lại sắp đến gần, tất cả mọi người đều lo lắng không yên, thế nhưng ai cũng phải cắm đầu vào làm đề thi thử.

Mồ hôi rơi đều xuống, tôi lại dùng cánh tay lau đi, quệt ra một vệt nước mờ nhạt, mấy giây sau vệt nước ấy khô đi nhưng vẫn để lại trên giấy thi chút nếp nhăn.

Một năm trôi qua nhanh như thế.

Bài hát "Cậu, người bạn cùng bàn" hát như thế nào nhỉ?

"Lúc đó, bầu trời luôn rất xanh, ngày tháng luôn trôi qua thật chậm."

Thật ra không phải như thế. Những ngày tươi đẹp thường trôi qua rất nhanh. Trước hôm thi vài ngày, tôi cứ luôn nghĩ rằng vươn đầu cũng chết, rụt đầu cũng chết, có thể để tôi chết luôn cho nhanh không? Nhưng thời gian vẫn cứ bình thản trôi qua từng phút từng giây một, không hề đồng cảm với sự gian khôt của chúng tôi chút nào.

Thế nhưng, kỳ nghỉ hè sau thi lại trôi qua rất nhanh.

Tôi nằm bò ra bàn, áp khuôn mặt vào lon Coca Dư Hoài vừa mua cho, cố hấp thu sự mát lạnh quý giá trên vỏ lon nhôm. Cằm tôi đè lên tờ đề thi tháng môn Toán vừa được phát, chóp mũi vừa hay đặt vào đúng chỗ X đỏ.

"Nếu có thể dùng công thức toán học tính ra mối quan hệ giữa công sức bỏ ra và kết quả thu về được thì tốt quá!" Tôi than vãn.

Nếu được như thế, nhân gian sẽ bớt đi được bao nhiêu đau thương.

"Chỉ có thể nói, trong đa số trường hợp là tương quan đồng biến nhưng tính ra được là điều không thể, quá nhiều biến số, lại còn phải chứng minh tính tương quan của từng biến số một trước đã." Dư Hoài tuôn một tràng mà tôi chẳng hiểu gì. Sau đó, cậu ấy liền ngửa cổ lên uống lon Coca ừng ực, ợ một tiếng đầy mãn nguyện, sau cùng mới tùy tiện ngồi xuống.

Hai con mắt của tôi cố gắng nhìn vào chỗ chóp mũi, cuối cùng nhìn thành mắt lác.

Dãy số dài thườn thượt 1/(2+1)+1/(3+1)+1/(4+1)...+1/(n+1) nhìn sao mà giống con rết thế, nó đang dùng cả chân cả tay bò lên mũi tôi và bò khắp tờ đề thi. Lúc làm bài thi tháng, tôi suýt nữa gặm nát đầu bút nhưng vẫn không làm được một câu nào. Dãy số ơi là dãy số. Tôi vừa bò từ hố hàm số lượng giác lên, bây giờ lại ngã vào hố dãy số.

Mỗi khi học sang chương mới, tôi đều phải trải qua một quá lượt quá trình bi đát: "Điên mất, đây là cái quái gì vậy?" - mơ hồ - cực khổ thông não - khó khăn lắm mới hiểu được thì phát hiện bản thân đã không theo đuổi kịp tiến độ học trên lớp. Tôi ngồi ngay ngắn lại, phiền não cất tờ đề đi.

Bạn biết không? Hồi nhỏ tôi rất ngưỡng mộ Nobita, bởi vì cậu ấy có cậu bạ Doraemon. Nobita ngốc từ nhỏ đến lớn, chẳng làm được việc gì nên hồn, ăn gì cũng chẳng để sót lại chút nào. Chuyện này không có gì phải lo lắng, bởi vì cậu ấy có cậu bạn mập Doraemon màu xanh da trời trèo từ ngăn kéo ra, Doraemon sẽ giúp cậu ấy, nếu không giúp được thì cũng không chê bai cậu ấy.

Hồi nhỏ, mỗi lần tan học về, tôi đều kéo ngăn kéo ra kiểm tra một lượt, không biết Doraemom của tôi lúc nào mới tới. Đó luôn là ước mơ của tôi.

Hiện tại ước mơ này của tôi đã thành hiện thực được một phần, ý tôi là, tôi đã biến thành Nobita.

253.

Từ sau kỳ thi cuối kỳ trước, thành tích của tôi luôn ổn định trong khoảng thứ 35-40 ở lớp, cố thế nào cũng vô dụng, bởi vì những người ở phía trước tôi cũng đang không ngừng nỗ lực.

Đôi khi ở trên lớp, tôi đột nhiên thất thần. Mùa hè chúng tôi đổi rèm cửa sổ thành màu trắng, ánh mặt trời xuyên qua rèm chiếu vào lớp học, khuôn mặt ai cũng được phủ lên ánh nắng mang sắc mềm mại như trong phim thần tượng. Tôi ngồi cạnh cửa sổ, tuy đôi lúc bị nắng chiếu vào nhưng đáng quý là luôn có gió thổi qua. Rèm cửa sổ bay bay theo làn gió, rồi lướt nhẹ qua mặt tôi, khi nó rũ xuống sẽ nhẹ nhàng phủ lên người ngồi cạnh cửa sổ, đồng thời che luôn cả tầm nhìn. Hệt như một pháo đài nhỏ đoản mệnh cách biệt với thế giới bên ngoài.

Đôi khi người bị trùm vào trong rèm cửa là tôi và Dư Hoài, lúc ấy, chúng tôi nhìn nhau cười, sau đó cậu ấy sẽ gạt rèm phủ trên người mình ra và tiếp tục cúi đầu viết chữ. Ánh mặt trời xuyên qua khe hở của rèm cửa chiếu lên người cậu ấy. Tôi âm thầm nhớ lại lần gặp mặt đầu tiên, cậu ấy cũng ngồi ở đây như thế này, dưới ống kính của tôi, viết "Quãng thời gian tươi đẹp nhất".

Quãng thời gian tươi đẹp nhất.

Có rất nhiều lúc, chỉ có mình tôi bị rèm phủ, ngay cả Dư Hoài cũng bị tách biệt ở thế giới bên ngoài. Bục giảng, tiếng giảng bài của thầy cô, tám chữ răn dạy màu đỏ của trường được viết phía góc trên bảng đen, tiếng đọc sách lanh lảnh, tất cả đều ở bên ngoài chiếc rèm, họ đều không phát hiện ra tôi đã biến mất.

Tôi không giống Dư Hoài, vội vàng gạt rèm ra, mà tôi thích cúi đầu, an nhàn hưởng thụ một phút mất tích.

Cứ như thể tôi sẽ không cần phải đối diện với tất cả những chuyện làm tôi phiền não nữa. Thời gian cứ nhích dần về phía trước không thể ngăn cản, song liệu có thể nào đôi khi nó bỏ tôi vào lãng quên trong phút chốc không?

254.

Thứ Năm tuần trước thầy Trương Bình phát một bản: 

Bản tự nguyện đăng ký phân ban Tự nhiên và Xã hội của học sinh lớp 10 khóa năm 2003 trường trung học phổ thông Chấn Hoa.

Khi cầm tờ giấy này, Dư Hoài quét mắt một lượt rồi tiện tay vứt vào ngăn bàn. Giọng của thầy Trương Bình vang lên đều đều, từ bục giảng truyền xuống: "Về việc điền bảng này, những bạn muốn ở lại lớp 10-5 học ban Tự nhiên thì không cần điền nữa, còn những bạn nào có mong muốn học ban Xã hội thì sau khi điền đầy đủ, nhớ xin chữ ký phụ huynh ở cột cuối. Trước khi thi cuối kỳ thì nộp lại cho thầy."

Tôi vân vê tờ giấy mãi. Cuối cùng cũng đã đến giây phút này rồi.

"Các em nên về nhà bàn bạc kỹ với bố mẹ nhé! Lời khuyên của thầy là vậy." Thầy Trương Bình chống hai tay lên mặt bàn giáo viên, nói với những cô cậu học sinh mà mỗi người đang mang một nỗi niềm riêng: "Có một số bạn vốn có chí hướng rõ ràng đã quyết định xong từ lâu, như thế là rất tốt. Còn với những bạn còn do dự phân vân, thầy khuyên là nên kết hợp sở thích và năng lực của mình làm cơ sở quyết định."

"Em không hiểu ạ!" Beta giơ tay.

Lúc này, cả lớp đều rì rầm nói chuyện riêng, tâm trạng nóng nảy âm thầm trào dâng, chỉ có Beta vẫn chăm chú nghe thầy Trương Bình lải nhải những lời vô ích đó.

"Năng lực chính là thành tích học tập, tất nhiên phải chọn hướng phát triển mà bản thân có ưu thế. Chuyện này thầy sẽ không đề cập nhiều nữa, các em về nhà nghiên cứu kỹ kết quả các đợt thi lớn nhỏ của các môn. Không những phải nghiên cứu hiện trạng mà còn phải nghiên cứu cả về tiềm lực."

Thầy Trương Bình rất vui mừng trước sự phát biểu của Beta, vì vậy tiếp tục thao thao bất tuyệt: "Sở thích có thể phân làm hai cấp độ. Cấp độ thứ nhất, là sở thích với các m ôn Lý - Hóa - Sinh hoặc Sử - Địa - Chính trị, đây cũng chính là hướng học tự nhiên - xã hội trong chương trình học trung học phổ thông. Cấp độ thứ hai là em muốn học chuyên ngành gì ở đại học. Muốn làm nhà Toán học thì học ban Tự nhiên; muốn học khoa Trung thì tất nhiên nên học ban Xã hội. Cân nhắc sớm một chút thì cũng có thể sớm xác lập được mục tiêu cho cuộc đời mình. Đây là chuyện tốt."

Tôi cầm tờ giấy, trong lòng cảm thấy hơi hoang mang nhưng vẫn ghi nhớ mấy lời của thầy Trương Bình. Đúng rồi, Cảnh Cảnh, mày muốn làm gì đây?

Tôi ngoảnh sang nhìn Dư Hoài đang chăm chú làm bài trong sách bài tập Hóa, buột miệng hỏi: "Dư Hoài, sau này cậu muốn làm gì?"

Dư Hoài ngây người. Cậu ấy quay sang, vốn dĩ định cười tôi nhưng khi nhìn thấy vẻ mặt nghiêm túc của tôi thì cậu ấy liền bỏ ý định trêu chọc.

"Không biết nữa, nhưng..."Cậu ấy trầm giọng: "Tớ muốn học chuyên ngành Kỹ thuật ở Đại học Thanh Hoa. Tốt nghiệp đại học xong thì xin đi học thạc sĩ ở nước ngoài, còn chuyện sau đó thì tớ vẫn chưa nghĩ đến."

Qua một năm, cậu ấy cũng dần mở lòng hơn với tôi. Kẻ từng sống chết cũng không thừa nhận muốn thi Thanh Hoa trong buổi tổng vê sinh kỷ niệm thành lập trường bây giờ không hề vòng vo mà nói thật lòng với tôi.

Dư Hoài nhìn trân trân vào cái cây ở không xa ngoài cửa sổ, hồi lâu mới thu ánh mắt về, cười nói: "Không cần thiết nghĩ xa thế, dù sao cứ hoạch định như thế đã. Tại sao tự dưng lại hỏi như vậy?"

Tôi lắc đầu, nhìn cậu ấy cười ngượng ngùng rồi nắm chặt bản tự nguyện đăng ký phân ban trong tay.

Cậu ấy nhìn tôi, môi mấp máy nhưng không nói lời nào. Cậu ấy từng khuyên tôi đừng học ban Xã hội nhưng tôi quên chưa hỏi cậu ấy tại sao mà đã vội đồng ý.

Bây giờ tôi muốn hỏi nhưng không tài nào mở lời nổi.

Tên thiếu niên từng nói với tôi "Tớ nói thật lòng, đừng học ban Xã hội" thực sự đang đứng ở ngã tư vận mệnh tương lai của tôi, nhưng lại không dám tùy tiện nói ra những lời xúi giục và níu kéo vô trách nhiệm.

255.

Tôi còn nhớ năm thi lên cấp ba, cô bạn luôn đứng đầu lớp tôi sau hai tháng do dự "trình độ ngấp nghé của mình lỡ thi trượt Chấn Hoa thì phải làm sao", cuối cùng, trong tháng cuối trước khi thi đã quyết định ký vào thỏa thuận tuyển sinh cộng điểm của trường trung học phổ thông trực thuộc Đại học Sư phạm.

Nguyện vọng 1 là trường trung học phổ thông trực thuộc Đại học Sư phạm, nếu thi trượt cũng sẽ có hai mươi điểm cộng làm phao cứu sinh.

Sau ngày hôm đó, cậu ấy hoàn toàn thoải mái. Bỏ đi áp lực thi Chấn Hoa, cuộc sống không còn phải lo được lo mất, cả người cậu ấy phấn chấn hẳn lên.

Lúc thi lên cấp ba, vì tinh thần thoải mái, tự tin, cậu ấy đạt được số điểm mà trước nay thi thử chứ bao giờ đạt được, vượt hơn điểm sàn vào Chấn Hoa tận năm điểm.

Phải biết rằng mục tiêu cố gắng của cậu ấy ngày trước vẫn chỉ là hệ tự túc của Chấn Hoa mà thôi.

Trường trung học phổ thông trực thuộc Đại học Sư phạm cũng là một ngôi trường tốt nhưng vẫn không thể so sánh được với ngôi trường so sánh được với ngôi trường đứng đầu trong ngành giáo dục là Chấn Hoa. Tổ tuyển sinh của trường cấp ba Sư phạm thì vui rồi, nhưng "thánh đầu bảng" thì đã nói lời từ biệt với Chấn Hoa, ngôi trường mà cậu ấy đem lòng tương tư ba năm. Cậu ấy khóc ở nhà hẳn một tuần, đến cả họp lớp cũng không tham gia.

"Thánh đầu bảng" chọn trường trung học phổ thông trực thuộc Đại học Sư phạm là để có một giải pháp an toàn, sau khi đã nghiên cứu đăng ký nguyện vọng và chính sách tuyển sinh, phòng trường hợp bản thân thi không đỗ Chấn Hoa, đến cả những trường trọng điểm khác cũng bị vuột mất cơ hội. Hiện tại cậu ấy nhận được kết quả của giải pháp an toàn đó. Dẫu đạt được ý nguyện nhưng cuối cùng lại khó chấp nhận nó.

Người có 99% cơ hội, sẽ không bao giờ do dự, như Dư Hoài, như Thẩm Sẵn. Người có 1% cơ hội, cũng sẽ không bao giờ hối tiếc, ví như phần lớn các bạn cấp hai của tôi.

Buồn nhất chính là những người nằm trong khoảng giữa đó, như "thánh đầu bảng" và...như tôi.

Những thứ vốn dĩ nên đặt trong tay mình, tôi lại nhường vào tay của tên vận mệnh tráo trở, lại còn giả vờ đều là do bản thân lựa chọn, cam tâm chịu khổ.

Đứng trên phiên diện sở thích, việc học ban Xã hội không bị tính là tổn hại với người còn không biết tương lai muốn làm gì như tôi đây. Còn đứng trên phương diện năng lực thì với tôi, học thuộc mốc thời gian và sự kiện tiêu biểu đơn giản hơn cân bằng công thức hóa học nhiều. Vậy nên, rốt cuộc nên chọn học ban nào không còn gì đáng để do dự nữa. Đúng vậy,  không còn gì để do dự nữa.

Tôi nhìn sang sườn mặt của người con trai bên cạnh đang bị rèm cửa sổ trùm vào trong, từng khuôn mặt quen thuộc ở bên ngoài rèm cửa, từng khuôn mặt đứng quanh tôi khi tôi chảy máu đầm đìa vì bị bóng đập trúng.

256.

Bố mẹ vì chuyện phân ban của tôi mà nói chuyện điện thoại hơn một tiếng đồng hồ. Quyết định cuối cùng tất nhiên là ban học Xã hội, còn phải nghĩ ư? Tôi thấy rất kỳ lạ, rốt cuộc một tiếng đó hai người đã nói gì.

Tôi không nói câu nào, chỉ như con chim đà điểu, vùi đầu vào đống tài liệu ôn thi cuối kỳ.

Giản Đơn và Beta đã quyết định cùng học ban Xã hội với nhau từ lâu.

Người muốn học ban Xã hội là Beta, còn Giản Đơn bị ép đi cùng. Beta học ban Tự nhiên thì chỉ có con đường chết mà thôi. Kẻ mấy lần thi đều loanh quanh top 10 từ dưới lên như Beta là thuộc nhóm người chỉ có 1% cơ hội, bởi vậy ban Xã hội chính là con đường giải thoát cho cậu ấy. Bố mẹ Beta bây giờ vẫn chưa có ý định đưa cậu ấy đi Bắc Kinh học, cho nên tính qua thì Beta chắc chắn còn có ít nhất một năm ở Chấn Hoa.

"Cuộc đời tất nhiên phải sống sao cho càng ngày càng thoải mái, tớ khó khăn lắm mới đầu thai một lần, không nên làm khó bản thân mình."

Cậu ta vừa nói vừa vươn tay trái ra ôm phải ấp, ra sức giữ lấy tôi và Giản Đơn.

"Chị em à, hãy cùng tôi bước vào cuộc sống mới tràn đầy tính nhân văn đi! Hãy để những tên như Kepler và Mendeleev* cuốn xéo khỏi cuộc đời của chúng ta!"

*Dmitri Ivanovich Mendeleev (1834 - 1907), là một nhà hóa học và nhà phát minh người Nga.       

Tôi và Giản Đơn toát mồ hôi lạnh.

Beta càng nói càng hăng: "Hơn nữa, ai bảo bọn mình không học nổi ban Tự nhiên mới đi học ban Xã hội? Bọn mình thực lòng yêu thích ban Xã hội mà."

"Nhưng các môn tự nhiên của cậu thật sự là rất nát." Tôi nhẹ giọng.

"Thế thì sao?!" Beta hất cằm: "Bản lĩnh lớn nhất của chị đây chính là biến chuyện chị không làm được thành chuyện chị không muốn làm, sao nào?"

Nhưng mới qua buổi chiều, Beta đã hét toáng lên, dáng vẻ hung dữ xé vụn bảng tự nguyện đăng ký phân ban.

Nguyên nhân là do chiều nay, Beta lén lút chạy đến văn phòng bộ  môn Sử - Địa - Chính trị nói chuyện lần lượt với ba thầy cô dạy lớp 10-5 về viễn cảnh học ban Xã hội của cậu ấy.

Trong thời gian chuẩn bị đăng ký phân ban, khoảng không trước văn phòng các bộ môn Xã hội rất náo nhiệt. Ba môn học bị khối lớp 10 hắt hủi hiện giờ suýt nữa thì biến thành phòng hội chẩn tâm lý, bởi vì một bộ phận lớn các bạn nữ và một bộ phận nhỏ các bạn nam vì đủ loại nguyên nhân mà do dự chưa quyết định đều chạy đến đây để tìm kiếm sự an ủi và lòng tự tin.

Các thầy cô giáo ban Xã hội đều hết sức kiên nhẫn, họ bắt đầu kể về những câu chuyện huy hoàng của các anh chị khóa trước đã tốt nghiệp từ ban Xã hội mà họ từng dãy dỗ. Những anh chị ấy hiện tại đang công tác và làm việc ở tuyến đầu của vô số các ngành nghề trong xã hội trở thành mũi tiêm động viên, khiến các học sinh phiền muộn vì vốn nghĩ não mình có vấn đề nên mới không học nổi ban Tự nhiên phút chốc nhiệt huyết bộc phát mà hồi sinh.

Nhưng Beta lại cãi nhau với cô Địa lý.

Cô dạy Địa lớp 10 -5 chúng tôi là một cô giáo còn rất trẻ, từng vì Dư Hoài thể hiện tài hoa trên phương diện Địa lý mà ghi thù, không chịu thua nên giảng môn Địa không khác nào giảng sách trời. Lòng tự tôn của cô vốn rất cao. Khi Beta để lộ ra ý vì thành tích học môn tự nhiên quá tệ nên  chỉ còn cách học môn xã hội, không hiểu sao cô Địa lý như bị đạp phải đuôi.

"Em như thế thì đừng học ban Xã hội nữa. Học môn xã hội không bảo đảm thành tích của em có thể đi lên đâu, môn xã hội không đơn giản chút nào, nếu em muốn đi đường tắt thì tùy em thích đi đâu thì đi. Dù sao sau này vẫn là tôi dạy em, tôi sẽ không để em dễ dàng đâu."

Beta đạp cửa ra khỏi phòng bộ môn Địa lý, sau đó lập tức quyết định, chị đây thèm mà học ban Xã hội.

Thái độ tùy tiện với những quyết định trọng đại trong cuộc đời mình của Beta hoàn toàn làm lay động tôi và Giản Đơn. Beta nói năng hùng hồn: "Cậu nghĩ cuộc đời thật sự do cậu chọn lựa à? Mọi quyết định đều xuất phát từ một phút nông nỗi nhất thời, cậu không nhìn rõ hướng đi của vận mệnh đâu, chọn cái gì cũng có lý cả, chỉ cần cậu dẻo miệng, người khéo ăn khéo nói sống thế nào cũng có lý."

Dẫu sao thì cậu ấy cũng thừa tiêu chuẩn khéo ăn khéo nói rồi.

Beta đứng ở khoảng trống cuối lớp kêu gào, diễn lại toàn bộ lời nói và ngữ điệu cô Địa lý sỉ nhục cậu ấy vô cùng sinh động, sau đó xé vụn tờ giấy tự nguyện đăng ký phân ban, ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, tung tất cả những mảnh giấy vụn kia ra không trung.

Soạt soạt soạt, còn đẹp hơn tuyết rơi nữa! Đứng giữa màn tuyết giấy là Beta đang ôm mối hận thù sôi sục, tư thế đó, chẹp chẹp, có khí phách đanh thép hơn người.

"Chị đây mà còn chút xíu ý định học ban Xã hội nào nữa thì lên của chị đây sẽ viết ngược lại luôn!" Beta hùng hồn giơ tay lên trời thề.

Cả lướp vỗ tay nhiệt liệt, hoan hô không ngớt.

Lớp phó sinh hoạt đứng dậy, chỉ vào Beta: "Không hổ là người của lớp 10-5 ta! Có khí phách!... Nhưng mà Beta, cậu vẫn nên đi quét lớp đi!"

257.

Buổi chiều, trước khi vào tiết tự học, tôi lén lút chuồn đi, chạy đến khu lớp 11.

"Chị ơi..." Tôi chặn một chị đang định ra ngoài: "Có thể gọi chị Lạc Chỉ giúp em không ạ?"

Chị này rất xinh, tuy chỉ cách một tuổi nhưng nhìn trưởng thành hơn Lăng Tường Tây nhiều. Chị ấy không mặc áo đồng phục, chiếc áo len màu đỏ trở thành phông nền tuyệt hảo tôn nên mái tóc xoăn dài rủ xuống tận eo. Lúc bị tôi gọi giật lại, chị ấy đang chạy ra ngoài lớp, vừa ngoảnh lại, mái tóc đẹp như thác nước màu đen hất sang phía tôi như thủy triều, tôi lùi về phía sau, nhanh chóng né đi.

"Ừm, em chờ chút nhé." Chị ấy cười, chớp chớp mắt nhìn tôi.

Tôi như bị điện giật đến ngớ người, chợt hiểu được ý của bốn từ "mắt sáng như sao".

Chị ấy ngó vào trong lớp, gọi tên Lạc Chỉ rồi chạy đi. Ngoài hành lang còn có mấy chị khối 11 của lớp khác đang tụm năm tụm ba, rất nhiều người quen biết chị gái ấy, thấy người ta vừa chạy ra khỏi lớp, tất cả đều ồ lên: "Diệp Triển Nhan lại đi tìm người con trai của mình rồi."

Chị tên Diệp Triển Nhan xinh đẹp ngoảnh lại mắng đùa mấy câu nhưng không hề dừng bước, tiếp tục chạy về hướng cửa sổ sáng choang phía cuối hành lang, mái tóc dài vô tận tung bay theo từng bước chân, tôi nhìn theo mà có cảm giác trái tim mình cũng bay về hướng đó luôn rồi.

Khoan đã, Diệp Triển Nhan ư?

Chẳng phải là tên bạn gái của hot boy Thịnh Hoài Nam nổi tiếng đó sao? Tin sốt dẻo!

Quả nhiên, người đẹp trai sẽ ở bên người xinh gái.

Tôi nhìn lên đèn ống tuýt màu trắng trên trần nhà mà cảm thán. Nhưng không sao, Dư Hoài cũng không đến mức quá đẹp trai.

"Nhóc tìm chị có việc gì hả?" Lúc này, chị Lạc Chỉ đã xuất hiện ở cửa lớp.

"Dạ? À, em chào chị."

Tôi cúi người chào, lúc đứng thẳng người dậy đã cảm nhận được ánh mắt kỳ lạ của các anh chị lớp 11 nhìn tôi, đột nhiên cảm thấy ngượng ngùng.

"Sao lại hành đại lễ với chị thế này...?" Chị ấy bật cười.

Tất nhiên rồi, tôi nghĩ thầm, xin tư vấn tâm lý sao có thể không trả tiền chứ!

258.

"Em là người thứ hai chạy đến hỏi chị nên học ban Xã hội hay không đấy!" Chị Lạc Chỉ nói.

Tôi và chị ấy ngồi sánh vai trên bệ cửa sổ tầng ba khu hành chính, lưng tựa vào kính. Tà dương chiếu xuống ấm áp nhưng không hề nóng rực. Vì thế, cả người chị Lạc Chỉ như được mạ lên một quầng sáng màu vàng rạng ngời, chị nhìn tôi cười vô cùng thân thiết.

"Người kia là ai ạ?" Tôi tò mò hỏi.

"Là Lăng Tường Tây. Một cô bé xinh lắm đấy."

"Bạn ấy là hoa khôi của khối em đó." Tôi giới thiệu.

Từ lâu tôi đã nghe Dư Hoài kể về dự định học ban Xã hội của Lăng Tường Tây, tuy tin này không chấn động bằng chuyện anh Thịnh Hoài Nam bắt đầu yêu đương nhưng cũng lan truyền rất rộng.

Rất nhiều cô gái đều ngầm truyền nhau rằng mọi người nổi tiếng thực sự rất khó sống, xem ra người đẹp của chúng ta không sống nổi ở môi trường cạnh tranh kịch liệt như lớp 10-1 rồi!

Ai không thích xem người đẹp khó xử chứ?

Cuộc đời của Lăng Tường Tây e là tôi không dám tưởng tượng. Mọi người đều sinh tồn trong đại dương Chấn Hoa, chỉ có cậu ấy vì xinh đẹp mà bị biến thành một con cá cảnh, nhất cử nhất động đều bị soi mói đánh giá. Một người bất hạnh nhưng lại khó khiến người ta đồng cảm.

"Thật hả?" Chị Lạc Chỉ nghe xong lời giới thiệu của tôi, có chút trầm tư: "Thảo nào áp lực lớn thế."

Chị Lạc Chỉ là "tượng đài" của khối 11 ban Xã hội, luôn ngồi vững ở vị trí đầu tiên, bởi vì rất nhiều người thầy cô đều nói với chúng tôi rằng có thể đi hỏi ý kiến chị ấy. Song cuối cùng có gan đi tìm "vị Phật" khóa trên không quen biết rồi nói chuyện thoải mái thì cũng chỉ có người bị nhiều đứa con gái ghét là Lăng Tường Tây mà thôi.

Sự tự tin và vẻ ngoài xinh đẹp sinh ra đã đi liền với nhau. Không phục không được.

Tôi cuối cùng vẫn không kiềm được mà hóng hớt: "Chị này, bạn đó, có thể nói cho em biết Lăng Tường Tây làm sao không?"

"Cũng do dự như em. Em ấy phân vân không biết có nên học ban Xã hội hay không thôi." Chị ấy tránh nói vào vấn đề chính: "Hơn nữa, em ấy lại còn bị chọc tức bởi những câu vớ vẩn kinh điển như chỉ có những đứa con gái không não mới đi học ban Xã hội, các môn Xã hội dễ hơn các môn Tự nhiên, hay đã thi được vào lớp chọn ban Tự nhiên xuất sắc như lớp 10-1 mà lại chạy đi học ban Xã hội thật là mất mặt. Hồi đấy chị chị cũng chuyển từ lớp chọn ban Tự Nhiên chuyển sang học ban Xã hội, cho nên em ấy đến hỏi chị kinh nghiệm, muốn chị cho em ấy chút tự tin để đi đối diện đả kích từ những lời đồn."

"Thế tại sao hồi đấy chị lại học ban Xã hội?"

Lạc Chỉ không ngờ tôi nhảy từ chuyện Lăng Tường Tây sang chuyện của chị ấy, ánh mắt chợt lấp lánh.

"Vì đích thực các môn xã hội dễ hơn mà! Ai lại không hy vọng có thể sống thoải mái hơn chút chứ?" Chị ấy mỉm cười.

Nói dối. Trực giác của tôi nói vậy, nhưng tôi cũng không rõ tại sao.

Tôi cũng chỉ có thể hỏi trực tiếp: "Ban nãy chị có nhắc những lời vớ vẩn xem thường người khác. Những lời đó ban đầu không ảnh hưởng chút nào đến chị ạ?"

Chị ấy lại cười, lắc đầu: "Từ trước đến giờ chị đâu có quan tâm đến lời nói của người khác."

Nhiều người khi bị cả thế giới công kích đều hờn dỗi mà nói những lời này, nhưng chưa từng có ai lại khiến người khác tin phục như chị ấy.

"Nhưng mà..." Chị ấy lấy lại quyền chủ động trong cuộc nói chuyện về tay mình: "Em cũng gặp phải phiền não như hoa khôi? Đúng không nào?"

Lạc Chỉ cười xấu xa.

Đúng thế còn gì, bàn về thành tích, nói về vẻ ngoài, tôi đều không xứng bị công kích, tôi thẹn thùng lắc đầu phủ nhận.

"Thế thì em đang khó xử chuyện gì? Nếu em thấy ban Tự nhiên khó quá thì hãy học ban Xã hội đi, làm hậu bối của chị." Chị ấy vươn tay ra vỗ vỗ lưng tôi, nhiệt thành như kiểu nhân viên tiếp thị.

Không hiểu vì sao những cảm xúc mà tôi rõ ràng đã nén chặt như được thả ra rồi dâng trào lên trong khoảnh khắc chị ấy bỗng nhiên ôm vai tôi rồi cười hì hì như một người chị.

"Tương lai rất quan trọng."

Tôi bỗng dưng nghẹn ứ.

"Nhưng em không nỡ rời xa một người."



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro