Chương 31: Làm người lại từ đầu.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

168.

Beta nói, tôi ôm quyển vở ô li chăm chỉ học bài, khóe miệng cong lên..."y như đang thêu của hồi môn".

Cậu ấy bóc vỏ quýt, đặt mông ngồi lên bàn của Chu Dao và nhìn tôi cười mờ ám.

"Sao cậu vẫn chưa đi hả?" Tôi vừa dọn dẹp sách vở vừa đuổi cậu ấy đi.

"Hôm nay tổ tớ trực nhật, Hàn Tự có việc bận nên đi trước rồi, Giản Đơn làm phần của hai người, đáng lẽ tớ cũng định trốn nhưng bị cậu ấy bắt lại."

"Hình như không phải vậy đâu." Cậu ấy nhún nhún vai: "Giản Đơn bảo là trước đây Hàn Tự chưa được rèn luyện để đi thi bài bản nên cũng không có ý định tham gia, cậu ta muốn yên ổn thi lên đại học hơn."

Quả vậy, Hàn Tự học Văn và Ngoại ngữ giỏi hơn Dư Hoài, xét về năng lực học toàn diện và phong độ ổn định thì Dư Hoài còn thua xa cậu ta.

Bỗng dưng tôi lại nhớ đến chuyện đang định nói trong giờ Toán nhưng vì bị thầy Trương Phong mắng mà đứt mạch.

Đó là sự hoang mang và lo âu của Dư Hoài.

Hiển nhiên kết quả thi từ cấp hai lên cấp ba đã làm Dư Hoài bị đả kích. Lâm Dương từng nói, Dư Hoài thay đổi đột ngột khi vừa tham gia thi học sinh giỏi vừa phải ứng phó với kỳ thi lên cấp nên có hơi quá sức. Và kết quả thi đã chứng minh điều này. Còn bây giờ, Dư Hoài nên có niềm tin vào bản thân, tiếp tục hoàn thành con đường "thi học sinh giỏi", đi một ngày đàng học một sàng khôn mà, chăm chỉ hơn một chút là được.

Từ lúc thi giữa kỳ kết thúc, thấy khuôn mặt như nhìn thấy bầu trời nước Sở của cậu ấy là tôi biết liền, trong các lĩnh vực của Dư Hoài, có một phần tôi không tài nào hiểu được, độ phiền muộn về nó của cậu ấy không thua gì những rối rắm và những tính toán so đo của tôi cả.

Hàn Tự thì ngược lại, mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.

Cậu ta luôn mang khuôn mặt "không chút động tĩnh" lạnh lùng trầm ổn. Khi cậu ta nhận định con đường nào là đúng thì kể cả mọi người có nói con đường bên cạnh rải đầy vàng bạc đi chăng nữa, cậu ta cũng không thèm liếc nhìn một cái.

Nếu miêu tả dã tâm của Dư Hoài là "Tuy tôi không thích ăn quả nhưng chỉ cần nhìn thấy loại quả mà nhảy lên là hái được thì tôi nhất định sẽ dùng hết sức thử lên xem sao" thì Hàn Tự lại khác, "Tôi chỉ muỗn cúi đầu để bắt kịp hành trình, cho nên kệ xác lối tắt lối mòn nào đó, tôi phải đi đến cùng, nhảy lên là có quả ăn rồi sao nữa?"

Đây là những lời Giản Đơn nói với tôi và Beta lúc ngồi ở sân vận động hôm kỷ niệm thành lập trường.

Tất nhiên, nguyên văn câu nói của cậu ấy sẽ buồn nôn, sến súa hơn nhiều, nên không cần thiết phải nhắc lại.

Đôi khi tôi sẽ thất thần khi nhìn bóng lưng của Giản Đơn và Hàn Tự, âm thầm mà tò mò. Giản Đơn chính là "quả" mà Hàn Tự tìm kiếm ư? Nếu không phải là cậu ấy thì liệu có phải thần thái "không chút động tĩnh" trên người Hàn Tự mà Giản Đơn mê muội sẽ đem đến cho cậu ấy một kết cục châm biếm nhất không?

Còn tôi thì sao?

Tôi cúi đầu vuốt quyển vở ô ly mỏng manh của mình, khẽ thở dài.

Nếu tôi cũng là một loại quả, chỉ e Dư Hoài chẳng những Dư Hoài không cần nhảy lên mà còn phải cúi lưng nhặt nữa.

Trong một giây, lòng tôi lại trào dâng ý chí cầu tiến, muốn biến thành một loại quả mọc lên cành cây cao nhất.

Tôi cũng muốn nhìn thấy phong cảnh từ trên cao, đùa vui cùng những làn gió, và lặng lẽ chờ một con khỉ nhảy lên hái.

Tất nhiên sau một giây đó, tôi lại trở  về trạng thái bình thường.

Tôi không phải quả gì cả, cũng không nhặt được vàng, tôi là một tên què quặt nghèo túng.

Suy nghĩ lan man xong, tôi ngẩng đầu lên, không ngoài dự đoán, tôi cũng nhìn thấy điều đó trên mặt Beta: thương xót thay hai tên ngốc nghếch.

"Haiz, đứa bé này!" Beta nuốt nốt mấy múi quýt, lúng búng nói: "Xem ra là quá hạn rồi."

Cậu ấy còn chưa nói xong thì đã ăn ngay một tấm giẻ lau bảng vào lưng. Beta hét lên, nhảy khỏi bàn Chu Dao.

"Mau đi làm việc cho bà!" Giản Đơn đứng chống nạnh trên bục giảng hét lớn.

Tôi mặc áo khoác cẩn thận xong rồi xách cặp lên, trước khi đi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ theo thói quen.

Bên ngoài sớm đã phủ một màu đen, dưới ánh đèn sáng choang của lớp học, cái bóng mập ú của tôi trải dài trên mặt kính, vô cùng rõ ràng.

Lại một ngày lặng lẽ trôi qua.

Hôm nay tôi không còn cảm thấy hoang mang, mất phương hướng nữa. Tôi nhớ Dư Hoài từng nói, Cảnh Cảnh à, sau này cậu nhất định sẽ ngày càng tốt lên.

Sẽ như thế, cậu ấy đã nói như vậy rồi thì chắc sẽ như vậy nhỉ!

Quả được chôn trong lòng đất sớm muộn cũng có một ngày mọc lên một cái cây.

Cảnh Cảnh, cố lên!

169.

Bố tôi nói sắp cuối năm rồi, mẹ tôi bên ngân hàng vô cùng bận rộn. Đáng lẽ cuối tuần này mẹ định đưa tôi đi giải tỏa tâm trạng nhưng đột nhiên bên văn phòng có việc lại phải đi đến chỗ khách hàng, cho nên không thể đến được.

Tôi không cảm thấy thất vọng bởi tôi cũng không biết bà cũng sẽ đến đón tôi nên không quá chờ mong, không thể là tính hụt hẫng. Dù sao cuối tuần này tôi cũng đã lên kế hoạch tĩnh tâm lại rồi chăm chỉ đọc sách, tuyệt đối không ngủ nướng nữa.

Có điều, nói đến quyết tâm, từ khi học mẫu giáo tôi đã luôn phải đấu tranh với trò này rồi. Tôi đã có rất nhiều lần quyết tâm. Hồi học cấp một, quyết tâm khi học tiết Mỹ thuật tuyệt đối không quên mang màu tô, buổi sáng bước qua cổng trường nhất định không được quên đeo khăn đỏ để không bị sao đỏ trực tuần bắt; lên cấp hai, tôi quyết tâm mỗi ngày chạy 1000 mét để tăng chiều cao, nửa tháng sau, bố mẹ tôi vội vội vàng vàng, cuống quýt cầm tờ báo về các kiến thức thường nhật đưa đến trước mặt tôi mà nói, Cảnh Cảnh đừng chạy bộ nữa, càng chạy càng lùn, tổn thương đầu gối. Tôi nói bố mẹ đừng có lo, con còn chưa bắt đầu chạy mà, con quyết định ngày mai bắt đầu chơi cầu long rồi.

Kết quả là bố đi mua cho tôi cây vợt rất đắt tiền, được làm từ chất liệu các-bon gì gì đó, và thế rồi sau đó nó bị vứt xó, được treo ngay sau cánh cửa phòng tôi. Nhớ lúc mới mua về, tôi hỏi bố mẹ một câu rất ngớ ngẩn, bố bị người ta lừa rồi hả, tại sao bố lại mua hai cái vợt đơn vậy, người ta toàn mua một đôi mà. Bố tôi thương xót nhìn cái vợt cao cấp của mình, dường như nhìn thấy kết cục tất yếu của nó.

Thế nhưng, kỳ thi cuối kỳ lần này là vấn đề sống còn, tôi không thể tùy tiện bỏ được.

Tối thứ Sáu, sau khi ăn xong, tôi rửa tay sạch sẽ rồi bắt đầu đi sắp xếp lại bàn học. Bàn học của tôi không hề nhỏ, nguyên nhân nó lôi thôi lếch thếch như thế này có lẽ cũng chính vì nó không nhỏ. Tôi chuyển tất cả những tờ đề thi, vở bài tập, tiểu thuyết và những đồ lặt vặt xuống dưới đất, sau đó chạy xuống nhà bếp lấy một miếng giẻ lau rồi bắt đầu lau bàn.

Bố tôi nghe tin chạy tới, hỏi tôi: "Con định làm gì đấy?"

"Lại lại từ đầu ạ!" Tôi lạnh nhạt trả lời.

Để thể hiện quyết tâm, tôi quyết định trở nên "ngầu" nhất có thể trong một khoảng thời gian. Bắt đầu từ việc nói ít hơn.

"Làm lại từ đầu á? Thế con dọn dẹp bàn học làm gì?"

Tôi cũng không biết. Tại sao mỗi lần vạch ra một kế hoạch làm người mới, bất kể là kế hoạch tổng thể hay kế hoạch cục bộ, tôi đều phải giày vò căn phòng của mình đầu tiên?

Tôi chuyển vào đây từ năm sáu tuổi, cũng được mười năm rồi. Phòng bếp dưới sự bảo vệ của bố mẹ vẫn sạch sẽ như xưa, chỉ có điều tường đều bị khói làm hoen ố thành màu nâu vàng. Căn phòng của tôi thoạt nhìn không rõ ràng như thế nhưng tôi luôn có cảm giác nó và tôi đã cùng chung dòng máu, mọi quyết tâm mới hình  thành trên đường về đã rõ ràng và mật thiết trong đầu, tất cả đều trở thành cũ rích khi ngồi trên chiếc ghế cũ trước bàn học. Trên đống giấy lộn xộn vẫn còn in hình ảnh tôi của ngày hôm qua, ướt nhèm nhẹp, bao nhiêu nhiệt huyết cũng không tài nào cháy nổi.

Cô Tề cũng ngó đầu vào phòng tôi, hỏi: "Cảnh Cảnh, cần cô giúp con không?"

"Không ạ." Tôi cũng không hề ngẩng đầu lên: "Cảm ơn cô, tự cháu làm được ạ."

Tôi cắn răng, vuốt phẳng từng tờ đề thi, chất thành một đống, sau đó gom toàn bộ dụng cụ học tập mà trước đây tôi tiện tay vứt bừa bãi lại. Đánh tiếc không phải tất cả đồ đạc đều ngay ngắn chỉnh tề, tôi lau mặt bàn xong và bắt đầu bày đồ đạc lên, cứ mải mê xếp đến nỗi mặt bàn sắp chật kín. Nếu lát nữa tôi học mà lại ném lung tung thì nó sẽ trở về trạng thái ban đầu thôi.

Tôi chống eo đứng ở giữa phòng, trong lòng bắt đầu thấy phiền. Nói về mảng chăm chỉ, nhẫn nại làm việc nhà thì tôi không có chút thiên phú nào, xem ra chỉ có thể làm một cô gái mạnh mẽ thôi.

Cái gì ấy nhỉ?

Tôi bỗng dưng tỉnh ngộ, hóa ra thiếu mất mấy hộp đựng.

Thời khắc ngẩng đầu lên nhìn bố, đến cả bản thân tôi cũng cảm nhận được cặp mắt mình đang phát sáng.

Bố tôi lấy tay day day hai bên thái dương, không hề nhìn tôi, chỉ nhè nhẹ thở dài một tiếng: "Có phải lại cần ít tiền không?"

Ông chỉ chờ để nói câu này, như một nhà tiên tri.

170.

Tôi từ chối kiến nghị hữu hảo của bố: Mai là thứ Bảy rồi, bố và cô Tề sẽ đi Walmart, đến lúc đó sẽ mua cho con mấy hộp đựng sách và kẹp sách về.

Lòng nhiệt huyết của tôi vốn chỉ là một ngọn lửa yếu ớt, sao tôi có thể dùng trận lũ mang tên thời gian để dập tắt nó?

Từ nhỏ tôi đã có tật xấu này, mẹ tôi gọi đó là "nghĩ ra là cho ra luôn". Bà ghét cay ghét đắng tật xấu này của tôi. Mỗi khi tôi muốn một thứ đồ gì, miễn là có thể nghĩ ra một lý do thì dù chỉ một giây cũng không chờ được, cứ luống cuống lên như lửa cháy đến mông rồi vậy. Mẹ tôi là một người hùng hổ, nhưng bà không tài nào hiêu nổi sự nóng vội của tôi.

Còn bố tôi lại luôn bênh tôi. Bố sẽ nói, con nó có nhiệt huyết thì để nó làm, nếu nó không kiên trì được nữa thì lần sau sẽ rút kinh nghiệm.

Thế nhưng tôi luôn không rút được kinh nghiệm gì, tôi đặc biệt thấy có lỗi với bố mình.

Bố tôi rất bất lực nhìn tôi đội mũ, quàng khăn rồi chạy xuống tầng, ông mở cửa chống trộm cho tôi. Lúc lướt qua người bố, không biết có phải do sự khoan dung không lời của bố tôi làm tôi cảm động hay không mà tự dưng tôi dừng lại, nói với bố, hãy tin con, lần này nhất định con sẽ thi tốt.

Người nhà tôi đều không có thói quen nói quá lên, trước đây tôi cũng chưa từng thề như thế này. Ngay cả nguyện vọng muốn tôi thi vào Chấn Hoa, tôi còn nghĩ ông sẽ vì việc nước mà quên tình thân, cho nên khi tôi nói một câu không đầu không đuôi như vậy đều khiến cả tôi và ông giật mình.

Bố tôi đột nhiên mỉm cười, nụ cười như thước phim quay chậm, không biết là do tôi hoa mắt hay là do ông thật sự cười như thế.

"Ừm, bố vẫn luôn tin con."

Tôi hơi bối rối, không biết nói gì, cứ cắm đầu cắm cổ chạy xuống dưới nhà.

Tôi dám chắc, bây giờ mình có bê cả cửa hàng văn phòng phẩm lên nhà thì bố cũng chẳng có ý kiến gì.

171.

Khi tôi mua kẹp sách, kẹp tài liệu, cặp và hộp nhựa chứa đồ về rồi dùng hết sạch, cả căn phòng chỉnh tề như mới, tôi...quyết định nghỉ một lát.

Lúc đó là 8 rưỡi, cho nên tôi đi xem ti vi một lúc, sau đó ngồi ở máy vi tính trong phòng khách chơi hai ván bài và nửa ván gỡ mìn.

Khi tôi đang chơi vui thì thằng bé Lâm Phàm bò từ sô pha sang, vừa nhìn màn hình vừa nói rất nhỏ: "Chị nghe em nói này, nhưng chị đừng quay đầu lại, bác Cảnh đang nhìn chị, chị đừng chơi nữa."

Tôi dừng lại, cái cổ mỏi nhừ.

"Còn nữa," nhóc đó càng nói nhỏ hơn: "Đừng click vào bên đó, bên đó có mìn."

172.

Gần như tức khắc, tôi vươn vai, giả vờ như chưa từng xảy ra chuyện gì, nói với Lâm Phàm: "Em chơi tiếp đi này, chị không giành với em nữa. Chị học cả ngày rồi, mệt quá. Thay đổi không khí chút, bây giờ nghỉ đủ rồi, chị phải đi học đây!"

Lâm Phàm nhanh chóng đưa mắt quét một vòng phòng khách, nói nhỏ với tôi: "Bác Cảnh đi rồi."

Tôi thở phào: "Chị phản ứng cũng nhanh đấy chứ?"

"Vâng." Lâm Phàm ra sức gật đầu: "Chỉ là kỹ năng diễn xuất kém, nghe quá già."

Thằng nhóc này sao thế nhỉ? Hư quá, lần đầu tiên gặp nhìn hiền khô như mèo con, hóa ra đều là giả hay sao?

Khóe miệng tôi giật giật, nhìn tên nhóc Lâm Phàm chiếm vị trí của tôi, gỡ sạch đống mìn mà tôi ngồi ú ớ gỡ cả ngày vẫn chưa xong, sau đó chơi trò bắn súng "Max Payne" mà nó mới cài đặt.

Khoảnh khắc đó, tôi có chút nghi ngờ không biết ban nãy bố tôi có thật sự ở cửa phòng khách nhìn tôi hay không.

Tên nhóc này giở trò với chị hả?!

Nhưng khi ngồi trước bàn học rồi, trong lòng tôi lại thầm cảm ơn nó. Vô số lần tôi đều bị thất bại ở bước này, dọn sạch phòng xong, tiêu hết tiền, sau đó...thì không có sau đó nữa.

Lần này nhất định phải có "sau đó".

Tôi cẩn thận từng li từng tí một lấy quyển vở ô li trong cặp ra, sau đó hưng phấn rút một tờ giấy Kraft vừa mới mua về và cẩn thận bọc nó lại.

Bìa của quyển vở ô li quá mỏng, sau khi bọc xong thực sự không tài nào dán thêm giấy Kraft nữa, chỉ cần mở ra, cả quyển vở như con ếch bị phơi da bụng sắp chết. Tôi ngẫm nghĩ liền lấy ghim cẩn thận ghim lại mấy chỗ bị thừa ra.

Dư Hoài sẽ lại cười tôi vì cái "bệnh hình thức" này chứ gì?

Nhưng, lần này không giống với việc bọc sách giáo khoa lần trước.

Dẫu thế nào cũng không giống.





Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro